Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Việt Nam trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918)
1. Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam
Ngày 1-8-1914, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Đó là cuộc chiến tranh đế quốc nhằm chia lại thị trường.
Ngay từ khi chiến tranh bùng nổ, Đông Dương đã trở thành đối tượng để vơ vét sức người, sức của của thực dân Pháp. Ngoài "thuế má” và các thứ thuế khác, nhân dân Việt Nam còn phải mua phiếu quốc trái và đóng tiền quyên góp các loại với một số lượng khổng lồ mỗi năm tới 450.000.000 Phơrăng, nhiều nhất so với các thuộc dịa khác của Pháp.
Những chiến dịch "săn người" của chính quyền thuộc địa đã bắt hàng trăm ngàn thanh niên Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam, sang chết thay cho lính Pháp trên các chiến trường Châu Âu.
Nếu đem so sánh với các thuộc địa khác của Pháp, riêng số lính thợ Đông Dương phải cung cấp đã chiếm 1/4 tổng số lính thợ trong tất cả các thuộc địa của Pháp là 183.928 người, đứng đầu các thuộc địa.
Để phục vụ cuộc chiến ở Châu Âu, trong bốn năm chiến tranh, thực dân Pháp đã khai thác ở Việt Nam hàng vạn tấn quặng kim loại quý hiếm như kẽm, chì, thiếc, kền, nhôm, ăngtimoan, 336.000 tấn nông lâm sản các loại.
Công nghiệp thuộc địa phải gánh đỡ cho công nghiệp chính quốc vốn bị đình đốn do chiến tranh. Các ngành chế biến gỗ, rượu cồn, hóa chất... cần cho việc chế tạo vũ khí, quân nhu... đều gia tăng.
Nông nghiệp từ chỗ chuyên canh cây lúa đã chuyển một phần sang trồng những cây công nghiệp phục vụ chiến tranh như thầu dầu, đậu, lạc. Cây cao su được đặc biệt chú ý khai thác, sản lượng từ 200 tấn năm 1914 tăng lên 931 tấn năm 1917. Năm 1916, chính quyền Đông Dương ra lệnh tăng diện tích trồng thầu dầu để mỗi năm có thể xuất cảng sang Pháp 3.000 tấn hạt.
Chính sách bắt dân phá lúa trồng thầu dầu, trồng bông, nạn bắt lính, bắt mua công trái, bắt uống rượu do nhà nước thực dân nấu, nạn quyên góp cho "mẫu quốc"... đã khiến cho nông nghiệp Việt Nam khốn đốn, tiêu điều. Đời sống của nông dân vô cùng bi đát. Trong suốt bốn năm chiến tranh người nông dân bị bần cùng một cách ghê gớm.
Ảnh hưởng sâu sắc nhất của chiến tranh đối với nền kinh tế Việt Nam rõ nhất là trong thương nghiệp. Do chiến tranh nên việc độc chiếm thị trường của Pháp ở Đông Dương có phần bị hạn chế. Hàng hoá từ Pháp sang Việt Nam giảm sút nghiêm trọng, từ 58 triệu Phơrăng xuống còn 30 triệu Phơrăng, trong khi đó hàng hoá xuất từ Việt Nam sang các nước khác trong khu vực lại có phần tăng lên. Nội thương và giao thông vận tải có điều kiện phát triển khiến cho tư sản Việt Nam hoạt động trong các ngành ngày càng có cơ hội để lớn lên, nằm ngoài ý muốn của thực dân Pháp.
Do đó, cơ cấu xã hội Việt Nam trong những năm chiến tranh đã có nhiều thay đổi.
+ Lực lượng sản xuất ở nông thôn bị giảm sút (do chế độ bắt lính, bắt phu tàn bạo).
+ Công nhân gia tăng về số lượng (riêng ngành mỏ từ 12.000 năm 1913 tăng lên 17.000 năm 1916). Công nhân làm việc trong các xí nghiệp tư bản Việt Nam cũng tăng lên. Công ty Bạch Thái Bưởi có lúc sử dụng tới 1.000 công nhân.
+ Tầng lớp tiểu tư sản thành thị ngày càng đông đúc cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm hành chính, công thương nghiệp và dịch vụ.
+ Tranh thủ thời gian Pháp nới lỏng độc quyền, tư sản Việt Nam cố gắng len lỏi vươn lên. Một số tư sản ra đời từ trước như Nguyễn Hữu Thu, Phạm Văn Phi... đẩy mạnh hoạt động. Một số tiểu chủ, tiểu thương vươn lên hàng tư sản như Lê Quang Long ở La Khê (Hà Đông), Bùi Tường ở Hoà (Hà Đông), Lê Văn Nghị ở Nam Trực (Nam Định). Họ hoạt động chủ yếu trong công thương nghiệp, giữ được vai trò đáng kể trong một số ngành kinh doanh.
Tuy có sự lớn lên ít nhiều về kinh tế, song nhìn chung, trong thời gian chiến tranh, tư sản dân tộc Việt Nam lại yếu hơn so với những năm đầu thế kỷ XX về ý thức dân tộc .
Nắm được những nhược điểm của giai cấp tư sản Việt Nam, thực dân Pháp đã kết hợp nhiều thủ đoạn vừa đe doạ, vừa dụ dỗ mua chuộc tầng lớp thượng lưu trí thức bản địa. Bằng việc đề ra một số cải cách lừa bịp, đề cao uy thế của bọn bù nhìn Nam triều, bằng cuộc vận động cải lương hương chính, bằng các biện pháp phát triển văn hoá giáo dục nô dịch, mị dân... và bằng cả các biện pháp thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước..., thực dân Pháp đã cố gắng khống chế về tinh thần, kết hợp với trấn áp bằng vũ lực các cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam.
Chính sách thống trị của thực dân Pháp trong thời kỳ chiến tranh đã gây nên những phẫn nộ, bất bình trong dân chúng Đông Dương.
2. Phong trào đấu tranh trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918)
Hoạt động trở lại của Việt Nam Quang phục hội
Trước khi chiến tranh bùng nổ, nhất là từ khi Phan Bội Châu bị chính quyền Lưỡng Quảng bắt giam, Việt Nam Quang phục hội bị tan rã. Tuy nhiên, nhiều hội viên của hội còn rất hăng hái.
Tháng 9-1914, Đỗ Cơ Quang (có tài liệu ghi là Đỗ Chấn Thiết) tập hợp 50 hội viên ở Vân Nam (Trung Quốc) lập cơ sở chế bom ở Hà Nội, tiến hành vận động binh lính, chuẩn bị bạo động. Nguyễn Hắc Sơn làm phản, kế hoạch bị bại lộ, Đỗ Cơ Quang cùng 58 người khác bị bắt.
Cuối năm 1914, đầu năm 1915, một số người yêu nước ở Phú Thọ đã tổ chức cuộc tấn công vào trại lính khố xanh nhưng thất bại, 238 người bị bắt, 47 người bị kết án, trong đó 28 án tử hình.
Cũng thời gian này, những hội viên Việt Nam Quang phục hội đã tổ chức cuộc đánh đồn Nho Quan (Ninh Bình), đồn Móng Cái, đồn Lục Nam (l0-1914) nhưng đều không thành công.
Đầu năm 1915, một số yếu nhân trong Quang phục hội ở nước ngoài tổ chức tập kích Móng Cái và đánh đồn Tà Lùng (Cao Bằng) ngày 13-3-1915. Sau 45 phút chiến đấu, nghĩa quân không phá được đồn, phải rút lui.
Tháng 9-1915, ở Lao Bảo, nơi giam giữ các loại "tù quốc sự" xảy ra vụ bạo động giết lính phá ngục. Ở đây có gần 200 tù nhân, trong đó có những hội viên tích cực của Việt Nam Quang phục hội như Liêu Thanh, Hồ Bá Kiện (thân sinh Hồ Tùng Mậu).
Trong những tháng tiếp theo còn nổ ra một số cuộc đánh đồn khác như cuộc đánh đồn Bát Sát (Lào Cai) ngày 8-8- 1916, đồn Đồng Văn (Hà Giang) ngày 3-3-1917, đồn Mường Thương (Lào Cai) ngày 7-2-1918... tất cả đều nằm trong kế hoạch của Quang phục hội hoặc chịu ảnh hưởng của hội, nhưng nhìn chung, không mấy kết quả.
Sau những cuộc bạo động nói trên, chính quyền thực dân ở Đông Dương đã thẳng tay đàn áp. Nhận lời yêu cầu của Pháp, chính quyền Trung Hoa, Anh và Xiêm đã bắt, giao cho chúng nhiều ng¬ười yêu nước Việt Nam.
Những cố gắng cuối cùng và sự thất bại của các hội viên Việt Nam Quang phục hội đã chứng tỏ đường lối của tổ chức này chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào cách mạng Việt Nam lúc đó. Tuy vậy, trong hoàn cảnh chưa xuất hiện một tổ chức cách mạng mới có uy tín và trình độ lãnh đạo cao hơn, danh nghĩa Việt Nam Quang phục hội, cùng với uy tín của lãnh tụ Phan Bội Châu vẫn là nguồn cổ vũ và niềm tin cho các lực lượng yêu nước trong những năm chiến tranh.
Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế (3-5-1916)
Sau phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, một số sĩ phu yêu nước ở các tỉnh Nam Trung Kỳ chưa bị bắt vẫn nuôi chí căm thù, chờ cơ hội. Họ tập hợp xung quanh Thái Phiên một yếu nhân của Việt Nam Quang phục hội trước đây và Trần Cao Vân một nhà yêu nước đã từng bị Pháp bắt năm 1907-1908.
Nhân khi thực dân Pháp thực hiện chiến dịch bắt lính ráo riết, các nhà lãnh đạo phong trào đã đi đến nhất trí tiến hành một cuộc khởi nghĩa dưới danh nghĩa vua Duy Tân, lấy Huế làm địa bàn nổi dậy đầu tiên. Lực lượng khởi nghĩa là những binh lính người Việt, phần lớn là những lính tập, sắp bị đưa sang chiến trường Châu Âu.
Hàng ngàn người ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tham gia khởi nghĩa. Ho lập xưởng rèn đúc vũ khí, mua sắm quân nhu, quyên góp tiền chờ ngày nổi dậy. Để gây thanh thế cho cuộc khởi nghĩa, những người lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho Thái Phiên và Trần Cao Vân liên lạc với vua Duy Tân, mời ông tham gia cuộc bạo động, kế hoạch khởi sự được dự kiến vào tối ngày 3 rạng ngày 4-5-1916. Song việc chuẩn bị của những người lãnh đạo có nhiều sơ hở nên kế hoạch bị bại lộ các trại lính Việt đều bị đóng chặt cửa, khí giới bị tước. Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều yếu nhân khác bị bắt. Giặc Pháp đưa vua Duy Tân đi đày và đưa Khải Định con vua Đồng Khánh lên thay.
Kế hoạch khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bị thất bại, song nó thể hiện tinh thần yêu nước rất cao.
- Cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên (từ 30-8-1917 đến ngày ll-1-1918).
Thái Nguyên là một tỉnh lớn, có tầm quan trọng về chính trị và quân sự ở miền rừng núi Bắc Kỳ. Đó là nơi hoạt động của nhiều lực l¬ượng chống Pháp nổi tiếng trong những năm thực dân Pháp xâm lược và bình định vùng đất này.
Để bảo vệ Thái Nguyên, thực dân Pháp đặt ở đây một lực lượng quân đội lớn, gồm cả lính Pháp và lính khố xanh Việt Nam, nhằm bảo vệ tính và canh giữ một trại giam có chừng 200 tù nhân là các chiến sĩ đã từng tham gia vào phong trào Đông Du, Đông kinh nghĩa thục, chống thuế, vụ đầu độc ở Hà Nội, khởi nghĩa Yên Thế, v.v., tất cả đặt dưới quyền của tên công sứ Đáclơ (Darles) tàn ác.
Sẵn có môi thù đối với bọn thực dân đế quốc, những tù nhân đang bị giam giữ ở Thái Nguyên và binh lính người Việt đang đóng ở tỉnh lỵ Thái Nguyên và các đồn lân cận đã liên kết với nhau sự lãnh đạo của Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn.
Nghĩa quân đã nổi dậy ngày 30-8-1912, giết tên giám binh Nhen và tên phó quản tay sai đắc lực của Pháp, làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên, giương cao lá cờ Nam binh phục quốc. Những người nổi dậy còn phá trại giam, giải phóng 203 tù nhân, thu 168 khẩu súng và sáu vạn viên đạn. 311 nghĩa quân gồm 131 lính khoanh và 180 tù phạm đã tình nguyện đứng d¬ưới cờ nghĩa.
Trong đêm, nghĩa quân lần lượt chiếm các cơ quan cai trị của Pháp ở tỉnh, trừ trại lính Tây.
Sáng ra, nghĩa quân treo cờ năm sao đề Nam binh phục quốc ngoài thành rồi dùng loa công bố "Thái Nguyên độc lập", quốc hiệu Đại Hùng và truyền sao bản Tuyên ngôn độc lập với lời lẽ vô vùng thống thiết.
Sau khi làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên, những người lãnh đạo khởi nghĩa mới bàn kế hoạch hành động tiếp theo. Nhiều phương án được đề ra. Qua một hồi bàn cãi, Đội Cấn quyết định cố thủ Thái Nguyên để chờ ngoại viện.
Nhân dân nội, ngoại thị, công nhân mỏ than Phấn Mễ và nông dân các huyện xung quanh gia nhập đội nghĩa binh ngày càng đông.
Thực dân Pháp huy động 2.000 quân có pháo binh và tàu chiến yểm trợ, dưới sự chỉ huy của viên thiếu tướng, phó tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ, tìm mọi cách để dập tắt cuộc khởi nghĩa.
Kịch chiến đã diễn ra suốt bốn ngày đêm tại tỉnh lỵ Thái Nguyên. Sau đó, lực lượng nghĩa binh yếu dần, phải rút khỏi tỉnh lỵ, dựa vào vùng núi và sự giúp đỡ của nhân dân cầm cự với giặc. Các toán quân khởi nghĩa đã phải bôn tẩu nhiều nơi từ Thái Nguyên sang Tam Đảo, Vĩnh Yên, tản ra cả vùng Xuân Lai, Phú Xuyên, Hà Đông, xuống Phút Yên rồi có kế hoạch quay về Yên Thế.
Cho đến tháng 1-1918, sau sáu tháng chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên đã thất bại. Đây là cuộc bạo động duy nhất trong thời gian chiến tranh đã thành công trong việc lật đổ chính quyền thực dân ở một thị trấn, được sự tham gia của nhiều thành phần dân chúng. Đó là do cuộc khởi nghĩa, trong chừng mực nhất định, đã đáp ứng được nguyện vọng độc lập, tự do của quần chúng lao động và nhất là của những người đang là nạn nhân của bọn quan cai trị thực dân tàn bạo. Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cũng như những nghĩa quân nòng cốt tỏ ra có lòng tin vững chắc vào hành động chính nghĩa của mình và biết gắn hành động của mình vào cuộc vận động cách mạng có xu hướng chính trị tương đối tiến bộ của Việt Nam Quang phục hội.
Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn bị thất bại do những lý do khách quan và chủ quan, thể hiện sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở nước ta lúc đó. Dù sao, hành động của binh lính và tù chính trị Thái Nguyên đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận ở Pháp và Đông Dương những năm 1917-1918 và cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Những cuộc bạo động chống Pháp của đồng bào dân tộc ít người
Sự cướp bóc tàn bạo và dã man của thực dân Pháp trong thời kỳ chiến tranh không những gây nên sự bất bình của nhân dân miền xuôi mà còn gây nên những phản ứng của cả nhân dân các dân tộc miền núi Việt Nam.
Tháng 10-1914, người Dao ở Lục An Châu và ở Bảo Hà nổi dậy. Họ tấn công đồn binh nhằm cởi bỏ ách nô lệ.
Tháng 11-1914, người Thái ở Tây Bắc do Bạc Cầm Châu, Lương Bảo Định, Cầm Văn Tứ, Lương Văn Nó... lãnh đạo đã đột nhập vào các đồn Pháp ở Sơn La (Tây Bắc), Sầm Na và Phong Xa LÝ (Lào) giết đồn binh Pháp, cư¬ớp súng rồi rút về hoạt động ở vùng sông Mã.
Cũng trong năm 1914, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đứng lên tấn công đồn binh Pháp. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nơ Trang Long đã diệt 40 tên Pháp ở Đắc Lắc, nhổ đồn Bumê, giết tên Phó sứ tỉnh Crachê (Campuchia) là TruPhô (1-1915).
Tại Lai Châu, Sơn La, người Mèo dưới sự lãnh đạo của Giàng Tả Chay (còn được gọi là Pachay hay Bát Chai) nổi dậy từ tháng 8-1918. Nghĩa quân hoạt động trên vùng biên giới Lào - Việt. Nhiều trận đánh đã diễn ra vào tháng 1-1918 và tháng 1-1919 tại Điện Biên (Việt Nam) và Sầm Na (Lào).
Phong trào hội kín ở Nam Bộ Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, thực dân Pháp sử dụng chính sách trực trị để khủng bố nhân dân ta. Mọi biểu hiện yêu nước đều bị đàn áp. Phong trào phải núp dưới các hình thức tôn giáo để tồn tại.
Năm 1863, xuất hiện giáo phái có xu h¬ướng yêu nư¬ớc lấy tên là đạo Lành. Nông dân tham gia khá đông. Tháng 5- 1873, thống đốc Nam Kỳ ra lệnh bắt bớ, đạo Lành tạm thời rút lui, một thời gian sau đổi tên là đạo Phật đường. Năm 1885, những ng¬ời cầm đầu đạo Phật đ¬ường đã trù liệu một cuộc bạo động võ trang chống Pháp nh¬ưng không thực hiện đ¬ược bị Pháp khủng bố, phong trào lắng đi một thời gian.
Những hội kín ở Nam Kỳ mang màu sắc tôn giáo, như¬ng tôn giáo chỉ là phương tiện để tập hợp, cố kết lại với nhau, mục đích chung vẫn là đấu tranh chống bọn đế quốc cướp nước và bọn phong kiến tay sai bán nước.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào hội kín ở Nam Bộ gồm nhiều tổ chức như: Thiên địa hội, Nghĩa hoà hội, Duy tân hội, Phục hưng hội, Ái quốc hội, v.v..
Nghĩa quân của các hội này có chừng vài trăm người được vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đã tiến hành đánh phá các trụ sở mộ lính, phá nhà giam, bắt giết bọn quan lại tay sai gian ác.
Nơi có phong trào hội kín phát triển mạnh là Biên Hoà, Gia Định, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Rạch Giá, Bến Tre, Châu Đốc.
Vào đêm 16-2-1916, gần 300 hội viên các hội kín ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà mặc áo đen, quần trắng, cổ quấn khăn trắng mang dao, giáo và kiếm, đi đầu là ng¬ười vác lá cờ lớn mang dấu hiệu hội đảng Phan Xích Long tập hợp ở cầu Ông Lãnh rồi chia làm ba ngả tiến vào thành phố Sài Gòn. Mục tiêu của họ là phá khám lớn, giải phóng Phan Xích Long đang bị giam và các tù nhân khác, chiếm các công sở và đưa Phan Xích Long lên làm vua. Do có phòng bị từ trước, quân Pháp đã kịp thời đối phó. Chúng xả đạn vào đám người chỉ có giáo mác và bùa chủ. Cuộc đấu tranh nhanh chóng tan vỡ, một số nghĩa quân bị chết, bị thương và nhiều người bị bắt.
Phong trào hội kín Nam Kỳ là một trong những phong trào nông dân rộng lớn nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, nổ ra khi những sĩ phu yêu nước có xu hướng tư sản đã đuối sức trước yêu cầu lịch sử, không theo kịp phong trào quần chúng, còn giai cấp tư sản dân tộc mới chỉ đang hình thành.
(Nguồn: Lịch sử Việt Nam giản yếu, NXB Chính trị Quốc gia)