Ý nghĩa của ngữ pháp

Hide Nguyễn

Du mục số
1. Theo Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (Phần Trừu tượng ngữ pháp, ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp [1])

Các đơn vị ngôn ngữ là kết quả của quá trình trừu tượng hoá khác nhau về chất.


Trong từ vựng, từ là cái đại diện cho hàng loạt sự vật đã được khái quát hoá thành tên gọi. Tên gọi của sự vật không tương ứng với từng sự vật riêng lẻ mà với cả lớp sự vật có cùng bản chất. Từ "cây" chẳng hạn không biểu hiện một cây cụ thể nào mà là khái niệm cây. Đó là tên gọi cho hàng loạt: cây mít, cây ổi; cây cao, cây thấp; cây già, cây non; cây to, cây nhỏ v.v...

Trong ngữ âm, âm vị cũng là một đơn vị trừu tượng, khái quát. Âm vị trừu tượng mang trong nó những đặc trưng khu biệt được khái quát hoá từ hàng loạt âm tố cụ thể. Âm vị /n/ chẳng hạn, là sự khái quát hoá các nét khu biệt từ các âm tố [n1], [n1], [n3]... Đúng như V.I. Lenin đã nhận xét: "Trong ngôn ngữ chỉ có cái khái quát mà thôi".

Trừu tượng trong ngữ pháp có phần khác với trừu tượng trong từ vựng và trong ngữ âm. Trừu tượng ngữ pháp là trừu tượng mang ý nghĩa phạm trù. Phạm trù số trong tiếng Anh và tiếng Nga chẳng hạn là khái quát từ hai khía cạnh đối lập của ý nghĩa ítnhiều. Phạm trù thể trong tiếng Nga là khái quát hai ý nghĩa hoàn thành và không hoàn thành.

Ví dụ trong tiếng Anh:

Số ít: boyø penø bookø ... ø Số nhiều: boys pens books ... s

Như vậy, không chỉ từ vựng học mà cả ngữ pháp học cũng quan tâm đến ý nghĩa. Nhưng nếu như từ vựng học quan tâm đến ý nghĩa từ vựng, tức là ý nghĩ sự vật, của từ thì ngữ pháp học lại quan tâm đến một kiểu ý nghĩa khác: ý nghĩa ngữ pháp. Ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa phạm trù. Đối với từ vựng học boy, pen, book là 3 từ khác nhau, bởi ý nghĩa sự vật của chúng khác nhau. Song theo quan điểm ngữ pháp, tất cả 3 từ trên đều thuộc về một loại: danh từ số ít.

Ý nghĩa ngữ pháp và ý nghĩa từ vựng gắn liền mật thiết với nhau. Từ với tư cách là một đơn vị cơ bản của ngôn ngữ vốn có cả hai ý nghĩa đó. Ý nghĩa từ vựng phân biệt một từ với hàng loạt từ khác còn ý nghĩa ngữ pháp thì thống nhất các từ trong nhóm lại. Ý nghĩa ngữ pháp là sự trừu tượng hoá từ ý nghĩa từ vựng. Ý nghĩa ngữ pháp đi kèm với ý nghĩa từ vựng và không thể tồn tại tách khỏi ý nghĩa từ vựng.

Có thể rút ra hệ luận: Mỗi hiện tượng ngữ pháp luôn luôn có hai mặt: mặt bên trong, tức là cái được biểu hiện và mặt bên ngoài, tức là nhờ cách gì mà nó được biểu hiện. Quan hệ giữa hai mặt này như hai mặt của một bàn tay, còn sự tương ứng giữa chúng có thể là (1)–(1) hoặc (1)–(>1). Vấn đề này sẽ được xem xét kĩ hơn khi chúng ta đề cập đến khái niệm ý nghĩa ngữ pháp và phương thức ngữ pháp.

2. Theo Dẫn luận ngôn ngữ học (Phần Ý nghĩa ngữ pháp [2])

2.1. Ý nghĩa ngữ pháp là gì?

Khi nói đến ý nghĩa trong ngôn ngữ, người ta thường nghĩ ngay đến nghĩa riêng của từng đơn vị (từ, câu...). Ý nghĩa riêng của từng từ được gọi là ý nghĩa từ vựng, còn ý nghĩa riêng của từng câu cũng thuộc phạm trù ý nghĩa từ vựng vì nó do ý nghĩa từng vựng của các từ trong câu trực tiếp tạo nên.

Bên cạnh loại ý nghĩa trên, mỗi loạt đơn vị còn có ít nhất một ý nghĩa chung bao trùm lên. Chẳng hạn 3 từ boy, pen, book đề có ý nghĩa chung là "sự vật" và "số ít"... Loại ý nghĩa chung bao trùm lên một loạt đơn vị ngôn ngữ như vậy gọi là ý nghĩa ngữ pháp.

Là ý nghĩa chung của hàng loạt từ, hàng loạt câu, ý nghĩa ngữ pháp có tính khái quát hoá cao hơn ý nghĩa từ vựng. Có thể nói, ý nghĩa từ vựng là ý nghĩa vật thể, còn ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa siêu vật thể hay phi vật thể.

Cũng như ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp phải được thể hiện ra bằng những hình thức nhất định. Có điều, mỗi loại ý nghĩa tìm cho mình một loại phương tiện biểu hiện riêng: Đối với việc biểu đạt ý nghĩa từ vựng, phương tiện ấy là phương tiện từ vựng. Còn phương tiện thích hợp để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp là phương tiện ngữ pháp. Ví dụ các ý nghĩa từ vựng chỉ "cái bút", "quyển sách"... trong tiếng Anh được thể hiện bằng những từ tương ứng; trong khi đó, ý nghĩa ngữ pháp "số nhiều" của các từ này thì được thể hiện bằng phụ tố s, và ý nghĩa ngữ pháp "số ít" thì được thể hiện bằng phụ tố zero.

Không thể nói tới sự tồn tại của một ý nghĩa ngữ pháp nào đó trong một ngôn ngữ nhất định nếu không tìm thấy phương tiện ngữ pháp diễn đạt nó. Ví dụ, trong tiếng Việt, "giống đực", "giống cái" không phải là các ý nghĩa ngữ pháp. Nhưng trong tiếng Nga, tiếng Pháp, các ý nghĩa về giống được thể hiện bằng phụ tố hoặc hư từ, tức là bằng các phương tiện ngữ pháp. Ở các ngôn ngữ này, nhận thức về giống trong tư duy đã được hiện thực hoá thành ý nghĩa ngữ pháp.

Có thể đưa ra một định nghĩa tóm lược những điểm chính yếu về ý nghĩa ngữ pháp: Ý nghĩa ngữ pháp là loại ý nghĩa chung cho hàng loạt đơn vị ngôn ngữ và được thể hiện bằng những phương tiện ngữ pháp nhất định.

2.2. Các loại ý nghĩa ngữ pháp

Có nhiều hướng phân loại ý nghĩa ngữ pháp:

a. Ý nghĩa quan hệ – Ý nghĩa tự thân

Ý nghĩa quan hệ là loại ý nghĩa do mối quan hệ của đơn vị ngôn ngữ với các đơn vị khác trong lời nói đem lại. Ví dụ, trong câu Mèo đuổi chuột, từ mèo biểu thị "chủ thể" của hành động vồ, còn từ chuột biểu thị "đối tượng". Nhưng trong câu Chuột lừa mèo thì từ chuột mang ý nghĩa "chủ thể" và từ mèo mang ý nghĩa "đối tượng" của hành động. Các ý nghĩa "chủ thể", "đối tượng" chỉ nảy sinh do những mối quan hệ giữa các từ trong các câu cụ thể. Chúng là những ý nghĩa quan hệ [3]. Ngược lại, trong cả hai câu nói trên cũng như trong từ điển, các từ mèochuột đều biểu thị "sự vật", các từ vồlừa đều mang ý nghĩa "hành động". Điều này không phụ thuộc vào các quan hệ ngữ pháp. Những ý nghĩa ngữ pháp không phụ thuộc vào các quan hệ ngữ pháp như vậy gọi là nghĩa tự thân. Các ý nghĩa ngữ pháp khác như "giống cái", "giống đực", "số ít", "số nhiều" của danh từ, hay "thời hiện tại", "thời quá khứ", "thời tương lai" của động từ... cũng thuộc vào loại ý nghĩa tự thân.

b. Ý nghĩa thường trực – Ý nghĩa lâm thời

Ý nghĩa thường trực là loại ý nghĩa ngữ pháp luôn luôn đi kèm ỳ nghĩa từ vựng, có mặt trong mọi dạng thức của đơn vị, ví dụ: ý nghĩa "sự vật" của mọi danh từ trong các ngôn ngữ khác nhau; ý nghĩa "giống đực", "giống cái" của danh từ tiếng Nga, tiếng Pháp...

Ý nghĩa lâm thời là loại ý nghĩa chỉ xuất hiện ở một số dạng thức nhất định của đơn vị, như: các ý nghĩa "chủ thể", "đối tượng", "số ít", "số nhiều"... của danh từ; "thời hiện tại", "thời quá khứ", "thời tương lai" của động từ...

Có một điều cần lưu ý là khi xem xét tính chất thường trực hoặc lâm thời của mỗi ý nghĩa ngữ pháp, ta cần xuất phát từ thức tế của từng ngôn ngữ, từng từ loại cụ thể. Không có một cái khuôn phân loại chung cho tất cả các ngôn ngữ. Ví dụ: các ý nghĩa "hoàn thành thể", không "hoàn thành thể" của động từ tiếng Nga là ý nghĩa thường trực, còn ở tiếng Anh, tiếng Pháp, mỗi ý nghĩa về thể chỉ gắn với một số dạng thức của động từ.

********
[1] Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 243–245.

[2] Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 214–217.

[3] “Loại ý nghĩa ngữ pháp này [ý nghĩa quan hệ] thể hiện quan hệ của các từ với các từ khá, cũng có nghĩa là thể hiện vị trí và chức năng của từ ngữ trong các kết cấu ngữ pháp, nên còn được gọi là ý nghĩa cú pháp. Một từ nào đó khi còn chưa tham gia vào các kết cấu ngữ pháp thì chưa có loại ý nghĩa này, nhưng khi đã nằm trong một kết cấu ngữ pháp thì ngoài các ý nghĩa ngữ pháp khác, nó có thêm ý nghĩa quan hệ”

(Đỗ Hữu Châu & Bùi Minh Toán. Ngôn ngữ học đại cương. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 78–79).


Nguồn : Ngonngu.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top