Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
VƯƠNG QUỐC THAILAND TỪ SAU 1945
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, về hình thức Thái Lan là một nước độc lập nhưng trên thực tế nằm dưới ảnh hưởng của các nước đế quốc, đặc biệt là Anh. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Thái Lan ở vào địa vị một nước bại trận, do liên minh với phát xít Nhật tham gia cuộc chiến tranh chống lại các nước Đồng minh trong thời gian chiến tranh. Vì thế quân đội Anh đã vào chiếm đóng ở Thái Lan với âm mưu khôi phục lại địa vị cũ của mình. Tuy nhiên, Mĩ đã tìm mọi cách để hất cẳng Anh ở Thái Lan. Với ưu thế về kinh tế và quân sự, tư bản Mĩ ngày càng xâm nhập mạnh mẽ vào Thái Lan.
Sau luồng gió tự do dân chủ trong những năm 1946 -1947, Thái Lan thiết lập một chế độ độc tài quân sự từ những năm 40 đến những năm 70 của thế kỷ XX. trong thời gian này giới quân sự Thái Lan chi phối nền chính trị của đất nước nên các cuộc đảo chính quân sự thường xảy ra. Từ cuộc đảo chính tháng 11-1947 đến cuộc đảo chính 1957, hay những sự thay đổi Chính phủ liên tiếp trong những năm 70 đều do giới quân sự tiến hành mà mục tiêu của nó là thiết lập một chế độ độc tài quân sự, chống lại các tư tưởng tự do dân chủ, đặc biệt là đàn áp những người cộng sản, thi hành chính sách thân Mĩ, chống lại cách mạng Đông Dương. Vì vậy, trong tháng 9, 10-1950, Mĩ đã ký với chính quyền Thái Lan hiệp định viện trợ kinh tế và kỹ thuật Mĩ - Thái và hiệp định quân sự Mĩ - Thái. Tháng 9-1954, Thái Lan gia nhập khối phòng thủ Đông Nam Á (SEATO) và Bộ chỉ huy quân sự của khối này được đặt tại Băngcốc do các tướng lĩnh cao cấp Thái Lan đứng đầu. Vì vậy viện trợ kinh tế của Mĩ cho Thái Lan cũng không ngừng tăng lên. Nếu trong thời gian 1950 -1956, tổng số tiền viện trợ của Mĩ là 104,6 triệu USD thì đến năm 1957-1965 là 294 triệu USD. Đáng chú ý là sau 1965, khi Thái Lan tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam thì số viện trợ càng tăng nhanh: 1966: 56 triệu USD, 1967: 77 triệu USD, 1968: 100 triệu USD. Ngoài ra Nhật Bản, Tây Đức và Anh cũng tăng viện trợ cho Thái Lan.
Trong chiếc thòng lọng kinh tế và chính trị ngày càng thắt chặt, Chính phủ tư sản Thái Lan không ngừng tiếp tay cho đế quốc Mĩ thực hiện kế hoạch xâm lược Đông Dương. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Thái Lan đã thực sự trở thành một căn cứ quân sự của Mĩ. Trên lãnh thổ Thái Lan, 6 sân bay quân sự được xây dựng, trong đó có sân bay Utapao có thể đón nhận máy bay chiến lược B52 lên xuống. Cảng Satahip trở thành quân cảng lớn nhất ở Thái Lan dành cho tàu chiến Mĩ. Từ các căn cứ này, máy bay và tàu chiến Mĩ xuất kích đánh phá các nước Đông Dương. Hơn thế nữa Thái Lan còn trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Tháng 3-1967, một bộ phận sư đoàn “Rắn hổ mang” gồm 2300 lính Thái Lan được điều sang miền Nam Việt Nam. Cuối 1968, số binh lính Thái Lan ở chiến trường Việt Nam lên đến 5000 người. Tháng 2-1959, quân đoàn “Báo đen” gồm 1.2000 người sang gây tội ác ở Việt Nam. Đến tháng 4-1972 thì những tên lính Thái Lan mới rút khỏi Việt Nam.
Những chính sách đối nội và đối ngoại của Thái Lan càng làm cho tình hình kinh tế - xã hội trong nước thêm căng thẳng, không khí chính trị luôn ở trong trạng thái nghẹt thở. Vì vậy các cuộc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ luôn diễn ra. Trong những năm 60, đã có những tổ chức chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang chống nền độc tài quân sự: Tổ chức “Mặt trận yêu nước Thái Lan” chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang từ năm 1965. Đến 1968, quân du kích đã nổi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là họ đã tấn công vào cả sân bay Uđontani (tháng 8-1968)... Phối hợp đấu tranh là các tầng lớp trong xã hội. Từ những năm 70, sinh viên Thái Lan đã liên tiếp tổ chức đấu tranh chính trị, lôi kéo các tầng lớp khác trong xã hội tham gia (năm 1972 có 55 cuộc đấu tranh, năm 1973 có 128 cuộc bãi công với sự tham gia của 30 nghìn công nhân, viên chức...). Phong trào đấu tranh đặc biệt lên cao vào năm 1973, chính quyền đã phải huy động cảnh sát đàn áp làm 72 người bị chết. Nhà vua đã phải nhượng bộ, tổ chức bầu cử, thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, đến tháng 10-1976 các thế lực độc tài đã phản công. Quân đội và cảnh sát đã tấn công vào trường Đại học Thămmasắc làm 72 người chết, 200 người bị thương (6-10-1976), mở đầu chiến dịch khủng bố trong toàn quốc.
Mặc dù phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ bị khủng bố nhưng phái quân sự đã phải nhượng bộ. Sau sự kiện 1973, hoạt động của các đảng phái chính trị trở nên sôi động hơn và giai đoạn 1973 -1976 được xem là giai đoạn “thử nghiệm dân chủ ở Thái Lan”. Năm 1976, một Chính phủ Liên hiệp quân đội - dân sự được dựng lên. Tuy nhiên năm 1977 Chính phủ này lại bị lật đổ, quyền lãnh đạo đất nước lại thuộc về phe quân sự. Ngay trong nửa đầu thập kỷ 80, giới quân sự còn tiến hành thêm 5 cuộc đảo chính nhằm duy trì quyền lực của phái quân sự.
Sự ra đời của chế độ quân chủ lập hiến ở Thái Lan năm 1932 được gắn với phái quân sự và mãi đến năm 1978, quốc hội lưỡng viện mới được thành lập về hình thức. Có thể nói, lịch sử chính trị Thái Lan là lịch sử của việc quân đội nắm quyền lãnh đạo đất nước. Từ năm 1932 đến năm 1978, ở Thái Lan xảy ra 14 cuộc đảo chính với sự ra đời của 12 bản hiến pháp khác nhau. Nếu tính từ năm 1932 đến năm 1990, ở Thái Lan đã diễn ra 19 cuộc đảo chính quân sự, 17 lần thay đổi thủ tướng. Trong số 17 thủ tướng do bầu cử, cầm quyền tổng cộng 14 năm, 7 thủ tướng quân sự cầm quyền trong 43 năm .
Sự bất ổn định về chính trị, xã hội do giới quân sự mang lại càng làm cho nền kinh tế Thái Lan gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã trải qua hai thập niên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với bốn kế hoạch dài hạn (kế hoạch 6 năm lần thứ nhất 1961 - 1966, kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1967 - 1971, lần thứ ba 1971 - 1976, lần thứ tư 1977 - 1981) nhưng đại đa số nhân dân Thái Lan, đặc biệt là nông dân, hầu như không được hưởng lợi ích của sự phát triển. Vào đầu năm 1980, tỷ lệ dân cư sống trong tình trạng nghèo khó tuyệt đối ở miền Bắc là 36%, ở Đông Bắc là 27%, miền Nam 25%, miền Trung - khu vực phát triển nhất trong nước- cũng tới 12%, sự bất bình đẳng về thu nhập làm cho mâu thuẫn về xã hội thêm gay gắt, tạo thành mối đe doạ đối với sự ổn định chính trị của Thái Lan ngay từ bên trong.
Sự phát triển của nền nông nghiệp Thái Lan cho tới đầu những năm 80 của thế kỷ XX đều theo khuôn mẫu của những thế kỷ trước, vẫn áp dụng những kỹ thuật có năng suất thấp và phương pháp quảng canh. Về công nghiệp, mặc dù đã có những bước tiến lớn, thu hút được 7% lực lượng lao động toàn quốc và đóng góp 37% tổng sản phẩm quốc dân vào năm 1979, nhưng trong cơ cấu công nghiệp thì công nghiệp chế biến vẫn là quan trọng nhất, trong lúc đó các ngành công nghiệp đóng tàu và chế biến đã ở tình trạng bão hoà của thị trường nội địa và tình trạng giá nhập nguyên vật liệu cao.
Trước những sức ép về xã hội và những đòi hỏi của công cuộc phát triển của đất nước, Thái Lan đã tìm cách thoát ra bằng những cải cách về chính trị lẫn kinh tế và xã hội.
Về chính trị, Thái Lan từng bước dân chủ hóa đời sống chính trị đất nước, tạo ra những bước để thực hiện cơ chế dân chủ . Trước năm 1978, Hiến pháp Thái Lan quy định Quốc hội không do dân bầu mà do Chính phủ bổ nhiệm, với 2/3 số thành viên là các quan chức quân đội và cảnh sát. Đến năm 1978, sau thời kỳ đầu của dân chủ 1973 - 1976, bản hiến pháp 1978 đã có sự nhượng bộ của giới quân sự, thể hiện qua việc họ chấp nhận một Hạ nghị viện do bầu cử, giới quân sự vẫn nắm quyền chi phối việc bổ nhiệm các Thượng nghị sỹ để thông qua đó khống chế nền chính trị đất nước. Thượng viện được sử dụng như là công cụ của giới quân sự để họ thực thi quyền lực của mình. Tuy nhiên, sự thiếu vắng một nền dân chủ thực sự ở Thái Lan đã làm cho nền kinh tế bị kìm hãm. Bởi vì trong nền kinh tế tự do cạnh tranh phát triển thì độc tài về chính trị sẽ không còn phù hợp. Do vậy, ngày 11-10-1997, một bản hiến pháp mới được thông qua với quy định Thượng viện cũng được thành lập thông qua bầu cử. Hiến pháp 1997 đã tạo điều kiện cho sự tham gia của công dân và bộ máy chính trị, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các nhóm đặc quyền, đặc lợi, nhất là giới quân sự, trong nền chính trị Thái Lan. Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 4 - 3 - 2000 xem như đã mở ra "chương mới" cho nền chính trị Thái Lan, quá trình chuyển từ bộ máy lãnh đạo bị giới quân sự thao túng sang Chính phủ dân sự được thành lập thông qua bầu cử rộng rãi đã được bắt đầu, mặc dù còn nhiều thử thách (chẳng hạn như cảnh sát Thái Lan cho biết khoảng 540 triệu USD đã được trao tay trong việc mua bán phiêú bầu.(1) Nhưng đây là một xu thế không thể đảo ngược mà một số nước trong khu vực cũng vừa trải qua (cuộc tổng tuyển cử ở Inđôniaxia ngày 7 - 6 - 1999, Malaixia ngày 29 - 11 - 1999).
Về kinh tế, những khó khăn của đất nước đã làm cho Thái Lan tìm đến một chiến lược kinh tế mới, chiến lược công nghiệp hoá hướng vào xuất khẩu. Đây là chiến lược đã và đang thực hiện có kết quả tốt ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapo . Để thực hiện chiến lược này, Thái Lan đã chọn những ngành công nghiệp mà đất nước mình có lợi thế, như ngành chế biến thực phẩm, dệt, các nghề thủ công truyền thống (chế tạo đá quý, đồ trang sức...), đồng thời chủ trương phát triển các ngành công nghiệp điện tử, hoá dầu, chế tạo ôtô và một số ngành kỹ thuật cao khác.
Điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế là Thái Lan đã tính đến cả nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế. Trong chiến lược kinh tế, nông thôn được xem là ở hàng đầu, gắn với kế hoạch công nghiệp hoá. Bên cạnh những chiến lược phát triển kinh tế đó, Thái Lan đã ban bố luật đầu tư hết sức hấp dẫn, giành nhiều ưu đãi cho các nhà kinh doanh nước ngoài: Miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị, máy móc, miễn thuế thu nhập từ 3 đến 8 năm ... Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội lần thứ năm được đưa ra tháng 10 - 1981 là đi theo chiến lược phát triển kinh tế này. Chính Thủ tướng Breni Tinxulanon đã tập hợp trí tuệ của hơn 700 chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước để vạch ra các biện pháp phát triển.
Nhờ các chiến lược phát triển đúng đắn, Chính phủ Thái Lan đã thành công trong việc phục hồi nền kinh tế của đất nước. Năm 1986, năm kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc dân 5 năm lần thứ năm được xem là năm phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế Thái Lan: tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt 7%, giá trị xuất khẩu tăng 39,5% so với năm 1985. Nếu những năm 60 nông nghiệp chiếm 40% tổng thu nhập quốc dân thì năm 1986 chỉ còn 17%. Lạm phát giảm từ 11,6% trong những năm trước xuống còn 2,8%. Đồng thời, chương trình phát triển nông thôn thu được những kết quả to lớn.
Được khích lệ bởi những thành tựu trên, nền kinh tế Thái Lan tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Đến năm 1988, giá trị sản phẩm công nghiệp tính theo đầu người của Thái Lan đã gấp hai lần so với Inđôniaxia, ngang với Đài Loan, Tổng thu nhập quốc dân đạt 47 tỷ USD. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng năm 1988 được đánh dấu như là năm "cất cánh" của nền kinh tế Thái Lan. Năm 1988, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%, tiếp đó, năm 1989 là 12% và năm 1990 là 10%. Bước vào thập kỷ 90, tốc độ tẳng trưởng ổn định ở mức 7 - 8%. Tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người năm 1990 là 1.418 USD, 1992 là 1.605 USD, 1993 là 1.905 USD, 1994 là 2.085 USD.
Như vậy, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Thái Lan đã từng bước biến đổi để trở thành một nước có nền kinh tế nông, công nghiệp khá phát triển. Thái Lan đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hai mũi nhọn chính của nền kinh tế Thái Lan là ngành dịch vụ và công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, những khuyết tật trong hệ thống chính trị của Thái Lan cùng các nhân tố khác đã làm bùng nổ cơn khủng khoảng tài chính - tiền tệ năm 1997, làm cho nền kinh tế đang trên đà "cất cánh" bị chao đảo. Do vậy, mặc dù không khí đen tối của cuộc khủng hoảng vẫn bao trùm, nhưng Hiến pháp năm 1997 vẫn được đưa ra. Điều này càng khẳng định quyết tâm của Thái Lan đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp mới (NIC) trong thời gian tới.
Đến nay, kinh tế Thái Lan đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 - 1998. Năm 1999, dự trữ ngoại tệ của Thái Lan đã được khôi phục ở mức cao hơn dự trữ trước khi sự khủng hoảng nổ ra. Tốc độ tăng sản lượng công nghiệp chế tạo - một mũi nhọn của kinh tế Thái Lan, đã lên tới 9% năm 1999. Những tiến bộ ở Thái Lan đã đưa nước này lên hàng các quốc gia dẫn đâù quá trình phục hồi kinh tế châu Á.
Sự phát triển của nền kinh tế trong hai thập kỷ qua là cơ sở đảm bảo cho Thái Lan thi hành một chính sách đối ngoại chủ động hơn trong quan hệ quốc tế. Trong quan hệ với Mĩ, Nhật, Tây Âu, Thái Lan đã chủ động hơn, mặc dù các mối quan hệ này vẫn được Thái Lan xem là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình. Bên cạnh đó, Thái Lan có quan hệ gắn bó với Trung Quốc. Đối với các nước Đông Dương, chính sách của Thái Lan đã có những thay đổi lớn. Năm 1988, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Xạtxai Chuhavan đưa ra chủ trương "biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường" và từ chỗ là nước mâu thuẫn gay gắt nhất với ba nước Đông Dương trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã từng bước xoá bỏ mâu thuẫn, cùng giải quyết vấn đề Cămpuchia, cải thiện quan hệ với ba nước Đông Dương và tạo điều kiện để xây dựng tư tưởng "ASEAN 10" thành công.
Văn Ngọc Thành