• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

William James THUYẾT DỤNG HÀNH LÀ GÌ????

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
William James (1842-1910)
Đinh Hồng Phúc dịch

Vài năm trước đây, khi tham gia cùng một nhóm đi cắm trại ở miền núi, sau lần đi dạo một mình trở về, tôi thấy mọi người đang tranh cãi kịch liệt về siêu hình học. Cái corpus (chủ đề)của cuộc tranh cãi là một con sóc – một con sóc sống được giả định là đang leo bám vào một phía của thân cây; trong khi ở phía kia, một người được hình dung là đang đứng đối diện với cái cây ấy. Người chứng kiến này cố gắng nhìn thấy cho được con sóc bằng cách chạy quanh gốc cây, nhưng cho dù anh ta có chạy nhanh đến mấy, thì con sóc cũng di chuyển nhanh không kém theo hướng ngược lại, và luôn giữ được cái cây đứng giữa nó và anh ta, vì thế mà anh ta chẳng bao giờ thấy được nó. Vấn đề kéo theo của siêu hình học giờ đây là như sau: Anh ta có đi quanh con sóc hay không? Dĩ nhiên là anh ta đi quanh gốc cây, và con sóc ở trên cây, nhưng [vấn đề là] anh ta có đi quanh con sóc không? Trong sự nhàn nhã vô hạn ở nơi hoang dã, cuộc tranh luận tỏ ra nhàm chán. Mỗi người đứng về một phía, và khư khư giữ lấy quan điểm của mình; và số người của cả hai phía bằng nhau. Do đó, khi tôi xuất hiện, phía nào cũng khẩn khoản gọi tôi vào để làm thành phe đa số. Để tâm tới câu cách ngôn trong nhà trường rằng khi nào gặp mâu thuẫn khi ấy ta phải đưa ra sự phân biệt, tôi lập tức tìm thấy một phân biệt như sau: “Bên đúng” – tôi nói “là bên dựa vào những gì các bạn muốn nói một cách thực tế qua “việc đi quanh” con sóc. Nếu các bạn muốn nói việc di chuyển từ phía bắc con sóc đến phía đông, rồi đến phía nam, rồi đến phía tây, rồi trở lại phía bắc, thì rõ ràng là anh ta đi quanh nó, bởi lẽ anh ta chiếm những vị trí nối tiếp nhau này. Nhưng nếu ngược lại, các bạn muốn nói trước tiên là ở trước mặt con sóc, rồi ở bên phải nó, rồi ở sau lưng nó, rồi ở bên trái nó, và cuối cùng lại ở trước mặt nó, thì cũng hoàn toàn không kém hiển nhiên là anh ta không đi quanh được nó, vì do những chuyển động bù trừ mà con sóc tạo ra, nó luôn luôn giữ cho bụng của nó quay về phía anh ta, còn lưng thì quay ngược lại. Hãy phân biệt đi, và chẳng còn dịp nào để bàn luận xa hơn nữa đâu. Tất cả các bạn đều vừa đúng lại vừa sai tùy theo các bạn quan niệm động tự “đi quanh” theo cách thực tế này hay khác.

Mặc dù một hay hai trong số người những người tranh luận nóng nảy hơn đã gọi lời nói của tôi là một sự tránh khéo, bằng cách nói rằng họ không muốn chẻ đôi sợi tóc kiểu kinh viện hay kiểu lý sự cùn, mà chỉ muốn nói chữ “quanh” rõ ràng chân chất của tiếng Anh, thì đa số dường như nghĩ rằng sự phân biệt [mà tôi đề nghị] đã làm dịu cuộc tranh luận.

Sở dĩ tôi kể ra cái giai thoại nhạt nhẽo này vì nó là một thí dụ hết sức đơn giản về những gì mà bây giờ tôi ao ước muốn nói là phương pháp dụng hành (the pragmatic method). Phương pháp dụng hành thoạt đầu là một phương pháp về việc hòa giải những cuộc tranh luận siêu hình học mà phương pháp khác không thể nào chấm dứt được. Thế giới là một hay nhiều? – định mệnh hay tự do? – vật chất hay tinh thần? – đây là những khái niệm mà khái niệm này hay khái niệm kia có thể đúng hoặc không đúng về thế giới; và những cuộc tranh luận về những khái niệm như thế là không cùng. Phương pháp dụng hành trong trường hợp ấy là cố gắng lý giải từng khái niệm bằng cách vạch ra những hậu quả thực tiễn riêng của nó. Sự dị biệt nào sẽ tạo nên một cách thực tiễn cho bất cứ ai nếu khái niệm này là đúng chứ không phải khái niệm kia? Nếu không vạch ra được bất cứ sự dị biệt thực tiễn, thì những cái khác (alternatives) trên thực tiễn có cùng một nghĩa, và toàn bộ cuộc tranh luận là vô bổ. Khi nào một cuộc tranh luận là nghiêm túc, chúng ta phải có khả năng chỉ ra sự dị biệt thực tiễn nào đó, và sự dị biệt này phải xuất phát từ cái đúng của phía này hay của phía kia.

Nhìn vào lịch sử của ý niệm, các bạn sẽ thấy rõ hơn thuyết dụng hành là gì. Thuật ngữ này được rút ra từ chính chữ Hy Lạp pragma (πράγμα), nghĩa là hành động, từ đó mới có những chữ “thực tiễn” (practice) và “thực hành” (practical) của chúng ta. Nó được ông Charles Peirce đưa vào triết học vào năm 1878. Trong một bài viết nhan đề “Làm thế nào để ý niệm của ta trở nên rõ ràng” đăng trên Popular Science Monthly (Nguyệt san Khoa học phổ thông) số tháng giêng năm đó, ông Peirce, sau khi chỉ ra rằng những niềm tin của chúng ta thực sự là những quy tắc cho hành động, nói rằng để phát triển nghĩa (meaning) của một tư tưởng, chúng ta chỉ cần xác định sự chỉ dẫn nào là thích hợp với sản phẩm: với chúng ta, sự chỉ dẫn ấy là ý nghĩa duy nhất của nó. Và điều rõ ràng đến tận gốc rễ của mọi sự phân biệt trong tư tưởng của ta, dù có tinh tế như thế nào, chính là không có một sự phân biệt nào tinh vi đến mức ở trong bất cứ thứ gì ngoại trừ một sự dị biệt có thể có về thực tiễn. Để đạt được sự rõ ràng hoàn hảo trong những suy tưởng; ta chỉ cần xét xem những tác động có thể hình dung ra của một dạng thực hành mà đối tượng có thể bao hàm là những tác động nào – những cảm giác nào ta chờ đợi từ nó, và những phản ứng nào mà ta phải chuẩn bị. Quan niệm của ta về những tác động ấy, dù trực tiếp hay tách biệt, thì đối với ta là toàn bộ quan niệm của ta về đối tượng, chừng nào quan niệm ấy hoàn toàn có ý nghĩa tích cực.

Đấy là nguyên tắc của Peirce, nguyên tắc của thuyết dụng hành. Suốt hai mươi năm, không hề có ai chú ý đến nó, mãi đến khi tôi nêu nó ra lại, và đặc biệt vận dụng nó vào vấn đề tôn giáo, trong một bài nói chuyện trước hiệp hội triết học của giáo sư Howison tại trường đại học California. Thời điểm ấy (1898) có vẻ đã chín muồi để tiếp nhận nó. Chữ “thuyết dụng hành” lan truyền đi, và hiện thời nó khá nổi bật trên các trang tạp chí triết học. Nhìn chung, ta thấy “phong trào dụng hành” đã được [người ta] nói đến, lúc thì với sự kính trọng, lúc thì với thái độ lăng mạ, và hiếm khi được hiểu rõ. Rõ ràng là thuật ngữ ấy được áp dụng một cách thích hợp cho một số khuynh hướng mà cho tới nay vẫn thiếu một tên gọi chung, và nó đã “đến ở” [nghĩa là được mọi người chấp nhận].

Để hiểu được tầm quan trọng của nguyên tắc của Peirce, người ta phải làm quen với việc áp dụng nó vào những trường hợp cụ thể. Vài năm trước đây, tôi thấy rằng Oswald, nhà hóa học danh tiếng ở Leipzig, đã sử dụng một cách hoàn hảo nguyên tắc của thuyết dụng hành qua các bài giảng của mình về triết học khoa học, dù ông không gọi nó bằng cái tên ấy.

“Mọi thực tại đều ảnh hưởng đến sự thực hành của ta,” ông viết cho tôi “và sự ảnh hưởng ấy là việc chúng có nghĩa đối với ta. Tôi đã quen đặt những câu hỏi cho các lớp học của tôi theo cách này: Thế giới ắt sẽ khác đi trong những phương diện nào nếu sự lựa chọn này hay sự lựa chọn khác là đúng? Nếu tôi không thể tìm thấy gì có thể trở nên dị biệt, thì sự lựa chọn không có nghĩa gì cả.”

Tức là, các quan niệm đối địch đều có nghĩa như nhau về mặt thực hành, và nghĩa (meaning) đối với chúng tôi không có gì khác hơn là [nghĩa] thực hành. Trong một bài thuyết trình đã xuất bản, Ostwald cho một ví dụ về điều ông muốn nói. Các nhà hóa học đã tranh cãi nhiều về sự cấu tạo nội tại của những thể (bodies) nào đó được gọi là “thể tautome”. Những đặc tính của chúng dường như phù hợp một cách ngang bằng với ý niệm rằng một nguyên tử hydro không ổn định dao động trong chúng, hoặc với ý niệm rằng chúng là những hỗn hợp không ổn định của hai thể. Sự bất đồng quan điểm trở nên gay gắt, nhưng hoàn toàn không quyết định được gì. “Nó có thể đã không khởi sự,” Ostwald nói, “nếu những người tham chiến đã tự mình hỏi rằng sự kiện thực nghiệm đặc thù nào có thể được quan niệm đúng đắn này hay quan niệm đúng đắn nọ làm cho dị biệt đi. Bởi vì có vẻ như không có sự dị biệt nào của sự kiện theo đó mà ra; và cuộc tranh cãi càng tỏ ra không hiện thực như: trong thời nguyên thủy, khi lý luận về việc men làm bột phồng lên, bên này có thể viện dẫn đến một “ma thiện” (“brownie”) trong khi bên kia một mực cho một “ma ác” (“elf”) là nguyên nhân thực sự của hiện tượng trên.” [2]

Quả là ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu là cuộc tranh cãi triết học rơi vào sự vô nghĩa khi các bạn buộc chúng phục tùng sự thẩm tra đơn giản là tìm cho ra dấu vết của một hệ quả cụ thể. Không thể có sự dị biệt nào ở chỗ này mà không tạo nên một sự dị biệt ở chỗ khác – không thể có sự dị biệt nào trong chân lý trừu tượng mà không tự diễn tả mình trong một sự dị biệt trong sự kiện cụ thể và trong sự điều khiển tiếp sau sự kiện ấy, được áp đặt vào ai đó, bằng cách nào đó, ở nơi nào đó và vào lúc nào đó. Toàn bộ chức năng của triết học là phải tìm ra sự dị biệt nào là sự dị biệt xác định giữa các bạn và tôi, vào những lúc xác định trong cuộc sống của ta, nếu biểu thức-thế giới (world-formula) này hay biểu thức-thế giới kia là biểu thức đúng.

Phương pháp dụng hành hoàn toàn không có gì là mới mẻ. Socrate là một người tinh thông nó. Aristote sử dụng nó một cách có phương pháp. Locke, Berkeley và Hume đã có những đóng góp quan trọng vào chân lý theo cách của mình. Shadwocth Hodgson luôn một mực cho rằng những thực tại chỉ là những gì ta “được biết-như là” (known-as). Nhưng các vị tiền bối này của thuyết dụng hành dùng nó một cách tản mạn: họ chỉ là những người mở đầu. Cho đến thời đại chúng ta, nó mới tự phổ biến, mới trở nên ý thức về một sứ mệnh phổ quát, mới đòi hỏi một số phận chinh phục. Tôi tin vào số phận ấy, và tôi hy vọng cuối cùng tôi có thể truyền đến cho các bạn niềm tin của tôi.

Thuyết Dụng hành trình bày một thái độ hoàn toàn quen thuộc trong triết học, ấy là thái độ duy nghiệm, nhưng hình như đối với tôi, nó trình bày nó trong một hình thức triệt để hơn lẫn trong một hình thức ít có thể bác bỏ hơn như người ta đã tưởng.

Một nhà dụng hành cương quyết quay lưng hẳn lại với nhiều thói quen thâm căn cố đế ở các triết gia chuyên nghiệp. Ông ngoảnh mặt khỏi sự trừu tượng và sự bất túc, khỏi những giải pháp nói suông, khỏi những lý do tiên nghiệm xấu, khỏi những nguyên tắc cố định, những hệ thống khép kín, những sự tuyệt đối cùng những nguồn gốc giả mạo. Ông hướng đến tính cụ thể và sự thích hợp, đến những sự kiện, đến những hành động, và đến năng lực. Điều đó có nghĩa là khí chất nhà duy nghiệm đang trị vì, còn khí chất nhà duy lý thì đã nhường ngôi một cách chân tình. Điều đó muốn nói rằng bầu trời và những khả thể của tự nhiên chống lại giáo điều, tính giả tạo và sự vờ vỉnh của tính hợp mục đích trong chân lý.

Đồng thời thuyết dụng hành không đại diện cho bất cứ những kết quả đặc biệt nào. Nó chỉ là một phương pháp. Nhưng sự tổng thắng lợi của phương pháp ấy sẽ có nghĩa là một sự thay đổi to lớn trong cái mà tôi gọi trong bài thuyết trình sau cùng là “khí chất” của triết học. Các giáo sư thuộc loại cực-duy lý ắt sẽ bị khu trừ, như loại triều thần bị khu trừ trong các nền cộng hòa, cũng như loại giáo sĩ ủng hộ sự toàn quyền của Giáo hoàng bị khu trừ ở những xứ Tin Lành. Khoa học và siêu hình học ắt sẽ đến gần nhau hơn, và ắt sẽ cùng làm việc với nhau trong thực tế.

Siêu hình học thường xuất phát từ một loại tìm kiếm rất nguyên thủy. Các bạn biết là con người thường khao khát thứ ma thuật bất chính đến dường nào, và các bạn biết là trong ma thuật, những lời nói luôn đóng một phần lớn đến dường nào. Các bạn có thể kiểm soát được linh hồn, thần linh, ma quỷ hay bất cứ sức mạnh nào có thể có, nếu các bạn biết tên của nó. hay nghi thức bùa chú ràng buộc nó. Solomon biết tên của mọi linh hồn và nắm được những tên của chúng nên bắt chúng phải phục tùng ý muốn của mình. Vì thế vũ trụ luôn luôn xuất hiện với trí óc tự nhiên như một loại ẩn ngữ mà chìa khóa của nó phải được tìm ra trong hình thái của lời nói hay tên gọi soi sáng hay mang lại quyền năng. Lời nói ấy gọi là nguyên tắc của vũ trụ và sở hữu được nó, theo một lối nào đó, là sở hữu chính vũ trụ. “Thượng đế”, “Vật chất”, “Lý tính”, “Tuyệt đối thể”, “Năng lượng” là những thứ tên để giải quyết vấn đề. Chỉ khi các bạn có được những thứ tên ấy, các bạn mới có thể yên lòng được. Các bạn đang ở đoạn kết của việc tìm kiếm siêu hình học của các bạn.

Nhưng nếu theo phương pháp dụng hành, các bạn không thể xem bất cứ lời nói nào kiểu ấy như là việc khép lại cuộc tìm kiếm của mình. Các bạn phải đưa ra từ mỗi lời nói giá trị tiền mặt (cash-value) thực hành của nó, đặt nó hoạt động trong dòng kinh nghiệm của mình. Khi đó nó ít xuất hiện như là một giải pháp hơn so với như là một chương trình để hoạt động thêm nữa, và đặc thù hơn như là một sự chỉ dẫn về những phương cách mà các thực tại hiện tồn có thể được biến đổi.

Các lý thuyết vì thế trở thành những công cụ, chứ không phải là những câu trả lời cho những ẩn ngữ mà ta có thể yên tâm. Ta không nằm trên chúng, ta tiến tới, và khi cần, tái biến đổi thiên nhiên nhờ sự giúp đỡ của chúng. Thuyết dụng hành không làm cứng đơ mọi lý thuyết của chúng ta mà là làm mềm dẻo chúng và khiến mỗi một lý thuyết hoạt động. Về cơ bản là không có gì mới mẻ, nó hài hòa với nhiều khuynh hướng triết học cũ. Thí dụ nó phù hợp với thuyết duy danh (nomalism) khi luôn luôn kêu gọi những đặc thù, với thuyết công lợi (utilitarianisme) khi nhấn mạnh những phương diện thực hành; với thuyết thực chứng (positivism) khi xem thường những giải pháp bằng ngôn từ, những câu hỏi vô ích và những sự trừu tượng hóa siêu hình học.

Tất cả những thuyết này, các bạn thấy, là những khuynh hướng chống-duy trí. Ngược lại với thuyết duy lý như là một tham vọng và một phương pháp, thuyết dụng hành đã được vũ trang đầy đủ và mang tính chiến đấu. Nhưng thoạt đầu, ít nhất nó cũng không thay thế cho những kết quả cá biệt nào. Nó không có những giáo điều và không có học thuyết nào để cứu vãn phương pháp của nó. Như nhà dụng hành trẻ tuổi người Ý Papini đã nói đúng, nó nằm giữa những lý thuyết của chúng ta, giống như một hành lang trong một khách sạn. Có vô số phòng mở cửa ra hành lang ấy. Trong phòng thứ nhất các bạn có thể thấy có người đang viết một tập sách vô thần, trong phòng kế có người đang quỳ gối cầu nguyện cho niềm tin và sức mạnh; trong phòng thứ ba, một nhà hóa học đang tìm kiếm những đặc tính của một thể. Trong phòng thứ tư, một hệ thống siêu hình học duy tâm đang được nghĩ ra; trong phòng thứ năm, sự bất khả thể của siêu hình học đang được trình bày. Nhưng tất cả chúng đều sở hữu hành lang, và tất cả phải đi qua hành lang nếu chúng muốn một lối đi có thể qua lại được để vào hay ra khỏi phòng riêng của mình.

Vậy thì cho đến đây, chính một thái độ định hướng mới là điều mà phương pháp dụng hành muốn nói đến, chứ không phải những kết quả cá biệt nào. Thái độ ngoảnh mặt khỏi những sự việc đầu tiên, [tức] những nguyên tắc, những “phạm trù”, những tất yếu giả định; và hướng đến những sự việc cuối cùng, [tức] những thành quả, những hệ quả, những sự kiện.

Phương pháp dụng hành thật là nhiều! Các bạn có thể cho rằng tôi tán dương nó hơn là giải thích nó cho các bạn, nhưng bây giờ tôi sẽ giải thích nó một cách khá phong phú bằng cách trình bày nó hoạt động như thế nào trên vài vấn đề gần gũi. Trong khi ấy, chữ “thuyết dụng hành” đã được sử dụng theo một nghĩa còn rộng hơn, vì nó cũng có nghĩa là một lý thuyết về chân lý nào đó. Tôi có ý dùng toàn bộ bài thuyết trình để phát biểu về lý thuyết ấy, sau khi đã dọn đường trước, cho nên bây giờ tôi có thể trình bày hết sức ngắn gọn. Nhưng sự ngắn gọn thì khó cho việc theo dõi, cho nên tôi yêu cầu các bạn chú ý hơn nữa trong khoảng 15 phút. Nếu nhiều điều còn tăm tối, tôi hy vọng sẽ làm nó sáng tỏ hơn trong những bài thuyết trình sau này.

Một trong những ngành triết học được đào luyện thành công nhất trong thời đại chúng ta là ngành được gọi là lôgíc học quy nạp (inductive logic), môn học về những điều kiện mà nhờ chúng các khoa học của chúng ta phát triển. Các tác gia viết về chủ đề này đã bắt đầu cho thấy một sự nhất trí đặc biệt về những gì mà những quy luật của tự nhiên và những yếu tố của sự kiện muốn nói đến, khi được các nhà toán học, các nhà vật lý học và các nhà hóa học đặt thành công thức. Khi những đồng dạng tự nhiên, lôgíc và toán học đầu tiên, tức là những quy luật đầu tiên, được khám phá ra, con người bị lôi cuốn đi bởi sự trong sáng, vẻ đẹp, và sự đơn giản hóa được mang lại, khiến họ tin rằng chính mình đã giải mã một cách xác thực những tư tưởng vĩnh hằng của Thượng đế (Almighty). Tâm trí của ngài cũng rền vang sấm vọng trong các chuỗi suy luận, ngài cũng suy tưởng theo các tiết diện conic, các hình vuông, các căn, các tỉ lệ và đã hình học hóa như Euclid. Ngài đã tạo nên các định luật hành tinh Kepler để theo, ngài làm cho vận tốc gia tăng tỷ lệ với thời gian ở các vật thể rơi, ngài làm ra định luật sin để ánh sáng tuân theo khi được khúc xạ; ngài xác lập các lớp, các loại, các họ, các loài của động thực vật, và định ra những khoảng cách giữa chúng. Ngài suy tưởng về những nguyên mẫu của mọi sự vật, và nghĩ ra những biến thể của chúng; và khi chúng ta phát hiện lại bất cứ một trong những sự thiết định tuyệt vời này của ngài là chúng ta đã nắm bắt được tâm trí của ngài trong ý hướng theo đúng nghĩa của nó.

Nhưng khi các khoa học đã phát triển xa hơn, ý niệm đã đạt đến cái cơ sở mà hầu hết, có lẽ là tất cả, các quy luật của chúng ta chỉ là những xấp xỉ. Hơn thế nữa, bản thân các quy luật đã mọc lên nhiều đến mức không thể đếm được, và công thức đối nghịch được đề nghị trong mọi ngành khoa học nhiều đến mức các nhà nghiên cứu trở nên quen với ý niệm rằng không một lý thuyết nào hoàn toàn là một bản sao của thực tại, nhưng bất cứ một lý thuyết nào trong số chúng, từ điểm nhìn nào đó, cũng đều có thể hữu ích. Sự hữu ích to lớn của chúng là tổng kết những sự kiện cũ và dẫn đến những sự kiện mới. Chúng chỉ là một thứ ngôn ngữ do con người tạo nên, một thứ tốc ký khái niệm, như có người gọi thế, trong đó chúng ta viết những tường thuật của chúng ta về tự nhiên; và những ngôn ngữ, như mọi người đều biết, chịu đựng nhiều sự lựa chọn cách diễn tả và nhiều phương ngữ.

Như thế sự võ đoán của con người đã xua đuổi tính tất yếu thiêng liêng ra khỏi lôgíc khoa học. Nếu tôi đề cập đến những cái tên như: Sigwart, Mach, Ostwald, Pearson, Milhaud, Poincaré, Duhem, Ruyssen, thì những ai trong các bạn mà là sinh viên sẽ dễ dàng nhận diện cái khuynh hướng tôi nói tới và sẽ nghĩ đến những cái tên bổ sung khác.

Hiện giờ, cỡi trên mặt sóng này của lôgíc khoa học, quý ông Schiller và Dewey xuất hiện với nghiên cứu duy dụng hành của họ về những gì mà chân lý biểu đạt ở khắp mọi nơi. Ở khắp mọi nơi, các giáo sư này nói, “chân lý” trong những ý niệm và trong những niềm tin của ta cũng đều muốn nói đến cùng một điều mà nó muốn nói trong khoa học. Họ nói nó không muốn nói gì khác ngoài điều này: những ý niệm (mà bản thân chúng chỉ là những bộ phận trong kinh nghiệm của ta) trở thành đúng thật chỉ trong chừng mực chúng giúp ta có được quan hệ thỏa đáng với những bộ phận khác trong kinh nghiệm của ta, giúp ta tổng kết chúng và và đi lại giữa chúng bằng những lối đi tắt của khái niệm thay vì đi theo sự tiếp diễn không ngừng của các hiện tượng đặc thù. Bất cứ ý niệm nào mà chúng ta có thể cỡi, có thể nói như vậy; bất cứ ý niệm nào mà chúng ta có thể cỡi, có thể nói như vậy; bất cứ ý niệm nào sẽ đi chúng ta đi một cách thành công từ bất cứ một bộ phận nào trong kinh nghiệm của ta đến bất cứ bộ phận nào khác, liên kết mọi sự việc một cách thỏa đáng, hoạt động một cách đảm bảo, làm đơn giản hóa, và tiết kiệm lao động; là đúng thật hoàn toàn, là đúng thật mãi mãi, là đúng thật theo nghĩa công cụ. Đây là quan niệm “công cụ” về chân lý được dạy rất thành công tại Chicago, quan niệm rằng chân lý trong những ý niệm của ta là năng lực “làm việc” của chúng, được truyền bá rất vẻ vang tại Oxford.

Quý ông Dewey, Schiller và những người đồng minh của họ, khi đi đến quan niệm phổ biến này về toàn bộ chân lý, chỉ noi theo gương các nhà dịa chất học, các nhà sinh vật học và các nhà ngữ văn học thôi. Khi xác lập những khoa học khác này, hành động thành công là luôn lấy tiến trình đơn giản nào đó thực sự có thể quan sát được bằng thao tác – như ta có thể nói sự bào mòn do thời tiết, hay sự biến dị từ kiểu thân thuộc, hay sự biến đổi của phương ngữ do sự sáp nhập những từ và những cách phát âm mới – rồi đi đến khái quát hóa chúng, làm cho nó áp dụng được vào mọi lúc, và tạo ra những kết quả to lớn bằng cách tổng kết những tác dụng của nó qua các thời đại.

Cái tiến trình có thể quan sát được mà Schiller và Dewey đặc biệt chọn ra để khái quát hóa là một tiến trình quen thuộc mà bất cứ một cá thể nào cũng đưa vào những tư kiến mới (new opinions). Tiến trình ở đây là luôn cùng một tiến trình. Cá thể đã có sẵn một kho những tư kiến cũ, nhưng khi anh ta gặp phải một kinh nghiệm mới, và kinh nghiệm này đặt chúng vào chung một hướng. Có người phủ nhận chúng, hay trong một lúc phản tư nào đó, anh ta phát hiện rằng chúng mâu thuẫn với nhau; hay anh ta nghe nói đến những sự kiện mà chúng không phù hợp, hay những ham muốn nảy sinh trong anh ta mà chúng không còn làm thỏa mãn nữa. Kết quả là một sự xáo trộn nội tâm mà cho đến bấy giờ tâm thức anh ta vẫn còn là một kẻ xa lạ với nó, và anh ta tìm cách thoát khỏi nó bằng cách thay đổi khối tư kiến trước đó của mình. Anh ta cứu vãn khối tư kiến ấy càng nhiều càng tốt, vì trong vấn đề niềm tin này, tất cả chúng ta đều là những người bảo thủ cực đoan. Cho nên anh ta cố gắng làm thay đổi trước hết cái tư kiến này, rồi sau đó tư kiến nọ (vì chúng cưỡng lại sự thay đổi một cách rất khác nhau), ít nhất là cho đến khi một ý niệm mới nào đó xuất hiện mà anh ta có thể ghép vào cái kho [tư kiến] cũ với một sự xáo trộn nhỏ cái kho ấy, một ý niệm nào đó làm trung giới giữa cái kho và kinh nghiệm mới, và làm cho chúng hòa hợp với nhau một cách khéo léo và thích hợp nhất.

Ý niệm mới này rồi sẽ được chấp nhận như là ý niệm đúng đắn. Nó bảo lưu cái kho những chân lý cũ bằng một sự biến thái tối thiểu, mở rộng những chân lý ấy ra đủ khiến chúng thừa nhận cái mới, nhưng nó quan niệm điều ấy theo những phương cách quen thuộc chừng nào hay chừng ấy. Một sự giải thích outrée (thái quá), phạm phải tất cả những tiền khái niệm của ta, sẽ không bao giờ được coi là một giải thích đúng đắn về cái mới. Chúng ta nên bới tìm một cách kiên nhẫn cho đến khi tìm ra cái gì ít lệch tâm hơn. Những cuộc cách mạng mãnh liệt nhất trong các niềm tin của một cá nhân để lại hầu hết thế đứng trật tự cũ của anh ta. Thời gian và không gian, nguyên nhân và kết quả, tự nhiên và lịch sử, và tiểu sử riêng của ai đó vẫn chưa được chạm đến. Chân lý mới luôn là một kẻ đi-giữa, một kẻ san bằng-hết cả những bước quá độ. Nó hôn phối tư kiến cũ với sự kiện mới sao cho để cho thấy sự xóc nẩy ở mức tối thiểu và sự liên tục ở mức tối đa. Chúng ta cho một lý thuyết là đúng chỉ tương xứng với thành công của nó trong việc giải quyết “vấn đề về những cái tối đa và những tối thiểu” này. Nhưng sự thành công trong việc giải quyết vấn đề này rõ ràng là một vấn đề xấp xỉ. Chúng ta nói lý thuyết này giải quyết nó trên tổng thể là thỏa đáng hơn lý thuyết kia; nhưng điều đó có nghĩa là thỏa đáng hơn đối với bản thân ta, và những cá nhân sẽ nhấn mạnh những quan điểm của họ về sự thỏa mãn một cách khác nhau. Vì thế, ở một mức độ nào đó, mọi sự ở đây là mềm dẻo.

(còn tiếp)

Đinh Hồng Phúc dịch

Nguồn:William James (1907). Pragmatism: A new name for some old ways of thinking. New York: Longman Green and Co: 17-32. Bản điện tử: https://www.brocku.ca/MeadProject/James/James_1907/James_1907_02.html
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top