Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học

Phạm Vĩnh Cư


Trong số những nhà văn hoá hoạt động ở Nga nửa sau thế kỷ XIX, Vladimir Soloviev (1853-1900) chiếm giữ một vị trí cao quý đặc biệt. Theo sự đánh giá nhất trí của người Nga, ông là triết gia lớn nhất của nước Nga, là “một biểu hiện ngời sáng của thiên tài triết học Nga”, “một tên tuổi mà chúng ta (những người Nga - P.V.C.) có thể đem ra đối sánh với những cây đuốc vĩ đại của triết học thế giới” (lời của S. L. Frank, một hiền triết lớn của thế kỷ XX). Sự nghiệp của Soloviev là một kỳ công mà ngay những đối thủ tư tưởng của ông cũng không phủ nhận. Trước Soloviev, nước Nga với lịch sử nghìn năm chưa có nền triết học của riêng mình, mà mới chỉ có những tư tưởng triết học, chúng nảy sinh nhiều hơn cả trong thế kỷ XIX được gọi chuẩn xác là “thế kỷ vàng” của văn hoá Nga. Trong thế kỷ ấy, khi mà nhân loại chứng kiến “phép lạ” của sự lớn mạnh vượt bậc của văn học Nga, từ nền văn học chưa có nhiều thành tựu lớn trong vòng chỉ năm - sáu thập niên đã trở thành một trong những nền văn chương vĩ đại nhất thế giới - vĩ đại không chỉ vì khối lượng đồ sộ những kiệt tác mà nó đã làm nên, mà còn vì chiều sâu nhân bản đặc biệt của nó, vì những nhận chân và những cật vấn về thế giới và con người mà nó đặt ra - cũng trong thế kỷ ấy hơn một nhà tư tưởng Nga ấp ủ hoài bão kiến tạo những học thuyết triết học có sức cạnh tranh với những học thuyết của các đại gia Tây Âu cùng thời. Nhưng công việc ấy hoá ra chỉ vừa sức với một mình Soloviev. Chỉ Soloviev bằng hệ thống triết học của mình - một hệ thống đa diện, sâu sắc, độc đáo, đi ngược lại dòng chủ lưu của triết học phương Tây, gắn nối triết học với tư cách một hình thức nhận thức thế giới với những bình diện cốt yếu khác của tồn tại con người - mới khẳng định được mình như một triết gia có tầm cỡ thế giới, đặt nền móng vững chắc cho truyền thống triết học của dân tộc mình. Sáng tác triết học của Soloviev - “triết gia số một của nước Nga” (tương tự như Pushkin là nhà thơ Nga số một) ngay sinh thời và nhất là sau khi ông qua đời đã tác động mãnh liệt đến tư tưởng triết học ở nước ông, gây nên trong nó một thứ “phản ứng dây truyền”, thể hiện ở sự ra đời trong vòng chỉ vài thập niên bản lề giữa hai thế kỷ XIX và XX cả một dòng triết học hùng mạnh, nhuần thấm bản sắc dân tộc và chứa chan ý nghĩa toàn nhân loại - đó là triết học tâm linh-tín ngưỡng, triết học tôn giáo luận, triết học về cái thiêng, cái chân tồn và vĩnh tồn, về những lợi ích cao nhất của nhân sinh. Là người khởi xướng và đại diện lớn nhất của dòng triết luận ấy, Soloviev tuy nhiên không khép mình trong hoạt động triết học thuần túy. Được phú bẩm nhiều tài năng xuất chúng và sống bằng nhiều mối quan tâm tinh thần nồng cháy, Soloviev trong cuộc đời bốn mươi bảy tuổi đã thể hiện mình còn như một nhà thần học sâu sắc và một nhà hoạt động tôn giáo nhiệt thành và nhìn xa thấy rộng, một cây bút chính luận kiệt xuất, một nhà phê bình văn học sắc sảo, tinh tế và một nhà thơ có biệt tài, mà những thi phẩm đã trực tiếp cổ vũ sự ra đời cả một trào lưu văn chương mới - chủ nghĩa tượng trưng Nga với những tên tuổi cự phách như A. Blok, A. Belyi, V. Ivanov… Cái chết quá sớm đã không cho phép Soloviev hoàn thành nhiều tác phẩm quan trọng, thực hiện nhiều ý đồ sáng tạo mà ông ấp ủ suốt đời. Nhưng những gì ông để lại đã trở thành tài sản tinh thần quý giá không chỉ của dân tộc Nga. Triết học Soloviev, không trở thành thời thượng và thậm chí nhiều năm bị bài xích và lãng quên ở chính đất nước ông, trong suốt một thế kỷ qua không ngừng chiêu mộ độc giả chọn lọc ở nhiều nước trên thế giới, họ hợp thành những hiệp hội quốc gia và quốc tế quảng bá, nghiên cứu, phát triển những tư tưởng của ông. Hiện nay, khi Soloviev đã được trả lại vị trí triết gia lớn nhất, niềm tự hào của nước Nga, trên trường quốc tế, nơi những trước tác của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, ngày càng vang lên nhiều tiếng nói nhìn nhận triết học và thần học Soloviev như một đỉnh điểm chót vót, mở ra những chân trời rất xa rộng cho tư tưởng loài người. Sinh thời còn xa mới được nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, nhiều khi bị lạc lõng, cô đơn trong thời đại của mình, Vladimir Soloviev giờ đây đang phát huy mạnh mẽ sức sống, sức ảnh hưởng và cộng hưởng trong đời sống tinh thần của thế giới hiện đại.

I- Con người và đường đời

1- Khởi phát của một triết gia thần-nhân luận

Vladimir Sergejevich Soloviev sinh ngày 16 tháng 1 năm 1853 (theo lịch Nga cũ) tại Moskva, trong một gia đình đại trí thức. Thân phụ của ông, Sergei Mikhailovich Soloviev (1820-1879) là một sử gia rất nổi tiếng, có tư tưởng tiến bộ, tác giả bộ Lịch sử nước Nga đồ sộ nhất trong thế kỷ XIX (29 tập) và là giáo sư và hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Moskva. Rất bận với công việc khoa học và giảng dạy, ông hầu như không còn thì giờ để chăm sóc những đứa con của mình (mà cả thảy có những 12 người), tuy vậy tinh thần yêu chuộng tự do, công lý, căm ghét cường quyền, bạo lực, toát ra từ toàn bộ trước thuật và nhân cách của người cha, đã thấm sâu từ thời niên thiếu và ở lại mãi mãi trong Vladimir Soloviev, làm nên một tố chất quan trọng trong hệ tư tưởng của ông. Ông nội Soloviev là một linh mục đạo Kitô chính thống; đức tin tôn giáo sâu sắc, lòng đôn hậu ở con người này, kết hợp với óc trào lộng hóm hỉnh thích vui đùa, hình như đã di truyền cho đứa cháu trai lỗi lạc của ông. Soloviev suốt đời ngưỡng kính cha và ông mình và sẽ đề tặng hương hồn họ tác phẩm triết học lớn nhất của mình - Biện chứng cái thiện. Sự qua đời của người cha yêu kính vào tuổi chưa đầy 60, giữa lúc tài năng khoa học của ông đang rộ nở, đã trở thành một trong những trải nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời của Soloviev, xúc tác sự hình thành sớm trong triết học và thơ ca của ông một môtip nổi trội thường trực - môtip không chấp nhận cái chết, môtip khát vọng bất tử được quan niệm như là kiểu tồn tại xứng đáng duy nhất với con người. Thân mẫu Soloviev - người đảm đương mọi việc trong gia đình và trực tiếp lo lắng giáo dưỡng con cái, trong đó một số người sẽ thành tài trong lĩnh vực văn chương và học thuật - mang trong mình hai dòng máu: Tiểu Nga (Ucraina) và Ba Lan. Phải chăng điều ấy giải thích một phần mối cảm tình nồng nàn của Soloviev đối với dân tộc Ba Lan, thời ấy còn mất nước, bị biến thành một bộ phận không bình đẳng trong đế quốc Nga khổng lồ. Người Ba Lan tuyệt đại đa số theo đạo Công giáo. Mối cảm tình đối với dân tộc ấy sau này sẽ trở thành một trong những nhân tố thôi thúc Soloviev dành rất nhiều công sức đấu tranh cho sự hoà giải và hoà hợp hai giáo hội lớn nhất thù địch lẫn nhau của đạo Kitô - Công giáo và Chính giáo.

Về thời thơ ấu và niên thiếu của Soloviev, chúng ta có không nhiều tư liệu. Có điều chắc chắn là từ nhỏ ông đã ham học và học giỏi. 16 tuổi, ông tốt nghiệp trung học với huy chương vàng. Nhà triết học tương lai thông thạo nhiều ngoại ngữ - ngoài những Âu ngữ chính: Pháp, Đức, Anh, Ý, Hy lạp, Latinh, Soloviev còn biết nhiều tiếng Xlavơ và đọc không khó khăn Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái cổ và cuối đời cả kinh Coran bằng tiếng Arập. Sự uyên bác lạ thường, am thông đông tây kim cổ sau này sẽ cho phép Soloviev cất tiếng nói có trọng lượng về rất nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực rất xa nhau (bạn đọc cuốn sách này có thể nhận biết điều đó thí dụ qua thiên khảo luận Trung quốc và châu Âu). Về sự phát triển tinh thần của Soloviev từ tuổi thiếu niên sang thanh niên chúng ta có những hồi ký đáng tin cậy của nhà triết học L. Lopatin, từ nhỏ chơi thân với ông. Như L. Lopatin kể lại, con người ấy, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống sùng đạo, thời nhỏ cũng tỏ ra rất mộ đạo. Thế nhưng từ 13-14 tuổi, Soloviev đã trải qua một thời kỳ say mê chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần - say mê cuồng nhiệt đến nỗi không chịu đi lễ nhà thờ nữa và có lần đã bực tức vứt ra khỏi buồng mình những bức tranh thờ, khiến người cha vốn hiền hậu của ông phải nổi giận. Sau này chính Soloviev nói hóm hỉnh rằng thời ấy trong tâm thức ông sách giáo lý của giáo chủ Nga Filaret đã bị thay thế bằng sách giáo lý của Mochelotte và Buchner - hai nhà duy vật chủ nghĩa dung tục của Tây Âu làm mưa làm gió một thời. Cùng với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần, người thanh niên Soloviev cũng say mê tìm hiểu những học thuyết xã hội chủ nghĩa, đọc nhiều trước tác của những người khởi xướng phong trào này. Một số yếu tố xã hội chủ nghĩa - lòng yêu chuộng công bằng bác ái xã hội, sự khẳng định quan hệ liên đới giữa xã hội và cá nhân, sự phủ nhận sở hữu tư nhân như là nền tảng bất di bất dịch của tổ chức xã hội - sẽ mãi mãi ở lại trong tư tưởng Soloviev. Nhưng cũng trong những năm niên thiếu ấy, Soloviev bắt đầu mê say khám phá triết học thế giới, và ở đây mối tình đầu của ông là nhà triết học Hà Lan gốc Do Thái Baruch Spinoza (1632-1677), người đã đồng nhất Thượng Đế với thiên nhiên, tôn thờ thiên nhiên như Thượng Đế. Ở Spinoza trực giác sống động về bản thể thần thánh thống nhất của vạn vật kết hợp với một lối tư duy mang tính lôgic hình thức rất chặt chẽ - cả hai tố chất này ta sẽ tìm thấy trong triết học và thần học Soloviev sau này, chúng làm nên nét đặc trưng dễ nhận thấy của ngòi bút Soloviev.

Với niềm say mê khoa học tự nhiên và một phần bị thu phục bởi thuyết tiến hoá của Darwin, Soloviev sau khi tốt nghiệp trung học vào học khoa toán-lý Đại học tổng hợp Moskva, chọn chuyên ngành lịch sử tự nhiên. Ba năm ông miệt mài nghiên cứu khoa học về sự sống, đặc biệt về thế giới động vật dưới sự hướng dẫn của những giáo sư có uy tín - những kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực này sẽ bộc lộ trong nhiều công trình triết học của ông. Nhưng sang năm thứ tư, Soloviev bỗng nhiên bỏ học: khoa học thực chứng, với tất cả những thành tựu vang dội của nó, đã không còn thỏa mãn người thanh niên khao khát tìm tới chân lý cuối cùng về thế giới và con người. Soloviev chuyển sang học dự thính khoa văn-sử, chỉ đi nghe những bài giảng về triết học và sau một năm thi tốt nghiệp đặc cách. Luận văn tốt nghiệp của ông - Tiến trình thần thoại trong thế giới đa thần cổ đại (1873) - được công bố trên Tạp chí của Bộ giáo dục quốc dân Nga, cho đến ngày nay vẫn chưa mất giá trị khoa học. Ngay sau khi ra trường, Soloviev bất ngờ cho tất cả những người thân, xin vào học dự thính tại Chủng viện Chính giáo Moskva, miệt mài nghiên cứu thần học và giáo thuyết của đạo Kitô, nhưng chỉ sau một năm giã từ chủng viện, trở về với triết học, nhanh chóng hoàn thành và, 21 tuổi đời, bảo vệ thành công mỹ mãn luận án thạc sĩ dưới tiêu đề tự nó nói lên sức bao quát của công trình - Sự khủng hoảng của triết học phương Tây (chống chủ nghĩa thực chứng). Chính sau cuộc bảo vệ này, một sử gia, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga đã nói một câu được nhanh chóng lan truyền trong giới học thuật: “Hình như có thể chúc mừng nước Nga có thêm một thiên tài”.

Chỉ qua những sự kiện bên ngoài vừa mới điểm, ta có thể ít nhiều hình dung được hành trình tinh thần khúc khuỷu và quyết liệt, diễn ra với vận tốc lớn bên trong người thanh niên Soloviev. Những bức thư còn lưu giữ được của ông gửi một người em gái họ, yêu ông say đắm và cũng được ông thương yêu, cho thấy đến tuổi hai mươi, ở Soloviev đã hình thành một thế giới quan và nhân sinh quan xác định mà thực chất sẽ không biến đổi trong suốt cuộc đời còn lại của ông. Trong bức thư đề ngày 31 tháng 12 năm 1872, ông tâm sự với người yêu: “Anh rất vui mừng trước thái độ nghiêm túc của em đối với vấn đề lớn nhất (và theo anh là duy nhất) của cuộc sống và tri thức - vấn đề tôn giáo (…) Chúng ta biết rằng tất cả những nhà tư tưởng vĩ đại - niềm vinh quang của loài người - đều là những người tin đạo một cách chân chính và sâu sắc (…) Bacon, người sáng lập khoa học chính thực, đã nói một câu nổi tiếng: “Một ít trí thông minh, một ít triết học đẩy con người rời xa Thượng Đế, nhiều trí thông minh hơn, nhiều triết học hơn lại dẫn đến với Ngài” (…) Một tín đồ Kitô giáo có ý thức, thông hiểu bằng trí tuệ học thuyết của đạo Kitô, tìm thấy trong đó giải pháp cho mọi nan vấn cao nhất của trí thức - một kho tàng tư tưởng phong phú và sâu sắc đến mức trước nó mọi hư cấu của trí khôn con người đều đáng thương hại”. Tiếp theo, Soloviev thuật lại quá trình khổ ải của mình trở về với đức tin tôn giáo: “Vào tuổi ấy (thời niên thiếu - P. V. C.) anh không chỉ hoài nghi và phủ định những niềm tin trước đây của mình, mà còn căm ghét chúng bằng cả trái tim - thật xấu hổ nhớ lại những điều báng bổ thánh thần hết sức ngu ngốc mà anh đã nói và làm. Rốt cuộc là tất cả mọi niềm tin đều bị bác bỏ và trí tuệ non trẻ thấy mình được tự do hoàn toàn. Nhiều người dừng lại ở cái tự do khỏi mọi xác tín ấy và thậm chí còn rất kiêu hãnh về nó. Còn những ai không có khả năng thỏa mãn với số phận ấy thì cố gắng tạo ra một hệ thống xác tín mới kế vị hệ thống cũ, thay thế tín ngưỡng bằng tri thức duy lý. Và họ hướng tới khoa học thực chứng, nhưng cái khoa học ấy không thể tạo nên những xác tín minh tuệ, bởi vì nó chỉ biết có thực tại bên ngoài, chỉ rặt những thực tại và không có cái gì khác; ý nghĩa chân chính của thực tại, sự giải thích thấu đáo thiên nhiên và con người - cái đó khoa học không làm nổi. Một số người tìm đến với triết học trừu tượng, song nền triết học ấy luôn luôn ở lại trong lĩnh vực tư duy lôgic; thực tế, cuộc sống không tồn tại đối với nó. Nhưng xác tín thực thụ của con người thì không thể mang tính trừu tượng, mà phải là sống động, phải thẩm thấu không chỉ lý trí, mà toàn bộ sinh linh tinh thần của nó. Một xác tín sống như thế cả khoa học lẫn triết học đều không thể đem lại. Vậy tìm nó ở đâu? Thế là một tâm trạng tuyệt vọng khủng khiếp ập đến - một sự trống rỗng hoàn toàn bên trong, bóng tối và sự chết trong khi mình đương sống. Nhưng bóng tối ấy là khởi điểm của ánh sáng; bởi vì khi mà con người bắt buộc phải nói: tôi không là gì cả, - bằng cách ấy nó nói: Thượng Đế là tất cả”.

Như vậy, không thỏa mãn với cả khoa học thực chứng lẫn triết học tư biện, người thanh niên Soloviev sớm trở về với tôn giáo, nhìn thấy ở đức tin tôn giáo vấn đề hệ trọng nhất, thiết yếu nhất của đời sống con người. Thế nhưng tình trạng tôn giáo thời ấy lại cũng không thỏa mãn Soloviev một tí nào. “Tôn giáo thời nay là một cái gì đó đáng thương đến thảm hại, - Soloviev sẽ nói sau này trong một bài thuyết trình công cộng, - nếu nói đúng thì tôn giáo với tư cách một yếu tố thống ngự, một trung tâm của lực hấp dẫn tinh thần, tuyệt không còn nữa, mà thay thế nó có một cái gì đó được gọi là “tính mộ đạo” - như là một não trạng, một thị hiếu cá nhân: ở người này có, ở người kia không có, chẳng khác nào có những người yêu và những người không yêu âm nhạc”. Nguyên nhân của tình trạng ấy Soloviev nhìn thấy ở những sai lầm lịch sử của các tôn giáo, trong trường hợp cụ thể này là của đạo Kitô. Trong một bức thư khác gửi cũng người em gái họ ấy, ông viết: “Bản thân đạo Kitô trong lịch sử của mình đã chịu ảnh hưởng của cuộc sống sai trái, của cái ác mà lẽ ra nó phải tiêu diệt; và sự sai trái ấy đã làm tối, đã che khuất tôn giáo ấy đến nỗi ngày nay hiểu được chân lý từ trong nội bộ đạo Kitô hay tự mình tìm đến chân lý ấy đều là việc khó khăn như nhau”. Soloviev sẽ luôn luôn giữ thái độ phê phán không những đối với những lầm lỗi thực tiễn lịch sử của đạo Kitô, mà cả đối với nền thần học của nó, nhất là trong giáo hội Chính thống - một nền thần học đã chững lại không phát triển hơn nghìn năm, đã không quan tâm thích đáng đến nhân học, không làm sáng rõ tận tường chân lý về con người và quan hệ của nó với thánh thần và trong vũ trụ luận của mình đã tụt hậu quá xa, mâu thuẫn sâu sắc với những kết luận của khoa học thực nghiệm. Từ đấy mà Soloviev đặt ra cho mình nhiệm vụ “dẫn đưa nội dung vĩnh hằng của đạo Kitô vào một hình thức mới tương thích với nó, tức là hình thức hữu trí tuyệt đối”, có sức thu phục và cải hoá nhân quần. Việc ấy chỉ có thể làm được bằng cách thực hiện một cuộc tổng hợp giữa tôn giáo với triết học và khoa học hiện đại. Nhà tư tưởng trẻ ý thức rất rõ sự khó khăn vô cùng của công việc ấy nhưng quyết tâm cống hiến cả cuộc đời mình cho nó. Ông chối từ hạnh phúc cá nhân, chia tay với người bạn gái tâm tình của mình và sẽ không bao giờ lập gia đình riêng, nhìn thấy ở đó một trở ngại cho sự nghiệp của mình. Về phương diện này, Soloviev chỉ noi gót nhiều triết nhân lớn đi trước ông, từ Platon đến Kant. Nét đặc biệt của ông so với họ là ông sẽ suốt đời sống như một lữ khách trên mặt đất này, trú ngụ nay đây mai đó, không bao giờ có nơi ăn chốn ở ổn định, song điều đó không cản trở ông viết nên nhiều công trình đồ sộ hết sức hàn lâm.

Tác phẩm đầu tiên của Soloviev, vừa hàn lâm vừa táo bạo về tư tưởng, khẳng định con đường riêng của ông đi ngược dòng chủ lưu của triết học Tây Âu là luận văn thạc sĩ mà chúng tôi đã nói đến. Sau luận văn này, Soloviev được giữ lại làm giảng viên Đại học tổng hợp Moskva, nhưng chỉ ba năm sau, không chịu đựng được sự kèn cựa phe phái trong giới các đồng nghiệp, ông chuyển sang làm phó giáo sư Đại học tổng hợp Peterburg, đồng thời giữ chức ủy viên hội đồng khoa học của Bộ giáo dục quốc dân Nga. Giữa hai sự kiện bên ngoài ấy có một sự kiện khác, kỳ bí sẽ đặt dấu ấn sâu sắc lên toàn bộ sáng tác của Soloviev. Năm 1875 ông được cử sang London nghiên cứu triết học thần bí Tây Âu trung cổ. Soloviev, ngoài những gì chúng ta đã biết về ông, còn là một nhà ngoại cảm và nhà thần hiệp. Tại London, khi ông đang dùi mài kinh sử, một hôm ông bỗng nghe thấy tiếng nói của một sinh linh vô hình kêu gọi ông sang Ai Cập vì một cuộc hội ngộ kỳ diệu. Soloviev đã nghe theo tiếng gọi ấy, và tại Ai Cập ban đêm giữa sa mạc ông đã thấy tận mắt và nghe những lời cổ lệ của một sinh linh nữ giới hiện ra trước ông trong ánh hào quang rực rỡ. (Cuộc kỳ ngộ này sẽ được vĩnh cửu hoá trong một loạt thi phẩm của ông.) Trong linh thị ấy, Soloviev nhận ra sự hiển hiện của Nữ tính Vĩnh hằng hay là Linh hồn Vũ trụ, trong kinh sách Kitô giáo còn được gọi là Sophia - Minh triết của Chúa Trời. Từ đấy, nhà triết học và nhà thơ tài hoa (Soloviev sáng tác thơ từ thời niên thiếu, thi phẩm sớm nhất của ông còn lưu giữ được viết năm 1872) xác định mình là một hiệp sĩ trọn đời phụng sự Nữ tính Vĩnh hằng thần thánh. Trong sáng tác triết học, linh thị nói trên đã làm cơ sở cho Soloviev kiến tạo học thuyết về Sophia (sophiologie), nó cũng là học thuyết về Thần-Nhân loại (bởi vì, theo Soloviev, Sophia là nhân loại lý tưởng trong ý đồ của Thượng Đế). Học thuyết này trong thế kỷ XX sẽ được nhiều triết gia Nga lỗi lạc (Florenski, Bulgakov,Viacheslav Ivanov…) phát triển sâu rộng và hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều học giả phương Tây cũng như phương Đông (Đức, Pháp, Nhật).

Học thuyết về Thần-Nhân loại, mà nội dung chúng tôi sẽ còn nói đến, lần đầu tiên được Soloviev trình bày có hệ thống trong một loạt buổi thuyết trình công cộng tại Peterburg vào mùa xuân 1878. Là một bước phát triển mới, mạnh bạo thần học và nhân học Kitô giáo, nó đã làm chấn động dư luận trong giới trí thức thượng lưu Nga thời ấy (chỉ cần nêu một chi tiết: cả Dostoievski lẫn Lev Tolstoi đều thấy cần phải đến nghe những buổi thuyết trình ấy), nhưng lại gây ra sự dị nghị lớn trong giới tăng lữ chính thống không tìm thấy trong kinh sách một lời nào về Thần-Nhân loại - quả thật, từ ngữ và khái niệm này là sáng tạo thuần túy của Soloviev. Bằng Những thuyết trình về Thần-Nhân loại (được in thành sách ngay năm 1881) Soloviev xuất hiện như là một nhà thần học thế tục không có tiền bối trong xã hội Nga (nếu không kể đến Khomiakov, nhà thần học nghiệp dư mà những trước tác lúc ấy đa số chưa được công bố). Cùng với thần học, cũng trong những năm ấy, Soloviev nhanh chóng phác thảo hệ thống triết học của mình bao gồm lý thuyết nhận thức, siêu hình học, đạo đức học và triết học lịch sử được trình bày tập trung trong hai tác phẩm: Những nguyên lý triết học của tri thức toàn vẹn (1877) và Phê phán những nguyên lý trừu tượng (1877-1880), công trình sau, có quy mô lớn, được Soloviev bảo vệ thành công vang dội như là luận án tiến sĩ triết học vào năm 1880.

Danh giá của Soloviev như một triết gia và một diễn giả có tài hùng biện xuất chúng đương nổi như cồn thì một bước ngoặt trong đời đã đột ngột xảy ra với ông. Tháng 3 năm 1881 Sa hoàng Alexandre đệ Nhị bị những người cách mạng ám sát. Tuyệt không đồng tình với những người đã giết vua Nga, nhìn thấy ở hành động của họ triệu chứng của một căn bệnh trầm kha của cả xã hội Nga, Soloviev tuy vậy trong một buổi diễn thuyết công cộng vẫn tuyên bố dõng dạc: Sa hoàng mới phải ân xá cho các phạm nhân vì sự nghiệp hoà giải dân tộc và để chứng minh mình là con chiên chân chính của Chúa Kitô. Không dừng lại ở đấy, nhà triết học của chúng ta còn viết thư trực tiếp cho Alexandre đệ Tam, một lần nữa khuyến nghị ân xá những người đã giết chết cha ông ta. Nhà văn Nga số một thời ấy, Lev Tolstoi cũng làm như thế, nhưng ý kiến của cả hai người đã đều không được đếm xỉa. Song nếu nhà đương cục không dám đụng đến Tolstoi, thì với Soloviev người ta đã xử lý khắc nghiệt hơn. Chiếu cố đến việc ông là con một sử gia trứ danh có công với tổ quốc, người ta đã chỉ trừng phạt ông bằng cách yêu cầu từ bỏ nghề nhà giáo và từ nay trở đi không được diễn thuyết công cộng, trừ những trường hợp được chính quyền cho phép. Trước Soloviev chỉ còn lại một con đường: sống bằng ngòi bút của mình. Ông tạm thời gác lại triết học, chuyển sang viết chính luận, hoạt động xã hội và tôn giáo.

2. Đấu tranh cho thần quyền và nhân quyền

Soloviev, theo ngay khí chất bẩm sinh của mình, là một chiến sĩ. Giả sử có điều kiện, ông cũng sẽ không sống một cuộc sống phẳng lặng, tĩnh tại, chỉ dạy học và viết sách như Kant, Hegel, Schelling - những đại triết gia mà ông kính nể và muốn đua tài thi sức với họ. Đối với Soloviev, và về mặt này ông là một người Nga thực thụ, chỉ nhận thức và diễn đạt được chân lý là không đủ - điều quan trọng hơn là phải đưa nó vào cuộc sống, làm sao cho nó được thực hiện trong mọi hoạt động của con người và xã hội loài người. Tin tưởng sắt đá vào “chân lý vĩnh hằng của đạo Kitô”, nghiên cứu rất kỹ lịch sử của nó và lịch sử thế giới nói chung, Soloviev đau khổ nhận thấy rằng chân lý ấy mới chỉ ở lại trong tín ngưỡng, chứ chưa thẩm thấu đời sống của nhân loại Kitô giáo. Các dân tộc và quốc gia Kitô giáo trong nội bộ và nhất là trong quan hệ với nhau vẫn tiếp sống không theo giới luật của Chúa Trời và những răn dạy của Kitô, mà theo luật “tự nhiên”, luật người với người là chó sói, tạo căn cứ cho phong trào phản tôn giáo, cho chủ nghĩa thế tục ngày một ưu thắng. Bản thân đạo Kitô từ một giáo hội thống nhất có quy mô toàn cầu, từ lâu đã chia xẻ thành nhiều giáo phái thù địch và phủ định lẫn nhau. Sự thù địch, quay lưng lại nhau ấy, theo Soloviev làm suy giảm trầm trọng sức mạnh của đạo Kitô, trực tiếp cản trở sự nghiệp thiêng liêng - thực hiện công lý của Chúa Trời trong thế gian này. Đặc biệt, theo Soloviev, sự chia rẽ giữa đạo Công giáo và Chính giáo là không thể chấp nhận, vì nó không có một cơ sở giáo lý nào nghiêm túc mà chỉ là hệ quả của chính sách không đúng đắn của cả hai giáo hội. Tuyên xưng một đạo Kitô thống nhất hợp quần toàn thế giới (theo đúng biểu thức tín ngưỡng của đạo này), Soloviev nhìn thấy sứ mệnh của mình ở việc hoà giải và hoà hợp hai giáo hội anh em, ý thức đầy đủ được rằng đây là công việc hết sức khó khăn gian khổ, vượt quá sức một cá nhân. Nhưng ông hy vọng bằng sức mạnh của lời nói chính luận của mình sẽ thu phục được nhân tâm, tập hợp được một đội ngũ những người cùng tư tưởng thuộc cả hai giáo hội Chính giáo và Công giáo, dần dần làm chuyển biến ý thức xã hội, tạo nên một phong trào đấu tranh cho sự thống nhất đạo Kitô. Trong tâm tưởng của mình, nhà triết học Nga khao khát một điều còn to lớn hơn rất nhiều - một thế giới đại đồng, mà trong đó đạo Kitô thống nhất, được tẩy rửa khỏi mọi lỗi lầm lịch sử, làm ngời sáng chân lý của mình như là tôn giáo Thần-Nhân loại, sẽ trở thành tín ngưỡng sống động, tự nguyện và có sức mạnh chi phối tất cả của toàn thể loài người, của mọi dân tộc và quốc gia. Thế giới ấy, mà Soloviev gọi là thế giới của “nền thần quyền tự do” (đối lập với thần quyền cưỡng chế đã và đang phá sản) sẽ là giai đoạn phát triển cao nhất và đích cuối cùng của lịch sử nhân loại. Để xác định những đường nét cụ thể của thế giới lý tưởng ấy, Soloviev dự kiến viết một công trình khổng lồ dưới tên chung Lịch sử và tương lai của thần quyền (nghiên cứu con đường lịch sử toàn thế giới đi tới cuộc sống chân chính) gồm ba quyển, trong đó chỉ hai quyển được hoàn thành, nhưng đều không được kiểm duyệt cho phép ấn hành ở trong nước, mà phải in ở nước ngoài; quyển thứ nhất,mang tên nói trên, ra mắt độc giả tại Serbie (Nam Tư ngày nay) năm 1887, quyển thứ hai dưới tiêu đề Nước Nga và Hội thánh toàn thế giới được viết bằng tiếng Pháp và xuất bản ở Paris năm 1888. Ngoài hai cuốn sách lớn này, trong thập niên 1880-1890 Soloviev đã viết hàng chục tác phẩm chính luận và khảo luận về vấn đề tôn giáo - tín ngưỡng, một số được in ở trong nước, một số phải công bố ở ngoài nước. Sau đây là tên một số tác phẩm quan trọng nhất: Về sự phân liệt trong nhân dân và xã hội Nga (1882), Cuộc tranh chấp vĩ đại và nền chính trị Kitô giáo (1883), Những cơ sở tâm linh của đời sống (1884), Người Do Thái với đạo Kitô (1884), Sự phát triển giáo thuyết của đạo Kitô (1885), Học thuyết của mười hai thánh tông đồ (1886), ý tưởng Nga (1888). Cũng trong thập niên này, Soloviev trao đổi thư từ và tiếp xúc với nhiều nhà hoạt động tôn giáo ở trong và ngoài nước, trong đó có một vài chức sắc cao cấp của đạo Công giáo và theo một số tư liệu đã hội kiến với chính Giáo hoàng Léon XIII. Quan niệm rằng đạo Kitô thống nhất toàn thế giới không thể thiếu được người lãnh đạo tối cao, Soloviev, hệt như một người công giáo chân tín, nhìn thấy người lãnh đạo ấy ở vị Giáo hoàng La Mã - người kế vị của thánh tông đồ Pierre (Phêro) đã được chính Chúa Kitô chỉ định chăn các con chiên của Ngài trên trái đất. Trong sách Nước Nga và Giáo hội toàn thế giới ông kêu gọi tất cả các dân tộc Xlavơ noi gương nhiều vị sư phụ của giáo hội phương Đông, thừa nhận uy tín tinh thần tối cao của vị giáo chủ thành Roma. Nhưng với toà thánh Vatican ông lại đưa ra những yêu sách mà nó đã bác bỏ ngay lập tức: a) thừa nhận tính đa dạng của các lễ thức mang bản sắc dân tộc - khu vực; b) thừa nhận quyền tự trị của các giáo hội dân tộc và liên dân tộc phương Đông. Tương truyền, Giáo hoàng Léon XIII đọc xong cuốn Nước Nga và Hội thánh toàn thế giới, mà trong đó Soloviev trình bày đầy đủ hơn cả học thuyết của mình về “nền thần quyền tự do” thống hợp toàn nhân loại, đã phán một câu: “Cái đó chỉ có thể xảy ra bằng phép mầu”. Phản ứng của giáo hội Nga còn gay gắt hơn: một loạt học giả chính thống đã đả kích Soloviev kịch liệt, báo chí Nga bị cấm không được đăng những bài viết của ông về đề tài tôn giáo.

Như vậy, tính bất khả thi của những ý đồ to tát của Soloviev về “cuộc tổng hoà giải và hoà hợp của thế giới Kitô giáo” trong bối cảnh thời ấy là quá rõ ràng. Nhưng, lạc lõng trong thời đại của mình, khát vọng của Soloviev sẽ từng bước trở thành hiện thực trong các thời đại sau. Phong trào vì một giáo hội toàn thế giới (oecuménisme), phát sinh từ những năm 30 thế kỷ trước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng (chúng được thể hiện thí dụ trong những văn kiện chính thức của công đồng Vatican II) hiện nay đánh giá rất cao những công lao của Soloviev, xem ông là một trong những bậc tiền bối và nhà tiên tri của mình. Có điều nhà tiên tri này đã phải hứng chịu số phận của một “người báo tin quá sớm về mùa xuân đến muộn”. Nếu ở ngoài nước còn có những người cảm tình với tư tưởng của ông, mặc dù họ thấy nó là không tưởng, thì ở trong nước Nga, nơi chủ nghĩa bảo thủ còn thống trị đầu óc của hàng giáo phẩm và tuyệt đại đa số giáo dân, Soloviev bị rơi vào thế cô lập hầu như tuyệt đối. Nhiều “chiến hữu” cũ của ông thuộc phái thân Xlavơ, trung thành với đạo Kitô chính thống hẹp hòi và coi nó là quốc hồn quốc túy của nước Nga, vĩnh viễn quay lưng lại với ông. Phái thân phương Tây, hồi ấy đã có ảnh hưởng trong xã hội Nga thì, do chủ nghĩa vô thần của mình, hoàn toàn bàng quan đối với những hoạt động tôn giáo của Soloviev. Bị căm ghét, bị hiểu lầm và bị thờ ơ, Soloviev không nao núng tinh thần, không đổi thay những chủ kiến của mình. Năm 1892, trong một bức thư gửi một đối thủ tư tưởng (V. Rozanov), ông viết: “Do tệ bài Giáo hoàng một phần gian dối, một phần thật thà một cách ngu ngốc nhưng trong mọi trường hợp đều phản đạo ở nước ta, tôi đã thấy và vẫn thấy là cần thiết chỉ ra cái ý nghĩa chính diện của hòn đá nền mà chính Kitô đã đặt (ngụ ý thiết chế giáo hoàng La Mã - P. V. C.), nhưng tôi không bao giờ xem hòn đá ấy là chính Hội thánh - không xem cái nền là cả toà nhà. Tôi cũng xa lạ với tính hạn hẹp La tinh (ám chỉ đạo Công giáo - P. V. C.), cũng như tính hạn hẹp Byzance (ám chỉ đạo Chính thống), hay Ausburg (ám chỉ giáo phái Luther), hay Genève (ám chỉ giáo phái Calvin). Tôn giáo của Thần Khí mà tôi tuyên xưng rộng lớn hơn và đồng thời có nội dung phong phú hơn tất cả các tôn giáo riêng rẽ: nó không phải là số tổng, cũng không phải là chất chiết xuất từ chúng, cũng như một con người toàn vẹn không phải là số tổng, cũng không phải là chất chiết xuất từ các cơ quan riêng rẽ của mình.” Để chứng tỏ mình vẫn trung thành với lý tưởng đạo Kitô thống nhất của toàn thế giới và đứng bên trên những dị biệt và xích mích giữa các giáo phái, Soloviev về cuối đời, khi mọi hy vọng về sự hoà giải và hoà hợp thế giới Kitô giáo đã tan biến, một lần với sự chứng kiến của mấy người quen đã thụ lễ ban thánh thể ở một nhà thờ Công giáo ở Moskva.

Chống chủ nghĩa giáo phái hẹp hòi, Soloviev trong hoạt động chính luận của mình đồng thời cũng cương quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Cái chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi ấy ở nước Nga thời Soloviev gắn với tư trào (hậu kỳ) thân Xlavơ và là hậu thuẫn tư tưởng cho chính sách sôvanh nước lớn của nhà nước Nga Sa hoàng. Soloviev thời trẻ chịu ảnh hưởng của hai nhà tư tưởng đã khởi xướng phong trào này mà tên tuổi ông luôn luôn đề cao - A Khomiakov ( 1804-1860) và I. Kirejevski (1806-1856). Ở họ, thái độ phê phán đối với nền văn minh tư sản phương Tây đi đôi với những nỗ lực tìm kiếm con đường phát triển riêng cho dân tộc mình. Soloviev trong những trước tác thuộc những năm 70 tán đồng những chí hướng ấy, khiến phái thân Xlavơ xem ông là người của mình. Nhưng từ đầu những năm 80, giữa Soloviev với những người thân Xlavơ bắt đầu bộc lộ những bất đồng tư tưởng sâu sắc. Tinh thần dân tộc, nơi Khomiakov và Kirejevski kết hợp với thái độ tỉnh táo phê phán những tệ nạn, ung nhọt xã hội, những lầm lạc trong quá khứ và hiện tại của dân tộc mình, ở những hậu sinh của họ thoái hoá thành óc sùng bái dân tộc, bài xích tất cả những gì ngoại lai, cổ xúy cho sự bành trướng của quốc gia mình, nhìn thấy ở đó sự thực hiện “sứ mệnh cứu thế” của người Đại Nga. Soloviev thì ngược lại, càng trưởng thành như là một nhà tư tưởng thì càng ghét cay ghét đắng óc tự phụ và chủ nghĩa ích kỷ dân tộc, càng không thỏa mãn với thực tại xã hội Nga, càng bất bình với nhiều mặt trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Xa hoàng. Dưới ánh sáng những nhận thức mới, ông xem xét lại hai vấn đề quan trọng trong hệ tư tưởng của mình: vấn đề thái độ đối với phương Tây và vấn đề con đường riêng của dân tộc Nga. Tuyệt không sùng mộ, không lý tưởng hoá xã hội phương Tây, mà ông có nhiều dịp quan sát tận mắt, Soloviev cương quyết bác bỏ luận điệu của phái thân Xlavơ về sự “mục nát” của phương Tây, khẳng định sự phát triển phong phú của nó trong quá khứ cũng như hiện tại. Nhìn thấy cả những mặt phải và những mặt trái của sự phát triển ấy, Soloviev cho rằng con đường mà xã hội phương Tây đã và đang đi có ý nghĩa toàn nhân loại và sẽ được lặp lại trong sự phát triển của các dân tộc chậm tiến hơn, trong đó có nước Nga. Vì thế đối lập mình với châu Âu, khẳng định mình là một nền văn minh độc lập, có con đường phát triển riêng, khác hẳn phương Tây, như những nhà tư tưởng thân Xlavơ (Danilevski, Strakhov) làm, là một lầm lạc nguy hại. Soloviev xem văn hoá Nga là nền văn hoá nằm trong gia đình vĩ đại của các nền văn hoá châu Âu có nền tảng tinh thần chung là đạo Kitô. Người Nga, theo Soloviev, không được kiêu hãnh bởi những ưu việt tưởng tượng của mình, không được mơn trớn mình bằng “sứ mệnh đặc biệt” của dân tộc mình mà phải học tập các nước đã đi trước mình trong phát triển xã hội, tiếp thụ những thành tựu của họ, hợp tác với họ tìm kiếm những giải pháp đúng đắn cho những vấn nạn xuất hiện trong thời đại mới của lịch sử loài người. Soloviev nhắc đi nhắc lại: “Sự giàu có tưởng tượng là nguyên nhân chính của sự nghèo thiếu; sự thỏa mãn với hiện tại cản trở việc chăm lo cho những nhu cầu thiết yếu của tương lai”. “Mong muốn cho dân tộc mình một sự vĩ đại và ưu việt chân chính là tự nhiên cho từng con người”, nhưng “những ưu việt lớn không được cho không và khi vấn đề đặt ra không chỉ là sự ưu việt bề ngoài, mà là sự ưu việt nội tại, mang tính văn hoá thì nó chỉ có thể đạt được bằng lao động văn hoá cật lực, mà trong việc này không thể bỏ qua những điều kiện chung, cơ bản cho mọi nền văn hoá của con người, đã được sự phát triển của phương Tây hun đúc nên”. So sánh xã hội phương Tây với xã hội Nga, Soloviev nhận thấy sự kém phát triển yếu tố cá nhân trong xã hội Nga. Khác những người thân Xlavơ đề cao một chiều chủ nghĩa tập thể, tính công xã, đối lập nó một cách tuyệt đối với chủ nghĩa cá nhân của phương Tây, ông nhìn thấy ở đây một điểm yếu, chứ không phải điểm mạnh của bản tính dân tộc Nga. Trong một bài tiểu luận về thi hào Nga A. K. Tolstoi mà ông ái mộ, ông nói: “Nhân dân Nga có nhiều đức tính quan trọng làm nên nét ưu việt của nó trước các dân tộc phương Tây - đó là những đức tính mà chúng ta có chung với các dân tộc phương Đông gần gũi với chúng ta: tính ưa thích chiêm nghiệm, tính khiêm nhường tự tốn, tính kiên nhẫn. Những đức tính ấy đã giữ gìn được khá lâu mẫu quốc tinh thần của chúng ta - Byzance, nhưng chúng đã không cứu vớt được nó khỏi sự diệt vong. Có nghĩa là chỉ một mình những thuộc tính và những nét ưu việt ấy là không đủ. Chúng không bảo toàn được một dân tộc vĩ đại, nếu không thêm vào đấy một thành tố khác, thành tố này tất nhiên không xa lạ với nước Nga với tư cách một nước Âu châu và Kitô giáo, nhưng do điều kiện lịch sử cho đến bây giờ vẫn còn được phát triển yếu ở ta (cũng như ở Byzance xưa kia) - tôi muốn nói đến ý thức về phẩm giá tuyệt đối của con người, nguyên tắc tự lập và tự hoạt động của cá nhân (Soloviev nhấn - P. V. C.). Nhà thơ mà chúng ta vừa nói đến sinh thời là một đại diện rất hiếm hoi ở ta cho cái nguyên tắc nhân sinh chân chính ấy, mà sự phát triển nó là điều kiện cốt yếu cho tương lai của từng dân tộc. Cả về phương diện ấy những tác phẩm của A. Tolstoi cũng hấp dẫn vầ giàu ý nghĩa do tính chân thành của chúng: trong chúng ông cổ xúy cho cái nằm sâu trong ông - bởi vì bản thân ông là một ngã thể mạnh mẽ và tự do, là một nhân cách có phẩm giá nội tại, một con người trước hết của danh dự và công lý. Những phẩm chất ấy không phải là những đức tính duy nhất, nhưng không có chúng thì những đức tính khác kém giá trị; không có chúng thì mỗi con người riêng lẻ chỉ là sẩn phẩm của môi trường bên ngoài, còn bản thân môi trường ấy là bầy đàn”.

Đề cao yếu tố cá nhân, coi sự phát triển nó là điều kiện cốt yếu cho tương lai của dân tộc mình, Soloviev trong những trước tác chính luận (ban đầu đăng trên báo chí, chúng dần dần hợp thành hai tập sách dày dưới tiêu đề chung Vấn đề dân tộc ở Nga, tập đầu in năm 1888, tập sau - năm 1891) không mệt mỏi đấu tranh cho việc thực hiện những quyền con người ở nước ông, trước hết quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng và ngôn luận. Là tín hữu nhiệt thành của đạo Kitô, bằng ngòi bút tài hoa chứng minh chân lý hoàn hảo của nó, Soloviev cương quyết chống lại chế độ kiểm duyệt tôn giáo ở nước Nga Xa hoàng, nơi đạo Kitô chính thống được xem là quốc giáo, đòi sự tự do thảo luận mọi vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo; ông cất tiếng nói phản đối chính sách phân biệt đối xử với những người theo những tôn giáo hay giáo phái khác, phản đối những biện pháp Nga hoá cưỡng bức các vùng ngoại vi dân tộc, cổ xúy cho sự bình quyền hoàn toàn của tất cả các dân tộc và tôn giáo trong đế chế Nga. Ở một nước mà chủ nghĩa bài Do Thái phát triển cực mạnh và thấm sâu vào tâm thức dân tộc (những đại văn hào Nga như Gogol và Dostoievski là những người bài Do Thái) Soloviev là nhà tư tưởng Nga đầu tiên hơn một lần phát biểu công khai bênh vực dân tộc Do Thái và bằng những lập luận không thể bắt bẻ chứng minh rằng nhân danh đạo Kitô chèn ép, ngược đãi người Do Thái tức là trên thực tế phản bội đạo Kitô. Soloviev quan tâm đến vấn đề Do Thái đến mức trước khi tắt thở còn cầu nguyện cho dân tộc ấy. Sau khi ông qua đời, một nhà hoạt động xã hội người Do Thái đã viết: “Có thể tiên đoán rằng trong tương lai tên tuổi quang vinh của Vladimir Soloviev sẽ được cả dân tộc Do Thái nhắc đến với niềm yêu kính và biết ơn.”

Sau khi đã trở về với triết học, Soloviev vẫn tiếp tục viết chính luận và cả phê bình văn học, bên cạnh những bài khảo luận dài in trong các tạp chí lớn, có vai vế trong xã hội, ông đăng trên các nhật báo và tuần báo những bài viết ngắn có nội dung hàm súc. Phạm vi những vấn đề mà ngòi bút ông đề cập ngày một mở rộng, khai triển từ lĩnh vực những vấn đề nội bộ của nước Nga sang lĩnh vực chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế, từ khu vực đời sống xã hội sang khu vực quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Soloviev là một trong nhà tư tưởng Nga đầu tiên đã lưu ý công luận đến nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, cảnh báo về khủng hoảng sinh thái sẽ đến do việc con người khai thác thiên nhiên theo lối ác thú. Những phán xét của ông về những vấn đề quốc tế không phải lúc nào cũng đúng đắn, nhưng luôn luôn sắc sảo và công tâm. Thí dụ, không có cảm tình với nước láng giềng Trung Quốc và lo ngại một cuộc “xâm lăng” của chủng tộc da vàng sang châu Âu Kitô giáo mà ông xem là trung tâm văn hoá thế giới (tư duy Soloviev dẫu sao vẫn mang nặng tính “lấy châu Âu làm trung tâm”, về phương diện này cũng như một số phương diện khác ông là con của thời đại mình) trong bài viết Trung Quốc và châu Âu ông biết giải thích bí quyết trường tồn của nền văn minh Trung Hoa, thừa nhận lẽ phải minh triết (tuy theo ông là minh triết hạn hẹp) của đạo lý Khổng giáo, kêu gọi người Âu học tập tinh thần tôn trọng quá khứ của người Trung Quốc, biết kết hợp hài hòa trong sự phát triển của mình yếu tố canh tân với yếu tố bảo tồn. Hoặc, bình luận cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ (bài Nemezida[1]* trong loạt Những bức thư chủ nhật), Soloviev nhìn thấy cội rễ sâu xa của sự chiến bại của Tây Ban Nha ở những tội lỗi lịch sử của dân tộc này - sau khi đã giành lại độc lập quốc gia từ tay những người Hồi giáo, người Tây Ban Nha trong vòng ba thế kỷ đã thực hiện chính sách diệt chủng đối với người Hồi và người Do Thái và bằng toà án dị giáo đã giết chết hàng trăm ngàn đồng bào của mình để bảo đảm sự thống nhất tín ngưỡng của đế chế Tây Ban Nha và sự bành trướng của nó. “Chỉ có thể gắn bó nhiều dân tộc khác nhau thành một chỉnh thể bằng sức mạnh nội tại của tình yêu và công lý” - Soloviev kết luận. Đối với đế chế Nga, mà ông là một công dân, ông cũng luôn luôn đề ra yêu cầu tương tự. Trả lời những nhà ái quốc chủ nghĩa mong ước mở mang bờ cõi của nước Nga tới tận Constantinople (thủ đô đế quốc Byzance xưa kia), ông viết trong tiểu luận về nhà thơ thiên tài Tiutchev: “Vận mệnh của nước Nga phụ thuộc không phải vào Constantinople hay cái gì đó tương tự, mà vào kết quả của cuộc đấu tranh tinh thần nội tại giữa yếu tố tươi sáng và yếu tố đen tối ở chính trong nó. Điều kiện để nó thực hiện sứ mệnh toàn thế giới của mình là sự chiến thắng nội tại của cái thiện đối với cái ác bên trong nó, còn Constantinople và những cái khác chỉ có thể là hệ quả chứ tuyệt nhiên không phải điều kiện của kết quả mong muốn. Hãy để cho nước Nga, dù không có Constantinople, dù chỉ trong biên cương hiện nay của mình trở thành vương quốc Kitô giáo theo đầy đủ ý nghĩa của chữ ấy - vương quốc của công lý và lòng nhân từ - khi ấy thì tất cả các thứ còn lại chắc chắn sẽ tự đến với nó.”

Thật khó không nghe thấy ở những lời ấy tiếng nói của lương tri dân tộc Nga nói với những người Nga thời ấy và các thời tiếp theo, cho đến tận hôm nay. Văn chính luận của Soloviev, kết hợp cảm hứng tôn giáo thực thụ với tinh thần nhân văn sâu sắc, đề cao tự do, công lý và tiến bộ xã hội, được nhiều người cùng thời đánh giá cao. Sinh thời, nhiều người Nga biết đến ông như một nhà chính luận nhiều hơn một triết gia. Nếu có thể lấy làm tiếc rằng hoạt động chính luận đã thu hút nhiều thời gian vật chất của con người tài trời nhưng đoản mệnh này, thì mặt khác không thể không nhận thấy rằng nhờ đã qua “trường học” chính luận mà văn triết luận của Soloviev thuở chín muồi đã trở nên rất mực trong sáng, mạch lạc, giàu hình ảnh, dễ tiếp thụ đối với người đọc. Ta hãy đọc hai đoạn văn bình phẩm triết học của Kant và Hegel trong Triết học lý thuyết của Soloviev: “Nếu chủ nghĩa duy linh của Descartes quả là không có ý nghĩa và sự lý thú triết học, thì nhận thức luận của Kant mang tính hàm hồ một cách triệt để, và chủ thể nhận thức ở đấy luôn luôn chao đảo giữa vai trò người lập pháp có toàn quyền đối với tất cả những gì được nhận thức và vai trò kẻ nô lệ càng bất hạnh hơn bởi vì y không biết ai là chủ của y và y phải ngoan ngoãn chấp nhận những điều kiện phát ra không biết từ đâu cho hoạt động của mình. Tất nhiên, “lý trí thuần tuý” của Kant gần chân lý hơn “bản thể tư duy” của Descartes, nhưng dẫu sao đi nữa thì trong tư tưởng của Kant nó vẫn không đi tới chân lý và thực ra nó mãi mãi chỉ là cái lý trí hình thức có trong thực tại ở chúng ta, nhưng (ở Kant) thiếu mọi phương tiện để trở thành sự trí hội chân lý”. Tiếp theo, về Hegel: “Học thuyết Hegel vĩ đại, nhưng không phải như một dòng nước sống vĩ đại có thể đưa chúng ta ra đại dương, mà chỉ như một đài phun nước cực cao mà càng phun cao thì lại càng đổ xuống nhanh hơn, trở về với cái bể chứa hữu hạn của nó - thực tại nghiệm chứng. Trong học thuyết Hegel chủ thể triết học tiến gần nhất đến cái định danh đích thực và cuối cùng của nó - như là sự trí hội đương hình thành của chân lý. Nhưng cất mình lên cao điểm ấy, nó bị choáng váng và điên rồ tưởng rằng sự khởi đầu nhận thức chân lý ở nó là sự xuất đầu lộ diện của chính chân lý, sự tăng trưởng và phát triển của nó là sự tăng trưởng và phát triển của bản thân chân lý (…) Giữa những triết gia đến gần với chân lý không có ai lớn hơn Hegel, nhưng ngay người nhỏ nhất trong số những triết gia xuất phát từ chân lý cũng lớn hơn ông.” Nhà triết học S. Trubetskoi, bạn và môn đồ của Soloviev, viết không sai trong bài tưởng niệm ông: “Tính nghệ thuật của tư tưởng trong các trước tác của ông ứng với tính hoàn hảo nghệ thuật của sự diễn đạt nó, và chúng ta có thể mạnh dạn xem ông là một trong những nghệ sĩ ngôn từ vĩ đại không chỉ của văn học Nga, mà cả văn học toàn thế giới”. Không phải ngẫu nhiên mà cuối đời Soloviev, cùng với Chekhov và Korolenko, được bầu làm viện sĩ danh dự của Viện hàn lâm khoa học Nga, theo ngành “mỹ văn”.

3- Xây dựng một triết học về cái tận Chân, tận Thiện, tận Mỹ

Không đạt được kết quả mong muốn trong hoạt động xã hội, nhưng qua đó mà tu dưỡng được cho mình những phẩm chất của người dựng xây (mà tất yếu phải làm cả công việc của người giải phóng mặt bằng) trong thế giới tinh thần, Soloviev trong mười năm cuối đời trở về với nhiệm vụ đã vạch ra từ thời niên thiếu - kiến tạo hệ thống triết học của riêng mình với ba thành phần cơ bản - triết học lý thuyết (nhận thức học và siêu hình học), triết học đạo đứcmỹ học. Như một bước trù bị, năm 1891 ông nhận lời mời phụ trách ban triết học trong bộ biên tập Từ điển Brokhaus và Efron - bộ bách khoa toàn thư lớn nhất và có uy tín nhất của nước Nga trước cách mạng, và trong mấy năm đã viết cho nó trên 200 mục từ, trong đó có những khảo luận dài về những triết gia lớn của thế giới như Platon, Duns Scotus, Kant, Hegel, Comte. Những bài viết cho bộ bách khoa toàn thư này cho thấy sự am tường của Soloviev không chỉ về triết học và thần học châu Âu, mà cả phương Đông (Ấn Độ, Do Thái, Arập), đặc biệt về những dòng tư tưởng thần bí và bí truyền như Qabbalah của người Do Thái, đạo ngộ (gnosis) trong thế giới Hy-La, học thuyết giả kim (hermetisme) ở Ai Cập thời cổ đại và ở châu Âu thời trung đại. Cũng trong những năm này, Soloviev viết một loạt công trình sử học nghiêm túc như Trung Quốc và châu Âu, Nhật Bản, Đạo đa thần nguyên thủy, Người Do Thái: giáo thuyết và đạo lý của họ, Mohammed: cuộc đời và học thuyết.

Năm 1893-1894 trên tạp chí Những vấn đề triết học và tâm lý học của Hội triết học Moskva xuất hiện 5 bài viết dưới tiêu đề chung Siêu lý tình yêu. Chuyên luận này thuộc số những tác phẩm triết học của Soloviev đã sớm gây tiếng vang, được nhiều người đọc hâm mộ và cũng gây nhiều tranh luận. Cho đến nay, nó vẫn là trước tác trứ danh nhất, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được bình phẩm nhiều nhất của ông. Trên trường quốc tế, kiệt tác này đóng vai trò một danh thiếp có chân dung tác giả đối với những độc giả lần đầu tiên làm quen với triết học Soloviev.

Ngay sau Siêu lý tình yêu, cứ như thấy trước là số phận sẽ không cho ông hoàn thành sự nghiệp lớn của đời mình, Soloviev bắt tay vào viết công trình cơ bản về triết học đạo đức - việc mà ông xem là sẽ có ý nghĩa tác dụng thiết thực hơn cả cho dân tộc ông và cả loài người. Công trình đồ sộ này, được đăng tải từng chương một trên các tạp chí Nga từ năm 1894 đến hết 1896, đầu năm 1897 in thành sách riêng dưới tên Biện chính cái thiện. Nó đã nhanh chóng gây nên một cuộc tranh luận rất sôi nổi trên báo chí Nga. Giữa tháng 6 năm ấy, Soloviev viết cho một người bạn Pháp: “Cuốn sách này đã trút xuống đầu tôi những lời mắng chửi tệ hại nhất và những lời khen ngợi cuồng nhiệt nhất”. Nếu thể hiện ý kiến của nhiều độc giả, nhà triết học N. Grot cho rằng “Biện chính cái thiện là một thử nghiệm đầu tiên ở nước ta xem xét một cách có hệ thống và hoàn toàn độc lập những nguyên lý cơ bản của triết học đạo đức. Đây là một hệ thống đạo đức học đầu tiên của một nhà tư tưởng Nga”, thì những triết gia khác như B. Chicherin và A. Vvedenski lại bày tỏ sự cương quyết không tán đồng những luận điểm cơ bản của đạo đức học Soloviev. Soloviev đã trả lời các đối thủ của mình vừa bằng những bài báo sắc sảo, có lập luận chặt chẽ, vừa bằng cách xem lại, chỉnh lý và mở rộng công trình của mình. Sách Biện chứng cái thiện, chứa đựng học thuyết về việc thực hiện cái thiện tuyệt đối, được tái bản có sửa chữa và bổ sung vào mùa hè 1899, một năm trước khi nhà tư tưởng vĩ đại qua đời. Nó là tác phẩm lớn nhất mà ông để lại cho chúng ta.

Vào những năm này, sức khoẻ của Soloviev đã suy giảm nhiều (đẻ non lúc bảy tháng, ông suốt đời có thể lực không dồi dào và vào tuổi 30 đã trải qua một đợt ốm nặng thập tử nhất sinh), nhưng ông vẫn làm việc cật lực, nhiều khi quên ăn quên ngủ. Đến đây, cần nói thêm đôi lời về nhân cách Soloviev. Như ta đã biết, vô gia cư, ông suốt đời sống nay đây mai đó, lúc thì ở nhà anh chị em, lúc thì ở nhà bạn bè, lúc thì ở khách sạn hạng xoàng. Nói chung đa tình, từ tuổi 23 ông nuôi dưỡng một tình cảm đặc biệt đối với một người phụ nữ quý tộc nhiều tuổi hơn ông và đã có chồng có con mà ông xem là hiện thân của Nữ tính Vĩnh hằng trên mặt đất này. Về mối tình ấy, nhiều điều quan trọng chúng ta không thể biết được vì tất cả các thư từ trao đổi đã bị tiêu hủy theo ý nguyện của hai người. Có thể phỏng đoán là vì nó mà ông - một nam nhi rất điển trai và lại có khoa nói - đã không kết hôn với ai và không được ai chăm sóc hàng ngày. Không cầu kỳ trong sinh hoạt, ăn chay một nửa, tức là chỉ ăn cá chứ không ăn thịt, ông có thể sống hàng tháng ở trang trại của một ai đó, tự nấu nướng, giặt giũ cho mình. Viết nhiều và được hưởng nhuận bút khá cao, ông không bao giờ dư dật vì luôn luôn sẵn sàng cho mọi người vay tiền mà không bao giờ đòi nợ. Do tính hào phóng của mình ông hơn một lần đã phải nhịn đói ngủ qua đêm ở nhà ga đường sắt, không có tiền thuê phòng trọ. Không biết từ chối giúp đỡ bất cứ một ai, ông đã có lần cởi chiếc áo đại hàn trên người mình cho người ăn xin để sau đó suốt một mùa đông giá buốt giữa kinh thành Peterburg chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng. Không tiếc tiền cho người khác, ông cũng không tiếc thời gian của mình, sẵn sàng gác lại việc của mình để làm việc người khác nhờ. Nhiều công trình mà ông ấp ủ suốt đời còn lại dở dang một phần vì lẽ ấy. Năm 1897 trong một bài báo bàn về vấn đề “tính ngoạn mục trong hội họa”, trả lời đối thủ của mình, ông viết rằng để giải quyết đúng đắn vấn đề ấy cần phải kiến lập có hệ thống ít nhất hai khoa học triết học: siêu hình học và mỹ học, vì thế xin gác lại vấn đề ấy ba bốn năm, ngụ ý chừng nào ông chưa viết xong hai công trình tương ứng. Nhưng ông đã chỉ kịp viết ba chương đầu mang nội dung nhận thức luận của Triết học lý thuyết của mình - ba chương lộng lẫy, hứa hẹn một kiệt tác cách tân bất hủ; chính dựa vào ba chương ấy, một học giả Đức thời nay (H. Dahm) trong một công trình về những cơ sở của tư tưởng Nga khẳng định: “không còn nghi ngờ gì nữa, triết học Soloviev, đặc biệt từ năm 1892 đến 1897 đã đạt tới những kết luận đoán định trước hầu như toàn bộ hệ thống công cụ phương pháp luận của hiện tượng học Đức.” Song công trình hệ thống về mỹ học thì thậm chí chưa được Soloviev bắt đầu. Quá nhiều ý đồ sáng tạo chen chúc trong đầu óc ông trong khi sức khoẻ không ngừng suy yếu. Mấy năm cuối đời, Soloviev tiếp tục viết văn chính luận, xuất hiện trên mặt báo với Những bức thư chủ nhật đề cập những vấn đề xã hội nóng bỏng khác nhau, bình luận những sự kiện ở trong và ngoài nước. Cùng với em trai, ông dự định dịch ra tiếng Nga có chú giải cặn kẽ toàn bộ tác phẩm của Platon - triết gia mà ông suốt đời yêu mến (sau này sẽ có người gọi ông là “một Platon của Nga”), và ông đã kịp cho ra mắt độc giả tập một với những bản dịch, bài tổng luận và những chú thích của mình (tập hai được ấn hành sau khi ông đã qua đời). Tiếp tục đề tài triết học tình yêu, mà ở châu Âu Platon là người khởi xướng, ông viết thêm một kiệt tác nữa - khảo luận Bi kịch cuộc đời Platon (1898). Triết học Nietzsche, đang trở nên thời thượng ở châu Âu và cả ở Nga, cũng thu hút sự quan tâm sát sao của Soloviev, thể hiện ở bài viết ý tưởng siêu nhân (1899) và một số bài khác.

Song tác phẩm quan trọng nhất trong hai năm cuối đời của Soloviev là Ba cuộc đàm thoại về chiến tranh, về sự tiến bộ và khánh chung của lịch sử toàn thế giới cùng với truyện ngắn về kẻ phản Chúa (1898-1990). Ra mắt độc giả mấy tháng trước khi ông qua đời, nó thường được xem là một kiểu chúc thư của ông. Nhiều nhà phê bình là những giáo hữu chân tín của đạo Kitô nhìn thấy ở nó một trước tác tiên tri thiên tài. Vô luận thế nào đi nữa thì được viết trong những tháng ngày, khi mà Soloviev cảm thấy cái chết đang đến gần với ông, nó tổng kết những suy ngẫm lâu năm của ông về lịch sử thế giới, bản tổng kết ấy có nhiều nét dị biệt với tất cả những gì ông đã viết trước đó, nhưng nó không bất ngờ đối với bạn bè thân tín của ông. Sống trong một thế kỷ tương đối bình ổn của lịch sử thế giới, chứng kiến nhiều bước tiến vượt bậc của nhân loại trong các lĩnh vực xã hội và khoa học - công nghệ, Soloviev cũng như rất nhiều nhà tư tưởng cùng thời với ông trong nhiều năm tin vào tiến bộ như là quy luật của lịch sử loài người và trong các trước tác chính luận cũng như triết luận của mình cổ xúy nhiệt thành và truyền cho độc giả niềm tin vào sự tiến bộ ấy. Tất nhiên khác với các nhà duy vật chủ nghĩa, ông không xem sự tiến bộ ấy là quy luật thuần túy nội tại, mà là kết quả thấy được của quá trình gặp gỡ, liên kết giữa hoạt động hướng đích của toàn thể loài người với thiên ân hay là ý Thượng Đế - cái mà ông gọi là quá trình Thần-Nhân loại. Có điều quá trình ấy trong một số tác phẩm của Soloviev được vẽ họa như một con đường thẳng tiến, không có những bước giật lùi lớn, không có những điểm ngoặt, những kịch biến, cho nên dẫu sao vẫn phảng phất dấu ấn duy lý và duy ý chí. Song con người của Soloviev sâu sắc hơn và phức tạp hơn những gì ông viết. Trong ông, mâu thuẫn với niềm tin và nhu cầu tin vào tiền đồ tươi sáng của nhân loại, luôn luôn sống một linh cảm về những tai biến long trời lở đất sẽ đến trong tương lai gần. Mong ước một sự khánh chung lịch sử tốt đẹp, trong sự liên kết vĩnh viễn ý chí hướng thiện của nhân loại với ý chí chí thiện của sức mạnh siêu nhân loại, ông đồng thời lo âu về một sự khánh chung tồi tệ, trong sự ngự trị của cái ác trên thế gian này, trong sự bất tín và bội phản của loài người đối với Đấng chí thiện chí tôn. Tư duy theo những quan niệm tôn giáo, Soloviev, tương tự như Dostoievski trước ông (với nhà văn và nhà tư tưởng này Soloviev có quan hệ thân tín nhiều năm, và ai đã ảnh hưởng nhiều hơn đến ai là câu hỏi còn để ngỏ) hãi hùng trước viễn cảnh loài người, sau nhiều cuộc giao chiến đẫm máu vì “bánh mì (tức là sự no ấm, tiện nghi) trần gian” sẽ quy phục kẻ phản Chúa (Antichriste) mang lại cho họ sự no ấm tiện nghi ấy và chối bỏ Chúa Trời, quên lãng tổ quốc của mình trên trời. Hội thánh của Kitô sẽ không ưu thắng trên thế gian này, và ngày tận thế sẽ là ngày phán xử đáng sợ của Chúa đối với loài người bội tín - đó là tư tưởng chính của Ba cuộc đàm thoại, được viết với một tài nghệ phi thường. “Thế kỷ XX là thời đại của những cuộc đại chiến, những nội chiến và đảo chính vĩ đại” - câu mở đầu Truyện về kẻ phản Chúa khiến độc giả thời đại ngày nay phải rùng mình trước linh cảm tiên tri của Soloviev. Truyện kể kẻ phản Chúa sẽ xuất hiện như một cứu tinh của nhân loại, đem lại cho cả thế giới hoà bình, ổn định và no đủ vật chất. Những tín hữu trung thành với đạo Kitô, lúc ấy chỉ còn lại vài triệu người trên cả trái đất, sẽ tập hợp lại thành một lực lượng thống nhất, vạch mặt tên phản Chúa tự xưng là con Chúa Trời và sẽ bị tàn sát hàng loạt, phải chạy vào sa mạc tìm nơi ẩn náu. Và khi ấy, giữa những thiên tai địa họa khủng khiếp, Chúa Kitô sẽ tái giáng trần với toàn bộ sức mạnh và vinh quang để thiết lập vương quốc nghìn năm của Ngài trên thế gian này.

Như vậy bằng tác phẩm lớn cuối cùng của mình, Soloviev giã từ chủ nghĩa lạc quan lịch sử, xác định cho mình lập trường trung thành đến cùng với chân lý càng ngày càng bị loài người thế tục hoá lãng quên và khinh rẻ. Có thể có những ý kiến khác nhau về những tư tưởng mạt thế luận của Soloviev, có thể chỉ ra sự mâu thuẫn của nó với ý tưởng “Thần-Nhân loại” là cốt lõi của toàn bộ triết học và thần học Soloviev, song khó phủ nhận sự nhạy cảm nghệ sĩ của ông đối với những đại biến lịch sử sẽ diễn ra trong tương lai gần cận của nhân loại, con mắt tinh tường của một hiền triết nhận ra cái ác lớn nhất ẩn náu dưới hình hài của cái thiện lớn nhất. Những quan điểm triết học lịch sử của Soloviev có thay đổi hay không, nếu ông được sống lâu hơn và chứng kiến những tai biến xã hội sẽ xảy ra ngay trên đất nước ông? Khó mà đoán định, ta chỉ biết một điều chắc chắn qua hồi ức của những người bạn chứng kiến những ngày cuối cùng của ông là trước khi qua đời - ông tạ thế ngày ngày 31 tháng 7 năm 2000 (theo lịch Nga cũ) - ông đã nhiệt thành cầu nguyện Đấng Tối Cao cho dân tộc ông, đất nước ông mà ông yêu bằng một tình yêu chân chính - tình yêu nồng nàn nhưng tỉnh táo và đòi hỏi cao.

Cái chết quá sớm của nhà tư tưởng thiên tài đã làm xôn xao dư luận nước ông. Hai thập niên đầu của thế kỷ XX ở Nga được đánh dấu bằng tác động mãnh liệt của di sản Soloviev tới đời sống tinh thần của xã hội Nga, thể hiện đặc biệt rõ rệt trong triết học và thơ ca. Năm 1916, nhà danh họa Nga M. Nesterov (1862-1942) vẽ một bức tranh tượng trưng hoành tráng dưới tiêu đề Nước Nga: tâm hồn dân tộc. Trên bức tranh ấy, giữa đoàn người đông đúc rước cây thánh giá - biểu tượng của sự khổ ải tìm kiếm chân lý - ta thấy chỉ ba khuôn mặt lịch sử: Dostoievski, Lev Tolstoi và Vladimir Soloviev. Theo lời của chính họa sĩ, “thiếu ba khuôn mặt ấy thì bức tranh sẽ không đầy đủ, không hoàn bị. Không thể nào vứt bỏ Dostoievski, Tolstoi và Soloviev ra khỏi đời sống dân tộc. Có những đường mòn đặc biệt của nhân dân dẫn đến họ và tỏa ra từ họ”.

Như vậy, đã một thế kỷ Vladimir Soloviev sống trong tâm thức dân tộc Nga như là một trong ba con người Nga vĩ đại nhất - cùng với Dostoievski và Tolstoi - suốt đời tìm kiếm cái tận Chân, nó cũng là cái tận Thiện, tận Mỹ cho dân tộc mình và cho cả loài người.

(còn nữa)

Nguồn: https://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/1688--vladimir-soloviev-triet-gia-thi-si-va-nha-phe-binh-van-hoc-.html



[1]
Nemezida- nữ thần báo thù trong thần thoại Hy Lạp.

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top