LIỆU TRUNG QUỐC CÓ TRỞ THÀNH QUÂN CỜ HI SINH
TRONG THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRIỀU
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chắc chắn sẽ trở thành một trong những sự kiện địa chính trị gây bất ngờ nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Và xoay quanh sự kiện này, cả thế giới đang không ngừng bình luận, quan sát và mong chờ những điều tốt đẹp sau khi Hội nghị kết thúc.
Ngoại trưởng Trung Quốc - Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Bàn về quân cờ chủ chốt của Triều Tiên
Mặc dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều không thể làm cho Triều Tiên trở thành nước chư hầu của Mỹ, nhưng nhất định khiến Triều Tiên trở thành phương tiện mới để Mỹ ứng phó với Trung Quốc. Một trong những nước cờ mà Triều Tiên sử dụng để đàm phán với Mỹ có thể là hy sinh Trung Quốc, hy sinh Trung Quốc hiện tại trở thành xem xét ưu tiên nhất của Mỹ. Tất cả đều nhằm vào Trung Quốc, những gì còn lại đều là vấn đề thứ yếu. Triều Tiên làm gì, thực ra không phải do họ quyết định mà đã trở thành một chiến binh của Mỹ.
Đối với Trung Quốc, trong vấn đề khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, điều quan trọng nhất và khó khăn nhất chính là nhận thức được chính bản thân mình, thấy rõ ảnh hưởng cũng như tác động đối với mình và trách nhiệm mà mình phải gánh vác. Nếu Trung Quốc không kiểm điểm lại sâu sắc chính sách của mình đối với Triều Tiên mà chỉ đơn giản đẩy trách nhiệm cho nước khác thì quốc gia cuối cùng bị thiệt hại sẽ là Trung Quốc. Do đó, về mặt tự nhận thức, Trung Quốc cũng có ba vấn đề lớn cần trả lời.
Bàn về chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên hiện nay
Yêu cầu lợi ích cao nhất của Mỹ là làm đối trọng với Trung Quốc, còn yêu cầu lợi ích lớn nhất của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên là gì? Đối với Trung Quốc, nếu không còn giành lấy quyền chủ động hoặc trao quyền chủ động cho Mỹ, thì việc giải quyết và giải quyết chậm trễ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đều là những thiệt hại lớn nhất đối với lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Tình cảnh của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hiện nay như thế nào? Đối mặt với rất nhiều khó khăn về lợi ích trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, thái độ của Trung Quốc cũng không khó để giải thích. Ở đây có nhân tố trên một số cấp độ.
Thứ nhất, Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Một khi Triều Tiên xuất hiện tình trạng rối ren, toàn bộ bán đảo này, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Á đều có thể hỗn loạn. Tình hình hỗn loạn ở Trung Đông đã làm cho các nước lớn rơi vào tình trạng khó khăn, Trung Quốc chắc chắn không muốn thấy Mỹ tiếp tục tạo ra một Trung Đông hỗn loạn khác ở Đông Á. Một khi Đông Bắc Á xuất hiện tình trạng rối ren, Trung Quốc, là quốc gia lớn nhất ở khu vực này, không thể tránh khỏi bị cuốn vào, rất khó đánh giá ảnh hưởng do Trung Quốc tạo ra.
Thứ hai, một khi bán đảo Triều Tiên xảy ra hỗn loạn, Trung Quốc cũng có thể bị tác động, đặc biệt là làn sóng dân di cư lớn ở Triều Tiên tràn sang.
Thứ ba là lo ngại của Trung Quốc đối với sự khó lường trong tương lai do thống nhất bán đảo Triều Tiên gây ra. Nếu Triều Tiên tan rã và bán đảo Triều Tiên thống nhất, Trung Quốc phải đối mặt với Hàn Quốc hùng mạnh. Nước Cao Câu Ly (Koguryo, được thành lập vào năm 37 trước Công nguyên ở vùng phía Bắc bán đảo Triều Tiên ngày nay, bị Nhà Đường của Trung Quốc và nước Tân La thôn tính vào năm 668-ND) trước kia đã phản ánh đòi hỏi mạnh mẽ về lãnh thổ của Hàn Quốc đối với Trung Quốc, chỉ có điều yêu cầu này bị kìm nén bởi mâu thuẫn thống nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, tạm thời chưa thể hiện rõ. Một khi Hàn Quốc thực sự thống nhất bán đảo Triều Tiên, họ chắc chắn sẽ tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ, việc đó chỉ là vấn đề thời gian. Nếu Đông Bắc Á cuối cùng hình thành thế chân vạc ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cộng thêm với nhân tố Mỹ, tình thế an ninh của Trung Quốc sẽ ở trong một môi trường bên ngoài hoàn toàn mới và rất khó lường.
Tất cả những nhân tố trên đã quyết định hành động của Trung Quốc từ trước đến nay.
Thứ nhất, Trung Quốc không thể tự mình làm một số việc bất lợi cho sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Do đó, cho dù Trung Quốc rất bất bình đối với việc Triều Tiên thử hạt nhân, thậm chí quyết tâm trừng phạt Triều Tiên, nhưng trừng phạt vẫn luôn hạn chế với tiền đề không để Triều Tiên biến động. Trung Quốc không thể thực hiện đảo chính thay đổi Chính quyền Bình Nhưỡng như Mỹ. Thứ hai, Trung Quốc có quyền lực của riêng mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bắc Kinh sẽ phủ quyết những nghị quyết không có lợi cho sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, Trung Quốc duy trì tính chất mơ hồ chiến lược trước những hành động của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể tấn công Triều Tiên, vừa không phản đối rõ ràng, vừa không nói là ủng hộ. Mỹ vốn có thái độ mơ hồ, tính mơ hồ đó làm cho Mỹ rất khó thực hiện hành động quyết đoán đối với Triều Tiên.
Rõ ràng, vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt là không tách bạch giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Những điều đề cập ở trên bao gồm làn sóng dân di cư đều là vấn đề trước mắt, chứ không phải là vấn đề lâu dài. Mọi người đã quên rằng làn sóng dân di cư chỉ là tạm thời, còn cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên lại là mãi mãi. Nếu vì lợi ích trước mắt mà lẩn tránh giải quyết vấn đề trong thực tế thì sẽ tạo thành khủng hoảng kéo dài mãi đối với Trung Quốc.
Biện pháp duy nhất mà Trung Quốc muốn giải quyết tình trạng khó xử về lợi ích chính là thay đổi định vị đối với vấn đề Triều Tiên, đó là không còn tiếp tục coi vấn đề Triều Tiên là vấn đề của Mỹ, mà cần nhận thức được đây là vấn đề của chính Trung Quốc, không nên tiếp tục chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, mà cần hướng tới lợi ích lâu dài. Nếu lập trường của Trung Quốc có sự thay đổi như vậy thì chính sách và chiến lược của nước này sẽ hoàn toàn khác.
Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách như thế nào?
Đến nay, Mỹ dường như đã lợi dụng rất tốt tình trạng bế tắc của Trung Quốc, dù ở Mỹ hay ở nước ngoài, Washington đều quy kết nguyên nhân khiến Triều Tiên có thể phát triển vũ khí hạt nhân là do Trung Quốc. Người Mỹ nhận định như vậy không có gì đáng ngạc nhiên bởi nếu đổi vị trí Trung Quốc thành Mỹ thì có thể có chiến lược và chính sách khác. Mọi người có thể thấy rõ người Mỹ năm 1962 đã làm thế nào để vượt qua nguy hiểm bùng nổ chiến tranh hạt nhân với Liên Xô để xử lý cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Đối với Trung Quốc, trước hết phải nhận thức được những gì là thiếu lý trí trong hành động của mình.
Thứ nhất, vì sao luôn coi vấn đề Triều Tiên là vấn đề của Mỹ, chứ không phải là vấn đề của Trung Quốc? Ở đây bao gồm phía nhà nước, mọi người thường tìm về nguyên nhân ban đầu của vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguyên nhân lịch sử gây ra vấn đề Triều Tiên cũng không có ý nghĩa gì. Thực ra, mục đích phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là để chĩa vào Mỹ, bởi vì Mỹ tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Triều Tiên, thậm chí là đe dọa đối với sự an toàn của lãnh đạo Triều Tiên. Mỹ cũng thường xuyên đưa ra “cây gậy”, làm cho tình hình rất khó thực sự hòa dịu, giữa Mỹ và Triều Tiên thiếu lòng tin, nên thường dẫn đến tình hình xấu đi. Do đó, nếu vấn đề muốn được giải quyết một cách hòa bình trong khuôn khổ hiện có, thì nó sẽ được quyết định bởi sự cải thiện quan hệ Triều Tiên-Mỹ.
Trung Quốc đẩy trách nhiệm cho Mỹ, nếu chỉ là ngôn từ ngoại giao thì có thể hiểu được; nhưng nếu thực sự Trung Quốc nghĩ sao làm vậy thì chắc chắn phạm phải sai lầm lịch sử hoàn toàn. Vấn đề ở đây là Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân chứ không phải là Mỹ. Triều Tiên hiện tại đang ngang nhiên thử vũ khí hạt nhân ở khu vực gần biên giới với Trung Quốc, đã gây ảnh hưởng mang tính phá hoại đối với rất nhiều lĩnh vực như đời sống, kinh tế… của người dân Trung Quốc. Vì an ninh của mình, Hàn Quốc đã mở đường cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào nước họ, an ninh của hơn một nửa lãnh thổ Trung Quốc cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Cho dù Trung Quốc phản đối hoặc thực hiện biện pháp đáp trả như thế nào, nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân thì Mỹ và Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đó, hành động của họ hoàn toàn có thể lý giải được.
Trong nền chính trị quốc tế, mỗi quốc gia đều hành động căn cứ vào định nghĩa của họ đối với an ninh quốc gia. Hàn Quốc không thể đơn độc ứng phó với khủng hoảng an ninh sau khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, cho dù tổn thất về kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc lớn đến đâu thì Hàn Quốc cũng chỉ có thể lựa chọn đi sâu hợp tác quân sự với Mỹ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia cơ bản của Hàn Quốc. Nếu việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và kỹ thuật tên lửa đã trở thành sự “sùng bái” của toàn dân thì Hàn Quốc triển khai THAAD cũng đã trở thành “quyết định quốc gia” của Hàn Quốc, bất kỳ tiếng nói phản đối nào ở Hàn Quốc hay ở nước ngoài đều khó làm thay đổi quyết định này. Việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc gần đây được người ta lý giải thành Trung Quốc thừa nhận tính hợp pháp của THAAD được đưa vào Hàn Quốc trong thực tế.
Thứ hai, vì sao Trung Quốc lại xem nhẹ việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân cho dù đó là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc? Về tương lai lâu dài, một khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc bị đe dọa nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Triều Tiên một khi đã sở hữu vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc cũng phải phát triển vũ khí hạt nhân, Nhật Bản đương nhiên trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đối với Seoul và Tokyo, phát triển vũ khí hạt nhân chỉ là vấn đề thời gian chứ không phải là vấn đề kỹ thuật. Như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia duy nhất bị vũ khí hạt nhân bao vây. Hiện nay, các nước láng giềng của Trung Quốc như Nga, Pakistan, Ấn Độ… đã sở hữu vũ khí hạt nhân, một khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân thì sẽ có thêm ba nước sở hữu vũ khí hạt nhân là Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mặc dù xem xét từ tình hình hiện nay, có thể có người cho rằng đối tượng mà những nước phát triển vũ khí hạt nhân chĩa vào không phải là Trung Quốc, mà là nước khác, nhưng ai có thể đảm bảo cùng với sự thay đổi môi trường quốc tế trong tương lai, vũ khí hạt nhân của những nước này không phải chĩa vào Trung Quốc?
Trên phạm vi thế giới, một nước lớn thường khó xây dựng tốt quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Nga, Mỹ, Ấn Độ… đều như vậy. Ngoài Trung Quốc, tất cả các nước lớn đều không thể cho phép nước nhỏ láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là lý do Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, cũng là nguyên nhân sâu xa đối đầu giữa Ấn Độ với Pakistan. Về vấn đề này, vì sao Trung Quốc lại coi nhẹ an ninh quốc gia cũng như thế hệ sau của mình trong tương lai như vậy?
Thứ ba, vì sao Trung Quốc vẫn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm quốc tế nhiều hơn? Trung Quốc là nước lớn đang trỗi dậy, mặc dù là nước đang phát triển nhưng hiển nhiên đã vượt qua giai đoạn đầu tiên của quốc gia trỗi dậy, hiện nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc đang chuyển từ quốc gia hưởng lợi từ hệ thống quốc tế sang vai trò của quốc gia kiến tạo, không những cộng đồng quốc tế kỳ vọng Trung Quốc gánh vác trách nhiệm quốc tế và khu vực, Trung Quốc cũng mong muốn gánh vác trách nhiệm, về khách quan cũng thực sự đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, nhưng về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thì vẫn còn quá ít ỏi.
Vì sao Trung Quốc phải chấp nhận thử thách lớn?
Trong lĩnh vực thế giới không phổ biến vũ khí hạt nhân, cục diện do Mỹ và Nga (Liên Xô trước đây) giữ vai trò chủ đạo đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức. Cùng với sự suy giảm khả năng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, việc xây dựng cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân với trách nhiệm nặng nề và lâu dài đang để lại không gian phát huy nhiều hơn cho Trung Quốc. Tóm lại, đối với Trung Quốc hiện nay và tương lai, việc gánh vác nhiều hơn trách nhiệm quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân và tham gia quản lý toàn cầu chắc chắn sẽ đem lại nhiều hơn uy tín quốc tế quý báu cho Trung Quốc.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên rõ ràng là một thử thách của nước lớn Trung Quốc trỗi dậy, ý nghĩa lịch sử của nó đồng nghĩa với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba giữa Liên Xô và Mỹ trước kia. Nếu Trung Quốc muốn tích cực làm nên chuyện thì có những tư duy cụ thể nào?
Việc Trung Quốc đơn phương giải quyết vấn đề Triều Tiên hoặc liên kết với Nga giải quyết vấn đề Triều Tiên, thậm chí Trung Quốc và Mỹ sử dụng mô hình G2 để hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên thì đều có thể thực hiện được. Khi so sánh, thượng sách nhất vẫn là Trung Quốc giành quyền chủ đạo hoàn toàn. Điều cần nêu rõ là Trung Quốc chủ động không phải là chỉ dựa vào bản thân giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc không những phải có vai trò lãnh đạo trong tìm kiếm hiệp thương giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên mà còn phải giành được vai trò chủ đạo trong hoạt động sử dụng vũ lực đe dọa Triều Tiên sau khi việc đàm phán hoàn toàn đổ vỡ. Cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên đã lên tới mức hiện nay, Trung Quốc nắm quyền chủ động không đồng nghĩa với việc sử dụng vũ lực, nhưng tuyệt đối không được loại trừ việc sử dụng vũ lực. Việc Trung Quốc thực hiện chủ động thực sự cũng bao gồm khả năng của mô hình G2.
Về tư duy khác, nếu nói rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên hiện nay là vấn đề nan giải đối với Trung Quốc sẽ không đúng bằng nói đó là cơ hội để Trung Quốc chứng minh thực lực của mình trước thế giới. Trước hết, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã làm cho nước này mất đi sự tôn trọng của dư luận chủ lưu của thế giới. Sự kiện Bình Nhưỡng tổ chức ám sát Kim Jong-nam, anh ruột Kim Jong-un, ở Malaysia càng làm tăng thêm hình ảnh quốc tế xấu của Triều Tiên. Nếu Trung Quốc thực hiện hành động ngăn chặn mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên thì tính chính nghĩa quốc tế sẽ lớn hơn mọi cảnh cáo bằng vũ lực kể từ khi thành lập nước Trung Quốc mới đến nay. Do đó, hình ảnh quốc gia trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc không thể vì thế mà bị sứt mẻ.
Thứ hai, từ quan hệ tế nhị giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan trong những năm gần đây, có thể thấy Trump là một doanh nhân chuyên nghiệp không nhấn mạnh nhiều đến ý thức hệ, ông ta thực dụng hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ này đáng được Trung Quốc mặc cả về lợi ích địa chính trị. Việc làm này là cơ hội lịch sử hiếm có đối với việc Trung Quốc xây dựng lại cục diện địa chính trị Đông Bắc Á.
Thứ ba, Chính phủ Mỹ hiện nay để tâm nhiều hơn đến việc nhanh chóng giải quyết tình trạng rối ren tại Trung Đông liên quan đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), xét đến cùng ân oán giữa Chính quyền Trump và các nước Hồi giáo là vấn đề văn minh, còn ân oán giữa Chính quyền Trump với Triều Tiên là vấn đề chiến lược, có giá trị mặc cả nhiều hơn đối với nước Mỹ hiện tại.
Hiện tại, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang ở thời kỳ tốt nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay, đặc biệt là đối với Nga. Trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc thực hiện chủ động còn thuận lợi hơn nhiều so với Mỹ. Nga hiện nay đại diện cho phe trì hoãn việc cho phép trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này chứng tỏ phương hướng thay đổi của Nga đối với chính sách Triều Tiên về tổng thể thống nhất với Trung Quốc.
Cho dù Trung Quốc cũng đã ủng hộ rất lớn đối với Nga trong các vấn đề Crimea và Ukraine trước kia hay bán đảo Triều Tiên cũng liên quan đến lợi ích địa chính trị ở khu vực Viễn Đông của Nga, nhưng ảnh hưởng của Nga đối với Triều Tiên kém xa Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thẳng thắn nêu rõ phương án mới của mình với Nga, trong tình hình được Mỹ ủng hộ, thì lý do Nga từ chối Trung Quốc không nhiều.
Chắc chắn, khi xử lý hành động đa phương trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc không thể tiếp tục chấp nhận bị Chính phủ Triều Tiên “dắt mũi”, cho dù cuối cùng giải quyết bằng biện pháp hòa bình hay sử dụng vũ lực, Trung Quốc đều cần nắm chắc quyền chủ động. Nếu Trung Quốc không gia tăng sức ép lớn hơn, Mỹ và Nga sẽ không có điều chỉnh lớn về chiến lược, sách lược sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể có sự thay đổi nào, vòng tuần hoàn ác tính tiếp tục như vậy thì sẽ dẫn đến tai họa. Một khi Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, mọi người hiện tại rất khó giải thích cho thế hệ con cháu sau này.
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu về Chính sách công, Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia về nghiên cứu Đông Á.
Biên dịch: Hoàng Lan
Nguồn: nghiên cứu biển đông