• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ

HOÀNG THỊ HẠNH (*)

Trong bài viết này, tác giả đã tập trung làm rõ hai vấn đề cơ bản liên quan đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là, thứ nhất, luận chứng về tính tất yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa; thứ hai, phân tích một số nội dung cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Toàn cầu hoá là xu thế hợp tác quốc tế chủ đạo đang tác động trực tiếp đến hoạt động sống của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế, chế độ chính trị, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá, sắc thái chủng tộc và hình thái tôn giáo, tín ngưỡng của họ như thế nào. Nói một cách hình ảnh thì toàn cầu hoá như­ cơn sóng đang dần lan toả khắp toàn cầu; do vậy, bất kỳ một quốc gia lớn nhỏ nào muốn phát triển thì sớm muộn cũng phải hoà mình vào làn sóng chung này.

Khái niệm toàn cầu hoá xuất hiện với tần suất cao trên báo chí phương Tây vào những thập niên cuối thế kỷ XX, nhưng cho đến nay, các học giả trên thế giới vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất về nội hàm khái niệm này. Viện Thông tin khoa học (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã tiến hành thống kê và đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau về toàn cầu hoá(1). Tuy có nhiều cách lý giải khác nhau về toàn cầu hoá, song các học giả đều cho rằng, nội hàm khái niệm toàn cầu hoá gần với nội hàm khái niệm quốc tế hoáhội nhập quốc tế. Nói rõ hơn, toàn cầu hoá là giai đoạn phát triển cao của quá trình hội nhập quốc tế và quốc tế hoá đã từng diễn ra trong lịch sử nhân loại thông qua con đường thương mại, làn sóng di cư, giao lưu văn hoá và chiến tranh. Liên hợp quốc đã có lý khi mô tả t oàn cầu hoá gồm ba xu thế lớn: 1) Toàn cầu hoá về thị trường kinh tế; 2) Toàn cầu hoá về văn hoá; 3) Toàn cầu hoá về an ninh(2).

Trong bài viết này, chúng tôi trình bày một số ý kiến về tính tất yếu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như một số yêu cầu về bộ máy hành chính, hệ thống pháp luật để xây dựng Nhà nước đó trong bối cảnh toàn cầu hóa.

1. Tính tất yếu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá.


Khi nghiên cứu ảnh hưởng của toàn cầu hoá, một số học giả cho rằng, toàn cầu hoá đã và đang làm thay đổi mô hình nhà nư­ớc - dân tộc, dẫn đến những hệ quả đáng lo ngại, như 1) Biến dạng lãnh thổ nhà nư­ớc, xuất hiện hiện t­ượng “biên giới mềm”, biên giới quốc gia đang bị đục thủng bởi dòng tài chính, th­ương mại, du lịch, công nghệ thông tin và đặc biệt là làn sóng ngư­ời nhập cư­, xuất khẩu lao động; 2) Biến dạng xã hội công dân hay cơ cấu dân tộc trong lòng nhà nư­ớc. Thông qua các loại hình thị tr­ường toàn cầu, nhất là thị trư­ờng lao động, mỗi công dân của nhà n­ước - dân tộc đang có xu h­ướng trở thành “công dân toàn cầu”. 3) Biến dạng cơ cấu quyền lực trung ­ương. Trong xu h­ướng toàn cầu hoá, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hình thành ngày càng nhiều làm cho quyền lực trung ­ương bị phân chia, pháp luật của nhà nước giảm tính hiệu lực, vì ở cấp độ địa phương, người ta có thói quen ứng xử theo thông lệ “giải quyết nội bộ”, nên làm phát sinh tình trạng “phép vua thua lệ làng”, v.v.. 4) Biến dạng chủ quyền nhà nư­ớc. Trong xu hư­ớng toàn cầu hoá, vai trò điều tiết của nhà nư­ớc suy giảm, xuất hiện quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, đòi xoá bỏ chủ quyền quốc gia nhằm thiết lập xã hội công dân toàn cầu(3).

Tuy có lịch sử phát triển lâu đời, nhưng Việt Nam chính thức được khai sinh, ghi tên trên bản đồ thế giới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ đó đến nay, bằng con đường kiên trì ngoại giao, Việt Nam đã lần lượt được tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Thương mại quốc tế, v.v.. Khi tham gia tiến trình hội nhập, Việt Nam không nằm ngoài xu thế biến đổi của thế giới. Do vậy, để ứng phó với những biến dạng nhà nước - dân tộc, chúng ta cần xây dựng hệ thống pháp luật làm ph­ương tiện quản lý nhà n­ước cũng như điều chỉnh quan hệ quốc tế (đối ngoại).(3)

Toàn cầu hoá đang làm thay đổi căn bản vai trò của nhà nước. Trong tiến trình toàn cầu hoá, biên giới quốc gia mất dần tác dụng, tạo điều kiện cho sự ra đời của một xã hội toàn cầu, trong đó vai trò quyền lực của các tổ chức toàn cầu (liên quốc gia) sẽ tăng lên trong khi vai trò quyền lực nhà nước quốc gia sẽ phải điều chỉnh cho thích ứng. Xu hướng toàn cầu hoá và những tác động của nó tới mọi mặt đời sống buộc các nước phải hướng hoạt động của mình vào việc thực hiện những nhiệm vụ mới: 1) Tham gia vào việc soạn thảo và hoạch định các thể chế quốc tế trên tinh thần đôi bên cùng có lợi; 2) Đổi mới chiến lược quy hoạch và chính sách phát triển của mình nhằm tận dụng triệt để những lợi thế mình có để biến những tiềm năng quốc gia thành hiện thực, ví dụ việc quốc gia này đầu tư xây dựng các dự án kinh tế ở quốc gia khác. 3) Đối phó với những thách thức chung: a) Cạnh tranh toàn cầu: do ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào thị trường chung, buộc các quốc gia phải nỗ lực tạo ra những hàng hoá và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, giành lấy thị phần bền vững (truyền thống) trên thị trường quốc tế; b) Những rối loạn trong các quan hệ quốc tế mà trọng tâm là lĩnh vực tài chính, thương mại, vấn đề di dân tự do, v.v.; c) Nguy cơ tụt hậu về kinh tế, khoa học - công nghệ đối với mọi quốc gia, kể cả các quốc gia có trình độ phát triển cao, vì trong xu thế cạnh tranh, một số quốc gia tuy có tiềm lực kinh tế nhưng vẫn đầu tư lớn cho sự phát triển khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì nhiều mục đích khác nhau.

Thực tế trên đòi hỏi Nhà nước ta phải có những thay đổi cùng với quá trình đổi mới các cơ chế, chính sách, quy mô phát triển, phải có cơ chế thích hợp, phản ứng nhanh nhạy với các xu thế biến đổi, phát triển, tận dụng tối ưu các nguồn lực để đạt mức tăng trưởng cao, ổn định và bền vững(4).

Toàn cầu hoá đồng thời buộc mọi quốc gia phải thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò của nhà nước. Trước đây, với tính cách một chủ thể riêng biệt, nhà nước có những quyền lực độc tôn mang tính quốc gia (những quy định riêng của từng quốc gia mà không phụ thuộc vào nước khác), như đánh thuế, cấm đoán, trừng phạt và đòi hỏi đơn phương các đối tượng tham gia hoạt động. Trong đó, quyền đánh thuế của nhà nước tạo khả năng cho các cơ quan nhà nước có thể điều chỉnh phân phối, cung cấp các hàng hoá công cộng cũng như can thiệp vào giá cả hàng hoá khi trên thị trường có sự biến động (ví dụ, bao cấp vốn đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, trợ giá, bán phá giá) - điều đã xảy ra phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa vận dụng cơ chế kinh tế kế hoạch hoá, như Liên Xô, Đông Âu, Việt Nam, v.v.. Quyền cấm đoán và trừng phạt của nhà nước cho phép nó bảo vệ sự an toàn cá nhân, an ninh quốc gia và quyền sở hữu. Quyền đơn phương đòi hỏi tham gia tạo cho nhà nước khả năng thực hiện công bằng trong lĩnh vực thuế khoá, hoạt động công ích, v.v.. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhà nước không thể thực hiện các quyền độc tôn trên một cách cứng nhắc, võ đoán, tuỳ tiện mà phải “tuỳ cơ ứng biến” theo “sự đỏng đảnh” của cơ chế kinh tế thị trường và tuân thủ nguyên tắc chung của luật pháp và thị trường chung quốc tế. Việc tranh tụng, khiếu kiện về vấn đề bán phá giá giữa các nước có quan hệ xuất nhập khẩu hàng hoá với nhau vừa qua là một ví dụ điển hình chứng minh rằng, luật pháp quốc gia này phải ít nhiều phụ thuộc, tham chiếu, học hỏi luật pháp quốc gia khác và luật pháp của mọi quốc gia phải nhất quán tuân thủ những quy định chung của luật pháp quốc tế. (4)

2. Một số nội dung của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Giốn g như các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác trước đây, trong một thời gian dài Việt Nam đã vận dụng cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, hành chính mệnh lệnh (kinh tế kế hoạch); trên nền tảng cơ chế kinh tế này, thiết lập một Nhà nước chuyên chính vô sản. Cơ chế kinh tế và thiết chế chính trị ấy đã tỏ ra có hiệu quả trong thời gian đầu, nhưng sau đó mất dần tính ưu việt, trở thành lực cản sự phát triển của đất nước. Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12 - 1986) đã đưa ra đường lối đổi mới, thực chất là vận dụng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam cần thiết phải xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị tr­ường định h­ướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá… xây dựng Nhà nư­ớc pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”(5).

Để hội nhập toàn cầu, thể chế mỗi quốc gia phải thích hợp với thể chế chung quốc tế. Do vậy, muốn hội nhập thành công, Việt Nam phải cải cách nền hành chính nhà nước cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Làm sao đó để bộ máy nhà n­ước trở nên tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả và ngày càng ít can thiệp sâu vào đời sống xã hội cũng như­ hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ quan hành chính - sự nghiệp, trường học, mà chỉ giữ vai trò định hư­ớng, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức này hoạt động. Nhà nư­ớc phải bãi bỏ nhiều thủ tục rườm rà, nhiều văn bản hướng dẫn không cần thiết, nhiều nội dung kiểm soát không hợp lý, đặt niềm tin vào các chủ thể, các pháp nhân thực thi pháp luật, nâng cao ý thức tự chịu trách nhiệm của họ tr­ước pháp luật. Về vấn đề này, nhà báo nổi tiếng người Mỹ là Thomas L.Friedman nhận định: “Những ai dự đoán hay lo lắng rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và biên giới khai thông, nhà nước và pháp luật không còn mấy quan trọng - thì họ nhầm to. Vì trong thời toàn cầu hoá với biên giới khai thông, vai trò của nhà nước trở nên quan trọng hơn nhiều, chứ không giảm đi… Trong toàn cầu hoá, chất lượng của nhà nước là điều quan trọng nhất. Bạn cần một nhà nước có kích thước nhỏ hơn, vì bạn cần thị trường chứ không phải một chính phủ trì trệ và béo múp míp, đứng ra điều tiết và cung ứng vốn. Bạn cần một bộ máy nhà nước năng động, thông minh và chất lượng hơn, trong đó bộ máy hành chính có khả năng quản lý về luật pháp một thị trường tự do, thay vì thả lỏng cho thị trường hoành hành. Thách thức đối với các chính phủ hiện nay là làm sao tăng chất lượng bộ máy nhà nước, đồng thời giảm biên chế trong bộ máy này, tránh cồng kềnh. Một trong những lợi thế quan trọng mà một đất nước muốn có trong thời buổi ngày nay là xây dựng một nền hành chính công tinh gọn, hiệu quả cao và trung thực” ( 6). Nhận định trên là những gợi ý thông minh cho chúng ta trong quá trình tiến hành cải cách hành chính, tạo nên bộ máy nhà nước gọn nhẹ, với một đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tận tâm tận lực với công việc, phản ứng nhanh với các tình thế bất trắc trong quan hệ quốc tế.

Nắm bắt yêu cầu cải cách hành chính, tạo cơ hội cho tiến trình hội nhập, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8 (khoá VII) ra Nghị quyết "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước" với 5 đ iểm cơ bản: 1) Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; 2) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; 3) Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước; 4) Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức; 5) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Nghị quyết này là một bước tiến trong nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa cơ cấu bộ máy nhà nước với tính hiệu quả của nó. Thực tế cho thấy, bộ máy nhà nước càng gọn nhẹ, càng phản ứng linh hoạt.

Như trên đã nói, toàn cầu hoá tác động mạnh mẽ không chỉ đến cấu trúc, vai trò, chức năng của nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến việc lập pháp của nó. Có ý kiến cho rằng, “hội nhập quốc tế, suy cho cùng, không phải là mục tiêu mà là phương hướng, biện pháp, cách thức để phát triển kinh tế với mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong đường lối hội nhập quốc tế thì hội nhập về pháp luật là quan trọng nhất - đó là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với những cam kết quốc tế của Nhà nước. Để hội nhập pháp luật, chúng ta cần thực hiện hai chương trình làm luật: 1) Luật phục vụ nghĩa vụ của các nước thành viên WTO là phần bắt buộc gồm các luật như: Luật cạnh tranh, Luật đầu tư, Luật sở hữu trí tuệ, bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi; 2) Luật về quyền của các nước thành viên là phần không bắt buộc gồm: Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, v.v.” ( 7).

Ngoài việc thực hiện tốt chương trình làm luật, tiến trình hội nhập còn đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt các điều ước quốc tế, chẳng hạn các điều ước quốc tế đa phương về thương mại hàng hoá, như Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATs), Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thoả thuận giải quyết tranh chấp ( 8). Muốn thực hiện tốt các điều ước quốc tế nói trên, Việt Nam cần thiết lập một bộ máy nhà nước với bộ ba (lập pháp, hành pháp, tư pháp) thật sự hoàn chỉnh, có năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế. Do vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một biện pháp tiến tới phân định ranh giới quyền lực giữa Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho sự hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Không chỉ làm biến đổi cơ cấu, vai trò của nhà nước, toàn cầu hoá còn tạo nên những tác nhân biến đổi diện mạo chính trị - xã hội của nhà nước, góp phần nâng cao dân chủ, nhân quyền và dân trí của mọi quốc gia trên khắp hành tinh.

Trong xu h­ướng toàn cầu hoá hiện nay, dân chủ không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã mở rộng ra phạm vi quốc tế, xuất hiện khái niệm “dân chủ toàn cầu”. Có ý kiến cho rằng, một trong những thành tố đảm bảo quyền dân chủ là nhà n­ước pháp quyền(9); do vậy, xây dựng Nhà nư­ớc pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là nhằm mục đích thực thi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo ph­ương châm “dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ gấp triệu lần dân chủ t­ư sản”.

Vấn đề dân chủ trong thế giới hiện đại gắn liền với vấn đề tự do nhằm duy trì cộng đồng và bảo vệ nhân quyền; bởi vì, nội hàm khái niệm dân chủ trong xu thế toàn cầu hoá được mở rộng theo cách hiểu chung của mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Dân chủ không chỉ hiểu đơn thuần là bầu cử tự do và công bằng theo nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số, mà còn là một tập hợp các quyền công dân, quyền tự do chính trị, như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do thông tin, tự do phản biện xã hội, đặc biệt phản biện xã hội về phương diện pháp luật ( 10).
Nhân quyền là giá trị phổ biến của toàn nhân loại theo nguyên tắc công pháp quốc tế được áp dụng ở mọi nơi và với mọi người; đồng thời, nhân quyền cũng ít nhiều mang tính đặc thù quốc gia (vì nó chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của chính thể nhà nước). Pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng, là công cụ hữu hiệu, biện pháp cụ thể để thực hiện và bảo vệ nhân quyền. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, nhà n­ước pháp quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền khỏi sự xâm phạm từ các cơ quan công quyền hay từ việc thực thi quyền lực nhà nư­ớc. Việc Việt Nam lần lượt tham gia các công ước quốc tế, các nghị định thư cơ bản về quyền con người đã chứng tỏ sự sẵn sàng hội nhập. Trong đó, tiêu biểu là Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (ban hành tháng 12 - 1979, Việt Nam ký tham gia tháng 8 - 1980); Công ước về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ban hành tháng 12 - 1965, Việt Nam tham gia tháng 6 - 1981); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ban hành tháng 12 -1966, Việt Nam tham gia tháng 9 - 1982); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ban hành tháng 12 - 1966, Việt Nam tham gia tháng 9 - 1982); Công ước về quyền trẻ em (ban hành tháng 11 - 1989, Việt Nam tham gia tháng 2 - 1990). Nhờ những thành tựu đã đạt được về thực thi và bảo vệ nhân quyền, Việt Nam đã được bầu vào Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2001 - 2003 và được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những nước có sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, tôn trọng tự do tín ngưỡng, có tốc độ xoá đói giảm nghèo nhanh(11).

Việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam không chỉ được thể hiện bằng những quy định trong pháp luật hay chính sách, mà còn được thể hiện bằng một hệ thống các thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để bảo vệ quyền sở hữu của tất cả mọi người và quyền sản xuất kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hoá, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật doanh nghiệp (6 - 1999), Luật khuyến khích đầu tư trong nước (1994), Bộ Luật lao động (1994). Trong Bộ Luật lao động, Việt Nam đã vận dụng nhiều tiêu chuẩn lao động của Tổ chức lao động quốc tế.

Dư­ới ảnh h­ưởng của nhiều nhân tố, như phổ cập mạng Internet, phương tiện thông tin đại chúng trải rộng, sách báo điện tử được truyền bá nhiều với giá đọc rẻ, nên dân trí không ngừng đ­ược nâng cao. Mà dân trí là cơ sở khoa học - chính trị của dư luận xã hội và phản biện xã hội. Trong xu hướng toàn cầu hoá, dư luận xã hội và phản biện xã hội không chỉ cần phát triển về chiều rộng, mà còn phải đi vào chiều sâu, tạo những áp lực chính trị lớn cho nhà nư­ớc trong việc lập pháp, hành pháp, đặc biệt là tư­ pháp. Thực tế chứng minh rằng, khi trình độ dân trí cao, thì việc lập pháp càng phải lý tính hoá, thực dụng hoá, và việc hành pháp, tư pháp càng cần phải hết sức công minh chính trực, thận trọng, nếu không sẽ tạo nên làn sóng phản ứng từ phía dân chúng. Do vậy, hơn bao giờ hết, trong xu thế toàn cầu hoá, mọi chính sách kinh tế - xã hội và pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ con người, do con người thực hiện và hướng tới phục vụ con người. Nói cách khác, pháp luật phải lấy con người làm xuất phát điểm, vị trí trung tâm và mục đích hướng tới. (11)

Toàn cầu hoá là xu thế chung không thể đảo ngược, nó tạo nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Một trong những thách thức đó thuộc về lĩnh vực nhà nước và pháp luật. Do vậy, để hội nhập thành công, Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, điều chỉnh biện pháp, cách thức, nội dung xây dựng pháp luật, hoàn thiện cơ chế dân chủ, quan tâm phát triển nhân quyền, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội dân sự, mở rộng dư luận xã hội và phản biện xã hội, v.v. tiến tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. q


(*) Thạc sĩ, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
(1) Xem: Tư liệu chuyên đề. Một số khái niệm về toàn cầu hoá. Viện Thông tin thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2 - 2001).
(2) Tư liệu chuyên đề. Sđd., tr.12.

(3) Xem: Phạm Thái Việt. Toàn cầu hoá - những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hoá. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006; Trần Thị Huyền, Động thái của nhà nước - dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá. Tạp chí Phát triển nhân lực, 2-2009.

(4) Xem:Nguyễn Hữu Hải. Hành chính Nhà nước trong xu thế toàn cầu hoá. Nxb Tư pháp, 2007, tr.98.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.69.
(6) Thomas L.Friedman. Chiếc Lexus và cây ôliu. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.267 – 269.

(7) Đinh Ngọc Vượng. Hội nhập quốc tế về pháp luật để hội nhập quốc tế, trong sách Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009. tr.344 – 345.

(8) Xem: Lê Mai Thanh. Thực hiện điều ước quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong sách Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.352 - 360.

(9) Xem: Ngô Huy C­ương. Dân chủ và pháp luật dân chủ. Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.344-345.
(10) Xem: Phạm Thành Nghị. Dân chủ và phát triển con người. Tạp chí Nghiên cứu con người, số tháng 6 – 2007, tr.29-35.

(11) Xem: Phạm Thị Tính. Chính sách và hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong quá trình toàn cầu hoá, in trong Con người - văn hoá, quyền và phát triển. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.333 -353.


Theo Viện Triết Học
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top