Việt nam phật giáo sử luận

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN TẬP I
Nguyễn Lang
Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979


Chương I TRUNG TÂM PHẬT GIÁO LUY LÂU
- Ba trung tâm Phật giáo đời Hán
- Nguồn gốc trung tâm Luy Lâu
- Trung tâm Luy Lâu thành lập sớm hơn các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành
- Trung tâm Lạc Dương
- Trung tâm Lạc Dương được thành lập do từ trung tâm Bành Thành
- Nguồn gốc trung tâm Bành Thành
Chương II HAI THẾ KỶ ÐẦU

- Ðạo Phật Giao Châu trong thế kỷ đầu Tây lịch
Quan niệm về Phật
Quan niệm về Pháp
Quan niệm về Tăng
Quan niệm về nghiệp báo và luân hồi
Từ bi
Công dục
Tiết dục
- Lý hoặc luận của Mâu tử
- Kinh Tứ Thập Nhị Chương
- Học thuật Giao chỉ
- Những Quan niệm căn bản về giáo lý
Quan niệm về Phật
Quan niệm về Pháp
Quan niệm về Tăng
Quan niệm về Niết Bàn
Quan niệm về Luân Hồi Nghiệp Báo
Quan niệm về Vô Ngã
Từ Bi, Bố Thí và Tĩnh Dục
Thiền
Tinh thần Hòa Ðồng Tôn Giáo
- Phá mặc cảm tự tôn về “Trung Quốc”
- Lão Tử Thành Phật ở đất Hồ
Chương III KHỞI NGUYÊN CỦA THIỀN HỌC VIỆT NAM

- Khương Tăng Hội
- Tư tưởng thiền của Tăng Hội
Phương pháp nhị thiền
Phương pháp tam thiền
Phương pháp tứ thiền
- Chi Cương Lương Tiếp
- Ðạt Ma Ðề Bà và Huệ Thắng
- Vai trò quan trọng của Tăng Hội tại Kiến Nghiệp
- Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý
Chương IV SÁCH THIỀN UYỂN TẬP ANH VÀ CÁC TÀI LIỆU KHÁC VỀ ÐẠO PHẬT VIỆT NAM ÐỜI ÐƯỜNG

- Sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục
- Về tác giả Thiền Uyển Tập Anh
- Một số các vị tăng sĩ không được Thiền Uyển Tập Anh nhắc tới.
Chương V THIỀN PHÁI TỲ NI ÐA LƯU CHI

- Hành trạng và truyền thừa
- Bối cảnh tư tưởng của Tì Ni Ða Lưu Chi
- Siêu việt Ngôn Ngữ Văn Tự
- Siêu việt Hữu Vô
- Yếu tố Mật Giáo
- Sấm vĩ học, phong thủy học và ý thức độc lập quốc gia
- Tóm lược những đặc tính của thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi
Chương VI THIỀN PHÁI VÔ NGÔN

- Vô Ngôn Thông và truyền thừa
- Bối cảnh Thiền học Vô Ngôn Thông
- Truyền thuyết Nam Tông về lịch sử Thiền
- Ðốn ngộ và Tâm địa
- Nguyên tắc vô đắc
- Sự sử dụng thoại đầu
- Thiền ngữ và hình ảnh thi ca
- Ảnh hưởng Tịnh Ðộ Giáo
- Tóm lược những đặc tính của thiền phái Vô Ngôn Thông
Chương VII THIỀN PHÁI THẢO ÐƯỜNG

- Nguồn gốc Thảo Ðường
- Ảnh hưởng của phái Thảo Ðường
Chương VIII TỔNG QUAN VỀ PHẬT GIÁO ÐỜI LÝ (1010-1225)

- Chân đứng
- Ðạo Phật và chính trị
- Ðạo Phật và văn hóa
- Ðạo Phật và mỹ thuật
- Ðạo Phật và phong hóa
- Tăng sĩ, tự viện và kinh điển
- Vấn đề mê tín
Chương IX NỀN TẢNG CỦA PHẬT GIÁO ÐỜI TRẦN THIỀN PHÁI YÊN TỬ

- Nền Phật giáo thống nhất
- Thiền sư Thường Chiếu
- Sự quan trọng của Tâm học
- Ðối tượng chứng đắc
- Tùy mục
- Vị tổ khai sơn Yên Tử: Hiện Quang thiền sư (1220)
- Trúc Lâm quốc sư
- Ðại Ðăng quốc sư
- Tiêu Diêu thiền sư
Chương X TRẦN THÁI TÔNG (1218-1277)

- Tuổi trẻ và chí nguyện học Ðạo
- Học hỏi, tu tập và sáng tác
- Khóa hư lục
- Thánh Ðăng Lục
- Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh
- Nhu yếu tỉnh thức
- Nhu yếu tinh chuyên
- Tư tưởng Thiền học
- Thoại đầu thiền
- Ảnh hưởng thiền phái Lâm Tế
- Bố mươi bài tụng cổ
Chương XI TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

- Diện mục Tuệ Trung
- Hòa quang đồng trần
- Ðập vỡ thái độ bám víu và khái niệm
- Ðập phá quan niệm lưỡng nguyên
- Phá vỡ những vấn đề giả tạo
- Diệu khúc bản lai tu cử xướng
Chương XII TRẦN NHÂN TÔNG VÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

- Một ông vua xuất gia
- Ý nguyện xây dựng một nền hòa bình Chiêm-Việt lâu dài
- Xây dựng một giáo hội mới
- Tư tưởng Thiền học
- Những ngày cuối
Chương XIII: THIỀN SƯ PHÁP LOA (1284-1330)

- Cuộc đời tu học của Pháp Loa
- Ðại Tạng Kinh Triều Trần
- Những tác phẩm của Pháp Loa
- Phát triển giáo hội
- Yếu tố Mật Giáo trở thành quan trọng
- Anh Tông và Pháp Loa
- Tư tưởng Thiền học của Pháp Loa
Chương XIV THIỀN SƯ HUYỀN QUANG (1254-1334)

- Về sách Tổ Gia Thực Lục
- Cuộc đời của Huyền Quang
- Câu chuyện Thị Bích
- Huyền Quang và Pháp Loa
- Nhà thi sĩ
- Tư tưởng của Huyền Quang
- Văn Nôm của Huyền Quang
- Thời hưng thịnh chấm dứt
Chương XV NHỮNG KHUÔN MẶT PHẬT TỬ KHÁC TRONG ÐỜI TRẦN

- Trí Viễn thiền sư
- Thuần Nhất pháp sư
- Tăng Ðiền đại sư
- Bão Phác quốc sư
- Pháp Cổ thiền sư
- Huệ Nghiêm thiền sư
- Bảo Sát thiền sư
- Viên thiền sư
- Trí Thông thiền sư
- Vô Sơn Ông
- Minh Ðức Chân Nhân
- Ðức Sơn thiền sư
- Vương Như Pháp
- Trần Thánh Tông
- Trần Minh Tông
- Bích Phong trưởng lão
- Sa Môn Thu Tử
- Lãm Sơn quốc sư
- Thạch Ðầu và Mật Tạng
- Tuyên Chân công chúa và Lệ Bảo công chúa
- Những vị đệ tử
- Truyền thống yên tử.
Chương XVI TỔNG QUAN VỀ PHẬT GIÁO ÐỜI TRẦN

- Chủ lực của văn hóa đời Trần
- Những vị tăng sĩ ngoại quốc có mặt trong đời Trần
- Tổ chức giáo hội
- Vai trò văn hóa và chính trị của Phật giáo đời Trần
CÁC PHỤ BẢN

TÀI LIỆU THAM KHẢO


VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN TẬP I
Nguyễn Lang
Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979

CHƯƠNG I
TRUNG TÂM PHẬT GIÁO LUY LÂU

BA TRUNG TÂM PHẬT GIÁO ÐỜI HÁN
Ðạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật Giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên.
Các tài liệu như Hậu Hán Thư trong đó có câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật Giáo, sách Lý Hoặc Luận của Mâu tử viết tại Việt Nam vào hạ bán thế kỷ thứ hai, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, có tính cách lặt vặt hơn, cho ta thấy rằng trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ hai) ngoài hai trung tâm Phật Giáo ở Trung Hoa, còn có một trung tâm Phật Giáo rất quan trong khác ở Giao Chỉ, tưc Việt Nam, lúc bấy giờ đang nội thuộc Trung Quốc.
Hai trung tâm ở Trung Hoa là trung tâm Lạc Dương và trung tâm Bành Thành. Lạc Dương là kinh đô Trung Hoa vào đời nhà Hán, Hiện nay là một huyeetnj ở tỉnh Hà Nam, còn Bành Thành thì ở về hạ lưu sông Dương Tử, hiện thuộc tỉnh Giang Tô. Ở nước ta thì có trung tâm Luy Lâu: Luy Lâu là trị sở bấy giờ của Giao Chỉ, hiện nay thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Trong ba trung tâm Phật Giáo đời Hán vừa kể, trung tâm nào được thành lập sớm nhất? Hiện giời chưa có câu trả lời dứt khoát. Nhưng đứng về nguồn gốc, chỉ có trung tâm Luy Lâu tại Giao Chỉ là ta biết chắc chắn do đau mà được thành lập. Nguồn gốc của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành vẫn còn rất mờ. Có nhiều dữ kiện khiến cho chúng ta nghĩ trung tâm Luy Lâu được thành lập sớm nhất, và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa.


NGUỒN GỐC TRUNG TÂM LUY LÂU
Trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những tăng sĩ Ấn Ðộ. Các vị tăng sĩ này tới viếng Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Nhưng trước khi các vị tăng sĩ Ấn Ðộ tới Việt Nam, các thương gia Ấn Ðộ cũng đã tới Việt Nam rồi và cũng đã mang theo sinh hoạt Phật Giáo tới xứ ta.
Hồi bấy giờ (đầu kỷ nguyên) Ấn Ðộ đã có liên hệ th ưong mai trực tiếp với Trung Ðông và gián tiếp với các nước vùng Ðịa Trung Hải, Ðế quốc La Mã tiêu thụ rất nhiều vàng, lụa, hương liệu, trầm, quế, tiêu, ngà voi, châu báu... Ðể có đủ hàng cung cấp cho thị trường ấy, các thương gia Ấn Ðộ đã dong thuyền đi mãi vè Viễn Ðông. Những thương thuyền này theo gió mùa Tây nam đi về Ðông Nam Á, tời bờ biển Mã Lai, Phù Nam và Giao Chỉ. Thương gia Ấn Ðộ phải ở lại đây cho đến năm tới, chờ cho gió mà Ðông bắc để trở về Ấn Ðộ. Trong thời gian này, họ lại sống với dân bản xứ à đã ảnh hưởng tới dân bản xứ bằng lối sống văn minh của họ. Vì sự có mặt của những thương gia Ấn Ðộ mà dân ta hồi đó đã biết đến ít nhiều về kỹ thuật canh tác, y thuật và tôn giáo Ấn Ðộ. Ta có thể nói rằng chính những thương gia Ấn Ðộ đã trước tiên đem Phật giáo vào nước ta.
Những thương gia kia, tuy vậy, không phải là những nhà truyền giáo, và mục đích của họ khi đến xứ ta là để buôn bán chứ không phải là để truyền đạo. Trong thời gian lưu lại Giao Chỉ, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo. Người Giao Chỉ ta đã áp dụng những điều hay về canh nông và về y thuật do họ chỉ bày, cố nhiên là cũng tỏ ra mến chuộng tôn giáo của họ. Nhưng nếu hồi đó có những người Giao Chỉ theo đạo Phật thì đạo Phật đây cũng mới chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ của người cư sĩ, giới hạn trong sự tụng đọc tam quy, cúng dường Phật tháp và bố thí cho người ốm đau đói khổ mà thôi, chứ chưa có sự học hỏi kinh điển và chế độ tăng sĩ.
Trong các chuyến đi xa hàng năm với nhiều tháng lênh đênh trên biển cả như thế, các thương gia Ấn cũng th ờ cúng và cầu nguyện đức Phật và các vị Bồ Tát hộ trì cho trời yên biển lặng và mọi sự yên lành. Các thương thuyền này thường thờ đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và đức Nhiên Ðăng (Dipankara), được nổi tiếng là những vị che chở cho thủy thủ được an lành ngoài biển khơi.
Cũng trong mục đích cầu nguyện và cúng dường tam bảo, họ thỉnh theo thương thuyền một vị tăng sĩ. Chính những vị tăng sĩ đi theo thương thuyền này sẽ lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ.
Tuy nhiên, những vị tăng sĩ đi theo các thương thuyền Ấn Ðộ không phải chỉ mục đích giảng đạo và cầu nguyện cho các Phật tử trong thương thuyền. Vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, khuynh hướng Phật Giáo đại thừa đã nẩy nở tại Ấn Ðộ, và vào đầu th ế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Tây lịch, các trung tâm Amaravati và Nagarjunakonda ở miền duyên hải Ðông nam Ấn Ðộ dần dần trở nên những trung tâm Phật giáo truyền báo vào các nước xa là một trong những hoa trái của đạo Phật đại thừa; chính ý hướng này đã thúc đẩy những vị tăng sĩ đi theo vơi các thương thuyền về Ðông Nam Á. Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Ðộ tới bằng đường biển, đó là một điều tất cả các học giả đều phải đồng ý. Ðạo Phật tại Giao Châu do từ Ấn Ðộ truyền sang trực tiếp, không phải là từ Trung Hoa truyền xuống.


TRUNG TÂM LUY LÂU THÀNH LẬP SỚM HƠN CÁC TRUNG TÂM LẠC DƯƠNG VÀ BÀNH THÀNH.
Giao Chỉ tuy nội thuộc nhà Hán nhưng vì ở quá xa và vì phong tục văn hóa khác biệt với đời sống người Hán nên thư tịch Trung Hoa, trong đó kể cả Hậu Hán Thư, hầu như không hề để cập đến. Tác phẩm Phật giáo đầu tiên viết bằng Hán tự, trong khi đó, lại được viết tại Giao Chỉ, đó là cuốn Lý Hoặc Luận [1] của Mâu Tử, một người Trung Hoa trước theo Lão Giáo, sau nhập tịch Giao Chỉ, theo học đạo Phật ở đây và trở nên một Phật tử rất thuần thành. Nhiều người, trong đó có ông Trần Văn Giáp, tác giả cuốn Le Bouddhisme En Annam Des Origines Au XIIè Sièle, căn cứ vào sự kiện đó nói rằng vì tài liệu sớm nhất ta hiện có về đạo Phật tại Giao Chỉ vào cuối thế kỷ thứ hai, ta chỉ có thể nói là đạo Phật được truyền vào nước ta trễ lắm là trong thế kỷ ấy.
Ở đây, dù thiếu tài liệu trực tiếp về đạo Phật Giao Chỉ, chúng tôi cũng muốn dùng những tài liệu liên hệ tới các trung tâm Phật Giáo Hậu Hán để chứng minh rằng trung tâm Luy Lâu được thành lập sớm hơn các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, và như thế là đã được hình thành vào thượng bán thế kỷ thứ nhất của Tây lịch.
Ðạo Phật truyền qua Trung Hoa bằng hai đường: đường bộ từ Trung Á, và đường thủy ngang qua biển Nam Hải. Theo Thang Dụng Hình, tác giả Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều Phật Giáo Sử [2], đạo Phật Trung Hoa phần lớn được truyền sang bằng đường bộ. Ông Thang nhấn mạnh nhiều lần về điểm này, tuy nhiên ông không đưa ra những bằng chøng cụ thể. Nhiều người có khuynh hướng cho rằng trung tâm Lạc Dương được thiết lập do những tăng sĩ Phật Giáo Ấn Ðộ và Trung Á tới bằng đường bộ: nhìn trên bản đồ ta thấy đường bộ gần hơn đường thủy, và đọc sách xưa ta đã bị ảnh hưởng gián tiếp của câu chuyện giấc mộng vua Hán Minh Ðế[3] . Sự thực là tuy con đường bộ nối liền Ấn Ðộ và Trung Hoa có đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử truyền bá Phật Giáo vào Trung Hoa, nhưng những vị tăng sĩ đầu tiên tời Trung Hoa hầu h ết đều do đường biển mà tới. Lý do giản dị nhất là hồi đó tuy con đường thủy có thể dài hơn nhưng tương đối an ninh và dễ dàng hơn con đường núi non và sa mạc rất nhiều.
Con đường bộ trở nên tương đối dễ dàng bắt đầu từ thế kỷ thứ tư. Tuy vậy Pháp Hiển (cuối thế kỷ thứ tư) và Huyền Trang (thế kỷ thứ bảy) vẫn còn phải trải qua bao khổ nhọc mới đi trọn con đường ấy. Nhiều vị tăng sĩ ở các nước Trung Á đã sang Việt Nam rồi đên Trung Hoa bằng đường thủy, trong khi đó thì những nước Trung Á ấy lại nằm giữa Ấn Ðộ và Trung Hoa.


TRUNG TÂM LẠC DƯƠNG
Lạc Dương là kinh đô của nhà Hán. Tục truyền rằng vua Hán Minh Ðế (58 - 75 T.L) một đêm nằm mộng thấy một người vàng bay trước điện. Vua hoan hỷ ngắm nhìn, sáng mai thức dậy liền hỏi quần thần “đó là vị thần nào vậy?” Có một vị cận thần tên Truyền Nghị tâu “Thần nghe ở nước Thiên Trúc có người đắc đạo, gọi là Phật, có thể phi hành trên hư không, thân thể có hào quang. Chắc là vị thần ấy đấy”. Vua liền cử một phái đoàn đi sang nước Ðại Nhục Chi (Scythia). Phái đoàn thỉnh được kinh Tứ Thập Nhị Chương đem về.
Câu truyện trên kia được ghi chép đầu tiên trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, trong Lão Tử Hóa Hồ Kinh và trong bài tựa kinh Tứ Thấp Nhị Chương; và trong suốt mười mấy thế kỷ đã được xem như là câu chuyện thực vè sự du nhập của Phật Giáo và đất Hán.
Có quá nhiều nghi vấn được đặt ra về câu chuyện trên khiến cho câu chuyện đã mất hết giá trị lịch sử. Trước hết, nếu Truyền Nghị có thể giải thích được giấc mộng “người vàng” là Phật, thì đó có nghĩa là ông ta đã nghe nói đến Phật giáo đã được du nhập trước khi vua Hán nằm mộng. Thứ đến, dữ kiện về năm đi năm về của phái đoàn và về tên tuổi các nhân viên của phái đoàn cũng bất nhất. Có bản chép Trương Khiên là một trong những nhân viên của phái đoàn, trong khi Trương Khiên là nhân vật sống vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch. Các bản xưa nhất không chép có vị tăng Ấn Ðộ nào về theo phái đoàn, trong khi các bản in thế kỷ thứ năm nói có một vị, và một tác phẩm thế kỷ thứ sáu lại nói có hai vị tăng Ấn Ðộ.
Cuối cùng, người ta nghĩ khó mà tin rằng chỉ vì một giấc mộng mà một phái đoàn quan trọng thế kia đã được gửi đi một chuyến hành trình quá gian khổ như thế. Truyền thuyết giấc mộng Hán Minh Ðế vì vậy không có căn bản vững chắc. Ông Henri Maspéro năm 1910 đã đem nhiều chứng liệu để chứng minh rằng chuyện Giấc Mộng Hán Minh Ðế chỉ là một sự “ăn gian vì đạo” (fraude pieuse) bịa đặt vào hạu bán thế kỷ thứ hai (Le Songe Et l’Ambassade De l’Empereur Ming, étude critique des sources - BEFEO, X).
Nhưng tại sao người ta lại bịa đặt ra câu chuyện giấc mộng? Rất có stheer vì trong đời nhà Hán, ngoài trung tâm Phật Giáo Lạc Dương còn có trung tâm Bành Thành và trung tâm Luy Lâu. Những người theo Phật Giáo ở kinh đô Lạc Dương trong khoảng giữa thế kỷ thứ hai có thể đã tạo dựng nên câu chuyện kia để chứng tỏ rằng Phật Giáo Lạc Dương có sớm nhất, trong mục đích tạo uy tín cho trung tâm này. Nếu câu chuyện thấy có chép trong tác phẩm Lý Hoặc Luận, chắc chắn đó là một sự thêm thắt sau này. Mâu Tử học Phật ở Luy Lâu, không phải ở Lạc Dương; ông có thể chưa bao giờ nghe nói đến một nơi nào có Phật Giáo ngoại trừ Giao Châu cả, và câu chuyện giấc mộng chắc đã được thêm vào tác phẩm sớm nhất là vào giữa thế kỷ thứ ba. Trong Lý Hoặc Luận, ta có thể tìm ra một số từ ngữ và cách hành văn có mầu sắc thế kỷ thứ ba và thứ năm; những yếu tố này cho ta biết một vài điều sửa chữa và thêm thắt đã xảy ra cho tác phẩm trong các thé kỷ đó.
Tuy nhiên, trung tâm Phật Giáo Lạc Dương là một trung tâm quan trọng vào hạ bán thế kỷ thứ hai. Vua Hoàn Ðế (tức vị năm 165) đã thờ Phật trong cung cùng với Lão Tử (trong lá sớ của Tương Giai dâng vua Hoàn Ðế năm 166. Hậu Hán Thư chép); như vậy ta biết ảnh hưởng của Phật Giáo lúc này đã khá mạnh. Thời đó, tại Lạc Dương có các vị tăng sĩ ngoại quốc cộng tác với người Hán phiên dịch kinh sách từ Phạn Ngữ ra Hán tự. An Thế Cao một vị tăng sĩ người An Tức (Parthia) cùng với một vị khác người đồng hương tên la An Huyền cùng dịch kinh với một Hán tên Nghiên Phù Ðiều.
Hai ngôi chùa nổi tiếng của thời đại là chùa Bạch Mã và chùa Hứa Xương. Chính cái tên của ngôi chùa Hứa Xương này đã cho ta một vài dữ kiện về nguồn gốc sự thành lập trung tâm Lạc Dương.


TRUNG TÂM LẠC DƯƠNG ÐƯỢC THÀNH LẬP DO TỪ TRUNG TÂM BÀNH THÀNH
Hứa Xương là tên một ngôi chùa cổ nhất của trung tâm Lạc Dương, nhưng cũng là tên của một người em họ của Sở Vương Anh. Sở Vương Anh là em cùng cha khác mẹ với vua Hán Minh Ðế, được phong tước Vương năm 41. Năm 52, Sở Vương Anh di cư ra Bành Thành, kinh đô của nước Sở. Hậu Hán Thư có chép câu chuyện sau đây: Năm 65, vua Minh Ðế xuống chiếu cho phép những người nào bị tội nặng được dâng vóc lụa để chuộc tội. Sở Vương Anh có mặc cảm mình cũng có tội, nên dang lên vua Minh Ðế ba mươi tấm lụa. Vua Minh Ðế xuống chiếu nói rằng Vương không có tội gì, trái lại, Vương còn có công đức “biết sùng thượng giáo lý cao siêu của Hoàng Lão và đức nhân từ bao la của Phật” (Thượng Hoàng Lão chi vi ngôn, thượng Phù Ðồ chi nhân từ). Vương bèn làm lễ sám hối, ăn chay ba tháng và tổ chức thịnh soạn cúng dường tăng sĩ và cư sĩ. Như thế rõ ràng là trung tâm Bành Thành được thành lập sớm hơn trung tâm Lạc Dương; chính ở đây vào năm 65 đã có một đoàn thể Phật Giáo vừa tăng già và cư sĩ. Tăng già đây chắc chắn là những vị tăng già ngoại quốc, bởi lẽ người Trung Hoa trong đời Hán chưa được phép xuất gia. Cao Tăng Truyện trích lời sớ của Vương Ðộ đời Tấn: “Từ khi Phật Giáo được du nhập chỉ nghe nói đến các sư Tây Vực được phép lập chùa thờ Phật, người Hán không được phép xuất gia. Nhà Ngụy theo pháp chế của nhà Hán cũng chưa cho dân bản xứ xuất gia”. Ông Thang Dụng Hình: Trong sách Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều Phật Giáo Sử nêu lên thuyết là vào đời Hán đã có người Hán xuất gia rồi. Và có lẽ những người xuất gia này chỉ thọ Nguyễn giới của Ưu Bà Tắc thôi. Ðiều này không đứng vững, bởi vì như thế thì câu chuyện cần già phải phân biệt xuất gia và tại gia trong câu nói “đặt tiệc thịnh soạn cúng dường tăng sĩ và cư sĩ”. Ông Thang Dụng Hình còn đưa ra chứng cớ Nghiêm Phù Ðiều, người Phật tử cộng tác với An Thế Cao dịch kinh tại Lạc Dương, là một người Hán xuất gia. Nhưng không có tài liệu gì chứng chắc Nghiêm Phù Ðiều cũng không có vẻ là tên của một người xuất gia.
Trở lại chùa Hứa Xương. Sở Vương Anh mất năm 71, đã biến một ngôi nhà của Hứa Xương Tự và đã ảnh hưởng sâu xa tới tín ngưỡng của Hán Hoàn Ðế.


NGUỒN GỐC TRUNG TÂM BÀNH THÀNH
Liên hệ tới trung tâm Bành Thành, ngoài câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật, còn có câu chuyện Sạ Dung làm chùa. Theo sách Ngô Chí, Sạ Dung người Ðơn Dương, làm quan phụ trách vận tải lương thực miền hạ lưu sông Dương Tử, Sa Dung làm cách mệnh giữ lấy lương thực, quyền bính một phương. Ông chùa o nấu thức ăn bầy ra đường dài tới mười dặm để cho người đói tới ăn. Sau đó ông ta cất một ngôi chùa lớn, trong đó có thờ tượng Phật thếp vàng; lại xây một cái lầu có thể chứa tới tới 3.000 người. Ông ta tổ chức tụng kinh, thuyết pháp, làm lễ cúng Phật. Sạ Dung mất năm Hưng Bình thứ hai đời Hán Hiến Ðế (195). Sách Thủy Kinh Chú cũng cho biết trước khi Sạ Dung làm chùa vài năm, có một gia đình theo đạo Phật gần đó đã xây một cây tháp cao để thờ một người trong gia đình vừa mất. Các câu chuyện trên đều xác nhận thêm rằng Bành Thành vào hạ bán thế kỷ thứ hai là một trung tâm Phật Giáo quan trọng. Không có sử liệu nào nói về nguồn gốc của trung tâm Phật Giáo Bành Thành. Trung tâm này, như ta đã thấy, đã là nguồn gốc của trung tâm Lạc Dương thì không thẻ nào do từ trung tâm Lạc Dương mà được thành lập. Ta cũng phải loại gỉ thuyết cho rằng đạo Phật truyền vào miền hạ lưu sông Dương Tử bằng đường bộ. Chỉ còn có thẻ nói Phật Giáo được truyền vào Bành Thành bằng đường biển. Lương Khải Siêu cũng quả quyết như vậy. Nếu đã do hải đạo thì đạo Phật chắc chắn phải đi qua Giao Chỉ trước, bởi vì Giao Chỉ là một điểm giao tiếp quan trọng giữa Trung Hoa va thế giới bên ngoài. Sự có mặt của trung tâm Luy Lâu trong thời Hán đã là một sự thực hiển nhiên, thì trung tâm Luy Lâu làm căn cứ là bàn đạp cho Phật giáo đi vào đất Hán là một chuyện dĩ nhiên vậy. Ta không thể tưởng tượng rằng trong đầu thế kỷ thứ nhất, các vị du tăng Ấn Ðộ đổ bộ lên Quảng Châu và đi thẳng lên miền hạ lưu sông Dương Tử trong khi họ chưa biết Hán ngữ và trong khi đất Hán chưa có một cơ sở và một dấu tích gì về đạo Phật để móc nối. Các vị tăng sĩ theo thương thuyền, dù đổ bộ lên đất Phù Nam, Chân Lạp, Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ hay Quảng Châu hẳn cũng phải dừng chân quy tụ tại địa điểm giao tiếp Giao Chỉ, rất thuận lợi cho họ về mọi mặt. Giao Chỉ sát các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Ðộ như Phù Nam, Chân Lạp, Chiêm Ba (Chàm), những nước có sử dụng Phạn ngữ. Văn hóa Giao Chỉ tuy khác với văn hóa này hơn cả và ở đây Hán tự đã được dùng. Vậy Giao Chỉ là đất duy nhất ở đó có thể tìm người thông dịch dễ dàng. Giao Chỉ thuận lợi vè mặt địa dư và ngôn ngữ. Sau khi có thời gian nghỉ ngơi, học tập sinh ngữ, thăm hỏi tình hình chính trị và địa thế, các vị du tăng Ấn Ðộ mới nghĩ đến chuyện vượt hàng tháng miền núi đi lên miền Bắc. Chính do vai trò địa lý và văn hóa đó của Giao Chỉ mà trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được thành lập và thành lập vào tiền bán thế kỷ thứ nhất, bởi đến năm 65 ta thấy dấu tích Phật giáo ở Bành Thành rồi (Sở Vương Anh mộ Phật) một vài học giả cho rằng chữ Giao, trong Giao Chỉ vốn là chữ Giao trong Giao Long, nhưng theo chúng tôi, chứ Giao đây có nghĩa là mô giới giao tiếp - giao tiếp giữa lục địa Hán và nước ngoài. Vai trò địa lý này hiện vẫn còn như xưa. Việt Nam vẫn là cửa ngõ đi vào lục địa Trung Hoa, và danh từ Indo- Chine dùng để chỉ cho bán đảo đông Dương cũng mang cùng một ngụ ý giao tiếp như vậy. Ta có thể kết luận rằng trung tâm Bành Thành được thành lập do sự viếng của các tăng sĩ phát xuất từ trung tâm Luy Lâu.
Nhà học giả Trung Hoa Hồ Thích (Hồ Thích Luận Học Cận Trước, Thượng Hỉa, 1935) nói rằng hồi đó đã có những đường liên lạc giữa trung tâm Luy Lâu và trung tâm Bành Thành. Ông cho rằng đã có những vị tăng sĩ khởi hành từ Giao Châu đến Vũ Châu (ở Quảng Tây) rồi từ Quảng Tây đến Quảng Ðông, và từ Quảng đông vượt qua núi non đi tới miền hạ lưu lưu châu thổ sông Dương Tử. Hậu Hán Thư cũng có nói đến những chuyến đi từ Giao Châu đến miền hạ lưu sông Dương Tử bằng đường biển. Hậu Hán Thư ghi chép: Quận Nhật Nam đem phẩm vật cống hiến Hán Ðế bằng đường biển. Khương Tăng Hội là một vị tu sĩ dòng dõi người Khương Cư (Sogdiane), sinh trưởng trên đất Giao Châu đến hạ lưu sông Dương tử để truyền đạo. Ngoài lý do trên còn có những chứng cớ sau đây giúp kết luận rằng trung tâm Luy Lâu vào đời Ðông Hán là mọt căn cứ Phật giáo quan trọng, từ đó Phật giáo đã được truyền vào đất Hán:
1. Trong ba trung tâm Phật Giáo đời Hán, trung tâm Luy Lâu là trung tâm có tổ chức tăng đoàn sớm nhất. Trong sách Lý Hoặc Luận viết về những tệ trạng của giới tăng sĩ Giao Châu vào hạ bán thế kỷ thứ hai, Mâu Tử nói: “Sa môn ngày nay có kẻ lại thích uống rượu ngon, có khi có vợ con, biết cất giữ tiền bạc, của quý, lại chuyên môn lừa dối”. Như vậy ta biết rằng tăng đoàn Giao Châu thời đó đã khá đông đảo mời có nhiều tệ đoan như vậy. Danh từ “Sa môn ngày nay” mà Mâu Tử dùng không thể để chỉ một số ít tăng sĩ Ấn Ðộ có mặt tại Giao Châu, mà là chỉ số đông tăng sĩ Giao Châu vậy.
2. Ở Trung Hoa, mãi đến năm thứ hai niên hiệu Gia Bình (năm 250) mới có Ðàm Ma Ca La từ Trung Ấn qua thực hành pháp “thập nhân thọ” để làm lễ trao giới xuất gia cho người muốn làm Sa môn. Theo phép này, lễ xuất gia truyền giới phải do một hội đồng mười vị tăng sĩ chủ tọa mới được hợp pháp. Trong mười vị đó, có ba vị thầy (Tam sư: hòa thượng, yết ma và giáo thụ) và bảy vị Tôn chứng chứng minh.Ở Giao Châu phép “thập nhân thọ” này đã được áp dụng chậm nhát là vào hạ bán thế kỷ thứ hai. Ta thấy Khương Tăng Hội (sinh trưởng tại Giao Châu, cha mẹ mất lúc mười tuổi, đã đi xuất gia tại Giao Châu khoảng mười năm sau đó) viết trong bài tựa kinh An Bang Thủ Ý, có than thở rằng tam sư của mình đã viên tịch qúa sớm: “Tôi sinh ra như dấu tích cuối cùng, vừa mới đủ sức vác củi thì mẹ cha đều mất, bậc tam sư cũng viên tịch, nhìn lên mây trời, buồn thấy mình thiếu người chỉ dạy...”Trong số mười vị truyền giáo cho Khương Tăng Hội ta không biết có vị nào là tăng sĩ ngọai quốc không. Ta cũng không thể nói tất cả mười vị kia đều là tăng sĩ ngoại quốc được. Khương Tăng Hội tuy là dòng dõi người Khương Cư, nhưng theo Lương Cao Tăng Truyện, thì cha mẹ ông đã sang cư trú tại Giao Châu làm nghề buôn bán, và khi ông lên mười tuổi thì cha mẹ đều mất. Sinh trưởng tại Giao Châu, cố nhiên ông nói tiếng Giao Châu: xuất gia học Phật tại Giao Châu và có khả năng dịch thuật kinh Phạn ra kinh Hán, ông chắc chắn đã học Phạn ngữ và Hán ngữ tại Giao Châu. Cao Tăng Truyện (viết vào khoảng 520 sau Tây lịch) cho rằng Tăng Hội là vị tăng sĩ đầu tiên xuất hiện sớm nhất ở Giang Nam, và trước đó tại đất này chỉ có một vị cứ sĩ tên là Chi Khiêm người nước Nhục Chi từ phương Bắc chạy loạn xuống.
3. Tập luận thuyết đầu tiên về đạo Phật bằng Hán tự đã được viết tại Giao Châu. Tác giả như ta đã biết,là Mâu Tử, sinh vào khoảng 165 - 170.
Người Phật tử này đã học Phật tại Giao Châu và viết cuốn sách kia để đáp lại những kích bác về Phật tử của những người không theo đạo Phật, nhất là những người theo Khổng Lão từ đất hán chạy qua tị nạn Tam Quốc. Bài tựa sách Lý Hoặc Luận nói: “Sau khi Hán Linh Ðế mất [4] trong nước rối loạn, chỉ có đất Giao Châu tạm yên, những bậc dị nhân Bắc phương đều đến ở lại đây, nhiều người theo thuật tịch cốc trường sinh của thần tiên. Thời ấy có nhiều học giả. Mâu Tử thường đem Ngũ Kinh ra vấn nạn, nhiều đạo gia và thuật sĩ không làm sao đối đáp lại được”. Mâu Tử học Phật ở Giao Châu, chắc chắn không phải với những nhân sĩ theo đạo tịch cốc trường sinh, mà là với những tăng sĩ Ấn Ðộ có mặt tại Giao Châu thời và với những tăng sĩ người Giao Châu. Không biết Mâu Tử có góp phần vào công việc dịch thuật kinh sách Phạn ngữ ra Hán ngữ đầu tiên về Phật Giáo không? Có lẽ Mâu Tử đã phải học tiếng Phạn để nghiên cứu Phật Giáo. Cũng có thể có một số ít người theo gương Mâu Tử theo đạo Phật và góp công vào việc dịch thuật kinh điển. Xét về hình thức cũng như nội dung kinh TưThập Nhị Chương, ta có thể nói rằng kinh này được trích dịch lại từ nhiều kinh điển, và xuất hiện tại Giao Châu trong thế kỷ thứ hai Tây lịch, chứ không phải do phái đoàn Hán Minh Ðế mang từ nước Nhục Chi về.
4. Sách Ngô Chí có chép một lá thư của Viên Huy nhà Hán gửi từ Giao Châu cho thượng thư lệnh là Tuân Húc năm 207, trong đó có một đoạn như sau: “Sĩ Nhiếp ở Giao Châu đã học vấn sâu rộng lại giỏi chính trị, nên trong buổi đại loạn vẫn được một quận yên ổn hơn 20 năm, bờ cõi không việc gì, dân vẫn yên nghiệp. Anh em đều làm quan coi quận, hùng tướng một châu, ở lánh xa muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết: kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường; người Hồ đi sát bánh xe đốt hương thường có đến mấy mươi người...”. Danh từ Hồ ở đây chỉ cho người Ấn Ðộ. Ðây cũng là một chứng cớ về tính chất Ấn Ðộ của đạo Phật Giao Châu ở trong hạ bán thế kỷ thứ hai.
5. Vào thời Mâu Tử và Khương Tăng Hội (cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba) ở Giao Châu đã có lưu hành ít nhất là mười lăm bộ kinh rồi, và số tăng sĩ tại Giao Châu đã có khoảng năm trăm vị. Tài liệu này được chép trong cuốn Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, một tác phẩm hoàn thành đầu đời Trần, nói về ba phái Thiền tông Việt Nam trước đó. Sau đây là đoạn văn hiên hệ tới tiểu sử thiền sư Thông Biện, tuy hơi dài nhưng là tài liệu quan trọng nhất của Việt Nam về lịch sử du nhập của Phật Giáo vào Giao Châu.
“Ngày rằm tháng Hai năm Hội Phong thứ năm (1906), hoàng thái hậu Phù Cảm Linh N hân thiết lễ trai tăng và cùng các bậc kỳ túc cứu vấn về nghĩa Phật và Tổ {...} Bà hỏi: “Phật ở phương nào? Tổ ở nước nào? Ai hơn ai kém? Ðến nước ta hồi nào để truyền đạo? Ai đến trước ai đến sau? Người nào dạy niệm danh hiệu Phật, người nào dạy đạt tâm ý Tổ?” Trong khi mọi người còn đang yên lặng thì thiền sư Trí Không trả lời: “Phật là bậc thường trú thế gian, bất sinh bất diệt; Tổ là người đạt đến tông chỉ của Phật Tâm và tới trình độ kiến giải và thực hành đi đôi với nhau. Phật và Tổ là một. Chỉ có kẻ kém học mới vọng nghĩ giữa Tổ và Phật có hơn có kém. Vả lại, Phật là giác ngộ. Sự giác ngộ này vốn trạm nhiên thường trú - tất cả mọi sinh linh đều có bản tính giác ngộ, chỉ vì bụi vọng tình che lấp, trôi theo nghiệp báo mà lưu lạc mà lưu lạc mãi trong vòng ngũ thú. Vì tâm từ bi nên Phật thị hiện giáng sinh ở Tây Trúc vốn là xứ trung ương vậy. Năm mười chín tuổi xuất gia, năm ba mươi tuổi thành đạo. Thuyết pháp trên đời trong 49 năm, bày ra bao nhiêu phương tiện giáo hóa để giúp cho người ngộ đạo; đó là thời đại lập giáo vậy. Trước khi nhập niết bàn, Ngài ngại người sau mê chấp nên nói với Văn Thù: Trong số 49 năm qua, ta chưa từng nói một tiếng, chứ đừng nói là có diễn bày ra những học thuyết. Nhân đó Ngài đưa lên cành hao. Ðại chúng đều mang mang, chỉ có tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Phật biết Ca Diếp có điều khế ngộ, liền đem chính pháp nhãn tạng trao cho, đó là tổ thứ nhất. Ðây là tâm tông truyền lại, biệt lập ngoài giáo điển vậy. Sau đó Ma Ðằng đem giáo lý này lưu nhập vào đất Hán, Ðạt Ma đem tông chỉ này truyền vào Lương Ngụy. Về Giáo Tông thì đến Thiên Thai Trí Giả là thanh; về Thiền Tông thì người đạt được tông chỉ vẻ vang nhất là Tào Khê Huệ Năng. Hai tông này đến nước Việt ta đã lâu rồi. Giáo Tông thì từ Mâg Tăng Hội. Thiền Tông thì có phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi là phái đầu tiên, rồi đến phái Vô Ngôn Thông, Hai vị đó là tổ của hai phái vậy”. Hậu hỏi: “Về hai thiền phái ấy, có chứng cơ gì để giảo nghiệm?” Thiền sư đáp: “Xét truyện Ðàm Thiên pháp sư, ta thấy vào đời Tùy Cao Tổ, giáo pháp được nâng đỡ rất nhiều. vua Văn Ðế nói: “Trẫm nghĩ nhớ tới lòng từ bi của đức Ðiều Ngự khi ngày thuyết dạy chính pháp, không biết làm sao để báo ân đức này. Từ khi lên ngôi, trẫm đã hỗ trợ tam bảo khắp nơi, thâu xá lợi di thể để làm bảo tháp thờ khắp nước đến 49 nơi, để làm nơi dẫn dắt cho nhân gian. Trẫm đã làm hơn 150 ngôi chùa và tháp. Ta cũng muốn là chùa tháp ở Giao Châu để cho phước đức được thấm nhuần cả đại thiên thế giới. Xứ ấy tuy nội thuộc, nhưng ở quá xa. Vậy pháp sư hãy chọn một số danh tăng sang đó để giáo hóa khiến cho mọi người đều được biết đến đạo bồ đề”. Pháp sư Ðàm Thiên tâu: “Giao Châu có đường thẳng thông với Thiên Trúc”. Khi Phật Pháp mới tới Giang Ðông chưa đầy đủ gì thì ở thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có tới hai mươi ngôi bảo sát (chùa), độ được h ơn 500 vịt tăng và dịch được 15 cuốn kinh rồi... Như vậy là vì Phật Giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Ðông vậy. Hồi ấy, có các vị Tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội,Chi Cương Lương, Mâu Bác... cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Ða Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của Tam Tổ, là một vị bồ tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn ba trăm người, không thua gì ở Trung Quốc. Bệ hạ là một bực cha hiền khắp chốn, muốn bình đẳng bố thí, nhưng đất kia đã có người rồi, ta không cần gửi người tới nữa”.
Thiền sư Trí Không còn nói tiếp thêm về hai phái thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi và Vô Ngôn Thông và dẫn thêm chứng cớ. Hoàng thái hậu rất vừa ý. Sau này thiền sư được triều đình tôn xưng là Thông Biện quốc sư.
Thông Biện quốc sư là người học rộng biết nhiều, đã dùng một sử liệu Trung Quốc. Chúng ta chưa biết tiểu sử Ðàm Thiên pháp sư mà thiền sư trích dẫn nằm trong sách nào. Những sách Thích Thị Thông Giams, Phật Tổ Lịch Ðại Thông Tải, Phật Tổ Thống Kỷ, Tục Cao Tăng Truyện... đều không thấy chép đoạn này. Nhưng Cao Tăng Truyện khi nói đến Khương Tăng Hội đã ghi một câu có thể chứng minh được lời Ðàm Thiên pháp sư nói. Sách này viết: “Khương Tăng Hội vào năm Xích Ô thứ mười (năm 247. Sách Quảng Hằng Minh Tập trong Ðại Tạng Ðại chánh trích dẫn Ngô Thư, nói là năm Xích Ô thứ tư, tức là năm 241.) đến đất Kiến Nghiệp; vì cảm phục, sự linh ứng của Xá Lợi, vua Ngô Tôn Quyền bèn dựng chùa Kiến Sơ. Từ đó, Phật pháp tại miền Giang Nam bắt đầu hưng thịnh”. Sách Lương Cao Tăng Truyện cũng chép tương tự:”Lúc ấy đại pháp đã truyền vào đất Ngô,nhưng sự hoằng pháp chưa đầy đủ. Tăng Hội muốn cho Phật pháp được hưng khởi ở miền Giang Tả, và chùa tháp được kiến lập thêm, nên Ngài mang tích trượng đi về phương Ðông. Vào năm Xích Ô thứ hai nhà Ngô, Ngài đến Kiến Nghiệp, và cất một thảo am... Khi Khương Tăng Hội cho thấy tính cách linh ứng của Xá Lợi Phật, Ngô Tôn Quyền rất kinh dị và thuần phục, ông liền cho dựng một ngôi chùa thờ Xá Lợi, gọi là chùa Kiến Sơ. Còn nơi Tăng Hội ở, gọi là Phật Ðà Lý. Sau đó, đại pháp được hưong thịnh tại miền Giang Tả”.
Trần Văn Giáp nêu nghi vấn về Ðàm Thiên pháp sư, nói rằng Ðàm Thiên sống trong triều đại nhà Tề, không phải Tùy. Sự thực là Ðàm Thiên sống trong triều đại nhà Tùy, là một vị pháp sư được vua Tùy Văn Ðế kính trọng vào bậc nhất (Xem Phật Tổ Lịch Ðại Thông Tải).
Mười lăm cuốn kinh đã được dịch ra Hán tự và lưu hành tại Giao Châu vào cuối thế kỷ thứ hai là những kinh nào? Ta biết chắc chắn là trong số đó có kinh Tứ Thập Nhị Chương, bởi sách Lý Hoặc Luận của Mâu Bác có nói tới têm kinh này. Con số 15 bộ kinh có thể không đúng, cũng như lời nói của Ðàm Thiên: “Giáo Tông bắt đầu từ Mâu Tử và Khướng Tăng Hội” đã không đúng. Cả hai người Mâu Tử và Khương Tăng Hội, đều không phải là người nước ngoài tới truyền đạo, trái lại cả hai người đều bắt đầu học Phật tại Giao Chỉ. Như thế, họ không phải là những người mà tên tuổi còn thấy rõ ràng trong sử sách thôi. Khương Tăng Hội xuất gia tại Giao Chỉ, có tam sư và thất chứng. Mâu Tử cũng đã xuất gia. Trong Lý Hoặc Luận có nhiều đoạn khiến ta nghĩ rằng số kinh điển lưu hành tại Giao Chỉ dồi dào hơn con số Ðàm Thiên kể ra gấp bội. Ta đọc thử đoạn sau đây của Lý Hoặc Luận:
“Người ta hỏi Mâu Tử: Chân lý chí thật thì thường không văn hoa, lời nói chí lý thì không hoa hòe... cho nên châu ngọc thì quý giá mà ngói vụn thì là đồ bỏ. Xưa thánh nhân chế ra bảy kinh, văn từ không quá ba vạn lời và không có gì không đủ trong từng ấy kinh văn. Ngày nay, chương điển của Phật Giáo có đến hàng ngàn ức, sức một người không thể nào đọc hết được. Tôi chán và không muốn đọc”.
Một đoạn khác:
“Người ta hoải Mâu Tử: Lời lẽ trong kinh Phật không chỉ bày được chân lý của vạn vật mà chỉ dùng ví dụ quá nhiều.. Dù lời lẽ nhiều nhưng cũng như chiếc xe bò đựng đầy bụi ngọc, người ta không cho là quý”.
Những đoạn trên, viết vào cuối thế kỷ thứ hai hẳn có thể cho ta một khái niệm về số lượng kinh Phật lưu hành ở Giao Chỉ thời ấy.
Rất tiếc ta không biết được đó là những kinh gì, ngoài kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Bản Sinh (Vessantara - jātaka trong đó có chuyện thái tử Tu Ðại Noa) và kinh Bản Sự (đời của Phật), nhờ một vài chi tiết của Lý Hoặc Luận. Có thể trong số kinh điển kia cũng có cả một bản dịch Milinda - panha nữa, bởi vì thể tài Lý và Luận là thể tài vấn đáp bắt chước y hệt như Di Lan Vấn Ðạo Kinh, và trong văn học Trung Hoa trước đó cũng như sau đó hàng trăm năm cũng không có một tác phẩm nào viết theo đề tai ấy.
Ðàm Thiên còn nói tới việc “độ được hơn 500 vị tăng”. Danh từ “độ Tăng” ở đây có nghĩa là làm lễ truyền giới Sa Môn xuất gia để người cư sĩ trở thành người tăng sĩ. Số tăng sĩ này chắc chắc là tăng sĩ Giao Châu, bởi vì những tăng sĩ ngoại quốc có mặt tại đó đã là tăng sĩ rồi, không cần phải “độ” nữa. Ðiều này cũng xác nhận thêm về sự có mặt của một tăng đoàn quan trọng tại Giao Châu vào thế kỷ thứ hai phù hợp với lời nói của Mâu Tử về những tệ đoan trong giơi Sa Môn thời ấy.
6. Tại trung tâm Luy Lâu, việc sáng tác được chú trọng sớm hơn ở các trung tâm khác, như ta đã biết, Mâu Tử viết tập Lý Hoặc Luận là cuốn sách sáng tác về đạo Phật cổ nhất mà ta hiện có bằng Hán tự. Tăng Hội cũng chú trọng nhiều về sáng tác: ông đã biên tập cuốn Lục Ðộ Yếu Mục, sáng tác Nê Hoàn Phạm Bối, chú giải các kinh An Ban Thủ Ý, Pháp Cảnh và Ðạo Thọ cũng viết bài tựa cho ba kinh này (Cao Tăng Truyện). Trong những kinh Tăng Hội dịch, bây giờ chỉ còn Lục Ðộ Tập Kinh, mà Thang Dụng Hình nghĩ là một tác phẩm của Tăng Hội chứ không phải một bản dịch từ Phạn văn. Những chú sớ của Tăng Hội về các kinh An Ban Thủ Ý, Pháp Cảnh và Ðạo Thọ đã mất, duy các bài tựa các kinh An Bang Thủ Ý và Pháp Cảnh là còn.
Trong số những tác phẩm kia, một số đã được sáng tấc tại đất Kiến Nghiệp, và một số tại Giao Châu. Ðiều ta cần lưu ý đây là so với các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, trung tâm Luy Lâu ngoài việc dịch thuật: Chi Khiêm ở Kiến Nghiệp tuy có biên tập Tán Bồ Tát Liên Cú Phạm Bối và chú thích Liễu Bản Sinh Tử Kinh ngoài ra đều là tác phẩm dịch thuật. Ta có thể kết luận là trung tâm Phật Giáo Luy Lâu đã trưởng thành trước hai trung tâm Phật Giáo đất Hán.





[1] Tác phẩm này được viết vào cuối thế kỷ thứ hai

[2] Do Trung Hoa Thư Cục ở Bắc Kinh tái bản năm 1963. Bản đầu tiên được in năm 1955.
[3] Theo câu chuyện này, vua Hán Minh Ðế nằm mộng thấy một người vàng bay qua trước điện, sáng ra cho người đi sang Tây Vức để tìm đạo Phật. Chuyện được cho là xảy ra trong niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười, tức là năm 67 của thế kỷ thứ nhất kỷ nguyên Tây lịch.
[4] Hán Linh Ðế mất vào năm 189.



VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN TẬP I
Nguyễn Lang
Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979
CHƯƠNG II
HAI THẾ KỶ ÐẦU

ÐẠO PHẬT GIAO CHÂU TRONG THẾ KỶ ÐẦU TÂY LỊCH
Sự thành lập tăng đoàn, dịch kinh, sáng tác và làm chùa hẳn được thực hiện vào thế kỷ thứ 2. Trong thế kỷ đầu của Tập lịch sinh hoạt Phật ở Giao Châu chắc chắn còn thô sơ lắm.
Như ta đã biết, đạo Phật đầu tiên do các thương gia Ấn Ðộ đem đến. Những người này không phải là những nhà truyền giáo; họ chỉ sống đời sống tín ngưỡng của họ trong lúc lưu lại Giao Châu, và chính vì vậy mà người Giao Châu biết đến đạo Phật. Sinh hoạt của Phật tử Ấn Ðộ thời ấy thế nào? Họ đọc ba điều quy y, giữ tam quy, tin tưởng ở Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Họ giữ ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Họ tin ở thuyết nhân quả; vì vậy họ lo bố thí cúng dường, nhất là cúng dường ẩm thực, y phục và chỗ cư ngụ cho tăng sĩ , bởi vì tăng sĩ là “ruộng phước đức tốt nhất” để gieo hạt giống công đức, họ còn thờ phụng Xá Lợi Phật, đốt hương trầm, đọc thuộc vài đoạn kinh nhân quả, kể chuyện tiền thân của Ðức Phật.
Tín ngưỡng của người Giao Châu hồi ấy ra sao? Ông trời ở trên cao, có thể nhìn thấu mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ ác, biết giúp đỡ kẻ làm lành. Tuy nhiên Ông trời không phải là đấng tạo hóa nên mọi vật, nhất là không phải vị thần của nhất thần giáo. Ông trời có những thuộc hạ gần và xa. Gần thì có ông Sấm, mụ Sét. Xa thì có Sơn Tinh, Thủy Tinh, thần núi Tản Viên, thần cây Ða, ông Táo, ông Ðịa vân vân... Linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác chết, va có thể ở chung quanh người thân thích còn sống một thời gian để che chở bảo hộ.
Ma Xó là linh hồn người chết còn ở quanh quẩn trong nhà, coi sóc bảo hộ gia đình. Nhà mồ là nơi an trí linh cữu người chết trong rừng, trong một thời gian nào đó, có cơm canh bày cúng người chết. Thầy Mo là người trung gian, biết liên lạc Ma Xó và thế giới người chết. Những ngôi mộ đào được ở Lạch Trường chôn từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch đều có ba phần: phần giữa để linh cửu, phần bên để bàn thờ, đèn đồng, và phần bên kia để thực phẩm, vật dụng... Những trống đồng dùng để đánh lên trong những buổi lễ cầu mưa và những tang lễ, trên trống đồng có hình những ông Thầy Mo đội lông chim, giả làm hình chim. Không những chim là nguồn gốc của dân Giao Châu, mà rồng cũng vậy.
Người Giao Châu đi đánh cá, lặn xuống nước, bị thụồng luồng làm hai, bèn vẽ mình cho thuồng luồng sợ. Sau đó, họ tin mình là dòng dõi của rồng. Ý niệm về nguồn gốc tiên rồng là do đó. Khi triệu Vũ Ðế làm vua ở Lĩnh Nam, vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, triều đình có dùng trâu, ngựa và dê để cúng tế trời đất, và dân chúng đã biết mua dụng cụ canh nông bằng sắt của người Hán (thư Triệu Vũ Vương gửi Hán Văn Ðế năm 181 trước Tây lịch), biết nhì những hiện tượng thiên văn như sao chổi, nhật thực để đoán thời vận. Tuy vậy, văn minh Giao Châu còn rất khác với văn minh Hán. “Dân Việt là dân cạo tóc, vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai {nước Hán} mà trị được. Từ thời Tam Ðại tự trị, đất Hồ, đất Việt không theo lịch sử của Trung Quốc...” (thư của Hoài Nam Vương dâng vua Hán, can không nên đem quân can thiệp vào cuộc gây hấn giữa Mân Việt và Nam Việt vào năm 135 trước Tây lịch). Người Giao Châu chắc đã dùng lịch Ấn Ðộ trong thời đó.
Trong bối cảnh tín ngưỡng và văn hóa kia, đạo Phật đã được mang vào Việt Nam. Thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo phù hợp với quan niệm ông Trời trừng phạt kể ác, ban thưởng người lành. Thuyết luân hồi cũng phù hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại, và cũng phù hợp với nhận xét về sự tuần hoàn của loài thảo mộc vốn rất thịnh mậu tại một xứ nóng bức và ẩm thấp. Mâu Tử vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau về luân hồi: “Thân thể của người ta cũng như cành rễ của cây, linh hồn như hạt giống. Cành rễ của cây sẽ bị hư hoại nhưng hạt giống sẽ sống sẽ tạo nên cành rễ mới...” Những quan niệm công đức, tam bảo, cúng dường, luân hồi, nghiệp báo... không có quan niệm nào chống đối với tín ngưỡng tại Giao Châu hồi ấy. Thêm vào đó, người Giao Chỉ chưa ai trở thành những tín đồ trung kiên của Khổng Lão và trang bị bởi những ý thức hệ vững chãi, nên Phật Giáo không gặp nhiều trở ngại như khi đi vào đất Hán. Ðạo Phật thấm vào văn minh Giao Châu tự nhiên dễ dàng như nước thấm vào lòng đất. Những lý luận Mâu Tử dùng trong sách Lý Hoặc Luân không phải để hướng về những người thuộc văn hóa Giao Châu, mà hướng về những nhân sĩ Hán tới Giao Châu tị nạn, và một số ít người Giao Châu đã đi sâu vào lối suy tư Khổng Lão. Thế kỷ đầu Tây lịch, trong lúc bắt đầu thu thập một ít kinh nghiệm canh tác và tập tục Trung Quốc (Tích Quang và Nhâm Diên chỉ bay cho dân cách canh tác và phép cưới hỏi) người Giao Chỉ cũng học được của những người khách Ấn những kinh nghiệm về trị liệu y học, những điều về thiên văn, về nhật lịch, vân vân... Kho tàng cổ tích Việt Nam đã thâm nhập nhiều yếu tố từ những truyện cổ tích và tiền thân của Phật Giáo Ấn Ðộ... Truyện Tấm Cám là một truyện nhân quả nghiệp báo trong đó Bụt đóng vai ông Trời, thấy được những chuyện bất công trên đời. Ta nên nhớ đây là tiếng Bụt trực tiếp lấy từ chữ Buddha mà không phải chữ Phật lấy từ phát âm Trung Quốc “Fo”. Những người khách trú Ấn Ðộ đã truyền đạo Phật bằng cash sống tín ngưỡng mình trên đất Giao Chỉ và kể truyện tiền nhân Phật trong những ngày giờ rỗi rảnh.
Những tăng sĩ Ấn Ðộ đi theo thương thuyền có thể đã cư trú tại những ngôi am nhỏ làm ra cho họ, và được những thương gia Ấn Ðộ cùng những người Giao Chỉ thân cận họ cúng dường áo xống và thực phẩm. Trong thế kỷ đầu này, có thể đã có những ngôi chùa lập ra cho một hay hai vị tăng sĩ ngoại quốc lưu trú, với một vài người Giao Châu mộ Phật ở chung. Người Giao Chỉ chắc chắn đã học tụng bài tam quy bằng tiếng Phạn, mà bất cứ người Phật tử Ấn nào cũng thuộc. Họ cũng đã học cúng dường vị tăng sĩ, thờ Phật, lạy Phật, làm phúc thiện, bố thí. Bố thí ở đây có nghĩa là cho người đói ăn cơm. Kinh Tứ Thập Nhị Chương lưu hành tại Giao Châu trong thế kỷ thứ hai, nói đến công đức đem cơm cho người khác ăn: “Cho một trăm người ác ăn cơm có công đức, nhưng công đức ấy không nhiều bằng cho một người hiền ăn cơm...” Họ cũng học cách đọc kinh tam quy cầu nguyện cho người mới chết. Ðạo Phật vào thế kỷ này chắc hẳn chỉ là ngưỡng Phật Giáo bình dân, chưa có kinh điển phiên dịch, chưa có chế độ tự viện và tăng sĩ đàng hoàng. Ta có thể phác họa sơ lược tín ngưỡng Phật Giáo Giao Chỉ trong thế kỷ đầu như sau:
Quan niệm về Phật: Bụt (hay Bụt Ðà) như một đấng có phép thần thông, nghe biết hết mọi chuyện trên đời như ông Trời, nhưng không ở trên cao nhìn xuống như ông Trời, mà rất thân cận vơi con người. Bụt có thể hiện ra dưới nhiều hình thức để cứu giúp người, giúp đời, nhất là những người có lòng tốt bị nhiều điều oan ức. Bụt rất thương người, cứu giúp người hiền, nhưng khác với ông Trời là không hành phạt kẻ ác. Bụt không bị nước trôi, lửa cháy, vì Bụt có phép thần thông và biến hiện.
Quan niệm về Pháp: Không biết lúc ban đầu danh từ nào đã dùng để dịch tiếng Dharma; có lẽ tiếng “Phép Bụt” đã được sử dụng. Phép Bụt ở đây có thể là những phép biến hiện thần thông của Phật để cứu đời giúp người. Phép Bụt cũng là những điều người ta làm cho nếu người ta tin Bụt, như đọc ba câu tam quy, ban đầu thì bằng Phạn ngữ, giống như đọc thần chú, để tỏ lòng quy kính Bụt mà cũng để Bụt che chở (Buddham Saranam gacchami, Dharmam Saranam gacchami, Sangham Saranam gacchami). Ba câu tam quy này về sau hẳn cũng được đọc bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Hán Việt. Ngoài việc đọc tam quy, còn có việc cúng dường tăng sĩ, bố thí người nghèo, cho kẻ đói ăn. Phép của Bụt cũng là tin ở nghiệp báo, luân hồi và linh hồn bất diệt.
Quan niệm về Tăng: Danh từ Tang Môn được dùng trước danh từ Sa Môn để chỉ các vị tăng sĩ ngoại quốc, như ta thấy trong các bản dịch kinh điển chữ Hán sớm nhất. Tang Môn không phải là một đoàn thể xuất gia từ sáu người trở lên (định nghĩa Sangha) mà là con người của những tu sĩ khoác áo vàng, đầu cạo trọc, từ bỏ đời sống gia đình, của cải, thở Bụt, đọc kinh chữ Phạn; và sống trên sự cúng dường của người tin theo Bụt. Ngoài những Tang Môn ngoại quốc, có thể có vài người Giao Chỉ cũng được nhận học làm Tang Môn. Có lẽ Chử Ðồng Tử là một người trong số này. Sách Lĩnh Nam Chích Quái, chẳng hạn, chép: “Ðồng Tử và Tiên Dung lập nên phố xá làm nghề buôn bán. Công việc buôn bán thịnh đạt, và địa phương trở nên chợ búa to lớn. Nhiều nhà buôn nước ngoài thường ghé qua lại với Ðồng Tử, xem Ðồng Tử như chủ. Một hôm, Ðồng Tử theo một người khách buôn ngoại quốc ra khỏi xứ, đi bằng thuyền. Họ ghé lại một hòn núi tên Quỳnh Viên (Ðạo Giáo Nguyên Lưu nói là Quỳnh Vi), nơi đó, họ lấy nước ngọt để dùng cho thuyền. Ở dưới núi Quỳnh Viên, có một túp lều, nơi đây Ðồng Tử gặp một nhà sư Ấn Ðộ. Nhà sư giảng cho Ðồng Tử, và Ðồng Tử ở lại để học đạo, giao vàng cho người đồng hành đi buôn bán giùm mình và hẹn khi về thì ghé lại đón cùng về. Vị tăng cho Ðồng Tử một cây gậy và một cái nón lá, bảo rằng những vật này có thể làm phép lạ. Lúc về nước, Ðồng Tử dạy Phật pháp cho Tiên Dung. Họ thâm hiểu đạo lý, liền bỏ chuyện buôn bán, đi tìm thầy học đạo. Một hôm đang đi thì trời tối, họ cắm cây gậy và chiếc nón lá làm nơi trú ẩn. Các nhà buôn ngoại quốc nói nơi đây hẳn là các nhà buôn Ấn Ðộ tới bằng thuyền và sự việc Ðồng Tử bỏ hết sản nghiệp để nhận một chiếc gậy và một cái nón có thể giải thích như sự xuất gia làm Tang Môn của Ðồng Tử. Cây gậy và bình bát là hai vật tùy thân của người tăng sĩ. Chiếc nón đã thay bình bát, và hình ảnh chiếc nón là hình ảnh của kẻ xuất gia không nhà đi du hành đây đó.
Quan niệm về nghiệp báo luân hồi: Làm lành gặp lành, ở ác gặp ác; quan niện này của gp dĩ nhiên được chấp nhận dễ dàng trong tín ngưỡng dân gian Giao Chỉ. Tín ngưỡng về hồn ma tồn tại sau khi chết cũng là căn bản rộng rãi để chấp nhận luân hồi. Con Tấm trong truyện Tấm Cám dù bị hại bao nhiêu phen cũng vẫn luân hồi trở lại, hoặc trong hình thức trái thị, hoặc trong hình thức chim hoàng anh... Bà mẹ ghẻ vì ác độc nên phải ăn mắm xác chết của con mình. Trong truyện thần thoại Con muỗi, người vợ xinh đẹp nhưng dâm tà của anh lái buôn si tình đã phải luân hồi làm con muỗi, suốt đời tìm hút lại ba giọt máu để trở lại thân người. Tín ngưỡng nghiệp báo luân hồi khiến người ta lo ăn ở nhân từ, thương người và tu đạo phúc đức.
Từ Bi: Từ bi là đặc điểm của đạo Bụt. Bụt rất thương người. Tang Môn cũng dạy bố thí, cứu người ốm đau tai nạn, cho người đói ăn cơm, đừng trả thù kẻ khác.
Công Ðức: Muốn được sung sướng kiếp này và kiếp sau, phải có công đức (punya). Dâng thức ăn cho các Tang Môn, trọng nễ và nghe lời họ tức là gieo hạt giống công đức vào ruộng tốt (Tang Môn là phúc điền). Ðem cơm cho người đói ăn, công đức cũng rất lớn. Sạ Dung cuối thế kỷ thứ hai cũng còn xem chuyện cho người đói ăn là điều quan trọng nhất trong đạo Phật. Sau khi làm cách mạng, ông giữ lấy lúa gạo, và cho nấu cơm cùng thức ăn bày ra cúng dường có tới hàng mười dặm, để người đói ai muốn thì ăn. Có hàng vạn người tới ăn một lúc (Hậu Hán Thư).
Tiết dục: Giáo lý vô ngã tuy là giáo lý căn bản trong Phật Giáo nhưng có lẽ đã không được giảng dạy trong bước đầu này bởi tính cách khó hiểu khó nhận của nó. Ðạo lý Ly Dục cũng chỉ giới hạn trong giới Tang Môn. Chắc hẳn trong khi dạy về đạo lý Từ Bi và công đức, cá Tang Môn cũng đã dạy tiết dục, bỏ bớt những hưởng thụ vật chất cho riêng mình để bố thí cho kẻ khốn khó đói khổ.


LÝ HOẶC LUẬN CỦA MÂU TỬ
Nhờ có tác phẩm của Mâu Tử và cũng nhờ có kinh Tứ Thập N hị Chương mà ta biết được khá rõ tư tưởng tín ngưỡng và tình trạng Phật Giáo Giao Châu trong thế kỷ thứ hai. Trước hết ta hãy xét về tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử. “Lý Hoặc Luận” có nghĩa là những luận lý để làm tiêu tan mối nghi hoặc về Phật Giáo”. Tác phẩm này còn giữ lại được trong bộ Hoằng Minh Tập do Tăng Hựu sưu tập, ấn hành vào đầu thế kỷ thứ sáu. Các sách Tùy Chí và Ðường Chí đều có nói đến sách này của Mâu Tử. Riêng sách Tùy Chí lại còn chua thêm: “Hán thái ủy Mâu Dung soạn”. Sách này đã lầm thái úy Mâu Dung thời Chương đế (tự là Tử Ưu) với Mâu Tử thời Linh Ðế. Ông Pelliot có nói rõ về điểm này trong một bài đăng trong Toung Pao (Meou-tséu ou Les Doutes Levés. Toung Pao, 1918-1919). Bài tựa của sách Lý Hoặc Luận cho ta rất nhiều dữ kiện quý báu. Nguyên văn như sau:
“Mâu Tử tôi đối với kinh truyện và chư gia, sách lớn sách nhỏ không sách nào không mê. Tuy không thích binh pháp, nhưng cũng đọc sách binh pháp. Tuy đọc sách thần tiên bất tử nhưng không tin thần tiên bất tử, cho đó là chuyện hư đản. Sau khi vua Hán Linh đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc đều tới đây, phần lớn đều tin theo thuật thần tiên tịch cốc trường sinh. Hồi ấy có nhiều học giả, Mâu Tử thường lấy ngũ kinh ta vấn nạn, các đạo gia và thuật sĩ không ai đối đáp cho xuôi được, cũng tỷ như Mạnh Kha cự lại với Dương Chu Mặc Ðịch. Trước kia Mâu Tử cùng mẹ tới tị nạn ở Giao Chỉ, năm 26 tuổi về quê Thương Ngô cưới vợ. Thái thú {Sĩ Nhiếp} nghe có chút học thức, tới mời nhận một chức vụ. Hồi đó tuổi vừa lớn, lòng chuyên về việc học, lại thấy đời loạn lạc không có ý muốn ra làm quan, cho nên tôi từ chối không đến. Lúc bấy giờ các châu quân [ở Hán] nghi ngờ nhau, chia cách không thông thương với nhau. Thái thú thấy tôi học biết nhiều, muốn nhờ đi Kinh Châu. Mâu Tử cho rằng quyền tước vinh hoa thì dễ từ, nhưng sứ mạng thì khó từ chối, cho nên đã chuẩn bị để đi. Gặp lúc đó vị châu mục cảm tài học, thấy chưa có chức phận liền muốn giao cho một quan chức, nhưng tôi muốn cáo bệnh không đi, người em của châu mục là thái thú Dự Chương bị viên tướng tải lương là Sạ Dung sát hại; châu mục sai kỵ đô úy Lưu Sản đem binh đi cứu Dự Chướng, nhưng sợ các phiên trấn nghi nan không để cho quân lính đi. Châu mục liền mời Mâu Tử tới mà nói rằng: “Em tôi b ị nghịch tặc hại, niềm đau cốt nhục nung nấu tâm can; nay tôi muốn sai Lưu đô úy đi về, nhưng sợ ngoại giới nghi nan đi không ltij được. Ngài văn võ kiêm toàn, có tài ứng đối, nay tôi muốn nhờ Ngài đi Linh Lăng và Quế Dương mượn đường đi được chăng?” Mâu tử nói: “Lâu nay ăn cơm của các châu quận, ngày tri ngộ đã dài, nay gặp việc cần, kẻ liệt sĩ phải quên thân mình để lo phụng sự”. Liền chuẩn bị lên đường. Nhưng lúc ấy mẹ mất, không thể đi được. Sau suy nghĩ chín chắn cho rằng vì tài biện đối mà người ta giao cho sứ mạng, thực ra trong thời buổi nhiễu nhương này, không phải lúc nên lộ diện. Bèn than rằng: “Lão Tử sinh vào khoảng 165 - 170. Sạ Dung mất năm 195; năm ông ta làm cách mạng chắc là năm 193, bởi trước đó “ông làm quan tải lương dười quyền châu mục Từ Châu là Ðào Khiêm”, Ngôi tháp Phật rộng lớn của Sạ Dung được dựng năm 194. Chắc Mâu Bác theo đạo Phật cũng vào năm này, một năm sau cái chết của thái thú Dự Chương.
Theo bài tựa Lý Hoặc Luận, chính những tao loạn của thời thế đã làm cho Mâu Tử thấm nhuần được của Lão Tử nói về nguyên tắc “tuyệt tánh khí trí” mà ngày xưa ông không hiểu, chỉ vì ông đã đọc với trí năng mà không có kinh nghiệm sống. Vì ông đã đọc hết sách Lão, bây giờ không còn chuyện học Lão nữa mà là chuyện chiêm nghiệm về Lão. Có học thì là học Phật, và trong lúc học Phật, từ ngữ và tư tưởng Lão đã giúp ông đi vào Phật học một cách mau chóng. Và cũng chính vì biết rộng về Lão Giáo và Khổng Giáo mà ông có thể trình bày đạo Phật cho những người theo đạo Lão và Khổng một cách dễ dàng và hữu hiệu.
Mâu Tử đã xuất gia sau khi xâm nhập vào Phật lý hay không? Ðiều này ta chưa thể quả quyết được,
Ông cưới vợ năm 26 tuổi, và bắt đầu học Phật vào khoảng từ năm 30 tới năm 35 tuổi. Cái tên Mâu Tử hay Mâu Bác có thể là một pháp danh[1]. Ðoạn kết của Lý Hoặc Luận cho ta cảm tưởng Mâu Tử là một Sa Môn, bởi vì theo đoạn này người đối thoại với ông, sau khi được thuyết phục, đã lạy ông và “xin thọ ngũ giới làm ưu bà tắc”.


KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Trước khi đi vào tư tưởng Phật Giáo thế kỷ thứ hai, ta còn phải cứu xét về kinh Tứ Thập Nhị Chương, một kinh đã từng được lưu hành ở Giao Chỉ trong thế kỷ này.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương mà Phật tử đọc tụng ngày nay gọi là do Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan dịch, hình thức và nội dung đã khác nhiều với Tứ Thập Nhị Chương lưu hành ở thế kỷ thứ hai. Nhiều tư tưởng Thiền và Ðại Thừa đã được thêm vào. Ví dụ đoạn này có trong bản in đời Tống mà không có trong những bản in trước đó: “Pháp của ta và quan niệm cái vô niệm, thực hành và cái vô hành, nói cái vô ngôn tu cái vô tu” (ngô pháp niệm vô niệm niệm, hành vô hành vô hành hành, tu vô tu tu). Câu này là tư tưởng đặc biệt của Thiền tông và chắc chắn đã do truyền thống của thền thêm vào. Trong bản in Cao Ly của Ðại Tạng Kinh, thay vì câu nói ấy, ta thấy một câu khác hẳn: “Ta phải niệm nghĩ gì? Niệm nghĩ tới Ðạo. Ta phải hành những gì? Hành Ðạo. Ta phải nói về gì? Nói về Ðạo.” Các quan niệm vê kiến tính học đạo (kiến tính học đạo nan), vô tu vô chứng (bất như phạn nhất vô tu vô chứng chi giả) đều là các quan niệm Thiền học đại thừa tương đối đến trễ, cũng không thể có trong sơ bản được.
Văn thẻ của kinh đã trải qua nhiều thay đổi. Ta hãy ví dụ về đoạn nói về vô thường:
Sách Phụng Phá Yếu đời Tây Tấn có trích dẫn đoạn ấy của kinh Tứ Thập Nhị Chương như sau:
“Phật vấn chư đệ tử, hà vị vô thường? Nhất nhân viết: “nhất nhật bất khả bảo, thị vị vô thường”. Phật ngôn: “Phi Phật đệ tử”. Nhất nhân viết: “xuất tức bất bảo, tiện tựu hậu thế, thị vị vô thường”. Phật ngôn: “Chân Phật đệ tử”. (Phật hỏi các đệ tử: “Sao gọi là vô thường? Một người nói: “Trong một ngày không bảo tồn được gọi là vô thường”. Phật nói: “Chưa phải là đệ tử Phật”. Một người nói: “Thở ra mà chưa kịp thở vào thì chuyển qua đời khác gọi là vô thường”. Phật nói: “Ðúng là đệ tử Phật”.)
Bản in trong tạng Cao Ly như sau:
“Phật vấn chư sa môn: “nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “tại sổ nhật gian”. Phật ngôn: “tử vị năng vi đạo”. Phục vấn nhất sa môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết “tại ẩm thực gian”. Phật ngôn: “Khứ, tử năng vi đạo”. Hậu vấn nhất sa môn: “nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “tại hô hấp gian”. Phật ngôn: “Thiện tai, tử khả vị vi đạo giả hỹ”. (Phật hỏi các vị sa môn: “Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong thời gian một bữa cơm”. Phật nói: “Ði đi, ông chưa có thể hành đạo”. Sau lại hỏi một sa môn: “Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong thời gian một hơi thở”. Phật nói: “Lành thay, ông có thể được gọi là hành đạo”.)
Một bản khác lưu hành ngày nay ở Trung Hoa như sau:
“Phật vấn sa môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “sổ nhật gian”. Phật ngôn: “Tử vị văn đạo”. Phục vấn nhất sa môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “Phạn thực gian”. Phật ngôn: “Tử vị văn đạo”. Phục vấn sa môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “hô hấp gian”. Phật ngôn: “Thiện tai, tử tri đạo hỹ”. (Phật hỏi các sa môn:”Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong vài ngày”. Phật nói: “Ông chưa nghe đạo”. Lại hỏi một sa môn: ”Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong thời gian một hơi thở”. Phật nói: “Lành thay, ông hiểu đạo rồi”.)
Có nhiều ấn bản khác nhau như vậy không có nghĩa là có nhiều bản dịch khác nhau. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, xét theo thể tài, không phải được dịch ra từ một cuốn kinh Phạn ngữ, mà là được trích dịch từ nhiều bản kinh Phạn ngữ. Ví dụ như đoạn sau đây giống như một đoạn trong Ðại Bát Niết Bàn Kinh, bản Pali hiện lưu hành (Mahaparinibbanasutta):
“Hãy thận trọng đừng nhìn nữ sắc: N ếu gặp họ thì làm như không trông thấy họ. Ðừng nói chuyện với họ, hãy giữ chánh niệm đoan nghiêm...”. những đoạn khác, cố nhiên được trích dịch rải rác đây đó từ các kinh điển khác.
Có những học giả cho rằng không phải kinh này xuất hiện vào thế kỷ thứ hai, mà là sau đó rất lâu. Lương Khải Siêu chẳng hạn (Lương Nhậm Công Cận Trước Ðệ Nhất Tập, Thượng Hải, 1925-1928) xét văn thể cho rằng kinh này xuất hiện thế kỷ thứ tư, trong khi học giả Nhật Sakaino Koyo (Cảnh Dạ Hoàng Vương, trong tác phẩm Chi Na Phật Giáo Tính Sử, Tokyo, 1935) lại cho rằng kinh này xuất hiện thế kỷ thứ năm. Nhưng nếu ta tin rằng Lý Hoặc Luận xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ hai và có nói đến kinh này, thì ta cũng tin rằng kinh này xuất hiện trước đó, sớm hơn trong thế kỷ. Ta lại còn có một chứng cớ nữa: đó là tờ biểu Tương Giai dâng lên vua Hoàn Ðế năm 166. Sau khi nhắc đến vua có thờ Phật và Lão Trong cung, Tương Giai trách vua không học theo Phật Lão để tôn trọng sự sống và giảm bớt dục lạc. Rồi Tương Giai nói tiếp: “Phật không ngủ quá ba đêm dưới một gốc cây đâu, vì e ngại sẽ yêu thích gốc cây đó, tinh khiết như vậy là đúng mức. Thiên thần gửi ngọc nữ đến thử Phật, nhưng Ngài nói “Ðây là những đãy bằng da đựng đầy máu huyết”, liền không chú ý. Tâm ý chuyên nhất như vậy, mới có thể hành đạo. Nay các cung nữ của bệ hạ đẹp tuyệt trần thế kia, rượu và thịt ngon ngọt như thế kia, làm sao bệ hạ theo kịp được Hoàng Lão?” Trong lời sớ, ta thấy dấu tích kinh Tứ Thập Nhị Chương tới hai lần: chuyện thụ hạ nhất túc (chỉ ngủ một đêm dưới gốc cây) và chuyện thiên thần hiến ngọc nữ ư Phật (thiên thần đem ngọc nữ dâng Phật). Tương Giai như thế đã được đọc kinh Tứ Thập Nhị Chương trước nâm 166, và có thể đã đọc được ở trung tâm Bành Thành, ở đây ông ta đã sinh trưởng, và ở đây có những liên hệ truyền bá Phật Giáo với Luy Lâu. Hẳn là kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được tuyển dịch tại Giao Châu và đã do một Phật tử hay tăng sĩ nào đó từ Luy Lâu đem tới Bành Thành.
Xét về văn thể của kinh, loại bỏ những từ ngữ và quan niệm Thiền học và đại thừa tương đối phát triển trễ về sau, ta có thể có được một nhận định chính xác về sơ bản của kinh này lúc mới được tuyển dịch. Văn thể của sơ bản cố nhiên còn thô sơ hơn đoạn nói về vô thường mà ta thấy ở sách Phụng Pháp Yếu đời Tây Tấn trích dẫn ở trang trước.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương hiện giờ lời văn đẹp đẽ, là do sự trau chuốt không ngừng suốt trong gần hai mươi thế kỷ, mỗi lần có một bản in mới. Sách Lý Hoặc Luận cũng như tờ biểu của Tương Giai viết và hạ bán thế kỷ thứ hai chứng thực rằng kinh này ra đời trong thượng bán thế kỷ. Nhưng có một điều lạ là trong bản mục lục kinh điển ra đời sớm nhất ở Trung Hoa, Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục của Ðạo An, biên tập vào năm 374, không có liệt kê kinh này. Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục hiện nay không còn, nhưng trong bản mục lục Xuất Tam Tạng Ký Lục của Tăng H ựu ra dời sau đó chừng một trăm năm mươi năm, có câu sau đây liệt kê về Tứ Thập Nhị Chương:
“Tứ Thập Nhị Chương Kinh, một quyển. Cựu Lục gọi là “Hiếu Minh Hoàng Ðế Tứ Thập Nhị Chương Kinh”. Pháp sư Ðạo An trong khi soạn Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục đã bỏ sót kinh này không nói đến”.
Không những Ðạo An bỏ sót kinh Tứ Thập Nhị Chương, ông lại bỏ sót luôn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử nữa. Theo Ðạo an, những kinh sách đầu tiên bằng Hán tự được dịch tại Lạc Dương. Ðạo An là người miền Bắc, đã từng ở Lạc Dương, biết nhiều về tình hình lưu truyền của Phật kinh miền Bắc, thế mà đã không nghe nói kinh Tứ Thập Nhị Chương; điều này làm ta tin rằng miền Bắc không phải là nơi xuất phát kinh này. Paul Pelliot (Meou Tseu ou les Doutes Levés) nói rằng có thể kinh này phát xuất ở miền hạ lưu Dương Tử, bởi dấu tích đầu tiên về kinh đã thấy ở twof biểu của Tương Giai, mà Tương Giai là người ở gần miền này. Như vậy Ðạo An có lẽ chưa từng đặt chân tới những miền có lưu hành kinh Tứ Thập Nhị Chương, tức là miền Giang Tả, và Giao Chỉ ở miền Nam. Ðạo An cho rằng Lạc Dương là trung tâm đầu tiên phát xuất kinh điển Hán tự, không nói đến Tứ Thập Nhị Chương và Lý Hoặc Luận vốn là hai tác phẩm không phát xuất từ Lạc Dương trong khi đó hai tác phẩm này đều tuyên truyền cho uy tín lãnh đạo của Phật giáo Lạc Dương bằng cách kể truyện giấc mộng Hán Minh Ðế. Ông Henri Maspéro nghĩ rằng Mâu Tử đã viết trong chương 21 của Lý Hoặc Luận về giấc mộng Minh Ðế sau khi đã chịu ảnh hưởng bài tựa kinh Tứ Thập Nhị Chương. Nhưng ông Paul Pellot thì cho rằng không có gì chắc bài tựa kia đã được viết trước Mâu Tử; vào cuối thế kỷ thứ năm mới có tài liệu chứng thực về sự có mặt của bài tựa này. Tuy Hóa Hồ Kinh, viết về cuối thế kỷ thứ tư cũng có ghi câu chuyện giấc mộng, nhưng Hóa Hồ Kinh cũng có thể lấy tài liệu từ Lý Hoặc Luận chứ không phải từa bài tựa kia, ông Pelliot nói vậy. Theo chúng tôi, có lẽ ông Maspéro nói đúng. Chắc hẳn bài tựa kia đã do một người tỵ nạn Lạc Dương viết tại Giao Chỉ để tạo uy tín cho Lạc Dương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nếu không phát xuất từ Lạc Dương hẳn phát xuát từ Bành Thành hoặc từ Luy Lâu. Nhưng như ta biết trung tâm Luy Lâu là bàn đạp để Phật Giáo truyền vào đất Hán; cuốn kinh đầu tiên tuyển dịch lời Phật dạy hẳn đã phát xuất từ trung tâm Luy Lâu vào thượng bán thế kỷ thứ hai và được đưa vào miền Giang Tả vào khoảng giữa thế kỷ này.


HỌC THUẬT GIAO CHỈ
Nước Nam Việt của Nhà Triệu bị nội thuộc nhà Hán bắt đầu năm 110 trước Công Nguyên. Trong thế kỷ đầu của thời Bắc thuộc này, Tích Quang, thái thú quận Giao Chỉ, và Nhâm Diên, thái thú quận Cửu Chân, đã lấy văn hóa nhà Hán truyền bá trong dân gian. Sinh hoạt kinh tế (nông nghiệp), phong tục (cưới hỏi, sính lễ...) và văn học (chữ Hán) Hán trở thành quan trọng. Trong thế kỷ này và trong thế kỷ kế tiếp, không biết trong dân chúng có nhiều người học chữ Hán và đọc sách Hán không, nhưng ít nhất những người tham dự vào guồng máy cai trị cũng đã phải học theo Hán học. Người cai trị cấp huyện, như thân phụ của Trưng Trắc và Trưng Nhị có lẽ phần nhiều làm lạc tướng. Thân phụ của Trưng Trắc và thân phụ của Thi Sách đều là lạc tướng, thuộc giai cấp lãnh đạo của Lạc Việt ngày xưa, khi mà Lạc Vương[2] cầm đầu quốc gia, Lạc Hầu tay chân của Lạc vương coi sóc đất nước và Lạc Tướng cai trị quận huyện. Thi Sách và chị em bà Trưng có lẽ cũng đã thấm nhuần ít nhiều Hán học. Ngoài ra còn có những người thông dịch và thư lại mà thời nội thuộc nào cũng có. Chính vì Hán học đã được sử dụng trong thế kỷ này mà những người theo Phật có biết Phạn ngữ cũng phải học Hán để ghi chép những điều vè đạo Phật bằng thứ tiếng mà chính quyền bảo hộ và guồng máy cai trị đang dùng. Nếu văn tự bán nhà bán đất hay kiện cáo được viết bằng Hán tự thì bài tam gquy hay những đoạn kinh Phật thường được các vị sa môn dạy cho tín đồ cũng phải được phiên dịch và lưu hành bằng Hán tự.
Ðến cuối thế kỷ thứ hai, Lý Tiến lên làm thứ sử. Ðây là người Giao Chỉ đầu tiên được đưa lên chức vụ này. Năm 200, hai người Giao Chỉ khác, một được bổ làm lệnh huyện Hạ Dương, một làm lệnh huyện Hạ Hợp, cả hai nhiệm sở đều ở Hán. Sau đó, một người Giao Chỉ tên Trương Trọng được làm thái thú Kim Thành, một người khác tên Lý Cầm làm quan bên triều đinh Hán đến chức tư lệ hiệu úy (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư). Hán học tại Giao Châu thịnh hành rực rỡ vào cuối thế kỷ thứ hai, điều này khiên cho người ta nghĩ rằng thái thú Sĩ Nhiếp có công lớn trong việc mở mang học vấn tại Giao Châu, và gọi ông là “Nam Giao Học Tổ”. Cố nhiên Sĩ Nhiếp có công lớn trong việc học vấn tại Giao Châu, nhưng không thể vì vậy mà người ta có thể nói Hán học bắt đầu từ thời Sĩ Nhiếp. Có lẽ người ta nghĩ rằng khi có người ra làm quan thì khi ây mới thực sự có Hán học. Nhưng trước khi Lý tiến làm thứ sử, chính quyền bảo hộ đã thực hành một chính sách kỳ thị không cho người Giao Chỉ lên nắm những chức vụ quan trọng. Chính Lý Tiến đã dâng sớ về vua Hán Ðế năm 200 để kêu ca việc bất công ấy, và Lý Cầm, lúc này đang làm túc vệ ở triều Hán đã cùng với năm người đồng hương ra nằm phục trước điện vua Hán để phụ lực ủng hộ cho lời sớ của Lý Tiến (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư). Như vậy Hán học, bắt cắm rễ tại Giao Châu từ Tích Quang và Nhâm Diên trong thế kỷ thứ hai và đến cuối thế kỷ này thì trở nên rực rỡ. Vài trò của chữ Hán trong sự truyền đạt tư tưởng và văn hóa Phật giáo suốt thế kỷ thứ hai tại Giao Châu hẳn là quan trọng. Có như thế thì thời Mâu Tử tại Giao Chỉ mới có số lượng kinh Phật lưu hành mà Lý Hoặc Luận ghi chép là “quá nhiều”.
Những Kinh Ðiển Ðược Phiên Dịch Ðầu Tiên Ðều Nhằm Ðối Tượng Người Xuất Gia.
Những kinh điển đầu tiên được phiên dịch hay tuyển dịch tại Giao Chỉ như kinh Tứ Thập Nhị Chương đã nhắm tới đối tượng người xuất gia hơn là người tại gia. Chúng ta đã biết tăng đoàn Giao Chỉ và thời Mâu Tử đã có hơn 500 vị, trong khi ở Trung Quốc mãi đến thế kỷ thứ ba mới có tăng đoàn. Giáo lý truyền dịch trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, phần lớn là để dành cho giới tăng sĩ. Ðoạn đầu kinh dịch nghĩa thế nào là Sa Môn:
“Từ bỏ người thân, đi xuất gia, biết được tâm mình, về được gốc mình gọi là sa môn. Người sa môn giữ giới luật thanh tịnh, thực hành bốn đạo hạnh chân chính thì đắc quả A La Hán..
Ðoạn kế tiếp:
“Người sa môn xuất gia với mục đích đoạn dục khử ái, tìm về nguồn gốc tự tâm, đạt chân lý sâu xa của Phật, giác ngộ được vô vi”...[3]
Ðoạn khác:
“Người sa môn cạo bỏ râu tóc nhận lấy đạo pháp thì phải từ bỏ tài sản trong đời, chỉ khất thực đủ sống, mỗi ngày một bữa ăn, ngũ mỗi đêm dưới một gốc cây... Ðiều là cho người ta ngu si và tệ lậu là ái dục...”
Những đoạn kinh khác dăn doc cách thức tu tập, giữ tâm, trì giới, xa nữ sắc... đều nhắm tới người xuất gia. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, tóm lại, không phải đã được tuyển dịch để nhắm vào quần chúng Phật tử cư sĩ trong dân gian mà chính là nhắm tới hàng xuất gia, điều này thấy rõ khi ta xét đến nội dung của kinh. Ðể cho giới cư sĩ, những kinh Bản Sinh và Bản Sự nói về các đời trước của Phật hẳn là thích dụng hơn. Những kinh này nhấn mạnh về giáo lý nhân quả nghiệp báo. Sách Lý Hoặc Luận cho ta biết những chuyện tiền thân (như chuyện thái tử Tu Ðại Noa bố thí cả vợ con) đã phổ thông trong dân gian hồi ấy, và cũng chứng tỏ rằng ít ra vào thời ấy kinh Vesantara-Jataka cũng đã được phiên dịch và lưu hành trong dân gian.
Sự hành đạo trong thế kỷ thứ hai cũng đã gặp những trở lực gây ra do những người bài báng đạo Phật, có lẽ là những người bênh vực văn hóa Khổng Lão. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói nhiều về thái độ cần có để đối xử với những bài báng và mạ lỵ kia:
“Người ác nghe ta hành thiện muốn tới nhiễu loạn ta: hãy giữ tâm bình thản không giận dữ trách móc...”
Và:
“Hành đạo cũng khó khăn như một người địch lại vạn người, phải kiên trì, vô úy...”
Và:
“Người ác hại người hiền cũng như ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt; nước bọt không tới trời mà rơi xuống mặt mình...”


NHỮNG QUAN NIỆM CĂN BẢN VỀ GIÁO LÝ
Quan Niệm Về Phật - Ðối với người xuất gia, Phật là người giác ngộ và dạy đạo giác ngộ và dạy đạo giác ngộ. Nhưng đối với người trí thức theo Khổng hay theo Lão, thì Phật được trình bày như nguyên tổ của đạo và đức. Ta hãy đọc đoạn sau đây của Lý Hoặc Luận để thấy quan niệm tín ngưỡng bình dân về Phật phối hợp với quan niệm về Phật của Phật tử trí thức (những người như Mâu Tử) trình bày trong một ngôn ngữ có thể đối thoại được với người theo Khổng Lão:
“Phật là nguyên Tổ của Ðạo và Ðức, nguồn gốc của thần minh. Phật nghĩa là Thức Tỉnh (Giác). Ngài có thể biến hóa không cùng, phân thân tán thể, khi có đó, không đó, khi lớn khi nhỏ, khi vuông khi tròn, khi già khi trẻ, khi ẩn khi hiện, lửa không đốt được, trong bùn không nhiễm, giữa họa mà không bị tai ương, khi đi có thể bay, khi ngồi hào quang sáng chói. Ðó gọi là Phật” (Lý Hoặc Luận).
Ðoạn văn trên của Lý Hoặc Luận cho ta thấy luôn cả tín ngưỡng bình dân về Phật, có lẽ đã được tiếp nối từ thế kỷ thứ nhất
Quan Niệm Về Pháp - Trong thế kỷ này, chữ Ðạo được dùng để dịch chữ paps (sau này trở thành đạo pháp). Chữ pháp trong nghĩa Phật Pháp Tăng có lẽ cũng được dùng, nhưng trong giới trí thức có khuynh hướng Khổng Lão, chữ đạo rất được thích dụng. Mâu Tử nói về Ðạo như sau:
“Ðạo là dẫn dắt (lãnh đạo). Ðạo dẫn dắt người tới vô vi (vô vi đây tức là niết bàn, dịch từ chữ Nirvana chứ không phải từ chữ asamkrta). Ðạo có thể vì kéo mà đi tới, đẩy mà đi lui, nâng mà lên cao, đè mà xuống thấp: nhìn nó thì nó vô hình, nghe nó thì nó vô thanh, bốn bên không có giới hạn, tràn ra ngoài tứ phía, nhỏ như hào ly nhưng trong đó không gian lại mênh mông”.
Ta liên tưởng đến định nghĩa về Ðạo trong Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử. Nhưng đây chỉ là ngữ phong của Mâu Tử nhằm tới người theo Lão Khổng. Ðối với quân chúng Phật tử, Ðạo vẫn là phép Phật, là phép Tam Quy, Ngũ Giới, Bố Thì và cúng Dường. Ðối với giới tăng đồ, Ðạo là lời Phật dạy về vô thường, vô ngã, giới luật, cách giữ tâm, gìn ý và tu chứng niết bàn (vô vi). Tứ Thập Nhị Chương đầy những lời dặn dò về cách hành đạo. Câu chuyện về dây đàn mà Phật đem ra nói vói chư tăng là một ví dụ: dây đàn chùng quá thì âm không tới, căng quá thì đứt và âm bay, người tu hành phải giữ mức tinh tấn trung bình.
Quan Niệm Về Tăng - Quan niệm về Tăng rất rõ ràng: 250 giới luật, cạo đầu, mặc áo vàng, xả bỏ tài sản, đi khất thực và hóa đạo, nhắm tới sự chứng nhập vô vi: đó là hình ảnh của người xuất gia. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ có sự có mặt của ni giới hồi đó.
Quan Niệm Niết bàn - Niết bàn (nirvara) được dịch alf vô vi, mục đích của người Phật tử xuất gia. Nhưng tuy sử dụng danh từ vô vi, Phật luôn luôn nói rằng vô vi của Phật không phải vô vi của Lão. Một người hỏi Mâu Tử tại sao cần phân biệt như vậy. Mâu Tử đáp:
“Nếu ta chỉ gọi chung các thứ cỏ là cỏ, thì ta đâu thấy các loại cỏ khác nhau. Nếu ta chỉ gọi chung các kim loại là kim loại, thì ta thấy các kim loại khác nhau. Sự vật có thể đồng loại nhưng dị tính”.
Quan Niện Về Luân Hồi Nghiệp Báo - Luân hồi và Nghiệp báo là những tín ngưỡng đã được chấp nhận trong dân gian từ thế kỷ trước. Dân chúng Giao Chỉ sau khi hai bà Trưng chết, vào giữa thế kỷ thứ nhất, đã làm đền thờ Hai bà. Quan niệm linh hồn tồn tại sau khi chết và thác sinh vào một hình thái khác tùy theo nghiệp báo đã ăn sâu vào tín ngưỡng bình dân. Nhưng đối với giới Nho gia, những người thường lấy câu “vị năng sự sinh yên năng sự tử” (chưa biết đối phó với vấn đề sống làm sao biết đối phó vấn đề chết) và với sự hoài nghi về việc tái sinh tiếp tục của con người để đã kích đạo Phật, Mâu Tử đã trả lời:
“Hồn thần của con người không tiêu diệt khi chết, chỉ có xác thân là mục nát thôi. Thân xác cũng ví như rễ và lá ngũ cốc, hồn thần ví như hạt giống của loại ngũ cốc. Rễ và lá có sinh tất có tử, nhưng không phải vài rễ lá hoại mà giống ngũ cốc không còn” (Lý Hoặc Luận)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng nói:
“Những nhơ uế của ác tâm đã rữa sạch thì mới biết được hồn linh từ đâu tới và sẽ đi về phía sinh tử nào”.
Quan Niệm Về Vô Ngã - Mâu Tử không có những câu trả lời về sự công kích lý thuyết vô ngã. Có lẽ ít người nghĩ đến vô ngã là một viên đá nền tảng của triết học Phật Giáo. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dành cho tăng sĩ nói về vô ngã như sau:
“Phật nói: nên suy ngẫm đến tứ đại trong thân thể (tứ đại là địa, thủy, hỏa, phong). Mỗi đại đều có tên gọi, nhưng trong {hợp thể] ấy tìm không ra ngã (đó vì vô ngô). Ngã là một quan niệm sinh ra dựa trên bốn đại, không trường cửu; nó như huyễn”.
Ta thấy trong cổ bản này, danh từ vô ngô đã được dùng để dịch anātma. Rải rác trong các kinh luận thời Hán ta cũng thấy chữ “phi thân” dùng cho vô ngã. Có lẽ quan niệm vô ngã không được phổ thông lắm, bởi lẽ quan niệm này không được phổ cập nhiều trong nhân gian vì rất có thể bị xem như mâu thuẩn với quan niệm hồn linh bất tử đang làm căn bản cho tín ngưỡng nghiệp báo luân hồi
Từ Bi, Bố Thí và Tĩnh Dục - Kinh Tứ Thập Nhị Chương và sách Lý Hoặc Luận nói nhiều tới bố thí, nhưng chỉ có kinh Tứ Thập Nhị Chương nói nhiều về vấn đề diệt dục. Ðiều này cũng dễ hiểu bởi kinh Tứ Thập Nhị Chương được xem là cuốn sách chỉ nam của người xuất gia. Danh từ “đại nhân từ” trong Tứ Thập Nhị Chương được dùng thay co danh từ đại từ bi.
Thiền- Kinh Tứ Thập Nhị Chương có dùng danh từ “thiền định” một lần, trong lời mở đầu (trú tại thiền định, hàng chư ma đạo), và trong một chương, có nói đến sự quán niệm về vô thường (quán thế giới niệm vô thường, quán thiên địa niệm vô thường). Ðây cũng là một hình thức thiền định, gọi là vô thường quán.
Tinh Thần Hòa Ðồng Tôn Giáo
Một điểm nổi bật của Phật Giáo Việt Nam trong đệ nhị thế kỷ là tinh thần hòa đồng tôn giáo.
Ðạo Phật thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng dân gian ở Giao Chỉ một cách tự nhiên như nước thấm lòng đất, không gặp pahrn ứng và trở ngại, bởi lẽ những tín ngưỡng nhân gian không chống lại những tín ngưỡng cơ bản của đạo Phật. Nhưng đối với dân trí thức lãnh đạo Giao Chỉ đã thâm nhiễm văn hóa Hán tộc, nhất là đối với giới trí thức người Hán tỵ nạn chiến tranh, trong đó có những nhà trí thức bậc lớn như Mâu Tử gọi là”di nhân Bắc phương”, thì đạo Phật phải làm nỗ lực để thắng vượt. Phương pháp của đạo Phật không phải là chống đối, mà là hòa đồng. Ðặc điểm này thấy rất rõ trong lịch sử phát triển của đạo Phật khắp trên thế giới. Ðiều này một phần do tinh thần cởi mở không giáo điều của đạo Phật, một phần do Phật tử chịu học hiểu về các ý thức hệ mà họ muốn đối thoại. Kết quả của phương pháp hòa đồng là không những Phật Giáo đã sử dụng được kho tàng từ ngữ của cả Khổng lẫn Lão để phiên dịch kinh điển và truyền đạt tư tưởng mà còn khiến cho nhiều người theo Khổng Lão thấy được chiều sâu và giá trị của đạo Phật một cách dễ dàng, Mâu Tử trong Lý Hoặc Luận đã áp dụng phương pháp này một cách triệt để, và nhờ quán xuyến được giáo lý Khổng Lão mà ông đã giải thích rành rẽ về đạo Phật cho những người theo hai giáo này.
Mâu Tử nói rằng giáo lý của Khổng Lão bắt nguồn từ tuệ giác của Khổng Lão và có giá trị về đạo và đức của chúng; giáo lý đạo Phật bắt nguồn từ tuệ giác của Phật và cũng có giá trị về đạo và đức của đạo Phật. Vậy đạo Phật và các đạo Khổng, Lãi không chống đối nhau. Trả lời câu hỏi tại sao học Phật rồi còn cần phải học kinh truyện nữa, Mâu Tử trả lời: “Khi người ta khát, người ta không đợi phải gặp sông Dương Tử hay sông Hoàng Hà, mới uống. Gặp giếng hay gặp suối người ta cũng có thể uống đủ để hết khát rồi”: Ý ní giáo lý Khổng Lão cũng đủ tuệ giác để hướng dẫn người.
Có người hỏi nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật. Mâu Tử trả lời là không phải cuốn kinh nào hay cũng là do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng là do Biển Thước chế ra. “Chu Công xem Lão Ðam như bậc thầy, những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?”
Mâu Tử dùng văn học Khổng Lão để giải thích đạo Phật một cách hùng biện quá khiến cho có người nghi: “Lời của ông giải thích đạo Phật sáng sủa đẹp đẽ, tôi nghi đó là do sự khéo léo của ông chứ không phải là do đạo Phật hay”. Mâu Tử trả lời: “Thì có bao nhiêu kinh sách của Phật đó. Ngày xưa chưa hiểu Phật tôi còn kích bác nhiều hơn ông nữa... Ngũ Kinh đối với tôi ngày xưa chỉ là hoa mà chưa phải là trái...”
Cuối cùng khi người ta trách ông sao không dùng ngay từ ngữ Phật Giáo mà giảng đạo lại dùng từ ngữ Khổng Lão, ông nói: “Tại vì ông đã biết về kinh truyện, nên tôi dùng sự việc trong kinh truyện để làm cho ông dễ hiểu”. Và ông kể chuyện Công Minh Nghị: “Công Minh Nghị đàn điệu “thanh Giốc” cho con bò cái nghe, con bò cứ cuối xuống gặm cỏ như trước. Không phải là do con bò điếc, mà vì cái điệu nhạc kia chẳng nghĩa lý gì qua lỗ tai con bò: nó tưởng điệu nhạc là tiếng muỗi hay tiếng nhặng gì đó. Nhưng nếu mà con bò con kêu lên một tiếng thì lập tức bò cái quẫy đuôi, nganhr cổ và nghe ngóng...”


PHÁ MẶC CẢM TỰ TÔN VỀ “TRUNG QUỐC”
Tinh thần oeucuménique của Mâu Tử cũng nhắm tới mục đích phá mặc cảm tự tôn về Trung Quốc, cho rằng nước Tàu là trung tâm của trời đất, xung quanh chỉ là biên địa, mọi rợ, di dịch. Người kích bác đạo Phật đã viện dẫn Khổng Tử và Mạnh Tử: “Khổng Tử nói: “Các giống di địch ở miền Ðông và miền Bắc dù thời thái bình có vua cũng không bì được với nước ta trong thời loạn không vua”. Mạnh Tử chê Trần Tương đi học theo phép Hứa Hành và nói: “Ta từng nghe dùng học thuyết nước lớn để giáo hóa di địch, chưa từng nghe dùng lấy học thuyết di địch đẻ giáo hóa nước lớn bao giờ”. Hồi hai mươi tuổi, ngài đã học Nghiêu, Thuấn, Chu Công và Khổng Tử, tại sao bây giờ lại bỏ đi để học những thứ di địch miền Ðông và miền Bắc”.
Sau khi giải thích rằng người kia không thực sự hiểu câu nói của Khổng và Mạnh, Mâu Tử nêu ra chứng cớ những bậc vi nhân như Ngu, có nhiều người xuất thân từ các miền di địch, và nói: Không chắc là đát Hán nằm giữa. Tôi kính trọng đạo Phật và tôi học Phật, không phải vì vậy mà tôi bỏ Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng. Vàng ngọc không gây tỳ vết cho nhau, bích ngọc và mã não để chung không sao cả. Khi ông cho người khác lầm lạc, có nghĩa chính ông đã lầm lạc không?”. Ở một nơi khác, Mâu Tử còn nói: “Ấn Ðộ mưói thật là nằm giữa trời đất, và địa vị trung hòa, vì vậy Phật đã ra đời nơi đó”. Nguyên tắc pháp môn của Mâu Tử được tóm tắt như sau: “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người tới chốn”.


LÃO TỬ THÀNH PHẬT Ở ÐẤT HỒ
Phật Giáo tuy gặp trở lực ở Giao Chỉ nhưng những trở lực ấy so với những trở lực gặp ở đất Hán thì vẫn nhẹ hơn nhiều. Lý do căn bản là ở Giao Chỉ, Phật Giáo đã chinh phục giới quần chúng bình dị trước. Trong khi đó tại đất Hán, Phật Giáo phải đương đầu trước hết với giới trí thức Khổng Lão.
Vào thời đại Ðông Hán, Lão Giáo chưa có nhiều sắc thái tâm linh triết học mà chỉ thịnh hành như một tôn giáo thần tiên bất tử. Một số người thờ phụng Hoàng Lão thấy Phật có vai vế ở Giao Châu và thấy một số trí thức nhà Hán hâm mộ, bèn dựng ra một thuyết gọi là thuyết Hóa Hồ. Tức là giáo hóa người Hồ; theo thuyết này, Lão Tử sau khi biệt tăm tại miền Tây đã đi qua đất Hồ (Ấn Ðộ). Nơi đây ngài đã giáo hóa chinh phục người Hồ và sau dó trở thành Phật Thích Ca. Phật Thích Ca do đó cũng là Lão Tử, và vì vậy theo Phật cũng như theo Lão. Nhờ cánh cửa này mà đạo Phật đi sâu vào nội địa nhà Hán, và ta nghe câu chuyện Hán Hoàn Ðế thờ Phật và Hoàng Lão chung trên một bàn thờ. Thuyết Hóa Hồ được phát sinh ở miền hạ lưu sông Dương Tử, nơi đây Sở Vương Anh đã tin theo cả Phật Giáo và Lão Giáo. Hóa Hồ Kinh tục truyền do Vương Phù chế tác trong thời đại tây Tấn (265-316). Không phải Vương phù snags chế thuyết Hóa Hồ; ông chỉ thu lượm thần thoại liên hệ đế Lão Tử mà ghi chép ra thôi.
Ở Giao Chỉ, sự truyền bá đạo Phật đã không cần nhờ vào thuyết Hóa Hồ, bởi quần chúng không phải là những người theo đạo Lão và không có mặc cảm tự tôn về văn hóa. Ðối với trí thức ay mê Hoàng Lão, phương pháp hòa đồng và diẽn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ Khổng Lão cũng đủ để đưa tới thành công.


[1] Mâu có thể là lấy từ Mâu Ni, cũng như Thích là lấy từ Thích Ca, và Mâu Tử có thể là một cái tên có nghĩa tương đương với Thích Tử, Ðiều Ngự Tử hay Phật Tử.
[2] Danh từ Hùng Vương có lẽ đã được viết lầm danh từ Lạc Vương, chữ Lạc và chữ Hùng viết hơi giống nhau.
[3] Vô vi ở đây có nghĩa là niết bàn.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top