Đôi điều về Tài Và Đức
Bác Hồ đã từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, khó chứ không phải là không làm được, khác hẳn với vô dụng.
Tài và đức là những phẩm chất khác nhau nhưng luôn luôn gắn bó mật thiết không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi tài năng đó không phục vụ cái chung mà chỉ mưu cầu lợi ích cho một cá nhân thì cũng trở thành vô giá trị. Con người ta không thể sống một mình, không thể tách rời khỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhân dân, nhân loại. Giá trị một con người được xem xét chính bởi tác dụng của cá nhân đó trong mối quan hệ với đồng loại. Người không có đức là người không quan tâm đến quyền lợi của người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ vun vén để có lợi cho riêng họ. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của tập thể thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người càng có tài mà kém đạo đức thì tác hại mang đến cho gia đình, xã hội càng lớn.
Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức, có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người nhưng không có kiến thức, năng lực kém thì những ý định tốt cũng khó trở thành hiện thực. Tài năng giúp con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, người ta trở nên ít có tác dụng trong đời sống con người. Rõ ràng là giá trị con người phải bao gồm cả tài và đức. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì con người mới trở nên toàn diện, mới đạt hiệu quả lao động cao và mới có ích cho mọi người.
Có thể nói chúng ta không thiếu những người tài nhưng chưa có nhiều những người dám tình nguyện, chấp nhận gian khổ để lao vào khó khăn cống hiến sức mình. Nói đến đây tôi chợt nhớ đến nội dung bài hát “Một đời người, một rừng cây” - Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai….
Có những người hôm nay dám chấp nhận khó khăn thiếu thốn để lao động, gầy dựng thì mới có những điều kiện tốt cho những thế hệ tài năng mai sau làm việc. Nếu ai cũng muốn đến nơi có điều kiện tốt để làm việc thì những nơi khó khăn ấy sẽ khó mà phát triển. Cái vòng lẩn quẩn của việc sử dụng nhân lực còn lâu mới được tháo gỡ.
Có người ví: Có tài mà không có đức thì như một chiếc xe hạng sang mà không có xăng, chỉ để ngắm. Có đức mà không có tài thì như loài hoa mẫu đơn có hương mà không có sắc. Theo cách nhìn của riêng bản thân tôi, tài năng của mỗi con người là không giới hạn, không ai mới sinh ra đã có tài cả, mà cái tài đó có được nhờ vào thời gian học hỏi, đúc kết, kiến thức là vô tận, nhưng bộ não của con người có giới hạn, vì thế hãy loại bỏ những điều không cần thiết để có thể chứa được những thứ lớn lao hơn. Chính những thứ tạp nham đang len lõi trong đầu chúng ta tạo nên cái đức ở mỗi người.
Không ai phủ nhận một người lãnh đạo là phải có tài, chính vì “Tôi” có tài “Tôi” mới được làm lãnh đạo. Nhưng mà, để thật sự trở thành một người lãnh đạo tốt, là một tấm gương tốt thì bản thân người lãnh đạo phải biết cách “đắc nhân tâm”, và điều này thì chỉ có đức độ của người lãnh đạo mới có thể làm được. Cái tài không chỉ thể hiện ở sự quản lý tốt, mà còn là cách thâu tóm lòng người về một mối. Không ai trong chúng ta không biết đến sự cai trị tàn độc đầy vũ lực của Nhà Tần, làm lòng dân đầy câm phẫn. Nhưng có khi nào mình tự hỏi, Tần Thuỷ Hoàng độc ác là thế, vì sao Lý Tư lại một lòng trung thành từ đầu chí cuối?
Người có tài sẽ được đời trọng dụng, có đức sẽ được người mến phục. Người có đủ tài và đức sẽ không mặc cảm, đố kỵ, luôn biết tự kiềm chế, nhân nhượng, bao dung người, biết lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của người để khuyến khích, tán dương khi người có điểm nổi bật thành công, hoặc để an ủi, giúp đỡ khi người gặp khó khăn, hoạn nạn.
Tài và Ðức rất cần thiết trong đời sống. Tài để quán xuyến công việc, để giải tỏa khó khăn. Ðức để hoàn thành trọng trách mà không kiêu ngạo, giúp người mà không phách lối, khoe khoang, không khắt khe xét nét người, không lấy mình làm khuôn mẫu bắt người phải làm theo, luôn bình đẳng và công bình với mọi người.