Ảnh hưởng Cung đình trong phong cách Huế .

Hide Nguyễn

Du mục số
ẢNH HƯỞNG CUNG ĐÌNH TRONG PHONG CÁCH HUẾ (1)

Hồi còn “quẹt mũi ngang”, khi được thầy tôi cho biết mười đôi đũa thờ trên bàn thờ là đũa kim giao, tôi khoái lắm,đem ngay việc ấy khoe ầm lên với lũ bạn thò lò mũi xanh cùng lớp và cùng xóm, ý hẳn nhà ta cũng có của quí! Bạn có biết tại sao không? Vì đũa kim giao có một đặc điểm “trứ danh”, không khoe được thì ấm ức lắm.

Về phía Tây Nam Huế, cách thị trấn Cầu Hai chừng 15km về phía Tây, sừng sững ngọn Bạch Mã với độ cao trên 1500m. Cựu Hoàng Bảo Đại với mấy ông Tây thuộc địa có thế lực đều có biệt thự nghỉ mát trên núi này. Nhưng Bạch Mã không chỉ nổi tiếng là nơi nghỉ mát tuyệt hảo với cảnh quang xinh đẹp mà còn nổi tiếng với cây kim giao. Đó là một loại cây không lớn, gỗ màu trắng ngà, khi khô, vừa nhẹ, vừa dai vừa cứng. Gặp chất độc, từ màu trắng ngà, gỗ ngã sang màu thâm đen. Các vua Nhà Nguyễn, lợi dụng ưu điểm này, đã dùng đũa kim giao đề phòng nạn đầu độc.

Chốn thâm cung thường có nhiều bí sử. Những gì xảy ra trong bốn bức tường cao của Hoàng thành (Đại Nội) quả là những bí mật hấp dẫn, và “chuyện trong Nội” một khi được truyền ra ngoài hẳn không thiếu phần thêm bớt màu mè, do đó khó mà biết đâu là hư, thực. Thế nên ngay cả đến việc ăn uống thường nhật của vua cũng dễ tạo thành huyền thoại. Tôi đã từng nghe bà ngoại tôi kể rằng vua chỉ dùng đũa kim giao mà thôi, mỗi bữa một đôi, dùng xong là vứt. Nồi nấu cơm cho vua cũng thế: mỗi bữa một cái om đất. Trong cái trí non nớt của tôi hồi ấy, hễ bà ngoại kể chuyện thì “hóng mỏ” lên mà nghe để còn đi kể lại với bạn bè cho oai, cần chi phân biệt thiệt giả. Vả chăng, trong cảnh sống nghèo nàn hồi ấy, cái kiểu ăn xong là vứt đũa, đập om, quả thật chỉ có vua mà thôi ! Mãi về sau, qua sách vở và qua những nhân chứng của một thời vàng son cung đình, nhất là thầy tôi, vị Nhất đẳng Thị vệ cuối cùng của Triều Nhà Nguyễn, tôi mới có thể tạm bằng lòng với những hiểu biết tương đối chính xác hơn, chẳng hạn, việc ăn uống hàng ngày ở chốn cung đình.

Triều Nhà Nguyễn, có hai bộ phận lo việc ẩm thực. Phụ trách nấu nướng cỗ bàn cho các yến tiệc và tế lễ, kỵ giỗ của triều đình là Lý thiện. Dân làng Phước Yên ở Thừa Thiên vốn nổi tiếng nấu ăn khéo, thường được chọn làm lính Lý thiện. Trong bốn con đường bao quanh Đại Nội hiện nay, có đường Lê Huân bọc ở phía tây. Đầu đường Lê Huân, phía Cột Cờ, có một con đường nhỏ mang tên Lý thiện. Đó là nơi ăn ở và làm việc của bộ phận Lý thiện ngày trước. Còn lo đi chợ và nấu ăn hàng ngày cho vua và tam cung lục viện là Thượng thiện.

Thượng thiện là đầu bếp riêng của vua và Hoàng gia nên phải ở gần vua để tiện phục vụ. Do đó, lính Thượng thiện được ở trong khu Tử Cấm Thành, là khu vực nghiêm mật nhất trong Đại Nội.

Ngoại trừ vua Bảo Đại – do chịu ảnh hưởng của văn hoá Tây phương nên đã sống chung với vợ con tại điện Kiến Trung – còn từ đời vua Khải Định trở về trước, vua sống ở khu vực riêng, không chung đụng với vợ con như dân dã.

Nói tới Đại Nội là nói tới cung điện. Khi nào gọi là cung, khi nào gọi là điện? Có người cho rằng về hình thức, cung điện chẳng khác gì nhau. Đó là loại kiến trúc kiểu cung đình, dài, to, cao, rộng (theo tiêu chuẩn Việt Nam xưa); chỉ khác nhau ở chỗ công dụng. Nhà dành cho phái nữ được gọi là “cung”; ví dụ Hoàng hậu ở cung Khôn Thái (Khôn là một quẽ trong Bát quái, thuộc Âm, chỉ về nữ, đứng đầu là Hoàng hậu). Còn “điện” là dinh thự dùng vào việc công, việc triều đình; ví dụ vua làm việc tại điện Cần chánh và ăn ở tại điện Càn thành (Càn là một quẽ trong Bát quái, thuộc Dương, chỉ về nam, đứng đầu là vua). Riêng tôi, căn cứ vào thực tế kiến trúc thì có thể thấy được rằng cung và điện khác nhau ở qui mô kiến trúc. Nếu điện là một kiến trúc độc lập [1] thì cung là một khu vực kiến trúc trong đó có điện, lầu. các, và nhiều cơ sở phụ thuộc khác.[2]

Ở đây, hãy nói về thời Khải Định. Hàng ngày, Thượng thiện đi chợ cho cả Hoàng gia nhưng chỉ đảm nhận việc nấu nướng cho riêng vua mà thôi. Thực phẩm mua về được phân phối cho tam cung lục viện, thị nữ sẽ lo việc nấu nướng cho các bà (Thái hậu, Hoàng hậu . . .) cho hợp khẩu vị từng người.

Thử lấy một bữa ăn của vua Khải Định làm điển hình. Thức ăn được sửa sọan tại nhà bếp (còn gọi là nhà trù, trù có nghĩa là bếp) của sở Thượng thiện. Cơm chưa nấu. Thức ăn nấu chín xong, được cho vào quả sơn son, để vào siễng [3] phủ khăn đỏ, có che hai lọng vàng và được lính Thượng thiện khiên vào điện Kiến trung. Ở đây có một nhà bếp. Lính Thượng thiện bấy giờ mới nấu cơm cho nóng, cùng hâm lại thức ăn để dọn lên. Cánh đồng An Cựu tuy nhỏ nhưng có tiếng vì có mười mẫu ruộng tốt nhất riêng cấy một loại lúa ngon gọi là lúa Nhe, gạo hạt nhỏ, cơm mềm và rất thơm, chỉ dành riêng cho Hoàng gia .
Về hình thức, mâm cơm của vua là một mâm giỗ, có đến ba mươi lăm món. Điễn lệ định rằng mâm cơm của hoàng đế phải có đủ “tam thập ngũ phẩm vị” (35 món). Bạn đừng vội la lên: một mình vua mà xơi đến 35 món, ăn chi hết. Ấy, Mao Trạch Đông đãi tiệc Tổng thống Nixon ở Nhân Dân Đại Sảnh có đến 90 món, thì đã sao? Cái hay là ở chỗ này: lính Thượng thiện có thừa thông minh để kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc và nhu cầu thực tế cùng sự tinh tế, mỹ thuật trong cách dọn mâm. Ba mươi lăm món không có nghĩa là ba mươi lăm món ăn. Thế nên chiếc dĩa để múi chanh với vài lát ớt là một phẩm vị; chiếc thìa sứ để trên dĩa cũng là một phẩm vị. Dầu vậy, ba mươi lăm món kể cũng hơi nhiều nên phải dọn ra mỗi thứ một ít, chứ không thể đơm đầy múc lớn như chốn dân gian. Chén dĩa toàn là đồ kiểu, mang chữ “Nội phủ” với hình rồng năm móng vẽ bằng men xanh. Rồng là biểu tượng của vua, có năm móng; rồng vẽ ngoài dân gian chỉ có bốn móng thôi, vi phạm điều này là một trọng tội ( Đây cũng là một dấu hiệu giúp người chơi đồ cổ phân biệt đồ sứ ngự dụng và đồ sứ thông thường). Đó là loại đồ sứ Giang Tây, được đặt riêng cho triều đình và hoàng gia. Khu vực Đông Ba, Gia Hội, Bao Vinh là nơi tập trung các thương nhân người Hoa. Triều đình muốn món hàng gì, gọi các nhà buôn có tiếng ấy đến, đặt hàng theo mẫu đã chọn. Đến mùa gió thuận, khi các thương nhân ở Quảng Đông, Phúc Kiến . . . sang buôn bán, sẽ nhận các mối này đem về đặt làm ở bên Tàu để kịp năm sau giao hàng.

Về đũa, không nhất thiết phải dùng đũa kim giao như bà ngoại tôi kể, cũng không phải đũa ngà bịt vàng hay đũa mun bịt bạc như người ta đồn đãi, mà chỉ là đũa tre thông thường, vì vua Khải Định thích như thế, có lẽ vì đũa tre nhẹ, dễ gắp. Mỗi bữa ăn, nhà vua sử dụng một đôi đũa và một chiếc tăm bông. Thầy tôi gom hai thứ này lại, đem về cho gia đình dùng, và nhờ vậy, hồi bé tôi đã được cái hân hạnh (?!) nhìn ngắm, sờ mó và sử dụng “đồ ngự dụng” phế thải. Tre cật già, lóng tre dài và thẳng, phơi thật khô, được bàn tay thiện nghệ của lính Thượng thiện chuốt vót, nên đôi đũa có dáng đẹp như một cặp dùi trống tiện bằng máy : láng bóng, nhẹ, cầm rất êm tay và gắp. . . hết trật.

Xin được mở một dấu ngoặc về cái được gọi là “tăm bông”. Không biết trong số các độc giả cao niên có vị nào còn nhớ loại tăm này không? Tôi nghĩ đó là sản phẩm phát xuất từ tục nhuộm răng. Chiếc tăm dài cở cây bút bi, có một đầu nhỏ giống đầu tăm thông thường dùng

anhhuongcungdinh.jpg

Vua Khải Định ngự thiện
Hình này chụp vào dịp vua Khải Định chủ tọa một tiệc khỏan đãi các quan lớn của triều đình Huế tại điện Cần Chánh trong lễ mừng sinh nhật thứ 40 của vua (Tứ tuần đại khánh). Vua ngồi riêng một bàn, các quan có bàn tiệc khác. Điều này cũng thể hiện trong bữa cơm hàng ngày.


để xỉa răng, còn đầu kia lớn bằng mút đũa, được người vót dùng sống rựa đập nhè nhẹ cho xơ đều và mịn, tỏa tròn như một đóa hoa vạn thọ. Tăm mà có bông nên được gọi là tăm bông (người Huế thường họi hoa là bông). Các cụ nhuộm răng đen, sau khi ăn cơm xong, xỉa răng uống nước sạch miệng, bèn dùng đầu bông chà sạch răng, rồi mới rõi lại hàm răng bằng thuốc xỉa cho hàm răng luôn được bóng đẹp, nhất là phái nữ. [4]

Việc vua ăn cơm được gọi là hoàng đế ngự thiện hay ngài ngự thiện. Vua ở riêng, không ăn chung mâm với vợ con. Ăn một mình không được vui, nghĩa là không được ngon cơm, nên luôn luôn có hai trực thần (quan trực) thuộc hàng đường quan (Văn từ tứ phẩm trở lên, Võ phải từ tam phẩm ) ngồi hầu chuyện vua cho vui bữa ăn, gọi là chầu thiện. Bảo vệ vua, hầu hạ vua trong từng miếng ăn giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày là Thị vệ. Vua ngồi trên sập sơn son thếp vàng hay ngồi tại bàn, cũng loại sơn son thếp vàng hay cẩn xa cừ, để dùng bữa. Hai trực thần chầu thiện ngồi chênh chếch đối diện, không gần quá để khỏi vô lễ nhưng cũng không xa quá để khỏi phải nói lớn khi đối thoại. Vua chủ động trong câu chuyện. Đó là một cuộc mạn đàm tự do, vua có thể hỏi họ đủ mọi thứ đề tài vua thích. Đối với các trực thần chầu thiện, nếu gặp người vua kính trọng hay có cảm tình đặc biệt, vua có thể mời họ ăn cơm. Đó không phải là ban yến mà là vua ban thiện. Đừng tưởng nghe vua mời ăn là xách ghế xê vào ngồi chung mâm, coi chừng mang tội khi quân. Theo lệnh vua, thị vệ sẽ gọi Thượng thiện dọn riêng cho trực thần một mâm khác tại một bàn khác.

Ăn xong, vua tráng miệng bằng gì? Không nhất định, mùa nào thức đó, và việc này do các bà Phi, Tần cung phụng chứ không phải do Thượng thiện lo. Âu đó cũng là một cơ hội tốt để các bà có dịp bày tỏ sự săn sóc cho chồng như đám dân dã thường làm.

Cơm xong, thị vệ dâng lên một khay lớn gồm các món tráng miệng như chè, mứt, bánh, trái cây. . . Tất cả được chế biến và trình bày với kỹ thuật và nghệ thuật thượng đẳng. Có khi vua không ban thiện, nhưng để tỏ lòng sũng ái, vua có thể chọn một món đặc biệt nào đó trong mâm tráng miệng để biếu vị quan trực thần. Đó là ngài ban ân. Quà tặng này, vị quan không phải cầm tay mang về. Món quà được để riêng ra; sau bữa ăn, thị vệ sẽ chuyển món quà đó cho Thượng thiện với chỉ thị rõ ràng. Lính Thượng thiện sẽ cho quà vào quả sơn đỏ, để trong siễng, phủ khăn đỏ, có lính che lọng xanh, khiêng đến tận nhà. Tại đây, vị quan đã có mặt với khăn áo chỉnh tề để đón nhận ân vua lộc nước, miếng nhỏ nhưng tiếng to.

Đừng nghĩ rằng mâm cơm nào của vua cũng toàn là nem công chả phượng. Cao lương mỹ vị ăn hoài cũng ớn, nên nếu vua tỏ ý thích thì những món bình dân và đặc Huế, như ruốc sả, dưa môn kho, dưa cải, rau muống luộc chấm nước tôm kho đánh, cá bống thệ kho khô v.v. cũng được dọn lên trang trọng trong tiêu chuẩn ba mươi lăm phẩm vị.

*

Hơn hai mươi lăm năm trước , một anh bạn người Cần Thơ bị “đì” ra vùng Hoả tuyến (Quảng-Trị-Thưà Thiên), đã có lần nói với tôi bên ly cà phê quán ông Tôn:

-Tui nói cái này anh đừng giận: người Huế các anh thiệt là cầu kỳ, anh thấy không ? Nhìn vào mâm giỗ, thấy tùm lum, không biết bao nhiêu món. Dĩa nọ chồng lên tô kia, ngó um sùm nhưng nói thiệt, có dĩa tui lùa vừa một miếng. Sao không múc cho đầy tô, dọn cho đầy dĩa như trong tui, có phải khỏe hơn không? Bày ra nhiều dĩa, nhiều chén, nhiều tô, rửa dọn thêm mệt. Cái gì cũng mỗi thứ một chút. Mấy con tôm với mấy miếng thịt kho rim cũng chiếm một dĩa. Năm miếng chả giò vuông như con cờ cũng làm một dĩa. Cái cùi dìa (muỗng, thìa) với mấy lát ớt cũng một dĩa. . .
Rồi lại còn mặc nữa. Giờ thì tui thấy cũng quen rồi, chứ hồi mới bị đổi ra đây, lần đầu tiên thấy bà bán xu-xoa đầu đội nón, vai gánh hàng, chân đi đất mà mặc áo dài, tui nhín cười muốn chết. Trong tui, như anh thấy đó, có dịp chi long trọng mới mặc áo dài, chứ còn làm ăn buôn bán, chợ búa . . . thì cứ bà ba cho khỏe. Nói năng thì lễ phép quá chừng. Lần đầu tiên nghe nói “thưa ba mạ thời cơm”, tui chưng hửng không hiểu. May mà tui chưa dính cô nào ở đây. Bộ này làm rể Huế chắc mệt.”

Quả thật tôi không những không giận anh bạn người Cần Thơ mà lại còn biết ơn là đàng khác, bởi vì những thắc mắc dễ thương của anh đã đánh thức trong tôi sự suy nghĩ về cái điều từ bao lâu nay quen thuộc quá, đến độ xem như một điều tự nhiên, bình thường, mà sự thật, không bình thường chút nào.

Hãy nhìn lại quá khứ một chút. Từ nghiệp Vương cho đến nghiệp Đế, ngoại trừ mấy mươi năm gián đoạn, là thời họ Trịnh và Tây Sơn làm chủ, Nhà Nguyễn đã ngự trị trên đất Phú Xuân hơn 400 năm (1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa; 1945, vua Bảo Đại thoái vị). Ngay từ buổi đầu, để chứng tỏ sự độc lập của mình trên giang sơn mới, các chúa Nguyễn đã canh cải nhiều mặt chẳng hạn tổ chức cai trị, quan chế, thi cử, thậm chí đến cả cách ăn mặc. Bên cạnh những cái chung đó, không thể không có cái riêng. Đó là việc tạo cho dòng họ những đặc quyền nhằm mục đích vừa hưởng thụ vừa gia tăng giá trị để củng cố uy quyền. Đó là mới nói thời các chúa; đối với các vua sau này, khi giang sơn thống nhất một mối, việc tô bồi củng cố phong cách cung đình cho đặc biệt hơn, cho ra vẻ đế vương hơn, chắc chắn phải có. Mâm cơm thường nhật với 35 phẩm vị là một điển hình nhỏ.

Dẫu rằng thành cao hào sâu quả có ngăn cách cung đình với cuộc sống dân gian nhưng không phải vì thế mà phong cách sống này không lan tỏa ảnh hưởng ra ngoài. Chính tầng lớp quí tộc gồm gia đình các quan lại, các quận chúa, công chúa xuất giá, các ông hoàng tới tuổi trưởng thành được phép ra mở phủ riêng, sống gần với dân chúng v.v. là đầu cầu chuyển ảnh hưởng của lối sống cung đình ra dân gian.

Lịch sử tiến hóa chung của nhân loại đã chứng tỏ khuynh hướng của con người là hướng thượng, bao giờ cũng tìm đến cái tốt đẹp hơn để nâng cao cuộc sống vật chất cũng như tinh thần. Tầng lớp quí tộc khi du nhập phong cách cung đình vào trong gia đình họ, trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu của giai cấp, nhưng chính nhờ vậy mà phong cách này qua năm tháng đã thấm dần ảnh hưởng vào sinh hoạt của dân gian để trở thành nề nếp tự nhiên.

Cái mà tôi tạm gọi là “phong cách Huế” bao gồm mọi khía cạnh sinh hoạt hàng ngày của người dân Huế, biểu lộ qua cách ăn, mặc, ở, ngôn ngữ, cư xử v.v. tạo thành một nét riêng, không lẫn vói các miền khác của đất nước. Thắc mắc dễ thương của anh bạn ngày nào có thể hiểu được khi phóng chiếu hình ảnh mâm cơm 35 phẩm vị của vua lên trên mâm giỗ (cổ kỵ) của dân gian.

Tại sao lại là mâm giỗ mà không phải là mâm cơm thường nhật? Phải thấy rằng đó là một sự phóng tác rất sáng tạo, vừa sát với hoàn cảnh kinh tế, vừa bày tỏ được lòng tôn kính đối với tổ tiên mà không phạm thượng đối với vua, đồng thời cũng thỏa mãn được khuynh hướng nâng cao phẩm chất cuộc sống.

Nói thế không có nghĩa là chỉ thấy ảnh hưởng của cung đình trên mâm giỗ. Trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng này cũng bàng bạc trên từng mâm cơm gia đình, chỉ có khác là tầng lớp xã hội càng cao thì ảnh hưởng càng rõ. Chẳng hạn, đối với món đơn giản nhất là rau muống luộc, có nhiều gia đình không những chọn rau ngon, luộc cho xanh mềm đã đành, mà khi dọn ra dĩa, ngọn rau còn phải được tướt hai ra để cho cọng rau trở thành mềm mại, ngon mắt và dễ ăn hơn. Giá làm dưa cũng thường được ngắt đầu ngắt rễ để cho nước dưa được trong và không nổi bọt, chứ không phải chỉ đơn giản rửa sạch vỏ đậu là xong.

Một ông Bang tá hồi hưu, đến hồi sa sút vẫn thường phe phẩy quạt giấy đến nhà bạn mở hội tổ tôm, tài bàn. Có bữa mãi vui cuộc chơi, quên cả giờ cơm. Bà vợ già dành phần cho chồng bằng một mâm cơm rất tươm tất, gồm năm món, dọn trên chiếc mâm đồng bóng loáng, che lồng bàng cẩn thận. Năm món đó là:

-Dĩa rau muống luộc,
-Chén nước chấm,
-Tô nước rau luộc với mấy trái cà chua ta nổi bập bềnh.
-Dĩa dể cái muỗng, múi chanh và hai trái ớt xanh,
-Dĩa rau muống xào tỏi.

Rõ ràng là tất cả có năm “phẩm vị” nhưng chung qui cũng rau muống thôi. Thiệt chỉ có Huế, Huế của ngày xưa.

Thật ra, vấn đề ảnh hưởng cung đình trong phong cách Huế là một đề tài không nhỏ, đòi hỏi một sự nghiên cứu sâu rộng, bao gồm nhiều khía cạnh sinh hoạt, như đã nói qua ở trên, trong khi bài này chỉ mới nói đến chuyện ăn mà thôi và rất khái quát. Xin coi đây chỉ là những nét phác thảo, chấm phá, có tính cách gợi ý. Có dịp sẽ xin gợi ý tiếp về ảnh hưởng cung đình qua ngôn ngữ, y phục. . .


Võ Hương-An
San Jose, 7-1992



[1] Ví dụ điện Thái Hòa, vác các điện khác trong Tử Cấm thành, như Cần Chánh, Văn Minh, Đông Các v.v.

[2] Ví dụ trong khu vực cung Diên Thọ có tòa nhà chính là điện Thọ Ninh, nhà Tả Trà, lầu Tịnh Minh, Trường Du tạ, Phúc Thọ am v.v

[3] Một đồ dùng đan bằng tre, to bằng cái nong, đường kính chừng 2m, có thành cao khoảng 10cm, co quai dài, hai người khiên bằng đòn. Thượng thiện và Lý thiện dùng siễng để chuyển tải đố ăn từ nơi này qua nơi khác.

[4] Trong lần xuất nản trước, chúng tôi nói rằng người ta dùng đầu bông để chà sạch răng và nhúng vào thuốc xỉa để rõi lại răng cho đẹp. Theo cụ Trần Trọng Phúc, một nhân sĩ lão thành của Huế, nói vậy không đúng, Đầu bông chỉ dùng để chà sạch răng mà thôi. Người viết xin sửa lại theo cụ Phúc.


*********


Nguồn : nhohue.org (?).
 
Huế của một thời
ẢNH HƯỞNG CUNG ĐÌNH
TRONG PHONG CÁCH HUẾ (2)
hue-vietnam.jpg


Khó mà xác định đến thời điểm nào thì hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh với mái tóc thề, chiếc nón bài thơ và tà áo trắng đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ Huế, mang đặc tính tượng trưng gợi cảm chẳng khác gì sáu nhịp cầu Trường Tiền mềm mại, dòng sông Hương lặng lẽ và tháp Thiên Mụ cổ kính soi bóng lung linh.


Hẳn hình ảnh duyên dáng yêu kiều và nên thơ đó không phải được hình thành do một quyết định của Bộ Giáo Dục, buộc học sinh trung học nam nữ phải đồng phục, như người ta có thể nghĩ một cách đơn giản. Có lẽ nó phải được kế thừa từ một phong cách Huế, thắm đậm từ hàng trăm năm, làm cho người phụ nữ Huế, trong một thời quá khứ không xa, dù giàu hay nghèo, nhàn du hay buôn gánh bán bưng, cũng khoát chiếc áo dài trên mình khi bước chân ra đường.

Anh bạn người Cần Thơ của tôi lần đầu tiên bước chân đến Huế đã “nhín cười muốn chết” khi thấy bà bán xu-xoa vai gánh hàng, mặc áo dài, mà . . . chân đất ! Đó là một hình ảnh đầy vẻ cầu kỳ và mâu thuẩn của người Huế so với lối sống bình dị của người miền Nam. . . Mặc dù trí nhớ ngày càng tồi tệ với thời gian, nhưng một trong những hình ảnh thời thơ ấu còn in đậm trong ký ức tôi trên đất khách này là mụ Mì và mụ Ngãi.

Mụ Mì là một người đàn bà tứ cố vô thân, sống trong một căn lều xiêu vẹo sau lưng lầu Ông Hoàng Tùng Đệ . Mụ sinh nhai bằng nghề nói vè: Vè Thất thủ Kinh đô, Vè Cô Thông Tằm, Vè Mụ Đội. . . Hàng ngày, với cặp sanh bằng gỗ trắc lên nước bóng như mun, mụ bước dò dẫm khắp mọi nẽo đường của Huế để nói vè, kiếm vài xu độ nhật. Giọng mụ khàn khàn, khi phải lên giọng diễn tả, cả con người ốm o của mụ rướn lên cùng cặp mắt trắng dã, đã phụ họa hữu hiệu vào tình tiết câu chuyện bi thảm và làm cho nước mắt người nghe khó mà ngăn được tuôn trào. Bà ngoại tôi và mạ tôi đã đổ nước mắt như thế không biết mấy lần, dù nội dung câu chuyện đã được các bà thuộc nằm lòng. Tôi gọi đó là những giọt nước mắt nuôi sống mụ Mì. Dù cơ cực như thế, dù làm nghề hát dạo của một kẻ ăn xin, mụ Mì vẫn luôn luôn mặc áo dài, một manh áo dài vá chằm vá đụp.

Còn mụ Ngãi, có khá hơn mụ Mì một tí, ở ngay trong xóm tôi, và vốn liếng sinh nhai là đôi triên gióng, chiếc đòn gánh lên nước và mấy cái mẹt và mũng đựng nào me, ổi, đào, sấu, khế ngọt, sim, hột móc, hột sót . . . mùa nào thức nấy, cung cấp quà vặt cho bọn thò lò mũi xanh “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”. Tứ thời bát tiết, mụ Ngãi cũng áo dài . . . chân đất. Thậm chí đến mấy o, mấy chị làng Chuồng hay Cửa Thuận, người tanh rình, gánh cá chạy ào ào, làm đày và chửi rất ngọt, mồ hôi mồ kê tùm lum . . vậy mà cũng áo dài.

Chế độ phong kiến nào cũng tạo ra đẳng cấp với sự phân biệt về đặc quyền đặc lợi trong đời sống, vì đó là một nguyên tắc phải có nhằm mục đích duy trì quyền uy của chế độ và sự hưởng thụ của người ngồi trên. Những đặc quyền đặc lợi đó được thể hiện rõ rệt trong ở trong lối ăn, mặc và ở. Giai cấp quan quyền, ngoài phẩm phục vua ban, họ còn có khả năng may mặc với lụa là gấm vóc, chế tác theo sở thích trong khuôn khổ của luật pháp. Các bà có chồng làm quan, dĩ nhiên cũng được thơm lây, được sắc phong tùy theo chức tước và địa vị của chồng, từ đó có những quyền lợi phụ thuộc đi kèm. Chiếc áo “mạng phụ” (mệnh phụ) của các bà cùng với chiếc khăn vành về sau đã được phóng tác và phổ biến trong xã hội qua chiếc áo cưới khoác ngoài và cái khăn vành rây đội đầu của các cô dâu ngày nay. Những gì về ăn mặc đã được vua qui định, dĩ nhiên không ai dám vi phạm, nhưng không cấm được những chế tác mô phỏng từ những qui định đó để làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn. Chẳng hạn, phụ nữ vào các dịp lễ lạc, không phân biệt giai tầng, nếu có điều kiện tài chánh vẫn diện được áo “mớ hai mớ ba” như ai. “Mớ hai” là mặc hai lớp áo dài, “mớ ba” là ba lớp. Các bà chọn màu theo “gam” các bà thích và bảo thợ may các áo đó cùng một lần. Vì sao? Vì các áo đó phải mặc chồng lên nhau và các màu sắc phải được phô bày nên thợ phải đo may một lần mới tính toán được. Áo trong bao giờ cũng hẹp và ngắn hơn áo ngoài để khi mặc vào các lớp áo ôm sát nhau và khi bước đi, những tà áo theo bước chân phe phẩy khoe màu theo thứ lớp, trông đẹp mắt và khác lạ hơn người.

Áo mớ hai, mớ ba, áo gấm, áo mệnh phụ hay bất cứ loại áo đẹp nào cũng phải đi với quần “xếp con”, là loại quần có hai ba đường xếp nhỏ, rộng độ năm sáu ly, chạy hai bên hông. Đường xếp chạy dọc từ lưng xuống lai. Hai tà áo gặp nhau vừa đúng đường xếp của quần.

mangphu2.jpg

Khăn vành và áo mạng phụ, tiền thân
của khăn và áo cưới của cô dâu ngày nay.
Phụ nữ Huế bình dân còn có một kiểu áo dài khác rất sáng tạo, đó là “áo nối khoác”. Cơm ăn và áo mặc là hai vấn đề bức thiết trong cuộc sống, nên càng tiết kiệm càng tốt. Thế nên khi các bà có áo dài rách vạt hoặc rách vai, rách cổ, thấy chằm vá cũng kỳ mà bỏ đi thì phí của trời, vậy nên các bà mới đem nửa dưới lành lặn của cái này chắp với nửa trên lành lặn của cái kia, tạo thành một chiếc áo mới với hai màu sắc khác nhau, có khi rất nhã. Diễn tả như thế, bạn đọc cũng đã hiểu được chữ “nối” trong “áo nối khoác” là gì. Thế còn “khoác” là gì? Đây không phải là một từ đệm, nó có một nghĩa ngang hàng với “nối”.


Như đã nói, mặc áo dài ra đường là phép lịch sự tối thiểu của phụ nữ Huế, bất kể giàu nghèo sang hèn. Tỏ ra lịch sự, nề nếp, con nhà, là điều cần thiết, dù ăn rau ăn mắm đi nữa, nhưng . . . thiệt tình mà nói, đôi lúc cũng phiền toái. Bước ra đầu xóm hỏi thăm chút việc, ra quán đầu ngõ chờ cá Cửa Thuận gánh lên, bước qua nhà bà Cửu cách có ba nhà để xin ít lá chanh nướng thịt . . . mà cũng mặc nguyên chiếc áo dài sao? Có vẻ long trọng quá! Đã thế, tiết hè oi ả, có việc gì quan trọng để phải chịu cực hình trong chiếc áo dài như thế ? Trong những trường hợp đó, chiếc “áo nối khoác” thật là thích hợp: quơ vội cái áo, các bà khoác lên mình, không xỏ tay, chỉ cài một khuy cho chiếc áo khỏi rơi, và cứ thế ung dung dạo xóm, vẫn giữ được phép lịch sự mà không thiếu thoải mái! Trong ý nghĩ “cù lần” của tôi, chiếc áo nối khoác này là một sáng tạo có giá trị như giá trị sáng tạo của món cơm hến.

Hình như cơm hến được chế tác trong mục đích tiêu thụ cơm nguội của tối hôm trước với vật liệu sẵn có trong tầm tay: ruốc, mỡ hẳn là luôn luôn sẵn có trong nhà; môn bạc hà, bắp chuối, rau thơm, ớt tươi . . . có sẵn sau vườn. Chỉ cần chịu khó đợi “con mệ bán hến” đi ngang ngõ là có đầy đủ thành phần cho một bữa ăn khoái khẩu. Không có một sáng tạo nào vừa tiết kiệm lại vừa có tính nghệ thuật cao tuyệt vời đến thế, vừa vị nghệ thuật vừa vị nhân sinh. Cái áo nối khoác ra đời cũng trong điều kiện tương tự.

Sau năm 1975, với “nếp sống văn minh” thể hiện từ những “đỉnh cao trí tuệ”, tà áo dài chợt biến đi như một quá khứ. Trong một lần đi quét vôi thuê cho một gia đình nọ để chuẩn bị đám cưới, tôi đã được nghe một mẩu đối thoại lý thú giữa hai bà sui về chiếc áo dài truyền thống.

Bên đàng gái ở Huế, thuộc gia đình “có công với cách mạng”. Đàng trai gốc Quảng Bình, bà mẹ là một cán bộ trung cấp làm việc tại Hà Nội, có con trai vào làm việc ở Sàigòn và gặp người yêu ở đó. Cả hai dẫn nhau về Huế, đón mẹ từ Hà Nội vào để làm lễ cưới.

Bà sui gái:

-Chị có đem theo áo dài không?

Bà sui trai:

-Chị nói áo dài gì cơ?

-Thì áo dài để mặc vào các dịp lễ như cưới hỏi như ri nì.

-Ồ, làm gì có. Loại áo đó xưa rồi, ở ngoài ta họa may chỉ có mấy bà cụ già bảy tám mươi mới còn có loại áo đó. Bây giờ, nếp sống văn minh, để tiện công tác, sinh hoạt, lễ lạc gì người ta cũng ăn mặc đơn giản thôi.

-Ở ngoài đó thì được, chớ ở đây cưới hỏi như ri mà mặc rứa không được mô, bà con người ta cười chết. Thôi, chị cở người cũng bằng em . . .chị coi cái mô mặc vừa và ưng ý thì lấy để mai mốt mặc khi làm lễ. Ở mô thì phải theo phong tục ở đó, làm không giống ai, thiên hạ người ta cười, em chịu không được mô.

-Ồ, ồ, hay nhỉ. Mà làm sao chị có nhiều áo dài đẹp thế ?

Câu chuyện xảy ra vào mùa hè 1985. Cũng may nhờ có “đổi mới tư duy” nên nay chiếc áo dài truyền thống đã sống lại, nếu không, nghề may áo dài chừng mươi năm nữa thì tuyệt giống và các nhà dân tộc học quốc tế hẳn sẽ khổ công tìm kiếm cái gọi là quốc phục của một nước có hơn bốn ngàn năm văn hiến!


Thành ngữ “ăn Bắc mặc Kinh” phổ biến khắp mọi miền, ai cũng biết. Chữ “Ăn” với nghĩa là “nói năng” hay “ăn uống”, người ta vẫn còn bàn cãi, chưa ai chịu ai, nhưng “mặc Kinh” thì ý nghĩa đã quá rõ ràng, hiển nhiên. Do ảnh hưởng của lối sống cung đình, việc ăn mặc ở chốn kinh đô đã trở thành một tiêu chuẩn thời trang chẳng khác gì thế giới khi hướng về thời trang Paris hay New York.

Vua Minh Mạng, sau cuộc kinh lý miền Bắc (ngự giá Bắc tuần, 1821), thấy lối mặc váy của phụ nữ ngoài đó không được nhã, đã hạ chiêu bắt phải thay đổi cách ăn mặc. Dư luận nhao nhao lên phản đối, phản ảnh qua bài ca dao sau :


Tháng Tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi, thì phải lột quần chồng, sao đang?
Có quần thì ra đứng đàng,
Không quần, về đứng đầu làng trông quan.


Cũng may là con người có ý hướng hướng thượng, dần dà rồi cũng hiểu ăn thế nào là ngon, mặc thế nào là đẹp, và dù phản đối, dần dà rồi chiếc váy sồi dày như mo cau kia cũng lui về quá khứ, nhường chỗ cho chiếc quần dài tha thướt, hài hoà với chiếc áo dài xinh đẹp, làm tôn giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Trong tiến trình làm đẹp cho dân tộc, Huế không dấu diếm niềm hãnh diện mở đường. Nếu bài thơ “Áo lụa Hà Đông” đã đưa Nguyên Sa vào lịch sử văn học thì người dân Huế cũng biết ơn nhạc sĩ Hoàng Nguyên với “Tà Áo Tím”. Màu “Tím Huế” đã trở thành một đặc trưng của Huế mơ màng và trầm mặc. Tạ ơn đời, ngày nay những tà áo trắng đã sống lại bên bờ sông Hương, nối lại một truyền thống tưởng như đã mất hẳn kể từ cái năm 1975 đó.

O

Nếu ảnh hưởng cung đình trên cách ăn mặc nặng về phong thái hơn là vật chất thì xem ra ảnh hưởng này trên ngôn ngữ có vẻ phong phú hơn. Hẳn là vì “lời nói không mất tiền mua” và giai tầng nào cũng có thể đóng góp vào sự phong phú đó một cách dễ dàng, tùy nhận thức và cảm tính. Theo thiển nghĩ, cung đình đã ảnh hưởng trên lối nói của người Huế qua hai yếu tố tác động: sự bắt buộc phải kiêng húy và sự phân biệt đẳng cấp qua ngôn ngữ.


Nhớ hồi còn bé, anh chị em chúng tôi nhiều lần bị bố mẹ la rầy là “đồ bất hiếu”, “đồ vô lễ”, chỉ vì trong lúc nói năng không kịp suy nghĩ trước sau đã phạm vào “trọng húy”, dùng những chữ trùng tên ông bà nội, ông bà ngoại hoặc các bậc trưởng thượng khác. Ôi, biết bao kiêng cử phải theo, làm sao mấy đứa nhỏ nhớ cho xuể: nào kiêng tên ông bà, tổ tiên, nào kiêng tên vua chúa, nào kiêng tên thần hoàng, khai canh . . . Cô em tôi sinh ra, được đặt tên là Xuân Minh, trong nhà thường gọi tắt là Minh. Tôi nhớ rằng cái tên Minh được gọi đâu chừng bốn năm tháng thì thầy mẹ tôi bảo cả nhà từ nay phải gọi tên em là Miên. Tôi hỏi mẹ: “Tại răng lại đổi tên em? Tên Miên nghe dở ỏm”. Mẹ tôi cho biết là cậu tôi đề nghị đổi tên, vì tên Minh trùng với tên của một bậc trưởng thượng bên ngọai, đang còn sống. Rút kinh nghiệm đó, khi nhà tôi có thai đứa con đầu, hai vợ chồng tôi chọn một loạt tên con trai và con gái, xong đưa danh sách cho thầy tôi duyệt. Những cái tên “phạm húy” được gạch bỏ, phần còn lại, chúng tôi cứ thế mà dùng đặt tên cho các con.
Vào nửa trước thế kỷ XX, khi ảnh hưởng của tư tưởng Tây phương chưa lấy gì làm sâu đậm, hầu như đại đa số người Việt, theo truyền thống, đã quan niệm rằng cái tên rất đáng trọng, nhất là khi địa vị người đó trong xã hội càng cao, hoặc khi người đó đã quá vãng. Gọi tên tục của người khác là một thái độ bất kính. Vì vậy, để tỏ sự kính trọng, phải kiêng tên người đó, chỉ được gọi bằng chức tước, địa vị hoặc thứ bậc trong gia đình mà thôi. Ví dụ, trước năm 1945, ở Huế và Quảng Trị, khi người ta muốn nói đến ông Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại của triều đình Huế trước 1932, thường gọi là “cụ Quận Phước Môn”, vì ông được phong làm Phước Môn Quận Công.

Trong các dịp ma chay, cúng giỗ, khi các thầy đọc sớ, điệp (nếu cúng Phật), thường ngân nga lên giọng, thế nhưng đến tên người quá cố, liền xuống giọng như thì thầm là để tỏ lòng tôn kính người đã khuất. Thời còn cắp sách đến trường tiểu học (cấp 1), ai trong chúng ta hẳn cũng đã hơn một lần bằng mọi cách bảo vệ cho được cái thông tín bạ (học bạ ) thầy cô phát ra chỉ vì không muốn cho đứa bạn ngồi bên cạnh đọc thấy tên cha mẹ mình, sợ có ngày nó đem ra chửi. Réo tên ông bà, cha mẹ của đối phương ra mà chửi là một thái độ mạ lỵ cùng tột. Ở trong dân gian mà còn thế, huống gì đối với tâng lớp thống trị đương quyền.


Triều đại nào cũng coi trọng sự kiêng tên của các vua chúa và điều này thường được thể hiện bằng luật pháp, nghĩa là bắt buộc mọi người phải thi hành. Hãy lấy một thí dụ về cái tên cửa Tư Hiền, một trong hai của biển của Thừa Thiên mà không một người Huế nào không biết. Nguyên cửa biển này đời Nhà Lê đặt tên là Tư Dung. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Lê, bèn ra lệnh đổi tên là Tư Khách. Khi Nhà Lê trung hưng, chiếm lại được Thuận Hóa, liền ra lệnh trở lại tên cũ là Tư Dung. Đào Duy Từ, khi theo chân nhạc gia từ Khánh Hoà ra Phú Xuân để mưu cầu một cuộc tiến thân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi), ghe của ông đã vào cửa Tư Dung để ngược dòng Hương đến kinh đô. Đối cảnh sinh tình, Đào Duy Từ đã sáng tác bài ca Tư Dung Vãn để ký thác tâm sự của kẻ chưa gặp thời. Nhiều người không rõ nguyên ủy, đã lấy làm lạ tại sao Đào Duy Từ vào cửa Tư Hiền mà lại gọi là Tư Dung? Cái tên Tư Dung tồn tại đến năm 1841 thì chấm dứt. Năm đó, hoàng tử Miên Dung lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu là Thiệu Trị (1841-1847). Gọi Tư Dung là phạm trọng húy, nên Bộ Lễ phải tâu xin đổi lại tên khác; cái tên Tư Hiền ra đời từ đó.


Thời trước, thí sinh dưới bất cứ triều đại nào cũng lấy làm lo sợ về việc phạm húy vì việc này sẽ dẫn đến những hậu quả lắm khi thật tệ hại. Trước mọi kỳ thi, những qui định về việc kiêng húy được thông báo cho thí sinh rõ và thầy nào dạy học trò đi thi cũng phải dạy kỹ điều đó. Tuy nhiên, vì phải kiêng húy quá nhiều, có khi nhớ không xuể, sơ sót vi phạm là thường.


Đến triều Nhà Nguyễn,xem ra việc kiêng húy càng trầm trọng hơn. Một ông vua Nhà nguyễn thường có năm tên:

-Danh tự: là tên tục, tên móc nôi, tên do cha mẹ đặt khi mới sinh ra.

-Ngự danh: là tên mới, nhận lãnh khi lên làm vua. Vua Minh Mạng (1820-1841 sau khi chọn 20 chữ có ý nghĩa hay, viết theo bộ Nhật (mặt trời), đã cho khắc vào Kim sách (sách đóng bằng những lá vàng dát mỏng, thay cho giấy) và qui định rằng khi một hoàng tử được chọn nối ngôi, sẽ không dùng tên cũ nữa, mà phải mang một tên mới, lấy theo thứ tự ghi trong Kim sách. Thừa mệnh Trời, nhận lãnh nhiệm vụ mới đầy thiêng liêng và cao cả, vậy phải có tên mới và phải tỏ ra xứng đáng với tên mới đó. Ấy là ý nghĩa của sự chế tác Kim sách.

-Niên hiệu: là tên của triều đại đương thời. Ví dụ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị . . . là niên hiệu.

-Thụy hiệu: là tên gọi khi chết, tên dùng để khấn khi cúng bái (tên cúng cơm). Khi vua băng hà, triều đình dâng thụy hiệu, nghĩa là đặt tên mới cho vua. Việc đặt tên mới cho người quá vãng là một việc phổ biến đối với mọi người (tên này sẽ được viết vào lá triệu ) chứ không phải là một đặc quyền của hoàng gia.

-Miếu hiệu: sau khi chôn cất xong, vua quá cố sẽ được thờ tại Thế miếu và Triều đình lại đề nghị một tên mới để thờ, gọi là miếu hiệu. Ví dụ vua Gia Long có miếu hiệu là Thế tổ Cao Hoàng đế, vua Minh Mạng là Thánh tổ Nhơn Hoàng đế.

Khi vua mới lên ngôi, Bộ Lễ có nhiệm vụ rà soát lại tất cả mọi địa danh trong nước, xem có nơi nào trùng tên với vua không. Nếu có thì phải dâng sớ đề nghị xin đổi tên mới, vì danh tự và ngự danh là trọng húy, tuyệt đối không được nói đến, vi phạm sẽ bị ghép vào tội khi quân, là một trọng tội theo pháp luật xưa. Quan hay dân có tên trùng với tên của vua cũng phải lo đổi gấp. Thậm chí, đối với các quan nếu có họ hay chữ lót trùng với tên vua mới cũng phải thay đổi. Khi hoàng tử Ưng Đăng trở thành vua Kiến Phúc (1884) thì dòng họ Trương Đăng, một thế gia vọng tộc ở Quảng Ngãi, phải đổi thành Trương Quang để khỏi trùng tên với vua.


Như vậy, cứ mỗi lần có vua mới, trong dân gian lại có thêm những chữ phải kiêng cử, không được nói tới, có nghĩa là phải sáng tác ra chữ mới để dùng. Cái tên của vua thiêng liêng cho tới nổi các sử thần không dám viết thẳng tên vua vào sử mà phải viết theo lối chiết tự, ai muốn biết thì tự ghép lại, sẽ đọc được đó là chữ gì.


Hẳn có người sẽ đặt câu hỏi: việc kiêng tên người đâu phải là một đặc điểm của Huế, bằng cớ là ở trong Nam, người ta kiêng tên ông Tả Quân Lê Văn Duyệt nên gọi “duyệt” là “dượt”, kiêng tên chúa Nguyễn Phúc Nguyên nên gọi “nguyên” là “nguơn”. Còn ở ngoài Bắc, người ta kiêng tên chúa Trịnh Tùng nên gọi “tùng” là “tòng” v.v. và v.v.
Vâng, chúng tôi cũng hiểu điều đó, nhưng điều cần lưu ý ở đây là Huế, chốn kinh đô, gần mặt trời, do đó việc kiêng húy càng được đặt nặng hơn các nơi khác. Trong việc kiêng húy này, giới nào phải chấp hành trước và chấp hành triệt để? Đó chính là giới quan lại mà Huế là nơi “thổ sản”. Chính phát xuất từ gia đình các quan lại mà ảnh hưởng lan vào quần chúng, một kiểu ảnh hưởng dây chuyền, như chúng tôi có dịp trình bày trong bài trước, khi nói về ảnh hưởng cung đình qua cách ăn của người Huế (Tiếng Sông Hương, Dallas,1992).

Thầy tôi vốn làm quan dưới hai triều Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945), hồi chúng tôi mới bắt đầu cắp vở đi học đã được dặn là phải kiêng húy của “hai ngài”, ngoài tên của các ông bà nội và ngoại. Vua Khải Định có tên là Bửu Đảo, vua Bảo Đại có tên là Vĩnh Thụy. Thế là chúng tôi phải gọi hòn đảo là “hòn cù lao”, gọi thụy là “thị”. Khi muốn nói “đảo ngược” thì phải nói là “trở ngược”. Thử hỏi lúc bấy giờ, dưới sự đô hộ của người Pháp, vua Việt Nam đã không còn thiêng như ngày trước mà còn đến thế huống hồ là vào lúc thịnh thời của đế chế.


“Hồng” đã được người Huế biến thành “hường” , “hoa” trở thành “bông”, vì vậy ngưới ta thì gọi là “hoa hồng” nhưng người Huế cứ là “bông hường”, chỉ vì kiêng tên vua Tự Đức (húy là Hồng Nhậm) và tên của của bà Hồ Thị Hoa, thân mẫu vua Thiệu Trị. Tỉnh Thanh Hoa trở thành Thanh Hóa và “trách nhậm” trở thành “trách nhiệm” cũng là thế.
O
Nếu có những chữ “đặc Huế” mà chúng ta có thể truy tìm được nguồn gốc của sự thay đổi như đã dẫn chứng đại khái ở trên thì cũng có những chữ đặc Huế khác mà chúng ta khó biết do đâu mà thành hình, ngoại trừ kết luận một cách chung chung là do vấn đề kiêng húy mà ra. Chẳng hạn người Huế thường gọi mẹ là “mạ”, có vùng gọi cậu mợ là “cụ mự”, gọi nước là “nác”, bản là “biển”, lạt là “lợt”, và ít khi phân biệt sự khác nhau giữa “màu” và “mùi”, v.v.

Sự kiêng húy quả có ảnh hưởng trên lời nói của người Huế, nhưng thực sự không mạnh mẽ và sâu xa bằng ảnh hưởng của vấn đề phân biệt đẳng cấp qua ngôn ngữ, phát xuất từ trật tự cung đình.


Do ảnh hưởng của truyện Tàu, của hát bội, cải lương, nên không ít người nghĩ rằng trong cuộc sống hàng ngày nơi cung cấm hẳn hoàng gia cũng gọi nhau như tiểu thuyết từng mô tả. chẳng hạn con gọi mẹ là “mẫu hậu”, mẹ gọi con làm vua là “vương nhi” v.v. Tôi cũng hơn một lần nghĩ như thế cho đến khi biết được sự thật. Hoàng gia Nhà Nguyễn gọi nhau khá bình dị nhưng trong sự bình dị đó vẫn hàm chứa tính cách vương giả. Chẳng hạn:

-Vua gọi mẹ (hoàng thái hậu) là ;

-Hoàng thái hậu gọi vua là Con hay Hoàng đế;

-Vua gọi hoàng hậu (hay Nhứt giai phi) và các thứ phi bằng ;

-Con gọi vua cha là Đức Cha;

-Cháu gọi bà là Đức Bà;

-Em gọi anh là Đức Anh (hay Đức Yên), gọi chị là Đức Chị;

-Hoàng gia và triều thần gọi vị vua đã quá cố (băng hà) là Đức Tiên Đế và các vị vua đời trước là Liệt Thánh.

Vua xưng với các quan là Trẫm hay Ta và gọi các quan là ngươi. Để tỏ lòng yêu mến thì gọi là khanh, hoặc tôn trọng hơn nữa thì gọi là thầy. Các quan khi đối thoại với vua thì xưng là chúng tôi. Những danh xưng như thần, hạ thần, cũng có thể dùng hoặc không trong đối thoại nhưng tuyệt đối phải dùng trong giấy tờ dâng lên vua (sớ, biểu). Ngoại trừ hoàng thái hậu, còn tất cả, từ hoàng hậu trở xuống cho tới các quan và thứ dân, mở đầu đối thoại với vua, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều phải dùng chữ tâu hoặc tấu để mở đầu câu nói.

Vua thì phải khác người thường, do đó những gì liên hệ tới công việc và cuộc sống hàng ngày của vua cũng có thể cách riêng để diễn tả. Vua ăn thì gọi là Ngài ngự thiện; vua ngủ là Ngài ngơi hay Ngài ngự ngơi; vua ngủ chưa dậy là Ngài ngơi chưa tánh; vua bệnh gọi là Ngài se mình; vua cho ai cái gì thì gọi là Ngài ban hay Ngài ân tứ. Ngài ban cũng có nghĩa là vua ra lệnh, vua truyền phán, vua nói về một điều gì đó. Nếu bữa cơm của vua với ba mươi lăm phẩm vị đã có thể được mô phỏng để trở thành mâm giỗ đặc biệt của người Huế thì lối nói năng của cung đình, qua trung gian của đẳng cấp quan lại và gia đình họ, hẳn phải gây ít nhiều ảnh hưởng trong cách nói của người Huế.


Người Huế chúng ta, nhất là lớp cũ, hẳn không lạ gì phong cách của các “mệ” (danh xưng để chỉ nhưng người trong Hoàng tộc, bất kể nam hay nữ) trong cách ăn nói, luôn luôn biểu lộ cái vẻ quyền uy, đài các, có khi đến độ gần như giả tạo, nếu nhìn dưới một khìa cạnh khác. Một giai thoại kể rằng có một “mệ” vốn là con cháu của một ông hoàng, nhưng vì ăn chơi quá độ nên cảnh nhà trở thành sa sút, thường phải vay mượn, thậm chí, có khi phải xin tiền của người quen biết trước kia để mà tiêu. Thế nhưng kiểu xin của mệ cũng khác người ta. Xin vài xu để mua khoai lang luộc ăn cho đở đói nhưng mệ lại nói: “Nì, có tiền dâng mệ ít nhiều để mệ chém đầu mấy củ khoai.” Nếu không phải là Huế, đã biết về các mệ, thật khó thưởng thức câu nói đầy tính hài hước đó.

Trong giao tiếp, đối với vua, muốn nói một điều gì, tất cả phải mở đầu bằng “tâu”. Còn quan cấp nhỏ nói với quan cấp trên thì phải “thưa” hoặc “bẩm”, có khi còn phải thêm chữ “kính” ở đàng trước nếu muốn tỏ lòng cung kính hơn, hoặc muốn giở giọng nịnh. Những lối nói này cũng áp dụng trong dân dã khi họ đối thoại với những người có địa vị hoặc những bậc tuổi tác, trưởng thượng trong gia đình.

Về cách mời ăn, để tỏ lòng kính trọng, người Bắc bao giờ cũng nói “mời .(ông, bà, anh, chị . . .) xơi cơm.” Với người Huế, tôi thấy cả một loạt từ ngữ phong phú nói về việc ăn, áp dụng cho từng đối tượng khác nhau, tùy theo mối tương quan thứ bậc gia đình hoặc xã hội giữa hai bên, biểu lộ tính đẳng cấp rõ rệt. Chẳng hạn:

-Để tỏ lòng kính trọng thì mời xơi cơm, thời cơm;

-Vừa phải, lịch sự, thì mời dùng cơm;

-Ngang hàng, cùng trang lứa, thận mật thì mời ăn cơm;

-Coi thường, nói với kẻ dưới tay, nói với “bầy quân”, “sáp nhỏ”,nói giận dỗi, nói làm đày, thì có: làm năm ba hột, mần một bụng, ních, đẫn, tứa, dộng, tạp, táp...

Người ta kể rằng hồi còn chế độ thuộc địa, Chánh Sở Mật thám Trung kỳ, Léon Sogny, rất thông thạo chữ Hán và tiếng Việt. Tuy vậy, ông ta vẫn không ngừng tìm cách học hỏi thêm, bất cứ ở đâu, với bất cứ ai. Để thông hiểu ngôn ngữ của giới bình dân xứ Huế, Sogny thuê một chiếc xe kéo, dặn mỗi buổi chiều khi đến giờ tan sở thì đem xe đến trước cửa Tòa Khâm để chở “quan lớn” đi dạo mát. Một khi đã ngồi trên xe, Sogny tìm mọi cách gợi chuyện và chuyện trò rôm rả với anh phu kéo xe. Thấy “quan lớn” bình dân, lại thông thạo tiếng “An-Nam”, anh phu kéo xe tỏ ra rất hứng khởi trong những lần kéo xe chở quan đi dạo. Sau một thời gian thực tập như thế, Sogny cảm thấy vốn liếng ngôn ngữ bình dân của mình ngó bộ đã vững vàng hung, bèn thử tìm cách tự trắc nghiệm khả năng. Một buổi chiều, “quan lớn” nói với anh phu xe kéo : “ Từ bữa ni, tau cho phép mi nói bất cứ câu chi mà tau không hiểu thì tau thưởng cho mi một đồng bạc.” Anh xe kéo tưởng mình nghe lầm, vì đồng bạc lúc bấy giờ có giá trị lớn lắm, một cuốc xe chừng năm, sáu xu, chạy đổ mồ hôi trán mới có, nay chỉ nói chơi chơi mà được cả đồng bạc, sướng biết chừng mô. Ấy vậy mà không dễ ăn. Mấy bữa liên tiếp, anh ta đều thất bại, vì “quan lớn” rành tiếng “An-Nam” quá, nói chi quan cũng hiểu. Một hôm, anh chợt nghĩ ra diệu kế, bèn đem ra thực hành ngay. Sau khi “quan lớn” an tọa trên nệm xe, anh xe kéo vừa nâng càng xe lên vừa hỏi:


-Da, bẩm quan lớn, chiều ni ngài đã tứa chưa mà đi giởi sớm ri?

Sogny khựng người khi nghe câu hỏi. Im lặng một lát, ông ta lên tiếng:

-Giỏi! Rứa là mi được thưởng một đồng bạc như tau đã hứa. Mi nói câu nớ nghĩa là răng?

-Da, có chi mô. Con chỉ hỏi quan lớn là quan đã xơi cơm chưa mà đi chơi, đi dạo sớm như thế này. Nhà quê nhà mùa tụi con, có khi gọi ăn cơm là tứa hoặc dộng, còn gọi đi chơi, đi dạo là đi giởi.


Cái điều anh xe kéo nghĩ ra là mấy lâu nay anh đã cố gắng dùng ngôn ngữ lịch sự để nói chuyện với “quan lớn” cho khỏi thất lễ, do đó quan hiểu hết. Nay thử cho quan nghe ngôn ngữ của bọn cùng đinh xem sao. Quả thật quan chịu thua. Câu chuyện không biết chứa được bao nhiêu phần trăm sự thât, nhưng ý nghĩa của nó thật thú vị: “quan lớn” tuy học giỏi thiệt nhưng không phải cái gì ngài cũng biết hết; muốn biết, phải tốn tiền cho thầy, mà thầy là anh phu xe kéo.


Không biết bạn nào gặp bài học như trường hợp của tôi hồi còn bé như thế này chưa? Một lần, sau khi ăn xong hai chén cơm, tôi buông đũa rút lui, vì trước đó đã “lót dạ” hai chén chè đậu đen rồi. Thầy tôi hỏi:


-Răng bữa ni con ăn ít rứa?

-Dạ, thưa thầy, con no rồi.

-Ờ, nhưng lần sau con đừng nói “no rồi”. Khi người trên hỏi như rứa mà con trả lời “no rồi”, người ta có thể hiểu lầm là con nói lẩy. Con nên nói là con “vừa bụng rồi”, không ai trách mình được.

Chữ “no” người Huế có thể hiểu theo nghĩa bóng, biểu lộ một sự chán ngấy về mặt tâm lý trước một hành động hay lời nói của kẻ khác đối với mình: “nghe hắn nói, tau no cả ruột”.

Chữ “cụ” trong ngôn ngữ Huế cũng có một ý nghĩa khá phức tạp, tùy ngữ cảnh mà nó mang ý nghĩa khinh trọng khác nhau. Khi dùng chữ cụ để gọi một người có chức tước địa vị hay tuổi tác, thì cụ mang ý nghĩa kính trọng. Nhưng khi dùng chữ cụ để gọi một người đàn ông đi ăn xin, một người đàn ông sống bằng nghề lam lủ thì cụ mang ý nghĩa là thằng. Cụ Ngáo, cụ Trâu ở Huế thuộc loại này. Ngoài ra, hàng ngày người ta cũng nghe nói về nhiều loại cụ khác, chẳng hạn cụ thợ nề, cụ thợ mộc, cụ ăn mày v.v.
Phân biệt mà không phân biệt, sự lập lờ trong ngôn ngữ này phải chăng cũng là một đặc điểm của Huế ?

Người Bắc thường dạy cho trẻ biết “gọi dạ bảo vâng” để phân biệt hai cách trả lời, biết khi nào thì dạ, khi nào thì vâng. Người Huế cũng áp dụng điều đó nhưng hơi khác một chút. Trong gia đình Huế, khi tập cho trẻ con trả lời câu hỏi của người lớn, trẻ con được dạy phải nói là dạ có, dạ không, dạ chưa, dạ rồi, . . . chứ không được nói trống rằng có, không, chưa, rồi. Chữ dạ đối với người Huế đã trở thành một chữ đệm cần thiết, mở đầu trong mọi câu nói, dù là câu hỏi hay câu trả lời cũng vậy. Thiếu nó, là thiếu lịch sự, nếu không nói là vô lễ. Đó là một đặc điểm mà người ngoại tỉnh đôi khi cho là cầu kỳ.

Những điều vừa trình bày khái quát ở trên có cái ngày nay đã không còn hoặc đã phai nhạt, nhưng có cái vẫn đang hiện hành trong mỗi gia đình. Sự đổi thay là một tất yếu vì cuộc sống là một dòng sông luôn luôn đổi mới bởi nước từ trăm khe nghìn suối tuôn dồn về để tạo nên dòng nước vô tận. Dẫu còn hay mất, những đặc điểm ấy cũng đã một thời tạo nên cái gọi là phong cách Huế.



Võ Hương-An
San Jose, 8/93
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top