Chia Sẻ Xu hướng bạo động của Phan Bội Châu

Trang Dimple

New member
Xu
38
Phan Bội Châu (1867 - 1940), hiệu là Sào Nam, một nhà Nho danh tiếng của xứ Nghệ, thuộc thế hệ cuối cùng của các sĩ phu Cần Vương, được giác ngộ tư tưởng mới và trở thành người cầm đầu một phong trào yêu nước và cách mạng, đi đầu trong phong trào dân tộc suốt 20 năm đầu thế kỷ.
Năm 1886, khi chưa đầy 20 tuổi, Sào Nam đã tập hợp sĩ tử ủng hộ các thủ lĩnh Cần Vương như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn. Tuy vậy, cũng phải chờ đến năm 1900, khi đã có danh vọng đỗ đạt, yên việc gia đình, ông mới thực sự đi vào con đường tranh đấu.
phan bội châu.jpg

Ở Huế từ năm 1897, được Nguyễn Thượng Hiền giới thiệu Tân thư của Khang Lương, đặc biệt năm 1902 nhân các chuyến ra Bắc vào Nam, Phan Bội Châu đã có sự chuyển biến mạnh về tư tưởng. Với uy tín cá nhân sẵn có, ông nổi lên như một gương mặt chính trị sáng giá nhất. Từ đó, phong trào cách mạng của ông tính đến cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất có thể chia ra 2 thời kỳ sau:

Thời kỳ Duy Tân hội và phong trào Đông Du ( 1904 - 1908)

Ở Việt Nam, "Phan Bội Châu là người đầu tiên đã thành lập một đảng chính trị theo ý nghĩa hiện đại của từ này"(2). Tháng 5 - 1904, tại Quảng Nam, Phan Bội Châu cùng với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành (tức ấm Hàm), Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Đỗ Tuyển . .. đã tuyên bố thành lập Duy Tân hội, "cốt sao khôi phục Việt Nam độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác"(3). Thực ra, tư tưởng chính trị của Hội cũng khá rõ với việc tôn cường để làm Hội chủ. Ý tưởng về một chế độ quân chủ lập hiến đã lộ ra.

Duy Tân hội đề ra 3 nhiệm vụ: Phát triển hội viên, tài chính, chuẩn bị cho bạo động vũ trang và xuất dương cầu viện (sau đó gọi là phong trào Đông Du, hướng sang Nhật Bản).

Đây là những năm tháng Phan Sào Nam tự cho là "đắc ý nhất". Từ sau chuyến đi Nhật đầu tiên năm 1905 cùng Đặng Tử Kính, được sự giúp đỡ của Lương Khải Siêu, Khuyển Dưỡng Nghi, Đại Ôi Trọng Tín -những nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa và Nhật Bản, Phan Bội Châu đã cùng Duy Tân hội dấy lên phong trào Đông Du, tuyển chọn ngót 200 du học sinh Việt Nam, bí mật xuất dương qua Nhật Bản học khoa học kỹ thuật và quân sự.
Ở trong nước Phan Bội Châu lên Phồn Xương (Yên Thê), bản doanh của Đề thám, bàn việc phối hợp với các hoạt động vũ trang, thực hiện kế sách trong đánh ra, ngoài đánh vào khi có cơ hội. Đây cũng là lúc, trường Đông Kinh nghĩa thục bắt đầu xuất bản nhiều tác phẩm của Phan viết ở Nhật Bản, như hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử ...

Năm 1908, diện hoạt động của phong trào Đông Du đã lan rộng khắp nước, cùng những hoạt động quyên góp về kinh tế công khai. Điều đó không tránh khỏi sự phát hiện của mật thám Pháp. Tháng 9-1908, thực dân Pháp đã thương lượng với chính phủ Nhật ra lệnh giải tán những tổ chức chống Pháp trên đất Nhật, trục xuất số du học sinh Việt Nam.

Thời Kỳ Việt Nam Quang phục hội (VNQPH) và những hoạt động vũ trang sôi động trước và trong chiến Tranh thế giới thứ nhất.
Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công mở ra một trang mới cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Mô hình “Trung Hoa dân quốc” và đảng cách mạng đã lôi cuốn ông và ông đã hoàn toàn vứt bỏ những gì còn lại của tư tưởng phong kiến, thực sự trở thành người cộng hòa. Năm 1912, ông hối hả về Quảng Đông, tập hợp lực lượng cách mạng và tháng 2 năm đó, tại nhà Lưu Vĩnh Phúc, ông đã tuyên bố thành lập Việt Nam Quang phục hội
.
Đây thực sự là một đảng chính trị kiểu hiện đại, với tôn chỉ, chống Pháp giành độc lập, lập ra nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam. VNQPH đã đề ra cả bộ máy Việt Nam quân chính phủ gồm Bộ Tổng vụ, Bộ Bình nghị, Bộ Chấp hành và lập ra Quang phục quân, do những thanh niên trẻ tốt nghiệp các trường quân sự Nhật Bản, Trung Hoa như Hoàng Trọng Mậu, Đặng Xung Hồng, Lương Lập Nham... phụ trách.
Phan Bội Châu đã cùng các chí sĩ Trung Hoa lập ra Chấn Hoa hưng Á, tạo thêm uy tín quốc tế. VNQPH còn thông qua quốc kỳ tương lai, phát hành quan dụng phiếu ...

Phan Bội Châu đặc biệt coi trọng việc xây dựng “chiến lược biên giới", phong trào 100 tay súng, nối các cơ sở VNQPH từ Vân Nam về nước, đồng thời phát triển mạnh cơ sở trong nước.

Trước và trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, mặc dù có một thời gian Phan Bội Châu, Mai Lão Bang bị bọn quân phiệt Trung Hoa bắt giam, nhưng những hoạt động vũ trang vẫn liên tục, mạnh mẽ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất. Nam 1913, sau vụ ném bom ở Thái Bình diệt Tướng phủ Nguyễn Duy Hàn, Ở Hà Nội diệt 2 sĩ quan Pháp, VNQPH đã tổ chức các trận đánh dọc tuyến biên giới phía bắc như tấn công đồn Tà Lùng, Bình Liêu.
Nhưng quan trọng hơn cả là VNQPH đã lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa lớn ở các địa bàn trọng yếu. Đó là Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân tháng 5-1916 được coi là cố gắng lớn nhất của VNQPH trong những kế hoạch vũ trang lúc đó, thu hút được nhiều nhân vật nổi tiếng ở Trung Kỳ như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Nhung, Lê Đình Dương ..., đặc biệt có sự tham gia của vua Duy Tân. Trong kế hoạch khởi nghĩa, VNQPH còn lợi dụng sứ quán Đức ở Xiêm để có thêm vũ khí chống Pháp. VNQPH dự định dựa vào 2500 lính tập ở Huế, 1500 lính tập ở Đà Nẵng tiến hành khởi nghĩa ở kinh thành Huế và phần lớn các tỉnh miền Trung.

Khởi nghĩa của vua Duy Tân cũng như nhiều cuộc khởi nghĩa thời bấy giờ thường bị hạn chế về nghệ thuật chỉ đạo, không giữ được bí mật kế hoạch khởi nghĩa. Vì vậy, thực dân Pháp kịp thời cấm trại, tịch thu vũ khí của số lính tập, bắt nhiều nhân vật chủ chốt ở cả hai trung tâm khởi nghĩa là Huế và Đà Nẵng. Vua Duy Tân cũng bị bắt khi trốn đến chùa Thiên Mụ. Ngày 17-5-1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều người trong đội thị vệ của Duy Tân bị chém ở Huế. Sau đó, Phạm Thành Tài và hàng chục chiến sĩ VNQPH ở Quảng Nam bị tử hình. Riêng vua Duy Tân bị lưu đày ở đảo Rêuyniông.
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (30-8-1917 đến 2-1-1918) do Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn) và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo cũng được coi là trang sử vẻ vang của VNQPH.

Lương Ngọc Quyến, yếu nhân của VNQPH, vốn bị Pháp bắt ở Hương Cảng và bị cấm cố ở nhà giam Thái Nguyên. Chính ông đã giác ngộ và lôi cuốn Đội Cấn vào tổ chức và chuẩn bị khởi nghĩa. Là nhà quân sự, ông đã cùng Đội Cấn tận dụng thời cơ và giữ được bí mật đến phút chót. Từ trại lính khố xanh, đội quân khởi nghĩa của Đội Cấn đêm 30-8-1917 đã phá nhà tù, chiếm nhiều vị trí quan trọng của tỉnh dưới cờ Nam binh phục quốc. Lực lượng nghĩa quân đông tới ngót 400 tay súng, không kể nhân dân, thợ mỏ ở Phấn Mễ.

Quân khởi nghĩa. đã chiếm giữ thành phố tới ngày 4-9 và tuyên bố lập nước. "Đại Hùng". Sai lầm chiến thuật của họ là trụ lại trong thành phố, không phân tán và phát triển thêm lực lượng. Trong khi đó, sau choáng váng ban đầu, Hội đồng quân sự Đông Dương đã cùng Công sứ Bắc Kỳ tập trung mọi lực lượng quân sự của các tỉnh phía bắc và Hà Nội phản kích quyết liệt.

Trưa ngày 5-9-1917, Thái Nguyên lọt vào tay giặc, nhưng 107 lính Pháp, lính khố đỏ đã bị tiêu diệt. 50 nghĩa quân đã anh dũng hy sinh (trong đó có Lương Ngọc Quyến) và gần 100 người bị bắt. Riêng Đội Cấn cùng vài chục người còn lại phá vây, di chuyển trong vùng rừng núi Đại Từ, đã chiến đấu đến người cuối cùng và hy sinh ngày 11-1-1918.

Khởi nghĩa của Đội Cấn là cuộc binh biến đầu tiên trong thời cận đại, người Pháp dù thế nào cũng không thể hoàn toàn thắng lợi trong thủ đoạn "dùng người Việt đánh người Việt".

Đối với Phan Bội Châu và VNQPH, cuộc khởi nghĩa này có thể coi là sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh vũ trang hào hùng. Sau chiến tranh, đường lối của phong trào cách mạng sẽ phải khác đi và có nhiều điều lịch sử đã vượt qua tầm nhìn của ông.

Đầu những năm 1920, Phan Bội Châu dần dần tìm đến với nguồn sáng của Cách mạng tháng Mười Nga, của Lênin. Giao thiệp với Sứ quán nước Nga ở Bắc Kinh, Phan Bội Châu hứa gửi cán bộ sang đào tạo ở Mátxcơva. Ông đã dịch sách ca ngợi Cách mạng tháng Mười và Liên Xô. Đặc biệt khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Quảng Châu cuối tháng 12- 1924, ông đã liên hệ và hứa bàn bạc với nhân vật trẻ tuổi của phong trào cách mạng mới, hứa hẹn cải tổ đảng mình. Ý định tốt đẹp đó chưa kịp thực hiện thì ông đã bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải vào tháng 6-1925. Từ cuối năm 1925, Pháp buộc phải xóa án tử hình ông, nhưng ông bị giam lỏng ở Huế cho đến lúc mất (1940).

Phan Bội Châu không chỉ là linh hồn của phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn hóa lớn. Ít ai có thể viết nhiều sách đủ thể loại và nhiều giá trị như ông ở thời điểm đó: Việt Nam vong quốc sử, Tự phán (tức Phan Bội Châu niên biểu), Xã hội chủ nghĩa, Khổng học đăng, Phạm Hồng Thái truyện ... và nhiều tác phẩm về văn, thơ đủ thể loại, viết chủ yếu bằng chữ Hán.

Nguồn:
Nguyễn Quang Ngọc 2006, Chương VIII – Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, H., Giáo Dục, Tr.235 – 238.
 
Sửa lần cuối:
“Gọi hồn nước”

Vào những năm đầu thế kỷ XX, làn sóng duy tân từ Nhật Bản dội sang nước ta qua những "tân thư" (sách mới) và "tân văn" (báo mới" của Lương Khải Siêu cùng các nhà cải lương Trung Quốc khác. Những trang sách "tân thư" "tân văn" mang đến cho các sĩ phu yêu nước không khí rạo rực của cuộc Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản và khí thế sôi sục của Mậu Tuất Chính biến (1898) ở Trung Quốc. Sĩ phu Việt Nam lần đầu tiên nghe đến các học thuyết dân chủ, dân quyền, chủ nghĩa lập hiến và làm quen với các tên nghe lạ tai như Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Lư-thoa (Rousseau), Phúc-lộc-đặc-nhĩ (Voltaire), v.v... Từ chỗ "ếch ngồi đáy giếng thấy bao nhiêu trời", họ bắt đầu có tầm nhìn "doanh hoàn" (toàn cầu) - dĩ nhiên điều này không có nghĩa là ai ai nay cũng có thể nhìn một cách khách quan về đất nước hay về thế giới bên ngoài. Quan điểm cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua (survival of the fittest) qua thuyết tiến hóa xã hội (social Darwinism) của Dật-nhĩ-văn (Darwin) mà ngày đó hãy còn gọi là thuyết "vật cạnh" (vạn vật cạnh tranh để sinh tồn), "thiên diễn luận" (sự tiến hóa tự nhiên của sự vật) hay thuyết "tự do đào thải", khiến họ ý thức sâu sắc hơn về hiểm họa mất nước.

Phan Bội Châu về sau đã ghi lại trong tự truyện: "Tôi vì xem những pho sách ấy mới hiểu qua được tình hình cạnh tranh ở trong hoàn hải, thảm trạng đất nước diệt chủng lại càng kích thích trong đầu sâu sắc hơn". Nỗi lo diệt chủng cũng được nhắc nhở trong bài "Đề tỉnh quốc dân ca" (không rõ tên tác giả) lưu truyền rộng rãi trong nước vào năm 1906:

Nỗi diệt chủng bề thương bề sợ
Nòi giống ta biết có còn không?


Trong hàng ngũ các sĩ phu yêu nước vào đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu có lẽ là người đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thức tỉnh hồn nước. Thơ văn Phan Bội Châu có ảnh hưởng sâu rộng đối với người đọc không chỉ vì những dòng thơ Phan mang nhạc điệu trầm hùng thiết tha, khi rạo rực sôi nổi, mà cũng vì những gì Phan nói lên thường khơi dậy nỗi nhục mất nước và kích động những cảm xúc sâu xa của tình tự dân tộc. Những câu sau đây ngày ngay đọc đến ta vẫn thấy xao xuyến trong lòng, huống hồ là đối với độc giả sống trong tình trạng "mất nước" vào đầu thế kỷ XX:

Lời huyết lệ gửi về trong nước,
Kể tháng ngày chửa được bao lâu
Nhác trông phong cảnh Thần châu,
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ...
Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn,
Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn,
Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau...


("Hải hoại huyết thư" (1906), Lê Đại dịch)

Hoặc giả:

Than ôi! Lục tỉnh Nam Kỳ
Nghìn năm cơ nghiệp còn gì hay không
Mịt mù một giải non sông
Hỏi ai, ai có đau lòng chăng ai...


("Ai cáo Nam kỳ phụ lão" (1907), Phan Bội Châu tự dịch)

Trong bài "Sinh văn cụ Phan Sào Nam" (1940), Huỳnh Thúc Kháng đã diễn tả một cách sống động về sức rung cảm lòng người của ngòi bút Phan Bội Châu:

Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một,
giữa từng không mù cuốn mây tan,
Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt
giấy mưa tuôn sấm nổ.
Núi cao reo bốn phía dậy vang,
Buồng kín tỉnh ngàn năm giấc ngủ
[2]

Do ảnh hưởng văn thơ của Phan Bội Châu, mà "hàng nghìn thanh niên đã cắt cụt tóc bím, vất hết sách vở văn chương cử tử cùng cái mộng công danh nhục nhã gắn trên đó, lìa bỏ làng mạc, nhà cửa vợ con, rồi băng ngàn lội suối, bất chấp mọi nỗi đói thiếu, nguy hiểm, khổ sở, để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi và trù tính việc đánh Tây" [3]. Ngoài ra, cũng cần để ý là ảnh hưởng của Phan Bội Châu không chỉ giới hạn trong những thế hệ trưởng thành trong nửa đầu thế kỷ XX, mà ngay cả trong thời gian "đất nước phân kỳ", bất luận Nam Bắc, văn thơ Phan đã khơi dậy lòng yêu nước của không biết bao nhiêu thanh niên.

Ý thức "Quốc gia Quốc dân"

So với người cùng thời, Phan Bội Châu sớm ý thức về vận mệnh đất nước và cũng là một trong những sĩ phu đầu tiên đối đầu với các vấn đề liên hệ đến Việt Nam như một "quốc gia quốc dân" (nation-state).

Vì từ "quốc gia quốc dân" (hay "nhà nước quốc dân") vẫn chưa được nhắc đến ngay trong các cuốn từ điển tiếng Việt, Anh Việt hay Pháp Việt, v.v... xuất bản gần đây (những năm cuối cùng của thế kỷ XX!), ta thử tạm mượn định nghĩa của từ này trong một cuốn từ điển tiếng Nhật Bản - một ngôn ngữ có nhiều từ vựng hiện đại "xuất cảng" sang chữ Hán và tiếng Việt vào buổi đầu thế kỷ XX.
Ngay từ hồi chưa xuất dương, Phan đã từng đi chu du nhiều nơi trong nước - miền Nam xứ Nghệ (quê Phan) từ Huế vào Nam Ngãi, Bình Phú, rồi Gia Định, cho đến tận vùng Thất Sơn ở Châu Đốc; miền Bắc từ Nam Định, Hà Nội, lên tận rừng Yên Thế của Đề Thám - nhằm tìm cách kết giao đặng mưu đồ việc nước với những người có nghĩa khí, từ sĩ phu tới các "hảo hán" trong giới "lục lâm giang hồ" sống ngoài vòng pháp luật. Trong thời kỳ Đông Du (1905-1909), hàng ngày tiếp xuvs và lo việc ăn học cho các thành viên từ Nam chí Bắc, Phan ý thức sâu sắc về tình trạng thiếu đồng thuận giữa người Việt với nhau do một lý do khá đơn giản: đây là lần đầu tiên các thanh niên này có dịp tiếp xúc, đối thoại và sinh hoạt với nhau. Trong Việt nam quốc sử khảo (1908), Phan nêu lên 5 điều khiếm khuyết trong dân trí nước ta: hay nghi kỵ lẫn nhau, coi trọng những điều xa hoa vô ích (như trong việc hôn nhân, cúng bái, v.v ...), biết lợi mình chứ không biết hợp quần, tiếc của riêng mà không nghĩ đến lợi chung, biết thân mình mà không nghĩ đến việc nước [4]. Ý thức "quốc gia quốc dân" trong tư tưởng cũng như hành động của Phan phải nói là một sự đề kháng đối với chính sách "chia để trị" của chính quyền đô hộ, khác hẳng với đầu óc địa phương hẹp hòi thường thấy ngay ở các nhân vật tai to mặt lớn trong nước lúc bấy giờ. Bình tình mà nói, bệnh chia rẽ, óc địa phương không chỉ do chính sách cai trị của người nước ngoài, bởi lẽ ngay khi người Việt nắm lấy vận mệnh đất nước, vẫn không thấy những biện pháp tích cực nhằm khắc phục tư tưởng cục bộ "ăn cây nào, rào cây ấy" hay tình trạng "phép vua thua lệ làng". Đóng góp của Phan trên mặt này ngay từ hồi đầu thế kỷ đúng là một điểm son đáng trân trọng, cần được ghi nhớ.

Cũng cần để ý rằng "vong quốc" (mất nước), "đồng bệnh" (cùng bệnh) và "quang phục" (khôi phục vinh quang đã mất) là những từ thông dụng trong thuật ngữ chính trị ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam - ba nước "cùng mang bện mất nước" - vào đầu thế kỷ XX. "Vong quốc" ở đây có nghĩa là mất độc lập, mất chủ quyền. Phan Bội Châu giải thích: "Gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước" [5]. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mã những nỗ lực khôi phục độc lập ở ba nước Đông Á nói trên thường lấy tên "quang phục": vận động lật đổ triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc do Thái Nguyên Bồi khởi xướng năm 1904 lấy tên là Quang phục Hội (về sau gia nhập Đồng minh Hội của Tôn Dật Tiên); ngày Hàn Quốc lấy lại độc lập, thoát khỏi ách cai trị của người Nhật gọi là ngày Kwangbok (tức Quang Phục, 15/8/1945); và cái tên Việt Nam Quang phục Hội do Phan Bội Châu cùng các đồng chí thành lập ở Quảng Đông (1912) cũng không ngoài nghĩa đó.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top