Chia Sẻ Ý nghĩa của chế độ tổng thống Mỹ

Trang Dimple

New member
Xu
38
Ý nghĩa của chế độ tổng thống Mỹ

Khó có thể thống kê được những kết quả vật chất cùng giá trị tinh thần lớn lao mà chế độ tổng thống Mỹ đem lại. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng sự thiết lập, tồn tại, phát triển của chế độ tổng thống Mỹ mang nhiều ý nghĩa sâu rộng, thiết thực, tiến bộ. Nó ảnh hưởng quyết định đến tiến trình phát triển của nước Mỹ, đồng thời cũng tác động tích cực tới nền chính trị thế giới và lịch sử nhân loại.

1.ý nghĩa triết học

Chế độ tổng thống Mỹ là một minh chứng sống động khẳng định sự xuất hiện tất yếu khách quan của mô hình nguyên thủ quốc gia mới, phù hợp với cơ sở chính trị - kinh tế - xã hội và sự phát triển tiến bộ của thời đại. Trong lịch sử, từ khi nhà nước ra đời, chế độ nguyên thủ quốc gia đã được đặc biệt quan tâm xây dựng, cải biến và hoàn thiện bởi nó quyết định sức mạnh quyền lực, mức độ tập trung thống nhất, khả năng bền vững và bản chất của nhà nước. Trừ những ngoại lệ tản mạn, nhìn chung chế độ nguyên thủ quốc gia phát triển theo xu hướng ngày càng toàn diện, hiệu quả về mặt chức năng và ngày càng dân chủ về mặt chính trị. Do nhiều nguyên nhân - đặc biệt là khả năng nhận thức còn hạn chế của quần chúng và sự bành trướng, thống trị tư tưởng của tôn giáo - chế độ quân chủ được dịp nảy nở, phát triển mạnh mẽ, giữ ưu thế độc quyền suốt cả thời cổ đại lẫn trung đại. ở chế độ này, nguyên thủ quốc gia (vua) được coi là nhân vật siêu phàm, đứng đầu nhưng đứng tách trên nhà nước và xã hội, cai quản nhân danh sứ mệnh ủy thác của thượng đế. Quyền lực vua coi như xuất phát từ quyền lực thượng đế, tự nhiên và vô hạn, chỉ được chuyển giao theo nguyên tắc thừa kế thế tập (cha truyền con nối). Tuy nhiên, sự phát triển tất yếu của văn minh nhân loại dần vạch trần những bất hợp lý của thể chế quân chủ. Từ cuối thời trung đại, ngày càng nhiều người thấy rõ rằng quyền lực của họ lẽ ra là một phần xứng đáng của quyền lực nhà nước và là nguồn gốc đích thực của quyền lực nguyên thủ quốc gia, thì thực tế lại đã bị phủ nhận, tước bỏ và chế ngự bởi một thứ quyền lực cao siêu hơn hẳn, xuất phát từ ... hư vô! Họ cũng nghi ngờ chức năng thái quá của tôn giáo - khi mà sự cấu kết chặt chẽ giữa nhà thờ với nhà nước hầu như chỉ đem đến lợi ích cho vua chúa, quý tộc, giáo chủ trong khi lại làm hạn chế tự do, quyền lợi của đại bộ phận nhân dân. ở châu Âu, tư tưởng dân chủ bắt đầu bùng lên cùng với mong ước về thể chế cộng hòa - theo đó quyền lực nhà nước sẽ là của dân, do dân, vì dân; nguyên thủ quốc gia đứng đầu nhưng đứng trong nhà nước và xã hội, được bầu ra và bãi nhiệm bởi dân, hoạt động cho dân và chịu sự kiểm sát của dân... Tư tưởng này tuy đã có cơ sở văn hoá, kinh tế và xã hội, nhưng còn thiếu cơ sở chính trị. Nó chưa thể biểu hiện thành các thiết chế thực tế vì chế độ quân chủ bấy giờ còn rất cường thịnh với bề dày truyền thống hàng ngàn năm và ảnh hưởng sâu rộng khắp nơi. Chỉ đến khi nước Mỹ hình thành - một quốc gia hoàn toàn mới về mọi phương diện, một dân tộc hợp bởi những con người yêu công lý và tự do - những hạt giống dân chủ, cộng hòa mới có đất màu mỡ để nảy mầm, bén rễ. Lúc này, đã đủ mọi điều kiện cơ sở để một mô hình nguyên thủ quốc gia mới xuất hiện tự nhiên, tất yếu. Chế độ tổng thống Mỹ ra đời, tồn tại vững chắc và phát triển mạnh mẽ chẳng những chứng tỏ sự hợp thời, cần thiết mà còn khẳng định tính hợp lý, khách quan của nó. Cũng do vậy, việc thiết lập và quá trình tiến triển của chế độ tổng thống Mỹ là tiền đề cực kỳ quan trọng (thậm chí quyết định) để thúc đẩy, bảo đảm khả năng hiện thực hóa của tư tưởng, xu hướng dân chủ rộng rãi trong tổ chức quyền lực chính trị, trong hoạt động và quan hệ xã hội. Người Mỹ thật xác đáng khi cho rằng xã hội muốn thực sự dân chủ thì trước hết, thiết chế đứng đầu, cơ bản nhất - nguyên thủ quốc gia - phải là một thiết chế dân chủ về mọi phương diện (phương thức hình thành, cơ cấu, chức năng, hoạt động .v.v...). Họ lần đầu tiên lập nên, duy trì liên tục chế độ tổng thống và hài lòng, tự hào khi thấy mô hình nguyên thủ quốc gia cộng hòa này đã góp phần quyết định đưa nước Mỹ trở thành thiên đường dân chủ, đồng thời ảnh hưởng tích cực đến tiến trình dân chủ chung của thời đại, của thế giới. Chế độ tổng thống Mỹ còn là sự thể hiện điển hình quan điểm không phân chia thành và không đề cao đa số hoặc thiểu số. Quan điểm này rất hiếm gặp ở mọi nơi khác, nhưng lại rất phổ biến ở Mỹ - đến mức trở thành truyền thống dân tộc, thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động tư tưởng và rất được người Mỹ tuân trọng. Thực tế lịch sử cho thấy, thời cổ đại, trung đại, người ta thường đề cao thiểu số - biểu hiện điển hình nhất là cá nhân hay nhóm thiểu số thường cầm đầu xã hội dựa vào quyền lực, uy tín, tôn giáo, của cải, vũ lực... của mình (thậm chí do "tự nhiên"!) chứ không dựa vào sự ủng hộ của số đông. Ngược lại, thời hiện đại, do xu hướng dân chủ phát triển mạnh (nhiều lúc quá trớn!), người ta thường đề cao đa số - biểu hiện điển hình nhất là thiết chế cầm đầu xã hội do đa số lập ra hoặc ủng hộ, mọi vấn đề quan trọng liên quan đến cộng đồng đều được quyết định qua nguyên tắc "thiểu số phải phục tùng đa số". Người Mỹ chống lại cả hai quan điểm trên vì cho đó là cực đoan, không hợp lý. Theo họ, không nên phân chia thành và không đề cao đa số hoặc thiểu số bởi lẽ "đa số", "thiểu số" chỉ là những khái niệm tương đối - đa số ở hoàn cảnh, phương diện này có thể lại là thiểu số ở hoàn cảnh, phương diện khác, và ngược lại. Hơn nữa, luôn có sự luân chuyển khiến ranh giới giữa đa số và thiểu số rất mập mờ hoặc không có. Mặt khác, mỗi nhóm - dù là đa số hay thiểu số - đều có những giá trị bản thể riêng của mình (vị trí, đặc tính, vai trò, năng lực...), buộc các nhóm khác phải thừa nhận và tôn trọng. Quan điểm độc đáo này nảy sinh từ nguồn gốc (tự nhiên và xã hội) vững chắc, khách quan: người Mỹ vốn yêu tự do, có ý thức cá nhân mạnh mẽ cùng khả năng xác định đúng mức vị thế cá nhân của mình; nước Mỹ lại là một cộng hòa rộng lớn gồm nhiều bang, nhiều cộng đồng, nhiều thành phần, trong đó rất ít cơ hội cho một nhóm nào đó có thể trở thành đa số hay thiểu số hoặc áp đặt ưu thế của mình đối với các nhóm khác. Chế độ tổng thống Mỹ về mọi phương diện đều tiêu biểu cho quan điểm dung hòa, không thiên vị đa số - thiểu số (chẳng hạn, tổng thống chỉ là một cá nhân nhưng lại được bầu lên bởi số đông và phải là đại diện chung cho tất cả; đồng thời tổng thống hoạt động khá độc lập - chủ yếu theo những quy định của pháp luật chứ không theo sức ép, ý chí tức thời của số đông hay số ít). Một ý nghĩa triết học đáng kể nữa là việc thiết lập, tồn tại và phát triển của chế độ tổng thống Mỹ đã xác định rất hợp lý tỷ lệ giữa quy tụ (tập trung) và phát tán (phân chia) trong cơ cấu quyền lực tối cao của xã hội. Suốt thời cổ đại và trung đại, cơ cấu ấy vốn bị thiên lệch nghiêm trọng, nghiêng tuyệt đối theo hướng quy tụ - khi mà hầu hết quyền lực của nhà nước và xã hội tập trung vào một cá nhân (vua). Sang thời hiện đại, người ta đã cố gắng thay đổi cơ cấu này bằng việc lập nên những mô hình nguyên thủ quốc gia mới, nhưng thành công chưa nhiều. Ví dụ, chế độ tổng thống trong các chính thể đại nghị (kiểu Đức, Italy, Israel, Singapore... hiện nay) bị hình thức hóa do quyền lực tối cao nghiêng hẳn theo xu hướng phát tán: quyền lực nguyên thủ quốc gia của tổng thống bị lấn át, khống chế bởi quyền lực của quốc hội và quyền lực hành pháp của tổng thống bị chính phủ (đứng đầu là thủ tướng) thâu tóm. Chế độ tổng thống Mỹ là một trong số hiếm hoi các mô hình nguyên thủ quốc gia có sự cân đối quyền lực. Tổng thống Mỹ giữ quyền lực nguyên thủ quốc gia khá độc lập (do ngành lập pháp tách biệt ngành hành pháp, Tổng thống được bầu bởi dân chứ không phải bởi Quốc hội, Tổng thống không chịu trách nhiệm trước Quốc hội) và mạnh mẽ (do được hậu thuẫn bằng quyền hành pháp - nhánh quyền lực thiết yếu nhất của nhà nước: Tổng thống nắm giữ trọn vẹn quyền hành pháp, trực tiếp lãnh đạo Chính phủ, Tổng thống cũng đồng thời là Thủ tướng). Nhưng quyền lực ấy không quá lớn mạnh đến mức có thể trở thành độc tài; mà được giới hạn hợp lý, chia sẻ và cân bằng bởi các thiết chế chính trị khác (Quốc hội, Tòa án Tối cao, đảng phái, nhóm áp lực...). Thậm chí, với tư cách cơ quan hành pháp, quyền lực của Tổng thống còn bị đặt ngang ngửa với quyền lập pháp của Quốc hội và quyền tư pháp của Tòa án Tối cao - trong một cơ chế kiềm giữ và đối trọng chặt chẽ.

2. ý nghĩa lịch sử

Việc thiết lập, tồn tại chế độ tổng thống Mỹ đã khẳng định hùng hồn kết quả cuộc đấu tranh cách mạng chống Anh, giành độc lập và ghi nhận những thành tựu ban đầu đáng khích lệ, đầy hứa hẹn của một quốc gia mới. Cuộc chiến gian khổ vì lý tưởng cao cả của dân tộc Mỹ đến năm 1783 đã thắng lợi, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Anh. Nhưng nền độc lập mong manh đó rất dễ bị xóa bỏ trước sức mạnh phản công cùng kinh nghiệm chinh phục của Đế quốc Anh, nếu như Liên bang Mỹ không thiết lập được một nhà nước trung ương riêng biệt với chế độ nguyên thủ quốc gia mạnh để khẳng định chủ quyền. Mặt khác, sự độc lập sẽ mất hẳn giá trị và công sức, xương máu của bao người Mỹ yêu tự do, dân chủ, tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa nếu cách mạng thắng lợi rồi, họ lại tạo dựng một... thể chế quân chủ (dù là quân chủ mới, kiểu Mỹ)! Hơn nữa, những thành quả ban đầu mà nước Mỹ đạt được tuy quan trọng nhưng chưa được khẳng định vững chắc, chưa có một động lực chung để phát huy và chưa có một cơ cấu thống nhất để liên kết chúng với nhau nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp mới, cần thiết cho sự phát triển lâu dài...

Những nhu cầu lớn lao, bức xúc kể trên đã được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, hiệu quả, tích cực bởi sự thiết lập và tồn tại chế độ tổng thống Mỹ. Không chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh quốc gia riêng, chế độ tổng thống Mỹ còn phù hợp với tiến trình phát triển chung của lịch sử. Nó chính thức khai sinh cuối thế kỷ XVIII bởi người Mỹ, nhưng đã được phôi thai trước đó khá lâu trong những trào lưu tư tưởng triết học và chính trị tiến bộ ở châu Âu. Tất yếu nó sẽ ra đời - vấn đề còn lại chỉ là thời gian, địa điểm và hình thái cụ thể mà thôi. Nước Mỹ đóng vai trò là môi trường thuận lợi cho chế độ tổng thống trở thành hiện thực. Các nhà lập hiến Mỹ khi quy định nên chế độ tổng thống cũng không dám chắc rằng nó sẽ tồn tại được. Họ chỉ cố gắng đưa ra những quy phạm mà họ cho là hợp xu hướng thời đại nhất với hy vọng nhờ đó chế độ tổng thống có thể trụ vững lâu bền, thích nghi và hiệu quả. Phương châm xác định đúng đắn trên đã khiến họ thành công (chứ không phải là do họ gặp may mắn hay quá thông thái như nhiều người lầm tưởng!). Chế độ tổng thống Mỹ tồn tại vững chắc, phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng suốt hơn hai thế kỷ qua là dẫn chứng thuyết phục nhất cho điều này. Luận tới ý nghĩa lịch sử, không thể bỏ qua ảnh hưởng quốc tế về phương diện khuôn mẫu tiêu biểu của chế độ tổng thống Mỹ. Thành công rực rỡ mà nó đạt được trở thành mô hình lý tưởng cho nhiều quốc gia khác noi theo. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, sau khi giành được độc lập, hầu hết các nước Mỹ Latinh đều cho thiết lập chế độ tổng thống kiểu Mỹ (giống hệt hoặc mô phỏng tương tự Mỹ). Tiếp đó, nhiều nước châu á, châu Phi và một số nước châu Âu, châu Đại Dương cũng làm theo. Đành rằng không phải nước nào áp dụng chế độ tổng thống kiểu Mỹ cũng thành công (thậm chí nhiều khi thất bại thảm hại) và nguyên nhân áp dụng cũng rất đa dạng (do coi mô hình tổng thống kiểu Mỹ là hay, tiến bộ, phù hợp với nước mình; hoặc do sức ép trực tiếp hay gián tiếp của Mỹ; hoặc do cần giải quyết khủng hoảng chính trị .v.v...), nhưng nhìn chung xu thế áp dụng vẫn không mấy suy giảm. Kết quả là đến nay, trong hơn 200 nước trên toàn thế giới với hàng chục loại mô hình nguyên thủ quốc gia cơ bản, chế độ tổng thống kiểu Mỹ đang tồn tại ở gần một phần ba (1/3) tổng số nước. Tỷ lệ rất cao này đã khẳng định và tôn vinh giá trị lịch sử cùng sức ảnh hưởng quốc tế của chế độ tổng thống Mỹ.

3. ý nghĩa chính trị - xã hội

Chế độ tổng thống Mỹ thể hiện trọn vẹn tinh thần thỏa hiệp. Khi quyết định thiết lập mô hình nguyên thủ quốc gia mới, nước Mỹ đang đứng trước nhiều nhu cầu, mục đích đối lập nhau, đòi hỏi mô hình ấy phải là một thiết chế dung hòa. Chế độ tổng thống vừa phải mạnh để khẳng định quyền lực của Nhà nước Mỹ, duy trì thống nhất và đảm bảo an ninh cho toàn liên bang; lại vừa không được quá mạnh để có thể hạn chế sự tự chủ của các bang và quyền tự do của nhân dân. Tổng thống vừa phải được bầu bởi dân để đảm bảo tính cộng hòa; lại vừa phải hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào ý muốn tức thời của dân để đảm bảo tính hiệu quả. Quyền lực tổng thống vừa phải tập trung vì đó là quyền lực đơn nhất của nguyên thủ quốc gia; lại vừa phải phân tán và chia sẻ với các cơ quan khác theo đúng nguyên lý phân quyền mà người Mỹ quán triệt trong suốt quá trình tổ chức bộ máy nhà nước. Tổng thống vừa phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật; lại vừa phải rất năng động trong tư cách người lãnh đạo một xã hội rộng lớn, nhiều thành phần và luôn biến đổi phức tạp. Mô hình tổng thống vừa phải là thiết chế tự do để thể hiện những giá trị tiến bộ và hợp thời; lại vừa phải là thiết chế bảo thủ để đề phòng hiện tượng dân chủ thái quá, tản mạn, bột phát có nguy cơ phá vỡ những thành quả ổn định của nước Mỹ .v.v... Hàng loạt nhu cầu, mục tiêu vừa quan trọng, cấp bách lại vừa mâu thuẫn với nhau đã làm đau đầu các nhà lập hiến Mỹ khi họ cố gắng kiếm tìm quy chế thỏa đáng cho mô hình nguyên thủ quốc gia của mình. Họ thừa hiểu rằng trong thiết chế đứng đầu, chỉ cần một vài mâu thuẫn cơ bản không được giải quyết hợp lý là cũng đủ gây ảnh hưởng xấu nghiêm trọng, làm rối loạn toàn bộ hệ thống chính trị và hậu quả nguy hiểm thật khôn lường. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, vừa sáng tạo vừa thận trọng, cuối cùng họ đã thiết lập được những quy định về một mô hình nguyên thủ quốc gia phù hợp, ít nhiều giải quyết thỏa đáng hầu hết những mâu thuẫn cơ bản của nó và quanh nó. Ra đời trong hoàn cảnh thỏa hiệp, do nhu cầu thỏa hiệp, đảm lãnh sứ mệnh thỏa hiệp..., mô hình này đương nhiên là một thiết chế thỏa hiệp về mọi phương diện (cơ cấu, chức năng, hoạt động, mục đích...). Có thể nói, tính thỏa hiệp là khía cạnh nổi bật nhất, đáng lưu ý nhất của chế độ tổng thống Mỹ. Việc thiết lập, tồn tại và phát triển chế độ tổng thống Mỹ cũng hình thành nên một thiết chế trung tâm tạo sự cân bằng cho các lực lượng, các hoạt động chính trị - xã hội. Về nguyên tắc, bất kỳ một tập hợp, một cộng đồng nào cũng đều có và phải có một thực thể, một yếu tố quan trọng nhất để đại diện cho những giá trị chung và giữ thế cân bằng nội bộ cho toàn tập hợp đó, cộng đồng đó. Điều khẳng định ấy đặc biệt cần thiết đối với nước Mỹ bởi vì quốc gia này quá rộng lớn, lại gồm rất nhiều thành phần tản mạn, phức tạp, rất nhiều lực lượng chính trị - xã hội luôn trong trạng thái cạnh tranh mạnh mẽ với nhau... Là thiết chế đứng đầu, Tổng thống đương nhiên là trung tâm quyền lực quan trọng nhất và có chức năng, nhiệm vụ điều hòa hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị. Hoạt động của tất cả các thiết chế, lực lượng chính trị - xã hội Mỹ thực tế đều liên quan đến Tổng thống, đều lấy quyền lực tổng thống và nhân vật tổng thống làm mục đích hướng tới hoặc giá trị so sánh - chẳng hạn, mục tiêu cơ bản nhất của các đảng phái chính trị là làm cho thành viên của mình trở thành Tổng thống; hoạt động quan trọng nhất của các nhóm áp lực là tác động tới những quyết định sẽ được Tổng thống đưa ra theo hướng có lợi cho nhóm mình .v.v... Việc thiết lập chế độ tổng thống còn tạo dựng mô hình cơ bản mới cho sự phát triển hệ thống chính trị Mỹ. Nước Mỹ mới với rất nhiều thiết chế mới đương nhiên cần phải có một chuẩn mực chung để định hình và hoạt động. Người ta cho rằng Hiến pháp chính là chuẩn mực ấy. Quan điểm này tuy đúng nhưng chưa xác đáng lắm. Hiến pháp dù đóng vai trò nền tảng pháp lý cơ bản nhưng chỉ là một thực thể tĩnh, trong khi sự tồn tại và phát triển của xã hội Mỹ luôn cần những yếu tố động. Là thiết chế đứng đầu, linh hoạt và có ảnh hưởng quyết định trong hệ thống chính trị, chế độ tổng thống Mỹ chi phối, tác động mạnh mẽ đến sự xuất hiện, hình thức, chức năng, hoạt động... của các thiết chế khác, đồng thời liên kết chúng lại với nhau bởi một cơ chế chung, tạo nên bộ mặt mới, sức sống mới, bản chất mới hợp lý cho toàn thể hệ thống chính trị, vượt ra ngoài cả sự trù liệu và ràng buộc của Hiến pháp. Như vậy, các quan điểm đánh giá cũng như thực tế lịch sử và ý nghĩa của chế độ tổng thống Mỹ nhìn chung đã khẳng định sự xuất hiện, tồn tại, phát triển nó là khá hợp lý, rất linh động và ngày càng hiệu quả. Điều đó cho phép người ta hy vọng việc duy trì tốt đẹp mô hình này trong tương lai.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top