Ý THỨC HỆ QUỐC GIA DÂN TỘC
“Sống mà không có một hệ thống ý thức về sự vật thì không phải là sống một cuộc đời nhân loại”. Đấy là một câu nói của triết gia Pháp E.Renan: “Vivre sans un système sur les choses, ce n’est pas vivre unv vie d’homme”.
Câu nói thật chí lý. Không lúc nào như lúc này, chúng ta đứng trước cảnh tượng biến đổi của xã hội, đứng trước những thử thách của lịch sử, của con người, của cuộc đời thực tế không lúc nào như lúc này chúng ta cảm thấy sự sống cần phải có một ý nghĩa gì. Giàu sang, phú quý, danh vọng, quyền thế, chớp mắt cũng là không. Sắc nước hương trời, tài hoa son trẻ, ngoảnh đi nhìn lại đã hóa ra cát bụi. Không lúc nào như lúc này chúng ta thấy bài học thấm thía về cái:
Tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy
Cảnh phù du trông thấy mà đau.
(Ôn Như)
Nhưng trông thấy mà đau là vì không tìm thấy ý nghĩa của đời sống. Mà sở dĩ không thấy ý nghĩa của đời sống là vì chưa có được một hệ thống ý thức về sự vật, chưa có một quan niệm xử thế tiếp vật cho xác đáng hợp lý, cho nên mất tin tưởng vào sự sống. Trái lại cũng đứng trước cảnh phù du ấy mà lại quyết ra tay “buồm lái trận cuồng phong” để cho có danh gì với núi sông mà không còn đau đớn vì đời, là vì đã tìm thấy ý nghĩa của sự sống, tìm thấy cái hệ thống ý thức về sự vật như Renan cuối thế kỷ 19 đã đòi hỏi ở thanh niên Pháp.
Cái hệ thống ý thức ấy ở nhà hành động anh hùng đất Việt là cái túi “kinh luân” vậy.
Đấng trượng phu một túi kinh luân (Nguyễn Công Trứ). Kinh luân, ở tư tưởng xã hội Việt Nam chính là cái quan niệm xử thế tiếp vật có hệ thống, cái ý thức về sự tương quan giữa người với người và giữa người với vũ trụ có mạch lạc có giềng mối chặt chẽ để làm cơ sở cho tin tưởng, cho hành động, tóm lại tức là cái hệ thống ý thức về sự vật vậy. Tư tưởng Đông Tây đều xác nhận, người ta sống cho ra sống, sống một đời sống nhân loại thì điều thiết yếu tối quan trọng là một ý thức hệ chính đáng, một quan niệm vũ trụ nhân sinh vững chắc có thể đem lại cho chúng ta một lòng tự tin nhiệt thành.
Nhưng chúng ta tìm ở đâu thấy được cái quan niệm căn bản ấy? Phải chăng ở trong trầm tư mặc tưởng, lặn vào nội giới để có siêu xuất khỏi thực-thế đau khổ? Không có thể được, như lời Lão Tử đã để lại “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất = lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt”. Guồng máy thế giới ghê gớm, quay hoài không ngừng, nghiền nát bao tâm hồn vô ý đã vướng vào. Chỉ còn cách nhìn kỹ cơ cấu của guồng máy, nhìn vào sự thật, kinh nghiệm lấy cách thức vần xoay của máy huyền vi này là xã hội, để tìm ý thức lấy đường lối xử thế tiếp vật.
Kể từ khi có loài người trên mặt đất và có lịch sử đến giờ, loài người hiện ra là người của xã hội, mang ở bản thân nó cái tính tập hợp, tinh thần đoàn thể. Không có đoàn thể thì không làm gì có kỹ thuật, vì kỹ thuật công cụ là sản phẩm của sự hợp tác làm việc. Mà loài người hơn cầm thú ở chỗ luôn luôn tiến bộ về kỹ thuật, cho nên nhà kinh tế xã hội học đã gọi con người là giống tạo tác kỹ thuật (homo faber). Không có đoàn thể thì cũng không làm gì có phân công và tổ chức chế độ và pháp lý. Tóm lại không có đoàn thể thì không làm gì có văn hóa với văn minh, vì văn hóa có công dụng để nhân loại điều hòa thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, đổi trở lực thành trợ lực. Và chính nhờ có văn hóa mà loài người đã tiến bộ hơn loài nhện, loài ong, loài kiến, tuy có kỹ thuật chẳng kém gì khéo léo so với người, nhưng kể từ thiên niên vạn đại đến nay chúng vẫn không có tiến bộ. Còn nhân loại tuy khởi thuỷ không khéo được như một vài động vật, nhưng dần dần đã tiến bộ hơn, ấy là nhờ chỗ phân công hợp tác, tổ chức và kỷ luật của xã hội vậy. Cho nên triết gia cổ Hy Lạp gọi nhân loại là con người xã hội thực cũng chẳng sai.
Tuy nhiên, dù xã hội tính của nhân loại có hiển nhiên xác thực từ cổ lai cũng vẫn còn khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa chủ trương con người hoang đảo, cô độc một mình, như truyện Robinson bên Âu Tây, và truyện An Tiêm bên Việt Nam. Khuynh hướng cá nhân này không ngừng chống chọi với khuynh hướng xã hội. Chủ trương duy ngã, quan niệm xã hội là một số tổng cộng những cá nhân. Và một hiện tượng do một mớ tổng cộng cá nhân phần tử đẻ ra thì hoàn toàn bị tâm lý cá nhân chi phối. Như vậy thì tâm lý xã hội hay tâm lý quần chúng tập hợp ý thức đoàn thể là thực tại tồn tại của xã hội chỉ là phụ thuộc cho tâm lý cá nhân mà thôi.
Còn chủ trương xã hội tính của nhân loại đòi một xã hội học hoàn toàn biệt lập với tâm lý. Xã hội theo thuyết này thì có trước cá nhân, cá nhân hoàn toàn lệ thuộc vào xã hội, do những biểu tượng cộng đồng điều động lịch sử.
Hai chủ trương ấy đối lập với nhau, cũng như chủ trương cho cá nhân đối lập với đoàn thể, và lịch sử nhân loại chỉ là lịch sử tranh đấu giữa cá nhân với đoàn thể, đoàn thể đòi cá nhân phải hy sinh hết quyền cá nhân, cá nhân đòi xã hội phải để cá nhân tự do muốn làm gì thì làm, vì cá nhân vốn chỉ biết yêu có mình, chỉ biết duy ngã; nhổ một sợi lông chân có thể cứu được thiên hạ Dương Chu cũng không làm.
Nhưng ngày nay người ta đã xác chứng ở trên cá nhân có một tâm lý xã hội, một ý thức quần chúng, có những tính cách riêng biệt khác hẳn với tâm lý cá nhân, mà cũng không có gì giống với một tổng cộng những tâm lý cá nhân. Ấy là lòng dũng cảm của một đám đông, của một bộ đội trước trận tiền, của ba quân chỉ ngọn cờ đào. Đấy là ý thức xã hội. Cái ý thức ấy linh hoạt bao trùm cá nhân, nhưng không tất nhiên hoàn toàn phải đoạn tuyệt với cá nhân. Và ý thức cá nhân ngày nay với khoa phân tâm lý học Tây phương cũng như ở khoa thiền định cổ Đông phương, không phải chỉ giới hạn ở cái ý thức lúc ta thức mà còn gồm cả cái ý thức của lúc ta ngủ, nghĩa là tiềm thức.
Vậy thì cá nhân với đoàn thể, cũng như ý thức cá nhân với ý thức xã hội, không phải là không có chỗ cộng thông, cá nhân với đoàn thể chỉ xung đột đối lập chừng nào chúng ta quan niệm cá nhân ở cái ý thức nhỏ hẹp, và xã hội ở cái mớ hiện tượng đoàn thể tĩnh, không chút sinh hoạt linh động, không có một ý thức bao trùm và tồn tại độc lập.
Không, cá nhân với đoàn thể không phải hai thế lực xung đột, chừng nào chúng ta không nhìn chúng ở phương diện tĩnh, mà là nhìn ở phương diện nhân sinh hành vi, nghĩa là phương diện hoạt động thực tế. Và ở phương diện này thì cá nhân đối với xã hội chẳng khác gì cá đối với nước, cá chỉ sinh hoạt được trong nước, cá nhân cũng chỉ sinh hoạt thành tựu trong đoàn thể, ở trong nhân quần xã hội mà thôi vậy.
Giữa cá nhân và xã hội có một quan hệ mật thiết như thế cho nên các nhà tâm lý xã hội học cũng như triết lý nhân sinh hiện nay đã kết luận. Sự quân bình trong tinh thân cá nhân khó lòng giữ được nếu không thích ứng điều hòa với xã hội.
Nhưng không phải sự quân bình của tinh thần cá nhân chỉ là hoàn toàn ở trong sự thích ứng với đoàn thể, không phải là một chủ nghĩa xu thời thụ động, một sự quân bình tĩnh. Nó luôn luôn thay đổi mở mang, mà đồng thời vẫn thích ứng với đoàn thể, với xã hội. Quân bình ở cá nhân cũng như ở xã hội là quân bình động.
Sự quân bình nội tại của cá nhân càng được củng cố với sự phát triển của tinh thần đoàn thể. Trái lại đoàn thể tan lìa, xã hội loạn ly, thì đi đôi với sự khủng hoảng của tinh thần cá nhân, sự suy bại của văn hóa truyền thống.
Vậy xã hội với cá nhân bổ túc cho nhau.
Ý nghĩa của đời sống cá nhân phải tìm ở trong đoàn thể, cũng như quân bình của xã hội kinh tế, chính trị, hay văn hóa bắt nguồn ở tâm lý cá nhân.
Cho nên tự cổ lai tư tưởng xã hội học Đông phương không lấy cá nhân làm đơn vị của xã hội, mà lấy một cặp vợ chồng: “Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ = Con đường thực hiện của cá nhân chính đáng bắt đầu ở tình vợ chồng”. Nghĩa là bắt đầu giải quyết cái đầu mối mâu thuẫn ở sinh lý tâm lý.
Bởi vì con người trứơc hết là yêu mình. Vì yêu mình nên muốn tìm cái hình ảnh của mình ở người không phải mình, ở cái người khác là đối tượng hóa của chính nó để yêu thương, để phụng sự, để hy sinh chính cái Ngã nhỏ hẹp vị kỷ cho cái Ngã xã hội rộng lớn. Và bắt đầu từ đấy trở đi là tất cả giềng mối tương quan của nhân quần xã hội. Xã hội tính bắt đầu phát triển, tức là lòng hy sinh người này cho người kia vậy.
Xã hội Việt Nam kể từ thời còn là những thị tộc Văn Lang cho tới ngày nay tiến triển một cách miên tục, không có chỗ gián đoạn đứt quãng. Trước sau một dòng con Rồng cháu Tiên. Cơ sở tổ chức của xã hội từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, là tình đoàn thể mà kiểu mẫu là gia đình, lấy tình thân yêu gia đình làm động cơ căn bản.
Khởi kỳ thuỷ thị tộc Văn Lang lấy tục vẽ mình để phân biệt đoàn thể mình với đoàn thể khác. Nhưng tục vẽ mình ấy cũng lại chứng tỏ một ý chí chung sống, vì tất cả tinh thần của đoàn thể đều tập trung vào một vật tổ, biểu tượng cho người mẹ chung của đoàn thể. Cá nhân của Văn Lang chỉ có được là nhờ cái đức linh của vật tổ, của người mẹ chung gây dựng ra Văn Lang trường cửu.
Kịp đến khi đoàn thể Văn Lang bắt đầu định cư vào khu vực địa lý nhất định ở Bắc Việt thì ý chí chung sống của cả đoàn thể vì thay đổi cách thức sinh hoạt mà chuyển từ vật tổ Rồng Tiên vào đất đai xã tắc. Đức linh của vật tổ, người mẹ chung bây giờ lại hiện vào hồn sông núi, và giang sơn, vào xã tắc. Sông núi, đất đai, không phải chỉ thực tại ở hình thức bề ngoài, mà còn mang ở bản thân nó linh hồn của cả một dân tộc. Xã tắc không phải chỉ là lễ nghi, tế tự mà còn luôn luôn nhắc nhở con dân đất Việt tình máu mủ chung giống chung nòi, chim cùng một tổ.
Và sau này khi tổ chức quốc gia đã chỉnh tề, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, chế độ quân chủ đã nghiêm túc, từng phen chịu đựng những thử thách ngặt nghèo của lịch sử để bảo vệ cho cái gia tộc Hồng Bàng khỏi họa diệt vong, ấy cũng là nhờ cái tinh thần gia tộc cố hữu nồng nàn nó tạo ra một tinh thần quân dân nhất trí, trăm người như một nhất quyết bảo vệ tự do độc lập ở hội nghị Diên Hồng, cũng như trong cuộc trường kỳ Nam tiến.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép rằng: “Năm thứ sáu, hiệu Chương Khánh Gia Khánh (1064), triều Lý Thánh Tôn, mùa hạ, nhà vua ngự giá đến điện Thiên Khánh để xử án cho dân, Bà Công Chúa Động Thiên đứng cạnh đức vua cha. Vua bèn chỏ vào công chúa và nói với các quan ngự sử: “Tình phụ mẫu của Trẫm đối với con dần không kém gì tình phụ tử của Trẫm đối với con gái Trẫm. Nhưng vì dân chúng không biết được như thế cho nên dân mới phạm vào luật pháp. Trẫm lấy làm đau đớn trong lòng. Từ nay trở đi Trẫm mong rằng tất cả tội lỗi dù nặng dù nhẹ sẽ được xét xử với một tinh thần hết sức dung thứ”.
Ngô Thời Sĩ có bình luận rằng:
Đọc thấy điểm này người ta có thể biết được lòng nhân từ của vua Thánh Tôn đối với dân, tinh thần dung thứ trong sự thi hành luật pháp, sự thân mật giữa vua tôi một tinh thần thân dân mà các bậc thềm cung điện không có thể phân cách. Xét những việc này, người ta có thể có một ý niệm về phong tục rộng rãi và giản dị của thời đại. Khi nào mà những nguyên tắc ấy được thi hành thì những người thân thích của nhà vua còn làm thế nào để có thể dấu diếm được nhà vua những việc xẩy ra ở chung quanh nữa. làm thế nào mà đời sinh hoạt thực tế và những nguyện vọng của dân lại có thể không đến được tai mắt của nhà vua. Làm thế nào mà trong nước lại không có an ninh trật tự được.”
Xem như thế đủ thấy cơ cấu tổ chức của xã hội Việt Nam xưa là tình gia tộc thực hành đến sâu rộng.
Ở phạm vi vũ trụ thì Trời Đất là cha mẹ ngôi trị vì lãnh đạo, nghĩa là nhà vua (Thiên tử) có nhiệm vụ thi hành mệnh trời, tức là cái điều lý của vũ trụ, cái hòa điệu của đại đồng mà vua phải là hiện thân. Bản thân của Thiên tử phải có được điều kiện để luôn luôn cảm thông với hòa điệu đại đồng.
Ở phạm vi chính trị thì vua là cha mẹ muôn dân, yêu dân như con đỏ, lấy tình phu tử để phụng sự nghĩa sống còn trường cửu của nhân dân. Vì không có gì hiển nhiên lớn lao bằng cái đức sống tràn ngập của trời đất. “Thiên địa chi đại đức viết sinh”.
Ở phạm vi tư pháp hành chính, quan chức là “dân chi phụ mẫu”, pháp luật là hình thức để ngăn ngừa, nhưng không bao giờ xa lìa cơ cấu của nhân tình. Pháp luật không phải là một mớ điều lệ cứng nhắc ở trong ấy còn có cái hồn. Cho nên:
Ngoài thì là lý nhưng trong là tình.
Chính cái tình ấy là tinh thần gia tộc căn bản của nền dân chủ xã hội xã thôn trải qua bao nhiêu thế hệ cho đến ngày nay, đôi phen xung đột cạnh tranh với tổ chức quân chủ tập trung mà không bỏ mất tinh thần “trong họ ngoài làng”.
Vậy bất cứ ở phạm vi sinh hoạt nào của xã hội Việt chúng ta cũng thấy hiện ra cái tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, coi nhau như anh em một mẹ. Và chính cái tinh thần ái quốc, cái chủ nghĩa quốc gia của Việt Nam truyền thống, trải qua hơn hai ngàn năm vẫn xây dựng trên cái nền tảng tinh thần gia tộc vậy. Nợ nước đi đôi với thù nhà. Kìa như hai chị em bà Trưng, lần đầu tiên ý thức sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt độc lập. Bà Trưng Trắc thì nhân nghĩa vợ chồng mà đi đến ý thức quốc gia dân tộc. Bà Trưng Nhị thì nhân tình chị em ruột thịt mà đi đến ái quốc, ái quần.
Và lời Nguyễn Phi Khanh nhủ con là Nguyễn Trãi ở cửa Nam Quan cũng vẫn nặng chĩu nợ nước với thù nhà:
“Con phải trở về mà lo trả thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm chi”.
Vậy lòng ái quốc truyền thống của người Việt, không thiên về quyền lợi cộng đồng, mà là một trạng thái của tinh thần gia tộc, một tôn giáo tổ tiên. Kể từ thời gia tộc mẫu hệ, lòng ái quốc ấy đặt vào Vật Tổ thiêng liêng, người với vạn vật phối hợp chưa phân. Cho đến khi định cư nông nghiệp vào một khu vực địa lý khí hậu nhất định, thì quốc gia đã có một lãnh thổ có biên cương, ái quốc biến thái và tập trung vào giang sơn xã tắc. Hồn sông núi biểu tượng cho sự sống còn trường cửu của dân tộc. Thế rồi chính thể quân chủ tập trung càng ngày càng thống nhất ý chí chung sống của đại gia đình Việt tộc. Bấy giờ lòng yêu nước thương nòi muốn tìm tượng trưng cho sự thống nhất ý chí ấy ở các bậc anh hùng dân tộc, ở các vị anh quân đã phất cờ khởi nghĩa nêu cao nguyện vọng quật cường, tinh thần độc lập tự do của đoàn thể. Cho nên tinh thần ái quốc đã diễn tả là lòng trung quân. Sau này thì tinh thần ái quốc không còn là trung thành với nhà vua một cách vô ý thức, mà tiến đến trình độ sáng suốt của “dân vi quý” là “thượng vị đức, hạ vị dân”. Nhưng dù sao tinh thần ái quốc ấy cũng chưa từng quên được tình nhà:
Mến chúa đau lòng con quốc quốc.
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Hai chữ Nước Nhà hay Quốc Gia luôn luôn đi đôi không từng rời nhau. Ở Việt Nam xưa kia có thể nói người ta không thể quan niệm được chữ Trung không đi đôi với chữ Hiếu, người yêu nước không khi nào lại khinh bỏ bổn phận đối với gia đình. Vì lẽ đầu óc con người của xã hội nông nghiệp còn thuần phác không hiểu được rằng một người đã không yêu thương được người ở gần mình mà lại có thể yêu thương người ở xa mình vậy. Cho nên mẹ một Sĩ phu kia muốn cho con tận trung báo quốc phải vào buồng tự vẫn, để giải thoát cho con khỏi bận tâm về chữ hiếu. Cụ Phan Bội Châu chờ chôn cất mẹ xong mới ra đi làm phận sự đối với quốc gia.
Và các bà mẹ của các bậc anh hùng dân tộc Việt, nếu không trực tiếp làm việc nước như cô Tám, vợ ba Đề Thám, thì cũng ý thức cái nghĩa trung quân, ái quốc như thân mẫu cụ Hoàng Diệu chẳng hạn. Có một lần cụ Hoàng Diệu đi làm quan xa, nhớ mẹ gửi về biếu một tấm áo. Nhưng không những thân mẫu cụ không nhận mà còn gửi trả lại kèm thêm cái roi. Đủ biết tinh thần gia tộc chân chính không những không làm giảm lòng ái quốc ở nam nhi, mà cũng không đem chữ hiếu hiểu lầm để làm hại nghĩa cả, mà còn đào tạo nên hạng người có đức liêm chính công tâm tối cần thiết cho quốc gia dân tộc.
Vậy tinh thần gia tộc thực là căn bản trong tổ chức xã hội Việt Nam. Nó không phải trỏ vào dòng huyết thống, một thứ liên hệ vật lý mà thôi. Con Rồng cháu Tiên vừa ngụ ý nghĩa một ngành trong ngành Việt tộc là ngành Lạc Việt đã từ phía Bắc đi xuống miền Nam, và đã định cư vào đất Bắc Việt một thời, ở đấy nó đã phấn đấu với thiên thời, với địa lợi, với các dân tộc khác cạnh tranh và cuối cùng nó đã nhờ ý chí quật cường mà tồn tại, để rồi kết cục cuộc trường kỳ Nam tiến. Nhưng con Rồng cháu Tiên còn ngụ ý nghĩa thiêng liêng thần bí, ý nghĩa vạn vật nhất thể, ý nghĩa tôn giáo, nên hiểu tôn giáo là tin vào cái gì mà tri thức thực nghiệm không thể chứng minh được. Và tôn giáo gia tộc ấy, tôn giáo thờ phụng tổ tiên ấy là một tôn giáo tôi cổ của nhân loại.
Trong tất cả các thế lực đã nuôi và còn nuôi sinh khí, đã và còn làm linh hồn cho các cơ cấu tổ chức của xã hội, đã và còn hun đúc uốn nắn vận mệnh của nhân loại, thì không phải là những thế lực vật chất mà chính là cái thế lực vô hình linh động biểu hiện ra ở cá xã hội cổ kim gọi là thế lực của tôn giáo, của tín ngưỡng. Thực vậy, liên hệ của tinh thần, của tôn giáo, của tín ngưỡng đã tỏ ra mạnh hơn liên hệ của địa lý khí hậu, mạnh hơn cả liên hệ kinh tế hay ngôn ngữ. Đã bao việc xảy ra trong lịch sử nhân loại chứng tỏ rằng những người cùng một tín ngưỡng đoàn kết với nhau cạht hơn, lâu bền hơn.
Cái thế lực tôn ấy ấy có kẻ chủ trương nó bắt nguồn ở sự thờ phụng linh hồn. Có kẻ cho rằng nó bắt nguồn ở sự tiến hóa của ý niệm về vô biên. Một đàng thì lấy thờ phụng tổ tiên làm bước đầu của tất cả những tư tưởng về tôn giáo. Một đàng thì cho nguồn gốc của tôn giáo là ở chỗ thần thánh hóa những thế lực tự nhiên.
Ở Việt Nam từ trước đến nay cả hai khuynh hướng thờ phụng tổ tiên và thờ phụng tự nhiên đã tiến đến sự phối hợp làm một ở sự thờ phượng vị thần anh hùng dân tộc, vừa là linh hồn tiền nhân bất tử, vừa là những anh linh phối hợp với các thế lực tự nhiên thần thánh hóa. Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Trần, Đức Thánh Hai Bà, Đức Ông ở Gia Định v.v… Và dân Việt tìm thấy ở trong sự thần thánh hóa anh hùng dân tộc ấy cái quốc hồn để làm sức mạnh cấu kết của đoàn thể, để làm sinh lực sống còn của dân tộc, như biểu dương ở câu đối thờ Hoàng Diệu:
Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư Xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên.
Đấy là hồn sông núi của Lạc Việt. Đấy là cái ý thức đoàn thể của con Rồng cháu Tiên, và đấy là tinh thần quốc gia của Văn Lang, hồn nước của Hồng Bàng. Nhưng hồn nước là vật vô hình, tuy linh động nhưng vô bờ bến, phảng phất nơi không trung để phiêu bạt tiêu tan như mây khói. Cho nên nó phải tìm cụ thể hóa vào những vật hữu hình, nó phải biểu hiện vào những điều kiện sinh hoạt thực tế của những đoàn thể.
Bắt đầu người ta nhận nó ở tiếng nói, ở hình vẽ vào mình, bởi vì ngôn ngữ văn tự là lợi khí để trao đổi tinh thần, ý chí giữa người nó với người kia trong một đoàn thể. Có hiểu lẫn nhau thì mới dễ thân mật với nhau, mà hiểu nhau cốt ở ngôn ngữ. Nhưng tiếng nói cũng là sản phẩm của đời sống xã hội quần cư, tuỳ theo thời gian mà biến đổi. Tiếng nói là cần thiết cho một đoàn thể nhưng vì là sản phẩm của một lịch trình tiến hóa nên phải giải thích bằng lịch sử. Nhà xã hội học tuyên bố: “Không có thể có một tiếng nói thuần nhất ngoài nơi nào đã thấy có một dân tộc có ý thức về thống nhất quốc gia”.
Vậy hồn nước lại biểu hiện vào lãnh thổ, vào sông núi, khu vực địa lý mà đoàn thể đã định cư để sinh hoạt, phân công hợp tác để khai tác, tưới bằng máu, bón bằng xương. Nhà triết lý lịch sử Pháp Michelet đã viết: “Không có một nền tảng địa lý, thì dân tộc là người chủ động của lịch sử hầu như đi trên không khí, lơ lửng như trong bức tranh Tàu không đất đứng. Và nên nhận rằng đất đai không phải chỉ là sân khấu cho hành động. Vì những những thức ăn, vì khí hậu thủy tổ nó ảnh hưởng vào người ta bằng trăm đường nghìn lối. Tổ nào chim ấy.”
Gần đây sử gia Pháp Camille Jullian cũng viết:
“Sự khai thác một khu rừng lớn, việc làm khô ráo một cánh đồng lầy cũng quan trọng cho sự định đoạt vận mệnh của xã hội ngang với một cuộc cách mệnh chính trị hay là một tác phẩm văn nghệ”.
Hẳn rằng điều kiện tối thiết yếu cho một dân tộc tồn tại ấy là lãnh thổ. Có lãnh thổ rồi mới có tổ chức sinh hoạt kinh tế chính trị cộng đồng và bền vững. Nhưng lãnh thổ hay khu vực địa lý cũng luôn luôn thay đổi bởi nhân công. Loài người sống trong hoàn cảnh tự nhiên không phải là thụ động. Nó muốn làm chủ động luôn luôn biến đổi diện mục của địa cầu.
Như vậy thì lãnh thổ thay đổi, tổ chức kinh tế chính trị thay đổi, nhưng thực tại quốc gia dân tộc vẫn tồn tại. Nó tồn tại ở cái cá tính quốc gia dân tộc của nó, mà ngôn ngữ cũng như kinh tế, chính trị và chủng tộc là những điều kiện không tồn tại, nhưng tập hợp lại để phô diễn mỗi đàng một vẻ. Trên cái thân hình cụ thể của dân tộc, tư tưởng Việt Nam từ cổ lai tin còn có một quốc hồn quốc tuý, một cá tính linh thiêng tồn tại mà nó phụng thờ ở anh linh của anh hùng dân tộc; phối hợp với sông núi cỏ cây, với nhật nguyệt tinh tú, với hà nhạc thanh thiên.
Chính cái tin tưởng quốc gia truyền thống ấy, cùng đồng điệu với cái tư tưởng của Renan nhà lý thuyết về quốc gia dân tộc Pháp cận đại, như ở lời tuyên bố ngày 2 tháng 3 năm 1882 giữa Đại học đường Sorbonne:
“Một dân tộc là một linh hồn, một nguyên lý tâm linh. Hai vật mà thật sự chỉ là một, nó cấu tạo ra cái linh hồn ấy, cái nguyên lý tâm linh ấy. Một đàng thuộc về quá khứ, một đàng thuộc về hiện tại. Một đàng là cái gia tài chung đầy những di tích kỷ niệm. Một đàng là sự đồng lòng nhất trí hiện tại, nguyện vọng chung song, ý chí kế tiếp làm vẻ vang cái gia tài đã thừa hưởng bất phân. Ở quá khứ một gia tài vinh quang và tiếc nhớ để san sẻ, ở tương lai một chương trình tương tự để thực hiện. Đã cùng nhau đau khổ, sung sướng, hy vọng, đấy còn hơn là những biên giới thương chính chung và những biên giới đúng với kế hoạch chiến lược. Đấy là cái để người ta hiểu nhau, mặc dầu có sự phức tạp về chủng tộc và ngôn ngữ. Đã từng cùng nhau đau khổ: đau khổ chung đoàn kết chặt hơn là vui sướng. Để kỷ niệm Quốc Gia thì quốc tang có giá trị hơn là vinh quang, bởi vì chúng đặt cho chúng ta những phận sự chúng đòi một sự cố gắng chung. Một quốc gia dân tộc là một đại đoàn kết gây nên bởi cái ý thức về những sự hy sinh đã làm và những sự hy sinh chúng ta sẵn sàng hưởng ứng. Một đại đoàn thể người nhiệt tâm và sáng suốt tạo ra một ý thức luân lý, một lương tâm gọi là tổ quốc. Chừng nào cái lương tâm ấy chứng tỏ sức mạnh của nó bằng những hy sinh mà cá nhân phải đem phụng sự cho đoàn thể, thì cái lương tâm ấy chính đáng cái ý thức ấy có quyền được có”.
Cái tư tưởng quốc gia dân tộc của Renan trên đây đã tuyên bố với thanh niên Pháp cũng chính là tư tưởng của các nhà ái quốc Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam. Giống nhau ở chỗ thần bí mà dân Việt chúng ta đã bao lâu thần thánh hóa các anh hùng dân tộc, khai quốc công thần.
Cái tinh thần ấy có còn thích hợp với thời thế mới nữa không? Cái tư tưởng quốc gia dân tộc ấy có đưa đến cái tinh thần quá khích quốc gia là mầm chiến tranh dân tộc để tiêu diệt văn minh nhân loại không? Cái tư tưởng quốc gia dân tộc ấy ở chỗ nào nối tiếp với tình nhân loại để bắt tay với thế giới đại đồng đặng xây dựng hòa bình và công lý?
Ngày nay Việt Nam không phải chỉ biết có thiên hạ nhà Hán chu vi trong Vạn Lý Trường Thành, Hy Mã Lạp Sơn và Thái Bình Dương. Ngày nay Việt Nam cũng như các dân tộc trên thế giới phải mở rộng cửa để giao dịch với năm châu. Nhân công đã đi tới trình độ thắng phục được bể cả, núi cao, rừng rậm, hay sa mạc. Nhân công đã rút ngắn thời gian và không gian. Không còn một nước nào có thể đóng cửa để sống một đời sống cô lập tự túc mà mong tồn tại hay độc lập tự do. Cũng như cá nhân không thể biệt lập với đoàn thể, dân tộc cũng không có thể đứng ngoài nhân loại, quốc gia không có thể thực hiện cá tính của nó ở ngoài thế giới. Vậy cái tư tưởng quốc gia cố hữu của Việt Nam đặt nền móng trên tinh thần gia tộc có thể dung hòa với tình nhân loại, có triển vọng thế giới đại đồng không?
Sự thực, gia tộc phụ hệ Việt Nam tiến hóa tuần tự từ xã hội mẫu hệ công cộng nguyên thuỷ, không lấy tinh thần tư hữu làm nguyên lý căn bản. Gia đình là một đơn vị mà các tác dụng kinh tế, chính tị, văn hóa, chưa phân hóa. Tài sản là của chung, danh dự là danh dự chung, một nhà làm quan cả họ được nhờ. Nhờ là nhờ cái hay cũng như mang lấy cái dở. Từ trong nhà trong họ ra ngoài làng ngoài nước cũng vậy. Tuy rằng tổ chức xã thôn đã bao phen dâu bể vật đổi sao rời, nhưng tinh thần dân chủ xã hội cũng vẫn còn thoi thóp đến tận ngày nay. Ở trong làng người được tôn trọng không phải vì chức tứơc phẩm hàm hay là giàu có, mà là người tuổi tác và tài đức. Tài sản công điền công thổ, tuy bị giầy xéo nhưng thành tích chưa mất hẳn. Cho nên tâm lý tư hữu cá nhân tuy đã phát triển mạnh ở nơi đô thị tự do cạnh tranh mà ở chốn hương thôn nó chưa tiêu diệt hết lý tưởng công cộng cố hữu, tinh thần dân chủ xã hội.
Đọc câu ca dao của đại chúng hay câu thơ của thượng lưu trí thức, chúng ta nhận thấy lý tưởng quốc gia biểu dương trong tôn giáo anh hùng dân tộc, không phải là một chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi thiển cận, không có triển vọng cao xa. Cái lý tưởng anh hùng dân tộc dựng lên thành một quốc giáo phổ thông khắp các tầng lớp xã hội, thì vốn là kết tinh của thờ phụng tổ tiên với thờ phụng tự nhiên, cho nên không những nó muốn coi bốn bể một nhà, mà nó còn ngưỡng vọng đến chỗ phối cùng vũ trụ. Người anh hùng lý tưởng của dân tộc Việt không có tham vọng tư hữu thiên hạ, cho nên tư tưởng Ái Quốc ở đây không có giới hạn vào đất đai, vào khu vực địa lý hay vào một thời đại nhất định nào. Nó chỉ là lý tưởng của một đấng nam nhi đứng trong trời đất, đã sinh ra có thân nghiệp thì phải làm tròn chức phận của mình trong vũ trụ. Chung quanh ta mọi vật từ nhỏ đến lớn đều đóng vai trò của nó trong cái hòa điệu đại đồng, há đâu làm tài trai có đầu óc, có thông minh, lại không có phận sự, lại không biết rằng mình sinh ra không phải là vô ý nghĩa. Ý nghĩa ấy không phải chỉ là bổn phận đối với gia đình, với làng nước, với tổ quốc, mà còn đối với thế giới nhân loại, hơn nữa còn đối cả với cỏ cây, với mây núi với vũ trụ đại đồng.
Thực vậy, lịch sử chứng minh tinh thần ái quốc của dân tộc Việt Nam không từng quên tình nhân loại, và tính hiếu chiến của dân Việt không từng quên tư tưởng hòa bình. Đương thời quân Nguyên xâm chiếm, dân khí Việt Nam bồng bột, tưởng chừng ăn gan uống máu quân thù, mà một đại tướng còn thốt ra lời thơ tha thiết hòa bình:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.
Phải tranh đấu là vì mục đích bảo vệ hòa bình cho muôn dân, giữ gìn đất nước cho tổ tiên, chứ không phải như quân Nguyên chỉ muốn thôn tính thiên hạ, xâm chiếm đất người. Trần Quang Khải vị anh hùng dũng tướng nhà Trần đánh đông dẹp bắc chẳng ngoài mục đích cố sức dựng lại hòa bình, thực hiện nguyện vọng của đại chúng nông dân: An cư lạc nghiệp.
Đến lượt quân Minh xâm chiếm người anh hùng áo vải Lam Sơn Lê Lợi vì nước, Nguyễn Trãi vì thù nhà, mười năm vào sinh ra tử để tranh đấu. Sau khi thắng được kẻ thù, các Ngài vẫn một lòng nhân nghĩa như đã tuyên dương trong hịch Bình Ngô Đại Cáo:
Nhân nghĩa chi cử vụ tại an dân.
Điếu phạt chi sư mạc tiên khứ bạo.
(Làm việc nghĩa cốt để yên dân.
Cất quân hỏi tội cứu đời trước hết là trừ tàn bạo.)
Còn đối với quân giặc đầu hàng thì Lam Sơn Thực Lục còn chép một đoạn rất có ý nghĩa sâu xa về tình nhân loại của bậc anh quân Nam Việt:
“Các tướng sĩ cùng nhân dân nước ta, không kể già trẻ trai gái bấy lâu khổ về mọi sự tàn ác của giặc, giết hai cha mẹ bà con họ, bèn rủ nhau cố xin nhà Vua giết cho hết bọn chúng để bõ giận cho trời đất thần dân, để hả lòng các trung thần nghĩa sĩ, để yên ủi các hồn vô tội chịu oan khuất, để gột rửa nỗi nhục vô cùng cho nước nhà.
Nhà vua với các chư tướng cùng người trong nước mà bảo họ rằng: “Một lòng báo oán là thường tình của con người ta. Nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả chăng người ta đã đầu hàng mà ta lại giết đi thì còn gì không lành hơn nữa. Để hả cái giận trong một sớm mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng tới muôn đời, thì sao bằng để sống hàng ức vạn mạng người mà rứt mối chiến tranh về sau cho hai nước? Sử sanh chép lại muôn thưở còn thơm!” (Lam Sơn Thực Lục).
Đấy chẳng phải một bài học nhân ái hiện thực đáng làm kinh nhật tụng cho quân nhân? Ở đấy chúng ta thấy chứng minh tinh thần ái quốc chân chính thì không những không trái nghịch với tình nhân loại mà còn làm căn bản bồi bổ cho tình nhân loại nữa vậy. Ở đấy chúng ta thấy Lê Lợi đã thực hiện cái triết lý “sát thân thành nhân = giết thân mà thực hiện đạo nhân”. Vậy ở xã hội Việt Nam, tinh thần gia tộc, chủ nghĩa quốc gia và tình nhân loại, không phải là ba phương diện khác nhau mâu thuẫn của đạo làm người. Chúng là ba phương diện thực hiện của một đức nhân, của một bản ngã tâm linh xã hội đầy đủ, của một nhân tính thực hiện đến chỗ chí thành, của cái đạo nội thánh ngoại vương, lấy thiên lý bên trong để làm chủ sự vật bên ngoài. Hay là lấy bản ngã tâm linh ở trên cả tình cảm lẫn lý trí thiển cận, tức là cái tâm thiên địa để duy nhất con người tình cảm, ý chí và lý trí.
Con người xã hội hoàn bị của Việt Nam cũng không có thể ngừng ở một giai đoạn nào trên con đường thực hiện. Con đường thực hiện ấy đã được Khổng Nho qui định vào một hệ thống xã hội học thực dụng gồm có tám yếu điểm như tám bậc của một cầu thang lên xuống không ngừng nối trời với đất, bậc trước làm điều kiện cho bậc sau, và bậc sau đưa vào bậc trước.
Xét rõ sự vật
Hiểu biết đến nơi.
Thành thực với ý mình
Giữ lòng cho ngay thẳng
Tu sửa thân mình
Chỉnh đốn trong nhà
Trật tự trong nước
Hòa bình thế giới.
Chương trình xã hội học gồm tám mục trên đây muốn thành tựu thì phải điều hòa trí thức khoa học với tình yêu thực dụng, làm sáng đức sáng bản nhiên và thân yêu nhân dân. Đạo đức với khoa học bổ túc cho nhau, như lời nhà luật học có tiếng ở Việt Nam, cụ Phan Văn Trường đã bình luận:
“Đấy là cả một lý thuyết xã hội học toát yếu vào một số mệnh đề liên hệ chặt chẽ quá trình tiến hóa của xã hội bằng cách chứng minh cá nhân phải nối tiếp với nhân loại qua gia tộc và quốc gia như thế nào. Những mệnh đề ấy bao hàm những nguyên lý căn bản làm nền móng cho những chế độ tổ chức chính trị và xã hội của Trung Hoa và Việt Nam lấy khoa học với đạo đức làm tiêu chuẩn”.
(Trung Quốc chi hựu hình luật, ed. Ernest Sagol Paris 1922)
Chính cái tiêu chuẩn khoa học và đạo đức trên đây đã ảnh hưởng sâu xa vào tính tình Việt Nam nhất là vào tinh thần của giới sĩ phu lãnh đạo đến nỗi nó đã biểu lộ ra một cách sáng sủa ở bài Kê Minh Thập Sách của một phụ nữ Việt Nam cuối đời Trần là Nguyễn Thị Bích Châu dâng lên cho Vua chồng là Duệ Tông trước khi Ngài lên đường Nam tiến.
“Kính dâng mười chước, mong được một điều:
Một là bền gốc nước, kẻ bạo trừ, thì dân chúng được yên.
Hai là giữ nếp xưa, việc phiền nhiễu bỏ, thì triều cương không rối.
Ba là nén kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
Bốn là đuổi bọn những lại để bớt chài dân.
Năm là xin mở lối Nho phong để ngòi lửa đóm được rạng soi cùng Nhật Nguyệt.
Sáu là xin tìm lời trực gián để đường ngôn luận được mở rộng như của thành.
Bảy là kén quân nên lấy hạng kiêu hùng hơn là so vóc dạc.
Tám là chọn tướng nên tìm người thao lược hơn là bậc thế gia.
Chín là khí giới cốt cho tinh nhuệ không cần hoa hoè.
Mười là trận pháp cần phải chỉnh tề không cần múa nhẩy.
…… Dân được an mà nước được trị ấy là lòng thiếp sở cầu. Bỏ điều dở mà làm điều hay, giám trông lượng Vua nghĩ lại”.
(trích dẫn Cổ Văn học sử – Nguyễn Đổng Chi)
Tác giả Nguyễn Đăng Thục