BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU
Bình giảng bài “Bạch Đằng hải khẩu” (Cửa biển Bạch Đằng) của Nguyễn Trãi.
Biển rung gió bấc thế bừng bừng,
Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng.
Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.
Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
Việc nước quay đầu ôi đã vắng,
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.
Nguyễn Đình Hồ dịch.
BÀI LÀM
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang phú – Trương Hán Siêu)
Bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” rút trong tập thơ “Ức Trai thi tập” hiện có 105 bài thơ chữ Hán. Trong “Nguyễn Trãi toàn tập” học giả Đào Duy Anh xếp bài thơ này vào số 45/105 bài.
Bạch Đằng là dòng sông lịch sử oai hùng. Năm 938 Ngô Quyền chém đầu tướng Hoàng Thao tiêu diệt quân Nam Hán xâm lược. Năm 981 Lê Hoàn đánh bại giặc Tống. Năm 1288 Trần Quốc Tuấn đại phá giặc Nguyên – Mông bắt sống Ô Mã Nhi. Nhiều nhà thơ đã viết về sông Bạch Đằng.
Bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng” ca ngợi sông Bạch Đằng hùng vĩ là mồ chôn quân xâm lược. Nhìn dòng sông, Nguyễn Trãi tự hào về cửa ải hiểm trở, tự hào về anh hùng hào kiệt, rồi lòng man mác bâng khuâng.
Bao trùm toànbài thơ là cảm hứng lịch sử, là niềm tự hào dân tộc. Bài thơ chữ Hán viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Ngôn ngữ cổ kính trang trọng, hàm súc.
Nguyễn Trãi đến thăm cửa biển Bạch Đằng với cánh buồm thơ lộng gió tâm hồn thi sĩ. Gió bấc thổi mạnh trên mặt biển. Hình ảnh “cánh buồm thơ nhẹ” là một nét vẽ thần tình và tài hoa:
“Biển rung gió bấc thế bừng bừng
Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng”.
Ngắm biển trời bát ngát mênh mông, nhà thơ xúc động miêu tả cảnh núi non, bờ bãi nơi cửa biển Bạch Đằng bằng hai nét vẽ ẩn dụ hoành tráng, cái cao cái thấp, cái gần cái xa, đăng đối gợi cảm:
“Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,
Gíáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”.
Núi nhấp nhô từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ. “Kình ngạc trong thơ cổ tượng trưng cho lũ giặc dữ; trong văn cảnh chỉ lũ giặc phương Bắc bị quân ta tiêu diệt trên Bạch Đằng Giang. Bờ bãi lớp lớp như giáo gươm (quân xâm lược) bị chìm gãy chồng chất lên. Cũng là hình ảnh ẩn dụ gợi tả sự thất trận của lũ giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên Mông thuở nào. Đây là hai câu thơ có hình tượng kỳ vĩ, hàm súc giàu chất liên tưởng, mang cảm hứng lịch sử oai hùng. Sông Bạch Đằng, cửa biển Bạch Đằng là tư địa quân xâm lược phương Bắc:
“Bạch Đằng một cõi chiến tràng
Xương phơi trắng đất, máu màng đỏ sông”
(Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Thơ trở nên sâu lắng trong suy tưởng. Nguyễn Trãi khẳng định quan hà hiểm yếu. Sông Bạch Đằng hiểm yếu do thiên nhiên sắp đặt ra. Cũng là nơi để bậc anh hùng dụng binh chống giặc, lập nên bao chiến công lừng lẫy: “Tiếng thơm đồn mãi – Bia miệng chẳng mon” (Trương Hán Siêu). Phép đối tạo nên vần thơ đẹp, ca ngợi núi sông hiểm trở, dân tộc Đại Việt có nhiều anh hùng hào kiệt:
“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,
Hào kiệt công danh đất ấy từng”.
Tên tuổi những anh hùng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn… bất tử với sông Bạch Đằng lịch sử.
Giọng thơ càng về cuối càng thiết tha sâu lắng. Đối cảnh mà sinh tình. Đến dòng sông nhìn cảnh mà nhớ bóng người xưa, lòng dạ cảm hoài bâng khuâng khôn xiết kể. Hoài niệm tạo nên chất thơ. Tự hào, nhớ thương, nghĩ về cái còn và cái mất, cái hiện tại và cái đã qua:
“việc trước quay đầu ôi đã vắng
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”.
Cũng nói về hồn thiêng sông núi, cũng nói về đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi sức mạnh Việt Nam mà Nguyễn Trãi chỉ nói về một cửa biển và một dòng sông Bạch Đằng. Mỗi chữ, mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh về cửa biển Bạch Đằng mà nhà thơ nói đến như nâng cao tầm vóc lớn lao của dân tộc để chúng ta yêu thêm sông núi Tổ quốc thân yêu, yêu thêm truyền thống anh hùng của dân tộc và tin tưởng vào tiền đồ xán lạn của đât nước muôn đời. “Cửa biển Bạch Đằng” là bài thơ kiệt tác tiêu biểu cho hồn thơ trang trọng hào hùng và tráng lệ của Nguyễn Trãi mãi mãi “lấp lánh sao Khuê”.
Nguồn: Ônthi.com