Một trong những tác giả nổi tiếng về thể loại truyện ký ở nước ta nửa cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 là Phạm Đình Hổ. Ông trước tác khá nhiều, trong đó, Vũ trung tùy bút là bức tranh toàn cảnh sinh động về xã hội đời Lê-Trịnh, là tài liệu tốt cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán, sinh hoạt của con người thời này.
Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, tự Tùng Niên và Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Tiều, còn có biệt hiệu là Hy Kiều Phủ, người đời thường gọi là Cụ Tế Đan Loan (1). Ông quê ở xã Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương (2). Nhà ở phường Hà Khẩu (3), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thuộc thành Thăng Long (nay thuộc khu vực phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ông xuất thân từ gia đình khoa bảng. Cha đậu cử nhân làm chức Hiến sát dưới triều Lê Cảnh Hưng (1740), nhưng mất sớm lúc ông mới 10 tuổi, gia đình trở nên túng bấn. Anh trưởng, anh thứ của ông đều yểu mệnh. Vợ ông chết sớm liền sau cái chết của con trai lớn, để lại đứa con sau ốm yếu. Mặc dù chịu nhiều đau thương, bản thân lắm bệnh tật, ông cũng cố gắng đeo đuổi nghiệp khoa cử. Cuối đời Lê Cảnh Hưng, ông từng theo học ở trường Quốc Tử Giám. Năm Bính Ngọ (1786) ông chưa kịp đi thi thì nhà Lê mất (1789). Mãi đến khi Gia Long lên ngôi, mở các khoa thi, ông đi thi nhiều lần nhưng chỉ đậu đến tú tài. Sau bị bệnh, không thể tiếp tục nghiệp khoa cử được, ông dành thì giờ viết sách. Ông am tường và nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực. Vừa chuyên chí học hành, vừa trước tác, ông có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị. Nhờ vậy, năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), ông được vua vời vào triều cho nhậm chức Hành tẩu bộ Hộ, rồi được bổ vào chức hàn lâm viện hành tẩu. Chẳng bao lâu, ông xin từ chức về nhà. Năm Minh Mệnh thứ bảy (1826), ông lại được triệu về triều làm chức Hàn lâm viện thừa chỉ kiêm Quốc tử giám tế tửu. Được vài năm ông cáo bệnh về quê, lại được vua triệu và ban chức Thị giảng học sĩ. Năm 1839, ông mất, thọ 71 tuổi. Trong suốt quãng đời mình, ông sống cuộc sống nhà nghiên cứu, nhà văn nhiều hơn làm quan. Ông để lại nhiều tác phẩm với khá nhiều thể loại.
Về sưu tầm, nghiên cứu, ông có: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, Cảnh Hưng tân ty sách phong sứ quán thư giản chư tập, An Nam chí, Ô châu lục, Ai Lao sứ trình, Đại Man quốc địa đồ, Càn khôn nhất lãm, Hi kinh trắc lãi, Khánh An Đan Loan Phạm gia thế phổ, Đan Loan Phạm thị chi hệ thế phổ...
Về sáng tác, ông có: Vũ trung tùy bút, Nhật dụng thường đàm, Đông Dã học ngôn thi tập, Bạn tiếp tồn phụng, Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án)...
Vũ trung tùy bút (Tùy bút viết trong những ngày mưa) của Phạm Đình Hổ ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tập trung trong 91 đề mục, tác giả ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy trong thực tế hàng ngày, không theo một trật tự nào. Bằng thủ pháp mô tả rất sinh động, tỉ mỉ, chân thành, bằng tấm lòng của một người ưu thời mẫn thế, Phạm Đình Hổ đã vẽ lại thật sống động lối sống sa đọa của bọn vua chúa, nạn hà hiếp dân lành của bọn quan lại, cảnh khốn cùng của dân chúng, cảnh gian lận hay thành kiến nặng nề trong thi cử đến những tục lệ của người dân… Mặc dù còn hạn chế ở một số điểm, nhưng Vũ trung tùy bút mang một giá trị nhất định về mặt sử học, văn hóa và xã hội học, là tài liệu đáng giá cho những ai muốn nghiên cứu xã hội nước ta cuối đời Lê.
Thực vậy, dưới ngòi bút của ông, việc phản ánh trung thành bộ mặt xã hội đương thời, nhất là thói ăn chơi xa hoa, trụy lạc của bọn vua chúa được nói đến trước tiên. Sinh ra trong gia đình nhà nho, bản thân từng làm quan phục vụ triều đình, nhưng Phạm Đình Hổ không khỏi bất mãn trước lối sống trái đạo của bọn thống trị, trước thái độ coi dân như cỏ rác. Ông kể việc “Trịnh Sâm thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các ly cung bên Tây hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên. Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Tây hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán (…). Buổi ấy, bao nhiêu loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì (…). Bọn hoạn quan cung cấm lại thường nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọ dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt, khướu hay, thì biên ngay chữ “phụng thủ”. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính tới lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem dấu vật cung phụng để dọa lấy tiến” (Chuyện cũ trong phủ chúa). Bọn quan lại tại chức cũng ăn chơi và dung dưỡng cho con cháu chúng làn càn. Nguyễn Khản làm quan chức Tri phiên liêu khiêm Quản nhất hùng cơ, tước Kiều nhạc hầu mê hát xướng, lúc tang cha mà không lúc nào trong nhà bỏ tiếng tơ, tiếng trúc, gặp lúc con hát đang có tang cũng bắt hát suốt ngày. Bọn con cháu đều bắt chước chơi bời thành quen (Nhà họ Nguyễn ở Tiên Điền).
Ở đất kinh thành mà nhan nhản “những kẻ đầy tớ nhà quan, du đãng cờ bạc, gây chuyện đánh nhau, cãi nhau, cùng là những kẻ vô lại trộm cắp, nhiều lắm không kể xiết được” (Lục hải). Những kẻ cáo quan về hưu cũng không quên thói gian tham, chuyên làm đơn từ xui kẻ kiện cáo, gây thói điêu ngoa (Áo mặc).
“Phụ mẫu” của dân đã thế thì người dân tránh sao được cảnh đời gian nan, cơ cực. Cuộc sống vốn khó khăn, người dân còn bị tròng lên cổ những tệ nạn phục dịch cho quan. Kẻ nào đỗ khoa Đông các khi vinh quy dân bản tổng phải đến phục dịch. “Còn đến như làm nhà tư thất, phục dịch việc gì cũng đổ lên đầu dân cả thì dân làng tổng làm sao chịu được” (Việc thi cử). “Bà Võ Thái phí theo hầu chúa Trịnh là Hi tổ Nhân vương (Trịnh Cương) dung dưỡng cho bọn con cháu họ hàng làm càn, bắt dân đi phu, lấy đá làm từ đường” (Võ Thái phi). Không chịu được sự bóc lột hà khắc, nhân dân vùng ấy nổi lên đốt phá nhà từ đường, chống lại triều đình. Sống thời nhiễu loạn, “người dân còn sống sót phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn. Mỗi một mẫu ruộng chỉ bán được một cái bánh nướng”, có người bị chết đói. Thê thảm nhất là có nơi người ta làm cả thịt người! (Võ Thái phi).
Trong hoàn cảnh đen tối ấy, những sĩ tử nào ôm mộng thi đỗ làm quan để cứu khổ cho dân, thì thật là hiếm hoi. Bởi vì “Những kẻ chỉ học lỏm được mấy câu mép, nào có quan thiết gì đến đạo tu, tề, trị, bình, thế mà đã ngang nhiên tự đắc” (Học thuật). Mục đích của họ chỉ đủ “để vinh thân phì da và làm cho họ hàng được nhờ mà thôi, chứ có ích chúa lợi dân gì cho người đời nhờ cậy đâu! Huống chi học thuật đã bất chính, đến khi ứng dụng ra đời thì chỉ làm hại cho thiên hạ, đáng để cho người ta trách mắng”.
Nhưng để được đề danh bảng hổ cũng còn là vấn đề vô cùng khó khăn. Bởi việc thi cử trong giai đoạn này không còn được triều đình xem trọng. Tình trạng những kẻ quyền thế gian lận, đút lót quan chấm thi, gửi gắm con em để được thi đỗ rất phổ biến (Khoa cử). Do chính thể ngày càng đồi bại nên hiện tượng thi giúp, làm bài sẵn, tìm cách biết đề trước ngày càng nhiều. Tệ hại nhất là thành kiến nặng nề của các quan giám khảo đối với những bài nào có “khẩu khí của Ngô Thì Sĩ” vì họ ganh ghét tài hay chữ nổi tiếng của ông và “sẵn sàng bới móc, đánh hỏng đi”.
Những hiện tượng tiêu cực còn xảy ra do những hạn chế của chế độ thi cử đương thời. Có kẻ vinh quy “chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tao khang; hoặc cịu tiếng luồn lỏi đi vay lãi mà ký liều văn khế nên đã có cái tiếng ông Nghè đeo nợ, bà Nghè mua chồng không kể xiết được” (Việc thi cử). Có kẻ mê danh đem con gái cho phường lừa đảo mà cứ tưởng là quan trạng, quan thám tương lai, chừng biết ra mình bị lừa thì ngỡ ngàng, đau đớn (Mẹo lừa).
Tác giả cũng hết sức phản đối những đồi phong bại tục còn tồn tại trong cuộc sống người dân. Là một nhà nho chính thống, nên những suy nghĩ của ông dực trên những chuẩn mực của thời đại phong kiến, của tư tưởng nho giáo cổ xưa để đánh giá, phê phán những hiện tượng sai lệch đương thời. Ông tỏ thái độ bất mãn trước những thủ tục vô lý, bất nhân trong các lễ cưới, lễ tang. Do sĩ diện mà chủ nhân tổ chức linh đình để sau đó phải bán cả ruộng nương, mang đeo nợ nần. Tục lệ này lâu dần thành lệ làng, người dân bị hạch sách phải thực hiện hủ tục khi có lễ tang, ngày kỵ hay lễ cưới. Ông cũng kịch liệt phản đối chuyện dân làng mê tín thờ cả hổ, trẻ con và mụ đàn bà dâm ô làm thần…
Sự đi xuống của phong tục do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do vua chúa quan lại không làm gương tốt cho dân. Chính vua chúa quan lại cùng họ hàng ngoại thích ngang nhiên biến đổi cho lệch lạc những nền nếp tốt đẹp có sẵn từ bao đời. Từ nếp ăn, nếp mặc đến cách cư xử, giao tế lễ độ… đều bị bóp méo mỗi ngày một khác. “Nếu có người không chịu thay đổi, thì lại hùa nhau chê cười, thậm chí muốn hãm hại và xô đổ đi” (Phong tục).
Do nền tảng xã hội bị băng hoại nên quan hệ giữa con người cũng suy đồi: kẻ dưới xem thường người trên, kẻ vô lại lấy vợ, lấy luôn cả con gái của vợ (Tệ tục)…