Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Bảo Đại sinh ngày 22-10-1913, là con trưởng của vua Khải Định và bà Hoàng Thị Cúc. Sự nghiệp của Bảo Đại bắt đầu khi lên ngôi năm 1926 và coi như kết thúc vào năm 1955 sau khi bị Ngô Đình Diệm phế truất khỏi chức vụ Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.
Tháng 4-1922, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, vua Khải Định cùng Thái tử Vĩnh Thụy sang Pháp tham dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Thời gian ở Pháp, Khải Định được tận mắt thấy sự phát triển của kinh tế, khoa học, công nghiệp phương Tây. Muốn Vĩnh Thụy được tiếp xúc, học hỏi những điều mới lạ ấy, vua quyết định cho Thái tử đi du học.
Từ tháng 6-1922, Thái tử Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và học ở trường Lycée Condorcet.
Lên ngôi
Tháng 11-1925, vua Khải Định mất, Vĩnh Thụy về nước thọ tang cha rồi lên ngôi ngày 08-01-1926, lấy niên hiệu Bảo Đại khi mới 13 tuổi. Sau đó Bảo Đại sang Pháp tiếp tục du học, hết năm học chuyển sang trường Hattemer, rồi từ năm 1930 học tại trường Khoa học Chính trị ở Paris. Tháng 9-1932, Bảo Đại về nước chấp chính.
Lúc Thái tử đi du học, vua Khải Định căn dặn các quan đại thần đi theo chỉ bảo thêm cho Thái tử về Nho học để kiến thức được hoàn thiện, khi thành tài có được tư chất hoàn hảo. Song những ông thầy người Pháp đã nhanh chóng cách ly Vĩnh Thụy khỏi những bậc túc nho.
Trong thời gian du học, báo chí phương Tây ít nói về việc học của Bảo Đại, song những thú vui của ông như nhảy đầm, quần vợt, đua xe, đua thuyền… lại thường xuyên được đề cập đến. Vì lẽ ấy nên hầu như không có thông tin về kết quả học tập sau 10 năm du học của Bảo Đại.
Năm 1932 khi Bảo Đại về nước, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương để mị dân đã tuyên truyền rộng khắp và tổ chức rầm rộ sự kiện này, đồng thời cũng xuất bản cuốn sách “Nước Việt trong lúc hồi xuân” để gióng trống cho sự hồi loan của Bảo Đại.
Bảo Đại cai trị với sự phụ lực của hai cơ cấu điều hành (đã có từ trước), có những Bộ trưởng phụ trách. Cơ cấu thứ nhất là Viện Cơ mật, chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề quan trọng trong nước và phụ chính khi vua đi vắng. Cơ cấu thứ hai là Nội các, coi như Chính phủ trung ương, đứng trung gian giữa vua và các bộ trưởng. Nội các chia làm sáu bộ do sáu vị Thượng thư đứng đầu là bộ Lại (Nội vụ), bộ Hộ (Tài chính), bộ Lễ (bộ Học), bộ Hình (Tư pháp), bộ Binh (Quốc phòng), bộ Công (Công chính). Nội các điều hành toàn thể công việc trong nước.
Những dự định cải cách
Những công việc đầu tiên trong thời gian trị vì của Bảo Đại là dự định cải cách. Ngày 10-12-1932, Bảo Đại công bố một đạo dụ loan báo ý định cầm quyền dưới hình thức quân chủ lập hiến (gần giống như hình thức nhà nước của Anh, Nhật Bản hay Thụy Điển bây giờ), cải tổ bộ máy quan lại, ngành giáo dục và ngành tư pháp. Lời tuyên bố ấy được dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh, đặc biệt là giới trẻ đang muốn canh tân.
Ngày 02-5-1933, Bảo Đại ban hành một đạo dụ khác nhằm đặt cơ cấu của sự cải cách. Để trẻ hóa bộ máy quan lại, Bảo Đại chọn những người trẻ, tân học bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng: Nguyễn Đệ làm Bí thư riêng, Phạm Quỳnh (35 tuổi) làm Tổng lý Ngự tiền Văn phòng [Phạm Quỳnh là người được Pháp tín cẩn và giới thiệu cho Bảo Đại bổ nhiệm. Với chức vụ then chốt của Phạm Quỳnh, người Pháp hoàn toàn yên tâm trước những cải cách, bổ nhiệm của Bảo Đại], Ngô Đình Diệm (31 tuổi) đảm trách bộ Lại (Đồng thời là người đứng đầu Hội đồng cải cách), bộ Hình được giao cho Bùi Bằng Đoàn (51 tuổi), có bằng luật khoa đảm nhiệm.
Trước những nỗ lực cải cách của Bảo Đại, người Pháp luôn âm thầm chống đối. Thời ấy, nếu có người Việt Nam nào được bổ nhiệm vào ngạch Tây, cùng chức, cùng trật như đồng nghiệp người Pháp, họ cũng không được hưởng cùng quy chế lương bổng như người Pháp. Từ chỗ ấy xuất hiện nạn hối lộ, tham nhũng làm nản lòng các phần tử tốt, khiến họ không muốn đi vào ngạch hành chính hay chuyên môn để phục vụ đất nước mà làm việc trong các lĩnh vực tư để sinh nhai.
Những nỗ lực cải cách của Bảo Đại rất đáng ghi nhận, song xét đến thực tế lúc bấy giờ người Pháp nắm mọi quyền hành, cai trị trực tiếp nên những nỗ lực của Bảo Đại hoàn toàn tê liệt. Bảo Đại ý thức rõ một điều: các quyền tự do chính trị trên thực tế hoàn toàn không có. Tình hình Đông Dương lúc bấy giờ không có một nét gì trùng khớp với tinh thần dân chủ tại nước mẹ Đại Pháp. Bảo Đại rơi vào tình thế bất lực: nếu cứ ngoan ngoãn để mặc thì rất có ích cho thực dân Pháp, song nếu vượt qua khuôn khổ người Pháp đã định sẵn thì chịu chung số phận với các vị tiên đế (vua Duy Tân, vua Thành Thái, vua Hàm Nghi) là điều có thể thấy trước được.
Vua Hàm Nghi (1871-1943) lên ngôi năm 1884 – 13 tuổi. Trong bối cảnh thực dân Pháp ngày càng can thiệp sâu vào công việc của triều đình, ngày 23-6-1885 Tôn Thất Thuyết (người đứng đầu phe chủ chiến trong triều đình) cho nổi súng tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ. Cuộc tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết phò vua ra Tân Sở – Quảng Bình tiếp tục lãnh đạo phong trào chống Pháp. Năm 1888, vua bị tên phản thần Trương Quang Ngọc bắt nộp cho Pháp. Pháp đưa vua đi đày ở Algérie – thuộc địa Pháp ở Bắc Phi vào năm 1889. Vua ở đây cho đến khi mất năm 1943.
Vua Thành Thái (1879-1954) lên ngôi khi mới 10 tuổi, ở ngôi được 18 năm. Ông là vị vua có tư tưởng tiến bộ (cắt tóc ngắn, lái ô tô, xuồng máy…) và nhất là tinh thần chống Pháp. Do đó, Pháp tung tin vua bị bệnh điên để ép ông thoái vị. Năm 1907, Pháp đưa ông đi quản thúc ở Vũng Tàu, đến năm 1916 thì đưa đi đày sang đảo Réunion – thuộc địa Pháp ở châu Phi. Năm 1947 ông được cho về Việt Nam.
Vua Duy Tân (1900-1945, con vua Thành Thái) lên ngôi năm 1907 – 7 tuổi. Tuy còn trẻ nhưng ông sớm ý thức được nỗi đau mất nước. Vua cùng Trần Cao Vân và Thái Phiên là hai lãnh tụ của Việt Nam Quang phục hội dự trù kế hoạch khởi nghĩa chống Pháp. Kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp bắt vua và dụ dỗ quay trở lại ngai vàng nhưng vua không chấp nhận làm một hoàng đế bù nhìn. Cuối cùng, Pháp ép triều đình Huế làm bản luận tội vua, phế ngôi và đưa đi đày sang đảo Réunion vào ngày 20-11-1916. Duy Tân mất trong một tai nạn máy bay tại Trung Phi, nhiều người nghi ngờ vụ tai nạn là một âm mưu ám sát bí mật.
Giữa tình thế bất lực của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ lần lượt từ chức, cải cách thất bại. Bảo Đại để mặc cho Phạm Quỳnh lèo lái, múa may trên sân khấu chính trị lúc bấy giờ. Dẫu sao đi nữa, trước tòa án của lịch sử, nhà vua chẳng phải là kẻ tội nhân.
Năm 1934, Bảo Đại làm đám cưới với Marie Therese Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái điền chủ Nguyễn Hữu Hào người miền Nam, đạo Công giáo – theo lời giới thiệu của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Bảo Đại tấn phong cho vợ là Nam Phương Hoàng hậu.
Chiến tranh thế giới thứ II và sự thất bại của Pháp
Ngày 01-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Đức tấn công Ba Lan, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Dù tuyên chiến, song 110 sư đoàn liên quân Anh – Pháp (so với 23 sư đoàn quân Đức) đang đóng ở sát biên giới Đức không có bất kỳ hành động nào để bảo vệ đồng minh Ba Lan mà chỉ muốn ngồi chờ Đức tấn công Liên Xô như họ đã dự tính.
Ngày 10-5-1940, trước đà chiến thắng trên chiến trường châu Âu, Đức tấn công Pháp. Trong vòng một tháng, chính phủ Pháp tuyên bố đầu hàng. Hầu hết lãnh thổ Pháp bị lực lượng Đức chiếm đóng, phần lãnh thổ còn lại và thuộc địa của Pháp do chính quyền bù nhìn Vichy điều hành dưới sự khống chế của Đức.
Ngay từ trước khi Thế chiến thứ II bùng nổ thì ở Châu Á – Thái Bình Dương, quân Nhật đã chiếm đóng hầu hết các khu vực thành thị và công nghiệp tại Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc không có hai tài nguyên quan trọng trong việc phát triển và đảm bảo an ninh của Nhật: dầu mỏ và cao su. Song, thất bại 2 lần liên tiếp trong Chiến tranh biên giới Xô – Nhật đã khiến Nhật từ bỏ ý định tấn công lên phía Bắc. Một mục đích nữa cho việc Nhật mong muốn kiểm soát Đông Dương là cắt đứt một trong những tuyến viện trợ chính của Hoa Kỳ cho Trung Quốc qua cảng Hải Phòng và tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam.
Ngày 19-6-1940, lợi dụng hoàn cảnh Pháp bị Đức tấn công, Nhật Hoàng gửi tối hậu thư cho Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ngày 20-6 Nhật nổ súng tấn công. Tháng 7-1941, Nhật – Pháp ký Thỏa ước mở cửa toàn thể Đông Dương cho quân đội Nhật. Nhân dân Việt Nam rơi vào hai tầng thống trị: Pháp, Nhật.
Nhật đảo chính Pháp, giai đoạn cầm quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim
Năm 1945, Thế chiến thứ II bước vào giai đoạn kết thúc. Cục diện trên chiến trường diễn biến bất lợi cho phe Trục (Đức, Italia, Nhật). Để cứu vãn tình thế, ngày 09-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam và nêu mục đích thiết lập Đại gia đình Đông Á.
Ngày 11-3, Bảo Đại ra dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước đã ký với Pháp, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Sau khi chuẩn y cho Nội các cũ từ chức, Bảo Đại bổ nhiệm Trần Trọng Kim làm Thủ tướng, giao cho quyền thiết lập chính phủ mới. Ngày 07-4-1945, Bảo Đại chuẩn y Chính phủ mới do Trần Trọng Kim thiết lập. [Bảo Đại có ý định sắp xếp Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, song Ngô Đình Diệm không có được cảm tình của người Nhật, nên theo lời giới thiệu của những người thân cận Bảo Đại đã đưa Trần Trọng Kim lên thay, Ngô Đình Diệm không xuất hiện trong Nội các mới]
Trong bối cảnh sự thất bại của quân Nhật trước quân Đồng minh ngày càng hiện rõ, Bảo Đại cùng Chính phủ Trần Trọng Kim muốn nhân cơ hội này để một mặt hạn chế bớt những tham lam của Nhật, mặt khác chuẩn bị đối phó với khả năng Pháp tái chiếm Đông Dương. Bảo Đại bổ nhiệm Phan Kế Toại làm Khâm sai Đại thần ở Bắc Kỳ.
Ngày 03-5, Bảo Đại ban bố một bản Tuyên chiếu với nội dung sẽ triệu tập một Hội nghị lập hiến để khởi thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam căn cứ vào sự thống nhất đất nước, vào cần lao, tự do chính trị, tự do tôn giáo và tự do nghiệp đoàn với khẩu hiệu “Dân vi quý” (Dân trên hết).
Chính phủ mới tập hợp chặt chẽ giới trẻ ở Việt Nam, tiến hành đào tạo cán bộ phục vụ cho nền độc lập quốc gia, bãi bỏ một số thứ thuế vô lý và miễn đóng thuế thân cho các hộ quá nghèo. Tháng 6-1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam, sa thải các nhân viên người Pháp, thay thế bằng những viên chức người Việt Nam. Chính phủ tiến hành hợp nhất các cơ sở công quyền của người Pháp với cơ sở của Hoàng gia. Chính quyền Nhật hứa hẹn sẽ phân quyền cai trị trả về ba nước Việt, Lào, Miên sau khi bộ máy Chính phủ Liên bang Đông Dương do người Pháp thiết lập trước đây bị thủ tiêu hoàn toàn.
Chiến tranh thế giới thứ II bước vào những giờ phút cuối cùng. Không quân Mỹ oanh tạc quân Nhật trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Cũng trong tháng 6-1945 , Nhật Bản hứa hẹn vào tháng Tám sẽ trao trả tất cả các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền và trả lại các nhượng địa [mà Pháp đã nhượng cho Nhật hồi năm 1940] ở Hà Nội, Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng).
Ngày 06 và 09-8-1945, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật. Trần Trọng Kim đệ đơn xin từ chức, Bảo Đại yêu cầu ông tiếp tục giải quyết công việc cho đến khi có lệnh mới. Ngày 15-8, Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 16, Đại sứ Nhật Hoàng tại Việt Nam Yokohama trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho Bảo Đại. Nước Việt Nam thống nhất.
Ngày 17-8, Nội các Trần Trọng Kim họp, ra thông điệp gửi người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân quốc kêu gọi tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Ngày 18-8, Bảo Đại ra lệnh thành lập một Hội đồng Cứu quốc dự định tập hợp tất cả các đảng phái chính trị để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu nếu người Pháp còn ngoan cố không chịu nhìn nhận nền tự chủ của Việt Nam.
Cũng trong lúc này, Cách mạng tháng Tám đang đạt được những biến tiến to lớn. Ngày 15-5 Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế bắt đầu phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Một số cán bộ Việt Minh đã gặp gỡ và vận động nhiều nhân vật quan trọng trong Chính phủ Trần Trọng Kim đi theo cách mạng. Đối với vua Bảo Đại, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe được giao nhiệm vụ vận động thoái vị.
Thoái vị
Trước sự phát triện mạnh mẽ của phong trào cách mạng, ngày 30-8-1945 sau gần 19 năm trị vì, Bảo Đại làm lễ thoái vị trước cửa Ngọ Môn, bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời, chấm dứt vai trò của một hoàng đế, đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến Việt Nam. [Sự kiện Bảo Đại thoái vị sẽ được trình bày cụ thể trong những bài viết kế tiếp]
Sau khi thoái vị, tháng 9-1945 Vĩnh Thụy được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn tối cao cho Chính phủ lâm thời Việt Nam và là một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong cuộc bầu cử ngày 06-01-1946, Vĩnh Thụy được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I.
Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam
Tháng 3-1946, Vĩnh Thụy trong chuyến công tác nước ngoài đã lưu lại Trung Quốc rồi viết thư về nước xin từ chức Cố vấn tối cao. Cuối tháng 9-1945, với sự hỗ trợ của quân Anh, Pháp tái xâm lược Việt Nam. Năm 1947, nhằm xây dựng một chính quyền đối lập với Chính phủ cách mạng, thực dân Pháp cùng các lực lượng, phe phái chính trị thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp. Tháng 5-1947, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp cử phái đoàn đến Hồng Kông gặp Bảo Đại để thuyết phục ông thành lập một Chính phủ trung ương và đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam.
Năm 1947, cựu trùm mật thám Pháp ở Đông Dương Cousseau đã tiếp xúc với Bảo Đại tại Hồng Kông, mời ông về nước nắm quyền, hình thành nên “giải pháp Bảo Đại”. Đây thực chất là âm mưu của Pháp nhằm đối phó với cuộc kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này, Bảo Đại mới nhận xét rằng “Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp.”
Năm 1947 được xem là năm khởi đầu Chiến tranh lạnh – giai đoạn đối đầu giữa hai hệ thống Xã hội Chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và Tư bản Chủ nghĩa do Mỹ làm đầu sỏ. Mỹ lo ngại trước làn sóng Cộng sản đang tràn xuống Đông Nam Á theo thuyết domino, cộng với âm mưu thay thế Pháp ở Đông Dương nên Mỹ đã ra sức viện trợ cho thực dân Pháp hòng hai mục đích: một là ngăn chặn sự lan rộng của Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á, hai là tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ sau này thực hiện âm mưu thay chân Pháp ở Đông Dương.
Ngày 07-12-1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập cái gọi là Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Song, sự độc lập chính trị của nhà nước Quốc gia Việt Nam được quy định trong Hiệp ước Vịnh Hạ Long quá nhỏ nên hiệp ước này bị Ngô Đình Diệm và những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích.
Áp lực từ phía Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp buộc Bảo Đại thương lượng với người Pháp để bổ sung, sửa đổi Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Ngày 08-3-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại ký Hiệp ước thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại.
Quốc gia Việt Nam tồn tại với sự hậu thuẫn của người Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, Pháp rút khỏi Đông Dương. Chính quyền và quân đội Quốc gia Việt Nam tập kết ở miền Nam chờ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Tháng 10-1955, khi Quốc trưởng Bảo Đại đang ở Pháp, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại để giành quyền lãnh đạo. Kể từ đó Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp cho đến khi qua đời ngày 31-7-1997.
_________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bảo Đại (1990), Con rồng Việt Nam – Hồi ký chính trị 1913-1987, NXB Xuân Thu.
- Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung (2015), Cách mạng tháng Tám vá sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
- Lê Thái Dũng (2016), Những chuyện thú vị về các vua triều Nguyễn, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
- Nghiêm Kế Tổ (1954), Việt Nam máu lửa, NXB Mai Lĩnh, Sài Gòn.