Vị trí của Nguyễn Du trong lịch sử văn hóa, văn học dân tộc

hoaithudds

New member
Xu
0
VỊ TRÍ CỦA NGUYỄN DU TRONG LỊCH SỬ VĂN HÓA, VĂN HỌC DÂN TỘC


I/ MỞ BÀI


Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trong thấy mà đau đớn lòng

Nếu có ai đã từng xót xa trước 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều, từng đau buồn cho gia cảnh oan trái của Vương Viên Ngoại, từng tiếc nuối vì cuộc tình tan vỡ giữa Thúy Kiều– Kim Trọng, từng khóc thương trước cái chết của Từ Hải, từng hả hê khi thấy Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư… bị trừng trị… thì chắc chắn sẽ nhớ mãi Nguyễn Du- một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc và cũng chính là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc và thế giới.

Nguyễn Du được tôn vinh là một trong ba nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Mọi người biết tới ông không chỉ là một nhà thơ lớn với kiệt tác Truyện Kiều mà còn chính là nhờ vị trí, vai trò to lớn của ông trong lịch sử văn hóa văn học Việt Nam. Năm tháng trôi qua với những biến cố thăng trầm của lịch sử song những đóng góp của Nguyễn Du vẫn trường tồn mãi cùng thời gian và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó đã phần nào thể hiện tầm quan trọng của ông một con người “ thấu cả sáu cõi, nghĩ suốt nghìn đời”.


II/ THÂN BÀI

CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
1. Cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du

- Cuộc đời
Nguyễn Du (1766 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc. Cha ông là Nguyễn Nghiễm rất thông minh, làm tể tướng trong triều Lê. Mẹ là Trần Thị Tần, người Kinh Bắc. Anh trai là Nguyễn Khản, làm chức tại bộ thượng thư. Sinh ra trong một gia đình quan lại, có truyền thống văn học, năng khiếu thơ văn của Nguyễn Du sớm có điều kiện nảy nở và phát triển. Từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ. Tuy nhiên những ngày sống trong cuộc sống sung sướng, ấm êm của một gia đình quý tộc giàu sang đã không kéo dài được bao lâu, những biến cố của cuộc sống đã đẩy cuộc đời ông bước sang một trang mới. Năm 12 tuổi ông mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống nhờ gia đình người anh. Năm 1783 ông thi đậu Tam trưởng và 1 năm sau, khi Nguyễn Khản gặp bất biến phải chạy loạn, ông mất hết nơi nương tựa và được một người cha họ Hà ở Thái Nguyên nhận làm đỡ đầu, từ đây ông sống cuộc sống long đong. Năm 24 tuổi, ông về Thái Bình và có ý định vào Nam theo Nguyễn Ánh chống lại quân Tây Sơn nhưng gặp biến cố nên ông trở về quê Hà Tĩnh sống cuộc sống đói khổ, bệnh tật và mang một nỗi buồn thời cuộc.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ phong trào Tây Sơn, mời Nguyễn Du ra làm quan, từ chối mãi không được Nguyễn Du đành chấp nhận ra làm quan nhà Nguyễn. Năm 1805, ông được thăng Đông Các điện học sĩ, tước Du Đức Hầu.Năm 1813, ông được thăng chức Cần Chánh điện học sĩ, được cử đi làm Chánh Sứ đi Trung Quốc. Khi về nước ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri
Khi Minh Mạng lên ngôi đã cử Nguyễn Du đi sứ lần nữa nhưng chưa kịp đi thì ông bị bệnh mất tại Huế vào năm 1820.

Nguyễn Du được xem là nhà thơ lớn của Việt Nam từ trước đến nay. Với những công lao và đóng góp to lớn của ông, nhân dân ta luôn tôn kính và gọi ông là “đại thi hào dân tộc”. Năm 1965, ông đươc UNESSCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Sự nghiệp:

Nguyễn Du là một người có kiến thức sâu rộng, am hiểu sâu sắc nền văn hóa văn học dân tộc và văn chương Trung Quốc. Cuộc sống từng trải, đi nhiều nơi, tiếp xúc nền văn hóa của nhiều nơi đã tạo cho ông một vốn sống phong phú và sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống khổ cực của nhân dân. Là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo sâu sắc đóng góp của Nguyễn Du trong sự nghiệp văn chương là hết sức to lớn. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị to lớn cả về chữ Nôm và chữ Hán. Về chữ Hán Nguyễn Du có ba tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục với tổng số 243 bài. Về chữ Nôm xuất sắc nhất là Đoạn trường tân thanh (hay gọi là Truyện Kiều), ngoài ra còn có Văn chiêu hồn, Thác lời trai phường nón, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ.

Như vậy, qua các sáng tác của Nguyễn Du chúng ta có thể thấy, nét nổi bật trong đó là sự cảm thông sâu sắc của ông đối với cuộc sống, con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh. Điều đó đã khiến ông được đánh giá là “tác giả tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX”.

2. Khái niệm văn hóa

Về khái niệm văn hóa thì có nhiều khái niệm, định nghĩa khác nhau, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau nhưng tựu trung lại có thể hiểu: Văn hóa là thành ngữ chỉ những giá trị được hình thành trong lịch sử, đời sống, trong quá trình phát triển của cộng đồng. Văn hóa bao gồm cả những giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Như vậy, chúng ta có thể thấy Nguyễn Du là người có vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình vận động, phát triển của văn hóa Việt, không chỉ là của dân tộc mà ông còn là danh nhân văn hóa thế giới. Ông là một trong ba gương mặt sáng giá của Việt Nam, một trong 500 gương mặt đáng kính của nhân loại năm 2000. Qua những đóng góp của Nguyễn Du trong lịch sử văn hóa, văn học dân tộc, chúng ta nhận thấy một điều rằng những sản phẩm của ông tạo ra đã góp một phần lớn vào việc làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc. Ông là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa – văn học Việt Nam. Suốt ba thế kỉ qua những đóng góp của ông về cả nội dung và nghệ thuật đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng chi phối nhiều mặt tới đời sống văn hóa của người Việt. Hoài Thanh cũng đã từng viết: “Nguyễn Du chắc chắn vẫn là tên tuổi lớn lao nhất trong toàn bộ nền văn học Việt Nam”. Những đóng góp của ông đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thi nhân Việt Nam sau này. Nguyễn Du xứng đáng là danh nhân văn hóa thế giới như UNESSCO đã công nhận.

3. Phạm vi nghiên cứu

Nguyễn Du là tác gia lớn của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học Trung Đại nói riêng. Trong lịch sử văn học Việt Nam, sáng tác của Nguyễn Du tự nó đã làm thành một thời đại. Ông có một vai trò lớn lao trong quá trình xây dựng truyền thống văn học dân tộc, trong sự hình thành ngôn ngữ của văn học Việt Nam. Những đóng góp của ông đến nay có thể thấy ông thành công trên cả hai phương diện chữ Hán và chữ Nôm. Qua những tác phẩm thơ văn của ông chúng ta đã phần nào hiểu hơn về những tư tưởng, tâm hồn, cuộc đời Tố Như cũng như khẳng định được tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông đối với dân tộc và thế giới. Về phương diện đóng góp của Nguyễn Du đối với lịch sử văn hóa văn học dân tộc chắc hẳn có nhiều phương pháp tiếp cận tìm hiểu khác nhau. Song với đề tài này chúng tôi nghiên cứu chủ yếu qua kiệt tác Truyện Kiều – một tác phẩm có giá trị cao và từng được xem là “một hiện tượng văn hóa” rồi từ đó làm nổi bật tầm ảnh hưởng của thi hào trong lịch sử văn hóa văn học dân tộc.

CHƯƠNG II NGUYỄN DU – ĐẠI THI HÀO DÂN TỘC, DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI

2.1 Nguyễn Du – người khai mở một chủ nghĩa, một tư tưởng mới

Có thể khẳng định một điều rằng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác xuất sắc đạt đến đỉnh cao sự hoàn thiện của truyện Nôm Việt Nam ở nhiều phương diện cả nội dung, tư tưởng, ý nghĩa xã hội lẫn nghệ thuật. Với những gì thể hiện trong tác phẩm, Nguyễn Du được xem là người khai mở một chủ nghĩa, một tư tưởng mà người ta hay gọi đó là “Chủ nghĩa nhân Đạo Nguyễn Du”.
Cả nhân loại đều biết đến Truyện Kiều như một bài ca lớn về giá trị nhân đạo, đó là một bài ca nhẹ nhàng với niềm thương cảm, xót xa sâu sắc trước những con người tài hoa bạc mệnh. Nhưng ta thấy đâu đó hiện lên sự nghiêm khắc của một bản cáo trạng về cái ác, cái bất công trong xã hội đương thời. Truyện kiều được nhìn nhận ở vị trí cao trong nền văn học trung đại , mà cho đến nay vẫn được đánh giá là “trẻ mãi không già”, là sự kết tinh hoàn mỹ đưa vị thế của Nguyễn Du lên vị trí đỉnh cao trong nền văn học, văn hóa dân tộc.

Trong Truyện Kiều, nổi bật bởi hai giá trị chính đó là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Đặc biệt ở tinh thần nhân đạo sâu sắc, ta tìm thấy ở Truyện Kiều cái hay của một con mắt tinh đời và sự cảm phục của một tấm lòng cao cả. Từ đó nhìn nhận được vai trò cũng như vị trí đỉnh cao trong nền văn học dân tộc của Nguyễn Du.

Truyện Kiều là sự thể hiện tình yêu tự do và khát vọng công lí, đồng thời là sự ngợi ca vẻ đẹp và phẩm chất con người. Xây dựng hình ảnh người phụ nữ hoàn mỹ về cả hình thức lẫn tâm hồn. Với ngòi bút tài hoa văn phong mẫu mực, Nguyễn Du đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc một cô Kiều tài sắc vẹn toàn, đồng thời hé mở một cách kín đạo về số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Bên cạnh đó, nhà thơ còn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người. Hình tượng nhân vật Thúy Kiều là một biểu tượng đẹp cho người phụ nữ Việt Nam - ở Kiều hội tụ đầy đủ về nhan sắc, về tài năng ,trí tuệ và cả sự bao dung - một biểu hiện sâu đậm cho tư tưởng nhân đạo của tác giả.
Đó là tài năng hơn người của Nguyễn Du để ông và tác phẩm của mình tồn tại mãi mãi cùng thời gian.

Truyện Kiều là lời tố cáo mạnh mẽ các thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người, đồng thời là lời bênh vực cho số phận người phụ nữ. Nguyễn Du thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những số phận bất hạnh mà nổi bật là người phụ nữ. Truyện Kiều là tiếng kêu đau đớn của nhà thơ trước cảnh những người lương thiện bị chà đạp và vùi dập, Nguyễn Du căm hận và khinh bỉ bọn người coi trọng đồng tiền hơn mạng sống của con người. Một cô Kiều tài sắc vẹn toàn đáng lẽ phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc ấm êm thì ở đây nàng phải long đong cuộc sống hết nơi này đến nơi khác chịu bao cay đắng xót xa trong xã hội đồng tiền, để rồi Nguyễn Du phải thốt lên rằng :

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Nếu như giá trị nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Trãi là nhân nghĩa ,là yêu nước hướng tới nỗi khổ của người dân mất nước thì Nguyễn Du lại hướng ngòi bút chủ đạo của mình tới những người tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến, đặc biệt là người phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại, quan điểm về tình yêu tự do, sự phá vỡ khuôn khổ của lễ giáo phong kiến được đề cao. Đặc trưng là chuyện tình tay ba giữa Thúy Kiều, Hoạn Thư và Thúc Sinh, có là cuộc tranh giành giữa hai người phụ nữ với nhau mà nguyên nhân chính là Thúc Sinh, nhưng hắn lại được xem như người vôt tội. Đó không phải là sai sót của Nguyễn Du, mà vì tác giả muốn làm nổi bật bản chất của chế độ nam quyền, người đàn ông vô can trong cuộc chiến giữa hai người phụ nữ. Chính giá trị nhân đạo này đã đưa Truyện Kiều thành một kiệt tác nghìn đời.

Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du thực sự là người khai mở cho một chủ nghĩa, một hệ tư tưởng mới : chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều là tấm lòng thương cảm cho số phận của những con người tài hoa bạc mệnh, những số phận mỏng manh yếu đuối; là khát khao công lí…Cái hơn người của Nguyễn Du ở đây là chủ nghĩa nhân đạo không phải chỉ hướng tới những đối tượng chung chung như các nhà thơ đương thời mà ông hướng tới những đối tượng, bản chất con người cụ thể trong xã hội phong kiến – xã hội mà quyền con người bị chà đạp, bị coi khinh; hơn hết đó chính là những người phụ nữ. Nguyễn Du thấu hiểu những vấn đề đó để rồi ông khai triển cho mình một tư tưởng mới, một chủ nghĩa mới. Ông xứng đáng là người có vị trí quan trong trong việc khai mở một chủ nghĩa, một tư tưởng để các nhà thơ, nhà văn hậu bối tiếp thu, sáng tạo.

2.2 Nguyễn Du – một đại diện tiêu biểu của sự tiếp biến văn chương Trung Đại

Cũng như các nhà thơ đương thời, trong các sáng tác của mình, Nguyễn Du đã có một sự tiếp nhận văn thơ từ nhiều nguồn một cách sáng tạo, như trong ca dao, tục ngữ dân ca của dân tộc. Tuy vây cái hơn người của Nguyễn Du là ở chỗ ông đã lấy cảm hứng từ văn học nước ngoài để sáng tạo nên một tác phẩm đạt đến độ viên mãn. Vì vậy Nguyễn Du thực sự là một cây đại thụ của dân tộc, một đại diện của tài năng, của sự tiếp biến của văn chương Trung đại Việt Nam

Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Du. Ông sáng tác Truyện Kiều dựa trên cốt truyện từ Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc. Dựa theo tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân không phải vì Nguyễn Du bí đề tài hay không đủ trình độ mà đó là một hình thức “tập cổ” – một cách thể hiện tài năng. Kim Vân Kiều truyện là một cuốn tiểu thuyết chương hồi nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm truyện thơ trong đó các nhân vật, tình tiết, ngôn ngữ mang đậm đặc điểm, sắc màu Việt. Tuy hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều vẫn được giữ nguyên như trong Kim Vân Kiều truyện nhưng với sự nhạy bén và tinh tế của Nguyễn Du các nhân vật hiện lên thật sinh động và có chiều sâu tâm lí được thể hiện độc đáo, đa dạng: Thúy Kiều, Hoạn Thư…; từ đó tạo điều kiện để các nhân vật bộc lộ tâm trạng. Mượn hệ thống nhân vật từ một tác phẩm rồi từ đó xây dựng một hệ thống nhân vật chân thật mang đậm quan điểm nhân văn là một bước thành công mới so với cách xây dựng nhân vật của các tác giả đương thời: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu…

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện một tài năng “bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc”. Ông đã tiếp thu một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn ngôn ngữ từ nhiều nguồn: ngôn ngữ bác học (một khối từ Hán Việt được sử dụng rất công phu, chọn lọc), vận dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tục ngữ ca dao lại được thể hiện trong một thể thơ lục bát truyền thống. Ngôn ngữ được Nguyễn Du gọt dũa công phu mang vẻ đẹp uyên bác, cách điệu nhưng lại mang đến cho ta cảm giác thông tục, gần gũi. Để làm được điều đó hơn ai hết chính là khả năng cảm nhận nhạy bén rồi mô phỏng những điều bản chất nhất, hoàn thiện nhất…

Truyện Kiều từ cốt truyện, tình tiết, phong tục, phong cảnh đều là của Trung Quốc nhưng không phải Trung Quốc. Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều dưới sự nhìn nhận bằng chính cái nhìn của người Việt Nam, cảm nhận nó bằng tâm thức của người Việt (cô Kiều của Nguyễn Du sống nội tâm, cách nhìn và giải quyết vấn đề nhân văn hơn cô Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân). Đồng thời ông cũng thừa nhận, sử dụng cái chung cái chuẩn phổ biến của nhân loại để đánh giá vấn đề, ông không đối lập dân tộc với nhân loại các quan niệm về chữ hiếu, cái đẹp, cái ác, nhân nghĩa… chính vì thế mà ông đã phát hiện và thể hiện thành công cái bản chất Việt Nam từ trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Truyện Kiều của Nguyễn Du xứng đáng là tác phẩm để đời dù trải qua nhiều lớp bụi của thời gian. Tác phẩm thể hiện tài năng phi thường của ông trên nhiều phương diện, là sự kết tinh của văn hóa văn học dân tộc. Nếu như người Ấn Độ tự hào về hai bộ sử thi Ramayana và Mahabharata, người Trung Quốc với bốn bộ tiểu thuyết đồ sộ: Tam Quốc Chí, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tây Du Kí… thì người Việt Nam lại chính là Truyện Kiều.

2.3 Truyện Kiều – một hiện tượng văn hóa

Truyện Kiều là một kiệt tác của văn chương Trung Đại. Trong tác phẩm văn phong của Nguyễn Du được coi là một thứ văn phong mẫu mực, có giá trị khuôn thước cho các nhà văn hậu bối noi theo. Phan Kế Bính trong sách Việt Hán văn khảo đã bình luận “xem toàn quyển truyện không có một tiếng nào là tiếng đục, không một câu nào là câu non. Giọng văn nhẹ nhàng, ý tứ, lưu loát, tá dụng những điển tích rất tài mà nhất là những chỗ tả cảnh là tình, tình cảnh nào như vẽ ra tình cảnh ấy… Thực là văn chương tuyệt phẩm của nước Nam ta ”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã thể hiện rõ vấn đề đó:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu!
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

Giọng văn Kiều khi thì cứng cỏi, sắc sảo, hùng tráng, não nùng cay nghiệt, khi thì êm đềm, nhẹ nhàng, thanh tú, mát mẻ, dịu dàng; văn Kiều thật là tả được hết ý, văn đã tả được hết ý là văn hay. Những câu thơ như được gọt giũa từng li, từng tý đổi một chữ cũng không được. Chẳng hạn như câu thơ:

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Chữ “cậy” và chữ “chịu” biểu thị đầy đủ sắc thái ý nghĩa mà chữ “nhờ”, “nghe” (nhận) không thể thay thế được.

Ngay trong tác phẩm Truyện Kiều sự mẫu mực của văn phong còn thể hiện rõ ở việc sử dụng một cách chọn lọc từ thuần Việt và Hán Việt thật tài tình.

Qủa thật Nguyễn Du là một nhà thơ có tài, bậc thầy trong việc sử dụng từ, đặt câu. Ông có một chỗ đứng quan trọng trong nền văn học Trung Đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vận dụng linh hoạt từ thuần việt từ hai nguồn ca dao, tục ngữ, thành ngữ và ngôn ngữ văn học quần chúng. Truyện Kiều đánh dấu một bước phát triển lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong việc học tập thơ ca dân gian và ngôn ngữ hàng ngày của nhà thơ. Trong Truyện Kiều có nhiều câu rút ra từ ca dao như:

“ Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Câu trên được rút ra từ câu ca dao:

“ Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trường ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng”

Hay:

“ Tiễn đưa một chén rượu hồng
Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng dứt đôi”

Chính vì lấy nguồn cảm hứng từ ca dao dân ca nên thơ văn ông gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nó như một lời thủ thỉ, lời tâm tình giữa con người với con người vậy.

Sự xuất hiện của những từ địa phương với tần số lớn như từ “ chi” (gì) 64 lần, “ mụ” (bà) 17 lần, “ ả” (chị) 5 lần. Như vậy vốn từ địa phương là một trong những phương tiện nghệ thuật giúp Nguyễn Du thể hiện tối ưu nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều bên cạnh việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, điển cố, từ Hán Việt. Đây cũng là một cứ liệu quan trọng chứng tỏ ông là một bậc thầy về ngôn ngữ hàng ngày, đời thường và bình dân. Tài năng của ông đã đưa tiếng nói bình dân lên tầm bác học, rất tinh nhạy trong việc khám phá ra nét đẹp trong tiếng mẹ đẻ của mình. Nguyễn Du đã từng nói ông học được rất nhiều từ ngôn ngữ hàng ngày, ngôn ngữ của những người trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải hay nông dân, những người lao động bình thường. Với nhà thơ, giá trị của ngôn ngữ dân tộc đặc biệt là ngôn ngữ địa phương có đủ sức để biểu đạt hình tượng nghệ thuật, cảm xúc thật dồi dào, tự nhiên và tính chính xác cao. Qua Truyện Kiều, ông đã sử dụng lời ăn tiếng nói bình dân bên cạnh các điển tích, điển cố một cách nhuần nhuyễn, giản dị mà vẫn không hề lạc điệu. Chính ngôn ngữ địa phương đã góp phần làm giàu thế giới tâm trạng, khắc họa tính cách nhân vật. Vốn từ ngữ địa phương cùng với ngôn ngữ hàng ngày đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển một cốt truyện có nguồn gốc từ nước ngoài thành một câu chuyện bằng thơ tràn đầy sức sống mới, trở nên gần gũi với tâm tư, tình cảm, cách ứng xử của con người Việt Nam.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là nguồn cảm hứng, nguồn văn liệu cho hàng loạt nhà văn khai thác, tìm cảm hứng, đề vịnh, xướng họa, mô phỏng sáng tác. Từ xưa đến nay các nhà tri thức đã đua nhau phê bình, nghị luận, như làm lời tựa của Đào Nguyên Phổ cho bản Tân khắc “Đoạn trường tân thanh” chữ Nôm Truyện Kiều; vịnh thơ của Nguyễn Văn Thắng; làm án Kiều của Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khắc Hiếu; làm phú Kiều của Nguyễn Văn Thắng, làm bài hát về Kiều như Kim Vân Kiều Phú; dịch Truyện Kiều ra chữ Hán của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thúc Khiêm. Trong dân gian thì người ta tập Kiều (Kiều vận tập thành của Nguyễn Đăng Cư), hát Kiều lấy, hát chèo về Kiều, trai gái thì lặt câu Kiều để viết thư tình, thậm chí nhà buôn cũng dùng tích Kiều để làm quảng cáo như Lô Tô Kim Vân Kiều của Đại quan dược phòng… Như vậy, có thể thấy rằng trong các tác phẩm quốc văn xưa không sách nào ảnh hưởng sâu xa đối với quốc văn ta ở hiện đại bằng Truyện Kiều. Từ đó chúng ta thấy được vai trò vị trí mà tác phẩm của Nguyễn Du mang lại cho nhân dân ta là vô cùng to lớn. Nguyễn Du thực sự có một chỗ đứng quan trọng trong kho tàng văn hóa văn học nước nhà.
Tầm ảnh hưởng của Nguyễn Du, cụ thể trong Truyện Kiều có lẽ không một nhà văn, nhà thơ nào có được. Không chỉ trên phương diện văn học mà len lỏi đến tận những kẽ ngách tín ngưỡng. Không biết từ bao giờ mà trong dân gian đã tồn tại “Bói Kiều”. Như chúng ta đã biết, Truyện Kiều kể về cuộc đời nàng Kiều tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh, nhưng trên hết Truyện Kiều là một sự khái quát xã hội không biết trọng dụng người tài, là điển hình cho những số phận “Chữ tài đi với chữ tai một vần” hay hoàn cảnh của một Thúc Sinh, một Hoạn Thư…

Chính vì sự bao quát toàn diện từ hoàn cảnh đến tâm tư, suy nghĩ mà ở thời đại nào cũng phù hợp và hơn hết ở độ chính xác của nó, khiến ai ai cũng tin tưởng, tín nhiệm, phù hợp với quan điển tâm linh. Có lẽ trong thế giới ít có tác phẩm văn chương nào thể hiện được đông đủ các hạng người như thế, là vì chuyện tả nhiều tình cảnh phức tạp mà tả giống hệt khiến người nào đọc cũng tuồng như nhận được có chỗ giống với tình cảm của mình ít nhiều. Vì thế, có thể nói đây là một nét đẹp văn hóa chỉ có riêng ở Việt Nam, chỉ riêng mỗi Truyện Kiều mà thôi. Đó cũng là một trong những lý do khiến Truyện Kiều Nguyễn Du mãi tồn tại trong lòng người Việt. Người Việt còn tín ngưỡng thì còn Bói Kiều

Ra đời cùng thời với các tác phẩm văn chương Trung Đại của các nhà thơ khác, trải qua bao sàng lọc của thời gian, của sự bình luận, Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm có giá trị lớn đối với nền văn học nước nhà mà còn là đại diện cho vẻ đẹp văn hóa nước Việt. Nguyễn Du thực sự có vị trí to lớn trong nền văn học, văn hóa Việt Nam. Đóng góp của ông mãi được khẳng định dù ba thế kỉ trôi qua nhưng những gì Nguyễn Du để lại vẫn còn nguyên giá trị.


III/ KẾT BÀI

Có thể thấy ít nhà thơ trên thế giới có khả năng đạt được tếng vang sâu đậm trong dân chúng của mình như Nguyễn Du ở Việt Nam. Truyện Kiều của ông là cuốn sách kinh điển của văn chương Việt Nam đạt đến độ vang dội, nổi tiếng cả trên thế giới. Những đóng góp của Nguyễn Du đã phần nào khẳng định được vai trò, vị trí của Nguyễn Du trong lịch sử văn hóa văn học dân tộc. Ông xứng đáng là cây đại thụ của văn học dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top