Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học (PHẦN 3)

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
[Phần 3]
Phạm Vĩnh Cư


6 - Triết học đạo đức

Như đã nói, triết học đạo đức là bộ phận hoàn chỉnh nhất, được khai triẻn tỉ mỉ nhất và được bản thân tác giả xem là quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống triết học của mình. Có thể nói, toàn bộ tư tưởng và sáng tác của Soloviev ngả về đạo đức học. Những vấn đề đạo đức học chiếm một nửa công trình Phê phán những nguyên lý trừu tượng. Những ý tưởng, quan điểm đạo đức học tôn giáo thẩm thấu toàn bộ văn chính luận của Soloviev. Trong sách Biện chứng cái thiện (1894-1897), những ý tưởng, quan điểm ấy được phát triển và kết cấu thành một hệ thống có cơ sở triết học và thần học xác định. Vì thế sự trình bày một cách tương đối kỹ lưỡng nội dung cuốn sách này sẽ có tác dụng làm sáng tỏ hơn toàn bộ học thuyết triết học của Soloviev.

Như ta đã biết, Soloviev bắt tay vào viết tác phẩm chính của đời mình khi tư tưởng của ông đã đạt độ chín chắn và hoàn chỉnh cao và khi ông đã nắm vững toàn bộ kho tàng triết học của phương Tây cũng như của phương Đông, trong đó có triết học đạo đức. Kho tàng ấy được tích luỹ trong ba thiên niên kỷ của văn minh loài người, cực kỳ phong phú và phức tạp, với di sản của hàng chục vĩ nhân và trường phái lớn đã ảnh hưởng mãnh liệt đến số phận của nhiều dân tộc và khu vực thế giới. Vậy Vladimir Soloviev, triết gia hậu sinh, đã tiếp nhận di sản ấy như thế nào và đã làm giàu những gì cho kho tàng tư tưởng chung ấy của loài người?

Soloviev đặt cho công trình triết học đạo đức của mình một cái tên giàu hàm nghĩa: Opravdanie dobra mà chúng tôi tạm dịch là Biện chứng cái thiện. Từ opravdanie trong tiếng Nga phát sinh từ từ pravda, có nghĩa vừa là sự thật = chân lý, vừa là lẽ phải = chính nghĩa. Từ dobro trong tiếng Nga cũng đa nghĩa, nó vừa chỉ cái thiện (phạm trù đối lập với cái ác), vừa chỉ cái tốt đẹp = lương hảo và cả cái phúc = phúc lợi. Trong ngữ cảnh của toàn bộ tác phẩm của Soloviev, tổ từ “Opravdanie dobra” bao hàm ít nhất ba ý nghĩa chính: 1) Cho thấy cái thiện là cái có thật, là thực tại, tức là chứng minh rằng câu chuyện triết học về cái thiện không phải là chuyện phiếm, chuyện hão (“biện minh cái thiện” về phương diện bản thể luận). 2) Cho thấy sự thống nhất (ở cấp cao nhất) của cái thiện với cái phúc. 3) Cho thấy cái thiện có thể được thực hiện, một phần đã được thực hiện và phải được tiếp tục thực hiện như thế nào trong đời sống nhân loại.

Triết học đạo đức của Soloviev, cũng như mọi thuyết đạo đức học của các tác gia khác, là học thuyết quy phạm, nó xác định những nguyên tắc hành động thực tiễn hay là những chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội loài người. Mặc dù Soloviev dành hẳn một chương (Dẫn luận) trong công trình của mình để chứng minh tính độc lập của triết học đạo đức như một khoa học, nhưng rõ ràng từ toàn bộ hệ thống lập luận, dẫn chứng của ông, phải hiểu rằng tính độc lập ấy mang tính tương đối và có quan hệ mật thiết với những cơ sở thế giới quan và nhân sinh quan xác định. Mọi học thuyết đạo đức nghiêm chỉnh đều xuất phát và được quy định bởi quan niệm gốc về bản chất con người - các trường phái triết học khác nhau đấu tranh với nhau nhiều nhất chính xung quanh vấn đề này. Chỉ cần nhắc tới hai trường phái đối kháng trong triết học cổ Trung Hoa: Nho gia và Pháp gia, và tương tự với chúng trong triết học châu Âu thời mới - triết học của Rousseau và của Hobbes. Từ những quan niệm đối lập về bản chất thiện hay ác của con người mà người ta xác định những quy tắc hành xử giữa người với người và những nguyên tắc tổ chức và điều hành xã hội loài người cũng tất yếu mang tính đối lập. Những hệ thống tôn giáo - đạo đức lớn của thế giới như đạo Phật, đạo Zoroastre, đạo Do Thái, đạo Kitô, đạo Hồi…một phần quan trọng được xây dựng trên quan niệm cơ bản về linh hồn con người như là trường đấu tranh giữa bản nguyên thiện và bản nguyên ác.

Tiền đề phương pháp luận của Soloviev: không thể kiến tạo được một nền đạo đức học có giá trị phổ quát, nếu tự hạn chế trong lĩnh vực quan hệ giữa người với người (điều mà đa số các nhà đạo đức học vẫn làm). Nếu đồng nhất đạo đức với cái thiện là đúng, thì lại không thể đặt dấu bằng đơn thuần giữa cái thiện với chủ nghĩa vị tha và giữa cái ác với chủ nghĩa vị kỷ - một sai lầm mà ngay một trí tuệ lớn như Schopenhauer cũng đã mắc phải. Nếu chỉ lấy thực tế thấy được của quan hệ người với người làm tiêu chí duy nhất để đánh giá bản chất con người thì khẳng định bản chất ấy là thiện hay ác cũng đều có lý, thậm chí lời khẳng định sau sẽ có lý hơn: rõ ràng cái ác (hay là chủ nghĩa vị kỷ) đã và đang ngự trị trong đời sống những con người cá thể cũng như xã hội loài người. Soloviev kiến nghị tìm kiếm bản nguyên thiện trong con người theo ba chiều hướng liên đới: quan hệ hay là thái độ ứng xử của con người với cái thấp hơn nó, tức là cái tự nhiên vật chất, với cái ngay bằng nó - tức là với đồng loại và với cái ưu việt hơn nó, tức là thánh thần.Và ông tìm ra ba tình cảm tự nhiên trong ba quan hệ ấy mà ông gọi là “những dữ liệu nguyên khởi của đạo đức con người”: sự xấu hổ, tình thương và lòng tôn kính. Toàn bộ nền đạo đức của loài người là kết quả của sự phát triển theo tiến hoá lịch sử ba tình cảm nguyên thủy ấy trong mối liên quan hữu cơ của chúng với nhau. Con người và loài người chỉ có đạo đức vẹn toàn nếu biết giữ gìn và phát triển cả ba tình cảm hữu luân ấy, nếu biết xử lý đúng đắn quan hệ của mình với cái hạ đẳng, đồng đẳng và siêu đẳng đối với mình. Khác biệt với Kant (mà công lao trong việc xây dựng một học thuyết đạo đức có ý nghĩa toàn nhân loại ông đánh giá rất cao), Soloviev không giả định mà đinh ninh khẳng định sự tồn tại của thánh thần và sự bất tử của linh hồn con người. “Tính có thật của thánh thần không phải làkết luận rút ra từ tình cảm tôn giáo, - ông viết, - mà là nội dung của tình cảm ấy - là cái được cảm thấy. Hãy lấy đi cái tính có thật cảm thụ được của bản nguyên tối cao - thì trong tình cảm tôn giáo sẽ không còn lại cái gì hết. Bản thân nó cũng sẽ không còn nữa. Thế nhưng nó , tức là có cả cái hiện diện trong nó, cái được thụ cảm trong nó. Thánh thần có ở trong ta - tức là có thánh thần”. Và nếu chúng ta không phải lúc nào cũng cảm thấy có thánh thần trong ta, và có những người chẳng bao giờ biết đến cảm giác ấy, thì điều ấy cũng ít tác hại đến tính hiện thực của thánh thần chẳng khác nào ban đêm chúng ta không trông thấy ánh sáng mặt trời, còn những người mù bẩm sinh thì không thấy nó cả ban ngày. Đối với người theo đạo Kitô thì chỉ có một thánh thần tự tồn - đó là Chúa Trời sáng thế hay là Thượng Đế chí thiện, toàn tri và toàn năng. “Trong tình cảm tôn giáo đích thực Thượng Đế được cảm hội như là sự viên mãn của tất cả những điều kiện sinh tồn của chúng ta, như là cái mà không có nó thì sự sống đối với ta sẽ là vô nghĩa và bất khả, như là bản nguyên khởi thủy, môi trường chân chính và là mục đích cuối cùng của sinh tồn”. Và tiếp theo: “ Cơ sở nội tại của tôn giáo không chỉ là ý thức về sự lệ thuộc của chúng ta vào một sức mạnh ưu việt không thể so sánh với ta; trong thể thuần khiết của nó, tâm thức tôn giáo có thể quy về cảm giác sung sướng là có một sinh linh tốt đẹp hơn chúng ta vô cùng vô tận, và cuộc đời và số phận của chúng ta, cũng như của tất cả những gì tồn hữu, phụ thuộc vào sinh linh ấy - không phải vào cái gì đó mang tính định mệnh mù quáng, mà vào cái Thiện hữu thực và thập toàn…” (chương tám, tiểu mục II – III). Như ta thấy, trong đạo đức học cũng như trong toàn bộ triết học của Soloviev, đức tin tôn giáo với đức tin triết học hoà thành một thể thống nhất hữu cơ, những lập luận có lôgic chặt chẽ nhất được dựng xây tầng tầng lớp lớp trên cái nền cảm quan trực giác về bản thể thánh thần, cảm quan ấy không dòi hỏi chứng minh và mạnh hơn mọi luận lý. Cái mà trong bản thể luận của Soloviev hiện diện như là cái thực tồn hay cái chân tồn (đối lập với cuộc sống phù du của chúng ta như là cái hư tồn), trong siêu hình học tôn giáo của ông xuất hiện như là Thượng Đế vĩnh hằng và trong đạo đức học của ông hiện ra như là cái thiện tuyệt đối, hay là thập toàn. Khát vọng lớn nhất và mục đích cao nhất của con người bất toàn và hữu tử (mà cái sau là hệ quả của cái trước) là đạt tới thể bất tử và thập toàn, cái đó phù hợp hoàn toàn với ý đồ của Thượng Đế chí thiện mong muốn “hoá thần”, như ta đã biết, không chỉ loài người, mà toàn bộ thế giới thụ tạo.

Đến đây, một câu hỏi hiện lên: vậy con người có vai trò, vị trí gì trong cái tiến trình hoàn vũ được Thượng Đế toàn năng định trước ấy? Trong học thuyết Soloviev, bên cạnh hai phạm trù giá trị cơ bản: Thượng Đế và sự Bất Tử, xuất hiện phạm trù tối quan trọng thứ ba, được đặc biệt nhấn mạnh trong tác phẩm này - Tự Do. Tự do là bản chất của thánh thần, cái bản chất ấy được Thượng Đế truyền cho con người - tạo phẩm yêu quý nhất của Ngài, hình ảnh và thể tương đồng với Ngài. Chìa khoá để giải thích lịch sử nhân loại như một bi -hùng kịch chính là ở đây. Con người có thể muốn và có thể không muốn liên kết với Thượng Đế - Thượng Đế tôn trọng tự do của nó. Thế giới vĩnh hằng của cái tận Chân, tận Thiện, tận Mỹ, hay là Vương quốc của Chúa Trời chỉ có thể được dựng xây với sự tự nguyện tham gia của con người. “Con người được Thượng Đế quý trọng không phải như một công cụ thụ động của ý chí của Ngài - những công cụ như thế có đủ trong thế giới vật chất - mà như một đồng minh và một công sự tự nguyện trong cơ đồ toàn thế giới của Ngài. Sự cộng sự của con người nhất thiết nằm ngay trong hoạt động của Ngài trong thế giới này” (chương tám, tiểu mụcVII). Tiến trình gặp gỡ và hợp tác giữa nhân loại và ý chí siêu nhân loại chí thiện trong sách Biện chính cái Thiện cũng như ở các trước tác khác của Soloviev được gọi là tiến trình thần-nhân loại. Nhìn từ góc độ đạo đức - tinh thần, “quá trình lịch sử là sự quá độ trường kỳ và đầy khó khăn từ thú-nhân tính lên thần-nhân tính”. Từ tất cả những gì đã nói và dẫn có thể hình dung được tư tưởng chủ đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt công trình đạo đức học của Soloviev - tác giả trình bày nó như một nguyên tắc hay là mệnh lệnh vô điều kiên gửi đến từng cá nhân con người: “Trong sự hoà hợp nội tại và hoàn toàn với ý chí tối cao, thừa nhận ở tất cả những con người khác ý nghĩa hay là giá trị tuyệt đối, bởi vì cả ở họ cũng có hình ảnh và thể tương đồng với Chúa Trời, hãy tham gia thật đầy đủ sự nghiệp hoàn thiện bản thân và hoàn thiện chung, vì sự hiển hiện đến cùng của Vương quốc của Chúa trời trong thế gian này”.

Chúng tôi thấy cần nhấn mạnh thêm hai điểm quan trọng trong tư tưởng Soloviev, được nhắc đi nhắc lại không chỉ trong công trình này: thứ nhất, chỉ có Vương quốc của Chúa Trời hay là cuộc sống tận thiện, tận chân, tận mỹ “trên trái đất mới dưới bầu trời mới”, nơi mà cái chết đã bị chiến thắng hoàn toàn, nơi mà tất cả những người đã chết cũng được phục sinh cho sự sống bất tử trong thân xác, mới đem lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống hiện tại của từng con người và cả loài người; Soloviev không chấp nhận bất kỳ một “xã hội lý tưởng” nào mà trong đó những con người vẫn phải chết, những mỹ từ thiếu suy nghĩ của các nhà duy vật lịch sử dung tục như “sự bất tử của nhân dân” hay “của nhân loại” trong trường hợp tốt nhất gây nên ở ông nụ cười khoan dung. Thứ hai, ngay khi Vương quốc của Chúa Trời đã xuất hiện, từng con người vẫn có quyền chấp nhận hay chối bỏ nó. Thượng Đế không cưỡng bức ai gia nhập thiên đường vĩnh phúc của Ngài. ý chí tự do của con người được tôn trọng triệt để.

Ứng với tư tưởng chính yếu và trung tâm của tác giả, Biện chứng cái thiện được chia thành ba phần không đồng đều, không kể Lời nói đầu: ý nghĩa luân lý của cuộc sống trong định nghĩa sơ bộ; Dẫn luận: Triết học đạo đức như một khoa học độc lập; và Kết luận: ý nghĩa luân lý của cuộc sống trong định nghĩa cuối cùng.

- Phần Một: Cái thiện trong bản chất con người, gồm 6 chương: Những dữ liệu nguyên khởi của đạo đức; yếu tố khổ hạnh trong đạo đức; Tình thương và chủ nghĩa vị tha; yếu tố tôn giáo trong đạo đức; Về những đức tính; Những nguyên lý hư tưởng của triết học thực tiễn (phê phán thuyết duy hạnh phúc dưới những biến tướng khác nhau).

- Phần Hai: Cái thiện từ Thượng Đế, gồm ba chương: Tính thống nhất của các cơ sở đạo đức; Nguyên tắc vô điều kiện của đạo đức; Tính hữu thực của trật tự đạo đức - tinh thần.

- Phần ba: Cái thiện thông qua lịch sử nhân loại, gồm 10 chương: Cá nhân và xã hội; Sự phát triển lịch sử của ý thức cá nhân - xã hội trong những thời đại chính của nó; Chủ nghĩa chủ quan trừu tượng trong đạo đức; Tiêu chuẩn đạo đức của xã hội; Vấn đề dân tộc xét từ quan điểm đạo đức; Vấn đề hình sự xét từ quan điểm đạo đức; Vấn đề kinh tế xét từ quan điểm đạo đức; Đạo đức và pháp quyền; ý nghĩa của chiến tranh; Tổ chức đạo đức nhân loại trong chỉnh thể.

Một sự liệt kê đơn thuần mục lục khái quát[1] đủ cho thấy quy mô của tác phẩm và tầm nhìn của tác giả có thể nói đã bao quát tất cả mọi lĩnh vực trọng yếu của đời sống cá thể con người cũng như cộng đồng loài người. Khuôn khổ có hạn của bài tổng quan không cho phép đi sâu phân tích nội dung từng chương, mà chương nào cũng chứa đựng không ít tư tưởng sâu sắc và độc đáo, không ít tư liệu quý giá thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội - nhân văn. ở phần Một của cuốn sách mà chúng tôi đã chọn dịch chương Một, chúng tôi muốn lưu ý bạn đọc tới ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà Soloviev dành cho một cảm xúc hữu luân cơ bản của con người - nỗi xấu hổ, khởi nguyên là nỗi xấu hổ hữu tính, dần dần theo quá trình lịch sử phát triển thành lương tâm = lương tri. Về sự biết xấu hổ như là biểu hiện không thể thiếu của đạo đức con người, nhiều nhà hiền triết ở phương Đông cũng như phương Tây từ thời xưa đã bàn đến: Khổng Tử, Mạnh Tử, Socrate, Platon…, danh sách có thể kéo dài. Nhưng (như chúng tôi biết) chỉ Soloviev mới đưa nó lên tầm quan trọng hàng đầu, nhìn thấy ở nó một dấu hiệu đặc thù có một không hai phân biệt con người với các động vật khác và nói lên cái bản chất siêu vật chất, siêu tự nhiên của con người (“hình ảnh và thể tương đồng với Chúa Trời”). “Trong cảm xúc xấu hổ, những ham thích vật chất cơ bản nhất bị chúng ta kinh ghét như thể một cái gì đó xa lạ và thù địch với ta. Rõ ràng, người kinh ghét và cái bị kinh ghét không thể là một - một sinh linh xấu hổ trước thực tại vật chất của mình không thể chỉ là một thực tại vật chất. Thế nào là cái thực tại vật chất tự xấu hổ và kinh ghét mình, tự phán xét và thừa nhận mình là không xứng đáng? Chẳng phải đó là cái vô nghĩa trực tiếp, một mẫu mực về cái không thể có theo lôgic?”. Quả thật, cảm xúc xấu hổ và biến thể xã hội của nó - lương tâm - là biểu hiện vừa rõ ràng nhất vừa sâu sắc nhất của ý thức phẩm giá con người. Khi con người không còn biết xấu hổ, nó đánh mất nhân phẩm của mình, hạ mình xuống cấp con vật, nhưng bởi vì con người không thể bình đẳng với loài vật, cho nên để mất nhân tính, nó trở nên thấp kém hơn, vô luân hơn loài vật rất nhiều. Nhại lại Descartes đã đề cao một chiều lý tính ở con người, Soloviev đưa ra một định thức mà theo chúng tôi đáng được tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giai cấp, ghi tạc trong tâm thức: Tôi xấu hổ tức là tôi tồn tại.

Liên quan mật thiết với luận thuyết về đức xấu hổ %5
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top