ĐÁNH GIÁ NHỮNG TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ TRONG TƯ TƯỞNG CỦA PHAN CHU TRINH
Phan Chu Trinh là một nhà Nho yêu nước, suốt đời kiên trì mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp, yêu cầu thực dân Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam.
Trong tập diễn thuyết của ông về vấn đề: “Đạo đức và luân lí Đông Tây” ông đã nêu lên tấm lòng yêu dân của mình và bênh vực quyền lợi cho họ:
“Một nòi dân, cùng giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong tiếng đất mà ông cha nó đã đổ mồ hôi, đổ nước mắt, để vỡ vạc ra thành 1 nước lớn truyền từ 4 ngàn năm đến giờ, thì được phép hưởng quyền lợi trên miếng đất ấy, được sống ở đó, chết chôn ở đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm, không ai cấm đoán được…Một loài dân như vậy, nay bảo nó đừng thương Tổ Quốc nó thì bảo nó thương ai????”
Không chỉ là 1 người thương dân, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân mà Phan Chu Trinh còn đề cao tinh thần đoàn kết.Ông nói: “ Muốn 1 ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã…”.
Ông đã nhìn nhận rõ mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ phong kiến lạc hậu và kiên quyết đánh đổ phong kiến.
Như ta biết lúc bấy giờ ngoài cái mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp với nhân dân Việt Nam, còn có mâu thuẫn cơ bản thứ 2 là mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến và nông dân. Chế độ phong kiến thối nát tồn tại hàng trăm năm đã bóc lột tàn bạo sức lao động của nhân dân.Một khi triều đình Huế còn tồn tại, tên vua bù nhìn còn chưa hạ bệ, thì bọn chúng vẫn còn có tác dụng là ru ngủ nhân dân,đầu độc tư tưởng và tăng cường bóc lột toàn diện. Vì còn chế độ quân chủ , còn vua quan Nam triều bọn thực dân Pháp còn nắm được nhiều phương tiện để duy trì một trật tự xã hội và để lợi dụng làm món hang bán phẩm hàm, buôn chức tước.
Trước đây ngót 40 năm, Phan Chu Trinh đã có cặp mắt nhìn xa , thấy rộng hô hào cổ động đánh đổ quân chủ, khác nào tiếng sấm đêm đông , lay tỉnh người mình trong cơn mộng. Khi ở trong nước cũng như khi ở ngoài nước lúc nào Phan Chu Trinh cũng như nhất, giữ vũng chủ trương đánh đổ quân chủ, đề xướng dân quyền.
Qua lời tự thuật của Sào Nam, trong tập Phan Chu Trinh niên biểu chúng ta thấy rằng từ năm 1906 khi gặp Sào Nam ở Quảng Đông , trong hơn 10 ngày đàm luận , ông hết sức vạch tội ác của bọn quân chủ , coi chúng là đứa cô độc( độc phu) là giặc hại dân ( dân giặc); ông lại rất căm phẫn với bọn vua chúa triều Nguyễn lúc bấy giờ hại dân hại nước. Trong 7tâm trí ông dường như cho rằng không đập tan được nền quân chủ , thì dù có khôi phục được nước cũng không phải là phúc của dân. Ông chủ trương “ chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình rồi, bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính đến việc khác” . Phan Chu Trinh muốn trước hết phải đánh đổ nền quân chủ để làm cơ sở xây dựng dân quyền, còn Phan Bội Châu thì muốn đánh đuổi giặc Pháp ngay, đợi khi tính độc lập rồi sẽ mưu tính đến việc khác. Nhưng cái ý Phan Châu Trinh muốn dựa vào nền quân chủ để phục quốc đó đã bị Phan Bội Châu phản đối kịch liệt.
Ông đã lên án những thủ đoạn áp bức bóc lột dã man, tàn bạo của thực dân Pháp.
Trong bức thư gửi toàn quyền Baul (1906) Phan Chu Trinh nói: “ Nhưng đã bao nhiêu năm nay, người Nam ở dưới bóng cờ nước bảo hộ mà đến bây giờ nòi giống ngày 1 yếu hèn, không còn kế gì cứu vớt lấy nhau, thế thì vì sao mà đến nỗi thế???”
Đó là vì:” Chính phủ chỉ dùng các hình luật rất là thảm khốc, ác độc để trói buộc dân ngu, mà đối với quan lại thì pháp luật rất là sơ sài”
Đó cũng là vì thực dân Pháp “ khinh người Nam ví như lợn bò”…” Những người nghèo đi làm thuê, những dân phi đi làm việc quan, bị người Tây đánh đau hay đập chết…”
Ông còn viết:” Hiện nay, người Nam, bất kì kẻ trí, người ngu, người lành, kẻ dữ, đều trăn miệng 1 lời nói rằng:”Chính phủ bảo hộ ngược đãi người Việt Nam, không coi người Việt Nam như là giống người.Thấy quan lại nước Nam tàn ngược với dân thì họ cho rằng chính phủ cố ý dung túng để cắn xé lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau cho mòn mỏi.Đó là cái kế thực dân của chính phủ vậy”.
Như vậy, Phan Chu Trinh đã viết đúng được nhận xét của nhân dân và chính ông cũng đã nhiều lần thấy thực dân Pháp cũng chẳng tốt gì, chứ không hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào thực dân Pháp
1.2 Phan Chu Trinh là người đầu tiên đề xướng tư tưởng dân chủ, dân quyền ở Việt Nam.
· Đặt nền móng tư tưởng dân chủ tư sản
Quan niệm về dân chủ và chủ nghĩa dân chủ được Phan Châu Trinh trình bày trong bài diễn thuyết Quân trị chủ nghĩa (tức nhân trị chủ nghĩa) và dân trị chủ nghĩa (tức là pháp trị chủ nghĩa), một trong hai bài viết cuối cùng của ông, đồng thời cũng là một trong hai bài viết được ông phát biểu chính thức với quốc dân đồng bào sau mười bốn năm lăn lộn trên đất Pháp. Qua bài diễn thuyết, Phan Châu Trinh muốn giải thích cho mọi người hiểu rõ thế nào là chủ nghĩa quân chủ, chủ nghĩa dân chủ, cũng như lợi hại của mỗi chủ nghĩa.
Trong phần nói về dân chủ, Phan Châu Trinh trình bày ba nội dung: tình hình dân trí nước ta đối với vấn đề quân chủ, dân chủ; lược sử chế độ dân chủ; và thế nào là chính thể dân chủ. Ở nội dung thứ nhất, đánh giá tình hình dân trí nước ta đối với vấn đề quân chủ, dân chủ, Phan Châu Trinh đã so sánh trong khi các nước bên Âu châu, nước nào cũng có đảng dân chủ ở trong thượng, hạ nghị viện cả, duy nước ta, ngay những người có ăn học thì cái chữ “republique” (cộng hòa) luôn ở trên miệng, nhưng không hiểu nghĩa lý ra thế nào huống chi người dân quê, đã không biết dân chủ là gì đối với vua thì thờ ơ như thần thánh. Từ đó ông phân tích rằng, vì cái độc quân chủ dân chỉ biết vua mà không biết nước nên phải “đem cái tụi bù nhìn ở Huế đó vứt hết cả đi”. Trong phần lược sử chế độ dân chủ, Phan Châu Trinh đã nêu lên một cách khái quát hai hình thức dân chủ trong lịch sử, đó là nền dân chủ chủ nô thời Hy Lạp cổ đại và dân chủ tư sản Anh quốc. Ở đây, ông chưa phân tích bản chất, đặc tính và những nguyên tắc của từng hình thức dân chủ đó, mà chỉ mới giới thiệu về sự tồn tại những “cái hội” mà “phàm những luật vua quí tộc đã đặt ra thì phải giao hội ấy xem xét, có bằng lòng thì mới được làm”.
Như vậy, tuy phần nói về dân chủ trong bài diễn thuyết không có gì là mới lạ, lại có nhiều thiếu sót vì chỉ giới thiệu một trong mấy thể chế của chủ nghĩa dân chủ tư sản, lại không phê phán những nhược điểm của nền dân chủ ấy, nhưng Phan Châu Trinh là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bàn về vấn đề dân chủ và chủ nghĩa dân chủ, giới thiệu cho một bộ phận tri thức nước nhà sự tiến bộ tư tưởng ở Âu châu, trong đó ông đã cho mọi người thấy sự cần thiết của một nhà nước cai trị bằng pháp luật.
Là người đã đặt nền móng cho tư tưởng dân chủ tư sản ở nước ta. Ông cũng là người đã áp dụng tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây vào Việt Nam một cách linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Tư tưởng dân chủ của ông so với Phan Bội Châu có sự phát triển cao hơn về trình độ, tính chất. Phạm trù dân chủ tư sản không chỉ dừng lại ở phạm trù chung chung, trừu tượng đem đối lập với quân chủ truyền thống mà mang tính phổ biến, gắn liền với những lợi ích thiết thân của con người và của xã hội. Có thể nói rằng, những chủ trương thực hiện quyền dân sinh, dân chủ mà Phan Châu Trinh đề xướng xét về mặt thực tế là rất phù hợp với tình hình chung của đất nước lúc bấy giờ. Có thể nhìn ở khía cạnh cách mạng đánh đổ thực dân phong kiến thì tư tưởng của Phan Châu Trinh như là “cải lương”, nhưng nếu chúng ta nhìn nhận ở trong bối cảnh ấy, thì cách mạng Việt Nam chưa hội tụ đủ những yếu tố căn bản về sức mạnh vật chất để tiến hành cuộc cách mạng bằng bạo lực để giải phóng dân tộc. Vì vậy, dưới nhãn quan chính trị sắc bén, sát thời cuộc của mình đã dẫn Phan Châu Trinh đi đến những quyết sách phù hợp với thực tế hơn là làm cho dân có cái ăn, cái mặc. Theo tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản của Phan Châu Trinh, vấn đề quan trọng nhất lúc bấy giờ là thực hiện mục đích làm cho dân có cuộc sống với các quyền cơ bản của con người. Để thực hiện được mục đích đó, theo ông, trước hết cuộc cách mạng dân chủ tư sản phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu được quyền công dân của mình, đấu tranh công khai, hợp pháp đòi thực dân Pháp phải thực hiện đảm bảo quyền lợi của nhân dân.Mặc dù còn có nhiều hạn chế về mặt lịch sử, nhưng điều quan trọng là Phan Châu Trinh đã đề xuất được những tư tưởng mang tính chất phát hiện mới, có ý nghĩa chiến lược, thiết thực với dân tộc.
Những nội dung cơ bản tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh là ngọn đèn soi sáng, là sự thức tỉnh cho dân tộc ta bước ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm. Nó có một vị trí xứng đáng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, đặc biệt trong những năm đầu của thế kỷ XX.
· Phan Châu Trinh là người đề xướng tư tưởng dân quyền
Khi đề xuất những yêu cầu cải cách chính trị đối với xã hội Việt Nam lúc đương thời, Phan Châu Trinh đã nêu ra tư tưởng dân chủ như một định hướng cho cuộc cải cách này. Nội dung cơ bản của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh là nâng cao dân quyền, là xây dựng thể chế chính trị và hệ thống pháp luật để bảo đảm cho dân quyền. Ông nhấn mạnh:
"Theo cái chủ nghĩa dân trị thì từ quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân thế nào thì làm thế ấy".
Trong mấy thập kỷ đầu của thế kỷ này, tư tưởng dân quyền của Phan Châu Trinh như một ánh hào quang rực rỡ. Chính vì thế mà khi ông mất, Phan Bội Châu viết:
"Ông Phan Hy Mã … đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang, làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy, mà dân tộc ta từ nay dần dần mới biết mình có quyền. Quyền dân cao hơn thì quyền vua sụt xuống... Nay ông đã qua đời rồi mà cái chủ nghĩa ông ngày càng sáng chói. hết thảy đồng bào trong nước từ đứa trẻ con cũng lạy ông, khấn vái ông. Vậy là cái nghĩa "dân quyền" dạy bảo con người đã in sâu vào trong óc rồi đó!"
Tư tưởng dân chủ và dân quyền của Phan Châu Trinh là một đóng góp to lớn không những cho phong trào đổi mới và cải cách mà cả cho sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt nam đầu thế kỷ XX. Nếu chúng ta nhìn Phan Châu Trinh không phải chỉ thấy chủ nghĩa cải lương của ông mà còn thấy những cống hiến của ông về mặt tư tưởng và thực tiễn như trên đã nói thì chúng ta sẽ có sự đánh giá địa vị của ông trong lịch sử cách mạng Việt Nam một cách khách quan và công bằng hơn trước.
Ông là người đề xướng và tổ chức phong trào Duy Tân – góp phần quan trọng nâng cao dân trí, cải cách phong tục, chấn hưng đạo đức, thức tỉnh lòng yêu nước của người dân
Phan Chu Trinh đã nhận thấy cái rối ren, mù mịt trong văn hóa người Việt Nam.Thời đại mới vẫn chưa làm thay đổi được bộ mặt của xã hội Việt Nam nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ trong khung cảnh văn hóa Nho giáo và quân chủ đã thịnh hành từ hàng chục thế kỉ trước.Đồng thời ông cũng nhận ra được sự tiến bộ của phương Tây, do đó mà ông muốn nhân dân ta thay đổi nếp sống mới, mong muốn cải cách xã hội triệt để thủ tiêu chiếc áo phong kiến lạc hậu,cũ kĩ.Những biện pháp thiết thực như:đưa ra khẩu hiệu để răng trắng, cắt tóc ngắn, ăn vận theo kiểu phương Tây …có ý nghĩa rất lớn.Phong trào cắt tóc lan xuống nông thôn đã dần biến thành phong trào kháng thuế của nhân dân.
Muốn cứu dân tộc, không còn con đường nào khác là phải đuổi kịp về mặt tri thức đối với các dân tộc khác, đưa dân tộc lên ngang tầm thời đại với các dân tộc khác. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cùng sinh tồn và cạnh tranh với họ. Phan Châu Trinh đã thấy được rất xa là phát triển dân tộc quan trọng không kém độc lập dân tộc.
Mặc dù lúc bấy giờ chữ Quốc ngữ còn có nhiều nhược điểm nhưng so với chữ Nôm thì lại đơn giản, tiện lợi, có tính khoa học hơn nhiều, do đó rất hữu ích cho việc truyền bá chủ nghĩa Duy tân và nâng cao dân trí. Cái phong thái của nhà Nho ngồi nắn nót từng chữ để thành rồng thành phượng với ngòi bút lông mềm mại phải được thay bằng tư thế gọn gàng nhanh nhẹn của con người mới với ngòi bút sắt cứng cáp, đủ sức vạch mặt quân thù. Vì vậy các nhà lãnh đạo phong trào bèn ra sức hô hào học chữ Quốc ngữ :
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước ,
Phải đem ra tỉnh trước dân ta ,
( Khuyến học - Trần Quí Cáp)
Các nhà Duy Tân cho rằng chữ Quốc ngữ dễ học, dễ viết, thời gian học tập rất ngắn so với chữ Nôm. Phải học chữ Hán mất mười năm mới học chữ Nôm còn học chữ Quốc ngữ thì chỉ mất vài tháng, đại đa số quần chúng ai cũng có thể học được. Chữ Quốc ngữ là công cụ hữu ích để truyền bá chủ nghĩa Duy Tân: “Quyết đem học mới thay nô kiếp”, là phương tiện để khai dân trí:
Trước hết phải học ngay Quốc ngữ,
Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau.
Chữ ta, ta đã thuộc làu,
Nói ra nên tiếng,viết câu nên bài.
Sẵn cơ sở để khai tâm trí.
(thơ Đông Kinh Nghĩa Thục)
Không chỉ dạy chữ Quốc ngữ cho dân ta mà còn dùng chữ Quốc ngữ dịch các sách nước ngoài để phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, triết học, kinh tế v.v.. hầu mở mang dân trí, ý thức dân quyền đưa đồng bào tiến bước trên đường Duy Tân, cứu đất nước thoát khỏi vòng đô hộ của thực dân Pháp:
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na
Chữ kia,chữ nọ dịch ra tinh tường.
...Một người học muôn người đều biết,
Trí ta khôn trăm việc phải hay,
Lợi quyền nắm được vào tay,
Có cơ tiến hóa, có ngày văn minh.
(Chiêu hồn nước)
Nhờ lòng kiên trì, nhiệt tình yêu nước, các giáo viên tân học đã tạo được cho dân chúng sự hiểu biết cũng như lòng tin vào tiền đồ của dân tộc, càng ngày số người theo học càng đông. Phong trào học chữ Quốc ngữ đã được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt, tại Quảng Nam chỉ trong vòng năm, sáu tháng, 40 trường tân học đã được dựng lên để dạy chữ Quốc ngữ, phổ biến cái học mới.
Phan Chu Trinh là một nhà văn hóa lớn.Ông đã để lại cho đời một khối lượng các tác phẩm văn học, chính trị, lịch sử không chỉ có ý nghĩa với thời đại mà còn có ý nghĩa đến ngày nay.
Về văn học, Phan Chu Trinh để lại cho đời khối lượng lớn, đả kích phong kiến, khơi gợi lòng yêu nước, thể hiện tính khẳng khái của một nhà Nho yêu nước.Trong đó có tuyển tập Xăng tê thi tập do ông viết khi bị giam ở Pháp, Tây Hồ thi tập, và nhiều tác phẩm khác.
Theo tài liệu của Hùynh Thúc Kháng thì có khoảng 50 bài thơ chữ Hán và khoảng 200 bài thơ chữ quốc chữ. Trên thực tế có thể còn nhiều hơn. Về thời gian sáng tác và đặc biệt của các thi phẩm thì một số bài trong Tây Hồ thi tập do Phan Châu Trinh sáng tác khi còn ở việt Nam và một số bài khi mới sang Pháp. Còn những bài sáng tác trong thời gian 10 tháng ở ngục Santé thuộc về Santé thi tập.
Tập trước có trên 50 bài thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt nói lên tình cảm yêu nước và lòng thương người của người trí thức. Đây là tiếng thơ bất khuất của một chiến sĩ nhiệt tình và nhiệt huyết. Tập sau có trên 220 bài, phần lớn lấy tục ngữ, ca dao làm đầu đề. Sau này một số tuyển tập thơ văn Hán Nôm từ đầu thế kỉ như Tân văn lục, Văn liên tạp thảo, Văn minh tân học sách đều có sao lục ít nhiều thơ ca của Tây Hồ thi tập. Rồi những tuyển tập thơ quốc âm, những đặc sản kỉ niệm, những tập đặc khảo về Phan Châu Trinh, hoặc tập trung hoặc rãi rác đều có in những bài có trong Tây Hồ thi tập. Chẳng hạn Phan Tây Hồ di thảo của Ngô Đức Kế , Danh nhân nước Việt của Đào Văn Hội (Sài Gòn 1951), Phan Bội Châu và Phan ChâuTrinh... của Tôn Quang Phiệt, Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn của Trần Huy Liệu), “Thơ văn yêu nước, cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX” của Đặng Thai Mai (Văn hóa, Hà Nội, 1961), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV của Vũ Đình Liên, Hoàng Ngọc Phách (Văn hóa, Hà Nội), Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên và Hư Chu (Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968), Thi ca châm biếm trào lộng Việt Nam của Hoàng Trọng Thược (Khai Trí, Sài Gòn 1969)... Năm 1961, ông Lê Ấm đã sao lục di thảo của Phan Châu Trinh về hai tập Tây Hồ và Santé và cho in chung thành một tập gọi là Tây Hồ Phan Châu Trinh di thảo, Tây Hồ và Santé thi tập. Sách này chia ra làm hai phần, tổng cộng có 295 bài thơ. Trong đó Tây Hồ thi tập có 69 bài và Santé thi tập có 226 bài, nhưng có 7 bài chép theo truyền văn.
Nếu thống kê tất cả những câu tục ngữ ca dao mà Phan Châu Trinh dùng làm đầu đề hoặc dùng ở phần chú thích thì cỡ đến 324 câu. Một nhà nho ngồi tù ở nước ngoài, cách quê hương hàng vạn dặm mà nhớ đến chừng ấy câu lời ăn tiếng nói của nhân dân thì quả phải có một tấm lòng thật yêu quý dân tộc, yêu quý đất nước và yêu ngôn ngữ dân tộc một cách sâu sắc mới làm được. Bên cạnh những bài thơ còn chịu nhiều ảnh hưởng của luân lý đạo đức phong kiến, chúng ta thấy xuất hiện nhiều bài thơ có giá trị tích cực. Đó là bài phê phán bọn quan lại phong kiến như:
Bài 138: Cha mẹ hay nói oan, quan hay nói hiếp
Nói oan nói hiếp tự xưa nay
Cha mẹ cùng quan tính vẫn hay
Hồ đồ hai miệng bở gian ngay
Sinh con thì dễ sinh lòng khó
Bắt trái còn sưa, bắt mặt dày
Bố tinh vua nhà đừng nhận lộn
Rủi thì hùm dữ túm ăn vày
Bài 77: Thần thế đồng tiền, oai quyền thúng thóc
Cõi tục nào ai có thế quyền
Không qua thúng thóc với đồng tiền
Bay mùi tanh nghí hèn thêm khiếp
Khỏa mặt đầy vun đói phải khiêng
Chim nước Tây sang càng quỷ quái
Chó làng Nhữ sủa cũng thần tiên
Thử xem trước mắt người thiên hạ
Đệ nhứt nhà quan, nhị chủ điền
Phê phán kịch liệt những thế lực áp bức nhân dân, Phan Châu Trinh đồng cảm sâu sắc với nhân dân nghèo khó. Cụ thấy rõ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống (bài 147), cụ nói đến những người ăn mày, những đứa trẻ mồ côi: bài 29: Ăn mày nhờ cơn cháy chợ, bài 52: Con không cha ăn cơm với cá, con không mạ liếm lá đầu hàng, bài 182: Bao đời dì ghẻ có thương con chồng…
Tác phẩm đầu tiên của ông (ông làm thơ từ khi còn đi học, trong Phan Châu Trinh niên biểu đồ - Huỳnh Thúc Kháng soạn - có ghi “năm 1897... bắt đầu làm thơ giọng bi ca khẳng khái nổi danh trong làng thơ”) là phần lớn thơ văn làm trong thời kì đi học, nay không còn nhiều. Trước đây (1926) Ngô Đức Kế sưu tầm, dịch và giới thiệu, in trong Phan Tây Hồ di thảo (Nhà in Chân Phương, Hà Nội, 1927) và một số trong Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng (Nxb. Tiếng Dân, Huế, 1939). Đây là một số thơ và câu đối chữ Hán, có thể sơ lược: Kinh thành nguyên đán, Giáp thìn kinh thành cụ phong, Tặng hữu nhân Trần Quý Cáp tiến sĩ, Phan Thiết ngọa bệnh, Tặng Nhụ Khanh, Ất Tỵ trừ tịch tác, Xuất đô môn...
Bài gây tiếng vang lớn nhất là Chí thành thông thánh (1905). Đây là một bài thơ chữ Hán theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, tác giả làm theo đầu đề đã ra sẵn trong một kì khảo hạch tại trường thi Bình Định năm 1905. Bài thơ này có một tiếng vang rất lớn, nói như Huỳnh Thúc Kháng “Chúng tôi mượn đề mục ấy làm một bài thi, một bài phú, phát biểu tư tưởng bài xích khoa cử, cùng lối cựu học hủ lậu. Bài thi và bài phú ấy lúc bấy giờ lưu hành chẳng biết ai là tác giả. Nói đến việc dùng sức văn tự để mạt sát khoa cử, cổ xúy tân học thì bài thi và bài phú ấy là tiếng nói đầu tiên vậy”. Bài thơ này về sau, trong các thi tuyển hoặc hợp tuyển thơ văn đều có trích dẫn. Có lẽ do các bài thơ chữ Hán vừa nói trên, nên trong Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sửHuỳnh Thúc Kháng ghi là “Hán văn thi 50 bài”. Và do đó năm 1974 tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) số đặc khảo về Phan Châu Trinh cũng ghi lại như Huỳnh Thúc Kháng đã ghi. (Xem bản dịch của chúng tôi).
. Đầu Pháp chính phủ thư là bức thư của Phan Châu Trinh viết gởi cho toàn quyền Beau sau khi ông đi Nhật Bản về. Nguyên tác viết bằng chữ Hán được dịch ra tiếng Pháp. Nội dung bức thư nêu lên những tệ trạng của quan lại Nam triều do thực dân Pháp dung dưỡng. Đồng thời tác giả cũng đề nghị chính phủ Pháp sửa đổi chính sách bảo hộ ở Đông Dương. Thư này có gởi đăng báo Pháp. Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội cũng cho in bản gỗ đến hàng ngàn quyển phát đi các nơi, khiến từng lớp sĩ phu Bắc-Trung-Nam đều có đọc và một số người còn thuộc lòng (J. Roux, Lettré Phan Châu Trinh, số 9 Kỉ yếu Hội nhân quyền Paris. Tham khảo bản dịch của chúng tôi Nhà tri thức Phan Châu Trinh). Theo Roux thì nhờ các tư liệu của bức thư này mà Emil Fable đã dựng nên vở kịch “Những con châu chấu” vở kịch này đã diễn được đến 20 lần tại Vaudeville và sau đó bị cấm diễn. Tham khảo thêm “Phan Châu Trinh và vở kịch Những con châu chấu của Thu Trang, Tạp chí Văn học số 2, 1984, Hà Nội). Năm 1926, tạp chí Nam Phong cho in lại bản nguyên tác, trong các số 103, 104 phần chữ Hán. Cũng năm đó một bản được dịch sang tiếng Việt và được in vào tập Quốc hoa huyết lệ do Thịnh Quan thư quán xuất bản ở Sài Gòn. Một bản dịch khác của Ngô Đức Kế cũng được công bố trong Phan Tây Hồ di thảo do Thụy Ký ấn hành ở Hà Nội, rồi Nguyễn Kim Đính ở Sài Gòn cũng phổ biến bản dịch của mình trong Gương chí sĩ. Đến năm 1949, bản dịch Đầu Pháp chính phủ thư của Ngô Đức Kế được tuần báo Tân Dân ở Hà Nội cho in lại vào số đặc biệt kỉ niệm Phan Tây Hồ tiên sinh ngày 24-3-1949. Vào những năm 60 ở miền Bắc cũng như ở miền Nam đều có phổ biến lại những bản dịch Việt của Ngô Đức Kế trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV của Vũ Đình Liên, Hoàng Ngọc Phách, Thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX của Đặng Thai Mai, hoặc nhằm phổ biến văn kiện dùng cho thảo luận của “Nghiên cứu lịch sử” số 66 tháng 9-1964 với bản dịch XX, năm 1968, Thái Bạch có cho in trong Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc ở Sài Gòn. . Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907) là bài tựa bằng chữ Nôm của Phan Châu Trinh đề cho cuốn Hợp quần doanh sinh thuyết của Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền. Nội dung bài tựa nhằm kêu gọi toàn dân phải tổ chức đoàn thể, mở mang thực nghiệp để mưu cầu hạnh phúc sống còn. Thư viện Khoa học xã hội ở Hà Nội có một bản chép tay mang kí hiệu V.N 224 năm 1939, Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền của Lê Thước và Vũ Đình Liên có trích một đoạn của bài nói trên.
Tỉnh Quốc hồn ca
Tỉnh quốc hồn ca I (1907) là một tập thơ gồm ba phần. Phần đầu là bài Tỉnh quốc hồn ca I, gồm 470 câu song thất lục bát với nội dung hô hào cải cách xã hội theo đường hướng duy tân lúc bấy giờ. Phần hai có 310 câu gồm 5 bài ca lục bát, nội dung trình bày vấn đề giáo dục gia đình. Phần ba có 45 câu gồm 3 bài ca trù rút từ Giai nhơn kì ngộ diễn ca (Đúng là Giai nhơn chứ không phải là giai nhân. Nguyên văn Phan Châu Trinh viết là giai nhơn như trong bản thảo) với nội dung kêu gọi kẻ hào kiệt hãy nhìn lịch sử oanh liệt của dân tộc mà đoàn kết để dựng lại nền tự chủ cho đất nước.
Tỉnh quốc hồn ca I lúc đầu được dùng làm tài liệu giảng dạy tại các nghĩa thục ở Quảng Nam và Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Đến năm 1926, Ngô Đức Kế, Lương Văn Can cho xuất bản Phan Tây Hồ di thảo trong đó có phần Tỉnh quốc hồn ca này. Tháng 7-1945, ông Lê Ấm cho xuất bản tại Qui Nhơn tác phẩm này với nhan đề Tây Hồ Phan Châu Trinh di thảo tập I, Tỉnh quốc hồn ca và mấy bài ca khác. Đến năm 1963, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV, trong phần Phan Châu Trinh có trích in 224 câu, phần nửa đầu Tỉnh quốc hồn ca I. Rồi trong Hợp tuyển Thơ văn yêu nước, Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX của Đặng Thai Mai, cũng cho in lại đoạn đã in trong hợp tuyển 1963. Năm 1983 có in lại trong Thơ văn Phan Châu Trinh của Huỳnh Lý Nxb, Văn học - Hà Nội.
Tuồng Trưng nữ vương bình ngũ lãnh (1910) là một vở tuồng hợp soạn do các ông Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện cùng viết ra để “tiêu khiển” lúc còn ở Côn Đảo. Trong đó biểu dương tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng và bày tỏ ý hướng duy tân của các tác giả. Ở Côn Đảo lúc bấy giờ có nhiều người thuộc lòng vở tuồng này, trong đó có ông Trương Bá Huy người làng Tiên Đỏa (nay là xã Bình Phục) huyện Thăng Bình. Năm 1927, ông Trương Bá Huy đã đọc lại cho ông Lê Ấm chép tại Huế. Đến năm 1962 vở tuồng này được Nhà xuất bản Anh Minh (Huế) in ra dưới nhan đề Tuồng Trưng nữ vương bình ngũ lãnh.
Trung kì dân biến thỉ mạt kí (1911), sách này ông viết vào năm 1911 để gởi cho Hội Nhân quyền và Dân quyền ở Paris, và cũng để đưa cho Albert Sarraut lúc đó sắp sang nhậm chức toàn quyền Đông Dương và Missiny thượng thư bộ Thuộc địa Pháp. Bản này Huỳnh Thúc Kháng gọi là “Kí nhân quyền hội thư”, tiêu đề chữ Hán này là do Huỳnh Thúc Kháng viết, chứ đúng theo nguyên bản thảo Phan Châu Trinh viết là “Trung kì dân biến thỉ mạt kívà sau này cũng có người gọi là “Bản điều trần của cụ Phan Châu Trinh”.
Nguyên thảo Hán văn, rồi ông dịch sang tiếng Việt đưa cho ông Julles Roux (bạn thân của ông tại Pháp) dịch sang tiếng Pháp để gởi Toàn quyền và Thượng thư Bộ thuộc địa. Sau đó một bản Pháp văn do Hội Nhân quyền và Dân quyền ở Paris xuất bản thành một tập sách riêng có nhan đề là Cuộc biểu tình năm 1908 ở An Nam (Manifestation de 1908 en Annam). Bản Việt ngữ thì hiện nay chúng tôi không tìm thấy, trước đây chúng tôi đã theo bản chữ Hán dịch ra và có chú thích những điều còn chưa rõ (Phủ QVKĐTVH Xuất bản, Sài Gòn, 1972 - Nguyễn Q. Thắng dịch).
Sau khi kiểm chứng các tư liệu hiện có, chúng tôi thấy những chi tiết và các sự kiện được Phan Châu Trinh nêu trong văn bản này rất chính xác, không có điểm gì sai sự thật. Trong tác phẩm Cuộc kháng thuế ở Trung Kì 1908) và Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (Niên phổ), Huỳnh Thúc Kháng cũng ghi lại với đầy đủ các chi tiết như Phan Châu Trinh đã viết. Nhưng có điều đáng nói là mỗi tác giả lại có một cách nhìn khác nhau. Huỳnh Thúc Kháng nhìn các sự kiện xảy ra dưới con mắt của một sử gia, nghĩa là hoàn toàn khách quan, có sao nói vậy, không phê phán hoặc bình phẩm. Trái lại Phan Châu Trinh viết tác phẩm này với cái nhìn có phân tích, lí giải phê phán; nghĩa là viết ra để biện hộ, để minh oan cho các đồng chí và bản thân mình. Cho nên, trong phần thứ nhất (chương I, II, III) là phần biện minh trước các lời buộc tội hồ đồ và vô căn cứ của bản án. Đồng thời phê phán thái độ, thực học và tư cách của bọn quan lại tay sai thời đó.
Phần sau (tình hình nhiễu lụy oan thảm - chương IV) tác giả trình bày các sự việc xảy ra từ Thanh Hóa đến Bình Thuận mà thân sĩ và nhân dân phải gánh chịu bởi chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp và quan lại tay sai Nam triều. Tuy chủ đích của tác phẩm là để minh oan cho bản thân và các đồng chí, nhưng trong phần này tác giả đã ghi lại được phần nào đầy đủ về hoạt động của các cơ sở của phong trào Duy tân về phương diện văn hóa và nông công nghiệp một cách trung thực. Tác giả đã dắt chúng ta đi thăm một vài cơ sở duy tân một cách khá tường tận. Đồng thời nêu rõ tên một số nhân vật trực tiếp tham gia giúp sức, hỗ trợ cho phong trào về phương diện vật chất cũng như tinh thần, nhất là nói rõ việc thực dân đàn áp thân sĩ và quần chúng, cùng việc phá hủy trường học, giải tán các hội buôn, hội nông... mới được dựng lên ở Quảng Nam và các tỉnh khác. Chính nhờ phần này giúp chúng ta ngày nay thấy được phần nào vóc dáng và thực chất của phong trào Duy tân. Trước năm 1975 ở miền Nam đã lưu hành bản dịch của chúng tôi (Phủ QVKĐTVH xuất bản 1972).
Giai nhơn kì ngộ diễn ca (1913-1915) là một “vị định cảo” của Phan Châu Trinh, được viết ra trong thời gian ông lưu trú tại Pháp. Giai nhơn kì ngộnguyên là một tác phẩm của nhà văn Nhật Bản tên là Sài Tứ Lang, được Lương Khải Siêu dịch ra Hán văn và Phan Châu Trinh đã diễn ca bản Hán văn này ra chữ Quốc ngữ bằng thơ lục bát. Nội dung tác phẩm nói về sự gặp gỡ lạ lùng của một đôi trai tài gái sắc trên đất Mĩ. Tán Sĩ là một thanh niên Nhật, U Lan là một thiếu nữ Tây Ban Nha, cả hai đều là người yêu nước. Hai người gặp rồi, yêu nhau với đầy đủ mọi diễn biến của trạng thái tâm lí, trong đó pha lẫn các tình huồng Đông Tây, mới cũ. Tuy nhiên, Giai nhơn kì ngộ không đơn thuần là một truyện tình, mà trong đó nói lên tiếng nói của phong trào đòi độc lập tự do của một số nước trên thế giới giữa thế kỉ 19 mới là cái chính thu hút tâm tư người kể chuyện. Do đó, xen lẫn vào câu chuyện tình, tác giả đã dành nhiều trang để thuật lại tình hình chính trị, xã hội và phong trào đấu tranh của những người yêu nước tiến bộ ở Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan, Nhật Bản, Ai Cập... Sài Tứ Lang đã viết Giai nhơn kì ngộ để giáo dục người Nhật thời Minh Trị duy tân. Lương Khải Siêu lại dùng cho người Trung Quốc sau Mậu tuất chính biến. Đến Phan Châu Trinh cũng dùng nội dung ấy với mọi hình thức đặc biệt Việt Nam, mong truyền bá rộng rãi tư tưởng dân chủ đang lên vào đầu thế kỉ. Giai nhơn kì ngộ diễn ca lần đầu tiên ra mắt bạn đọc vào năm 1926, do Ngô Đức Kế giới thiệu, nhưng sách vừa in xong chưa kịp phát hành thì đã bị thực dân Pháp tịch thu và đốt hết. Năm 1958, Nhà xuất bản Hướng Dương ở Sài Gòn mới công bố (do Lê Văn Siêu giới thiệu, bình chú) toàn phần Giai nhơn kì ngộ diễn ca dưới nhan đề Phan Châu Trinh - Giai nhân kì ngộ (anh hùng ca). (Các từ “anh hùng ca” và tự sửa gia nhơn thành giai nhân, cho nên độc giả nào không đọc được nguyên vị định cảo cứ tưởng là giai nhân, việc này là do người giới thiệu tự ý thêm vào mà bỏ đi hai từ “diễn Nôm” của Phan Châu Trinh).
Tây Hồ và Santé thi tập (1914-1915): Theo tài liệu của Hùynh Thúc Kháng thì có khoảng 50 bài thơ chữ Hán và khoảng 200 bài thơ chữ quốc chữ. Trên thực tế có thể còn nhiều hơn. Về thời gian sáng tác và đặc biệt của các thi phẩm thì một số bài trong Tây Hồ thi tập do Phan Châu Trinh sáng tác khi còn ở việt Nam và một số bài khi mới sang Pháp. Còn những bài sáng tác trong thời gian 10 tháng ở ngục Santé thuộc về Santé thi tập. Tập trước có trên 50 bài thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt nói lên tình cảm yêu nước và lòng thương người của người trí thức. Đây là tiếng thơ bất khuất của một chiến sĩ nhiệt tình và nhiệt huyết. Tập sau có trên 220 bài, phần lớn lấy tục ngữ, ca dao làm đầu đề. Sau này một số tuyển tập thơ văn Hán Nôm từ đầu thế kỉ như Tân văn lục, Văn liên tạp thảo, Văn minh tân học sách đều có sao lục ít nhiều thơ ca của Tây Hồ thi tập. Rồi những tuyển tập thơ quốc âm, những đặc sản kỉ niệm, những tập đặc khảo về Phan Châu Trinh, hoặc tập trung hoặc rãi rác đều có in những bài có trong Tây Hồ thi tập. Chẳng hạnPhan Tây Hồ di thảo của Ngô Đức Kế (Thụy Ký, Hà Nội 1926, tuần báo Tân Dân số đặc biệt năm 1949). Danh nhân nước Việt của Đào Văn Hội (Sài Gòn 1951), Phan Bội Châu và Phan ChâuTrinh... của Tôn Quang Phiệt. Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn của Trần Huy Liệu (trong Nghiên cứu lịch sử số 1.3.1959), “Thơ văn yêu nước, cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX” của Đặng Thai Mai (Văn hóa, Hà Nội, 1961), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV của Vũ Đình Liên, Hoàng Ngọc Phách (Văn hóa, Hà Nội), Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên và Hư Chu (Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968), Thi ca châm biếm trào lộng Việt Nam của Hoàng Trọng Thược (Khai Trí, Sài Gòn 1969)... Năm 1961, ông Lê Ấm đã sao lục di thảo của Phan Châu Trinh về hai tập Tây Hồ và Santé và cho in chung thành một tập gọi là Tây Hồ Phan Châu Trinh di thảo, Tây Hồ và Santé thi tập. Sách này chia ra làm hai phần, tổng cộng có 295 bài thơ. Trong đó Tây Hồ thi tập có 69 bài và Santé thi tập có 226 bài, nhưng có 7 bài chép theo truyền văn.
Kí Khải Định hoàng đế thư (1922) là bức thư chữ Hán gởi cho Khải Định khi ông ta sang Pháp dự cuộc đấu xảo quốc tế năm 1922. Chuyến đi của Khải Định có nhiều điều ám muội mà Phan Châu Trinh cho là một điều sỉ nhục đối với quốc thể. Nội dung bức thư kể rõ bảy điều trái của Khải Định và buộc ông ta phải tự xử. Thư này được Phan Châu Trinh cho dịch ra tiếng Pháp, có đăng báo và truyền đơn để cho người Pháp rộng đường tham khảo. Khoảng năm 1925, Trần Huy Liệu đã dịch thư này ra tiếng Việt và cho in trong Gương chí sĩ của Nguyễn Kim Đính, Sài Gòn, 1926. Bản dịch tiếng Việt của Phan Châu Trinh trước đây về sau bị thất lạc một phần bản thảo, nên ông Lê Ấm khi sao lục phải dịch tiếp từ bản chữ Hán ra, rồi đến năm 1958, Nhà xuất bản Anh Minh (Huế) cho xuất bản dưới nhan đề di cảo cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh thư thất điều. Tháng 8 năm 1959 trên tập san Nghiên cứu lịch sử số 6, Trần Huy Liệu cho in lại bản dịch của mình với nhan đề Bức thư cảnh cáo Khải Định kể bảy tội đáng giết. Bản dịch này còn được “Nghiên cứu lịch sử” cho in lại trong số 66 tháng 9-1964 dưới nhan đề Thất điều trần, và ở Sài Gòn 1968 cũng được Thái Bạch đưa vào Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc với tên Thư kể tội Khải Định. Đến năm 1972, Hợp tuyển thơ văn yêu nước... cũng cho in lại bản dịch này.
Bức thư trả lời cho một người học trò tên Đông (1925), Đông là một du học sinh Việt Nam ở Pháp, ham học, yêu nước, đã từng gặp nói chuyện và viết thư cho Phan Châu Trinh. Bức thư trên là của Phan Châu Trinh trả lời cho Đông vào tháng 1-1925 ở Paris. Nội dung gồm những ý kiến của ông về một loạt vấn đề có liên hệ đến tình hình của nước ta lúc đó như: các học, đảng phái, cách mạng, chủ trương bạo động, việc nhờ ngoại viện, về một số nhân vật tên tuổi đương thời, về chính phủ bảo hộ Pháp, chính phủ bù nhìn Nam triều và về đường lối phải thực hiện để cứu nước... Năm 1926, bức thư trên được in vào Phan Tây Hồ di thảo, Ngô Đức Kế biên tập và phê bình, Lương Văn Can xuất bản tại Hà Nội. Tháng 3-1949 được in lại trong tuần báo Tân Dân số 3 ở Hà Nội, rồi tạp chí Bách Khoa, tập san Nhân Loại, bán nguyện san Phổ Thông, năm 1959, 1961 ở Sài Gòn có cho in lại.
Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925) là hai bài diễn văn của Phan Châu Trinh đọc tại nhà Hội Thanh niên Sài Gòn vào cuối năm 1925 khi ông ở Pháp trở về Việt Nam. Bài đầu, sau khi so sánh hai chủ nghĩa quân trị và dân trị, tác giả đã kêu gọi đồng bào mau góp sức toan lo việc nước để đưa dân tộc tiến lên. Bài sau, ông cho rằng sở dĩ nước ta mất, dân ta yếu, bị dày xéo khinh bỉ là vì đã đánh mất nền đạo đức luân lí truyền thống của mình. Cần phải khôi phục lại nền đạo đức, luân lí đó mà tinh hoa có thể tóm tắt vào mấy lời như sau: “Sĩ khả sát bất khả nhục,... phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Sau khi phát biểu tại Sài Gòn, hai tác phẩm trên được đưa ra phổ biến ở Huế. Năm 1926, được in lại trong Gương Chí sĩ và ba mươi năm sau in trong Phan Châu Trinh của Thế Nguyên (NXB Tân Việt). Năm 1964 ở Hà Nội, tập san Nghiên cứu lịch sử số 66 và 67 đã cho in lại hai bài diễn văn trên. Riêng bài Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa năm 1968 ở Sài Gòn, Thái Bạch cũng cho in toàn văn trong Thơ văn quốc cấm thời Pháp thuộc. Một số bài thơ của Phan Châu Trinh và hai bài diễn thuyết của ông được giảng dạy ở chương trình Tú tài Việt Nam trước năm 1975 tại Sài Gòn.
(còn tiếp)