• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Ảnh hưởng của chuẩn mực nhóm và cố kết nhóm đến tâm lý xã hội

Hide Nguyễn

Du mục số
I / KHÁI QUÁT CHUNG

1. Khái niệm nhóm:

Nhóm là một tập hợp người nhất định có quan hệ trực tiếp qua lại với nhau trong một hoạt động có mục tiêu chung, tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ: nhóm bạn học, nhóm đồng nghiệp, gia đình…

Từ khái niệm trên, chúng ta thấy rằng nhóm là một tổ chức nhỏ, mỗi thành viên của nhóm đều có mối quan hệ trực tiếp với nhau, có sự tác động qua lại lẫn nhau trong một phạm vi hay vấn đề gì đó theo hoạt động có mục tiêu chung của nhóm. Sự liên kết của một tập hợp người để tạo ra nhóm dựa trên cở sở cùng thực hiện mục tiêu chung. Và để thực hiện mục tiêu đó, cần có những chuẩn mực, những qui định chuyng cho các thành viên trong hoạt động. Nhóm là có giới hạn về thời gian và không gian, nghĩa là nhóm có thể không tồn tại mãi mãi mà luôn có sự biến đổi theo thời gian nhanh hay chậm tuỳ theo mục tiêu chung của nhóm.

2. Các hình thức nhóm (phân loại nhóm): có hai hình thức chính


_ Nhóm có sẵn: ví dụ như nhóm gia đình, họ hàng. Ở đây, khi một thành viên tham gia vào trong nhóm phải tuân theo những qui chuẩn sẵn có của nhóm, nhóm có thứ bậc sẵn có rõ rang. thường là mỗi thành viên khi tham gia nhóm có tâm lý phải chịu áp dặt, chấp nhận, ít có sự phát triển tính cá nhân. chỉ khi đã là thành viên của nhóm được một khoảng thời gian lâu dài thì tính cá nhân mới có sự tác động lại đến nhóm. Sự hình thành tâm lý của cá nhân trong nhóm có sẵnlà nền tảng cơ sở bước đầu cho cá nhân để phát triển tâm lý xã hội.

Ví dụ: trong gia đình, khi đứa trẻ sinh ra, gia nhập vào gia đình của nó, trẻ hầu như chịu sự áp đặt tâm lý của cha mẹ. Dần dần, lớn lên nó vẫn phải chấp hành những kỉ luật gia đình nhưng có tính mờ nhạt hơn, không còn nhất nhất nghe theo lời ba mẹ vì nó đã có sự tham gia vào các nhóm khác, nó biết những gì phù hợp với nó hơn, thể hiện rõ dần tâm lí cá nhân để khẳng định mình trong gia đình cũng như xã hội.

_ Nhóm tự phát: là những nhóm được thành lập trong quá trình hoạt động của con người có 1 số mục tiêu cần đạt mà 1 cá nhân khó có thể thực hiện 1 mình, nên có xu hưóng tìm những người có cùng mục tiêu tập hợp lại thành nhóm.

Ví dụ như nhóm bạn bè, nhóm đồng nghiệp, nhóm những người có cùng hoàn cảnh như nhóm trẻ lang thang, nhóm phụ nữ có HIV…

Trong nhóm tự phát, do chỉ có một cơ sở ban đầu là mục tiêu chung nên sự thành lập ban đầu để tạo ra tâm lí nhóm khá khó khăn vì tính cá nhân của mỗi người trong nhóm còn độc lập, chưa nhất quán. Vì thế cần đưa ra những chuẩn mực nhóm và tạo bầu không khí cố kết nhóm, tăng tính đoàn kết mỗi thành viên trong nhóm. Chính trong quá trình đó mà tâm lí chung của nhóm và của mỗi thành viên được phát triển nhanh chóng. Đây là môi trường phát huy tốt nhất cho sự phát triển tâm lí xã hội của mỗi ốa nhân.

Ví dụ: trong nhóm bạn bè với mục tiêu giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống, mỗi thành viên được tham gia trong hoạt động nhóm, xây dựng bộ máy nhóm, đóng góp ý kiến hay chia sẻ kinh nghiệm tạo bầu không khí thân thiện. Những ý kiến cá nhân, tâm lí các nhân có ảnh hưởng đến nhóm và ngược lại, tâm lí nhóm, tâm lí các thành viên khác cũng có ảnh hưởng đến cá nhân, có sự giao thoa tâm lí nên sự phát triển tâm lí tốt nhất (đối với nhóm tích cực) hoặc có tâm lí lệch lạc (đối với nhóm tiêu cực).

3. Tác động của nhóm đến tâm lí mỗi thành viên.


Nhóm có ảnh hưởng lớn đến tâm lí mỗi thành viên. Như đã nói ở mục 2 qua 2 hình thức nhóm đều cho thấy có sự tác động lớn từ nhóm đến các thành viên.

Nếu nhóm có tình hình tâm lí nhóm tốt, các thành viên quan tâm đến nhau có sự giao tiếp để thông hiểu, biết chấp hành kỉ luật nhóm; có tính đoàn kết, gắn bó thành một khối thống nhất; có bầu không khí nhóm thân thiện, thư giãn, dân chủ; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ rõ rang; có những chuẩn mực chung được tất cả các thành viên cùng chấp nhận; có mục tiêu chung rõ ràng và cụ thể… thì nhóm sẽ tác động đến các thành viên theo hướng tích cực, phát huy hết năng lực cá nhân.

Ngược lại, nếu nhóm có tình hình tâm lí xấu, luôn áp dặt, khống chế bóc lột, cô lập thành viên… thì sẽ là một cực hình cho cá nhân là thành viên nhóm, tác động tiêu cực đến các thành viên và làm hạn chế khả năng của con người.

Từ tác động tâm lí đến mỗi thành viên, nhóm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của cá nhân. Cá nhân có hành vi tuân theo chuẩn mực nhóm và có sự ảnh hưởng từ các thành viên khác.

II/ NỘI DUNG CHÍNH.

A. Chuẩn mực nhóm:


1. Khái niệm chuẩn mực nhóm.

Chuẩn mực nhóm được hiểu như một quy tắc rõ ràng hay ngầm áp đặt một phương thức hành vi xã hội có tổ chức một cách ít hay nhiều hàm súc.

Nó được trình bày như một tập hợp những giá trị chi phối rộng rãi và được tuân theo trong xã hội nhất định, nó chú trọng tới một sự tán thành và cũng bao hàm theo những trừng phạt trong một trường hợp tương tác phức tạp (Theo Fischer “Những khả năng cơ bản của tâm lí xã hội”- NXB Thế giới)

_ Đặc điểm của khái niệm:

+ Chuẩn mực là sự phân xét căn cứ vào những giá trị mà nó quy chiếu.

+ Chuẩn mực là sự đòi hỏi, yêu cầu với các thành viên của nhóm, việc không tuân theo dẫn đến sự trừng phạt.

_ Các nhà tâm lí học Xô Viết thì cho rằng: Chuẩn mực của nhóm là hệ thống các quy tắc đòi hỏi của cộng đồng đối với mỗi thành viên và đóng vai trò phương tiện quan trọng nhất điều chỉnh hành vi của các thành viên trong quan hệ tác động tương hỗ giao tiếp nhóm.

Từ đó rút ra định nghĩa: Chuẩn mực nhóm là hệ thống những quy định những mong mỏi của nhóm yêu cầu các thành viên của nhóm phải thực hiện và quyết tâm thực hiện.

2. Vai trò của chuẩn mực nhóm.


_ Chuẩn mực tạo điều kiện để thống nhất hành vi của các cá nhân trong nhóm và thực hiện các mục tiêu của nhóm.

Ví dụ: nhóm đưa ra chuẩn mực là phải trao đổi ý kiến trong mọi vấn đề các thành viên của nhóm trước khi quyết định vấn đề nào đó luôn thông qua ý kiến của các thành viên khác.

_ Chuẩn mực quy định phương thức ứng xử trong quan hệ giữa các thành viên và là sợi dây ràng buộc các cá nhân với nhóm cho họ thuộc về nhóm.

Ví dụ: Trong nhóm CTXHvới trẻ em lang thang. Khi các thành viên trong nhóm đưa ra sự quy định về việc tiếp xúc với các em và phải kể chuyện, tổ chức trò chơi mang tính tập thể nhóm tuyệt đối không phân tán lẻ 1, 2 em để tiếp xúc. Khi đó cách ứng xử của các thành viên trong nhóm cũng sẽ làm việc theo nhóm, có tổ chức, trao đổi ý kiến và thống nhất trước khi tiếp xúc với các em => Nhóm đoàn kết và ràng buộc vào nhau.

_ Chuẩn mực bảo đảm cho sự hình thành và tồn tại của một trật tự của nhóm, một hệ thống ứng xử của các thành viên trong nhóm cố gắng giữ gìn chuẩn mực đó bằng áp lực, các biện pháp trừng phạt, kỉ luật đối với các thành viên lệch chuẩn.

Ví dụ: Nhóm đưa ra quy định: mọi vấn đề đêu đưa thảo luận và đi đến quyết định, làm việc tập thể, làm tốt thì khen thưởng, vi phạm thì xử lí,….

=> Mọi thành viên chấp hành tốt thì đảm bảo cho nhóm tồn tại, làm hình thành nên trật tự và mỗi thành viên trong nhóm đều ý thức và tuân theo chuẩn mực đó.

Chức năng của chuẩn mực.
_ Giảm bớt tính hỗn tạp:

Nhóm là một cộng đồng người mà trong đó mỗi thành viên có 1 nhân cách xứng với những đặc điểm tâm lí hết sức phong phú. Những đặc điểm tâm lí của nhóm không phải là tổng số các đặc điêmt tâm lí của cá cá nhân, mà là sự tiêu biểu, đặc trưng cho tất cả các cá nhân. Cái tiêu biểu này không phải là cái giống nhau của tất cả mọi người, mà chính là cái chung. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên cái chung của nhóm – cái đồng nhất và cái cái thống nhất là chuẩn mực nhóm.

Ví dụ: Một nhóm gồm 3 bạn chơi với nhau, mỗi người có một tính cách riêng khác biệt hoàn toàn, người thì trầm tính, ít nói, người hay nói hay cười, người lạnh lung khó gần nhưng họ đều có cái chung là chăm chỉ học và luôn phấn đấu để đạt học bổng. Chính vì vậy mà 3 người thường xuyên cùng nhau học tập, trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm cuả nhau. Cả 3 đều gạt mọi thú vui ra ngoài cuộc sống chăm chỉ học tập. niềm vui trong học tập chính là cái kết nối 3 người có tính cách hoàn toàn khác biệt với nhau.

_ Tránh xung đột:

Chuẩn mực làm cho các thành viên của nhóm chấp nhận và gặp nhau qua các đánh giá, chính kiến và gạt bỏ các xung đột. Khi đã xác định chuẩn mực cho nhóm mình thì mỗi thành viên trong nhóm sẽ tôn trọng nó, coi như nó là hướng để giải quyết mọi vấn đề, lắng nghe ý kiến của mỗi thành viên, từ đó rút ra một cáh giả quyết tốt nhất cho nhóm. Cách giải quyết đó sẽ được mọi thành viên chấp thuận bởi vậy mà sự xung đột hay không đồng tình của 1 ý kiến nào đó sẽ được giải quyết nhanh chóng.

_ Chuẩn mực hoá:

Chuẩn mực hoá diễn ra như một qua trình thương lượng. Khi đã đưa ra được những chuẩn mực riêng và nhất định của nhóm thì bắt buộc mỗi thành viên trong nhóm đề phải tuân theo, không được phép đi ngược lại với nó. Mặt khác, khi bắt tay vào thực hiện bất cứ một vấn đề gì thì chuẩn mực của nhóm luôn được đưa lên hàng đầu và hướng nó vào các chuẩn mực mà nhóm đã đặt ra, đó chính là chuẩn mực hoá.

4. Giải thích về sự hình thành chuẩn mực nhóm.

Sự hình thành và tồn tại của chuẩn mực nhóm nhằm tạo ra một khuôn khổ của các thành viên thực hiện hoạt động của mình, đảm bảo ý thức về cái “chúng tôi”. Chuẩn mực là điểm tựa của mỗi cá nhân khi phán xử một tình thế nào đó của nhóm. Mặt khác, nó còn hình thành một kiểu tự đánh giá bản thân của các thành viên nhóm.

Có hai cách để giải thích về sự hình thành chuẩn mực nhóm:

_ Cách giải thích của Festinger dựa vào thuyết “các quá trình so sánh xã hội”. Ông cho rằng động lực của các quá trình so sánh xã hội là sự tự đánh giá. Ở mỗi con người đều có sự thúc đẩy quan trọng là đánh giá năng lực, ý kiến của mình. Trong khi không có điểm tựa khách quan (chưa có chuẩn mực nhóm) thì cá nhân so sánh mình với người khác. Ở đây sẽ xảy ra 2 khả năng: thứ nhất, nếu năng lực, chính kiến của cá nhân khác biệt với các thành viên khác thì sự so sánh này giảm; thứ hai, hình ảnh “cái tôi” chủ quan của cá nhân sẽ vững chắc và cá nhân tự tin hơn nếu cá nhân so sánh mình với những người gần giống mình. Nếu ở đây có sự khác biệt nhỏ thì cá nhân có thể điều chỉnh mình để tiến gần đến những ý kiến của người khác. Theo ông, các thành viên của nhóm có xu hướng đồng nhất ý kiến của mình với ý kiến của người khác và đi đến sự nhất trí nhóm.

Như vậy, lý thuyết này giải thích sự học tập chuẩn mực nhóm bằng nhu cầu xã hội. Các cá nhân đã dấn mình vào quá trình so sánh xã hội và thông qua cơ chế tự đánh giá - tự đánh giá quan điểm, hành vi của mình và điều chỉnh chúng cho phù hợp với những thành viên khác của nhóm.

_ Cách giải thích của Sheriff với khái niệm “miền liên hệ”. Theo ông,mỗi cá nhân có một miền liên hệ và miền liên hệ của các thành viên trong nhóm có những đặc điểm chung nhất định. Ông gọi đó là chuẩn mực chung. Khi gia nhập nhóm, cá nhân từ bỏ hệ thống liên hệ riêng của mình và chấp nhận hệ thống liên hệ chung của nhóm.

5. Hiện tượng lệch chuẩn trong nhóm.

Trong quá trình hoạt động chung của nhóm, bên cạnh những thành viên đã thích nghi hoàn toàn được với các chuẩn mực nhóm, coi đó là phương thức để giải quyết mọi vấn đề và tuân thủ các chuẩn mực của nhóm một cách chặt chẽ thì một số cá nhân đã không thể tuân theo được các chuẩn mực đó (không thích nghi với chúng). Các thành viên này được gọi là lệch chuẩn. Đặc điểm của cá nhân này là tính độc lập. Trong suy nghĩ và hành động của họ thường ít dựa vào các chuẩn mực của nhóm, mà dựa vào nhu cầu của bản thân nhiều hơn.

Ta có thể bắt gặp rất nhiều ví dụ trong đời sống như các nhóm nhạc là 1 minh chứng rất tiêu biểu. Trước đây họ là một nhóm nhạc hoạt động chung, cùng hát, cùng diễn và thu nhập đều chia bằng nhau. Họ đưa ra các chuẩn mực riêng cho nhóm mình và buộc mọi thành viên phải tuân theo. Chính các chuẩn mực đó là cơ sở để để nhóm có thể hoạt động và phát triển mạnh mẽ, có tên tuổi trong “làng ca nhạc”. Tuy nhiên, trong nhóm có 1 cá nhân không tuân theo các chuẩn mực mà nhóm đặt ra, có thể do mâu thuẫn hoặc do nó quá khắt khe không thể dung hoà với cái tôi cá nhân được cá nhân đó đã tách riêng ra, không còn tên trong danh sách nhóm, hoạt động đơn lẻ và thu nhập không san sẻ cho ai. Cá nhân đó được gọi là thành viên lệch chuẩn.

_ Nguyên nhân của hành vi lệch chuẩn.

+ Thứ nhất: Nhóm không còn đủ sức hấp dẫn với cá nhân. Việc thực hiện được quyền lực của nhóm đối với các thành viên phụ thuộc không nhỏ vào sự hấp dẫn của nhóm với họ. Trong trường hợp nhóm không còn hấp dẫn với các thành viên thì ảnh hưởng của nhóm đối với họ ngày càng giảm. Bởi sự hình thành nhóm là do sự tự nguyện của bản thân mỗi cá nhân, nó không có sự ép buộc nhằm phục vụ lợi ích (vật chất, tinh thần) của mỗi người cho nên khi không còn đáp ứng được lợi ích của cá nhân thì họ sẽ không còn hứng thú tham gia nhóm nữa hay nói cách khác, nhóm không còn sức hấp dẫn với các thành viên.

Trở lại ví dụ như trên đã lấy để phân tích nguyên nhân một cá nhân đã tách ra và hoạt động riêng là do cá nhân đó muốn có tên tuổi riêng trong “làng ca nhạc”, họ nhận thấy rằng nếu cùng diễn với nhóm thì không thể có tên tuổi riêng được. Cho nên họ chọn cách tách ra là điều khó tránh khỏi.

+ Thứ hai: Mức độ tiếp xúc của cá nhân với các thành viên trong nhóm ít. Một nhóm dù có hấp dẫn hay tác động tiêu cực đến các thành viên, nhưng nếu cá nhân ít tham gia vào các hoạt động chung của nhóm, ít tiếp xúc với các thành viên khác, hoặc không bao giờ tiếp xúc, thì nhóm khó có thể ảnh hưởng đến thành viên này. Trong trường hợp này, các tác động của nhóm khó đến được cá nhân hoặc nếu đến được thì cũng không tồn tại lâu dài. sự mất ảnh hưởng của nhóm đối với cá nhân đã làm cho hành vi của cá nhân đó không còn phù hợp với chuẩn mực nhóm nữa. Ở đây, có thể thành viên lệch chuẩn nhiều khi không nhận thấy mình hành động không giống các thành viên trong nhóm. bởi vậy sự tham gia tích cực của mỗi thành viên là điều vô cùng quan trọng, không những tránh được hiện tượng “thành viên lệch chuẩn” mà còn giúp cho nhóm hoạt động sôi nổi và có hiệu quả hơn rất nhiều.

Ví dụ: Một nhóm hoạt động tình nguyện “Hội tuyên truyền hiến máu nhân đạo” do Viện huyết học TW lãnh đạo. Hội hoạt động vô cùng sôi nổi, đi tuyên truyền tại các làng sinh viên, kí túc xá, tổ chức các buổi hiến máu ở nhiều địa điểm. Thành viên của hội là những học sinh, sinh viên trong địa bàn Thanh Xuân. Bênh cạnh những thành viên năng nổ trong mọi hoạt động của hội từ tuyên truyền đến hiến máu. Họ tham gia và tiếp xúc với các thành viên khác và càng thấy hăng hái hoạt động hơn. Tuy nhiên có một số thành viên rụt rè thiếu năng động rất ít tham gia vào hoạt động của hội, không tiếp xúc với các thành viên khác, buổi đi buổi nghỉ. Bởi vậy mà họ thấy mình lạc lõng so với hội, không nắm bắt hoạt động thường xuyên của hội. Dần dần họ không còn hứng thú với các hoạt động của hội nữa, thấy nó vô cùng nhàm chán mặc dù hội ngày càng hoạt động năng nổ hơn. Và một thời gian như vậy, họ đã dần xa lánh, tách rời mình với các thành viên khác trong hội. Cuối cùng họ không hoạt động nữa.

+ Thứ 3: Cá nhân thuộc về một nhóm khác.

Trong thực tế, có một số cá nhân là thành viên của một nhóm nhưng lại hướng tới một nhóm khác. Tác động của nhóm này tới cá nhân thường mạnh hơn nhóm mà cá nhân là thành viên chính thức. Trong trường hợp này, cs nhân được đánh giá là thành viên lệch chuẩn, bởi vì anh ta khác với các thành viên khác của nhóm.

Ví dụ: Một cá nhân tham gia vào câu lạc bộ vẽ, nhưng đó là do nguyện vọng của cha me, ép buộc cá nhân đó phải đi theo con đường mà cha mẹ chọn. Tuy nhiên cá nhân đó lại luôn mong muốn được theo con đường ca nhạc và trở thành một ca sĩ có tên tuổi. Mặc dù có chất giọng tốt và lòng đam mê nhưng bị gia đình phản đối nên buộc cá nhân phải tham gia vào 1 câu lạc bộ phục vụ mục đích thi vào trường mỹ thuật. Cá nhân đó là 1 thành viên lệch chuẩn trong nhóm bởi không có niềm đam mê và lòng nhiệt tình trong lĩnh vực của nhóm.

Trong 3 yếu tố cơ bản trên dẫn đến sự lệch chuẩn thì 2 yếu tố đầu quan trọng hơn. Trên thực tế, 2 yếu tố này không tách rời nhau mà có quan hệ chặt chẽ với nhau.

*) Tóm lại, chuẩn mực nhóm tác động vô cùng mạnh mẽ tới mỗi thành viên trong nhóm. Nó không chỉ đưa ra những khuôn mẫu nhất định buộc các thành viên phải tuân theo, mặt khác nó còn giúp các thành viên vạch rõ ra được mục đích để đưa tới sự thành công chung của nhóm. Sự thành công chung đó chính là sự thành công trong bản thân mỗi thành viên khi đã đạt được những chuẩn mực mà bản thân họ đặt ra và mong muốn đạt được.

B. Sự cố kết nhóm:

1. Định nghĩa và tính chất.

Sự cố kết nhóm được xác định bởi sức mạnh của mối quan hệ gắn kết các cá nhân thành một khối thống nhất để thoả mãn nhu cầu chia sẻ, cá nhân cảm thấy tự hào về nhóm.

Đối với nhiều người, điều quan tâm hàng đầu khi gia nhập nhóm hay có ở lại nhóm hay không là bầu không khí nhóm (sự hấp dẫn nhóm), nó tạo nên sự cố kết trong nhóm.

Theo Severy, Brigham, Schlenker (1976) thì cố kết nhóm được định nghĩa là tổng số tất cả các sức mạnh để liên kết mọi thành viên trong nhóm.

Như vậy, nhóm nào có sự đồng cảm với nhau hơn thì sự cố kết nhóm cao hơn và ngược lại, nhóm nào không có sự chia sẻ, đồng cảm thì sự cố kết thấp, hay không có sự cố kết.

Từ định nghĩa trên, có thể thấy một số tính chất sau:

_ Sự cố kết nhóm là yếu tố quyết định sự sống còn của nhóm.

_ Cố kết nhóm giúp gắn kết các cá nhân trong nhóm thành một khối thống nhất, làm tăng tình đoàn kết nhóm.

_ Cố kết nhóm giúp nhóm viên thoả mãn nhu cầu được chia sẻ sự thành công cũng như sự thất bại của mình. Thành viên cảm thấy tự hào vì được vào nhóm.

_ Cố kết nhóm làm tăng tinh thần nhóm, tinh thần đồng đội của các nhóm viên.

_ Cố kết nhóm là động lực, sức mạnh thu hút nhóm viên vào một việc đang làm và giúp cảm nhận cái “chúng tôi” chứ không phải cái “tôi”.

2. Các yếu tố tạo nên sự cố kết.

Khi đánh giá, xem xét một nhóm thì các yếu tố quan trọng đế xác định tính cố kết của nhóm gồm có:

_ Sự ưa thích các thành viên khác của nhóm. Mức độ ưa thích của các thành viên trong nhóm tỷ lệ thuận với tính cố kết.

_ Uy tín của thủ lĩnh nhóm. Uy tín năng lực của trưởng nhóm tạo nên sự tự hào được thuộc về nhóm của mỗi thành viên trong nhóm, như vậy tạo tính cố kết nhóm cao và thu hút được sự tham gia của mọi người vào nhóm. Bởi mọi người thường tham gia và bị thu hút bởi những nhóm có uy tín cao hơn là những nhóm có uy tín thấp.

_ Khả năng của nhóm trong việc động viên, tập hợp các cá nhân thực hiện các mục tiêu hành động của nhóm. Các công việc và mục tiêu của nhóm giúp các thành viên trong nhóm xích lại gần nhau hơn để hoàn thành tốt vai trò của mình tỏng nhóm.

_ yếu tố cuối cùng là sự ít khác biệt giữa các thành viên trong nhóm. Các nhóm viên càng có ít sự khác biệt, bất đồng càng phối hợp ăn ý với nhau trong công việc của nhóm.

3. Vai trò của sự cố kết nhóm.

Môi trường nhóm là một môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho sự bộc lộ của cá nhân. Sau khi gia nhập nhóm và sinh hoạt, và khi nhóm phát triển đến giai đoạn ổn định, lúc ấy, mối tương tác về mặt tình cảm giữa các thành viên trở nên gắn bó hơn, thúc đẩy dễ dàng sự bộc lộ mình, tâm tư, tình cảm, chia sẻ và thông cảm với các nhóm viên khác. Môi trường nhóm tốt thì sự cố kết giữa các thành viên nhóm sẽ rất cao, và sự cố kết nhóm có vai trò quan trọng trong việc duy trì và ổn định nhóm.

3.1. Sự cố kết với tình cảm và hành động của các thành viên trong nhóm.

Một nhóm sau khi được thành lập được đánh giá cao, tức là khi đó nhóm đã thực hiện được tốt vai trò của nhóm. Nhóm hỗ trợ cá nhân (giúp cá nhân khi tham gia vào nhóm có được cảm giác an toàn, cá nhân có thể đương đầu, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống), thay đổi cá nhân (giúp cá nhân thay đổi và kiểm soát hành vi của mình). Bên cạnh đó, nhóm cũng có thể cung cấp cho cá nhân những nhu cầu về tình cảm, giáo dục và những kỹ năng khác. Một nhóm tốt là khi trong nhóm có sự cố kết cao của các thành viên trong nhóm. Sự cố kết nhóm tạo ra một bầu không khí tốt, thân thiện, thư giãn, tạo sự thoải mái tự do cho các cá nhân khi tham gia nhóm. Bầu không khí tốt sẽ có tác dụng tốt trong việc duy trì và ổn định nhóm. Nó tạo ra sự tương tác, mối quan hệ, giao tiếp giữa các nhóm viên với nhau.

Một bầu không khí tôt sẽ giúp cho các nhóm viên có được tâm trạng thoải mái, cảm giác an toàn. Từ đó giữa các cá nhân sẽ có sự tương tác qua lại với nhau thông qua giao tiếp cá nhân, các hoạt động của nhóm tổ chức. Khi đó, giao tiếp trong nhóm viên với nhau sẽ mang tính tích cực và thân thiện. Trong giao tiếp, con người sẽ gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và là cách tốt nhất để con người có thể xích lại gần nhau hơn. Họ thông cảm, đồng cảm và yêu quí, gắn bó với nhau.

Bầu không khí nhóm mang tính tích cực và giúp đỡ lẫn nhau, thông qua giao tiếp và tương tác lẫn nhau, các cá nhân chia sẻ kinh nghiệm, tình cảm, niềm vui hay sự lo âu, buồn phiền với nhau, giúp cho các cá nhân trong nhóm giảm sự phiền muộn, nỗi lo âu và tăng thêm sự kính trọng. Vì khi đó, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, được mọi người và xã hội đón nhận. Họ thấy được tình cảm gắn bó, thân thiện giữa con người với con người.

Chẳng hạn, trong một nhóm trẻ lang thang hè phố, do các em cùng sống trong một môi trường, cùng có hoàn cảnh éo le, khó khăn nên các em rất dễ đồng cảm với nhau và nhanh chóng có được sự gần gũi, cùng chia sẻ với nhau những khó khăn, vất vả hay niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Vì thế, trong nhóm trẻ này thường có sự cố kết cao. Khi một bạn trong nhóm gặp khó khăn, các em sẵn sàng chung tay giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn đó.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhóm có bầu không khí lạnh lung, căng thẳng, thù địch, hình thức, nghiêm cấm lẫn nhau. Đó là bầu không khí của nhóm không cố kết. Trong nhóm này, bầu không khí sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của các thành viên về nhóm, về sự tham gia của các thành viên trong nhóm, sự phát triển của nhóm. Nếu trong nhóm, các thành viên luôn tỏ thái độ ghen ghét, đố kỵ nhau, căng thẳng với nhau, luôn có sự bất hoà thì nó ảnh hưởng đến toàn bộ nhóm và đến các cá nhân trong nhóm. Mục tiêu hành động coả nhóm, hoạt động nhóm sẽ không thể đạt được do bầu không khí xấu đã ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân, đến hành động của mỗi cá nhân. Trong nhóm không có sự cố kết, mỗi cá nhân sẽ có mục tiêu riêng, hành động riêng nhằm ganh đua nhau, sự ghen ghét nhau mà quên đi lợi ích chung của nhóm, ai cũng cố gắng để mình là người chiến thắng, mục tiêu của mình phải đạt được, phải đánh bại người kia. Và kết quả là những hoạt động của nhóm hoàn toàn thất bại, các nhóm viên trong nhóm thì thù địch lẫn nhau, luôn mang tính hằn học, khó chịu và căng thẳng.

Trong nhóm có tính cố kết cao, thì hoạt động của nhóm sẽ đạt hiệu quả cao. Sự phối kết hợp giữa các nhóm viên giúp cho hoạt động nhóm, mục tiêu của nhóm đạt hiệu quả cao. Không chỉ vậy, nhóm cố kết sẽ giúp cho ý thức tự tổ chức, rèn luyện tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Cá nhân tự ý thức được vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong nhóm mà mình tham gia.

Ví dụ: Trong một nhóm học tập, nhóm có sự cố kết cao thì mối quan hệ giữa các thành vỉên thân thiện, gần gũi, các hoạt động của nhóm sẽ có kết quả tốt, đạt hiệu quả cao. Nó giúp cho tinh thần học tập, trách nhiệm của mọi thành viên trong nhóm cao hơn. Từ đó kết quả học tập của nhóm và mỗi thành viên sẽ tốt hơn. Ngược lại, với nhóm có tính cố kết thấp thì các mối quan hệ giữa các thành viên là ghen ghét, đố kỵ nhau, Những hoạt động nhóm không hiệu quả, mỗi nhóm viên lại có mối quan tâm riêng. Từ đó hiệu quả học tập của nhóm sẽ giảm sút.

3.2. Sự cố kết và tổ chức của nhóm.

Đối với một nhóm, tổ chức của nhóm có vai trò quyền lực xuyên suốt trong quá trình hoạt động của nhóm. Nhóm có một tổ chức tốt là nhóm được xây dựng với một bộ máy tốt, trong đó nhóm có vị trí, vai trò quan trọng và điều hành nhóm có hiệu quả, nhóm có mục tiêu phương hướng rõ rang và chương trình hoạt động logic, khoa học và hiệu quả cao.

Đối với một nhóm có cố kết, ta thấy trong nhóm có nhiều hình thức dân chủ hơn. Nhóm có một trưởng nhóm tốt, cá nhân trong nhóm được tôn trọng, bình quyền và có vai trò ngang nhau trong việc thực hiện mục tiêu, phương hướng hoạt động của nhóm. Một nhóm cố kết luôn có được một phương hướng hoạt động rõ rang, logic, có mục tiêu cụ thể và hoạt động của tất cả các nhân viên là cùng nhau chung sức, đồng lòng để hình thành mục tiêu đó. Vì nó có lợi cho cá nhân và cả nhóm.

Ví dụ trong nhóm trợ giúp: Nhóm đồng đẳng HIV/ AIDS. Các thành viên trong nhóm là những người bị nhiễm HIV. Nhóm được thành lập, tổ chức trên cơ sở là tự giúp nhau, có tác dụng xã hội để xã hội hiểu biết và đồng cảm với họ, không phân biệt đối xử. Trong nhóm này, vì là những người cùng có H, tuy mỗi người có hoàn cảnh, lý do riêng nhưng khi tham gia nhóm thì mọi người đều đồng cảm, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ nhau dể cùng nhau vượt qua khó khăn, vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục sống. Nhóm ngoài mục đích là giúp đỡ nhau còn có mục đích là tuyên truyền để mọi người trong xã hội hiểu biết, thông cảm với những người có H như họ.

Một ví dụ khác về nhóm học tập trên lớp. Nhóm bao giờ cũng được tổ chức: có một nhóm trưởng luôn phụ trách giúp vê hoạt động nhóm, về quản lý nhóm, tạo bầu không khí tốt, liên kết các thành viên trong nhóm lại với nhau để cùng nhau hoạt động nhóm, xây dựng mục tiêu và hoạt động để đạt được mục tiêu đó. Trước hết là giúp nhau cùng học tập, để cùng nhau có kết quả cao trong học tập, sau đó là giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Như vậy, tổ chức nhóm có ảnh hưởng lớn đến nhóm, đến sự cố kết nhóm. Nó có tác động tích đên cố kết nhóm, nhưng cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến cố kết nhóm.

Trong những nhóm không cố kết thường xuất hiện sự độc đoán, quan liêu trong hoạt động, trong nhóm thường thiếu sự bàn bạc rộng rãi khi đưa ra quyết định. Trong những nhóm này, vai trò của các thành viên trong nhóm không được chú trọng mà thay vào đó là sự nổi lên của một cá nhân nào đó. Cá nhân đó luôn cho mình là đúng, là trên hết mà quên đi, hay tỏ ra coi thường mọi người trong nhóm. Họ luôn cho mình quyền hơn người khác, ý kiến của mình là nhất, và trong nhóm này, quyền lực thường tập chung ở một người, còn những người khác không có vai trò trong nhóm. Vai trò của các thành viên trong nhóm không được bộc lộ, phát huy, thiếu dân chủ. Nó sẽ tạo ra sự ỷ lại, cơ hội, tâmlý căng thẳng, xung đột ngầm trong nhóm, đến một lúc nào đó có thể bộc phát ra ngoài. Nó ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển nhóm.

Sự cố kết nhóm liên quan trực tiếp đến tổ chức nhóm. Nó vừa là kết qủa của hoạt động nhóm, vừa tác động quan trọng đến cách thức hoạt động của nhóm.

3.3. Sự cố kết và ảnh hưởng xã hội.

Một trong những khám phá quan trọng nhất của tâm lý học xã hội là chỉ ra rằng: khi các cá nhân hợp lại với nhau thì các quan điểm của họ bắt đầu đi đến đồng nhất và quy tụ. Điều này giải thích rằng con người luôn chịu rất nhiều tác động từ môi trường xã hội đến cuộc sống của họ. Đó có thể là yếu tố môi trường sống, gia đình, bạn bè,các mối quan hệ xã hội… với mỗi tác động, con người sẽ có những cách thích ứng và đáp trả lại mỗi tác động đó những hình thức khác nhau. Nhưng khi các cá nhân trong xã hội quy tụ lại, tập hợp nhau lại thành một nhóm, một cộng đồng, mà trong mỗi nhóm đều có các quy định, chuẩn mực riêng để kiểm soát, quản lý các cá nhân trong nhóm đó thì các cá nhân đó sẽ tự điều chỉnh hành vi, cách sống, hành động của mình sao cho phù hợp và thích ứng được với cộng đồng, với nhóm. Và mỗi cá nhân đều hướng đến, quan tâm đến sự hoà hợp và tránh sự bất hợp tác trong các nhóm cố kết.

Trong các nhóm cố kết, vai trò ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nhóm viên xảy ra ở phạm vi rộnglớn, sâu sắc hơn so với nhóm không cố kết. Trong các nhóm cố kết, cá nhân thường chứa đựng cách ứng xử như chiều theo ý người khác, làm vừa lòng người khác và cố gắng ảnh hưởng lẫn nhau.Tức là lúc này, vai trò, lợi ích của cá nhân được đặt xuống dưới lợi ích của tập thể.

Chẳng hạn, trong nhóm gia đình, tuy bên ngoài xã hội mỗi người có cách suy nghĩ, định hướng và mối quan tâm riêng nhưng khi trở về gia đình thì mọi mối quan tâm của mỗi người là cha mẹ, anh chị em trong gia đình, là mối quan hệ tốt đẹp, tình cảm gắn bó giữa người thân với nhau. Lúc này, lợi ích của một thành viên trong gia đình dường như bị xoá nhoà mà thay vào đó là lợi ích của mọi thành viên trong gia đình. Mọi thành viên đều có trách nhiệm làm cho gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

Hay theo một nghiên cứu có tính kinh điển về ảnh hưởng xã hội trong nhóm được Leon Festinger, Stanley Schacht và Kurt Back tiến hành năm 1950. Họ phát hiện ra hiện tượng áp lực xã hội trong các nhóm không chính thức. Tức là, theo họ hầu hết các cuộc tiếp xúc trong giao tiếp giữa các cá nhân đều có biểu hiện của sự lôi cuốn, quyến rũ và sự cố kết đã được hình thành và phát triển từ sự ảnh hưởng xã hội này. Khi giao tiếp con người tương tác với nhau, mọi mối quan hệ đầu tiên đều bắt nguồn từ sự giao tiếp. Qua giao tiếp, con người tiếp cận nhau, nói chuyện, tìm hiểu để hiểu và thông cảm, đồng cảm với nhau, cuối cùng là trở thành những người bạn tốt của nhau. Từ một người không quen biết nhưng sau một, hai lần nói chuyện, họ thấy hợp nhau, gần gũi, thân thiện thì mối quan hệ bắt đầu từ đó. Họ chia sẻ, giúp đỡ nhau…, sự cố kết được hình thành và phát triển.

Còn đối với nhóm không cố kết thì phạm vi ảnh hưởng lẫn nhau, mức độ ảnh hưởng lẫn nhau nhỏ và không sâu sắc. Các mối quan hệ được thiết lập một cách mờ nhạt. Qua giao tiếp họ đến với nhau, nhưng không phải là những cuộc nói chuyện, trao đổi hiểu nhau mà có những bất đồng, không phù hợp. Mối quan hệ khó hình thành, mọi giao tiếp, qua lại sẽ kết thúc nhanh chóng và dường như nó không ảnh hưởng đến các cá nhân khác.

Như vậy, ở nhóm nào có sự cố kết cao thì ở đó, sự “a dua” của các thành viên càng lớn và sự phân tán giảm. Những áp lực xã hội xảy ra trong nhóm phụ thuộc nhiều vào quan điểm của đa số các thành viên của nhóm và sự cố kết của nhóm cũng phụ thuộc vào ý kiến của đa số.

*) Như vậy, để tồn tại và duy trì sự phát triển thì nhóm phải có tính cố kết cao. Tính cố kết nhóm giúp mỗi thành viên có cảm giác yên tâm, thoải mái, tự hào và đặc biệt là cảm giác “được thuộc về nhóm”. Cố kết nhóm làm tăng tính trách nhiệm với công việc và mục tiêu chung của nhóm ở mỗi thành viên.


III/ KẾT LUẬN

Nhóm là một môi trường tạo ra sự đổi mới cho cá nhân. Nhóm có ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hành vi của cá nhân, giúp phát triển nhận thức, nhân cách của mỗi thành viên, nhất là cách ứng xử, suy nghĩ và nhân cách sống của cá nhân với nhóm và xã hội. tham gia vào nhóm là một bước xã hội hoá cá nhân.

Trong tâm lý nhóm, tính cố kết (đoàn kết) nhóm và chuẩn mực nhóm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý xã hội của cá nhân.

Chuẩn mực nhóm là cơ sở để cá nhân phát triển cái “siêu tôi” cho nhân cách cá nhân.

Tính cố kết nhóm làm tăng cảm giác “được thuộc về nhóm”, tăng cường tình cảm xã hội và trách nhiệm với công việc của cá nhân với nhóm và xa hơn nữa là trong xã hội.


* )copyright Bài giảng TLHXH - K51CTXH - ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN
 
Nhóm là một môi trường tạo ra sự đổi mới cho cá nhân. Nhóm có ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hành vi của cá nhân, giúp phát triển nhận thức, nhân cách của mỗi thành viên, nhất là cách ứng xử, suy nghĩ và nhân cách sống của cá nhân với nhóm và xã hội. tham gia vào nhóm là một bước xã hội hoá cá nhân.

Trong tâm lý nhóm, tính cố kết (đoàn kết) nhóm và chuẩn mực nhóm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý xã hội của cá nhân.

Chuẩn mực nhóm là cơ sở để cá nhân phát triển cái “siêu tôi” cho nhân cách cá nhân.

Tính cố kết nhóm làm tăng cảm giác “được thuộc về nhóm”, tăng cường tình cảm xã hội và trách nhiệm với công việc của cá nhân với nhóm và xa hơn nữa là trong xã hội.
Cải cách giáo dục dường như bỏ qua phát triển yếu tố này. Mới đây, một học sinh ở TP HCM đã đề nghị không xếp loại học sinh trong lớp là hoàn toàn đúng. Vì việc xếp loại vô hình chung phá vỡ tính cố kết của nhóm - tập thể lớp.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top