Ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi cách mạng tháng tám

heokoncute

New member
Xu
0
Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
1. Ý nghĩa
Đối với thế giới, Cách mạng tháng Tám thắng lợi có ý nghĩa như thế nào?
- Cỗ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa
IV. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

2. Nguyên nhân thắng lợi:
Cách mạng tháng Tám thành công nhờ những nguyên nhân nào?
- Truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
- Khối liên minh công nông vững chắc.
- Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch.
- Điều kiện quốc tế thuận lợi.


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân lãnh đạo giành được thắng lợi, góp phần cùng Đồng Minh dân chủ quốc tế đánh bại chủ nghĩa phát-xít, kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, đem lại hòa bình cho toàn thể nhân loại. Cách mạng Tháng Tám còn góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Cách mạng Tháng Tám thành công là do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đứng trên lập trường giai cấp công nhân, vận dụng một cách sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc và dũng khí đấu tranh anh hùng, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Nói cách khác, là do Đảng ta đã biết kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn tính giai cấp với tính dân tộc của cuộc cách mạng.

Do chưa nhận thức được tính tất yếu trong mối quan hệ giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc của Cách mạng Tháng Tám nên một số học giả nước ngoài đã không thấy hết vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng, cuộc cách mạng này nổ ra là do có "sự ăn may", do lúc đó ở Đông Dương có "khoảng trống quyền lực" (Pháp chạy, Nhật hàng, quân Đồng Minh chưa tới) nên Việt Minh mới dễ dàng giành thắng lợi.

Một sự thật hiển nhiên mà nhiều nhà khoa học đã chứng minh là, trong hơn 80 năm đấu tranh chống thực dân Pháp, hàng chục cuộc đấu tranh vũ trang oanh liệt của nhân dân Việt Nam nổ ra nhưng vẫn chưa giành được thắng lợi. Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc đấu tranh đó chưa có một giai cấp tiền phong lãnh đạo, chưa có lý luận cách mạng soi đường, cũng như chưa có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, đủ sức giành thắng lợi trước những kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phát-xít. Nhưng, còn một sự thật lịch sử nữa phải được làm rõ là, muốn đưa cách mạng đến thành công, không chỉ cần có một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mà còn cần có một đảng biết vượt qua bao thử thách, gay go, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện đường lối chiến lược và sách lược.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác nhận, để đi đến thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng phải trải qua ba cuộc vận động cách mạng khó khăn, gian khổ. Đó là: 1 - Cuộc vận động những năm 1930 - 1935 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), tiếp theo là giai đoạn khủng bố trắng và thoái trào cách mạng (1932 - 1935). 2 - Cuộc vận động những năm (1936 - 1939), với cao trào Mặt trận Dân chủ năm 1938, Đảng lại phải vượt qua tổn thất do cuộc khủng bố của địch gây ra để đi tiếp chặng đường mới. 3 - Cuộc vận động những năm 1939 - 1945, Đảng đã sáng suốt phát triển cả lực lượng chính trị lẫn lực lượng vũ trang, dấy lên cao trào tiền khởi nghĩa, chủ động nắm bắt thời cơ mới để tiến hành Tổng khởi nghĩa. Chính nhờ trải qua ba cuộc vận động đó, Đảng từng bước hoàn thiện đường lối chiến lược và sách lược. Điều đó biểu hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

1 - Từ chỗ tiến hành song song hai nhiệm vụ phản đế và phản phong, đến chỗ xác định rõ nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc

Đây là cả một chặng đường chuyển biến nhận thức, đổi mới tư duy không đơn giản. Luận cương chính trị của Đảng tháng 10-1930 nêu rõ: "Sự cốt yếu của tư sản dân quyền cách mạng thì một mặt là phải tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bổn và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa" (1). Phong trào đấu tranh của quần chúng năm 1930 - 1931 cũng nổi lên với khẩu hiệu "Đả thực, bài phong", không chỉ chống đế quốc xâm lược mà còn đả đảo cả "Trí, phú, địa, hào".

Chuyển sang thời kỳ những năm 1936 - 1939, trước nguy cơ phát-xít, Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm kết hợp đấu tranh dân tộc với đấu tranh dân chủ để chống phát-xít. Điều đó bước đầu tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân, biểu hiện ở cuộc mít tinh đồ sộ với hơn hai vạn người tham dự ở nhà Đấu xảo Hà Nội, ngày 1-5-1938.

Đến giữa năm 1939, cuộc chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, các nước đế quốc xâu xé lẫn nhau, thời cơ giải phóng dân tộc sẽ đến, Đảng thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm thời hạ thấp khẩu hiệu phản phong. Tại Hội nghị Trung ương 6, họp từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, Đảng ta chỉ rõ: "Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa... Hiện nay tình hình có đổi mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát-xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng. Đám đông trung tiểu địa chủ và tư sản bổn xứ cũng căm tức đế quốc. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết" (2). Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, một làn sóng cách mạng phản đế đã dấy lên, tiêu biểu là ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, làm rung động bộ máy thực dân.

Tháng 6-1941, Liên Xô tuyên chiến với Đức. Sau đó, Đồng Minh quốc tế chống phát-xít gồm Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ ra đời. Ở Việt Nam, thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần. Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 (họp ở Pắc Bó, Cao Bằng). Tại Hội nghị này, Đảng đã hoàn thiện thêm một bước nữa việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, thay khẩu hiệu "Phản đế" (của Hội nghị Trung ương 6) hay "Phản đế cứu quốc" (của Hội nghị Trung ương 7) bằng khẩu hiệu "Cứu quốc". Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: "Chính sách của Đảng ta hiện nay là chính sách cứu quốc, cho nên mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu... Công hội từ nay lấy tên là Công nhân cứu quốc hội, thu nạp hết thảy những người thợ Việt Nam muốn tranh đấu đánh Pháp - Nhật, lại có thể thu nạp hết cả những hạng cai ký, đốc công trong xưởng mà những công hội trước kia không hề tổ chức. Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật" (3). Đồng thời, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương chuyển thành ba mặt trận "cứu quốc" của ba dân tộc Việt, Miên, Lào.

Ở Việt Nam, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (tức Mặt trận cứu quốc, gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng khắp cả ba kỳ. Ngoài Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, còn có Quân nhân (hay binh sỹ, du kích) cứu quốc, Thương gia cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu vong... Như vậy, chiến lược cách mạng ngày càng được hoàn thiện và luôn đi đôi với những sách lược cách mạng mềm dẻo, thêm bạn bớt thù (như thu hút cả cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ chống Pháp - Nhật vào Mặt trận cứu quốc). Chiến lược, sách lược đó phù hợp với yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được cụ thể hoá trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Qua nhiều con đường bí mật và bán công khai, Chương trình thâm nhập vào đại chúng, tạo nên Cao trào tiền khởi nghĩa rộng lớn, rồi dẫn đến Tổng khởi nghĩa thành công (chứ không phải đó chỉ là phong trào "tự phát" của quần chúng như có người đã nói).

2 - Thực thi quyền dân tộc tự quyết của ba nước Đông Dương

Quyền dân tộc tự quyết là vấn đề quan trọng trong chiến lược cách mạng và trong quan hệ quốc tế. Từ lâu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ vấn đề quyền dân tộc tự quyết. Bởi vậy, trong Chương trình tóm tắt của Đảng năm 1930, Người đã nhân danh Đảng Cộng sản Việt Nam công bố vấn đề này. Nhưng quyết định đó không sớm được chấp nhận. Từ Luận cương chính trị, tháng 10-1930 cho đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, tháng 11-1940, Đảng vẫn khẳng định chỉ có một Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cách mạng của cả ba nước Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao. Đến Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, do Người chỉ đạo, Đảng mới quyết định thành lập ba đảng với ba mặt trận của ba nước như trên đã nói. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: "chiến thuật hiện tại của Đảng ta là phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam)... vậy mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh, hay nói tắt là Việt Minh. Đảng ta và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh để sau đó lập ra Đông Dương độc lập đồng minh"(4). Kèm theo đó là các sách lược mềm dẻo của ba Đảng nhằm tranh thủ được nhiều nhân vật thuộc hoàng gia và thân sỹ yêu nước vào Mặt trận cứu quốc, góp thêm sức mạnh cho cách mạng. Với tinh thần dân tộc tự quyết, sự phát triển song song của cách mạng ba nước Đông Dương từ đó trở đi ngày càng thu được những thành tựu to lớn. Điều đó chứng tỏ, quyết sách chiến lược nói trên là đúng đắn và sáng suốt.


3 - Bố trí thế trận cách mạng và sắp xếp lực lượng cách mạng phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử

Khi tình thế cách mạng có sự chuyển biến mau lẹ, đối tượng cách mạng luôn thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách xuất sắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nhận thức xã hội Việt Nam để đề ra các quyết sách chiến lược đúng đắn. Đó là nhận thức rõ các mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu trong xã hội, xác định rõ kẻ thù chính, kẻ thù phụ và hậu bị quân của chúng để sắp xếp Tiền phong quân, Hậu bị quân trực tiếp, Hậu bị quân gián tiếp của cách mạng Việt Nam. Cụ thể, lúc đầu mũi nhọn của cách mạng chĩa vào thực dân xâm lược Pháp và tay sai phong kiến. Khi Nhật vào Việt Nam, Pháp làm tay sai cho Nhật, kẻ thù chủ yếu của cách mạng là Pháp - Nhật. Từ năm 1943 trở đi, Nhật ngày càng lấn chân Pháp ở Việt Nam, kẻ thù chủ yếu của cách mạng được xác định lại là Nhật - Pháp. Từ ngày 9-3-1945 (ngày Pháp đầu hàng Nhật) trở đi, kẻ thù chủ yếu của cách mạng chỉ còn là phát-xít Nhật và tay sai. Điều này có tầm quan trọng rất lớn trong việc bố trí thế trận cách mạng và lực lượng cách mạng.

Từ năm 1943, bên cạnh Mặt trận Việt Minh là lực lượng nòng cốt, Đảng còn thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát-xít và tuyên bố gia nhập Đồng Minh quốc tế chống phát-xít. Với sách lược này, ở trong nước có thể thu hút được các lực lượng dân chủ chống phát-xít, kể cả ấn kiều, Pháp kiều, Hoa kiều; ở ngoài nước có thể coi Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc đều là bạn đồng minh. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943 khẳng định: "Từ Xô - Đức chiến tranh bùng nổ (22-6-1941), cuộc thế giới chiến tranh lần thứ hai này đã tiến lên giai đoạn mới và đã thay đổi tính chất. Nó không còn là đế quốc chủ nghĩa chiến tranh nữa, mà là chiến tranh phát-xít xâm lược và chống phát-xít xâm lược" (5). Vì vậy, "Muốn cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Nhật - Pháp có thêm vây cánh, chúng ta phải ra sức tìm kiếm các phái đảng chống phát-xít của người ngoại quốc ở Đông Dương và đề nghị với Việt Minh liên minh với họ theo tinh thần bình đẳng và tương trợ đặng chính thức thành lập Mặt trận dân chủ chống Nhật ở Đông Dương" (6). Sách lược này tạo nên thế chính nghĩa cho Việt Minh trong sự nghiệp kháng Nhật, cứu nước. Khi giành được chính quyền từ tay phát-xít Nhật, cách mạng Việt Nam đã có thế hợp pháp là đứng vào hàng ngũ Đồng Minh chống phát-xít để ra Tuyên ngôn Độc lập và tiếp đón quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật. Pháp (Đờ Gôn) và Tàu (Tưởng) - thuộc hàng ngũ Đồng minh chống phát-xít, dù có ý đồ tái xâm lược Việt Nam cũng không thể phủ nhận được chân lý hiển nhiên này.

4 - Thực thi phương châm chiến lược "kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang", tiến từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa

Trong thế trận lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu địch mạnh, cách mạng Việt Nam vừa phát huy truyền thống vũ trang anh hùng, bất khuất của ông cha, vừa vận dụng hình thức đấu tranh chính trị của quần chúng. Hình thức này đã nảy sinh từ cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) và phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Đến cuộc vận động cách mạng những năm 1939 - 1945, hình thức đấu tranh chính trị được vận dụng một cách phổ biến trong đại chúng. Ngoài công, nông, còn vận động được cả tiểu thương, tiểu chủ, cai ký, đốc công... cùng tham gia chống độc tài, phát-xít. Năm 1945, phát-xít Nhật - Pháp tăng cường vơ vét lương thực cho chiến tranh, gây nên thảm họa 2 triệu người Việt Nam chết đói, Đảng đã phát động một cao trào đấu tranh kết hợp chính trị với vũ trang: mít tinh, biểu tình đòi quyền sống, đi đôi với vũ trang phá kho thóc cứu đói, lập các căn cứ địa và các chiến khu cách mạng, tiến hành khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền cách mạng địa phương, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

5 - Nắm đúng thời cơ, kịp thời phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, ít phải đổ máu

Cách mạng Tháng Tám nổ ra thành công, ít phải đổ máu là do các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã đứng vững trên thế chủ động chiến lược. Đến nay, nhiều người mới rõ, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán: năm 1945, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam sẽ thành công. Chương trình cứu nước của Việt Minh ra đời từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), đã đến tay những chiến sỹ cách mạng ở các địa phương, kể cả sự truyền miệng qua các lao tù. Khi thời cơ đến, khắp nơi đều chủ động đứng lên giành chính quyền địa phương, như các chiến sỹ Ba Tơ đã nổi lên phá ngục tù, lập căn cứ địa cách mạng ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Trong Cao trào tiền khởi nghĩa, nhiều xã, huyện và một số tỉnh đã giành được chính quyền trước ngày giành chính quyền ở Hà Nội. Phương châm chiến lược kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nắm đúng thời cơ để nổi dậy đã góp phần quyết định vào việc giành được chính quyền ít phải đổ máu. Đây là cả một cuộc đấu trí, đấu dũng của cách mạng Việt Nam với bọn đế quốc, phát-xít. Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm hơn, sẽ bị bọn phát-xít Nhật dập tắt; nếu nổ ra muộn hơn - khi quân Đồng Minh, trong đó có Anh, Pháp và Tàu (Tưởng) vào, thì cũng gặp khó khăn. Việc Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam nhân danh là người đứng về phía Đồng Minh chống phát-xít giành được quyền độc lập, đã nói lên tài vận dụng chiến lược của cách mạng Việt Nam: nắm đúng thời cơ, nổi dậy kịp thời, giành được chính quyền.

Như trên đã chứng minh, mặc dù có thuận lợi khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan mới là nguyên nhân quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó là do có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng. Nói cách khác, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối chiến lược, sách lược chủ động và sáng tạo của Đảng.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top