Virus Corona Vũ Hán, những kiến thức và thông tin cập nhật bạn cần biết (liên tục cập nhật)

Hide Nguyễn

Du mục số
Một bác sĩ điều trị virus Corona đã tử vong

Theo Vietnamnet, Liang Wudong, một bác sĩ tại Bệnh viện Hubei Xinhua thuộc tỉnh Hồ Bắc, thành phố Vũ Hán cũng là trung tâm dịch viêm phổi cấp, đã chết vì virus corona ở tuổi 62.

Bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán tử vong vì virus corona

Một bác sĩ vừa qua đời sau khi điều trị viêm phổi cấp cho bệnh nhân.

Trước đó, virus corona được xác nhận lây truyền từ người sang người khi có 15 bác sĩ, y tá tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng khó kiểm soát, cuối cùng chính quyền Trung Quốc đã phải ra lệnh phải đóng cửa thành phố Vũ Hán và xây gấp bệnh viện 1000 chỗ để khắc phục tình hình.

Cho tới nay, phần lớn những nạn nhân tử vong vì virus corona đều ở độ tuổi ngoài 60 và từng mắc các bệnh lý như tiểu đường, tim mạch,... Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên một bác sĩ tử vong sau khi nhiễm phải loại virus nguy hiểm này.

Cũng theo nguồn tin từ Reuters, vào ngày 25/1, Úc ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên tại thành phố Melbourne, bang Victoria. Như vậy, bệnh viêm phổi cấp đã lan tới 4 châu lục: Á, Mỹ, Âu và Úc (châu Đại Dương).

Virus Corona Vũ Hán là gì?

Vào ngày 24/1, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc đã công bố hình ảnh đầu tiên của virus corona dưới kính hiển vi điện tử.

Trung Quốc công bố hình ảnh chính thức của virus corona


Hình ảnh đầu tiên của coronavirus được Trung Quốc cung cấp

Được biết, virus corona gây ra một loại bệnh viêm phổi lạ có cùng họ với SARS. Các triệu chứng giống như nhiều bệnh về dương hô hấp khác như: sốt, khó thở,... và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Trung Quốc công bố hình ảnh chính thức của virus corona


Hình ảnh được công bố bởi trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc

Hiện tại, số người chết vì dịch coronavirus của Trung Quốc đã tăng lên 41. Tại Vũ Hán, Tết Ngyên đán diễn ra một cách ảm đạm khi cả thành phố bị đóng cửa, đồng thời Hồng Kông cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về virus, loại bỏ các lễ kỷ niệm và hạn chế liên kết với Trung Quốc đại lục.

Vào thứ 7 ngày 25/1, Úc đã xác nhận 4 trường hợp mắc virus corona đầu tiên. Malaysia xác nhận 3 trường hợp và Pháp đã báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona đầu tiên ở châu Âu vào thứ sáu.

Làm thế nào để ngăn chặn virus corona?

Gần đây, WHO đã ban hành một hướng dẫn tạm thời để quản lý lâm sàng các nghi ngờ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nghiêm trọng gây ra bởi virus Corona. Nhưng đối với hầu hết mọi người, phòng ngừa là điều quan trọng hơn.

- Tránh đến bệnh viện. Nếu cần thiết phải đến bệnh viện, đeo khẩu trang phẫu thuật và chú ý vệ sinh cá nhân.

- Tránh tiếp xúc với động vật.

- Tránh chợ ẩm ướt, chợ gia cầm sống hoặc trang trại.

- Tránh tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, đặc biệt là những người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

- Chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm, và tránh ăn hoặc uống các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm sữa, trứng và thịt, hoặc thực phẩm có thể bị nhiễm chất tiết động vật, bài tiết (như nước tiểu), hoặc các sản phẩm, trừ khi đã được nấu chín, rửa hoặc bóc vỏ đúng cách.

- Nếu bị sốt hoặc các triệu chứng khác sau khi trở về từ nước ngoài, bạn nên đi điều trị y tế ngay lập tức và chủ động thông báo cho bác sĩ về những nơi bạn đã đến gần đây và liệu bạn có tiếp xúc với động vật hay không.
 
Sửa lần cuối:
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có trao đổi về dịch bệnh viêm phổi cấp - virus corona Vũ Hán này.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của virus corona mới?

Virus corona mới chính là chủng virus SARS ngày xưa biến đổi. Tuy nhiên, virus SARS ủ bệnh trong 5 ngày thì virus này là 14 ngày, lúc này mới biết nguy cơ có bệnh hay không.

Mới bắt đầu dịch bùng phát tại TP Vũ Hán sau đó lây lan ra một số tỉnh, thành của Trung Quốc nên chưa thể đánh giá được mức độ lây lan của nó như thế nào. Đây là virus mới, giai đoạn đầu còn chưa lây sang người nhưng giờ đã lây sang cả nhân viên y tế giống như SARS.

Ngoài ra dịch mới bùng phát nên cũng chưa thể đánh giá được virus này nguy hiểm hơn hay ít nguy hiểm hơn so với SARS, tỷ lệ tử vong cao hay thấp. Theo thống kê tại Trung Quốc hiện đã ghi nhận hơn 540 ca mắc, 17 trường hợp tử vong.

Sau này số mắc sẽ tiếp tục tăng, song số tử vong có thể vẫn dừng lại ở con số này. Dù vậy, hiện tại nó lây lan khá nhanh.

Virus này ủ bệnh đến 14 ngày, vậy nó có lây trong thời kỳ ủ bệnh?

Về nguyên tắc, hầu các bệnh truyền nhiễm đều không lây trong thời kỳ ủ bệnh trừ sởi, quai bị có thể lây trước khi có biểu hiện bệnh về lâm sàng. Các virus corona nói chung chúng tôi theo dõi trong thời gian dài thì không lây trong thời kỳ ủ bệnh, tuy nhiên với virus corona mới này thì cần theo dõi thêm.

Xin ông cho biết đường lây lan của virus này như thế nào?

Virus corona mới lây theo đường hô hấp, ở mức độ tiếp xúc gần. Trong vòng 2 m nếu người xung quanh hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Theo ông làm thế nào để phát hiện sớm, hạn chế sự lây lan của dịch?

Đây là dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta vì thế cần giám sát chặt những người đi từ vùng dịch về. Giống như dịch SARS trước đó, chúng ta cần giám sát các chuyến bay đi từ vùng dịch về. Không phải ai đi từ vùng dịch về cũng áp dụng biện pháp cách ly nếu không sốt nhưng cần theo dõi tại nhà, khi có biểu hiện bệnh cần đến viện ngay.

Đồng thời cơ quan y tế cũng phải nắm được danh sách của tất cả các hành khách trên chuyến bay đó, tên tuổi, địa chỉ, ngồi ở ghế nào. Trong trường hợp sau này có một hành khách xác định dương tính thì cần cách ly theo dõi những người ngồi gần bệnh nhân nhất, trong vòng 2 m.

Đặc biệt những trường hợp phát hiện bị sốt khi đi cửa khẩu cần phải cách ly ngay. Thực tế, không phải ai đi qua cửa khẩu có biểu hiện ho, sốt cũng là do virus corona mới, tỷ lệ dương tính là rất nhỏ.

Giai đoạn này cần sự cảnh giác cao của tất cả các cơ sở y tế. Trường hợp nào sốt, đến từ vùng dịch về đều cần cách ly ngay, sau đó tiến hành làm các xét nghiệm sàng lọc loại trừ. Có thể xét nghiệm ra virus corona nhưng để xác định đúng có phải chủng corona virus mới ở TP Vũ Hán không thì cần có “mồi” để xét nghiệm mới khẳng định được.

Quan trọng là phát hiện sớm cách ly ca bệnh kịp thời, tránh lây lan.

Vậy làm thế nào để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới này?

Cách phòng bệnh giống như phòng bệnh cúm: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, hạn chế đến nơi đông người… Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Quan trọng là tổ chức hệ thống giám sát, phát hiện cách ly ca mắc càng sớm càng tốt vì bệnh lây qua đường hô hấp lây qua ho, hắt hơi bắn nước bọt.

Biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp này như thế nào? Theo ông những trường hợp nào cần đến bệnh viện ngay?

Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp do virus corona mới tương tự như SARS. Cụ thể, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ, bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong. Nếu không được khống chế tỷ lệ tử vong sẽ cao.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus corona vì thế việc điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh và phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng.

Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

(Theo Dân trí)
--------
Một số từ khoá tìm kiếm thông dụng
virus corona
virut corona
virus corona Vũ Hán
virus corona Trung Quốc
bệnh viêm phổi cấp
 
Biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp này như thế nào? Theo ông những trường hợp nào cần đến bệnh viện ngay?

Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp do virus corona mới tương tự như SARS. Cụ thể, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ, bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong. Nếu không được khống chế tỷ lệ tử vong sẽ cao.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus corona vì thế việc điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh và phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ, virus corona (nCoV) lây từ người sang người qua 3 con đường:
  1. Do người bệnh ho phát tán virus vào không khí phạm vi 3m (con đường chủ yếu);
  2. Bắt tay và tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh;
  3. Tiếp xúc với bề mặt có chứa virus, sau đó chạm vào mũi, mắt, và miệng.

Hiện không có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm trùng nCoV. Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng là tránh tiếp xúc với virus này.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, người dân cần áp dụng một số hành động phòng ngừa hàng ngày như sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.

- Dùng khăn giấy che miệng mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác.

- Hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng khi tay bẩn.

- Không tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng với người có triệu chứng của bệnh cảm như sốt, ho, sổ mũi, hoặc đau nhức

- Không ra đường khi bạn có dấu hiệu của bệnh cảm.

- Làm sạch, khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào.


Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona
Máy đo thân nhiệt từ xa tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để phát hiện, cách ly kịp thời các hành khách đi từ vùng có dịch viêm phổi cấp có biểu hiện sốt
Dưới đây là 5 khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam để phòng tránh dịch viêm phổi cấp lây lan:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

theo Vietnamnet
 
đến ngày 25/1/2020,

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam) và Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV). Trong đó, có 41 trường hợp đã tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).

Số ca mắc tăng 454 trường hợp so với ngày 24/1/2020. Riêng Trung Quốc ghi nhận 1.281 trường hợp mắc bệnh tại 27 tỉnh/thành phố, 15 nhân viên y tế dương tính vơí nCoV.

Trung Quốc đã phong tỏa 16 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào các thành phố. Ngoài ra, tất cả các sự kiện lớn mừng năm mới tại nước này cũng dừng, không tổ chức.

Cập nhật tình hình dịch viêm phổi do nCoV: 1300 trường hợp mắc, 41 người tử vong
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp trên thế giới
Ngoài Trung Quốc, 6 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ cũng đã ghi nhận 19 trường hợp bệnh xâm nhập (trong đó có 16 trường hợp từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về), bao gồm:

  • Thái Lan (4 trường hợp),
  • Hàn Quốc (2),
  • Việt Nam (2),
  • Hoa Kỳ (2),
  • Nhật Bản (1),
  • Singapore (1),
  • Pháp (1),
  • Nepal (1),
  • Đài Loan - Trung Quốc (1),
  • Ma Cao - Trung Quốc (2),
  • Hồng Kông - Trung Quốc (2).
Tổ chức Y tế thế giới cho biết vẫn chưa đủ điều điều kiện công bố Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC). WHO dự kiến sẽ tổ chức họp trở lại để đánh giá tình hình dịch trong khoảng 10 ngày tới, đồng thời cũng đã đưa ra các khuyến cáo cập nhật về vấn đề giao thông quốc tế liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận có 2 trường hợp dương tính với virus corona. 2 trường hợp này là cha con ruột, đều đến từ TP Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện tại, sức khỏe cả 2 bệnh nhân đều ổn định, tiếp tục được theo dõi sát trong phòng cách ly. Chưa có công dân Việt Nam, cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh.

Cập nhật tình hình dịch viêm phổi do nCoV: 1300 trường hợp mắc, 41 người tử vong
Bộ Y tế họp khẩn ngày 24/1 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, Bộ Y tế đã ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh/ thành phố có cửa khẩu, đề nghị triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với các hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc từ 00h00 ngày 25/01/2020 và Công điện gửi Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Khánh Hòa, TP HCM, Long An, yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.


Ngày 24/1, Bộ Y tế chính thức kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng Việt Nam để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Theo Vietnamnet
 
Ngày 27/01

Theo Sở Y Tế Khánh Hoà, ca bệnh tử vong do cúm và dương tính với một chủng cũ virus Corona NL63 chứ không phải chủng mới Vũ Hán, Trung Quốc ( 2019 - nCov).

Bác sĩ Lê Tấn Phùng viện Khánh Hoà cho biết virus Corona có hàng trăm chủng khác nhau. Trong đó có 6 chủng cũ có thể gây bệnh cho người, chủng mưới ở Vũ Hán Trung Quốc là 2019 - nCoV.

Hiện tại Khánh Hoà chưa xuất hiện ca bệnh nhiễm virus Corona Vũ Hán nào.
 
Tại Việt Nam, đến 5h chiều 27/01 chưa có ca nhiễm bệnh virus corona Vũ Hán nào.

Còn tại Trung Quốc, tình hình đang xấu thêm.
Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'
TRUNG QUỐCCác đội y tế tình nguyện vào tâm dịch Vũ Hán thay thế y bác sĩ đã kiệt sức, trong khi quá trình nghiên cứu vắcxin được đẩy nhanh nhất.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'


Sáng nay, giới chức Trung Quốc thông báo số ca tử vong do viêm phổi virus nCoV lên 80, dịch bệnh bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Trong số người tử vong do coronavirus mới, có một trường hợp ở Thượng Hải, 13 tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bắt đầu và một ở tỉnh Hà Nam. Số bệnh nhân lây nhiễm lên đến 2.510 người trên toàn thế giới.

Đặc biệt, trường hợp tử vong của người đàn ông 88 tuổi ở Thượng Hải, một trong những thành phố đông dân nhất của Trung Quốc và là trung tâm thương mại lớn, khiến người dân lo lắng về khả năng lây lan của căn bệnh này.

Bác sĩ Ma Xiaowei, Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết dịch bệnh đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng và phức tạp hơn thậm chí sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa. Những người mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng cúm vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Đó là sự khác biệt lớn giữa virus mới nCoV và SARS, một chủng coronavirus lan rộng ở Trung Quốc và trên thế giới gần hai thập kỷ trước, giết chết 800 người.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Các bệnh viện tại Vũ Hán quá tải bệnh nhân viêm phổi. Bên trong bệnh viện, Tân Hoa Xã công bố hình ảnh các y bác sĩ đang cố gắng kiểm soát dịch. Họ mặc trang phục kín từ đầu đến chân để ngăn ngừa lây nhiễm. Song, trên các trang mạng Trung Quốc, bác sĩ đang dần kiệt sức trước sự bùng phát của bệnh. Nhiều bệnh nhân muốn khám phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ mới được gặp bác sĩ.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo 6 đội phản ứng gồm 1.230 nhân viên y tế được thành lập và sẽ đến tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán 11 triệu dân. Ba đội phản ứng từ Thượng Hải, Quảng Đông và của quân y đã đến tỉnh này, tuy nhiên không rõ họ có nằm trong số hơn 1.200 y bác sĩ nói trên hay không. Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây dựng 2 bệnh viện dã chiến tại đây để đối phó với tình hình dịch viêm phổi ngày càng lan rộng.

Chen Dechang, một bác sĩ từ Thượng Hải đến Hồ Bắc, cho biết điều quan trọng là bổ sung nhân viên y tế tại hiện trường. "Chúng tôi có thể cứu được nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp nếu có mặt ở tuyến đầu", ông nói.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Giới chức Thượng Hải đã gửi 81 ECMO (hệ thống hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bệnh viện Jinyintan, một trong những nơi được phân công chữa trị bệnh nhân viêm phổi ở Vũ Hán.

Nhóm phản ứng Quảng Đông gồm 42 bác sĩ và 93 y tá, Ủy ban Y tế Quốc gia thông báo. Trước đó, một nhóm y bác sĩ, cả đương chức và về hưu của Đại học Y miền Nam ở Quảng Châu, từng chiến đấu trong dịch SARS năm 2003, ký đơn tình nguyện hỗ trợ Vũ Hán.

"Chúng tôi là một nhóm y bác sĩ có kinh nghiệm chống chọi dịch SARS", nhóm viết trong đơn. "Chúng tôi không thể quay lưng trước nghĩa vụ cứu người, cũng như 17 năm trước, khi người dân đang phải đối mặt với một loại virus corona mới. Chúng tôi sẵn sàng tới tiền tuyến và góp công sức của mình".

Một nhóm khác, gồm 135 bác sĩ từ Trùng Khánh, đã đến Vũ Hán vào đêm 30 tết.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Ngoài hỗ trợ về nhân lực y tế, Vũ Hán còn được hứa giúp bởi các công ty tư nhân về mặt tài chính, quyên tiền để mua thiết bị y tế và khẩu trang. Đại gia Tencent chi 300 triệu nhân dân tệ; công ty thương mại điện tử JD.com hiến tặng một triệu khẩu trang; Jinglin Assets chi tiền mua trang thiết bị y tế từ Nhật Bản và Hàn Quốc; Lenovo cam kết tài trợ toàn bộ thiết bị công nghệ thông tin cho bệnh viện mới đang xây nhằm chữa trị bệnh nhân viêm phổi.

Ngân hàng phát triển Trung Quốc cho Vũ Hán vay khẩn cấp 2 tỷ nhân dân tệ. Trước đó một ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo chi một tỷ nhân dân tệ cho tỉnh Hồ Bắc để giúp dập dịch viêm phổi (1 tệ = 0,14 USD).

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Các nhóm nghiên cứu độc lập tại Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực điều chế vắcxin phòng chống virus nCoV. Vắcxin dự kiến được thử nghiệm trên người trong vòng 3 tháng tới, khoảng thời gian nhanh nhất từ trước đến nay khi nghiên cứu cho ra đời một loại vắcxin mới.

Bệnh viêm phổi Vũ Hán liên quan đến chủng virus nCoV bắt đầu bùng phát kể từ ngày 31/12/2019. Chỉ trong chưa đầy một tháng đã lây nhiễm tới 9 quốc gia bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Việt Nam, Pháp, Australia và Malaysia.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Ảnh chụp một nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ, tại Bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán.

Lượng bệnh nhân khổng lồ và khối lượng công việc quá sức đã và đang gây những tổn thất tinh thần cho nhân viên y tế thành phố Vũ Hán. Nhiều bác sĩ cũng lo lắng về việc mình sẽ mắc bệnh. Họ phải mặc thêm bỉm người lớn giúp các nhân viên y tế không phải cởi bộ đồ bảo hộ, tiết kiệm thời gian, vừa tránh rách hoặc bị mất và không được cấp bộ đồ mới, do nhiều bệnh viện đang thiếu nguồn cung đồ bảo hộ.
Candice Qin, nhà trị liệu đến từ Bắc Kinh chia sẻ một bác sĩ bị nhiễm virus nCoV từ bệnh nhân đang bị căn bệnh "phá hủy". Bác sĩ này đang tự cách ly bản thân trong phòng riêng, giấu bố mẹ về bệnh tình của mình, cảm thấy "bất lực và cô đơn".
"Tôi nghĩ đây là áp lực thể chất và tinh thần mọi bác sĩ và y tá ở Vũ Hán đang đối mặt", Candice nói. "Chúng ta biết các bệnh nhân đang lo lắng, nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng các bác sĩ cũng là con người".

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Ngày 24/1, chính quyền Vũ Hán đăng thông báo công khai, yêu cầu quan chức địa phương xác nhận các bệnh nhân nhiễm virus nCOV và sắp xếp làm xét nghiệm cho họ tại các bệnh viện được chỉ định, không được phép từ chối bệnh nhân. Song, thông báo cũng khuyến nghị những bệnh nhân không bị nhiễm bệnh nên được cách ly tại nhà để theo dõi bởi hệ thống y tế công cộng đã bị quá tải bởi nhu cầu người dân, và "đã bị mất kiểm soát".

Tại nhiều bệnh viện, có người nhà đánh nhau với bác sĩ, y tá, cố gắng để được xét nghiệm chẩn đoán bệnh, hoặc có giường để nằm. Nhiều bệnh nhân rất sợ về nhà vì sợ lây bệnh cho gia đình và mọi người.

Cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán 'leo thang'

Trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc, các nhân viên y tế tại thành phố Vũ Hán cho biết môi trường làm việc cực kỳ căng thẳng. Họ phải đối phó với tình trạng quá tải, thái độ nghi ngờ từ bệnh nhân, lẫn chú ý bảo vệ sức khỏe của bản thân.

"Hôm nay, một đồng nghiệp của tôi bị phồng rộp ở mặt vì phải đeo khẩu trang chống độc trong thời gian quá dài", Wang Jun, một y tá tại Bệnh viện Jinyintan cho biết.
Fan Li, y tá khác, chia sẻ để đảm bảo môi trường vô trùng, cô thường xuyên phải trực hàng giờ liền mà không được uống nước hay đi vệ sinh. Các biện pháp phòng ngừa cấp cao nhất buộc đội ngũ y tế phải mặc áo vô trùng và đeo mặt nạ phẫu thuật. Ca làm việc của họ thường kéo dài 24 giờ, gấp đôi so với ngày bình thường. Tất cả đều phải cảnh giác cao độ với bệnh nhân. Bất kỳ ai có biểu hiện sốt nhẹ đều được chuyển đến phòng khám để kiểm tra.
Helen, làm việc tại khu vực bệnh nhân sốt của bệnh viện Thượng Hải, cho biết cô chỉ ăn một bát mì trong suốt ca trực và gần như không được ngủ.
"Chỉ có ba bác sĩ trong phòng khám sốt. Bệnh viện gần đây mới phân bổ lực lượng từ khoa cấp cứu và khoa nội để san sẻ khối lượng công việc, nhưng vẫn thiếu nhân lực", cô nói.
Thùy An (Theo SCMP, Reuters, ChinaDaily
VnExpress
 
Nhiều nước đã và đang gấp rút đưa công dân của mình rời Vũ Hán càng nhanh càng tốt.

Nhiều nước đưa công dân rời Vũ Hán
Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Mỹ và Nhật lên kế hoạch đưa công dân rời khỏi Vũ Hán, Trung Quốc do quan ngại về dịch viêm phổi cấp.

"Chúng tôi đang làm việc với lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Bắc Kinh, quan chức Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) để hồi hương khoảng 20 người Tây Ban Nha ở Vũ Hán, Hồ Bắc, tâm dịch virus corona. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật bất kỳ diễn biến mới nào", Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya hôm nay cho hay trên Twitter.

Bộ Ngoại giao Anh cùng ngày ra thông cáo cho biết đang xúc tiến đưa công dân nước này rời tỉnh Hồ Bắc và yêu cầu công dân liên lạc với sứ quán tại Bắc Kinh nếu cần giúp đỡ

Pháp sẽ sắp xếp một chuyến bay thẳng vào giữa tuần này để hồi hương các công dân Pháp muốn rời Vũ Hán, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn hôm nay cho biết tại Paris, sau cuộc họp khẩn với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe.

Theo Bộ trưởng Buzyn, số lượng công dân Pháp hồi hương có thể "dao động từ vài chục đến vài trăm người". Khi trở về Pháp, những công dân này sẽ được cách ly trong 14 ngày, là thời gian ước tính virus ủ bệnh.

Khách du lịch từ một chuyến bay của Air China, Trung Quốc tại sân bay Charles de Gaulle, Paris ngày 26/1. Ảnh: Reuters.
Khách du lịch từ một chuyến bay của Air China, Trung Quốc tại sân bay Charles de Gaulle, Paris ngày 26/1. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi đang xem xét khả năng sơ tán tất cả những người Đức muốn rời khỏi Vũ Hán", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay tại họp báo hôm nay ở Berlin. Nhóm nhân viên đại sứ quán Đức tại Bắc Kinh sẽ đến Vũ Hán để trợ giúp di dời công dân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 26/1 thông báo tại Tokyo rằng chính phủ nước này đang làm việc với phía Trung Quốc để sắp xếp chuyến bay đưa tất cả công dân Nhật rời Vũ Hán.

Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố rằng họ sắp xếp một chuyến bay có sức chứa 230 người để các đưa nhà ngoại giao và công dân về San Francisco ngày 28/1.

Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc là nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới họ Corona (nCoV) gây ra và khiến 81 người thiệt mạng cùng hơn 2.700 trường hợp nhiễm bệnh đến nay. Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán cùng nhiều thành phố khác do lo ngại dịch bệnh lan rộng. Giới chức y tế Trung Quốc cho hay khả năng nCoV sẽ lây lan ngày càng mạnh hơn và virus có thể lây cả trong thời gian ủ bệnh.
 
Tại cửa khẩu Lào Cai, các cơ quan quản lí đã thực hiện lệnh cấm xuất và nhập cảnh với khách du lịch.

Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện biện pháp phòng ngừa virus corona

Nguồn VTV
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản yêu cầu các hiệp hội du lịch và công ty kinh doanh du lịch đang hoạt động tại địa phương này tạm ngừng xuất, nhập cảnh du khách tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đến các vùng của Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới nCoV.
Trước đó, do dịch viêm phổi cấp đang lây lan, ngành du lịch Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thông báo đến các công ty du lịch Việt Nam, đề nghị tạm ngừng xuất nhập cảnh khách du lịch tại cửa khẩu Hà Khẩu - tỉnh Vân Nam.
Thông báo ghi rõ: Để phòng ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp đang lây lan, Sở Văn hóa - Du lịch huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông báo khẩn cấp, từ ngày 26/1/2020, các công ty du lịch tạm ngừng xuất nhập cảnh khách du lịch cho đến khi có thông báo mới.
Trước tình hình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã đề nghị các doanh nghiệp du lịch đón khách qua cửa khẩu thông tin cho các đối tác, du khách được biết, khuyến cáo các doanh nghiệp không đưa đón du khách qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, nghiên cứu các sản phẩm, du lịch dịch vụ khác thay thế các chương trình du lịch qua cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng chống lây nhiễm virus Corona; kịp thời báo cáo và tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng địa phương, kịp thời xử lý nếu phát hiện trường hợp khách du lịch có biểu hiện ốm sốt, nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm virus này.
Doanh nghiệp lữ hành quốc tế không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế; có biện pháp phòng chống dịch bệnh cho khách du lịch khi đi du lịch nước ngoài đồng thời hướng dẫn, thông tin đầy đủ đến du khách để khách chủ động phối hợp phòng chống dịch bệnh.
Được biết, các tour du lịch khởi hành từ Lào Cai (Việt Nam) sang Trung Quốc chủ yếu là ngắn ngày như tham quan Kiến Thủy, Di Lặc, Bình Biên... Ngược lại du khách khởi hành từ Trung Quốc sang Lào Cai chủ yếu tham quan Sa Pa và Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
 
Theo VnEpress, đến 8h sáng ngày 29/01 số ca tử vong tăng tại Trung Quốc.

Thứ tư, 29/1/2020, 08:07 (GMT+7)

Thêm 25 ca tử vong ở Vũ Hán
Số người thiệt mạng trong dịch viêm phổi do virus nCoV lên 131, sau khi có thêm 25 ngưởi tử vong và 840 người mắc mới.

Giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán, công bố các con số trên sáng nay đồng thời khẳng định sự tự tin sẽ ngăn chặn được dịch bệnh.

Như vậy tổng số người nhiễm ở Trung Quốc ít nhất là 5.355. Hầu hết số ca tử vong xảy ra ở người trên 60 tuổi và có bệnh lý khác đi kèm.
 
Bệnh nhân nhiễm virus corona tại Đức được cho là trường hợp đầu tiên bị lây nhiễm virus trực tiếp từ người sang người, theo Viện Robert Koch (RKI).

RKI là viện nghiên cứu chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, trực thuộc Bộ Y tế Liên bang Đức.

Bệnh nhân nhiễm virus corona mới là một người đàn ông 33 tuổi đến từ thành phố Munich. Trước đó bệnh nhân chưa từng đến Trung Quốc, tuy nhiên anh đã có một cuộc gặp gỡ với một người bạn Trung Quốc vào cuối tuần trước, người này đã được xác định có kết quả dương tính với virus corona mới.

Chính phủ Đức cho biết, hiện tại bệnh nhân người Đức đã được cách ly tại một bệnh viện ở Munich và tình trạng sức khoẻ đang dần ổn định.

Vtv
 
Đến, TOANG thật rồi...??

Từ fb Lương Lê Minh

Thủ tướng tuyên bố kết luận cuộc họp 19h00 ngày 30/01/2020
(Kết luận này được ghi tốc kí để chuyển ngay cho BTV đọc trên chương trình thời sự VTV tối nay. Các bạn muốn theo dõi chi tiết thì xem lại vào lúc 22h trên VTV2, sẽ có phiên bản được biên tập đầy đủ hơn)

1. Trong lúc chưa đóng cửa hoàn toàn biên giới, thì tạm dừng việc đi lại và giao thương hai nước. Tạm dừng cấp thị thực cho khách TQ, trừ trường hợp công vụ. Tạm hoãn các đoàn từ VN đi TQ.

2. Giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế chuẩn bị cơ sở và trình tự pháp lý để có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, tùy theo diễn biến dịch và khuyến cáo của WHO.

3. Giao Bộ Ngoại giao chuẩn bị tuyên bố của VN, với tư cách chủ tịch ASEAN (tương tự như với dịch SARS)

4. Chuẩn bị, đảm bảo cơ sở vật chất phòng dịch, sẵn sàng dùng cho trong nước, và có thể chi viện cho TQ khi cần.

5. Thành lập Ban chỉ đạo các cấp, đi vào hoạt động từ 30/01/2020.

Ghi chú và bình luận:
Mình đánh máy và tóm tắt lại trên cơ sở thông tin nghe được từ thời sự.

Bình luận nhanh thì Chính phủ đã quyết định đóng cửa (về mặt thực tế) biên giới với TQ, chấm dứt dòng người và hàng hóa giao lưu giữa hai nước. Chưa tuyên bố đóng cửa biên giới chính thức, nhưng đó chỉ là câu chuyện thủ tục pháp lý thôi.
Việc chấm dứt dòng hàng hóa giao thương cũng dự báo ngành nông nghiệp và nền kinh tế VN nói chung sẽ có một năm mới khó khăn.
Mặt khác, VN được yêu cầu chuẩn bị cả về pháp lý và cơ sở vật chất để đối phó với dịch lớn.

TLDR: TOANG RỒI ...
 
03:00, 31-01-2020
Ở Geneva (Thụy Sĩ), WHO tuyên bố sự bùng phát chủng virus nCoV từ Trung Quốc là "TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Y TẾ TOÀN CẦU".

tong_giam_doc_WHO_Tedros_Adhanom_Ghebreyesus.jpg

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ chiều 30-1 (giờ địa phương) - Ảnh: REUTERS.

15:30, 01-02-2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Trong quyết định có nêu: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.

Đây là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV gây ra, thời gian xảy ra dịch từ ngày 23-01-2020 (thời điểm xác định ca đầu tiên mắc bệnh do nCoV). Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg, số 06/CT-TTg và Công điện số 121/CĐ-TTg; các chỉ đạo của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
 
Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Quyết định nêu rõ: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.

1. Tên dịch bệnh: Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

2. Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

3. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh).

4. Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

5. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

6. Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

7. Các biện pháp phòng, chống dịch: Thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.
b) Khai báo, báo cáo dịch.

c) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
d) Tổ chức cách ly y tế.
đ) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
e) Các biện pháp bảo vệ cá nhân.
g) Kiểm soát ra, vào vùng có dịch.
h) Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch.
i) Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.
k) Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

8. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:
a) Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện.
b) Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30 tháng 01 năm 2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2020, số 06/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2020; các chỉ đạo của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
 
Nhận xét về họp báo của bộ Y tế tùe BS Võ Xuân Sơn

ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI

Đọc thông tin báo chí đăng về buổi họp báo của Bộ Y tế chiều nay, tôi thấy có mấy vấn đề cần có ý kiến.

1. nCoV 2019 (Wuhan coronavirus) không lơ lửng mà bám vào bề mặt.

Đây là một thông tin không rõ ràng. Hi vọng là do báo diễn dịch sai. Con virus không tự nó lơ lửng hay bám vào bề mặt, mà là các giọt bẩn chứa virus. Các giọt bẩn này chính là đàm mà người mang Wuhan coronavirus tung ra môi trường bằng cách ho, khạc, hoặc nói chuyện. Nếu các giọt bẩn đủ nặng, nó sẽ rơi xuống các bề mặt và nằm ở đó.

Tuy nhiên, nếu có một cơn gió thổi qua, thì những giọt bẩn đó lại có thể theo gió mà bốc lên, thốc vào mặt, vào mắt chúng ta. Cũng chẳng cần phải có gió nào dữ dội, việc chúng ta di chuyển, đi lại, đóng mở cửa phòng, máy lạnh thổi, quạt thổi... cũng khiến nó bốc lên.

Vì vậy, đừng chủ quan. Và nhất là, ĐỪNG LOẠI TRỪ KHẨU TRANG ra ngoài các khuyến cáo.

2. Tỉ lệ tử vong của dịch viêm phổi Wuhan do coronavirus 2019 là bao nhiêu?

Theo đại diện Bộ Y tế, tỉ lệ này là 1,8%. Đây có phải tỉ lệ đúng không?

Dưới đây là thông tin tỷ lệ tử vong của SARS, được tính cùng cách như đối với nCoV 2019 (lấy số người tử vong chia cho số ca nhiễm): mà bạn @duan Dang đã tra cứu tài liệu và cung cấp.

- Ngày 10.02.2003, khi Trung Quốc lần đầu báo cáo WHO về căn bệnh viêm phổi lạ: Tỷ lệ của SARS là 1,7%(5/300), thời điểm này là gần 3 tháng sau khi xuất hiện ca đầu tiên ở Quảng Đông (16.11.2002).

- Ngày 16.3.2003, vài ngày sau khi WHO phát cảnh báo toàn cầu (lúc này chưa có cơ chế tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu): Tỷ lệ của SARS trên thế giới là 2,67% (4/150).

- Ngày 26.3.2003, khi WHO xác định dịch ở Trung Quốc và trên toàn cầu là một và ghép số liệu: Tỷ lệ là 3,7% (49/1.323).

- Ngày 29.3.2003, khi bác sỹ nổi tiếng người Ý Carlo Urbani qua đời ở Bangkok: Tỷ lệ là 3,5% (54/1.550).

- Ngày 28.4.2003, khi Việt Nam khống chế dịch thành công: Tỷ lệ là 6,4% (321/5050).

- Tháng 7.2003, kết thúc dịch: Tỷ lệ là 9,6% (774/8.098). Con số này được tổng kết để so sánh với các bệnh dịch khác sau này.

Cho đến giờ này, thông báo cho biết đã có 490 ca bệnh viêm phổi Wuhan tử vong, và hơn 2.000 ca đang rất nặng. Bao nhiêu ca trong số rất nặng ấy sẽ tử vong? Cho nên, bây giờ mà nói tỉ lệ tử vong của nCoV 2019 là 1,8% thì e là quá sớm.

Chúng ta không nên phóng đại nguy cơ dịch bệnh, gây tâm lí hoảng loạn. Nhưng cũng KHÔNG NÊN XEM NHẸ nó quá mức, dẫn đến chủ quan.
 
Vĩnh Phúc đang là 1 "ổ dịch" nCoV do các công nhân của 1 nhà máy qua Vũ Hán thực tập. Sẽ tốt hơn nếu chính phủ cô lập ngay từ đầu các di chuyển giữa vùng dịch quốc tế (Vũ Hán) và địa phương (Việt Nam, Vĩnh Phúc).

Nhưng hoạt động xã hội phải dựa trên thống kê xã hội để phán đoán và ra chính sách. Nên dù sao, Việt Nam cho đến lúc này với 14 ca nhiễm, trong đó 3 ca đã xuất viện là một điểm sáng trên bản đồ dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu.

PrayforWuhan, prayforthegioi.
 
Đặc điểm của biến chủng mới tại Anh và Nam Phi. Bài viết của Bác sĩ Hùng Vân.

Biến thể mới của SARS-COV-2 có gì lạ?

Trong quá trình nhân bản để tăng sinh và lây lan, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi, đặc biệt là những virus có bộ gen là RNA như virus HIV, virus cúm vì các enzyme giúp các virus nhân bản bộ gen RNA của chúng thường hay bị những sai sót khi hoạt động. SARS-COV-2 cũng là virus có bộ gen là RNA nên bộ gen của nó cũng có những thay đổi do những sai lầm khi nhân bản. Tuy nhiên khác với HIV và virus cúm, các thay đổi trên bộ gen RNA của SARS-COV-2 lại xảy ra lại ít hơn và chậm hơn, có lẽ là enzyme nhân bản bộ gen RNA của virus này có khả năng sửa sai tốt hơn HIV hay cúm. Người ta tính là trong 1 tháng nhân bản thì một SARS-COV-2 chỉ có thể xảy ra nhiều nhất là 2 thay đổi trong tổng số 29.903 nucleotide của nó, chậm hơn virus cúm 2 lần và HIV 4 lần.

FB_IMG_1610180854139.jpg


Những thay đổi trên bộ gen RNA của SARS-COV-2 trong nhiều trường hợp là không có ý nghĩa gì nếu không làm thay đổi mã di truyền của virus. Tuy nhiên cũng có trường hợp sự thay đổi này làm thay đổi ít nhất một mã di truyền và như vậy là virus bị biến thể. Có những biến thể có hại cho virus như làm cho virus lây lan khó hơn hay có những biến thể làm cho virus không thoát khỏi tế bào chủ được và như vậy là dần dần các biến thể này sẽ bị biến mất. Xét về mặt tiến hóa thì chỉ có những biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn mới là biến thể sẽ tồn tại và dần dần thay thế các chủng virus ban đầu.

SARS-COV-2 lây lan được là nhờ trên bề mặt của virus có những protein gai (SPIKE PROTEIN) giúp virus bám được lên các thụ thể ACE2 có trên các tế bào biểu mô của đường hô hấp. Sau khi bám vào ACE2, virus sẽ xâm nhập vào tế bào biểu mô và nhân bản để tăng sinh thành những virus mới, thoát ra khỏi tế bào để xâm nhập vào tế bào mới cũng như lây lan qua những người khác. Nếu những biến đổi trên bộ gen RNA của SARS-COV-2 làm cho protein gai của virus trở nên bám dễ dàng hơn lên thụ thể ACE2 thì virus sẽ lây lan nhanh hơn.

Trong thực tế thì điều này đã xảy ra đối với SARS-COV-2 khi virus này lan đến Âu Châu. Nếu trước đó các chủng SARS-COV-2 được ghi nhận không khác gì các chủng ở Vũ Hán, thì từ tháng 3, chủng này đã bị thay thế dần bởi một biến chủng khác mang đột biến D614G, tức là tại vị trí mã di truyền (codon) 614 của gen S (là gen chịu trách nhiệm tạo protein gai của virus) thay vì là aspartic acid (D) lại bị thay thế bằng Glycine (G) làm cho vùng bám thụ thể (RBD) của protein gai mở rộng ra hơn nên giúp cho virus bám vào thụ thể ACE2 dễ hơn và chặt chẽ hơn. Chính vì vậy mà hậu quả là biến chủng này, gọi là chủng G, đã thay thế hoàn toàn chủng D trước đó. Vụ dịch tại Đà Nẵng vừa qua cũng là do chủng G này gây ra.

Từ tháng 12, xuất phát tại vùng Kent ở Đông Nam nước Anh, các nhà khoa học phát hiện một biến thể mới của SARS-COV-2 được đặt tên là biến thể VUI 202012/01 (variant under investigation, year 2020, month 12, variant 1) có nhiều đột biến hơn, cụ thể trên gen S có đến 8 đột biến bao gồm cả đột biến D614G. Các đột biến trên biến thể này đã làm cho virus có những hiệu quả sinh học trong đó đáng để ý là đột biến N501Y xảy ra ngay trên vùng bám thụ thể (RBD) của protein gai của SARS-COV-2 giúp cho virus dễ bám vào thụ thể ACE2 của tế bào biểu mô hô hấp hơn nhờ vậy mà làm tăng khả năng lây lan của virus 70% hơn cả đột biến D614G chỉ ảnh hưởng lên vùng RBD chứ không trực tiếp trên vùng RBD. Ngoài ra biến thể VUI 202012/01 còn làm cho việc xét nghiệm real-time PCR phát hiện SARS-COV-2 bị giảm độ nhạy nếu đích phát hiện của các xét nghiệm này là dựa trên gen S vì ngoài các đột biến thay thế mã di truyền, biến thể VUI 202012/01 còn có 3 đột biến làm mất đi 3 mã di truyền 69, 70 và 144 trên gen S của virus.

Ngoài biến thể VUI 202012/01 xuất hiện tại Anh thì hiện nay các nhà khoa học cũng đang lo lắng hơn về một biến thể khác xuất hiện tại Nam Phi từ đầu tháng 11/2020 và nay đã chiếm đa số tại Nam Phi, đó là biến thể 501.V2. Biến thể này khác với biến thể VUI 202012/01 là không có các đột biến mất mã di truyền, vẫn còn các đột biến D614G và đột biến N501Y, nhưng lại có thêm các đột biến khác, đặc biệt là đột biến E484K trên RBD làm tăng thêm khả năng bám của protein gai của virus vào ACE2 tế bào biểu mô hô hấp và đột biến K417N có nguy cơ làm giảm hiệu quả của kháng thể đặc hiệu chống protein gai của virus tức là có nguy cơ làm giảm hiệu quả của vaccin. Khả năng này đã được các nhà khoa học chứng minh trong phòng thí nghiệm. Như vậy là biến thể 501.V2 của SARS-COV-2 của Nam Phi là đáng ngại hơn biến thể VUI 202012/01 của Anh quốc vì có thể sẽ lây lan nhanh hơn và tiềm ẩn nguy cơ kháng được hiệu quả của vaccin vì hầu như tất cả các vaccin hiện nay của chúng ta là nhắm mục tiêu gây miễn dịch để cơ thể tạo được kháng thể chống được các protein gai của SARS-COV-2.

Biến thể mới của SARS-COV-2: Đáng lo là gì?

Biến thể SAR-COV-2 với hậu quả giúp virus lây lan nhanh hơn cũng như có thể giúp cho virus thoát được hiệu quả của vaccin (như biến chủng 501.V2) đã khiến cho nhiều quốc gia rất lo lắng. Có nhiều quốc gia thậm chí đóng cửa đường bay từ các nước đang có các biến thể này (Anh và Nam Phi).

Thật ra thì việc lây lan nhanh hơn nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy các biến thể này làm cho bệnh trầm trọng hơn cũng đã giúp chúng ta yên lòng một phần. Nói yên lòng một phần vì thật ra lây lan nhanh hơn cũng có thể làm cho số người có nguy cơ mắc COVID-19 nặng (già, béo phì, bệnh nền như tiểu đường, suy thận, tim mạch) sẽ tăng lên vì sẽ rất khó tránh được SARS-COV-2 lây qua các đối tượng này. Như vậy thì có nguy cơ số bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện sẽ gia tăng làm quá tải hệ thống y tế và hậu quả là tử vong sẽ gia tăng không chỉ cho các đối tượng COVID-19 mà cả cho các đối tượng khác.

Với nguy cơ biến thể trốn thoát được hiệu quả của vaccin, đây sẽ là nguy cơ rất tệ hại vì như chúng ta cũng biết thế giới hiện nay đã quá mệt mỏi với tình trạng phải cách ly, phải đóng của mà không biết đến bao giờ mới trở lại bình thường vì cứ vừa mở cửa trở lại thì dịch lại bùng phát. Chẳng lẽ cứ phải đóng cửa mãi, mà như vậy thì kinh tế ngày càng đi xuống, có nguy cơ sụp đổ. Chính vì vậy mà mọi hy vọng đều đổ dồn vào vaccin. Hiện nay tại Âu Mỹ đã có 3 vaccin (của Pfizer, MODERNA, và Oxford Astra-Zeneca) được chấp thuận vì đã qua giai đoạn thử nghiệm 3 chứng tỏ hiệu quả bảo vệ từ 90-95%. Tại Nga, Trung Quốc và Ân Độ cũng đã có vaccin được cho là có hiệu quả bảo vệ cao. Đã và đang có nhiều quốc gia sớm đưa vaccin vào chủng ngừa với hy vọng giúp cho miễn dịch cộng đồng càng đạt cao sớm chừng này hay chừng đấy. Tuy nhiên nếu biến chủng của SARS-COV-2 lại trốn thoát được kháng thể đáp ứng từ vaccin thì niềm hy vọng của loài người trong chống đại dịch nhờ vaccin lại phải bị sụp đổ, và như vậy thì bức tranh ảm đạm về kinh tế sẽ không thể sớm vẽ lại bình thường như trước đây. Để đối phó lại thì các công ty nghiên cứu và sản xuất vaccin phải làm sao luôn đuổi kịp các biến thể của SARS-COV-2 giống như tình trạng sản xuất vaccin virus cúm hiện nay. Pfizer và Moderna đang tuyên bố là sẽ cho ra thế hệ vaccin mới trong thời gian rất gần.

Như vậy rõ ràng là chúng ta đang làm mọi cách để đối phó với SARS-COV-2, đúng là một thiên dịch muôn biến vạn hóa. Chính vì vậy mà bây giờ lại có một hy vọng mới, đó là virus SARS-COV-2 sẽ biến thể dần dần để trở thành một tác nhân như cúm mùa, nếu như vậy thì chúng ta sẽ đối phó với COVID-19 như cúm mùa và mọi chuyện sẽ trở lại bình thường như trước đây. Hy vọng sẽ như vậy vì thiên dịch SARS-COV-2 không biết sẽ biến hóa ra sao? Chỉ có một điều chưa thay đổi là virus chỉ gây bệnh nặng cho một số đối tượng có nguy cơ còn với đa số các người khác thì cũng không khác gì cúm. Ai mà biết được.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top