Bên bờ vực cái chết, người ta nghĩ đến hạnh phúc?

boy hp pro

New member
Xu
0
Ai giúp mình phân tích câu này của Kim Lân với: "Bên bờ vực cái chết người ta không bao giờ nghĩ đến cái chết mà chỉ nghĩ đến sự sống và hạnh phúc"
 
Ai giúp mình phân tích câu này của Kim Lân với: "Bên bờ vực cái chết người ta không bao giờ nghĩ đến cái chết mà chỉ nghĩ đến sự sống và hạnh phúc"

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực, có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với thuần hậu phong thủy ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay viết ngay tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Khi hòa bình lặp lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “Vợ nhặt" đã ra đời.

VỢ nHẶT.jpg

Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.
Trong một lần phát biểu, Kim Lân từng nói: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Và điểm sáng mà nhà văn muốn đem vào tác phẩm chính là ở chỗ đó. Đó chính là tình người và niềm hi vọng về cuộc sống, về tương lai của những con người đang kề cận với cái chết. Bằng cách dẫn truyện, xây dựng lên tình huống “nhặt vợ” tài tình kết hợp với khả năng phân tích diễn biến tâm lý nhân vật thật tinh tế và sử dụng thành công ngôn ngữ nông dân, ngôn ngữ dung dị, đời thường nhưng có sự chọn lọc kĩ lưỡng ấy, nhà văn đã tái hiện lại trước mắt ta một không gian nạn đói thật thảm hại, thê lương. Trong đó ngổn ngang những kẻ sống, người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ giữa tiếng hờ khóc và tiếng gào thét kinh hoàng của đám quạ.

Bằng tấm lòng đôn hậu chân thành, nhà văn đã gửi gắm vào trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý ấy và nhà văn đã để những số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phất phới cùng đám người đói phá kho thóc Nhật ở cuối thiên truyện.


Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng. Tình huống ấy là cánh cửa khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau khi miếng ăn của một người chưa đủ thì làm sao có thể đèo bòng thêm người này người kia. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỷ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn nhẫn, làm cho nhau đau khổ.

Nhưng nhà văn Kim Lân lại khám phá ra một điều ngược lại như ở các nhân vật như anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Chúng ta từng kinh hãi trước “xác người chết đói ngập đầy đồng”, “người lớn xanh xám như những bóng ma”, trước “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi ngây của xác người”, từng ớn lạnh trước “tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết” ấy nhưng lạ thay chúng ta thật không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và cả người vợ của Tràng nữa.

Một anh thanh niên của cái xóm ngụ cư ấy như Tràng, một con người - một thân xác vạm vỡ lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch, thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng biết bao nghĩa tình cao đẹp. “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào”, vậy mà Tràng vẫn đèo bòng thêm một cô vợ trong khi anh không biết cuộc đời mình phía trước ra sao. Tràng thật là liều lĩnh. Và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình. Điều ấy thật éo le và xót thương vô cùng.

Và dường như lúc ấy trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa đựng một ao ước thiết thực về sự đầm ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phờ tầm phào cho vui nhưng điều ấy cũng hé mở cho ta thấy tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ.

Như một lẽ đương nhiên, Tràng đã rất ngỡ ngàng, hắn đã “sờ sợ”, “ngờ ngợ”, “ngỡ ngàng” như không phải nhưng chính tình cảm vợ chồng ấy lại củng cố và nhen nhóm ngọn lửa yêu thương và sống có trách nhiệm với gia đình trong hắn. Tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tính.
Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc ấy như một cái gì đó cứ “ấm áp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến “Trong một lúc Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua”.


Và Tràng đã ước ao hạnh phúc. Mạch sống của một người đàn ông trong Tràng đã trở dậy. Hắn có những thay đổi rất bất ngờ nhưng rất hợp lôgich. Những thay đổi ấy không gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu thương hay sao?

Trong con người của Tràng khi trở dậy sau khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ. Tràng không phải là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một con người có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, “Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “Hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”. Hắn cũng xăm xắn ra sân dọn dẹp nhà cửa.

Hành động, cử chỉ ấy ở Tràng đâu chỉ là câu chuyện bình thường mà đó là sự biến chuyển lớn. Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hòa thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Rồi số phận, cuộc đời của hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi. Hắn tin thế.

Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước, trước sức mạnh của cách mạng. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình. Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện. Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho những khuôn mặt hốc hác u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên.

Từ con người chao chát chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là cả một quá trình biến đổi. Điều gì làm thị biến đổi như thế? Đó chính là tình người, là tình thương yêu. Thị tuy theo không Tràng về chỉ qua bốn bát bánh đúc và hai câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng nhưng chúng ta không khinh miệt thị. Nếu có trách thì chỉ có thể hướng vào xã hội thực dân phong kiến kia bóp nghẹt quyền sống con người.

Thị xuất hiện không tên tuổi, quê quán, trong tư thế “vân vê tà áo đã rách bợt”, điệu bộ trông thật thảm hại nhưng chính con người lại gieo mầm sống cho Tràng, làm biến đổi tất cả, từ không khí xóm ngụ cư đến không khí gia đình. Thị đã đem đến một luồng sinh khí mới, nguồn sinh khí ấy chỉ có được khi trong con người thị dung chứa một niềm tin, một ước vọng cao cả vào sự sống, vào tương lai. Thị được miêu tả khá ít, song đó lại là nhân vật không thể thiếu đi trong tác phẩm. Thiếu thị, Tràng vẫn chỉ là anh Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng thầm trong đau khổ cùng cực.

Kim Lân cũng thật thành công khi xây dựng nhân vật này để góp thêm tiếng lòng ca ngợi sức sống của vẻ đẹp tình người, niềm tin ở cuộc đời phía trước trong những con người đói khổ ấy. Và thật ngạc nhiên, khi nói về ước vọng tương lai, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời, người ta dễ nghĩ đến tuổi trẻ như Tràng và người vợ. Nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo vô cùng, tình cảm, ước vọng ở cuộc đời ấy lại được tập trung miêu tả khá kĩ ở nhân vật bà cụ Tứ. Đến nhân vật này, Kim Lân tỏ rõ ngòi bút vững vàng, già dặn của mình trong bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật.


Bà cụ Tứ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện nhưng nếu thiếu đi nhân vật này, tác phẩm sẽ không có chiều sâu nhân bản. Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào trong tác phẩm, Kim Lân đã cho chúng ta thấy rõ hơn ánh sáng của tình người trong nạn đói. Bao giờ cũng thế, các nhà văn muốn nhân vật nổi bật cá tính của mình thường đặt nhân vật vào một tình thế thật căng thẳng. Ở đó dĩ nhiên phải có sự đấu tranh không ngừng không những giữa các nhân vật mà độc đáo hơn là ngay chính trong nội tâm của nhân vật ấy. Bà cụ Tứ là một điển hình.

Việc Tràng lấy vợ đã gây một chấn động lớn trong tâm thức người mẹ nghèo vốn thương con ấy. Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà lâu nay và có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên bà cụ đã "cúi đầu nín lặng". Cử chỉ, hành động ấy chất chứa bao tâm trạng. Đó là sự đan xen lẫn lộn giữa nỗi tủi cực, nỗi lo và niềm vui nỗi buồn cứ hòa lẫn vào nhau khiến bà thật căng thẳng.

Sau khi thấu hiểu mọi điều, bà nhìn cô con dâu đang "vân vê tà áo đã rách bợt" mà lòng đầy thương xót. Bà thiết nghĩ "người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có được vợ". Và thật xúc động bà cụ đã nói, chỉ một câu thôi nhưng sâu xa và có ý nghĩa vô cùng: "Thôi,***** phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng".

Đói khổ đang vây lấy gia đình bà, cuộc sống của bà sẽ ra sao khi mình đang ngấp nghé trước vực thẳm của cái chết. Nhưng trong tâm thức người mẹ nghèo ấy, đói khổ không phải là vật cản lớn nữa. Đói rét thật nhưng trong lòng mà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương chân thành. Bà thương con, thương dâu và thương cho chính bản thân mình.

Bà cụ Tứ từ những nỗi lo, nỗi tủi cực về gia cảnh vẫn không ngừng bùng cháy lên ngọn lửa của tình người. Bà đã giang tay đón nhận đứa con dâu lòng đầy thương xót, trong tủi cực nhưng vẫn ngầm chứa một sức sống thật mãnh liệt. Chính ở người mẹ nghèo khó ấy, ngọn lửa của tình người, tình thương yêu nhân loại ấy bùng cháy mạnh mẽ nhất. Trong bóng tối của đói nghèo đang hùng hổ vây quanh, bà lão vẫn gieo vào lòng những con mình niềm tin về cuộc sống. Bà nhắc đến việc Tràng nên chuẩn bị một cái phên nuôi gà, rồi việc sinh con đẻ cái, bà lão nói toàn truyện vui trong bữa cơm ngày đói thật thảm hại. Bà đã đón nhận hạnh phúc của các con để tự sưởi ấm lòng mình.

Đặc biệt chi tiết nồi cám ở cuối thiên truyện thể hiện khá rõ ánh sáng của tình người. Nồi chè cám nghẹn bứ cổ và đắng chát ấy lại là món quà của một tấm lòng đôn hậu chất chứa yêu thương. Bà lão "lễ mễ" bưng nồi chè và vui vẻ giới thiệu: "Chè khoán đây. Ngon đáo để cơ". Ở đây nụ cười đã xen lẫn nước mắt. Bữa cơm gia đình ngày đói ở cuối thiên truyện không khỏi làm chạnh lòng chúng ta, một nỗi xót thương cay đắng cho số phận của họ song cũng dung chứa một sự cảm phục lớn ở những con người bình thường và đáng quý ấy.

Kim Lân bằng nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới trong đề tài về nạn đói. Nhà văn đã khẳng định ánh sáng của tình người thật thành công ở ba nhân vật. Điều làm chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất ở những thân phận nghèo đói, thảm hại kia.

Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và bà cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài không mới. Tác phẩm đã thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân - một nhà văn được đánh giá là viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.

( sưu tầm )
 
"Vợ nhặt" - khát khao hạnh phúc gia đình


Nếu đem triết lý: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” vào trong văn học thì Kim Lân là trường hợp thuyết phục nhất và tiêu biểu hơn cả. Ông thuộc lớp nhà văn trước cách mạng tháng 8-1945. Điểm đặc biệt là ông sáng tạo và trình diện trên văn đàn rất ít nhưng các tác phẩm của ông ngay từ khi mới ra đời đã được đọc giả đón nhận bằng cả trái tim mình. Các tác phẩm của ông đã nhanh chóng chiếm lĩnh tâm hồn người đọc lúc ấy, bây giờ và mãi mãi về sau một cách hoàn toàn thuyết phục. Một trong rất ít ỏi các tác phẩm ấy là “Vợ nhặt”. Câu chuyện viết về số phận người nông dân trước cách mạng tháng 8-1945. Họ phải sống trong cái đói quay quắt đến mức đe dọa cả mạng sống nhưng họ vẫn âm thầm mơ ước hạnh phúc riêng tư và trở nên nhân văn hơn, mạnh mẽ, cường tráng hơn bởi chính những ước mơ ấy.

Kim Lân là nhà văn của làng quê đậm đà bản sắc văn hóa Việt, với kiểu cư trú và sinh hoạt của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ông là nhà văn của những đồng lúa xanh bát ngát bao quanh lỹ tre làng rì rào gió, ân cần ôm ấp nếp tranh nghèo đã thăm thẳm vết thời gian. Thế giới nghệ thuật của ông là đồng ruộng, thôn xóm với những người nông dân gần gũi, một lòng, một dạ thiết tha với xóm làng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. “Vợ nhặt” viết về những con người ở xóm ngụ cư nhưng chủ yếu xoay quanh một tình huống bất ngờ và cách xử lý nó của gia đình “anh cu Tràng” in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Câu chuyện thành công và đạt được nhiều giá trị nghệ thuật, hiện thực và nhân đạo là nhờ Kim Lân biết sáng tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn...

Nói đến tình huống là nhắc đến hoàn cảnh có vấn đề, nảy sinh mâu thuẫn, đặt con người phải đối diện và nhất thiết phải giải quyết nó. Mâu thuẫn và sự xung đột là cơ sở, là căn cứ, là nguyên liệu, là tín hiệu thẩm mỹ cấp một để các nhà văn xây đựng tình huống truyện. Cuộc sống đang yên ổn bỗng đâu cái đói ập đến xóm ngụ cư theo bước chân của đoàn người kiếm ăn. Cả thôn xóm xác xơ càng trở nên tiêu điều, xám xịt và ảm đạm. Mọi người chỉ lo làm thế nào để sáng mai thức dậy vẫn còn được nhìn thấy nắng lên, trời xanh và chim hót... và vững dạ rằng mình vẫn sống. Đó chính là tình huống chung của người dân xóm ngụ cư. Tình huống riêng là tuy Tràng cũng rơi vào tình huống chung như mọi người nhưng Tràng đã tìm cách chống đói và trả lời cho câu hỏi “làm sao để sống qua ngày mai” là lấy vợ, mang về cho gia đình thêm một miệng ăn. Đồng nghĩa với việc Tràng đã chống lại cơn đói lòng bằng cách tăng cơn đói bụng, nghĩa là kéo cái chết sẽ đến nhanh hơn. “Tràng lấy vợ giữa mùa đói rét, người chết như ngả rạ làm xôn xao cả xóm làng”.

Trước tình huống ấy, người dân xóm ngụ cư đã phản ứng một cách đa dạng, với nhiều chiều hướng trái ngược nhau: Có người thích thú cười lên rưng rức, có người mỉa mai, có người thông cảm mà rằng: “Trời đất này còn rước cái của nợ về, không biết có nuôi nổi nhau qua cái thì này không”? Lũ trẻ nheo nhóc, ủ rũ trong các xó xỉnh thì bỗng lên tiếng trọc gẹo “Trông vợ hài”. Tràng là con người xấu xí, quai hàm bạnh ra với ý nghĩ dữ tợn, con mắt tương phản với khuôn mặt cứ gà gà trong hoàng hôn không chịu mở to nhìn đời, nửa như thức, nửa như mơ... Đã thế anh lại là người có nét dở hơi, thỉnh thoảng cười một mình, lẩm bẩm nói ra những điều mình suy nghĩ. Tràng lại là người nghèo hèn, sống ở xóm ngụ cư trong cảnh mẹ goá con côi... Với những điều kiện ấy thì đời Tràng là một số không to tướng. Không nhà cửa, không công việc, không tiền tài, không “nhan sắc”... Trong suy nghĩ của mọi người, Tràng không thể lấy được vợ. Thế mà bỗng nhiên lại có vợ, đã thế lại không cần phải lễ lạp “Nay xuống mai lên đứt cỏ mòn đường” mà con gái theo về nhà, đúng là số đào hoa.

Xét cho cùng, Tràng cũng không có ý định lấy vợ, chỉ vui miệng hò lên mấy câu trong lúc làm việc cho đỡ mệt nhọc: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò thì lại đây đẩy xe bò với anh nì.” Vô tình, câu nói ấy lại trở thành nhịp cầu cho người con gái bên kia sông vịn vào mà đến với Tràng. Đây chíng là mối tình sét đánh bàng hoàng, lưng lưng... Vì thế mà Tràng sống trong sự hoài nghi, lắm lúc hắn tự hỏi lòng mình như để kiểm chứng lại: “Thì ra mình đã có vợ rồi đấy ư”?

Hắn chỉ tầm phơ tầm phào mấy bận thế mà thành vợ thành chồng, thậm chí từ đêm tân hôn bước ra hắn thấy lơ lửng như vừa bước ra từ trong mơ. Thì ra mối tình ấy làm cho hắn thay đổi hẳn cả về thể chất lẫn tâm hồn: “Mắt hắn cứ phớn phở tự đắc”. Thế mới thấy sức mạnh nhiệm mầu của tình yêu, nếu không có tình yêu nhân loại sẽ trôi về đâu? Đây là tình huống bị động, éo le nhưng sung sướng, ngọt ngào...

Việc Tràng lấy vợ cũng làm cho người mẹ nghèo đã phải chịu nhiều đau khổ thực sự sửng sốt. Qua giây phút ngạc nhiên đến sững người ra, đôi mắt bà cụ Tứ bỗng nhèn ra khi thấy người đàn bà lạ gọi mình bằng “U”. Bà cụ nhận ra đó là con dâu mình, cụ chỉ biết cúi đầu, nín lặng dường như bao gian nan đau khổ trĩu nặng trong lòng người mẹ ấy. Đó là sự cúi đầu một cách tội nghiệp bởi người mẹ nào mà không thương con, không vui khi thấy con mình lấy vợ nhưng cụ chỉ biết cúi đầu chứ làm sao được trong hoàn cản éo le này. Cái cúi đầu ấy làm trào lên trong lòng người đọc nỗi buồn thương tràn ngập đối với người mẹ quê nghèo lam lũ.

Bà cụ vừa ai oán vừa xót thương, nhất là xót thương cho số phận thằng con trai mình. Vì “Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăm lên làm nổi, sinh con đẻ cái để mở mày mở mặt về sau”. Còn thằng con trai cụ phải tới lúc cái chết đang đe dọa hằng ngày mới lấy được vợ, mà thực ra là nhặt được vợ. Cái kiếp người như thế làm sao cụ Tứ không chua xót, không đau đớn “Cụ đau đớn xót thương cho chính bản thân mình là người mẹ mà không lo nổi cho con. Cả đời lam lũ, gian khổ cũng không giúp con mình thoát khỏi cảnh nhặt vợ. Còn nỗi đau đớn, xót xa nào hơn.”

Bao trùm lên nỗi ai oán xót thương của bà cụ Tứ là cả tấm lòng nhân hậu của người mẹ nghèo khi cụ nghĩ tới vợ Tràng và những đứa con của chúng về sau. Từ những suy nghĩ ấy tới những hi vọng, những lo sợ đan quện vào nhau. Thương con bà mẹ ấy hi vọng “May ra thoát khỏi cái thời tao loạn này, nếu ông trời bắt chết cũng phải chịu”. Thương con, những giọt nước mắt trào ra nhưng bà cụ cố giấu đi. Tất cả nỗi sợ hãi không thắng nổi lòng thương yêu của mẹ đối với những đứa con của mình. Bà trò chuyện với con dâu mình bằng tất cả lòng yêu thương, bằng những lời ôn tồn: “Thôi các con phải duyên, phải kiếp với nhau, U cũng mừng.” Vậy là người mẹ ấy không những bằng lòng mà còn mừng, sự mừng vui ấy át đi nỗi lo lắng. Người mẹ nghèo nói toàn chuyện vui mừng, hạnh phúc về sau. Nào là “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, nào là “Có ra thì con cháu chúng mày về sau”.

Thực ra bà cụ nói chuyện này chỉ vì thương con. Sự thực thì trong lòng cụ niềm vui quện với nỗi buồn, cái mừng xen lẫn cái lo, mừng rỡ và ngậm ngùi lẫn lộn... Đằng sau những lời an ủi, yêu thương trong thẳm sâu tâm hồn bà vẫn lo lắng: “Chắc gì chúng nó đã khá hơn bố mẹ chúng nó bây giờ”. Từ sâu thẳm trái tim nhiều khổ đau của người mẹ ấy vẫn dành cho con dâu nhiều yêu thương ấm áp. Cụ nhìn con dâu như vừa an ủi, vừa chiêu tiết cho người đàn bà theo không về làm vợ con trai cụ: “Lúc này kể ra có dăm ba mâm thì phải”. Chỉ một câu nói ngắn ngọn nhưng đầy đủ và chắc này có khả năng xóa mờ cái ranh giới xa lạ đầu tiên giữa mẹ chồng và nàng dâu. Câu nói ấy có khả năng sưởi ấm lòng người đàn bà theo không và giúp thị có đủ sức mạnh để vượt qua những hờn tủi trong lòng. Từ cái nhìn và cách xử sự nhân hậu, người mẹ không những chấp nhận con dâu trong hoàn cảnh khốn khó mà còn yêu thương, trân trọng con dâu mình biết bao nhiêu. Tình yêu thương ấy, khiến cho người đọc phải rưng rưng ngấn lệ.

Hình ảnh bà cụ Tứ vào sáng hôm sau, nhất là với bữa cơm nhà nghèo lần đầu đón con dâu vào ngày đói càng trở nên tội nghiệp tạo nên lòng cảm thông sâu sắc trong lòng người đọc. Từ khuôn mặt hớn hở, ta cứ ngỡ bà cụ đang ngập tràn niềm vui trong lòng. Bàn tay cụ cùng con dâu làm cho ngôi nhà rách nát trở nên quang đãng, gọn gàng hơn. Ta như nghe thấy tiếng nói, cười rộn ràng của bà cụ, cụ nói toàn chuyện vui, chuyện: “mua lấy một đôi gà và quay đi quẩn lại đã có một đàn gà con”. Cụ Tứ vui hay buồn, cảm xúc thật của cụ là gì, chỉ có cụ mới biết.

Ta chỉ nghe thấy cụ nói cười vậy thôi, không biết bao giờ mới có một đàn gà con. Chỉ biết rằng trước mắt là nồi cháo loãn đã hết... Cụ lại vui vẻ với người con dâu: “Tao có cái này hay lắm”. Giường như cụ muốn kéo dài niềm vui của những đứa con. Rồi cụ từ từ đi vào trong bếp, lễ mễ bưng ra một nồi nghi ngút khói, cụ gọi là “Chè khoán” cụ nói tiếp: “Chè khoán đấy, ngon đáo để”. Nhưng niềm vui mà bà cụ tạo ra chưa át được nỗi buồn trong lòng người “Vợ nhặt” thì cái vị cháo cám đắng chát, ngẹn bứ trong cổ họng. Bà cụ vẫn tiếp tục an ủi: “Xóm ta còn khối nhà chẳng có cám mà ăn”. Bằng tình yêu thương dành cho các con mình, cụ Tứ đã chắt lọc từ bao đau khổ của cuộc đời mình lấy niềm vui bé nhỏ nhóm lên ngọn lửa hạnh phúc cho những đứa con... Cuối cùng thì tình yêu, lòng nhân hậu đã hoàn toàn chiến thắng trước sự đói khát và cả cái chết gần kề. Tràng chấp nhận phải chiến đấu khốc liệt hơn với cái đói và cái chết để mở rộng vòng tay đón thị. Từ một người “đầu đường xó chợ”, thị bỗng có chồng, có mẹ, có một gia đình. Mẹ con bà cụ Tứ trở thành cứu tinh của thị... Bữa cơm với cháo cám thật thảm hại và cả cái đói, cái chết bị đẩy lùi mau chỉ còn lại tình yêu, niềm tin, niềm hi vọng và đặc biệt là những khát khao hạnh phúc cá nhân khi Tràng tưởng nhớ lại đoàn người với lá cờ đỏ rầm rập đi cướp kho thóc Nhật.

Hiện thực và nhân đạo là hai giá trị lớn của văn chương. Giá tri ấy được Kim Lân thể hiện sâu sắc qua một vài khoảnh khắc của cuộc đời với sự mô tả chân thật và tỉ mĩ. Điều này khiến cho truyện ngắn “Vợ nhặt” có sức lay động lòng người đến thế. Bao nhiêu tình yêu thương con người ẩn chứa trong ngòi bút Kim Lân đều dành cho việc thể hiện niềm khát khao hạnh phúc riêng tư cuối cùng đã chiến thắng.



( sưu Tầm )
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top