• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Việc làng - Ngô Tất Tố

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT

Hôm ấy, một hôm về cuối mùa đông, cách đây độ hơn mười năm, trời xế chiều, tôi mới đến nhà cụ Thượng Lão Việt. Cái nhà mới lạ làm sao! Nó là một túp lều tranh lụp xụp, đầy cảnh thê thảm, nhưng lại có vẻ vui vẻ. ở gian bên này khách khứa tấp nập. Người ta cười cười nói nói sốt sắng đợi hơi thở cuối cùng của ông cụ già. Cụ Thượng nằm to vo trên chiếc giường tre trong gian bên kia. Mặt cụ ngoảnh vào bức vách. Lưng cụ uốn gù con tôm. Bức chăn dạ đỏ phủ trên mình đã hóa màu gạch non vừa vặn đậy kín từ vai đến gối. Cái đầu trắng xóa và đôi bít tất thủng gót đeo ở cổ chân đều bị để lộ ra ngoài. Cánh dại che ở trước cửa chỉ còn lơ thơ vài nan. Gió Bắc tự do đưa mãi hơi lạnh từ ngoài sân vào vách. Mấy cục củ tre nhóm trên đống trấu cạnh giường đã hết ngọn lửa, khói đang nghi ngút tỏa khắp nhà. Cụ Thượng từ từ mở hai bàn tay gầy guộc khoác nhau ở đằng sau gáy, nặng nhọc trở mình ra ngoài, chào tôi bằng hai con mắt cảm động khi tôi rón rén ghé vào giường cụ, và sẽ lên tiếng hỏi cụ.

Biết bao nhiêu sự hối hận rung động lòng tôi! Nó trách tôi đến thăm cụ muộn quá. Với cụ, tôi không phải là kẻ họ hàng thân thích, hay người cùng tỉnh cùng huyện. Sở dĩ biết nhau chỉ vì một chuyến tàu thủy chạy từ Hà Nội xuống Nam Định, chuyến tàu chở dân lều chõng lần cuối cùng. Bấy giờ tàu cạn ở trên cửa Luộc, phải dừng lại đó suốt hai ngày một đêm để chờ con nước. Trong lúc suốt ngày đêm lênh đênh ngồi trên mặt nước để nghe những tiếng "dì xế dì" và "xám xế xám" của bọn mạch nô đo nước, người ta dễ thân với nhau, nếu đã cùng nhau ăn cùng mâm và nằm cùng chiếu. Nhờ vậy tôi mới trở nên người bạn của cụ, dù tôi kém cụ hơn ba chục tuổi và không phải cùng làm một nghề với cụ. Cụ yêu tôi về tính hoạt động. Còn tôi thì tôi trọng cụ ở chỗ từng trải, chất phác, có can đảm, không câu nệ, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan, nhất là những lúc rung đùi mà cất chén rượu, cụ đã tỏ ra người có chí khí. Bấy giờ, cụ đương buôn than, thường lên Hà Nội mua hàng tải về Nam Định. Nhưng cụ cũng có biết chữ, chữ quốc ngữ đủ để đọc báo, chữ Hán thì có thể hiểu những cuốn Tam quốc chí hay là Chinh đông chinh tây. Sau mấy ngày tình cờ hội ngộ, chúng tôi biệt nhau khi tàu cập bến Nam Định. Từ đó, tuy không gặp nhau, nhưng mà hai bên vẫn có thư từ đi lại. Mỗi lần cụ đổi nghề này làm nghề khác, đều có viết giấy cho tôi. ân hận hơn hết là cái giấy mời tôi đến làng Lão Việt dự tiệc bảy mươi, cái tiệc người ta ăn vạ cụ về tội dám sống đến bảy chục tuổi để là "cụ thượng" làng ấy.

Lúc ấy, tôi đã định đi, rồi lại ngần ngại không đi. Thế rồi, ba năm sau, một bữa tôi nhận được một bức thư của cụ và tôi giật mình đánh thót, khi coi đến mấy dòng này:

"Tôi nay sắp sửa từ giã cái làng Lão Việt, từ giã hết thảy những yêu ghét trong khoảng bảy mươi năm trời. Gan ruột tôi đang bồn chồn không muốn ở lại một ngày nào nữa. Sở dĩ chưa nhắm mắt được là vì còn mớ tâm sự muốn ngỏ với ông. Nếu lần này mà không được gặp ông, thì cái tâm sự ấy, tôi đành đem xuống suối vàng để nói với lũ quỉ sứ..." Chao ôi! Một chữ bao nhiêu đau đớn! Có lẽ cụ đã viết bằng nước mắt. Còn một lẽ nào để tôi chậm sự lên đường trong vài giờ? Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thoạt bước đến trước cổng nhà cụ. Trong khu vườn xoan kề bên cổng, người ta đã buộc một con trâu kềnh. Theo cái giá rẻ hồi ấy, nó cũng đáng đến bốn chục bạc. Cạnh đó, một bó nứa khô, mấy chiếc đòn tre, lổng chổng dựa vào gốc xoan và mấy bó rơm tanh bành quẳng ở giữa vườn. Thoáng coi những vật liệu ấy, đủ thấy một cuộc vật trâu đang được dự bị tại đó.
Ngó vào trong cổng, một tòa rạp lớn nghênh ngang dựng ở ngoài sân, mái cót còn chưa lợp kín. Dưới rạp giường, phản, bàn ghế đã kê sẵn sàng. Nong bát, nong đĩa, chum đựng nước, cối giã giò, rồi nồi ba mươi... không biết mỗi thứ là bao nhiêu cái, la liệt bày khắp ngoài rạp. "Tội nghiệp! Cụ Thượng đã chết mất rồi! Con cháu đã đương sắp đồ làm ma đây rồi! Mình không được nói với cụ một câu nào, sao mà phụ phàng cụ thế?..." Với sự bùi ngùi ấy, tôi bỡ ngỡ bước vào trong sân. Mấy chục con mắt đổ dồn vào tôi. Không ai biết tôi là người nào hết. Bởi vì tôi đến nhà cụ, lần này là lần đầu. Sau khi tôi tự giới thiệu, một người đàn ông, độ bốn mươi tuổi, tươi cười bảo tôi:

- Rước ông vào chơi trong nhà! Ba bốn hôm nay hôm nào thầy tôi cũng nhắc đến ông.

Thì ra người đó chính là con trai cụ Thượng. Lúc đó tôi mới biết cụ Thượng còn sống.

Đưa tôi vào đến cạnh giường cụ Thượng, người ấy chỉ kịp rót cho một chén trà nguội, rồi ông ta sấp ngửa chạy đi, coi bộ đương bận rộn lắm. Cụ Thượng tuy đương ốm nặng, nhưng nó chỉ là bệnh già, cũng như cái cây hết nhựa, chứ không có chứng gì khác. Vì vậy tinh thần vẫn còn tỉnh táo. Tuy đã xa nhau đến gần mười năm, mà khi thoạt nghe tiếng tôi, cụ liền nhận ngay ra tôi và cố quay mặt ra chỗ tôi ngồi! Cái mặt mới đáng sợ chứ! Nó sạm như ngả bùn, đôi mắt trũng hoáy, đôi má hóp lại, hai cái gò má dô lên, người ta có thể ngờ là một chiếc đầu lâu, nếu không có đôi con ngươi lóng lánh. "Sao mình không đi thăm cụ tự mấy tháng trước để đáp tấm lòng ân cần của cụ trong mấy năm xa nhau? Bây giờ đã đến thế này, cụ còn sức đâu mà kể với mình những điều cụ định kể? Thật là mình đã phạm một tội lớn! Chính mình đã làm cho cụ thấy áy náy trước khi từ giã cõi đời!... Tôi đang phàn nàn với tôi như vậy thì cái bàn tay cẳng gà của cụ chờ choạng nắm lấy tay tôi. Rồi cụ cất giọng rên rên như sắp đứt hơi:

- Đáng lẽ tôi sẽ im lặng mà chết, không thể nói thêm câu nào, dù tôi vẫn muốn nói. Bởi vì luôn hai bữa nay người tôi đã hết khí lực, không đủ sức để đưa câu nói ở trong miệng ra. Không hiểu vì sao mới nghe tiếng ông, tự nhiên tôi thấy trong mình hơi mạnh hơn trước. Có lẽ bây giờ tôi đã có thể nói nhiều với ông. Ngừng lại giây lát, cụ tiếp:

- Tôi sẽ là người chết oan! Ông nên nhớ cho như thế!

Nghe đến câu ấy, tôi phải hết sức sửng sốt, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Cụ vẫn ngập ngừng cất từng tiếng một:
- Đời tôi thế nào, ông đã biết rõ. Nhiều lúc tôi vẫn tự phụ: tuy không thông minh, nhưng không đến nỗi ngu đần. Nhất là tôi không lười biếng...

Xen vào đó, một tiếng thở dài, rồi cụ lại nói đều đều:

- Thật vậy, từ thuở mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi, không quản ngại một việc gì cả. Có lúc đã lên mỏ Hích lăn lộn với đám phu mỏ... Những việc tôi làm, bất kỳ việc nào, tuy không phát đạt, nhưng không thất bại bao giờ, chẳng lãi nhiều thì lãi ít. Vậy mà suốt đời nghèo xác, nghèo xơ, ăn không đủ, mặc không đủ, cả nhà có một thằng con đành để nó dốt nát. Ông bảo là vì cớ gì!

Tiếng cười nói ở gian bên kia làm cụ im đi một lúc như để chờ câu trả lời của tôi. Lâu lâu cụ mới cắt nghĩa:

- Ấy là bởi gánh việc làng. Cái làng Lão Việt nhà tôi có thể đại diện cho cả hương thôn già cỗi của nước Việt Nam. Vì nó là chỗ để chứa hủ tục. Bất kỳ hủ tục nào, làng tôi đều có đủ cả. Vì thế mà tôi suốt đời còm cọm, chỉ để đóng góp là vừa. Bây giờ tôi sắp nằm xuống, lại sắp để lại cho thằng con tôi một cái gánh nặng. Những sự linh đình ông thấy ở ngoài sân kia, sẽ là món nợ mà một đời nó chưa chắc trả hết... Đuôi con mắt cụ bỗng có một giọt nước rỏ xuống dưới chiếu, cụ cố nói cho ra giọng cứng:

- Hủ tục không phải là thứ thiên kinh, địa nghĩa, nó vẫn có thể thay đổi, nếu phái trí thức để ý đến sự khai hóa cho dân quê. "Nhưng vì chúng tôi là một lớp người bị bỏ sót trong lđá tre xanh, con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới. Bởi vậy, những cái tục lệ quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất lên vai chúng tôi. "Nhiều lúc tôi muốn hắt cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức một mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu.

"Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan uổng không? Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai đả động đến nó. Lạ thay! Tôi ước ao rằng: sau khi tôi đã nhắm mắt, ông sẽ đem những tội ác của nó mà phơi ra bóng mặt trời"...

Lúc này tiếng nói của cụ đã thấy nhỏ dần. Vì sợ cụ mệt, tôi tạm cáo từ để ra chỗ khác. Gần tối, tôi lại tới đó. Cụ vẫn ngoảnh mặt trở ra như có ý đợi tôi. Khi thấy tôi đến, cụ cố gắng sức đưa ra những tiếng thì thào và rời rạc:

- Một nước giống như một cái xe bò, lớp trí thức là người làm bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy còn bị những dây lệ buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể kéo được cái xe bò lên dốc... Vì vậy... tôi chỉ mong mỏi các ông đưa mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm... trong đá tre xanh".

Hết câu đó, cụ bỗng trợn ngược hai mắt, đờm ở trong cổ kéo lên khè khè. Cả nhà nhớn nhác xúm lại. Cụ đã tắt thở. Cái lúc trong nhà im lặng bỏ tiền và gạo vào miệng người chết, thì ở ngoài vườn người ta cũng hò reo để vật con trâu. Từ lúc đưa đám tang cụ Thượng, lời cụ vẫn văng vẳng bên tai tôi. Sau mười năm lang thang nay đây mai đó, tới đâu tôi cũng thấy chứng cớ về sự từng trải và nỗi đau đớn của cụ. Cụ quả là người chết oan. Cho được an ủi vong hồn của cụ, tôi phải minh oan cho cụ và cho những người như cụ bằng thiên phóng sự này.



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MỘT ĐÁM VÀO NGÔI

Nhà bác Cả Mão mọi ngày thường im phăng phắc, hôm nay bỗng nhiên linh đình như đám giỗ nhỏ. Dưới cầu ao, hai người đàn ông lực lưỡng đang châu đầu trên chiếc rổ thưa, tỉ mỉ nhổ từng sợi lông tơ cho một con gà trong rổ. Trên bờ ao, một con chó xồm bị trói bốn chân, nhe răng nằm trên vũng máu lênh láng. Cạnh nó, một nồi nước sôi khói bốc nghi ngút và bốn năm người, cũng hạng đàn ông lực lưỡng, kẻ cầm gáo múc nước, người cầm dao sắp sửa cạo lông. Từ cổng đến thềm, tấp nập những người đi lại. Tôi mới nhô vào đến sân, bác Cả lật đật chạy ra đón lên nhà trên với một bộ điệu vui vẻ. Ở gian bên kia, độ bảy tám ông ngổn ngang nằm vây một chiếc khay đèn thuốc phiện. Với những cặp môi thâm xịt và dài vều, và những chiếc quần cháo lòng, áo ba-đờ-xuá rách lòi khố tải, các ông ấy như muốn bảo cho tôi biết đây toàn là hạng kỳ dịch kiêm tín đồ của đức chúa Phù dung. Dãy phản bên này, hai bàn tổ tôm kế nhau. Bàn trong vang những tiếng ăn, tiếng phỗng, bàn ngoài đương ỏm tỏi cãi nhau về sự đánh thấp đánh cao. Chủ nhân lễ phép mời tôi vào ngồi trong chiếc tràng kỷ kê ở gian giữa, đối mặt với tòa bàn thờ hương khói vắng tanh. Mấy ông trong bàn tổ tôm thi nhau nhìn tôi bằng nửa con mắt trông nghiêng, giữa khi vài ông ở bàn thuốc phiện lần lượt ngóc cổ như đàn rắn lửa. Rồi thì ai nấy lại cùng theo đuổi công việc của họ, người hút cứ hút, người đánh bài cứ đánh bài.

- Ông có lòng đến đây mừng cho nhà cháu, thật là quý hóa! Xin mời ông xơi tạm chén nước.

Bác Cả Mão đương một tay gãi tai, một tay bưng chén chè nụ đặt trước mặt tôi, bên bàn tổ tôm bỗng có tiếng gọi:

- Anh Cả đâu! Cho mượn hai đồng đánh thêm hội nữa. Đen quá, cả hội chẳng ù ván nào!

Bằng một tiếng vâng đầy giọng thành tâm, bác Cả Mão nhanh nhẩu chạy xuống nhà dưới, để tôi ngồi đó với bác Hai Thìn, một người em ruột bác ấy. Thơ thẩn chưa biết nên nói chuyện gì, tôi có dịp nghĩ đến cái câu của bác Cả Mão mới nói. Với bác, tôi chỉ là người trọ học ở nhà láng giềng. Vì năng gặp bác, thành ra quen biết. Hôm nay là ngày "vào ngôi" cho thằng con bác mới đẻ được ba tháng nay, bác vẫn mến tôi nên cố mời tôi sang chơi. Ở làng khác, vào ngôi chỉ là một lệ rất thường, người ta phí tổn độ vài ba chục, hay vài ba trăm quả cau là xong. Sao trong đám này lại có cỗ bàn linh đình, và sao ở trước mặt khách, ông chủ lại nói đến câu "mừng cho nhà cháu"? Hay là riêng với làng này, vào ngôi là một việc hỷ? Nếu vậy, có lẽ mình phải mất một món tiền mừng. óc tôi còn đương vẩn vơ, bác Cả Mão đã ở nhà dưới chạy lên. Cung kính trao hai đồng bạc cho một ông trong bàn tổ tôm, bác ấy tung tăng ra sân, khiến tôi không kịp nói chuyện. Dưới bếp, có tiếng dao thớt ký cốc, mùi xôi ngào ngạt đưa lên nhà trên. Một ông trong đám thuốc phiện dõng dạc cất cái giọng khàn khàn:

- Anh Cả đâu! Lên đây tôi bảo!

Một tiếng dạ lớn, bác Cả Mão từ sân vào thềm, rồi khoanh tay đứng tựa vào cột:

- Bẩm cụ dạy gì con ạ? - Trưa lắm rồi đấy! Liệu mà giục bảo chúng nó sắp đồ lễ mau lên! Rồi anh phải thân hành đến mời cụ Điền lại chơi, kẻo cụ lại ăn cơm nhà.

Lại một tiếng dạ rất lễ phép, bác Cả rón rén lui ra. Tiện dịp, tôi bảo bác ngồi xuống chỗ tôi ngồi và móc ví lấy một đồng bạc mừng bác. Nhưng bác khăng khăng từ chối, nói rằng việc này không có lệ mừng. Ngoài thềm có tiếng lẻng kẻng. Một người xách chiếc mâm đồng sáng choang đặt lên cái bàn ở trước mặt tôi. Rồi một người khác để luôn thúng xôi vào đó. Bác Cả Mão núc hai bàn tay như thầy phù thủy bắt quyết và nói với tôi:

- Bên này chật quá, mời ông sang nhà chú cháu. Ông nhạc tôi cũng ở bên ấy. May quá, tôi đang muốn tránh cái bầu không khí khó chịu. Nghe lời chủ nhân, tôi liền theo bác Hai Thìn đi luôn. Nhà này cũng thấy lố nhố những người, nhưng toàn là người tôi quen. Qua một tuần trà, bác Hai Thìn nhìn tôi và nói bằng giọng sung sướng:

- Anh tôi lo công việc này cho cháu tất cả cũng hết đến trăm rưỡi bạc. Ấy là chúng tôi khôn khéo, xoay xở thì việc mới xong, người khác ở vào địa vị chúng tôi, dù có mấy trăm, vị tất đã lo nổi! Câu nói của bác khiến tôi hết sức ngạc nhiên:

- Sao nhà các ông hoang quá như vậy? Tôi thấy người ta "vào ngôi" cho con chỉ tốn độ vài đồng bạc là cùng!

Bác Hai xua tay và nói bằng giọng thì thầm:

- Nào có phải hoang! Ông tính ở đời ai muốn mất tiền! Đó là sự bất đắc dĩ. Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp, rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới ở có hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được "thành tổ". Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. "Làng này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng tôi, đều không có ngôi ở đình. "Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý kỳ phúc, người ta thì phần ăn, phần gói, mình thì chẳng có miếng gì. Những lúc hội hè, đình đám, người ta rước cờ, rước quạt, mình chỉ đóng vai khiêng chiêng. Như thế cũng đã khổ rồi. Hơn nữa, lỡ có cha già mẹ héo, làng giáp có chôn cho đâu! Chính lúc ông thân bà thân chúng tôi qua đời, anh em tôi đều phải nhờ cậy hàng xóm khiêng giúp. Rồi khi xong việc, chúng tôi muốn theo mọi người nộp lệ cho làng con trâu, họ cũng không thèm nhận cho. Cái đó mới cực cho chứ!

- Người ta không nhận thì càng khỏi mất. Việc gì mà cực! Tôi mỉm cười và đáp một câu khôi hài như vậy. Bác Hai vẫn nói một cách thật thà:

- Thế được còn nói gì nữa! Anh em chúng tôi, trời cho trong nhà cũng đủ bát ăn, mỗi người cũng có được con trâu cày và dăm mẫu ruộng. Thế mà không thể nộp được lệ làng cho cha và mẹ, tức là tiếng xấu để đời... Mỗi khi nghĩ lại những nông nỗi ấy, anh tôi và tôi tức chết người đi được. Trước đây, chúng tôi đã cố luồn lọt mấy ông đàn anh, để xin nhập bạ, nhưng mà bấy giờ hãy còn cụ Bá, cụ ấy nghiệt lắm, nhất định bảo nhà tôi đến ở làng này chưa được ba đời, không thể nhận lời. Chúng tôi đành phải cắn răng mà chịu. Bởi vậy lần này anh tôi sinh được mụn cháu, lại may gặp lúc cụ Bá đã mất, chúng tôi phải cố vào ngôi cho nó.

- Nhưng mà các ông tiêu những món gì mà hết đến hơn trăm bạc?

Bác Hai càng hạ giọng xuống, sau khi liếc mắt ngó qua những người chung quanh:

- Ông bảo những công việc ấy, nói bằng miệng không được ư? Phải mất tiền cả đấy! Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, cụ lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, thư ký, trưởng bạ, mỗi người mười đồng, hương trưởng, lý cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng. Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ chiều hôm qua đến giờ...

- Nếu đã mất tiền cho họ thì thôi cái bữa ăn uống có được không? Bày vẽ làm gì cho tốn?

Bác Hai lắc đầu: - Không được ông ạ! Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên. Muốn gì thì gì, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước, anh tôi cũng nghĩ như ông, đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền khắp mặt chức dịch. Nhưng ông chánh hội không nghe. Ông ấy nói rằng thế nào cũng phải đấm miệng cho các bô lão, và bọn trai đinh bò bướu một bữa. Nếu không họ sẽ phá ngang, tất nhiên sẽ có cản trở.

Trước mặt có người đi qua, bác Hai ngừng lại một lát chờ cho người ấy đi khỏi, rồi tiếp:

- Một bữa ăn này, ít ra anh tôi cũng phải tiêu đến năm, sáu chục đồng. Vì kiêng tiếng làm thịt lợn, sợ rằng làng nước cho là hứng mỡ, nên mới đi chợ mua thịt. Sự thực, mua thịt lại quá giết lợn. Sáng ngày đi lấy vừa lòng lợn vừa thịt lợn tất cả mười một đồng bạc, đáng lẽ cũng đủ chàn chát, nhưng cụ chưởng lễ thích ăn thịt cầy, nên ông lý trưởng bắt phải giết thêm con cầy. Chẳng nhẽ mời dân mời làng ăn uống trong nhà, ngoài đình lại không có gì. Bởi thế chúng tôi phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ thờ. Bấy nhiêu món hết ngót hai chục rồi. Còn tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn họ đánh tổ tôm. Ông đã biết rõ, mọi khi làng tôi có ai dám đánh "góp một"? Lớn lắm chỉ "góp năm hào". Hôm nay vì tiền nhà chủ bỏ ra, được thì ăn, thua không phải trả, nên họ hò nhau đánh góp hai đồng. Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng lấy lại được đồng nào hết... Lúc nãy tôi nói trăm rưỡi, còn là hà tiện, xong việc có lẽ hết hơn, chứ bấy nhiêu tiền không thể nào đủ.

Bác Hai còn muốn nói nữa. Bên nhà bác Cả chợt nghe có tiếng ầm ầm, bác ấy lật đật xin lỗi đứng dậy:

- Mời ông ngồi chơi với các cụ tôi. Tôi phải chạy sang bên kia. Làng đã vào rồi!

Tiếng ầm ầm bên nhà bác Cả mỗi lúc một to, trước còn cười nói, sau đến quát tháo, cuối cùng thì đến những tiếng mách tục mách qué. Lâu lâu cuộc xô xát lại dữ dội thêm, bác Hai Thìn hốt hoảng chạy về, vừa thở vừa nói:

- Khổ quá, mấy ông bô lão lại còn bẻ vành bẻ vẻ, nhất định nói rằng: hương ước không có chỗ nào nói cho người ngoài vào ngôi. Cụ Điền hết sức giàn xếp không được. Ông chánh hội và ông lý trưởng bảo anh tôi phải chồng hai chục đồng bạc -tiền ngay cốc cộc - để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên. Thôi thế cũng còn là may.

Cuộc ăn uống kéo dài mãi đến gần tối, nhưng không xảy ra sự gì nữa. Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi:

- Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Của nhà có non một trăm, còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi, cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc làng của nó!...



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
CÁI ÁN ÔNG CỤ

Bấy giờ đã quá trưa. Ánh nắng của mặt trời tháng năm thiêu đốt càng dữ. Trên đường thỉnh thoảng lại thấy khét như lửa cháy.
Bước rảo chừng hơn một tiếng đồng hồ, tôi cố phấn đấu với thần Hạn bạt và đi cho chóng đến cổng làng K.Q. để được nhờ sức che chở dưới bóng mát của một cây đa cổ thụ. Trong làng văng vẳng có tiếng ồn ào. Rồi một lũ tuần phu nghênh ngang đi ra đầu làng với một đoàn tay thước mã tấu, chiêng trống, cờ quạt, coi bộ như sắp có cuộc nghênh tiếp ông quan nào đó. Đôi mắt quáng nắng đã tỉnh, tôi đủng đỉnh đi vào giữa làng để tìm đến nhà người bạn. Tiếng ồn ào mỗi lúc mỗi rõ thêm. Và nó biến ra những câu gào khóc, thét lác, khi tôi thoạt tới đầu đình. Người làng làm gì mà đông như vậy? Họ đứng rải rác khắp trong giải vũ, ngoài tường bao lan, và họ lố nhố ở trước sân đình. Dưới giọt tiền tế, chiếc chiếu cạp đỏ cuộn thành một đống xù xù, như có người nằm ở trong. Cạnh đó, mấy vũng máu tím lênh láng đọng trên mặt gạch, ruồi nhặng bay đến dình dình, mùi tanh nồng nực pha trong hơi nắng. Trên sân tiền tế một người đàn ông lực lưỡng chễm chện ngồi với một con dao nhọn. Tuy hai khuỷu tay bị sợi thiếu cày ghì vào cây cột sau lưng, nhưng coi nét mặt vẫn thấy nhơn nhơn đắc ý.

- Ới anh ơi! Tôi đã can anh không nên gây thù gây oán, anh chẳng nghe tôi! Bây giờ anh chết bỏ mẹ con tôi bơ vơ, tôi biết nương tựa vào đâu! Ới anh ơi! Ới anh Quản ơi!

Một người đàn bà với bộ đầu tóc rũ rợi, gục vào trên chiếc chiếu cạp, vừa đập tay lên mặt đống chiếu vừa khóc bằng giọng thảm thiết. Dứt mấy tiếng tí tỉ, rên rẫm, người ấy bỗng đứng phắt dậy.

Và như con choi choi, chị ta nhẩy xổ đến trước tiền tế, hai tay đen đét đánh song thẳng vào mặt người bị trói, réo mãi tam tộc, ngũ phục nhà hắn, nguyền rủa một cách rất độc. Người kia cũng nham nhảm chửi lại:

- Ông chết thì thôi! Nếu ông còn sống thì ông sẽ giết cả nhà nhà mày; cái mạng của thằng chồng mày, ông coi như mạng chó vậy.

Chồm chồm như con trâu lồng, người đàn bà ấy nhảy vọt lên sân tiền tế, vớ luôn lấy con dao nhọn, chực đâm vào người đàn ông.

Mấy người chung quanh xúm lại kéo chị ta ra và khuyên: - Bà Quản không nên nóng quá. Việc đã có quan. Sát nhân giả tử! Bà không ngại! Lát nữa quan về, quan sẽ phân xử!

Hẳn là một vụ án mạng.

Tôi đoán như vậy và cố nén cơn lợm lòng bởi mùi hôi tanh của vũng máu tươi phơi nắng gây ra, để đi vào coi cái chết của kẻ bất đắc kỳ tử. Người này vào khoảng dưới bốn chục tuổi. Tuy bị chiếc chiếu phủ kín từ cổ đến gối, nhưng đầu và chân còn hở ra ngoài. Hình như hắn chết đã lâu. Một chân co ở trong chiếu, đầu gối dựng lên, làm cho chiếc chiếu thành ra cái hình khum khum. Chân nữa bê bết một lượt màu tím, vẫn duỗi thẳng dẵng trên gạch. Cái mặt anh ta mới đáng sợ chứ! Nó bị bốn năm vết chém rất sâu. Một vết ở má bên trái, rạch hằn gò má thành miếng thịt sắp rơi. Một vết ở mắt bên phải, ngăn đôi con mắt, giống như cái hình chữ thập. Trời nắng, da thịt bị nướng trong bầu không khí nóng nực, nó phải co lại, những vết thương đều rộng hoác ra, chẳng khác những vết nứt nẻ trên mình một con bò thui. Tôi đương rùng mình kinh sợ, đằng sau chợt thấy có người vỗ vai, khiến tôi giật mình quay lại. Đó là bạn tôi, người ở làng ấy. Không kịp chào tôi, anh ta hỏi một cách ngạc nhiên:

- Anh cũng đến xem cái án "ông cụ" đấy à?

- Không! Tôi đến thăm anh! Tình cờ thấy có sự lạ, nên còn đứng lại...

Anh ấy liền kéo tôi về nhà. Rồi vừa đi, anh ta vừa kể cho tôi nghe đầu đuôi vụ án mạng ấy. Thì ra cái người bị trói trên đình tên là Hai Thu, em ruột lý Xuân, chính là hung thủ vụ đó. Còn người bị giết thì là quản Thi, con trai ông Thư, một ông bô lão làng ấy. Sở dĩ xảy ra án mạng, chỉ vì một quân "ông cụ". Cha con ông Thư, trước kia chỉ là những người ngụ cư ở làng K.Q., theo tục lệ nhà quê, hạng dân ngụ cư, bao giờ cũng bị khinh rẻ. Ông ấy mấy lần muốn xin vào ngôi cho con, nhưng mà không được. Bởi vì nhà ấy đến ở làng này chưa được ba đời, cho nên người ta không nhận. Thình lình gặp có khóa lính, quan bắt rất gấp, trong làng không ai chịu đi. Lý trưởng phải gọi cả Thi. Thừa cơ, anh Thi yêu cầu cả làng ký kết cho mình nhập tịch và được hưởng đủ quyền lợi như mọi người khác, mới chịu ứng mộ. Bí quá, dân làng đành phải bằng lòng. Trời kia đất nọ, anh ta ra lính vài tháng thì được đóng bếp. Rồi thì chẳng bao lâu bác bếp Thi đã thành ra ông đội Thi. Đến lúc hưu trí, ông đội ấy nghiễm nhiên về làng với chức phó quản để ngồi vào ngôi tiên chỉ. Bỗng không bị một người ngoài đè đầu cưỡi cổ, cả làng ai cũng cay lắm, nhưng việc đã lỡ, còn biết nói sao.

Một hôm ở bàn tổ tôm trong một đám khao lão, có lý Xuân và ông cụ Thư cùng dự. Trong cỗ tổ tôm, có quân "bạch vạn" bôi đỏ, người ta thường gọi là quân "ông cụ". Khi nào bài ù, hết thảy là quân để trắng, chỉ có một quân "ông cụ" bôi đỏ, ấy là ván bài "kính cụ", được ăn tiền bằng ba những ván ù suông. Lúc ấy, một người trong cuộc, bốc "nọc" gặp phải một quân "ông cụ", hắn đùa và hỏi:

- “Ông cụ" của làng cũng được kính chứ?

Lý Xuân buột miệng trả lời:

- Chỉ kính "ông cụ" của nhà, ai kính "ông cụ" ngụ cư. Ông Thư nghe câu đó lấy làm căm tức, về nhà thuật lại với con; từ đó quản Thi đem lòng thù oán lý Xuân, và luôn luôn bới bèo ra bọ, để kiện lý Xuân. Nhờ có thần thế lại có nhiều tiền, quản Thi đã thành một vị thần thông, có phép đổi đen ra trắng. Kết cục, lý Xuân hết cả cơ nghiệp, bị cách lý trưởng, lại bị phạt tù sáu tháng. Hai Thu là đứa ngỗ nghịch, trước sự oan ức của người ruột thịt, cố nhiên hắn không chịu nhịn. Sáng nay nhân có việc làng, hắn bèn sinh sự cãi nhau với quản Thi, rồi sẵn con dao chọc tiết lợn, hắn đâm và chém quản Thi đến hai chục nhát. Một nhát trúng phổi, quản Thi chết không kịp ngáp. Kể hết câu chuyện bạn tôi nói thêm:

- Ngay lúc xảy ra án mạng, lý dịch làng tôi đã phải phái người lên phủ trình quan. Tử thi còn phải để đó, đợi quan về khám.
Rồi thì anh ta kết luận:

- Vụ này có lẽ hai Thu sẽ bị ghép vào án tử hình. Vậy là một quân "ông cụ" giết chết hai mạng.



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ

Từ khi thôi học, tính ra đã gần mười năm, bây giờ tôi mới lại gặp Lăng Vân. Những chuyện tích lại trong một thời gian khá dài, lúc ấy được dịp xuất hiện nó đã làm cho chúng tôi đều phải quên ngủ, tuy đêm đã khuya. Ngoài sân trời tối như mực và mưa sùi sụt, nước mưa rả rích giội xuống đầu thềm, như thêm vẻ chứa chan cho mối tình cửu biệt. Gà bắt đầu gáy. Dưới bếp bỗng có tiếng người khậm khoặc. Rồi thấy bóng đèn lập lòe. Một lát sau, nghe có tiếng gà đập cánh phành phạch và kêu quang quác. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Người nhà đã sắp làm cơm đấy sao?

Lăng Vân lắc đầu: - Không! Sáng mai nhà tôi phải chứa hàng xóm. Chứa xóm cố nhiên không phải là một đầu đề để nói chuyện. Chúng tôi lảng ra chuyện khác. Đồng hồ điểm hai tiếng mới cùng trùm chăn nằm ngủ. Giấc ngủ của tôi đương ngon, thình lình bị tan bởi mấy tiếng lộc cộc của guốc, và gậy nện xuống thềm gạch. Tôi bừng mắt ra, trời đã sáng rõ, trong nhà lố nhố mấy ông cụ già khăn áo tề chỉnh, Lăng Vân đang xoăn xoe chào mời các cụ một cách cung kính. Giữ lễ xã giao với người lạ, tôi vội tung chăn ngồi dậy và đương lúng túng chưa biết nên ở đó hay lánh đi đâu, Lăng Vân đã bưng đến chỗ tôi ngồi một bộ bàn chè, một siêu nước sôi, bảo tôi cứ việc pha nước và uống tự nhiên. Người đến mỗi lúc một đông. Già có, trẻ có, đứng bóng có. Toàn là đàn ông tất cả. Trong nhà giường phản chật hết, người nhà phải quét cái thềm mưa ướt rờm rợp, rồi trải chiếu lên, để làm chỗ ngồi cho mấy ông tí nhau. Hàng xóm vẫn lục tục kéo đến với những bàn chân đất lấm bê bết. Ai cũng như nấy, sau khi đã đến bể nước giội qua, người ta đi nhón lên thềm, chùi chân vào cái chổi rơm làm phép, rồi bước xàm xạp lên chiếu.
- Sao không lấy gì mà che, lại đi đội trời thế kia! Nước mưa ướt cả đồ lễ!

Tiếng thét dõng dạc của một ông già ở phản bên kia vừa dứt, thì ở dưới sân, một người vừa lù lù bưng mâm xôi gà lên thềm và đặt vào chiếc phản giữa. Rồi một người khác để luôn lên đó hai chai rượu lớn. Con gà cũng không nhỏ lắm, ước chừng một người ăn cố mới hết. Cỗ xôi vừa kín cái lòng mâm đồng, nó phải độ bốn đấu gạo! Còn hai chai rượu thì đầy ăm ắp, hạng chai ba phần tư lít. Mọi người ngồi yên, một ông đàn anh ra lệnh:

- Hàng xóm đã đến đông đủ! Thằng Mới đem làm cỗ đi! Thì ra cái người đội mâm xôi gà lúc nãy chính là mõ làng. Hắn dạ một tiếng thật dài rồi khép nép đứng tựa bên cột:

- Thưa các cụ làm bao nhiêu cỗ?

Ông đàn anh ấy lại lên giọng:

- Mày trông xem có bao nhiêu người kiến tại.

Thằng Mới liếc mắt một lượt từ trong nhà ra đến ngoài thềm, rồi thưa:

- Bẩm ba mươi người tất cả.

Ở đầu dãy phản tay phải, thấy có tiếng hỏi: - Hàng xóm ta mười mấy suất, cụ còn nhớ không? Rồi có tiếng đáp:

- Năm ngoái bảy mươi tám suất, năm nay mới thêm năm suất thế là tám mươi ba suất cả thảy.

Ông đàn anh vừa rồi nhìn vào thằng Mới:

- Vậy thì phải làm hai mươi ba cỗ, tám cỗ kiến tại, một cỗ chứa, một cỗ cho mày, còn mười ba cỗ làm phần.

Câu nói của ông ấy khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Một con gà và bấy nhiêu xôi mà làm đến mấy chục cỗ, thì làm ra sao? Chắc là còn có món gì khác nữa.

Tôi nghĩ như thế. Nhưng mà không. Chẳng có chi hết. Người nhà chỉ bưng lên thềm hai thúng bát đĩa, một con dao, một cái thớt, một liễn nước mắm và hai chồng mâm. Thằng Mới lễ bễ bưng mâm xôi gà ra thềm. Hắn nhấc con gà sang chiếc mâm khác, rồi chữa cỗ xôi hình tròn ra hình vuông. Ôì lạ! Con gà làm được hơn hai chục cỗ, thật là một kỳ công! Tôi phải giả vờ đứng dậy ra sân để đến tận nơi mà coi cho rõ. Thằng Mới đặt thử con dao lên mặt cỗ xôi, hắn tính lẩm bẩm giây lát, rồi xắn một chiều làm sáu, một chiều làm bốn. Sau khi lấy một miếng xôi véo ra từng tí để phụ vào các miếng kia, hắn nhấc mâm xôi sang một bên cạnh và kéo cái thớt vào chỗ trước mặt. Cái thớt khí trũng, hắn gọi thằng nhỏ đổi cho cái khác và hắn lẩm bẩm một mình:
- Băm thịt gà cần phải dao sắc, thớt phẳng. Nếu mà dao cùn thớt trũng thì thịt sẽ bong hết da!

Vừa nói, hắn vừa với sang thúng đĩa lấy đủ chục chiếc, bầy la liệt trên mặt thềm. Thằng nhỏ đã xách lên đó chiếc thớt mới nguyên, sắc gỗ nghiến còn đỏ đòng đọc. Nhanh nhảu, hắn sờ ngón tay vào lưỡi con dao, xem có bén không. Và hắn lật cái trôn bát liếc luôn ba lượt thật mạnh. Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà. Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một góc đĩa. Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong mười đĩa không đĩa nào thiếu một thứ nào. Rồi hắn nhấc cả con gà ra thớt. Bắt đầu chặt lấy cái sỏ, sau mới chặt đến miếng phao câu. Thình lình thấy hắn đứng lên ngoảnh mặt vào phía mấy ông đàn anh:

- Thưa trình các cụ, hôm nay sỏ gà pha mấy? Phao gà pha mấy?

Một ông trong bọn nhìn qua vào đám nhiều tuổi, hình như để đếm đầu người, rồi đáp:

- Ở đây chỉ có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn.

Hắn lại ngồi xuống chỗ cũ. Trước hết ghè dao vào giữa hai miếng mỏ gà để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh.

Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm đôi và mảnh mỏ trên làm ba. Tôi không biết những miếng thịt gà này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ. Tiếp đến cuộc pha phao câu. Công việc tuy không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người. Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng khác nào một cái chũm cau chẻ tư. Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà bày vào một đĩa. Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa. Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm. Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may. Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng. Lăng Vân cười và hỏi tôi:

- Anh đã chịu nghề băm thịt gà của ông Mới làng tôi chưa? Nhà hắn ba đời làm cái nghề ấy, thì mới thạo được như thế. Người khác dễ ai làm nổi!

Tôi chịu lắm. Và tôi muốn dâng cho ông Mới ấy cái chức nghệ sĩ.


Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
ĐÔI GIÀY MẤT DẠY

Tôi phải hết sức ngạc nhiên khi bắt đầu thấy anh Hai Thuyết. Người đâu mà lạ làm vậy! Cổ tay lớn bằng bắp chuối, ngón tay như hai chiếc dùi đục; những lúc anh vấn vành khố một - nhai, bao nhiêu bắp thịt chần chẫn trong lớp da đồng tụ đều lộ ra hết, thì trông chẳng khác gì cái tượng lực sĩ ở Đền Đô. Tuy rằng lúc đó ảnh đã gần năm chục tuổi, nhưng còn gánh nổi hàng tạ và vẫn đủ sức để cất cái búa bổ củi một cách nhẹ nhàng. Ông chủ nhà tôi rất mến ảnh, quanh năm, suốt tháng, không dám rời ảnh mấy khi, sợ rằng người khác mướn mất.

Vì thế, từ ngày đến trọ ở làng Đ.S tôi không ngày nào mà không gặp ảnh. Giọng nói ngây ngô, mộc mạc của ảnh vẫn là những thuốc giải muộn cho tôi trong lúc vô liêu. Vậy mà sáu, bảy hôm nay, chẳng thấy bóng ảnh đâu hết. Một người như ảnh cố nhiên không ai dám đoán là có tật bệnh.

Lúc đầu tôi tưởng rằng ảnh đi vắng. Nhưng mấy bữa sau thỉnh thoảng lại thấy tiếng ảnh ở nhà, tôi ngờ rằng ảnh có chuyện xích mích với ông chủ nhà tôi, nên không sang nữa.

- Không! Nó còn khổ về hai chiếc giày! Từ hôm rước được đôi giày về nhà đến giờ, nó phải bỏ cả làm ăn, không lúc nào đi ra khỏi cổng. Nếu còn giữ hai chiếc giày ấy không khéo có ngày vợ con nó sẽ chết đói.

Câu nói của ông chủ nhà khiến tôi càng lấy làm lạ, không sao hiểu nổi. Tôi phải phiền ông giảng lại một lượt. Thì ra năm nay làng ấy vào đám dẫy chà, ảnh được cắt làm thủ hiệu trống. Tuy chỉ là người cầm dùi đánh trống, nhưng ở đình đám, chức thủ hiệu vẫn sang hơn chức cầm cờ, cầm quạt, bất kỳ là thủ hiệu gì. Những ngày rước thần, thủ hiệu vẫn được đóng đai, đi ủng, đội mũ võ và mặc áo thụng, có người che lọng, có người cắp tráp đi hầu; nếu là mùa bức, họ còn thuê mướn đầy tớ vác chiếc quạt lông, thỉnh thoảng phẩy cho một cái là khác. Trong một chà đám, thủ hiệu được có sở riêng tại đình, góp tiền góp gạo, ăn uống ở đó, khi nào đoạn đám mới về. Sở của thủ hiệu, bao giờ cũng oai, có cờ, có trống, có tay thước, mã tấu... trang hoàng như dinh quận của ông đại tướng. Cho được xứng đáng với bấy nhiêu sự sang trọng, ngoài những quần lành, áo mới, các vị thủ hiệu lúc nào cũng phải xỏ chân vào giày, không được phép đi dép, đi guốc, nhất là không được đi đất. Thủ hiệu đi đất, ấy là để cho hàng tổng, hàng xứ chê cười làng mình, người ta vẫn tin như thế. Bởi thế, từ khi có tin được bổ thủ hiệu, anh Thuyết lập tức cậy người đi ra Hà Nội mua cho đôi giày da lộn, để góp với bạn đồng sự. Cái người ảnh cậy cũng đã sáng ý, thấy đôi bàn chân của ảnh đều là "xuất chúng" nó phàn phạt như chiếc bàn cuốc và lớn bằng rưỡi bàn chân người thường, hắn phải tìm khắp các cửa hàng giày, để chọn cho ảnh thứ giày "quá đại".

Vậy mà chân ảnh xâu vào, vẫn còn thừa một ngón út và nửa cái gót. Đời ảnh sắm giày lần này là hai. Cả hai lần đều bất như ý. Lần trước, khi sắp cưới vợ, ảnh đã có mua một đôi. Vì đi không lọt, ảnh phải gác lên gác bếp, đến khi dây đàn ải đứt thì đem vứt đi. Lần này lại đi không vừa, ảnh phải bán lại cho một người làng rồi tự đem hai bàn chân lên tỉnh để thửa lấy một đôi khác. Bằng cái giá tiền gấp ba giày thường, người thợ giày mới chịu đo hai chân ảnh, để hắn đệm cốt, lựa da, đóng cho ảnh đôi giày hợp thức. Chuyến này thì ảnh xâu lọt cả năm ngón chân, có điều nó cũng khí chật. Ông chủ nhà tôi kể đến chỗ đó, rồi thêm:

- Không hiểu chân nó ra sao mà khi lồng vào chiếc giày, coi bộ cực kỳ ngượng nghịu, chẳng khác đứa trẻ tập đi. Bởi vậy, nó phải nghỉ việc để học đi giày, ông sang mà xem, buồn cười hết sức.

Té ra thế gian lại có hạng người gần năm chục tuổi mới học xỏ chân vào giày, có lẽ cũng là một sự kỳ dị. Nhân lúc vô sự, tôi liền đi đến nhà ảnh để coi. Hình như ảnh sợ có người vào xem, nên đã đóng cổng kín mít. Tôi gọi hồi lâu, mới thấy ảnh ra mở cổng với cái bộ mặt bẽn lẽn. Bước vào trong nhà, chẳng thấy đôi giày đâu cả, hẳn là ảnh vì xấu hổ, nên đã cất vào buồng trong. Tôi đoán như vậy, rồi thử hỏi ướm:

- Nghe nói bác tập đi giày, nên tôi sang xem. Có việc gì mà phải giấu giếm. Chúng tôi lúc mới đi giày cũng phải học đến hàng tháng ấy chứ! Bác tưởng tự nhiên mà biết đi chăng? Cứ đem ra mà tập đi, hễ sai chỗ nào tôi sẽ bảo giúp.

Ảnh nhìn tôi bằng một bộ mặt ngơ ngác, đầy vẻ sung sướng:

- Thì ra các ông cũng phải tập ư? Tôi ngỡ là có mình tôi. Rồi ảnh đẩy cánh cửa buồng lấy đôi giày ra. Thảm hại! Đôi giày chẳng khác gì lũ tướng cướp bị bắt, mỗi chiếc có một sợi chuỗi buộc ở phía gót, đầu chuỗi còn dài lê thê. Thoáng trông tôi đã biết ngay những cái chuỗi ấy dùng để làm gì, liền cười và nói:

- Bác cũng tinh đấy, có chằng gót giày vào chân mình thì khi nhắc giày, nó mới khỏi rơi. Nào thử đi đi tôi xem.

Ra bộ đắc ý, ảnh bèn xâu chân vào giày và mỗi bên chân ảnh lại chằng đi, chằng lại hai ba vòng dây, giống như người ta trói con lợn vậy. Rồi ảnh đứng dậy, dõng dạc chống tay vào sườn, bắt đầu cất bàn chân đi. Nhìn ảnh, tôi thấy giống hệt những bà nạ dòng tiếc cái xuân xanh sắp hết, cố học đi giày cao gót để thi với bọn tân thời. Bởi vì, đôi giày của ảnh tuy đã chằng trói kiên cố, nhưng bộ giò ảnh vẫn phải rón rén rụt rè, không dám bước mạnh. Diễn quanh lòng nhà độ vài chục lần, ảnh thấy nó đã hơi quen, liền khoe:

- Thế nào, ông coi tôi đi đã được hay chưa?

Tôi cố nín cười và đáp: - Được rồi đấy! Bây giờ bác thử cởi dây mà đi xem sao! Vẫn cái nét mặt hớn hở, ảnh lại ngồi xuống, tháo hết những nút chằng buộc của giày vào chân. Rồi ảnh thử đi giày không. Quái lạ làm sao! Chân ảnh xỏ vào chiếc giày, vừa mới giơ lên, thì nó đã bắn đi xa độ hai ba thước, y như người ta đá giày đi vậy. Mấy lần ảnh nhặt giày lại, cầm tay xâu vào bàn chân và ảnh mắm môi, nghiến răng, cố quịp cả năm ngón chân để giữ nó lại, nhưng cái đôi giày mất dạy như có thù với bàn chân ảnh, mỗi khi ảnh nhấc chân lên, nó lại bắn đi đánh phót một cái. Buồn rầu, ảnh nói bằng giọng năn nỉ:

- Ông hãy làm ơn mỗi ngày sang đây dạy tôi một lúc. Nếu mười ngày nữa mà tôi không đi được giày thì lúc vào đám, tôi đành cáo ốm nằm nhà. Ông thủ hiệu không biết đi giày, thật là nhục cho cả làng.



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH

Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm, trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Trong mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa, vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người, ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình. Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ôíng tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận. Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức "lý cựu" lấy một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ.

Lúc đầu ổng cũng phân vân, vì sợ cái của "không tân mà cựu" sẽ không được ai quý trọng. Mấy ông kỳ dịch nói rất bùi tai, họ bảo người ta bỏ hàng năm, bảy trăm, một nghìn để làm ông lý, ông phó. Đằng này, ông chỉ tốn một trăm bạc, không vất vả gì, mà rồi cũng được ngồi ngang với họ, ăn biếu ăn xén như họ. Ấy là một dịp hiếm có, không nên bỏ qua. Nghe vậy, ổng cũng cho là rất có lý và đã bàn kỹ với vợ. Vợ ổng cũng muốn được làm bà Cựu, nên cũng khuyên ổng cố lo. Từ nửa tháng trước, ổng đã bán trâu, bán ruộng, được hơn trăm bạc, để nộp cho làng. Thế là công việc mười phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa, thì sẽ thành danh ông Cựu. Đáng lẽ bữa khao ấy ổng định hoãn đến tháng mười, đợi cho lúa gạo của nhà, đỡ phải vay mượn mất lãi. Nhưng mấy ông hương lý không nghe. Họ nói để lâu không tiện, dân làng đã vậy, còn quỷ thần. ừ thì cái áo còn lo được, huống chi cái giải! Trước một lần, sau cũng một lần, lo lúc nào thì xong lúc ấy. Ôíng nghĩ vậy, nên mới cố mua bát họ hơn sáu chục đồng để lo cho yên. Cứ ý bà Cựu, thì cuộc khao này chỉ cốt cho đủ lệ làng, không mời khách khứa nào cả. Ông Cựu không chịu. Bây giờ ổng đã làm bậc lý cựu trong làng, không thể xử cách nhom nhem được. Bởi vậy, ổng định làm thật linh đình. Nhà chật. Trừ khu bếp đun, toàn thể dinh cư chỉ có bốn gian một chái nhà tranh. Ngày thường, với gia đình ổng như thế cũng là rộng. Lúc nào có việc, nó không đủ chỗ để chứa làng xóm họ mạc. Từ chiều hôm qua, ông đã sai mổ con lợn, để nhờ bà con dựng hộ gian rạp. Bấy giờ đã nửa tháng tám, công việc ngoài đồng xong rồi, cả làng ai cũng rỗi rãi. Tôi tuy chưa sang nhà ông, cũng nghe nói số người giúp đáp đông lắm. Mẹ nào con ấy, chị nào em ấy, người ta kéo vào từng lũ. Cái anh người nhà sang mời khoe rằng:

- Bữa chiều hôm qua, tất cả năm chục mâm cỗ. Con lợn bảy yến, chỉ ăn một lượt là hết. Sáng nay ông Cựu lại cho giết ba con nữa, hai con để họ hàng ăn cơm, một con để đem lễ thờ, rồi biếu dân làng.

Và hắn nói thêm:

- Nhưng cũng chưa đủ. Chiều nay còn mời các lão và tư văn, thế nào cũng phải vài ba con nữa. Rồi hắn giục tôi:

- Rước ông sang ngay đi cho kẻo ông Cựu tôi lại bắt người khác sang mời. Ở bên ấy, các ông hàng tổng đương đợi ông đấy.

Anh ta nói đúng. Tôi còn lúi húi rửa mặt, đã nghe có tiếng lợn kêu eng éc tự phía ngõ ngoài đi vào. Và một lát sau lại có người nữa sang giục. Thay xong quần áo, tôi theo hai anh người nhà cùng đi. Từ cổng trở vào, bát đĩa mâm nồi la liệt bày khắp mặt đất. Trong rạp đông nghịt những người. Đám này không khác gì các đám khác, ngoài một số người tay dao tay thớt, lại có các ông chỉ chuyên thuốc phiện và tổ tôm. Tôi ngó hai dãy phản rạp thấy có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện. Thì ra cái bữa thết làng tuy đã xong từ sáng ngày, nhưng mà các ông kỳ dịch vì có cảm tình với ông "Cựu mới" cho nên còn lưu lại đó tất cả. Thoáng thấy bóng tôi, ông Cựu chào hỏi một cách lơi lả và mời tôi vào trong nhà ngồi với mấy người làng bên. Rồi ông trách tôi đã tệ với ông, vì từ hôm qua đến giờ mới sang. Theo lệ tôi mở ví lấy một đồng bạc ra mừng. Ông Cựu ra ý không thích và nói:

- Ông cho nhà cháu mấy chữ chả quý hơn ư? Tiền tuy cũng quý, nhưng nhà cháu còn có thể kiếm ra được. Hay là để cháu mua một đôi liễn, rồi ông viết chữ vào cho.

Tôi còn chưa kịp trả lời, thì thấy một người tất tả chạy vào báo với ông Cựu:

- Tư văn đã vào! Ông Cựu lật đật chạy ra ngoài rạp. Thằng Mới vừa bưng vào đó một mâm cau và một bánh pháo.

Theo nó, một bọn lố nhố độ hai chục người tiến vào trong rạp. Sau khi đã nói vài câu chiếu lệ, ông Cựu mời họ sang ngồi nhờ ở nhà láng giềng, rồi ông giục người bưng cỗ sang đó. Một ông ở bàn thuốc phiện vào chỗ tôi ngồi, nói chuyện tiếp tôi:

- Ông nó lo một việc này, có lẽ cũng tốn đến hai trăm bạc. Song cũng còn may! Ông tính không làm việc ngày nào, tự nhiên thành người kỳ cựu, chễm chện ngồi chiếu cạp điều giữa đình, há chẳng sướng sao? Vì có chúng tôi giúp cho thì việc mới xong, người khác đâu được như thế.

Uống rượu xong, tôi từ biệt ra về. Tới cổng lại thấy một lũ kéo vào. Đó là các lão trong làng vào mừng ông Cựu. Cuộc linh đình còn mãi đến sáng hôm sau.

Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui:

- Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây.

Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa:

- Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng, nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ?



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
NÉN HƯƠNG SAU KHI CHẾT

Từ hôm làng bàn chữa lại tam quan đến nay, hôm nào ông chủ nhà tôi cũng bận tiếp khách, bỏ cả công việc. Thằng ở đã phải càu nhàu, bà chủ đã phải lườm nguýt, mấy con chó dé nhăng nhắc sủa không dứt tiếng. Hôm nay cũng vậy, những ông kỳ dịch hương hội vừa ra, bà lão răng móm đầu bạc đã vào. Người ta nói chuyện với nhau ở trên nhà thờ. Hình như câu chuyện cũng không cần bí mật. Biết là việc riêng của họ, tôi không có ý nghe ngóng làm gì, nhưng cái lỗ tai vô tình thỉnh thoảng lại bị lọt vào những câu như vầy:

- Sức tôi chỉ lo được thế, trăm sự nhờ ông giúp tôi.

- Tôi vẫn hết sức giúp cụ, nhưng ông Điển lễ nhất định không nghe, không lẽ tôi làm phù thủy lại hù gà nhà!

Tan một hồi tiếng to, tiếng nhỏ, bà lão lững thững chống gậy trở ra, ông chủ nhà tung tăng đi xuống nhà học với một nụ cười đắc chí:

- Ở nhà quê, giàu mà lép vế nghĩ cũng khổ thật ông ạ! Tôi chưa nói sao, ông ta liền hỏi:

- Chắc ông không biết bà lão mới rồi là ai? Và ông ấy lại giảng:

- Đó là bà Tư Tỵ, thím thằng cả Thân ở xóm dưới. Bà ta góa chồng từ thuở ngoài hai mươi tuổi. Lúc chồng chết đi, trong nhà không có hột gì. Chỉ nhờ có chiếc đòn gánh với hai bàn tay, thế mà trong mấy chục năm, bà ấy tậu được hơn bốn mẫu ruộng, làm được năm gian nhà ngói, còn tiền cho vay không kể. Làng tôi ai cũng phải phục bà ta có tài làm giàu. Vừa nói, ông ấy vừa ghé vào chỗ tôi ngồi và tiếp:

- Nhưng mà họ giàu là phải. Ông tính quanh năm khách khứa không có, sưu thuế không mất, làm gì mà chẳng giàu? Nếu mình mà được như họ, có lẽ còn giàu bằng hai. Tuy vậy giàu như bà này, cũng chỉ là cái thân tội...

Ngừng lại để vê một mồi thuốc lào, rồi như sợ tôi cướp lời, ông ta kể luôn một mạch:

- Bà ấy không có con trai. Lúc trước chỉ được một đứa con gái, nhưng sau nó lại chết mất. Vậy mà bà ta hà tiện rõ "vắt cổ chày ra nước". Suốt đời cơm ăn với muối, bữa nào hoang lắm mới dám mua một mớ rau. Tháng năm tháng mười cũng như tháng ba tháng tám, nếu không độn khoai, thì độn ngô, chẳng bao giờ nấu cơm toàn gạo. Những năm gạo đắt, thường chỉ ăn khoai ăn ngô trừ cơm. Thế nhưng nhiều lúc vẫn phải đổ đi hàng trăm, hàng chục. "Là vì ông lý ông phó làng tôi, đều tay ghê gớm. Thấy bà ta có, nay người này hỏi vay vài chục, mai người kia hỏi vay vài chục. Cho họ vay, ấy là mất hút, chớ có bao giờ họ trả. Nhưng nếu không cho họ vay, họ sẽ bới bèo ra bọ, khó mà yên lành với họ.

"Bà ta cũng đã chịu khó luồn lọt. Nội các đàn anh trong làng, nhà nào có giỗ có chạp, hay có cưới xin khao khoán, dù không mời, bà ta cũng đến, với một món đồ lễ: đám nhỏ vài chai rượu, đám lớn thì vài đồng bạc. Những lúc làng có công việc, ví như chữa đình, chữa chùa chẳng hạn, bà ta đều có xuất tiền công đức, không tuần chay nào không mất nước mắt. Vậy mà các ông hào lý vẫn không tha cho, hễ gặp dịp bóp được là họ cứ bóp.

Tôi hơi ngạc nhiên và hỏi:

- Bà ấy không có họ hàng nào ư? Cớ sao người ta chịu để người ngoài ăn hiếp mãi người trong họ như vậy?

- Họ hàng xa cả, chỉ có cả Thân là gần, chính nó được ăn thừa tự bà ấy. Nhưng mà thằng ấy tệ lắm, nó cũng đục khoét bà ta như mọt. Năm trước thua bạc, nó đã bán của bà ấy mất hơn mẫu ruộng, bà ta cũng phải cắn răng mà chịu. Nhiều lúc nó còn thông với các ông hào lý kiếm cớ mà xoay bà ta. Cái việc bây giờ cũng là ở nó mà ra, chứ ai!

Nói đến đây, như đã dứt mạch, ông ấy thông điếu đặt thuốc, hút một hơi dài. Rồi lại tiếp tục:

- Hiện nay bà ấy đương xin đặt hậu ở làng. Việc này, kỳ thủy không phải tự ý bà ta. Vì thằng cả Thân, thấy thím còn vài mẫu ruộng và mấy gian nhà, nó muốn bán nốt, nhưng trong làng chẳng có ai mua, hắn mới bàn với ông Điển xui cho bà ta đặt hậu, nếu việc xong, ông Điển phải chia cho nó một nửa số tiền. Ông kia bằng lòng. Nó liền về nhà tán với bà cụ thế này: đáng lẽ, sau khi bà ấy trăm tuổi, bao nhiêu gia tài sẽ về nó cả. Nhưng nó có tính chơi bời, sợ rằng không thể giữ được. Muốn cho chắc chắn, bây giờ đem một phần ruộng mà giao cho làng, sau này làng sẽ cúng giỗ cúng tết bà ấy mãi mãi. Bà ta nghe cũng bùi tai, liền bảo nó đi nói với các ông kỳ dịch xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh, sau kính làng. Một đám đặt hậu như thế, ở làng tôi kể cũng là hậu. Các ông hào lý nhận lời. Chờ đơn "ký hậu" làm xong, bà ta đã mắc vào tròng, bấy giờ họ mới giở ngón: ông Điển đòi năm chục, chánh hội, lý trưởng mỗi người đòi ba chục. Có được thế họ mới ký tên vào đơn, thì việc mới xong. Thấy thế bà ta chết ngã cổ ra, đã toan xin thôi. Nhưng họ lại dọa: nếu mà bà ấy bỏ dở việc này, ấy là bà đã đánh lừa làng, họ sẽ đệ đơn trình quan và sau khi bà ấy chết đi, làng không khiêng nữa. Bà ấy hoảng quá, không dám nói đến chuyện lôi thôi đặt hậu, chỉ xin rút bớt số tiền "nhuận bút" của các vị hào lý mà thôi. Mấy bữa nay bà ta luôn luôn đến đây là cốt nhờ tôi nói đỡ với họ. Tôi đã khuyên họ nên nghĩ phúc đức về sau, không nên bóp nặn người ta thái quá. Chánh hội, lý trưởng và các tộc biểu bằng lòng mỗi người bớt cho mười đồng, nhưng ông Điển lễ nhất định đòi đủ năm chục. Công việc nhà quê có rắc rối không? Ngoài cổng lại thấy có tiếng chó sủa, ông Điển lễ với tấm áo the quấn cổ, lộc cộc chống chiếc gậy song đi vào. Xăm xăm đến cửa nhà khách, ông ta nhìn ông chủ nhà tôi và hỏi một cách tự nhiên:

- Thế nào! Lúc nãy con mẹ Tư Tỵ nó nói với ông ra sao? Ông chủ nhà tôi liền mời ông ta ngồi vào ghế và đáp:

- Nó vẫn chối khan chối vã là không có tiền.

- Ông cho gọi nó đến đây! Tôi sẽ liệu xoay cách khác. Vâng lệnh ông chủ, thằng nhỏ lật đật vác gậy ra đi. Một lúc sau, bà lão Tư Tỵ đã đến với một dáng bộ khúm núm. Sau khi chào ông Điển lễ, bà ấy ngồi phệt xuống mặt thềm gạch. Ông Điển lên giọng hách dịch:

- Tôi đòi năm chục đồng bạc, bà tưởng là đắt hay sao? Nếu đắt thì thôi, tôi không cần. Một người như bà, sau khi nhắm mắt, kiếm được kẻ thắp cho nén hương cũng khó lắm thay, huống chi muốn được cả làng cúng lễ. Cũng vì làng chữa tam quan, cần đến tiền tiêu, cho nên chúng tôi phải cố thu xếp cho bà. Nếu như lúc khác, bà có hàng nghìn cũng không lo nổi. Bà thử nghĩ kỹ mà xem.

Bà lão nói giọng phều phào của người móm:

- Thưa cụ, tôi không dám tiếc các cụ, chỉ vì trong nhà chưa sẵn, ruộng bán không có ai mua, đi vay không được...

Ông Điển không để cho bà ấy nói hết lời:

- Nếu vậy thì bà gạt ruộng cho tôi cũng được. Không phải văn tự văn khế gì hết, hễ bà bằng lòng thì tôi cứ bảo chưởng bạ dịch số, rồi bà điểm chỉ vào sổ, thế là xong.

Hình như bà lão biết mình chẳng sống ở đời bao lâu nữa, không tiếc cái của mồ hôi nước mắt làm gì, nên phải miễn cưỡng vâng lời. Cả bọn cùng giải tán.

Hôm sau, ông chủ nhà tôi vừa cười vừa nói với tôi:

- Bà Tư Tỵ đã phải sang sổ cho ông Điển lễ hơn năm sào ruộng rồi đấy. Ông ấy đã ký đơn rồi, chừng vài ngày nữa bà ta sẽ phải chồng tiền hậu và giao ruộng hậu cho làng.



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
HẠT GẠO XÔI MỚI

Hôm nay vừa đầy tám ngày, ngày nào trong nhà ông Quyết cũng thấy họ mạc kéo đến tấp nập. Có gì đâu? ông ta phải sửa xôi mới. Với làng Th. của ông Quyết cũng như với nhiều làng khác, xôi mới vẫn là một lễ long trọng. Hễ làng chưa làm lễ ấy, các nhà không ai được ăn, hoặc cúng, hay bán thứ gì bằng nếp. Người nào phạm vào điều đó sẽ bị bắt vạ tức thì. Là vì theo tục thôn quê, nghề gì cũng có tiên sư, tiên sư của nghề làm ruộng là ông Thần nông. Muốn đền cái ơn dạy dân cấy gặt và muốn cầu cho suốt năm mưa thuận, gió hòa, hàng năm, đến mùa lúa chín, người ta phải tế ông ấy bằng ba mâm xôi bằng gạo nếp mới, ý nghĩa của lễ xôi mới là vậy. Cho được tỏ lòng thành kính đối với quỷ thần, làng lại bắt buộc gạo ấy phải do người làng làm ra, không được mua sẵn ở chợ, sợ rằng gạo chợ không được tinh khiết. Bởi vậy, làng đã để riêng một mẫu ruộng tốt, mỗi năm, chiếu theo ngôi thứ giao cho bốn người cầy cấy. Rồi khi gặt lúa, mỗi người phải thổi cho làng một nồi gạo xôi. Ruộng ấy, năm nay đến lượt ông Quyết được cấy một phần. Việc thờ không phải chuyện chơi.

Trước kia, mỗi lần cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, lần nào ông cũng phải sửa cỗ xôi con gà ra đình lễ thánh để trình công việc của mình, và lần nào ông cũng được có anh em họ hàng giúp hết mọi việc, không phải thuê mướn một buổi nào hết. Cố nhiên, được người làm giúp, nhà chủ vẫn phải tốn hơn thuê người làm mướn, vì phải cung đốn bà con một bữa cơm rượu xứng đáng với hảo tâm của họ. Nhưng ở nhà quê, nếu không được thế, sẽ bị người ta chê cười, cho nên dù có phí tổn ông cũng chẳng quản. Bây giờ việc thờ đã sắp đến ngày hoàn thành, số người làm giúp lại đông gấp mấy, thời kỳ làm giúp cũng dài gấp mấy khi trước. Bắt đầu từ hôm lúa chín, bên nội, bên ngoại đã có hơn hai chục người gồng quang xách liềm ra ruộng, cắt lúa cho ông. Ấy là chưa kể những người ở nhà làm đồ uống rượu. Nhà ông có bao nhiêu ruộng cấy nếp, người ta chỉ gặt một buổi là xong. Hôm sau, họ mạc lại đến đông đủ. Lúa cắt hết rồi, còn có việc gì để người ta làm? May quá, trong giống lúa nếp, bao giờ cũng có nhiều cây lúa nghển. Nghển là một thứ dở nếp dở tẻ, bởi khi hoa cái lúa nếp phơi màu, phấn của hoa đực lúa tẻ ở các ruộng khác bay vào, rồi nó chung đực cho hạt lúa nếp pha lẫn tính chất lúa tẻ. Đến khi gieo mạ, những hạt lúa ấy mọc lên, thành cây lúa nghển. Lúa nghển thổi cơm thì nát, thổi xôi không chín, là một thứ lúa vô dụng. Vì vậy, người ta cứ phải nhặt bỏ nó đi. Cây nghển bao giờ cũng dài hơn cây lúa nếp, nhặt nó cũng không khó lắm. Ở mọi nhà, họ cứ để nguyên đống lúa, sai lũ trẻ con rút đi một lượt là hết. Đằng này ông Quyết thừa người, việc ấy đã hóa ra việc quan trọng. Trước khi đập lúa, họ mạc mỗi người lấy vài lượm lúa đem ra ngồi khắp trong sân, vừa bới những dé lúa nghển, vừa kể chuyện cổ tích cho vui đình đám. Rồi khi nhặt hết lúa nghển, người ta chỉ cắt vài người kê cối mà đập, còn các người khác thì cùng lấy đũa kẹp vào dé lúa mà tuốt cho lúa rụng ra, không cần đập gì cả. Bởi vì, nếu ai cũng đập, việc sẽ chóng xong, họ mạc còn giúp vào đâu? Tuy vậy, bấy nhiêu công việc, cũng chỉ làm trong một ngày là xong. Qua bữa thứ ba, người ta lại cùng nhau kéo đến để giúp ông về việc phơi lúa. Lúc này, ai nấy đều muốn tỏ mình là kẻ đắc lực. Lúa đổ ra nong, người ta tranh nhau trang cào. Hạt thóc ít khi được nằm yên độ vài chục phút. Mọi nhà phơi lúa còn bị gà chim quấy nhiễu, nhà ông nhờ có họ mạc trông nom một cách tận tâm, chẳng những gà vịt không thể bạ men, mà đến con ruồi con nhặng cũng khó lai vãng trên sân lúa. Lúa phơi hai ngày thì già. Sang bữa thứ năm, bà con lại chiếu lệ kéo đến xay, giã. Bây giờ công việc đã có trật tự, người ta cắt những chàng trai khỏe mạnh đội gạo đi giã, còn các ông già, bà già thì phải ở nhà trông coi, hoặc là bổ cau, têm trầu, xào nấu các món ăn uống. Luôn hai ngày nay, các cối giã gạo trong xóm đều phải nhường chỗ cho hạt gạo thờ. Mấy nhà gần đó luôn luôn có tiếng xì xọp. Cái chỗ tôi trọ chỉ cách nhà ông một bức rào thưa. Quang cảnh linh đình của nhà ông vẫn tự do hiện vào mắt tôi. Liền trong tám ngày, tôi thấy ngày nào vợ ông cũng phải hai lần gồng thúng đi chợ để mua đồ ăn. Mỗi bữa thường thường có bảy tám mâm uống rượu. Trong nhà không đủ chỗ ngồi, người ta phải ngồi la liệt ngoài sân. Những lúc họ mạc say sưa, tiếng cười tiếng nói vang như cái chợ.

- Việc này bác cháu cũng phải tốn đến dăm chục. Mấy anh sang giã gạo nhờ ở nhà tôi trọ nói với tôi như thế khi họ nghỉ việc lên chỗ tôi ở để hút thuốc lào.

Ngạc nhiên tôi hỏi:

- Nghe nói lệ làng chỉ có một nồi gạo xôi thôi mà! Ông ấy tiêu gì mà hết đến bấy nhiêu tiền?

Họ đáp:

- Vâng! Theo lệ làng cháu, mỗi người cấy ruộng xôi mới chỉ phải nộp làng một nồi xôi. Nhưng mà việc gì cũng vậy, một "tang" mười "ngoại" là thường, có khi còn hơn thế nữa. Để cháu xin nói cho ông nghe: "Phần ruộng của làng chia cho bác cháu năm nay, tất cả là hai sào rưỡi. Nếu như gặp năm được mùa, số ruộng ấy cũng được mười lăm nồi thóc, thừa đủ để thổi xôi làng. Nhưng lỡ phải năm mất mùa, nó chỉ được một hai nồi thì làm thế nào? Vì thế, bác cháu đã phải thuê thêm hơn hai sào nữa, dự phòng chỗ hao hụt đó. Rủi cho bác cháu, năm nay tiếng rằng được mùa, nhưng mà các ruộng lúa nếp, ruộng nào cũng bị chuột ăn. Từ khi lúa mới có đòng, bác cháu đã phải đốc xuất người nhà ra ruộng đuổi chuột. Có khi bố con cắt canh mà thức suốt đêm ở các bờ ruộng. Vậy mà nó vẫn ăn hủy ăn hoài, mười phần mất đến chín phần, hơn bốn sào gặt về phơi giã, quạt sạch, chỉ được mười ba nồi thóc, ông tính thế có hại không! Nếu là xôi thường, một nồi gạo chỉ xay độ một nồi thóc là đủ. Nhưng là xôi thờ, bác cháu phải cho xay tám nồi thóc tất cả. Bởi vì, xay rồi còn giã, giã rồi còn phải lựa những hạt đớn, hạt gãy bỏ đi. Tám nồi thóc lấy một nồi gạo, cũng không còn thừa mấy nỗi. Vả lại, từ hạt thóc làm ra hạt gạo, có phải dễ đâu? Luôn tám hôm nay, hôm nào họ mạc giúp đáp cũng phải chè chén. Chúng cháu tính ra mỗi ngày hà tiện cũng hết độ bốn đồng. Thế mà gạo đã được đâu? Còn phải giã thêm hai, ba ngày nữa. Giã đến khi nào hạt gạo bóng nhoáng, cám ở trong gạo trắng như vôi mới thôi!

Tôi lấy làm lạ, lại hỏi nữa:

- Lệ làng bắt phải như thế hay sao?

Họ lắc đầu nói tiếp:

- Không! Chẳng có lệ ngạch nào bắt. Chỉ vì một lớp bốn người cùng phải thổi xôi, người nào cũng sợ xôi của mình thua kém xôi của người ta, thì sẽ mang tiếng với làng, cho nên ai cũng phải cố. Trước kia làng cháu đã có lắm người chỉ sửa một "vấn" xôi mới mà mất cơ nghiệp ông ạ.

Rồi họ kết luận:

- Bác cháu lo xong việc này cũng không còn gì. Hôm qua đã phải bán một cái chum đựng nước lấy tiền mua rượu. Thì ra hạt gạo xôi mới có khi là cả gia tài của người ta.



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MUA CỖ

- Đấy! Bác vào nói với nhà tôi! Ông ấy có giúp được bác thì giúp. Chứ tôi bây giờ chẳng có đồng nào. Bác nói mãi cũng đến thế thôi!

Tôi đương nói chuyện với ông chủ nhà trong buồng học, những tiếng the thé bỗng tự đầu thềm đưa vào, khiến tôi và ông chủ nhà đều phải trông ra phía sân. Bà chủ nhà đương cầm cái gậy đuổi chó để dẫn một người đàn ông lạ mặt đến sân nhà học, rồi lại trở xuống nhà dưới. Với cái nón cụp gãy cạp cầm tay, người ấy khúm núm bước lên thềm và rụt rè đi vào trong nhà. Sau khi đã nâng vạt áo nâu cũ lau qua những giọt mồ hôi đọng lại trên trán, hắn đặt cái nón xuống bậc cửa và nhìn thẳng vào ông chủ nhà:

- Lạy cụ ạ! Con sang từ nãy... Nhưng tưởng là cụ có khách, nên không dám lên.

Như sợ tôi lầm người ấy là một người bạn hay một người có họ thì có hại đến danh giá của mình, ông chủ nhà vội vàng giới thiệu bằng một cách trống suông:

- Bố thằng bé ở. Tưởng là ông khách quý nào!

Rồi bằng một giọng xách mé của kẻ cả, ông ấy ngước mắt nhìn người kia.

- Anh sang hỏi gì? Vay tiền chứ!

Người ấy vẫn quanh co ở ngoài bậc cửa, vì chưa được lệnh ông chủ bảo nên chưa dám ngồi. Khi thấy ông này gạn hỏi, anh ta liền tựa vào cột và nói giọng van lơn:

- Vâng! Cháu muốn kêu cụ giúp cháu ít đồng. Vì mấy hôm nữa, cháu phải "mua cỗ" cho em thằng Tý.

Thằng Tý là một thằng nhỏ mới đến ở nhà ấy được vài tháng nay, năm nay nó mới mười bốn tuổi. Theo sự tưởng tượng của tôi lúc ấy, thì chính nó cũng chưa từng dùng gì đến cỗ, huống chi em nó chắc còn bé nhỏ hơn nó... Thế thì người ta mua cỗ cho nó làm gì.

Tôi đương phân vân suy xét, ông chủ nhà lại ngó người kia và chối bai bải:

- Thấy nhà tôi nói, tiền công năm nay của thằng Tý, anh đã lấy trước rồi kia mà. Bây giờ còn tiền nào nữa mà giúp?

Người ấy vẫn cố nằn nì:

- Phải, tiền công năm nay của nó, cháu đã mượn trước của cụ bà rồi. Nhưng vì làng cháu mới gọi "bán cỗ" cho thằng bé con, cháu đi vay mãi không được, cho nên lại phải sang kêu với cụ... Xin cụ nhón tay làm phúc, cho cháu lo đủ lệ làng. Nếu cụ không cứu giúp cho, có lẽ vợ chồng cháu sẽ phải bỏ làng mà đi.

Câu nói khẩn thiết của anh ta làm tôi phải cảm động. Nhân lúc ông chủ đi ra, tôi mời anh ấy vào ngồi trong phản bên cạnh và hỏi:

- Bác ở làng nào?

Anh ta đáp rất lễ phép:

- Thưa ông cháu ở C.L.

À, C.L cái làng rất cổ trong tỉnh P.A tôi đã có dịp đi tới. Thoáng nghe tên nó, như nhắc cho tôi nhớ lại mấy người quen. Sau khi hỏi thăm qua loa về cận trạng của họ, tôi bắt sang chuyện người em thằng Tý:

- Thằng cháu thứ hai nhà bác năm nay mấy tuổi? Anh ta nhanh nhẩu trả lời:

- Thưa ông, nó mới năm tuổi.

- Năm tuổi mà đã mua cỗ của làng? - Vâng ạ! Theo lệ làng cháu con trai đẻ trong một tháng thì phải vào ngôi. Hễ ai có ngôi rồi thì làng cứ việc theo sổ mà bán cỗ cho! Có đứa mới có hai tháng đã phải mua cỗ rồi, nữa là năm tuổi!

Tôi càng không hiểu anh ta nói thế nghĩa là thế nào. Cái tính hiếu kỳ bắt buộc tôi cố hỏi cho hiểu:

- Đứa trẻ hai tháng hẳn chưa thể ăn được cỗ. Sao làng lại bắt chúng nó phải mua?

Anh ta bật cười, như muốn chế tôi là kẻ ngu ngốc. Rồi hắn cắt nghĩa:

- Thưa ông, gọi là mua cỗ chẳng qua nói theo tiếng của các cụ ngày xưa. Kỳ thực nào có cỗ bàn gì đâu! Số là hàng năm cứ đến thượng tuần tháng giêng làng cháu vào đám, trai đinh phải cắt lượt nhau làm cỗ bưng ra đình, để từ bàn trùm trở lên uống rượu nghe hát. Lệ của các cụ đặt ra thế. Nhưng đã lâu nay, làng không có nhiều của công, cho nên, mỗi khi làng cần đến tiền lại bắt những người sắp đến lượt phải làm cỗ, chồng tiền cho làng, chứ làng không lấy cỗ nữa. Vì vậy kêu là bán cỗ.

Bây giờ tôi đã hiểu bán cỗ tức là nộp tiền cho làng. Nhưng còn muốn biết rõ hơn, nên lại hỏi thêm:

- Mỗi năm làng bác dùng hết độ bao nhiêu cỗ?

Anh ta ra bộ đắc ý:

- Ôëi chà! Làng cháu to lắm, tất cả đến ba nghìn suất đinh. Riêng từ bàn trùm trở lên cũng có hơn bốn trăm người. Tục làng sáu người một cỗ, cứ thế mà tính hết bao nhiêu thì gọi cho đủ bấy nhiêu. Mỗi năm chừng phải bảy mươi cỗ trở ra.
Con số to khiến tôi hết sức kinh ngạc:

- Một người phải làm bấy nhiêu mâm cỗ hay bao nhiêu người?

Anh ta lắc đầu lia lịa:

- Nếu một người làm cả bấy nhiêu mâm cỗ thì có bán cả đình làng cũng không đủ. Mỗi người phải làm có năm mâm thôi, nhiều cỗ nhiều người, ít cỗ ít người!

- Nếu mua cỗ thì mỗi người phải chồng cho làng bao nhiêu?- Cái đó không nhất định. Càng nhiều tuổi càng nhiều tiền. Càng ít tuổi càng ít tiền. Bởi vì nhiều tuổi là người sắp phải làm cỗ, mà kẻ ít tuổi thì lượt "làm cỗ" còn lâu mới đến mà lại!

- Những năm bán cỗ, làng sẽ thôi uống rượu chứ? - Sao lại thôi! Bán lớp người trên thì làng gọi lớp người dưới làm cỗ; bán lớp người dưới thì gọi lớp người dưới nữa. Hễ có vào đám thì làng cứ việc đánh chén như thường.
- Nếu bán hết lượt thì làm thế nào?

- Hết lượt thì lại vắt lại, chẳng bao giờ làng chịu hết người làm cỗ. Đáng lẽ mỗi người một đời chỉ phải gánh cỗ một lượt, nhưng vì có lệ "bán cỗ" thành ra có người phải mua đến bốn, năm lần. Như cháu, năm nay mới bốn mươi mốt tuổi đã phải mua đến bốn lượt rồi, có lẽ còn phải mua một lượt nữa.

- Những lúc thế nào thì làng có quyền bán cỗ? - Chẳng có lệ ngạch nào cả. Các ông kỳ dịch muốn bán lúc nào thì bán. Đại khái thiếu tiền việc quan, hay là chữa chùa, chữa đình chẳng hạn, thì làng gọi người mua cỗ. Nhưng cũng có khi không có việc gì, các ông kỳ dịch bảo nhau thuê thợ đảo lại ngói đình, hoặc là phá đoạn tường này xây đoạn tường khác để lấy cớ mà bán cỗ. Bởi vì số tiền của người mua cỗ đem nộp, các ông ấy lại tiêu với nhau, trai đinh biết đấy là đâu? Nhiều người đã định bướng không chịu mua, nhưng không mua thì họ bắt phải làm cỗ, cũng chết, thì thà mua cho rảnh.

- Thế sao trai làng không kiện?

- Năm xưa cũng đã có người kiện rồi. Nhưng không đổ. Vì bọn kỳ dịch có tiền. Mà nào họ có mất gì của nhà họ đâu? Tiêu hết bao nhiêu họ cứ đi vay, xong việc, họ lại bán cỗ mà trả. Chẳng những họ không lỗ vốn, có khi còn được lãi nữa. Bởi vậy, họ đã bán cỗ cho ai, người ấy nhất định phải mua. Không mua họ bảo là người thiếu đóng, thiếu góp với làng rồi họ sổ ngôi. Nghe đến câu đó, tôi rất phục cái thủ đoạn của mấy ông kỳ dịch làng ấy. Có lẽ họ không thua gì những nhà chính trị đại gia.
Tôi còn đương muốn hỏi gì thêm thì ông chủ nhà vừa ở ngoài sân đi vào. Người cha thằng Tý bỏ tôi, để quay ra van lạy ông ấy lấy tiền mua cỗ cho thằng con út.


Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
CON GÀ THỜ

Ở làng V.Đ. Ông chủ nhà trọ của tôi đáng lẽ cũng là bậc sướng. Dẫu không là tay cự phú, trong nhà cũng có gần sáu mẫu ruộng, một con trâu cái, một con lợn nái, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia, tiền bạc tiêu đâu sẵn đó, nếu chỉ bảy tám chục đồng trở lại, dù là việc bất thình lình, cũng không phải vay của ai. Gia đình lại rất đề huề. Trên thì bà mẹ gần tám mươi tuổi, vẫn còn sáng suốt, tỉnh táo, không lòa không điếc, cũng không lẫn lộn, dưới thì đàn con sáu đứa, trai có, gái có, đứa nào cũng ngoan ngoãn dễ bảo. Cái cô con gái đầu lòng mới mười lăm tuổi mà đã bốn năm ông tổng, ông bá muốn hỏi cho con. Bà vợ ông ấy chưa nhận lời ai, sợ rằng gả chồng cho cô này, công việc đồng áng sẽ không đủ người coi sóc. Tuy cũng là nhà làm ruộng, nhưng mà quanh năm chí tối, ông ấy không hề phải đặt cái cày lên vai. Cho đến những lúc sớm cạn, mạ úa, người ta đánh nhau vỡ đầu vì tranh nhau cái bầu tát nước, ông ấy cũng chỉ đủng đỉnh ra đồng với cái cuốc bổ xem chỗ nào còn nước, chỗ nào hết nước, đâu nên cấy trước, đâu nên cấy sau, và anh thợ cày có chịu làm việc, hay chỉ ngồi hàng ngồi quán. Ấy đó, công việc ông ấy đại khái có vậy. Ở thôn quê, như vậy cũng là tiên cách. Quan bất phiền, dân bất nhiễu, suốt năm lúc nào cũng ung dung. Nhưng mấy tháng gần đây, ông ấy lại rất vất vả. Chỉ vì có hai con gà. Năm đó ông ta chẳng đã năm mươi nhăm tuổi à? Theo tục làng đó, đàn ông năm mươi sáu tuổi mới lên lão làng. Nhưng từ ba mươi tháng một cái năm năm mươi nhăm tuổi, đã phải sửa một cỗ xôi và một con gà để đem ra đình lễ thần, rồi biếu dân. Cỗ xôi không quan hệ lắm, miễn được gạo trắng và dẻo, đóng vào đầy một chiếc quả "phù trang" của làng. Duá có con gà thì hơi cầu kỳ một chút. Nó phải là thứ gà sống mã đỏ, chân vàng, vặt lông và luộc chín rồi, còn đủ bốn cân. Lệ làng định rõ như thế. Thế nhưng ít ai chịu giữ đúng lệ. Người ta đua nhau tự tăng số cân ấy lên, ít nhất cũng là năm cân, nhiều thì có khi sáu cân, bảy cân, hễ gà càng lớn bao nhiêu, ông chủ càng được dân làng kính trọng bấy nhiêu. Nghe nói từ đời Thiệu Trị, Tự Đức chi đó, có ông lão nuôi được con gà nặng bảy cân rưỡi, đến nay cả làng vẫn còn ca tụng. Họ bảo ông đó hết lòng thành kính đối với quỷ thần, nhờ có quỷ thần phù hộ, cho nên gà của ông ta mới lớn như vậy. Dù chẳng dám mong nối gót được ông cụ ấy, nhưng ông chủ nhà trọ của tôi cũng vẫn quả quyết không chịu thua ai trong hồi gần đây. Hồi cuối năm kia, nghe nói ở dưới làng Hồ có giống gà tốt, ông ấy muốn mua, đã phải thân hành đến nơi để được tự mình kén chọn. Sau mười mấy ngày lăn lóc ở vùng Hồ, ông ấy vui mừng trở về với hai con gà con nhốt trong một chiếc lồng khiếu. Đôi gà mới lạ làm sao! Nó lớn bằng con chim câu và trọc lông lốc như đầu ông sư. Từ cổ đến đuôi toàn là thứ thịt đỏ hỏn, lơ thơ điểm ít sợi lông tơ. Mỗi con ở hai vút cánh, đều có hai cái lông cánh lớn bằng vảy ốc và cong vểnh lên như miếng cau khô để ngửa. Ông ấy bảo với tôi rằng:

- Những nhà hà tiện thường chỉ nuôi có một con. Bởi vì lệ làng chỉ có một con. Nhưng mà con gà độ bốn, năm cân, tất nhiên phải nuôi trong khoảng hai năm trở ra. Giả sử nuôi đến nửa chừng, chẳng may nó chết, thì không thể nào mua đâu được nữa. Bởi vậy, tôi phải mua phòng hai con. Nhờ giời nếu nó còn cả, thì một con lễ đình, còn một con nữa tôi đem lễ chùa, chứ không dám bán mà cũng không dám ăn. Vì rằng mình đã thành tâm nuôi về việc thờ, nếu đem bán hay để ăn ấy là đắc tội với quỷ thần.

Tiếp đó ông ấy lại khoe:

- Đôi gà này nếu đem bán chợ, chẳng qua độ bốn năm hào một con. Họ thấy mình chuốc, nên họ bóp mắt, bóp mũi. Tôi phải trả một đồng một con, họ mới chịu bán. Tuy vậy, kể cũng không đắt. Giống gà này quý lắm. Nó mới bỏ mẹ mà đã lớn bằng bấy nhiêu. Nếu khéo nuôi, sau này có thể lớn bằng con ngỗng.

Luôn bữa đó, ông ta sửa lễ ra đình để trình với "đức thượng đẳng" là mình đã mua được gà, rồi đem cả đôi quí vật thả vào nếp chuồng ở đầu nhà trên. Chuồng ấy, ông làm riêng để nhốt gà thờ, cũng mới hoàn thành độ một tháng trước. Cửa chuồng ngoảnh về phía nam. Gậm chuồng xây gạch làm bức tường con, để giữ rắn, chuột. Quanh chuồng lại có bốn bức rào bằng phên nứa, ngăn hẳn khu đất đầu nhà thành cái vườn vuông, để làm chỗ cho gà ăn... chơi. Ròng rã gần hai năm nay, những việc lấy nước cho gà uống, tung thóc cho gà ăn và sớm mai mở cửa cho gà ra vườn, chiều tối bắc cầu cho gà lên chuồng, đều do tự tay ông ấy làm lấy, không dám giao cho người nào, vì sợ người khác làm không cẩn thận. Trừ ra cái việc hai ngày một lần múc nước, quét rửa chuồng gà thì anh thợ cày được thay. Hồi cuối năm ngoái, một trận gió bắc nổi lên giữa khi ấm áp, đã gây cho làng V.Đ. cái nạn gà toi. Ông ấy lập tức sai vợ sửa cái sỏ lợn và một mâm xôi làm lễ ra đình, để cúng các đấng "bộ hạ", khấn ngài phù hộ cho gà của mình. Sau đó, bao nhiêu gà của làng ấy chết hết. Riêng đôi gà này vẫn được mạnh khỏe như thường. Ông ấy cho là các đấng "bộ hạ" thiêng lắm. Đúng như ông ấy ước mong. Đôi gà mỗi ngày mỗi thấy chóng lớn như thổi. Trong hơn một năm nó đã xù xù như hai con công. Lông đẹp, cánh đẹp; ống chân bóng nhoáng như ngà, tiếng gáy ò ò như tiếng còi tàu thủy. Nhưng cả hai con đều gầy như hạc. Ông ấy cắt nghĩa như vầy:

- Cái phép nuôi gà cũng như nuôi lợn, lúc nó còn non, phải hãm cho nó đừng béo, thì nó mới lớn. Nếu khi nó còn đang lớn mà đã béo rồi, ấy là nó sẽ không lớn được nữa.

Thế rồi bắt đầu từ cuối tháng tám, cái tháng cách ngày "lễ thờ" độ một trăm ngày, công việc nuôi gà của ông ta bỗng thấy thay đổi khác hẳn.

Khu vườn của gà không dùng đến nữa. Sớm ra, ông ấy bắt gà ở chuồng xuống lồng, tối đến ông ấy bắt gà ở lồng lên chuồng. Trong tháng đầu, đồ ăn của gà đã xen thêm ngô, mỗi ngày bốn bữa, hai bữa ngô và hai bữa thóc. Từ tháng hai trở đi, hai món ấy đều bị bãi cả, ông ta cho gà ăn cám. Lúc đầu còn là cám nấu với gạo đổ vào chậu sành để gà tự mổ. Hình như nó cũng thấy ngấy không ăn được nhiều, nên sau lại phải dùng theo phương pháp bào chế. Ông ta luyện cám như luyện thuốc tễ và đem viên lại mỗi viên lớn độ bằng đầu ngón tay. Đến bữa ông ấy ngậm nước trong miệng, rồi ôm con gà vào lòng, một tay vành hai mỏ gà, một tay ấn viên cám vào. Sau khi đã mớm cho nó hớp nước, ông ta sè sẽ lấy tay vuốt vào cổ nó, để cho viên cám từ từ trôi xuống dưới diều, mới lại bón tiếp viên khác. Mỗi con gà, mỗi bữa độ vài chục viên, mỗi ngày độ chín mười bữa, đều do ông ta tự làm, chứ không khiến ai. Thành ra suốt ngày, ông ấy chỉ quanh vào hai con gà mà không lúc nào được nghỉ. Giữa lúc công việc túi bụi, bà mẹ ông ta lại bị ốm nặng, cả ngày chỉ nằm trên giường và rên hừ hừ. Tuy vậy, những việc cơm cháo thuốc men cho bà cụ, ông ta giao mặc vợ con, vì mình không có thì giờ trông đến. Bà cụ hình như cũng biết thân mình không quan hệ bằng hai con gà, cho nên, mỗi khi thấy cháu gọi con lên buồng xem bà làm sao, bà ấy lại gạt ngay đi.

- Việc thờ không thể nói chơi. Cứ để thầy mày trông nom cho gà. Gọi lên làm gì!

Hôm ấy nhân bữa 25 tháng một. Theo lệ mọi ngày, ông chủ nhà trọ của tôi vừa ở trên giường xuống đất, mắt nhắm mắt mở, chạy luôn ngay ra trước chuồng gà để rước gà ra. Quái lạ! Làm sao hôm nay một trong đôi gà có vẻ khác thường! Thả vào trong lồng, nó cứ rụt cổ mà đứng lù lù. Nhắc cái lồng ra, nó cũng không buồn cựa quậy. Hoảng quá! Ông ấy vội bắt nó lên, để xem là chứng bệnh gì. Chung quanh thân thể không thấy vết tích gì hết. Riêng có cái diều cứng rắn và lớn chần chần như một quả bưởi. Vừa ôm con gà, ông ấy vừa gọi mọi người nhà bưng rổ cám ra để mình bón thử cho nó mấy viên. Nhưng mà nó không chịu nuốt, viên cám ấn vào trong mỏ, nó lại lắc đầu lắc cổ cho bật ra. Với vẻ mặt không còn sắc máu, ông ấy hầm hầm chạy xuống nhà khách sau khi thả con gà ấy vào lồng của nó. Rồi cơn thịnh nộ theo sự lo sợ nổi lên, ông ta bỏ cả cơm nước, gắt vợ, gắt con luôn miệng. Bởi vì, theo ý ông ấy, con gà bị bệnh là do vợ con ông ta đều không thành kính mà ra.

- Đã bảo không được gọi "người" là "gà", cả nhà không đứa nào nghe! Bây giờ còn năm hôm nữa thì được sửa lễ, nếu như "người" có làm sao, chúng bay còn khổ với ông! Ông thì tống cổ mẹ con nhà mày!

Cứ một câu ấy, ông ta nhắc đi nhắc lại đến mấy chục lượt. Các con đều phải nem nép không dám ho he. Hình như chúng cũng tự biết gọi gà là "gà" chính là một cái tội lớn. Cho được chuộc lại cái lỗi ngạo mạn với gà, một lần nữa bà vợ ông ta lại phải đi chợ mua đồ cúng các bộ hạ của "đức thượng đẳng". Trước khi đi, bà ấy dặn anh thợ cày ở nhà giã gừng hòa với rượu tẩy uế chuồng gà cho kỹ. Vì sợ chuồng không trai khiết, cho nên sinh ra thế chăng. Tin tức truyền đi mới chóng làm sao! Bà này mới ra khỏi nhà độ mười lăm phút, họ hàng làng nước kéo đến hỏi thăm rất đông. Người nào, người ấy nét mặt ngơ ngác, giống như đứng trước một tai nạn lớn của người ruột thịt. Giữa khi ấy, bà mẹ ông chủ nhà tôi ở nhà trên lại nổi cơn bệnh. Ngồi ở nhà dưới cũng nghe tiếng rên và tiếng "ối chao". Nhưng không ai nhắc đến bà cụ. Người ta chỉ hỏi chứng bệnh con gà. Có người bày cho ông ấy nên dùng tỏi tươi giã nhỏ mà bón cho nó. Ông ta nhất định không nghe, cho rằng tỏi tươi là vật uế tạp, nếu cho gà ăn, nó sẽ uế tạp lây đến gà. Vả chăng, bà vợ ông ấy đã đi mua đồ cúng rồi, nếu lại chữa thuốc cho gà, thì ra mình không tin ở quỷ thần nữa ư! Phải cứ thành tâm tin ở quỷ thần, hễ ngài vuốt ve đi cho thì nó khắc khỏi. Ông ta đáp lại họ mạc làng nước như vậy. Nhưng mà ông ta đã bị thất vọng. Bữa trưa hôm ấy, sau khi bà vợ ở chợ về nhà, đồ lễ đã được sửa soạn một cách hỏa tốc, ông ta liền tự tay ra đình lễ bái và cầu khẩn thiết tha, vậy mà bệnh tình của gà chẳng những không chút thuyên giảm, lại còn trầm trọng hơn nữa. Sáng ngày nó còn chịu đựng và chịu mở mắt, bây giờ thì chỉ nằm phục dưới đất, hai mắt nhắm nghiền, nước mũi chảy ra rành rạch.

Cả nhà đều luống cuống chỉ lo còn con gà nữa lại mắc bệnh nốt. Cực chẳng đã, ông ấy phải dùng bài thuốc của người ta mách lúc nãy. Thì ra con gà đã mắc phải bệnh thương thực. Bởi tại hôm trước ông ta nhồi cám cho nó quá nhiều, tiêu hóa không kịp, diều nó trương lên. Từ lúc được ít tỏi tươi vào miệng, giúp sức cho sự tiêu hóa, hình như trong mình nó đã thấy dễ chịu, cho nên thỉnh thoảng nó đã đứng dậy, đôi mắt có lúc mở to. Đến chiều hôm ấy, nó đã nhỏ nhẻ mổ vài hột gạo. Và sáng hôm sau thì nó ăn uống như thường. Trong nhà lúc ấy vui vẻ như tết. Ông ấy lại sửa lễ ra đình để tạ các vị bộ hạ của "đức thượng đẳng". Thấm thoát đến ngày 29 tháng một. Sáng sớm hôm ấy, sau khi ra chuồng thăm gà, ông ta liền sai người nhà quét dọn suốt cả nhà trên nhà dưới, rồi đi gánh nước đổ thêm vào bể. Gần trưa, họ mạc làng xóm kéo đến tấp nập. Người ta chia nhau mỗi người đi làm mỗi việc. Bà này rửa bát, bà kia rửa nồi, ông này kê bàn, ông kia kê phản, năm bảy ông khác vào chuồng bắt lợn làm thịt. Chừng đến quá trưa, con lợn bị giết đã thành ra mấy chục mâm dấm ghém, la liệt bày khắp cả mấy tòa nhà. Họ hàng ăn xong bữa ấy, mặt trời đã xế về tây. Bấy giờ người ta bắt đầu lo đến việc thờ. Những người làm giúp lúc này chia làm hai đội. Một đội sắp sửa quang gánh gánh mấy thúng gạo ra giếng để vo, vì sợ vo bằng nước bể hột gạo xám đi, sau này xôi sẽ không trắng. Còn một đội nữa thì đi đun nước để làm lông gà. Gần tối, đôi gà đã vặt lông xong. Con nào con ấy màu da trắng nõn. Cả họ đều khen là béo là lớn. Sau khi mấy anh con trai dùng díp nhổ râu nhổ hết những sợi lông tơ ở đầu ở cổ, ở quanh hai mỏ đôi gà, ông chủ nhà tôi quyết định để con bị ốm hôm nọ lễ chùa, còn con không ốm thì đem lễ đình, và tươi cười nói với mấy ông nhiều tuổi trong họ:

- Công việc nuôi gà của tôi thế là xong rồi. Bây giờ còn việc luộc gà xin mặc các cụ. Nếu luộc được khéo, cả họ nhà ta sẽ được tiếng khen. ạ hay! Luộc gà chẳng qua đến bỏ vào nước mà đun là cùng, cớ sao ông này lại nói vậy? Hay là trong cái việc ấy ở đây còn có bí quyết gì chăng? Tôi đương tự hỏi như vậy thì một ông già trong đám dõng dạc đáp ông chủ tôi:
- Cái đó, cụ cứ yên tâm, chúng ta sẽ bắt anh em làm cho thật khéo.

Rồi thì ông đó ngoảnh lại gọi bọn ít tuổi: - Ai biết chằng gà thì đem gà ra chằng đi. Sau một tiếng dạ rất gọn, mấy anh con trai linh lợi bưng hai con gà đặt vào hai chiếc mâm đồng và để lên một cái bàn kê ở gian giữa. Rồi một người khác đem đến cho họ một bó thanh tre và một cuộn dây gai. Dùng tre làm cốt và dây cuốn ngoài, họ buộc cho hai con gà ngỏng cổ, giương cánh, đứng trên mặt mâm. Rồi họ lấy những ruột non, ruột già và bộ dạ dày của nó chằng từ đầu mỏ quặt sang hai cánh làm cho con gà thành ra cái hình con phượng ngậm bức cuốn thư.

Cả đám xúm lại ngắm nghía, ai nấy đều cho là được. Bấy giờ họ mới giục nhau đun nước luộc gà.

Mỗi con gà đó, từ cổ đến chân có thể cao đến gần hai thước, hai cánh của nó cũng phải đến hơn một thước, tôi không hiểu rằng luộc vào nồi nào cho vừa, nhưng vẫn yên lặng để xem họ làm ra sao. Luôn trong một lúc thấy họ bắc bếp đến sáu chiếc nồi ba mươi, nồi nào nước cũng gần đến miệng. Nửa đêm, cả sáu nồi nước đều sủi. Người ta liền bưng cả hai mâm gà xuống đó. Dưới hai ngọn đèn hai dây sáng như ban ngày, năm sáu cái gáo chĩa vào các nồi múc nước giội từ đầu gà trở xuống. Và cứ giội luôn như thế không lúc nào ngơi, hết nồi nước ấy, họ lại nấu nồi nước khác, trong bếp không lúc nào không sẵn nước sôi. Giội đến gần sáng thì gà vừa chín. Té ra cái kiểu luộc gà của họ là vậy. Chờ cho đôi gà đều nguội, họ cởi hết các dây chằng, đặt vào trong giữa mâm xôi rồi đem ra đình và đưa lên chùa. Lễ xong, con gà của ông chủ nhà tôi cân được 7 cân. Ông ấy sung sướng bảo tôi:

- Đời như thế là mãn nguyện!



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
CỖ OẢN TUẦN SÓC

Hơn một năm nay, cả làng M.H. ai cũng ái ngại cho ông Linh Phúc. Nào phải là người ăn hoang làm biếng cho cam, ông ấy rất tằn tiện và chịu khó làm việc, cả đời không dám tiêu hoang một xu, cả năm không hề chơi không nửa ngày. Trước kia còn vợ, vợ làm, chồng làm, tuy không thừa thãi, nhưng không đến nỗi phải đi vay. Từ đầu năm ngoái, bà Phúc "về với tổ tiên" sau nửa năm nằm liệt với bệnh hậu sản, mấy sào tư điền bán hết, vẫn chưa trang xong số tiền thuốc và tiền ma chay, ông ấy mới mang công mắc nợ. Kể ra số nợ của ông ấy vay cũng không lấy gì làm to. Nhưng ở thôn quê, cái giống nợ lãi nó đẻ dữ lắm; một năm, một đồng thành hai, còn là hạng thường, hơn nữa, có khi một đồng thành gần ba đồng. Chỉ nuôi báo cô vài chục bạc nợ, hai bàn tay trắng của ông ta cũng đủ nhược rồi, huống chi dưới nách lại vướng năm đứa con mọn, đứa bé còn bú, đứa nhớn mới mười bốn tuổi. Cái thân gà sống mổ xổi, phỏng kiếm làm sao cho chúng đủ no. Sau khi bà vợ mồ yên mả đẹp, ông ấy đã phải dứt tình cậy người nuôi giúp đứa nhỏ và cho đứa lớn đi ở không công. Trong nhà chỉ để lại ba đứa nhỡ. Bây giờ trong cái gia đình một bố ba con, hoàn toàn trông vào một chiếc đòn gánh. Quê quán ông ta chẳng gần với chợ Xa à? Hàng ngày, trời nóng cũng như trời lạnh, trời nắng cũng như trời mưa, sáng ra, sau khi thổi nấu cho các con ăn, ông ấy liền vác luôn chiếc đòn gánh xuống làng T.B. gánh thuê cho mụ hàng cháo một gánh "cháo đúc" lên thẳng chợ Xa, chiều đến, lại từ chợ Xa đài về bến đò Đ.C. cho bọn B.Đ. một gánh lá trầu hoặc các hàng vặt. Đường đi cũng không xa xôi cho lắm, chuyến đi chừng năm cây số, chuyến về độ sáu cây số. Mỗi ngày chỉ chạy mười một cây số, kể còn nhàn hạ gấp trăm phu xe. Vả lại, gánh hàng của mụ hàng cháo chỉ có nồi cháo và thúng bánh đúc, trọng lượng độ vài chục cân, với sức ông ấy, cái sức quen theo chân trâu của người lực điền, kể cũng chẳng thấm vào đâu. Độc địa là gánh hàng cho bọn B.Đ. Hình như với ông Phúc, mấy mụ B.Đ. vẫn có mối thù tiền kiếp, cho nên, hễ đã thuê đến ông ta gánh đưa, họ liền rủ nhau dồn hai ba gánh làm một. Cái thúng của họ xếp trong quang, ít khi để cho chiếc quang có chỗ bỏ trống.

Ai bảo xương cứng, tôi xin nhất định cãi là xương dẻo. Bởi vì mắt tôi đã thấy cái lúc ông Phúc xoay trần trùng trục để cho bên vai đỡ chiếc đòn gánh đeo những thúng hàng của bọn B.Đ. thì cái xương vai cong lõm hẳn xuống, chẳng khác một chiếc vòng cung để ngửa. Kĩu kịt trên vai ông ấy, cái đòn gánh luôn luôn co lên, ẻo xuống như con cá mè giẫy cạn. Mỗi khi đầu đòn gánh lướt xuống, ấy là mỗi lần cái vai ông ấy lệch đi, cái cổ ông ấy rụt lại, cái mồm ông ấy nhành ra, cái sườn ông ấy nghiêng sang một bên. Vậy mà đôi chân ông ấy vẫn cứ nhon nhón bước rảo để đưa cái đầu cung cúc cúi xuống đằng trước, y như con cuốc lủi trong ruộng lúa. Người ta bảo như vậy không phải là khỏe. Chỉ vì gánh nặng nên phải đi thật nhanh, nếu đi chậm, có khi sẽ bị ngã gục xuống đất. Xưa kia nghe người nhà quê mỉa nhau "vai u thịt bắp", tôi vẫn không hiểu là gì. Bây giờ được thấy chân tướng cái vai ông Phúc, tôi mới biết nó là một tiếng tả thực. Trời ơi, đôi vai mới lạ làm sao! Nó giống hệt lưng con lạc đà, mỗi bên có một cái bướu lớn chừng bằng quả soài tượng. Cố nhiên hai cái bướu ấy cũng đều bằng thịt. Nhưng nó là thứ thịt cứng rắn, ấn không thấy lõm, bấm không thấy đau, màu da xù xì và mốc thếch như da trăn gió. Ông Phúc gọi nó là thịt thành chai và kể với tôi:

- Hồi tôi còn đi cày ruộng, hai vai cũng vẫn nhẵn nhụi như vai các ông. Từ khi bắt đầu xoay sang cái nghề gánh mướn, vì chiếc đòn gánh đè xuống nặng quá, thớ thịt đầu phải giập nát vì sưng u lên, lúc ấy đặt chiếc đòn gánh lên vai, người tôi thấy buốt từ đầu đến gót, tưởng như chết điếng đi được. Vậy mà tôi cứ phải gánh -nếu không gánh thì lấy gì nuôi các cháu -gánh đi độ vài thôi đường rồi nó ê đi, không thấy đau nữa. Tôi tưởng thế nào nó cũng nung mủ.

Nhưng mà không, nó cứ việc sưng, tôi cứ việc gánh, trong vài bốn ngày, chỗ sưng đét đi và lớp da ngoài dần dần dày lên, thành ra hai cái bướu đó. Bây giờ hai cái bướu ấy rất có ích lợi cho tôi. Là vì nhờ nó ngăn đệm ở giữa, chiếc đòn gánh không thể tì sát đến xương, nên dù gánh nặng đến đâu cũng vậy, chỉ mỏi ống chân và mỏi xương sống, chứ không bao giờ đau vai. Tôi hỏi đi gánh như thế mỗi ngày ước chừng được bao nhiêu tiền. Ông ta lắc đầu và đáp:

- Nào có được là mấy nỗi! Gánh cháo chỉ ba bốn xu, còn gánh lá trầu, ngày nắng bỏng đất họ mới trả cho hào hai, hôm nào mát trời chỉ được độ tám chín xu.

Thế là mỗi ngày ông ấy kiếm được chừng mười lăm xu.

Bấy giờ vật giá còn hạ, với số tiền ấy, ông ta cũng đủ mua ngô, mua khoai để nuôi năm cái dạ dày, tuy mỗi ngày vẫn phải bớt ra mấy xu để góp lại mà trả lãi tháng cho người chủ nợ. Giả như ông ta còn là hạng trai trong làng thì thôi, như thế cũng đủ để sống mà chờ đàn con khôn lớn. Chết vì đầu năm đến giờ, ông ta lại mới lên ngôi "ông trùm". Với thôn quê, ông trùm là hạng đàn anh chiếu theo ngôi thứ mà thăng, không phải chạy chọt gì cả. Số ngạch ông trùm không có nhất định, nhiều ít tùy theo tục làng. Thuở xưa, ông trùm tức là những người hợp với lý trưởng chủ trương tất cả việc làm. Từ ngày thôn quê có cuộc cải lương, quyền của ông trùm chỉ còn trong việc lễ bái, nhưng cũng vẫn tiếng là hạng đàn anh. Ở làng M.H. tất cả có hai mươi bốn ông trùm. Lên trùm tuy không phải khao dân làng, nhưng hàng năm cả hai mươi bốn ông ấy phải chia lượt nhau mà sửa oản chuối cúng thần trong hai ngày rằm và mùng một của mỗi tháng, người ta gọi chung là lễ "sóc vọng". Vừa "vọng", vừa "sóc" mỗi năm có hai mươi bốn kỷ, đáng lẽ mỗi người chỉ gánh một lần là đủ. Nhưng mà theo lệ làng này, số oản mỗi kỳ cúng rồi, phải chia khắp từ già lão xuống đến bàn nhất và các chức dịch, mỗi người một chiếc. Nghĩa là phải hơn trăm chiếc mới đủ. Như vậy, mỗi người sửa riêng một kỳ, e rằng nặng quá, người ta mới định mỗi kỳ hai người. Bởi vậy mỗi người một năm mới phải gánh lễ vọng hai lần. Ông Phúc là rốt "bàn trùm", lượt oản thứ nhất ông ấy phải sửa vào ngày mồng một tháng sáu. Tôi tuy không phải là người làng M.H. nhưng đến trọ học ở làng ấy và nhà trọ tôi lại ở gần nhà ông ta. Từ khoảng trung tuần tháng năm, trong lúc lật đật đi vay tiền sưu, tôi thấy ông ấy đã lo đến cái lễ "sóc" nó đương sắp tới sau lưng. Rồi đến hai mươi tháng năm, suốt đêm trời mưa tầm tã, gió tây nổi lên đùng đùng. Sáng ra, gió im, mưa tạnh tôi qua trước nhà ông ấy, đương thấy ông ta hùng dũng đứng trên mái nhà, bốc những rạ lợp ném mãi xuống đất. Tưởng là hôm qua nhà bị gió "chốc", tôi hỏi bằng giọng chia buồn:

- Ông lợp lại nhà đấy ư? Trận gió ban đêm tai hại lắm nhỉ!

Ông ta uể oải trả lời: - Không! Nhà tôi có bị "chốc" đâu, mà phải lợp lại! Tôi dỡ đi đây!

Rồi, như hiểu sự ngạc nhiên ở trong đầu tôi, ông ấy nói tiếp:

- Tuần sóc tháng sáu đến lượt tôi phải sửa oản ra thờ, nhà không sẵn, vay không ai tin, tôi đành dỡ hai gian nhà làm củi để bán lấy tiền mua gạo. Đáng lẽ tôi định để vài bữa nữa mới dỡ, nhưng vì thấy trời mưa dầm, chắc là củi đắt, nên mới dỡ từ hôm nay. Thôi thì túng kiết quanh năm, hãy cho qua cái lúc này. Bao giờ trời cho mở mặt, bấy giờ lại làm nhà khác. Vả lại, có bốn bố con, ở vào hai gian một chái cũng còn vừa chán.

Vừa nói, ông ấy vừa dùng cái cưa xì xoẹt cưa đứt cây tre "cái nóc", rồi rút nó ra và quăng xuống đất một cách giận dữ. Dưới nhà nồi niêu, thúng mủng, bát đĩa, rổ rá, lổng chổng ở gian bên kia. Ba đứa bé con to vo ôm nhau ngồi trên chiếc giường đầy những rác cẵn. Tối ba mươi, vào khoảng nửa đêm, tôi tình cờ lại đi qua cửa nhà ấy. Bấy giờ cái đầu nhà bị phá hai gian vẫn còn bỏ trống chưa có bức vách. Nhưng mà trong nhà đèn thắp sáng choang. Lố nhố dưới bóng đèn, tôi thấy độ hai chục người chia làm bốn tốp, vây quanh bốn chiếc mâm gỗ đầy những thịt đậu đặt trên chiếc chiếu sàm sạp trải ở mặt đất. Tiếng cười tiếng nói vui như ngày tết. Người ta khen ông Phúc hết lòng lo việc thờ. Người ta bảo ông Phúc phá nhà bán củi, thật là một người tháo vát. Người ta tán dương oản của ông ấy tốt và chuối của ông ấy mẫm. Rồi người ta thúc bách ông ấy đi mua lấy chai rượu nữa. Ba đứa bé con vẫn rau ráu ngồi ở đầu thềm hình như chúng thiếu chỗ ngủ. Sáng mai ông Phúc gặp tôi liền phô:
- Thế mà đêm qua nhà tôi cũng hết năm chai rượu và hơn đồng bạc rau đậu, ông ạ. Cái nhà phá ra, bán cả tre, rạ được bốn đồng rưỡi. Mua gạo, mua chuối hết non hai đồng, còn hơn hai đồng chỉ vào bữa chén không đủ. Khốn nạn, tôi có muốn tốn làm gì. Bà con có lòng chạy đến, không thể không được.

Tôi hỏi:

- Bao giờ ông lại sửa tuần sóc thứ hai?



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MỘT TIỆC ĂN VẠ

Hôm ấy nhằm phiên chợ Đình, cái chợ mà cả làng Đ.G. đều sống về nó. Tôi đi đến đầu làng ấy giữa lúc người làng đi chợ đương đông. Quái lạ! Làm sao hôm nay không có đàn ông, trên đường rặt những đàn bà. Kẻ gồng rau, người gánh gạo, bà này gồng chiếc lồng lợn, bà kia quẩy đôi lồng gà, hết lũ dài dến lũ ngắn, người ta tiếng to tiếng nhỏ, nhao nhao nói chuyện với nhau.

- Khốn nạn! Trông thấy tình cảnh ông Sửu mà tôi thương quá. Hôm qua đến giờ, bà vợ lúc nào nét mặt cũng ủ rầu rầu, ông chồng chỉ nằm thở dài, có lúc đấm mãi hai tay vào ngực, hàm răng nghiến lại kèn kẹt...

Bà ấy còn định nói nữa, nhưng bị bà khác cướp lời:

- Tôi cũng ái ngại cho ông ấy. Tội nghiệp! Cả vợ lẫn chồng ai cũng hiền lành biết điều, thật thà như đếm. Không hiểu cớ gì lại bị nhiều người ghét bỏ đến thế? Phen này không khéo hết cả cơ nghiệp!

Một bà thứ ba nói xen: - Các bà là bậc nhân đức từ bi, các bà cứ thương ông ấy. Riêng tôi, tôi chẳng thương một chút nào!... Anh em ít, cánh vế không có, thế mà vẫn không biết thân, lại còn cứ bướng, thì ai người ta để cho yên lành!
Lại một bà nữa tiếp theo:

- Phải, bà nói phải đấy! Mình ở trong làng, sống nhờ làng, chết nhờ làng. Cái người đã dám vác miệng chửi làng, thì bị trừng trị là đáng kiếp lắm. Hơi đâu mà thương.

Rồi một bà nữa cãi lại: - Các bà đừng nói thế, oan cho ông ta! Chẳng qua ghét nhau thì họ gắp lửa bỏ vào bàn tay... chứ đời nào ông ấy dám động đến làng. Luôn mấy năm nay, hết người này ăn hiếp, lại đến người kia đè lấn, ông ấy vẫn nhịn như nhịn cơm sống, có dám bướng bỉnh với ai đâu!

Còn nữa! Làn sóng dư luận còn kéo dài mãi ở dọc đường. Nhưng nó mỗi lúc mỗi theo những gánh gà lợn, rau gạo đi xa dần, nên khi bay lại tai tôi, không còn rõ là tiếng gì nữa. Cố nhiên tôi không có ý nghe chi những chuyện giữa trời, nhưng vì nó đã ngẫu nhiên lọt vào tai, tôi cũng ngẫu nhiên bận óc vì nó. "Chắc là trong làng đã có người nào bị đánh bị trói gì đây". Với câu phỏng đoán đó vơ vẩn trong óc, tôi lững thững đi vào cổng làng. Người làng ở trong các xóm, lũ lượt kéo ra con đường giữa làng, già có, trẻ có, con nít cũng có. Trái lại với quang cảnh của đoạn đường lúc nãy, ở đây rất nhiều đàn ông, thỉnh thoảng mới có một người đàn bà. Với những tiếng cười cười, nói nói, vui như đám hội, người ta đổ xô về nẻo cuối làng. Xen lộn vào sự xôn xao của đám đông người, ở trong các xóm, lại có tiếng lợn eng éc. "Không phải là chuyện đánh nhau, trói nhau, có lẽ người ta sắp sửa có cuộc ăn uống. Phải rồi, hôm nay đàn ông vì bận ăn uống, nên mới nhường hết quyền đi chợ Đình cho bọn đàn bà, đoạn này toàn là đàn ông", tôi vừa cải chính cái câu của tôi phỏng đoán mới rồi, vừa im lặng đi theo một con đường với lũ người ấy. Và tôi đã từ biệt họ khi đến khỏi đình: họ đi tấp nập kéo vào điếm đình, thì tôi rẽ sang nhà Khóa Trúc, người bạn đồng học với tôi năm xưa. Bởi vì chúng tôi có hẹn trước nên lúc ấy anh Trúc đương vơ vẩn đón tôi ở chỗ đầu ngõ. Đường đi tuy rằng hơi xa, nhưng nhà anh này lại ở kề với sân điếm và chỉ cách khu điếm một bức rào bằng găng tây. Vào ngồi trong nhà anh ấy, tôi còn thấy rõ hết thảy cảnh tượng trong điếm. Cái điếm rộng quá!

Ngoài một tòa chính ở giữa lại có hai tòa giải vũ kèm ở hai đầu, mỗi tòa độ bốn năm gian. Đám người lúc nãy lần lượt tiến vào đến cửa điếm. Các ông già và người cao tuổi lên thẳng tòa chính, còn người ít tuổi và đám con nít thì xuống hai tòa giải vũ. Giây lát, ba bọn đàn ông lực lưỡng khiêng ba con lợn bị trói đặt vào trước sân, và một lũ người khác đài tải tới đó đủ hết các thứ: bát, đĩa, dao, thớt, rổ, rá và nồi ba mươi. Rồi đó, bọn này bắc nồi đun nước, bọn kia đè lợn chọc tiết. Bắt đầu câu chuyện, tôi phải hỏi ngay anh Trúc:

- Đám ấy là đám gì, đám gì mà có đủ từ ông bạc đầu đến lũ trẻ con!

Anh Trúc mỉm cười đáp:

- Đó là một đám ăn vạ!

Rồi vừa pha nước, anh ấy vừa tiếp:

- Cái tục ăn vạ, thiên hạ cũng nhiều nơi có. Nhưng mà có lẽ không đâu nặng bằng làng tôi. Bởi vì theo lệ làng tôi, quyền hành của bốn "trùm nhất" lớn lắm, bao nhiêu công việc trong làng đều do bọn họ quyết định, lý dịch cũng phải theo họ. Người nào cưỡng lại với họ, ấy là họ sẽ tìm cách ăn vạ.

Như đã thấy tôi không hiểu "ăn vạ" là gì, anh Trúc uống cạn chén nước rồi thêm:

- Chắc anh chưa được chứng kiến cuộc ăn vạ nào thì phải! Có gì đâu, người nào có lỗi với "làng" thì "làng" cứ việc mua lợn, mua rượu, mua gạo đem ra điếm làng mà ăn. Phí tổn bao nhiêu, người có lỗi đó phải chịu. Hôm nay họ ăn vạ lão Sửu. Tội nghiệp! Lão ấy hiền lành, thật thà nhất làng tôi đấy! Chỉ vì nhà đã lép vế, lại có bát ăn, một hôm một ông trong bốn ông "trùm" đến nhà hỏi vay gánh lúa, lão ta đi vắng, mụ vợ chối là không có, ông trùm kia lấy làm thù, cách vài hôm sau hắn mượn việc làng sinh sự cãi nhau với lão ấy, rồi hắn vu cho lão ta chửi làng và đem chuyện đó trình "làng". "Làng" là bọn đó chứ có ai đâu! Chúng với hắn cũng như một đào một kép, cho nên khi thấy hắn trình, chúng liền hùa nhau bắt vạ lão Sửu.
Anh Trúc rót chén nước nữa cho tôi, rồi tỏ vẻ ái ngại:

- Cuộc ăn vạ này, chúng làm hại lão ta đến hơn trăm bạc. Bởi vì chúng ăn to lắm, ăn suốt từ trên đến dưới. Những đứa con nít toét mắt, ỏng bụng mà anh thấy đó, cũng đều được ăn tất cả. Chúng nó cũng là "làng". Hễ ai là "làng", hôm nay đều được ra ăn, chỉ trừ đàn bà và những trẻ con ẵm ngửa.

Tôi vẫn chưa hiểu:

- Thế thì những tiền mua lợn, mua rượu, mua gạo đó ai ứng ra cho làng?

Anh Trúc trả lời:

- Chẳng ai phải ứng hết thảy, họ đi mua chịu tất cả. Mà hễ họ đã hỏi mua, thì ai cũng bán. Bởi vì bán chịu cho "làng" như thế, sau này có thể tính với khổ chủ một giá rất cao và tính bao nhiêu, khổ chủ phải trả bấy nhiêu, không được bớt xén một đồng nào hết.

- Nếu như khổ chủ không chịu thì sao?

- Khổ chủ không chịu thì họ phải lấy tiền làng mà chi. Nhưng rồi họ sẽ họp làng tại đình, đóng chiếc đinh cù vào cột đình và phát thệ rằng: "Nhà ấy đã không thèm tuân lệ làng, từ sau trở đi, những lúc làng có ăn uống, không ai được ngồi với người nhà ấy, và rồi nhà ấy có người nào chết, bất kỳ đàn ông, đàn bà, họ xa, họ gần, làng sẽ không khiêng". Ở thôn quê, cái người lúc sống không ai ngồi với, lúc chết làng không khiêng cho, là người cực nhục, sống cũng như chết. Vì vậy từ xưa đến nay, họ đã ăn vạ người nào, người ấy cứ phải bán nghiệp mà trả. Không ai dám bướng.

Anh ta đương nói, thì ở bên điếm, có tiếng nói lớn:

- Thưa "chạ"! Hôm nay từ trên già lão đến dưới trai đinh, tất cả hơn hai trăm xuất, ăn ba con lợn có lẽ không đủ, xin "chạ" cho bắt thêm một con nữa.

Thế rồi, một lúc sau, lại nghe có tiếng lợn kêu. Cuộc ăn uống linh đình mãi đến quá trưa mới tan.

Chiều hôm ấy, tôi còn ở đó, đã có tin nói lão Sửu thắt cổ chết ở trong nhà, lý dịch còn đi khất quan về khám.


Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
XÂU LÒNG THỜ

Một ngày hôm qua tôi thấy bác Hai Đắc đến nhà tôi trọ trước sau tới mười một lần: lần đầu tiên trời mới sáng rõ, lần cuối cùng chừng hết canh hai. Trừ ra lần thứ mười một vì tối quá, không thể trông rõ, còn các lần trước, tôi đều gặp bác. Lạ thay, lần nào cũng vậy, sau khi thấy nói ông chủ nhà tôi đi vắng, thì bác lập tức lật đật trở về với cái bộ mặt đầy vẻ sợ hãi. Hôm nay, trời còn mờ mờ, đã thấy tiếng bác vấm véo gọi cổng. Ông chủ nhà tôi cũng chưa về, nên bác không vào. Rồi cách một giờ sau, bác lại hoảng hốt chạy đến. Và vẫn bị thất vọng như lần trước, bác lại lủi thủi đi về bằng một dáng điệu cực kỳ buồn rầu. Với bác, tôi không phải là chỗ quen thuộc, vì trọ trong làng B.X. đã lâu nên tôi cũng có biết mặt, biết tên, hơn nữa tôi còn biết bác là người đần độn, hiền lành, nhà khá, có trâu cày, có ruộng cấy. Bởi vậy, nay thấy thái độ khẩn cấp của bác, tự nhiên tôi cũng để ý suy nghĩ. Và tôi đoán rằng: chắc bác đã phạm một tội quan trọng, nếu không chứa đồ quốc cấm, tất là lỡ đánh chết người. Nhưng mà tôi lầm. Nếu bác mắc phải một trong hai việc đó, thì từ hôm qua đến giờ, làng nước đã đồn ầm lên rồi, người ta đã gông cổ bác điệu lên quan rồi, khi nào bác được xổng xểnh chạy đi, chạy lại? Huống chi một người cẩn thận như bác, đời nào có thể xảy ra những việc ghê gớm ấy? Thế thì cớ gì bác phải tìm ông chủ nhà tôi gấp quá như thế? Trời cũng không thể đoán được! Bóng nắng đã đến nửa thềm, bác lại lù lù tiến vào trước sân giữa những tiếng sủa xô xát của đàn chó dữ.
- Cụ đã về chưa? Anh nhỏ!

Thằng nhỏ vì phải đuổi chó cho bác nhiều lần, nó cũng phải phát cáu với bác:

- Chưa về! Làm gì mà đến hỏi luôn thế! Chỉ quấy rầy! Bác giả vờ như không nghe tiếng và lại quay mặt trở ra, toan đi. Vì muốn rõ cái chuyện cấp bách của bác, tôi cố gọi bác vào trong buồng học và hỏi:

- Bác tìm cụ Chánh có việc gì mà kíp như vậy? Nói cho tôi biết, xem tôi có giúp được chăng?

Bác cám ơn tôi và đáp:

- Chỉ có cụ Chánh họa chăng mới cứu được tôi. Nếu hôm nay mà cụ không về, thì tôi đành phải ngồi tù. Rồi, như trong bụng nóng nảy không thể ngồi yên, bác lại đứng dậy toan ra. Tôi phải an ủi, giữ bác ở lại để hỏi cho hết câu chuyện. Nể tôi quá, bác lại nén lòng ngồi xuống và kể đầu đuôi cái nạn phi thường của mình.

Thì ra trưa hôm kia, làng ấy làm lễ "thượng điền". Đó là cái lễ để trình với vua Thần nông và các cụ tiên nông trong làng đời xưa biết rằng: làng mình cày cấy đã xong.

Cũng như lễ "hạ điền" cử hành trong khi bắt đầu cắm cây lúa xuống ruộng, lễ này tại các thôn quê làng nào cũng có. Bởi vì làng B.X năm nay trời cho mưa nắng thuận hòa, suốt một vụ cấy, không nhà nào phải tát một khau nước nào, hơn nữa, hễ cấy đến đâu lúa cứ xanh tốt ngùn ngụt đến đấy, không cần phân tro gì hết. Người ta tin rằng nhờ có quỷ thần ủng hộ mới được như thế. Cho nên, nhân ngày "thượng điền" làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui. Trong khi cúng tế, thịt lợn để nguyên cả đãnh, lòng lợn cũng để nguyên cả giàn, nhưng phải thái lấy tám bát đủ cả dồi, tim, gan, phổi, lá lách, dạ dày, để bày vào mâm xôi thờ, người ta gọi là lòng thờ. Tế xong, đồ lễ hạ xuống, phận sự bốn người "bàn hóa" phải giữ công việc làm cỗ. Theo lệ làng, phần của trai làng chỉ có xôi thịt. Ngoài ra sỏ lợn, lăm lợn, nhỡn lợn, mũi lợn, rồi móng chân lợn và khấu đuôi lợn đều phải để làm phần biếu, để biếu từ cụ Chưởng lễ đến ông bàn nhì. Còn riêng tám bát lòng thờ thì phải để kính tám ông trên nhất có ra lễ thánh trong lúc cúng tế. Vì vậy, số lòng lợn ấy lại có biệt hiệu là "lòng mũ áo". Bác Hai Đắc mới lên "bàn hóa" từ đầu năm nay. Trong bữa "việc làng" hôm kia, bác cũng dự một chân làm cỗ. Công việc thái thịt, bày thịt cho phần trai đinh, sức bác làm dư đi rồi. Rắc rối cho bác, chỉ có cái số phần biếu. Thể lệ kính biếu, không phải chỉ nói bằng miệng mà thôi. Ông nào được biếu thứ nào, đã có sổ sách biên chép rõ rệt. Cuốn sổ ấy có chữ cả làng ký kết, lại có trình quan trên duáệt y, nó là một pháp luật của làng, không ai được phép thay đổi. Một người "bàn hóa" biết chữ, khi chia phần biếu có thể giở sổ mà coi. Nhưng với những người không biết chữ nào, ít nhất cũng phải tập sự hai năm mới thuộc, bởi vì một năm chỉ được học việc có bảy tám lần mà thôi. Bác Hai Đắc không biết chữ gì, và lên bàn hóa mới già nửa năm, cố nhiên bác không thể thạo được chức vụ. Tuy vậy, hôm đó nhờ có ba người tuổi trên cáng đáng, cho các phần cũng không lầm lẫn. Khổ cho bác, chỉ tại một "xâu lòng thờ" của cụ Chưởng lễ. Hôm ấy cụ Chưởng lễ có ra chủ tế, phần cụ phải có một xâu lòng thờ là dĩ nhiên rồi. Tế xong cụ cũng mũ áo lễ thánh như các ông khác, theo lệ, cụ lại được hưởng xâu nữa. Bác Đắc không hiểu lệ đó, chỉ để phần cụ một xâu. Đến khi thằng nhỏ đệ phần vào nhà, cụ Chưởng lễ kiểm lại số thịt thấy thiếu, tức thì cụ sai đầy tớ gọi bác đến nhà, ghép bác vào tội tự nhiên cất phần của cụ, và bảo cho bác biết rằng: việc ấy cụ đã nhất định đưa lên quan xét, rồi cụ sai đuổi bác ra, không cho nói thêm câu nào. Mấy lần bác đã cậy người xin giúp, đều không đắt nhời. Bây giờ chỉ còn một cách nhờ cụ Chánh Cựu - tức là ông chủ nhà tôi - nói đỡ. Xưa nay cụ Chưởng lễ vẫn nể cụ này, nếu như cụ này chịu giúp cho bác, họa may bác được thoát nạn... Vì thế bác phải khẩn cấp đi tìm ông chủ nhà tôi. Nói đến đây, thấy bác rơm rớm nước mắt và thêm:

- Năm xưa một người bàn hóa cũng đánh mất phần của cụ Chưởng lễ, và bị cụ ấy đi kiện. Hai bên vật nhau từ huyện lên tỉnh lại sang Hà Nội. Rút lại, người bàn hóa đó tốn kém đến gần nghìn bạc mà vẫn bị phạt một đồng. Ấy là anh ta nhà giàu, biết lý luật, lại biết tòa nọ, sở kia, còn không chống nổi cụ ấy. Huống chi như tôi, tiền không có, từ thuở mẹ đẻ đến giờ không đến cửa quan bao giờ... nếu bị kiện, mười phần chắc phải ngồi tù cả mười. Rồi bác gạt nước mắt đứng dậy.

Ngoài sân nghe có tiếng giày sền sệt kéo trên mặt gạch. Ông chủ nhà tôi đã về. Bác Hai Đắc vội vàng nép vào cây cột gần đó, và vái một vái cực kỳ cung kính. Ông chủ nhà tôi điềm nhiên đi vào trong nhà. Sau khi bỏ khăn và cởi áo ngoài treo lên đinh cột, ông ấy ghé vào chỗ tôi, vớ lấy cái điếu, châm lửa hút thuốc. Chờ cho ông ta thở hết hơi khói trong miệng, bác Đắc khúm núm đi ra trước chiếc phản ngựa, thụp xuống lễ luôn hai lễ.

Ông chủ nhà tôi có vẻ ngạc nhiên và hỏi giật giọng:

- Mày làm cái gì thế, Đắc?

Bác Đắc với bộ lưng khom khom như hình con tôm, chắp tay đứng ở ngoài thềm, nước mắt chảy ra giàn giụa:

- Lạy cụ, xin cụ cứu con...

Ông chủ nhà tôi vẫn một giọng sửng sốt:

- Mày làm sao?

Bác này như líu lưỡi lại:

- Lạy cụ cứu con!

Ông chủ nhà tôi phải gắt:

- Nhưng mà cứu cái gì chứ? Thằng này điên à?

Bác Đắc đứng bên cửa vừa mếu vừa kể cho ông ấy nghe việc đánh mất phần của cụ Chưởng lễ và bị cụ ấy đe kiện. Ông chủ nhà tôi nhìn tôi, và cười tủm tỉm:

- Cái phái tổng lý chúng tôi có gớm hay không?

Rồi ngoảnh sang nhìn bác Đắc, ông ấy lại gặng:

- Bây giờ mày bảo tao đi lạy mướn cho mày à?

Bác Đắc chỉ nằn nì mãi một câu:

- Lạy cụ, xin cụ cứu con!

Ông chủ nhà tôi ngần ngừ một hồi, rồi đáp:

- Nói với con mọt già ấy khó lắm, phi tiền không xong. Nhưng cứ về đi, lát nữa tao đi cho. Chiều lại đây, công việc thế nào tao bảo.

Bác Đắc sung sướng vái chào chúng tôi rồi ra. Mặt trời tà tà, ông chủ nhà tôi khăn áo chỉnh tề ra đi. Một lúc lại thấy trở về và nói với tôi:

- Tôi đã biết mà. Lão Chưởng lễ làng tôi đểu lắm, cái gì cũng tiền. Tôi đến nói hộ thằng Đắc, lão ta nhất định đòi hai điều này:
một là thằng Đắc giết lợn mời làng tế thánh để lấy một xâu lòng thờ biếu hắn; hai là nó đền cho hắn trăm bạc. Mà hắn đã nói một trăm, ít ra cũng phải sáu chục mới xong. Ấy ở nhà quê khó thế, ông ạ! Có của đã chắc giữ được mà ăn đâu?


Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MỘT CHIẾC LĂM LỢN

Bấy giờ bóng đã chiều cả. Mặt trời chỉ cách ngọn tre của dãy làng xóm xa xa độ vài con sào. Chân trời phía tây dần dần hiện những tia đỏ. Dưới đồng còn đông người làm. Trong rừng ngô đậu xanh rì, tiếng hát theo gió đưa đi réo rắt. Tôi vừa đi đến ngã tư rẽ vào con đường làng Đ.C và những giọng lên bổng xuống chìm của bọn gái quê xới đậu, vun ngô như đương bảo tôi khoan bước để thưởng cái cảnh trời xuân mình mị.

Bỗng ở trong nẻo đầu làng có tiếng thét lớn, như phá cái bầu tịch mịch của cánh đồng chiều, làm cho các đám hát xướng đều phải im bặt. Càng đi gần lại, tiếng thét càng dữ thêm. Tiếp đến tiếng chửi phũ phàng của cơn thịnh nộ, rồi đến tiếng kêu làng nước inh ỏi.

Trong khu văn chỉ của làng Đ.C. bóng người đen kịt. Và ở cổng làng cũng như các ngả đường khác, đàn ông đàn bà tất tả chạy ra. Ai cũng như nấy, mỗi người trong tay đều có một món khí giới, hoặc sào, hoặc gậy, hoặc cán cuốc, hoặc đòn gánh, có người thì vác cái vồ đập đất. Tứ chi bát mạch, nhất tề đổ vào khu đất văn chỉ với một bộ điệu hùng hổ.

Đánh! Đánh! Đánh!

Mấy tiếng thét đánh vừa dứt, cuộc hỗn chiến tức thì bắt đầu. Đòn gánh giơ lên, tai cuốc bổ xuống, tiếng chí chát của các khí giới đụng nhau xen lộn với tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng gầm gào, nghe thật gớm ghiếc. Tôi phải dừng lại ở một quãng xa để chờ đến lúc tan cuộc, vì rằng đường đi đã bị chiến trường ngăn cản, không có lối nào qua được. Tấn náo kịch mỗi lúc một thêm kịch liệt. Các toán viện binh các nơi vẫn tiếp tục kéo đến ầm ầm. Đáng sợ nhất là mấy mụ đàn bà. Xắn váy, xắn áo và quấn búi tóc vểnh ngược, các mụ liều mạng xông vào trận địa như một đội quân cảm tử.

Tôi phải rùng mình sởn gáy, khi thấy một người lực điền thẳng tay giơ vồ đập đất bổ vào đầu một ông già vừa chui ra khỏi vòng vây. Ông già ấy loạng choạng, lảo đảo như con gà toi giẫy chết rồi ngã phục vị xuống đất. Người lực điền kia lại vác chiếc vồ nghênh ngang vào trận. Giữa đám túi bụi, thấp thoáng có bóng xanh xanh. Khi đã lách qua vòng vây, bóng xanh xanh liền hiện ra thành hình người. Ôì! Lạ! Trong đám ẩu đả lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc! Tuy rằng đứng ở đằng xa, tôi cũng trông rõ hình dạng. Người ấy hàm râu đã dài, cái áo thụng lam đã toạc vạt trước, trên trán có một vết đỏ chạy thẳng từ trán xuống cằm, có lẽ là vết máu chảy. Chỉ kịp lật mũ vất xuống vệ đường, người ấy vén tay áo thụng, giằng lấy chiếc gậy của một người khác, rồi quay vào đám đông người, ra sức vụt lấy vụt để. Hình như bây giờ đến hồi loạn chiến, người ta chỉ cốt đánh cho sướng tay, bất phân ai là phe thân, ai là phe thù. Vì vậy, giao chiến đã lâu mà vẫn chưa phân thắng phụ. Phía trong cổng làng chợt có tiếng hiệu rúc hồi. Một đoàn tuần phu độ hơn mười người, kẻ vác giáo, người vác mã tấu, tấp nập đi theo lý trưởng tiến lên khu đất văn chỉ.

- Trói lại! Trói hết cả lại! Điệu về đình kia! Đánh nhau chết người ra đấy, tội vạ ai chịu?

Lý trưởng thét vừa dứt miệng, cả bọn tuần đinh hăng hái sấn vào đám đông, đàn áp một cách hùng dũng và can đảm. Các tay chiến sĩ tuy đương "ham đánh" nhưng cũng còn sợ pháp luật, thấy bóng tuần phiên tiến vào, ai nấy tản mác lùi ra, kẻ này chạy vào trong làng, người kia trốn xuống dưới ruộng. Trên bãi chiến trường còn lại bọn tuần đinh với một đám độ hơn mười người hầu hết có mặc áo thụng.

Cái gì thế nhỉ? Cớ sao người ta lại bận lễ phục để đi đánh nhau? Hay là ở đây cũng là cửa Khổng, sân Trình, cho nên dù là đánh nhau, cũng phải giữ lễ? Giông tố đã yên, tôi bèn lại chỗ văn chỉ để về trong làng, và luôn thể coi qua cho biết tình hình cuộc đại chiến.

Té ra những ông áo thụng còn lại đó rặt là "tư văn" và đều bị thương tất cả. Đau nhất là ông Cựu Thỉnh. Ông ấy bị một vết ở má bên phải. Hình như nó là vết thương của mấu đòn gánh đập vào -gò má bị khuyết mất một miếng thịt khá to, cái xương lòi ra, máu chảy rành rạch xuống vai áo thụng. Rồi đến ông Cựu Bình. Không biết ông này bị những cái gì đánh vào má trông thảm quá, giữa trán bươu lên như quả ổi lớn, gò má bên trái sưng húp như cái đồng chai úp vào.

Con mắt bên ấy híp lại như mắt lợn ỷ. Rồi đến ông Phó Đê, cái ông bị một cái vồ lúc nãy. Ông ấy mất mảng tóc đỉnh đầu, thịt non phơi ra đỏ hỏn. Cả ba ông đó cùng phải nằm liệt dưới đất, thi nhau kêu rên hừ hừ. Còn các ông khác, hoặc bị thương ở mặt, hoặc bị thương ở tay, hoặc bị thương ở vai hay cổ, tuy cũng đau lắm, nhưng còn có thể ngồi gượng. Sau khi sai người lấy chiếu đắp cho những người đau nặng, lý trưởng cắt bọn tuần phiên, một nửa ở đó canh gác, một nửa thì đi lùng bắt những kẻ có dự vào cuộc chiến tranh. Rồi hắn về nhà đóng ngựa lên huyện, khất quan về khám. Lúc ấy trời đã gần tối, những người làm đồng lũ lượt trở về. Một người cùng đi một đường với tôi, đã được chứng kiến trận ẩu đả ấy và có biết rõ nguyên úy. Cứ như anh ta đã nói, thì căn do của tấm thảm kịch chỉ tại một chiếc lăm lợn. Làng Đ.C. cũng như làng khác, vẫn có riêng một số người chuyên coi về việc tế tự, người ta gọi là "tư văn" hay là "văn giáp", hoặc "văn hội", có làng gọi là "quan viên". Mỗi khi làng có cúng tế thì từ chủ tế đến việc rước nến, bưng đài, đều do tư văn phải làm.

Theo nguyên tắc, hội "tư văn" tức là môn đồ của Khổng phu tử. Bởi vì trong số hội viên, trừ những người dưới do làng bầu ra, các người đứng đầu phải là những bậc khoa hoạn. Làng nào không có khoa hoạn, thì lấy những người chức sắc thay vào. Hàng năm, cứ đến ngày "đinh" của tháng giữa mùa xuân và ngày "đinh" của tháng giữa mùa thu, tư văn làm lễ tế tại văn chỉ, gọi là xuân đinh và thu đinh. Đó là lễ riêng của hội tư văn, người ngoài không ai được dự. Nhưng không phải là tế Khổng tử. Quyền tế Khổng tử thuộc về nhà vua và các văn miếu hàng tỉnh, hàng phủ, còn dân gian thì chỉ được tế những vị "tiên đạt" của làng mình. Làng Đ.C. không có khoa mục. Chức Chưởng lễ của hội tư văn vẫn thuộc về cụ Bá Trung. Đáng lẽ mỗi khi trong làng có tế, bất kỳ là tế ở đâu, cụ ấy vẫn được giữ ngôi tế chủ. Nhưng vì tuổi già, lễ bái khó nhọc, cho nên cụ ấy vẫn giao công việc chủ tế cho ông Cửu Nghĩa. Theo lệ nhất định, những khi làng làm lễ bằng lợn, cái sỏ lợn phải để biếu cụ Chưởng lễ, còn cái cổ lợn thì cắt làm hai khoanh tròn - người ta gọi là cái lăm -một khoanh biếu ông tả văn, một khoanh nữa thì để biếu một ông nào đã gánh công việc chủ tế. Chủ tế là ông tả văn, ông ấy sẽ được hưởng cả đôi lăm, nếu chủ tế là cụ Chưởng lễ, thì phần cụ ấy phải có một lăm một sỏ. Mọi khi hai cái lăm của con lợn tế thần đều là phần ông Cửu Nghĩa.

Bởi vì ông ấy vừa quyền tế chủ lại vừa viết văn. Nhưng độ này ông Cửu Nghĩa ốm nặng, ngày mai tư văn làm lễ xuân đỉnh chắc là ông ta không thể ra làm chủ tế. Chức ấy phải cắt đến người thứ ba. Từ chiều hôm nay, tư văn có sửa tuần rượu đệ lên văn chỉ làm lễ "túc yết". Ai vào chủ tế ngày mai, hôm nay phải lên văn chỉ mà khấn, để các tư văn lễ theo. Chiếu theo ngôi thứ, chức chủ tế ngày mai đến ông Cựu Thỉnh, và rồi ông ấy sẽ được hưởng cái lăm lợn dư huệ của ông Cửu Nghĩa.

Ông Cựu Bình lấy thế làm tức. Bởi vì, nếu ông Cựu Thỉnh từ chối, thì chức tế chủ và cái lăm lợn ngày mai sẽ về ông ta. Đợi lúc ông Cựu Thỉnh xúng xính mũ áo, sắp sửa vào khấn, ông Cựu Bình ngăn lại và nói:

- Ông định khấn như thế nào, phải đọc trước cho cả tư văn cùng nghe cái đã!

Cái đó mới hiểm độc chứ!

Một người suốt đời chưa học chữ nào như ông Cựu Thỉnh thì đọc văn khấn làm sao cho trôi.

Bí quá, ông Cựu Thỉnh phát cáu:

- Khấn thế nào, tôi không phải trình với anh.

Ông Cựu Bình càng làm già:

- Không phải trình tôi, thế thì nếu anh khấn cha, khấn mẹ về đó, tư văn cũng phải chịu à?
Ông Cựu Thỉnh đương cơn tức tối, liền tát cho ông Cựu Bình một cái và thét:

- À! Thằng này mày chửi ông à?

Ông Cựu Bình cũng không chịu nhịn, túm luôn lấy cổ áo thụng ông này và đấm vào gáy một chặp. Trong đám tư văn, có người là họ ông Thỉnh, có người là họ ông Bình, thấy hai bên đánh nhau, kẻ thì kêu làng cầu cứu, người thì xông vào đánh giùm. Lúc này, người làm dưới đồng còn đông, những kẻ thù ghét cả hai ông kia, thi nhau kéo lên đánh hôi, cốt để gieo vạ cho kẻ thủ xướng, vì thế mới ra cuộc đại chiến, và mới đến bấy nhiêu người bị thương. Nửa đêm hôm ấy quan huyện mới về biên án. Ngay lúc đó, những người bị thương đều được khiêng lên nhà thương. Khi họ đi đường, người ta còn nghe tiếng rên ầm ầm...

Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MIẾNG THỊT GIỖ HẬU

Hôm ấy vào khoảng thượng tuần tháng chạp. Trời đương quang đãng, tự nhiên thấy tối sầm lại. Gió bắc ở đâu kéo đến đùng đùng. Những đám mây đen tự phía chân trời lù lù tiến lên giữa trời, rồi hóa ra một tấm màn màu tro phủ kín bầu trời. Bằng cái hăng hái của người chạy mưa, tôi cứ trông thẳng cổng làng H.Đ. cắm đầu đi thật rảo bước. Tấm màn màu tro dần dần thấp xuống rồi những luồng chớp nhằng nhằng như đàn rắn vàng đuổi nhau ở nẻo xa xa. Rồi những tiếng sét vỡ trời từ góc trời nọ, dồn nhau sang góc trời kia chẳng khác tiếng những tảng đá lớn từ đỉnh núi lăn xuống chân núi. Hột mưa rào rào sa xuống, như muốn giúp sức cho sự giá lạnh. Hai má tôi đã thấy buốt, hai tay tôi đã thấy cóng. Trong cái quán ở đầu cổng, đàn ông đàn bà đương chen vai nhau đứng vây chung quanh mấy bó mạ chiêm. Những lúc phong vũ bất tình, ai cũng muốn giữ thân nấy, khi nào họ chịu nhường chỗ cho một người lạ? Tôi đành đội mưa dò trên con đường lầm lội, định cố đi tới nhà một người bạn rồi nghỉ luôn thể. Nhưng khi mới đến sân đình, trời càng mưa to, không thể liều đi được nữa, tôi phải lánh lên thềm đình. Ở ngoài cổng đình lù lù tiến vào một lũ độ trên mười ông lão già. Ông nào cũng như ông nấy, đầu đội nón lá, lưng khoác áo tơi, tay chống một chiếc gậy tre lộc cộc. Sau khi đã chao chân vào cái vũng nước dưới giọt đình, các cụ lẩy bẩy trèo lên thềm đình, và lò dò bước lên sân đình với những tiếng thít tha đáng ái ngại. Hết bọn ấy, lại tiếp bọn khác. Các cụ lẻ tẻ đến mãi. Những bọn sau không được đông như bọn trước, mỗi bọn độ vài bốn người. Trên đình có tiếng mâm bát lẻng kẻng. Mùi hương ngào ngạt trong đám tiếng người lào xào. Hẳn là người ta cúng lễ gì đó. Tôi không để ý và chăm chăm nhìn những giọt nước từ mái ngói chảy xuống sân gạch.

Trời tháng chạp mà sao mưa to làm vậy? Chỉ trong một lát sân đình nước chảy lênh láng, bong bóng trôi trên mặt nước lềnh bềnh. Gió bấc mỗi lúc mỗi thêm dữ dội; nó hắt hột mưa tua tủa vào chỗ tôi đứng, như muốn đuổi tôi lên đình để xem cảnh tượng trên ấy ra sao. Dưới bức chấn song ở phía sau đình, một chiếc mâm cao sơn đỏ chễm chện kê giữa mảnh chiếu rách cạp. Trước mâm có để mấy bó vàng hồ, một chai rượu và mấy quả cau. Trên mâm là một tảng xôi vuông vắn bằng cái lá nem và một miếng thịt lợn luộc ước chừng hai cân trở lại. Nén hương cắm trong mâm xôi cháy đã hết nửa, tàn hương rụng trên mặt xôi đen xì. Các cụ túm năm, tụm ba, bó gối ngồi trong mấy chiếc chiếu trải liền bên cạnh bao lơn. Tất cả độ bốn chục cụ, cụ nào cũng sắc mặt xám mét. Thấy tôi nhô lên, các cụ đều ngơ ngác nhìn. Lâu lâu, một cụ sẽ cất cái giọng run run của người bị rét:

- Ông khách vào chơi nhà ai?

Tôi đáp rất lễ phép:

- Thưa cụ, tôi vào thăm ông tú Tĩnh

Cụ khác lên giọng phều phào:

- Ấy! Nhà tôi cũng ở liền ngõ với ông ấy. Ông hãy ở đây lát nữa cùng đi với tôi.

Thì ra cụ này chính là cụ Thượng làng ấy. Sau khi tôi tỏ ý cám ơn, một cụ nữa ngó vào cụ ấy và nói:

- Thôi hết hương rồi! Cụ Thượng "vái hạ" đi cho!

Cụ Thượng sẽ gật đầu, rồi lom khom đứng ra phía trước mâm xôi, cúi đầu vái luôn ba vái. Trong đám có tiếng dõng dạc, tôi không nhận ra tiếng cụ nào:

- Thằng Mới hạ mâm xuống để làm cỗ đi. Tất cả bốn mươi sáu xuất, mười một cỗ rưỡi, với một cỗ nhà chứa, một cỗ cho mày. Làm mười bốn cỗ, còn thừa hai phần! Nghe không?

Với một tiếng dạ không được lễ phép cho lắm, thằng Mới nhanh nhẩu bưng mâm xôi thịt đến chỗ dao thớt giữa khi một cụ ít tuổi trong bọn lệch kệch nhắc mấy bó vàng ra chỗ bệ đình, phì phò thổi chiếc mồi rơm, châm lửa.

Thằng Mới làm cỗ mới nhanh làm sao! Đống vàng cháy chưa hết nửa, mười bốn mâm cỗ đã xong cả rồi. Nó bưng từng mâm đặt ra các chiếu. Mỗi mâm chỉ có một đĩa thịt mỏng, một bát nước mắm và một cục xôi bằng bánh xà phòng ba xu. Bốn một, tám hai, các cụ tự do ngồi vào các cỗ, không ai phải mời ai. Cụ Thượng sai thằng Mới bổ cau quệt trầu đưa ra thết tôi:

- Mời ông xơi tạm miếng trầu. Chúng tôi xin thất lễ ông chén rượu. Hôm nay làng tôi có giỗ ông hậu. Mọi khi còn làm to hơn. Bây giờ thời buổi cải lương, nên có giảm đi đôi chút.

Chai rượu bị rót ra hai cái bát ở mâm thứ nhất, lần lượt chuyển xuống đến mâm cuối cùng. Các cụ bắt đầu cầm đũa. Một cụ lại gọi thằng Mới:

- Còn thừa hai phần, mày đem một phần chiếu lại lên mâm cụ Thượng, còn một phần nữa thì để cho người quá lộ!
"Người ta sắp sửa bố thí xôi thịt cho mình đây chắc?" Tôi đương tự hỏi như vậy, thì ở trong đám vừa thấy có người cắt nghĩa:

- Ông khách hẳn chưa biết hai chữ "quá lộ" là gì. Chính nghĩa thì là những người qua đường, nhưng đây chúng tôi chỉ nói riêng bọn ăn mày. Là vì trong lúc dân làng ăn uống, thường thường vẫn có ăn mày đến xin. Dù ít dù nhiều, thế nào cũng phải cho họ. Bởi vậy, đám nào làm cỗ, cũng phải để dành cho họ, nếu họ không đến thì cho thằng Mới.

Dứt lời, các cụ lần lượt chia đũa mời nhau "đưa cay". Câu chuyện "cái giá cắn đôi" của đất Hà Nội, tôi mới được nghe chưa từng được thấy, nhưng ở đám này tôi đã mục kích được một kiểu ăn uống còn có lễ độ hơn thế. Miếng thịt gắp lên, các cụ chỉ sẽ "nhấm" một chút xíu, rồi lại đặt luôn xuống bát của mình. Có lẽ cái chỗ bị "nhấm" nó chỉ lớn bằng hạt đỗ. Ngoài sân sấm vẫn ù ù, những hạt mưa đã nhỏ dần dần, chiều trời cũng quang dần. Tôi đương vơ vẩn trông trời trông đất, chợt thấy có tiếng đũa đặt xuống mâm leng keng. Chai rượu đã hết, các bát rượu đã cạn, các cụ đã cùng bãi tiệc, xôi thịt còn lại, đương bị chia ra làm phần. Tuy đứng xa tôi cũng trông rõ: mỗi phần chỉ có hai ba miếng thịt xâu vào cái tăm và một hòn xôi bằng quả ổi con đặt ở trên mảnh lá chuối. Mưa tạnh, các cụ lần lượt đứng dậy, ai nấy đội nón chống gậy mặc áo tơi, lò dò bước xuống sân đình với một dáng bộ run rẩy. Cụ Thượng phều phào bảo tôi:

- Nào! Ông khách có vào nhà ông tú Tĩnh thì đi với lão. Hình như có vài hớp rượu, cơn rét của cụ lại càng tăng thêm. Ra khỏi đầu đình, hai ống chân cụ loạng choạng, xiêu vẹo, mấy lần xuýt ngã. Tôi phải chạy lại gần cụ, nắm lấy cánh tay và dắt cụ đi. Bằng hai hàm răng đập vào nhau cầm cập, cụ vừa đi vừa nói chân tình:

- Tôi gần tám mươi tuổi đầu, mà lúc mưa rét thế này, cũng cố dò đi ăn uống, chắc ông sẽ cho là già tham ăn. Thực ra, tôi có thiết gì miếng xôi, miếng thịt! Sở dĩ cố đi, chỉ vì có mấy đứa cháu. Ở nhà quê gạo ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mua thịt? Nếu không có miếng phần việc làng, thì những trẻ con quanh năm không được biết mùi thịt ra sao. Bởi thế, tôi phải dò đi, để lấy phần về cho chúng nó...

Câu chuyện chưa hết, cụ Thượng vừa tới cổng nhà, mấy đứa trẻ con, mặt xám như gà cắt tiết, thấy cụ liền reo một cách mừng rỡ như người được của:

- A! Ông đã về! Phần của cháu đâu?

Hình như chúng nó đợi cụ đã lâu lắm.

Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MÓN NỢ CHUNG THÂN

Thường thường ô tô chở khách chạy đường Hà Nội - Thái Nguyên, vẫn bị tài xế "om" ở C.Đ. để đón khách, hoặc ăn cơm. Có khi cao hứng, họ còn tán chuyện bù khú với bọn hàng quà, đến hai, ba giờ đồng hồ, hành khách giục giã mặc kệ. Hôm ấy, tôi và ông L. cũng bị họ giam lại đó. Bấy giờ đương giữa mùa hè, trời nắng như thiêu. Vì ở trên xe chật quá, chúng tôi cũng muốn thoát lá cái chỗ "người như nêm cối" để xuống hàng nước nghỉ mát, cho nên dù bị chờ đợi quá lâu, cũng không ai thấy sốt ruột. Thình lình một chiếc xe nhà ở nẻo xa xa lạch cạch kéo đến, cái xe hình như đóng đã lâu ngày, vải mui đã rách, gọng mui đã bựt, hai càng đã hết màu sơn, hai bánh lấm bê lấm bết, trên xe không có người ngồi. Uể oải qua cửa hàng nước, anh xe cúi chào ông L.

- Lạy cậu.

Rồi hắn đỗ xe bên đường, lau qua những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, và hắn vừa thở vừa bước vào hàng. Trông bộ dạng hắn, không hơn một người ăn mày. Quần đã xơ cả hai gấu, áo đã vá hàng chục mụn mà hãy còn hở một bên vai, cái nón trên đầu đã tả tơi như tàu lá chuối bị bão. Hạ nón úp xuống mặt chõng của nhà hàng, hắn ngửa chiếc bát lên chõng và giục nhà hàng múc nước. Ông L. nhìn tôi và nói:

- Thằng này là người làng tôi. Nó vẫn kéo xe cho ông T.T. Rồi ông lại nhìn người kia và nói:

- Mày đánh xe đi đâu?

Anh xe òng ọc uống hết bát nước, rồi đáp:

- Bẩm cậu, con ra Hà Nội để đón cụ con.

Ông L. ra bộ ngạc nhiên:

- Ở Hà Nội về làng ta, chỉ hết một hào ô tô. Thế mà cũng bắt xe nhà đi đón, sao mà cụ mày cẩn thận quá vậy!
Anh xe lắc đầu:

- Không phải cẩn thận. Chỉ vì độ này ở nhà không có việc gì, cụ con sợ con chơi không, nên mới bắt con đánh xe đi đón cho khỏi tốn một hào chỉ.

Rồi hắn nói tiếp:

- Trong mấy năm nay, cụ con đi đâu một bước cũng dùng xe nhà. Không chịu mất một đồng tiền xe, tiền tàu nào hết. Nhiều hôm con phải chết dở với cái xe ấy.

Như muốn mượn câu chuyện của hắn để tiêu thì giờ, ông L. lại gặng:
- Xe hỏng hay sao?

Anh xe cầm chiếc nón rách vừa quạt vừa nói: - Nào nó có hỏng đi cho, đã phúc nhà con! Rồi hắn ngửa mặt nhìn ông L.:
- Thưa cậu, từ làng ta đến làng V.Đ ước chừng bao nhiêu cây- lô-mếch?

Ông L. bấm đốt ngón tay và đáp:

- Tất cả đến sáu chục cây. Làng ta đến Hà Nội hơn mười cây, Hà Nội đến Hà Đông hơn mười cây, Hà Đông vào V.Đ hơn ba mươi cây.

Anh xe nhành mồm lè lưỡi:

- Trời ơi! Sáu chục cây số kia! Thế mà năm ngoái, khi sang V.Đ đưa ma, cụ con cũng bắt con kéo đi đấy. "Bữa ấy, cũng vào mùa hè; cụ con dậy từ gà gáy, sai người gọi con đưa xe ra cổng. Ngoài đường, trời tối như mực, con phải đi dò từng bước, kẻo sợ đâm xuống vệ đường. Lệ thường ở nhà cụ con, chắc cậu đã biết, hôm nào cũng đến chín giờ thì ăn cơm sáng. Hôm ấy, vì còn sớm quá, người nhà chưa nấu cơm, cụ con cũng đi lòng không, thì con còn được miếng gì vào miệng! Ra đến Hà Nội, con đã đói, nhưng phải cố gượng và tưởng thế nào vào đến Hà Đông, cụ con cũng cho ăn quà. Té ra không, khi qua Hà Đông cụ con chỉ cho vào hàng uống một bát nước, rồi lại bắt kéo đi liền. Trời nắng, bụng đói, con đã vàng cả hai mắt, uể oải lôi đôi càng xe, chẳng khác gì thằng ốm dở. Tới V.Đ. cụ con vào nhà đám, con phải nằm lử trong xe. Đến lúc người nhà gọi cho ăn cơm, thì con mệt quá, nhai không buồn nuốt.

"Hôm sau, đưa đám xong rồi, cụ con lại bắt kéo về. Tuy rằng sáng nay có được ăn uống no nê, nhưng vì hôm trước phải chạy kiền kiệt cả ngày, cho nên con thấy mỏi mệt hết sức. Tới Hà Đông, con đi thủng thẳng bước một, giống như người đi xe giờ. Cụ con bảo con cố kéo về đến Hà Nội sẽ nghỉ. Nhưng đến Thái Hà chân con như bị rời ra, không thể nào mà bước đi được. Cùng quá, cụ con bảo con kéo vào nhà một ông bạn trong ấp, để cho con ngủ một đêm. Nói đến đấy, anh xe đứng dậy, đến chỗ chúng tôi xin mồi thuốc lào:

- Ấy, con đi làm như thế, mà một đồng xu mua thuốc không có, quanh năm cứ phải ăn xin. Nhiều khi con đã cố từ, nhưng nghiện nặng quá, không sao từ được!

Ông L. véo thuốc cho hắn:

- Thế, tiền công của mày để đâu?

Hắn đón mồi thuốc bằng một dáng buồn rầu:

- Bẩm cậu, nhà con nó quến đi mất. Ông L. tỏ vẻ ái ngại:

- Vợ mày đi mất rồi à?

- Bẩm không! Nhà con nó mới chết ạ!

Vừa nói, hắn vừa trở lại chỗ ngồi của hắn bằng một bộ điệu chán nản.

Ông L. lại hỏi:

- Thế sao nó lại quến được tiền công của mày?

- Thưa cậu, cho con hút xong điếu thuốc, sẽ xin kể để cậu nghe.

Rồi hắn vội vàng đặt thuốc vào điếu, lấy đóm châm lửa. Và bằng thái độ của kẻ nghiện nặng nhưng nhịn đã lâu, hắn hóp hai má hút một hơi dài. Như muốn để cho hơi thuốc ngấm vào xương cốt, hắn cố ngậm khói trong miệng hồi lâu, rồi mới há miệng cho nó từ từ đùn ra. Hai mắt lờ đờ nhìn sang ông L. hắn tiếp:

- Cảnh con bây giờ khổ quá, cậu ạ! Từ giữa năm ngoái, nhà con bị bệnh hậu sản, nhưng nó vẫn gượng đi làm. Đến đầu tháng mười thì nó ốm nặng, suốt ngày suốt đêm chỉ nằm trên giường và ho khù khụ. Bấy giờ con vào làm cho cụ con mới được một tháng, tiền công lĩnh rồi, lại phải vay thêm năm đồng nữa, lấy tiền thuốc men cho nó. "Giả sử trời để nó sống, thì số tiền ấy, chúng con trả trong vài tháng cũng hết. Chẳng ngờ thuốc uống không chuyển, bệnh nó chẳng những không bớt, lại cứ mỗi ngày một tăng, rồi cuối tháng một, nó chết."

Nói đến đấy, hắn bỗng ngừng lại. Một giọt nước mắt từ trong khóe mắt rơi xuống mặt đất. Im lặng chừng độ nửa phút, hắn lại rẽ ràng nói thêm:

- Lệ của làng ta, chắc cậu đã rõ. Một người nằm xuống, dù giàu dù nghèo, nhà chủ cũng phải giết một con lợn đãi "phe" một bữa dấm ghém, phe mới khiêng cho. Không được thế, thì phải nhờ cậy họ mạc khiêng giúp. Nhà con tuy còn ít tuổi, nhưng nó là người thiên hạ và cũng hẳn hoi với con, nếu để họ khiêng, thì sợ tủi vong hồn nó, và rồi con cũng không mặt mũi nào trông thấy anh em nhà vợ nữa. Vì thế, con phải cố lo bữa rượu để mời hàng giáp. "Một con lợn, mươi nồi gạo, vài chục chai rượu, tất cả cũng hơn ba chục đồng, chưa kể quan ván của nó. "Trong nhà không có đồng nào, một chốc phải tiêu đến bấy nhiêu tiền, cậu bảo lấy ở đâu ra? "Nếu nhà vợ con mà được giàu có, thì con cũng không khổ lắm. Nhưng mà bên ấy cũng không có gì, bà nhà con và các cậu nó chỉ giúp cho được hơn mười đồng.

Còn thiếu, con lại phải kêu cụ T. "Cụ con bằng lòng cho con vay thêm hai nhăm đồng nữa, với năm đồng trước thành ba chục đồng. Cho người khác vay, cụ T. vẫn đều tính lãi mỗi đồng một tháng sáu xu, vì con là kẻ tôi tớ cụ con cũng thương, nên mỗi đồng một tháng chỉ lấy năm xu, nhưng tháng nào phải trả lãi ngay tháng ấy, còn gốc chịu đến bao giờ cũng được. "Tiền công của con ở đấy, mỗi tháng được một đồng rưỡi; trừ vào tiền lãi là vừa. Từ cuối năm ngoái đến giờ, quần áo rách như bươm bướm, con cũng không có đồng nào mà may.

Rồi với hai hàng nước mắt giàn giụa, hắn kết luận:

- Đời con không còn lúc nào trả xong được món nợ ấy. Bây giờ đã vậy, không biết rồi khi về già, không kéo nổi cái xe kia nữa, thì làm thế nào?

Ông L. cười và bảo tôi:

- Một bữa "lệ làng" có thể gây cho người ta món nợ lãi chung thân không trả hết.



Ngô Tất Tố
VIỆC LÀNG
MỘT CÁI THẢM TRẠNG

Lúc bấy giờ, trời đã nhá nhem tối, trống mõ trong các làng đã dồn dập thu không, hồi chuông chiêu mộ trong tam quan chùa ngân nga gieo vào khoảng không gian tĩnh mịch để cảnh cáo cho mọi người trong thôn sự kết liễu của một ngày. Những cái cảnh sắc chốn thôn trang, nơi đồng ruộng đều bắt đầu chìm đắm trong cõi u âm lặng lẽ. Trên con đường đất quanh co khúc khuỷu, còn thấy có hai cái bóng đen đương mập mờ chuyển động. Một cái chớp nhoáng trên không trung dọi xuống, người ta nhận thấy hai cái bóng ấy là hai người đương ì ạch dìu nhau, một người thì cao lớn lực lưỡng đương lễ mễ bên người thấp bé, lả lướt như chẳng buồn đi. Hai cái bóng ấy dần dần tiến về phía cổng làng. Càng lại gần, càng nghe thấy tiếng rên rỉ, rền rẫm. Tiếng người đàn ông thở hổn hển như thiết tha khuyên nhủ:

"Cố đi mấy bước nữa, gần đến nhà ta rồi, mình cố bước lên cho tôi đỡ mệt".

Tiếng người đàn bà yếu ớt thều thào đáp lại:

"Đau lắm!... Nhọc lắm!... Sẽ nó tụt ra đây này!... Thôi để tôi ngồi dựa gốc đa kia, mình mau mau chạy về gọi ai ra đỡ tôi vậy".

Người đàn ông ra dáng ngần ngừ rồi nói:

"Hay mình chịu khó nằm ngửa trên lưng tôi để tôi cõng vậy, vì ở đây xa làng xóm, trời thì gió lạnh, sắp mưa, ở lại đây nếu có sự gì chất ngại thì khốn! Thôi, cố về đến nhà cho yên dạ".

Nói rồi không đợi cho người đàn bà đáp lại, ráng hết sức cắp ngang người vợ lên lưng, chạy một mạch tới cái điếm đầu làng, bỗng người trên lưng tụt xuống, thoáng nghe thấy tiếng trẻ khóc. Một tiếng dõng dạc trong điếm hỏi ra:

- Ai?

- Tôi xin bác làm ơn...

Người đàn ông chưa nói dứt thì mấy anh tuần đã vội nhảy cả ra, rồi cùng reo:
- Vợ đĩ Tít đẻ anh em ạ!

Người đàn ông vội sụp xuống lạy, khẩn khoản van lơn xin ngơ đi cho để đem vợ về tới nhà.
Bỗng một tiếng của bác trương lẫm liệt thét ra: - Không được, việc này rất quan hệ, đàn em đâu, hãy chạy vào trình cụ tiên xem cụ dạy thế nào đã, anh em mình quyền rơm vạ đá, ăn chẳng có thì tội gì mà để khó đến thân".

Bác đĩ Tít hu hu bưng mặt khóc, để mặc vợ rũ rượi tóc tai. Dưới ánh mồi lửa của bọn tuần, mẹ con người khốn nạn đầm đìa trong vũng máu! Một anh tuần chạy đi một lát thì bỗng thấy đèn lửa lập lòe trong xóm đi ra, người lớn trẻ con lốc nhốc kéo theo cụ tiên chỉ. Cụ mình khoác áo bông, chân đi guốc gộc, đầu bịt chiếc khăn bông, lòa xòa một chòm râu trắng xóa. Hai con mắt hoăm hoắm dưới bộ lông mày bạc nhìn theo mấy anh tuần chỉ trỏ rồi cụ cất tiếng hỏi:

- Vợ chồng thằng Tít đấy phải không?

Một tiếng dạ run run trong cổ bác Tít đưa ra còn nghẹn ngào nức nở.

- Gô cổ mẹ nó ra gốc đa kia cho ông! Hừ! Sinh dữ tử lành, chúng bay còn không biết à? Trời đất dân làng đang yên lành thế này, chúng bay dám rước vạ làng ông chăng? Năm xưa đã thằng cu ốc đem vợ đẻ về làng, rồi trong làng sinh dịch lệ tứ tung, tiễn tống khốn khổ, chúng bay còn không nhớ à? Dù phép vua còn phải thua lệ làng, chúng bay làm trái lệ làng thì chúng bay còn hòng ở làng nữa hay không? Chúng bay tưởng ông không trừng trị nổi chúng bay à? Tuần đâu rong lên, gô cổ con mẹ ấy ra ngoài kia, chỗ dây máu kia thì lấy nắm rác đốt lên rồi rẫy cho sạch đất đổ xa đi, còn thằng Tít thì trói nó vào cái điếm kia, mai ông sẽ liệu!...

Dứt lời oanh liệt của bậc chí tôn, bác Tít người run như cày sấy, sụp lạy cụ Tiên, cầu khẩn xin cho theo ra để tìm cái che đậy cho vợ con khỏi rét mướt rồi sẽ xin vào chịu tội. Mấy bác tuần răm rắp dạ, người lớn trẻ con trong xóm đều ngấm nguýt đua nhau thóa mạ:

"Đàn bà thối thây dầy da, kỳ sinh nở chẳng biết liệu lại còn định dẫn nhau về để chực gieo vạ cho làng".

Cũng có người động mối thương tâm, kẻ thì thổi cơm, người thì nấu nước đem ra cho, lại xúm nhau ôm rơm rác, chiếu nong cho để làm lều làm túp. Cũng có kẻ lại sợ vía van, sợ cung long chẳng dám lại gần. Dù có cái phong tục cổ truyền là cấm người đem gái đẻ về làng chẳng hề ai há miệng nói sao, cũng chẳng ai hiểu vì sao mà độc.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top