• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Xiêm thời cận đại

Trang Dimple

New member
Xu
38
XIÊM THỜI CẬN ĐẠI


I- Nước Xiêm trước khi CNTB phương Tây xâm nhập

1- Thống nhất đất nước và chính sách bành trướng của các vua Xiêm

Đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Xiêm trở thành một trong những nước phong kiến lớn ở bán đảo Trung ấn và chế độ phong kiến đạt đến đỉnh cao nhất. Nhưng sau đó, sự tranh giành quyền lợi trong giai cấp thống trị đã làm cho Xiêm bị suy yếu và đến năm 1767 bị Miến Điện chinh phục. Dưới sự lãnh đạo của Tắc Xin nền độc lập của Xiêm được khôi phục vào năm 1768. Tắc Xin lên ngôi vua, tiêu diệt các tập đoàn phong kiến cát cứ và thống nhất đất nước. Nhưng đến năm 1782, lợi dụng sự thất bại của Tắc Xin trước cuộc khởi nghĩa do Bun Nắc đứng đầu, tướng Chao Paia Tracơri đã cướp ngôi vua và tự phong là Rama I (1782-1809), bắt đầu triều đại Rama tồn tại đến ngày nay ở Thái Lan.

Rama I tiến hành xâm lược các nước láng giềng. Các tiểu quốc ở Lào, Mã Lai lần lượt phải nhận sự bảo hộ của Xiêm. Xiêm còn can thiệp vào Việt Nam, giúp Nguyễn ánh đánh Tây Sơn vào năm 1785 (Hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân và 300 chiến thuyền sang xâm lược Việt Nam đã bị Nguyễn Huệ đánh bại tại Rạch Gầm-Xoài Mút thuộc Mỹ Tho). Năm 1833, quân Xiêm lại tiến hành xâm lược Việt Nam một lần nữa và cũng bị thất bại.

2- Chính trị -xã hội.

Cũng giống như các quốc gia phong kiến khác, ở Xiêm vua là người đứng đầu nhà nước. Giúp việc cho vua có 3 hội đồng:

- Hội đồng các hoàng thân (Chao pha).

- Hội đồng các quan đứng đầu các bộ (Cờ rôm).

- Hội đồng các quan tư pháp (Brắc nan).

Hai bộ có vai trò quan trọng nhất là bộ nội vụ và bộ chiến tranh. Khi có chiến tranh, thượng thư hai bộ này đều trở thành tướng chỉ huy quân đội. Toàn quốc chia thành nhiều tỉnh, có nội và ngoại tỉnh tuỳ vị trí địa lý và tính chất phụ thuộc.

Hệ thống đẳng cấp phong kiến ở Xiêm khá phức tạp. Dưới vua có các chức quanđó là Chao pha và Chao thường cai trị ở tỉnh lớn nhất; Chao pai-a đứng đầu các bộ hoặc các tỉnh lớn; Pai-a là quan trong các bộ, cai trị tỉnh nhỏ; dưới đó còn có các chức như Phơra, Lu ăng, Cum, Mươn…; Các chức quan thấp nhất ở thôn xã là Nai-pan, Nai-rốt, Nai-xíp. Tất cả các chức tước này đều cha truyền con nối. Trên danh nghĩa nhàvua là người sở hữu tối cao về ruộng đất, nhưng trên thực tế nhà vua tiến hành phân cấp ruộng đất tuỳ theo chức tước. Như Chao pha được 5 vạn khoảnh, Chao pai-a: 1 vạn, Nai pan 25- 400 khoảnh.

Nông dân gồm có 2 loại: Pơraiban là dân tự do và Kha bị tước quyền tự do (nô lệ). Nông dân Pơraiban có ruộng đất nhưng phải thực hiện nghĩa vụ lao dịch cho nhà nước mỗi năm 3-4 tháng, phải nộp 1/10 thu nhập của mình cho nhà nước. Kha (nô lệ) có mấy loại, có loại là con nợ bị nô dịch, phải bán vợ con cho chủ. Họ có thể chuộc mình để trở thành người tự do. Còn Pơrailuăng vốn là tù binh bị bắt trong chiến tranh và con cháu của họ. Đến giữa thế kỷ XIX họ có khoảng 12 vạn người. Họ cũng có thể tự chuộc mình để trở thành người tự do. Nô lệ: Vốn là tù binh, do mua bán, con nợ, phạm nhân. Họ không có quyền chuộc mình và suốt đời chịu sự lệ thuộc hoàn toàn vào giai cấp phong kiến. Nhìn chung, đến thế kỷ XIX phần lớn Kha đã trở thành nông dân lệ thuộc, tuy nhiên thân phận của họ vẫn còn hết sức nặng nề.

Từ nửa đầu thế kỷ XIX, ở Xiêm xuất hiện mầm mống kinh tế TBCN. Nhiều công trường thủ công ra đời. Nó thuộc sở hữu tư nhân và nhà nước. Công nhân phần lớn là người Hoa. Tuy nhiên, những mầm mống này không phát triển được vì bị xã hội phong kiến kìm hãm.

II- Xiêm bị biến thành một nước nửa thuộc địa (1855-1896).

Ngay từ thế kỷ XV, các thương nhân châu Âu đã đến Xiêm buôn bán và ý đồ chiếm nước này ngày càng bộc lộ rõ. Trước tình hình đó, triều đình Xiêm ra lệnh đóng cửa, không cho thương nhân nước ngoài buôn bán. Mãi đến những năm 20 của thế kỷ XIX, trước áp lực ngày càng tăng của các nước phương Tây, Xiêm phải thực hiện chính sách mở cửa.

Sau khi hoàn thành xâm chiếm Ấn Độ, một phần Mã Lai và Miến Điện Anh bắt đầu nhòm ngó Xiêm. Do điều kiện xâm lược Xiêm chưa chín muồi nên Anh dùng áp lực ngoại giao để gây ảnh hưởng ở đây. Tháng 4/1855, toàn quyền Anh ở Hồng Công là Baoninh đến Băng Cốc ép vua Xiêm là Môngcút (Rama IV 1851-1868 ) phải ký hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên với nội dung sau:

- Người Anh được quyền lãnh sự tài phán ở Xiêm.

- Người Anh được tự do buôn bán ở Xiêm, hàng Anh nhập vào Xiêm chỉ chịu 3% thuế.

- Người Anh được tự do khai mỏ, buôn bán thuốc phiện mà không bị đánh thuế.

- Tàu chiến của Anh có thể tự do ra vào các cửa sông.

Tiếp theo Anh, các nước khác cũng bắt Xiêm ký các hiệp ước tương tự: năm 1856 với Mỹ, Pháp, năm 1858 với Đan Mạch, tiếp đó với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, ý, Bỉ, Nga. Chính quyền Xiêm muốn lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước tư bản để chúng kìm chế lẫn nhau, tránh cho Xiêm không bị biến thành thuộc địa của một nước nào đó. Nhưng điều đó để lại hậu quả tai hại đối với xã hội Xiêm. Đây là màn đầu để biến Xiêm thành một nước nửa thuộc địa.

Xiêm trở thành nơi cung cấp lương thực, nguyên liệu và là thị trường cho các nước tư bản. Hàng loạt ngành thủ công truyền thống và công trường thủ công bị phá sản do hàng công nghiệp tràn vào Xiêm ngày càng tăng. Tuy nhiên, về khách quan, sự xâm nhập của các nước phương Tây đã đẩy nhanh sự tan rã của nền kinh tế tự nhiên, mở rộng sự phát triển của kinh tế uất hàng hoá. Một số nhà máy mới được xây dựng và tầng lớp tư sản xuất hiện ở Xiêm.

Từ đầu những năm 90, sau khi chiếm xong Miến Điện, Anh muốn biến Xiêm thành thuộc địa của mình. Còn Pháp sau khi chiếm xong Việt Nam, Cămpuchia và Lào cũng muốn tiến tới độc chiếm Xiêm. Quan hệ Pháp - Anh trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Xiêm. Để tránh một cuộc chiến tranh bất lợi cho cả hai bên, Pháp đã đề nghị Anh trung lập hoá Xiêm, biến Xiêm thành vùng đệm nằm giữa 2 hệ thống thuộc địa của Anh và Pháp.

Ngày 15/1/1896, Hiệp ước Luân Đôn đã được ký giữa Anh và Pháp mà không có sự tham gia của Xiêm. Theo đó, phía Tây sông Mê Nam thuộc ảnh hưởng của Anh, phía Đông thuộc Pháp, thung lũng sông Mê Nam có thủ đô Băng Cốc thuộc quyền quản lý của vua Xiêm và được tự chủ. Hiệp ước cũng cấm Anh, Pháp ký hiệp ước tay đôi với nước thứ 3 nhằm can thiệp vào khu vực này. Với hiệp ước này, Xiêm trở thành một nước nửa thuộc địa của Anh và Pháp.

III- Sự phát triển quan hệ TBCN ở Xiêm đầu thế kỷ XX

1- Cải cách của Rama V và Rama VI.

Khi lên cầm quyền vào năm 1868, Chulaloongcon (Rama V) mới 16 tuổi. Ngay từ nhỏ, ông đã được các gia sư người Anh dạy dỗ nên ông giỏi ngoại ngữ (Bà Lêonôuen - người Anh là gia sư đầu tiên, tiếp đó là ông Morent). Từ năm 1868-1873, quyền hành đất nước nằm trong tay hội đồng nhiếp chính, bởi vậy Chulaloongcon đã nhân dịp cơ hội này đi thăm và học tập tại Inđônêxia và Ấn Độ. Các chuyến đi này đã củng cố nhận thức của nhà vua về sự cần thiết phải canh tân đất nước. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Rama V đã tiến hành cải cách với mục tiêu nhằm canh tân đất nước theo con đường TBCN đồng thời vẫn duy trì quyền lực của giai cấp phong kiến Xiêm. Cuộc cải cách này diễn ra trong một thời gian dài từ năm 1874 đến đầu thế kỷ XX.

Năm 1874, Rama V tuyên bố xoá bỏ chế độ nô lệ tồn tại lâu đời ở Xiêm, quy định từ nay sẽ không ai còn bị nô lệ và việc bán mình chuộc nợ là bất hợp pháp. Thật ra, trước đó, Rama IV cũng đã ban bố sắc lệnh liên quan đến chế độ nô lệ. Theo sắc lệnh này, cấm đàn ông bán vợ để trả nợ, không được bán thanh niên trên 15 tuổi làm nô lệ. Nhưng Rama V đã đi xa hơn cha mình. Đến năm 1905, chế độ nô lệ dưới mọi hình thức bị thủ tiêu ở Xiêm.

Rama V tuyên bố xoá bỏ chế độ lao dịch cho nhà nước. Hàng năm, nông dân thoát cảnh đi lao dịch với thời gian 3 tháng, nhưng họ phải nộp một khoản tiền cho chính quyền địa phương.

Năm 1892, Rama V ban hành cải cách bộ máy hành chính theo mô hình của Đức. Với cải cách này vua vẫn là người có quyền lực tối cao, nhưng bên cạnh vua có hội đồng nhà nước đóng vai trò cơ quan tư vấn, thảo luật pháp, hoạt động giống như nghị viện. Bộ máy hành pháp là hội đồng chính phủ gồm 12 bộ trưởng. Các bộ trưởng đều được đào tạo ở các nước Anh, Pháp, Đức. Toàn quốc chia làm 18 tỉnh, dưới tỉnh là huyện, xã, thôn.

Năm 1892, RamaV ban hành cải cách tài chính, xoá bỏ chế độ thầu thuế nhằm tránh sự tuỳ tiện của chính quyền địa phương. Việc thu thuế do nhân viên nhà nước trực tiếp tiến hành. Chế độ phạt tù vì thiếu nợ bị bãi bỏ. Trước kia người ta ước tính bọn thầu thuế đã thu 5-6 triệu stécling và chỉ nộp cho nhà nước 1- 2 triệu stécling (cách làm phổ biến là thu thuế không có biên lai và do vậy có thể thu đi thu lại nhiều lần). Cải cách này đã làm tăng ngân sách nhà nước và giảm bớt sự sách nhiễu của bọn thầu thuế.

Rama V cũng khuyến khích xuất khẩu gạo bằng cách giảm nhẹ thuế ruộng đất cho nông dân miền Trung là nơi sản xuất 95% sản lượng lúa gạo của đất nước. Bởi vậy, sản lượng gạo xuất khẩu nhanh chóng tăng lên. Nếu năm 1885, Xiêm xuất khẩu 225.000 tấn gạo thì đến năm 1900 tăng gấp 2 lần (500.000 tấn). Nền kinh tế Xiêm có chuyển biến quan trọng. Vào năm 1893, tỷ trọng giữa xuất và nhập khẩu hàng hoá là 5/1. Các nhà máy nhất là nhà máy xay xát gạo ra đời ngày càng nhiều. Năm 1890, riêng Băng Cốc có 25 nhà máy xay được trang bị máy móc trong đó có nơi thuê tới 400 công nhân. Nhà máy cưa lớn đầu tiên ra đời năm 1894. Công ty xe điện thành lập năm 1867, sớm nhất ở Đông nam á.

Sau khi Rama V chết, Vatriravut lên ngôi vua với danh hiệu là Rama VI (1910-1925). Ông đã tiếp tục sự nghiệp cải cách của cha mình. Rama VI tiếp tục ban bố các sắc lệnh mới. Tháng 1/1911, ông ban bố sắc lệnh thủ tiêu hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức.

Ông chú trọng phát triển nông nghiệp, tăng diện tích trồng trọt. Bởi vậy, lượng gạo xuất khẩu năm 1910 tăng gần gấp đôi so với năm 1900 (900.000 tấn)

Ông khuyến khích xây dựng nhà máy mới. Năm 1912, Băng Cốc có 50 nhà máy xay hoạt động. Tăng cường xây dựng đường sắt, km đường sắt đầu tiên được xây dựng vào năm 1892. Đến năm 1914, Xiêm đã có 2000 km đường sắt.

Nhìn chung, với cải cách của Rama V và Rama VI, nền kinh tế TBCN bước đầu phát triển ở Xiêm. Nhưng nền kinh tế đó không dựa trên cơ sở vững chắc, nó lệ thuộc vào tư bản nước ngoài và phần lớn nằm trong tay người Hoa. Các chính sách cải cách chỉ nhằm xuất khẩu ( chủ yếu là gạo và gỗ ) sang các nước châu Âu mà không đụng chạm đến cơ sở tồn tại của chế độ phong kiến nên không tạo điều kiện cho Xiêm tiến mạnh lên con đường tư bản chủ nghĩa.

2- Cuộc đấu tranh để xoá bỏ các hiệp ước bất bình đẳng.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Xiêm mở rộng các cuộc thương lượng ngoại giao để từng bước thủ tiêu các hiệp ước bất bình đẳng đã từng ký với các nước đế quốc.

Năm 1897, sau khi ký các hiệp ước với Anh, Pháp, Rama V đi sang một số nước châu Âu gặp chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga... Nhưng cuộc hội đàm giữa Xiêm và Pháp vào năm 1899, không đi đến kết quả.

Nhưng từ đầu thế kỷ XX, trước ảnh hưởng và sự xâm nhập ngày càng tăng của Nhật và Đức ở Xiêm, để bảo vệ quyền lợi của mình, Pháp đã ký với Xiêm các hiệp ước sau:

- Tháng 2/ 1904, hai bên ký hiệp ước, trong đó Xiêm phải cắt cho Pháp một số tỉnh thuộc hữu ngạn sông Mê Công (Mêlupơrây, Tônlêrêpu, Bátxắc ) và hai vùng Cơrát, Đanxai trên vịnh Xiêm. Ngoài ra, Xiêm phải nhường cho Pháp một số đất đai dọc sông Mê Công để xây dựng hải cảng. Còn Pháp, trả lại cho Xiêm tỉnh Chantaburi và công nhận chủ quyền của Xiêm ở vùng hữu ngạn sông Mê Công thuộc tỉnh Luông Phabăng. Pháp với Xiêm xây dựng đường sắt Phnôm pênh-Báttambăng.

- Năm 1907, Pháp, Xiêm ký hiệp ước mới, Pháp buộc Xiêm nhường các tỉnh Báttambăng, Xiêmriệp và Xixôphôn để đổi lấy Cơrát và Đanxai. Tổng cộng số đất đai mà Xiêm phải nhường cho Pháp là hơn 2 vạn km2 nhưng đây chủ yếu là đất đai của Lào và Cămpuchia đã bị Xiêm chiếm. Pháp phải từ bỏ quyền lãnh sự tài phán ở Xiêm.

Năm 1909, Xiêm ký hiệp ước với Anh trao cho Anh một số tỉnh như Kelantan, Tơrenganu và Kêđác vốn là những tỉnh của Mãlai lệ thuộc Xiêm. Anh từ bỏ quyền lãnh sự tài phán và đồng ý cho Xiêm vay tiền xây dựng đường sắt xuyên Malắcca.

Đến năm 1909, quyền lãnh sự tài phán của các nước tư bản nhìn chung đã bị bãi bỏ ở Xiêm. Đó là thắng lợi của chính sách ngoại giao khôn khéo của Xiêm nhượng đất đai của các nước lệ thuộc để giành lấy nền độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế Xiêm vẫn phụ thuộc Pháp, Anh (nhất là Anh) về tài chính và ngoại giao. Bởi vậy, cuộc đấu tranh để thoát khỏi ách lệ thuộc vào nước ngoài, giành độc lập hoàn toàn vẫn được các chính phủ sau đó tiếp tục.

VĂN NGỌC THÀNH
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top