Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
VÌ SAO NHÀ NGUYỄN ĐỂ MẤT NƯỚC?
1/Qua nhiều năm phân tranh, loạn lạc kéo dài, thiên tai nhiều phen, nạn sưu thuế cao, nạn tham nhũng, bóc lột của bọn cường hào, bọn quan lại biến chất cùng nếp sống xa hoa của chúng… nên đến thời Tự Đức, sức dân và nền nông công thương nưóc ta đều đã lạc hậu, đã suy kiệt.
Đình thần Trương Quốc Dụng tâu: “…tài lực của nhân dân nay không bằng 6/10 năm trước”.Đến khi Pháp tấn công Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương cũng đã tâu rằng: “Quân và dân của đã hết, sức đã yếu”.
2.Không có chính sách sánh suốt và thích hợp để nuôi “sức dân”(nhất là giới nông dân: lực lượng chủ yếu dành cho sản xuất và quốc phòng), không lôi kéo được người dân tộc ít người, người dân theo đạo công giáo đứng chung đội ngũ:
Trong sử Việt, không có triều đại nào loạn lạc nhiều như triều Nguyễn. Đánh dẹp xong nơi này thì nơi khác mọc lên.Vì sao vậy? Có nhiều nguyên do, nhưng tựu chung cũng bởi dân quá bần cùng vì nạn thuế sưu cao, vì nạn thiên tai gây mất mùa, vì nạn quan lại vừa tham nhũng vừa hà khắc, vì chính sách cấm đạo quá đáng và còn vì âm mưu muốn đồng hóa một số dân tộc ít người…Chi tiết của vấn đề nhiều góc cạnh này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trong sách sử.
3/Quân đội nhà Nguyễn không còn đủ mạnh như thời đánh nhau với nhà Tây sơn:
Nhiều sách sử viết về thời kỳ này cho biết: lính chính qui không quá một vạn, tinh thần thì sợ vũ khí khá hiện đại của giặc, đánh đấm còn theo thói cũ, vũ khí quá thô sơ; lương ăn áo mặc thảy đều thiếu thốn…
Đại thần Phạm Phú Thứ nhận xét:
“Quân sĩ hèn nhát là do chưởng quan bất tài và vô quyền. Quân sĩ nhiều người không có lương bổng, rất đói khổ, phải tìm cách giúp đỡ nhau chớ không trông mong gì đến gạo trong kho.Quan võ thì thường than thở rằng mình hết sức chống giữ biên cương, rủi ra chết đi thì chỉ thiệt mình, chứ công trạng nào ai nghĩ đến cho…”
4/Trong tình cảnh như vậy mà nơi triều đình đa phần vua quan đều bất cập trước biến động của thời cuộc, không ngờ Pháp ở xa đến đánh chiếm; nên lúng túng trong cách suy nghĩ, phòng chống,ứng,xử:
Nhà Nguyễn không chỉ bất cập trước biến động của thời cuộc trong những năm đầu khi Pháp nổ súng vào nước ta; mà vào năm 1870, triều đình Huế đã đánh mất hai cơ hội quí báu để cởi ách thực dân chỉ vì căn bệnh “khờ khạo và bạc nhược”:
-Năm 1870, Pháp bị Đức đánh thua xiểng niểng.Chiều ngày 1-9, hoàng đế Na-pơ-lê-ông III bị bắt cùng mười vạn binh, ngày 27-10, tất cả 173000 quân Pháp ở thành Mết-zơ đầu hàng.Khoảng thời gian này, tin tức về cuộc thất bại thật thảm hại này lan tới Sài Gòn, tới Huế. Soái phủ Nam Kỳ hoảng sợ vội vàng cho phòng bị nghiêm mật, vì e rằng Huế sẽ nhân cơ hội này để tổ chức phản công. Cuối cùng, bọn chúng đã thở phào nhẹ nhõm khi nhận được “thơ hỏi thăm và chia buồn” của vua Tự Đức!
-Một cơ hội khác bị bỏ lỡ nữa, đó là lúc tư bản Pháp bị cuộc cách mạng vô sản nổi lên ở Pa-ri và phong trào công nhân mạnh lên ở nhiều tỉnh (năm 1871).Tuy sau này Công xã Pa-ri thất bại, nhưng giai cấp tư sản Pháp còn phải vướng víu rất nhiều khi củng cố lại chính quyền, không còn đầu óc nào để lo cho một thuộc địa quá xa xăm…
5.Tại “sân nhà” mà nhà Nguyễn không dám đánh, luôn giữ “thế thủ” và đường lối “chủ hòa” thì làm sao không mất nước cho được:
Nói là “chủ hàng” thì đúng hơn; vì chỉ có chủ động tấn công, ta mới giành được ưu thế bất ngờ, và ta cũng không cần đóng vai “quân tử Tàu” trong cung cách đánh với xâm lược; nghĩa là bằng mọi giá, mọi cách, mọi nơi ta phải làm sao để cầm chân, phân tán mỏng giặc ra và làm hao mòn sức lực của chúng thì mới có thể ít ra ngồi ngang hàng, ngang mặt tính chuyện thương lượng chớ.
Thêm nữa cũng vì căn bệnh “khờ khạo và bạc nhược”vừa nêu trên, nhà Nguyễn không thể tạo được tiếng nói chung của mọi tầng lớp, không củng cố và phát huy được khả năng, tiềm lực, trí tuệ của dân tộc.Vậy có thể nói sức đề kháng của dân tộc lúc bấy giờ vì sự lãnh đạo quá đổi non kém mà trở nên khá yếu ớt.
Nói đâu xa, ngay nơi triều đình sự non kém và yếu ớt, đã bộc lộ thật rõ nét:Trong sách Dương sự thủy mạc có ghi mấy câu luận bàn rất ngô nghê, rất tức cười của triều thần khi giặc đã vào nhà rồi, tôi tóm gọn lại như sau để minh chứng:
-“chống giặc duy thủ là hơn. Họ và ta vốn không gần nhau, không thể thôn tín nhau. Chuyến này chúng đến chẳng qua là vì lợi. Lấy chủ đợi khách, nên dùng kế trì cửu để đợi họ mệt mỏi….Tự Đức cho là phải.”
- “Bấy lâu nay ta lạnh nhạt với họ, họ bị các nước láng giềng chê cười, cho nên đem quân đánh ta cho được hòa-”trích lời tâu của tướng Nguyễn Bá Nghi
Nói thêm về vị tướng này.Tuy ông cũng là người yêu nước, có tiết tháo như tướng Nguyễn Tri Phương; nhưng có lẽ vì không có cái nhìn toàn cục, không lường hết dã tâm và quá sợ hãi trước vũ khí của thực dân, nên ông đã đề ra đối sách với bọn thực dân sai lầm vô cùng.
Như từ ngày ông nhận lệnh vào Nam để thay Nguyễn Tri Phương chỉ huy cuộc kháng chiến. Vừa xem xét tình hình xong, Bá Nghi đã gửi lời tâu liên tiếp về triều với ý rằng: “Giữ không tiện, đánh cũng không tiện”, “hòa thì mất ít, đánh thì mất nhiều”,”Pháp sở dĩ đánh ta vì ta lạnh nhạt với nó, nó đánh ta là để có hòa”,“đánh giữ đều không được, trừ một chước hòa, tôi chỉ còn chịu tội…” “Tôi không đắp đồn lũy nữa, không thu trưng binh nữa…kẻ địch xét thấy ý ta không trung thực, họ lâi càng thêm chém cắt hơn”
Nghe lời tâu , quá đổi “xụi lơ”, không chút nhuệ khí nào, ấy vậy mà vua Tự Đức còn
buông ra những lời động viên quân tướng cũng rất
đáng cười ra nước mắt: “Phải gắng sức, khéo dùng lời cảm hóa kẻ địch để họ kiêng nể mà nghe ta”( trích Dương sự thủy mạc, khuyếtdanh, bản dịch của Khoa Sử, ĐHTH Hà Nội)…
Luận bàn vấn đề này, Gs Trần Văn Giàu đã có nhận xét trong Tổng tập, tôi tóm gọn lại như sau:
Triều Nguyễn không dự kiến tình huống Pháp chiếm giữ nước ta.Vì họ cho nước Pháp xa Việt Nam lắm, họ không ở gần ta như nhà Minh , nhà Thanh…nên họ lấy nước ta làm gì, chẳng qua họ cần mấy thẻo đất để lập thương điếm, lập nhà thờ và để đòi bồi thường chiến phí thôi.
Bởi nhà Nguyễn mê muội như thế, nên ông chua chát viết thêm:
“Xứ ta vào những năm 1860-1862, quân Tây có bao nhiêu, có lúc chỉ có khoảng 300 tên.Chỉ cần một đội quân cảm tử không đông lắm, bằng dao găm đã có thể tiêu diệt chúng trong một đêm thì khí thế quân ta lên biết bao nhiêu!...”Và gần đây, có ai đó còn nhớ chuyện đã u buồn, đại khái nói là Tây có một nhúm người mà chúng đô hộ ta cả trăm năm…. Đôi lời trách cứ này, thiết nghĩ thật đáng suy gẫm.
6/Thực tế cho thấy, triều đình nhà Nguyễn theo đuổi đường lối “bế quan tỏa cảng”, không nhanh chóng “canh tân” đất nước là không phù hợp với yêu cầu của xã hội và xu thế của thời đại.
Việt Nam và Trung Quốc vào thời buổi ấy gặp nhau ở điểm này: chọn đường lối “đóng cửa”, vẫn không ngăn được gót giày của bọn xâm lăng.Vì sao vậy? Vì thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã phát triển ngày càng lớn mạnh.Và nước ta cùng như nhiều nước khác có hoàn cảnh tương tự, nhanh chóng nằm trong tầm ngắm của bọn thực dân tham lam trong kế hoạch xâm chiếm đất đai, giành giật thị trường và gây thanh thế ở khu vực…
Điều cốt lõi là cách ta “mở cửa” như thế nào để vừa bảo vệ được vương quyền, sự toàn vẹn của lãnh thổ, nền độc lập của dân tộc; vừa thỏa mãn được lợi ích của giới tư bản.
Bài học của vương triều Nhật Bản ở vào thời kỳ ấy và có hoàn cảnh tương tợ như ta, theo tôi đến hôm nay vẫn nhiều điều đáng cho ta suy gẫm.
Một điều cốt lõi khác nữa là chỉ có “đổi mới”, mới có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện để đưa đất nước nhanh chóng phát triển, nhanh chóng thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu về mọi nhiều mặt
Lịch sử trên thế giới đã và đang cho ta thấy chỉ có con đường“dân giàu, nước mạnh” mới có thể bảo vệ được non sông, chủ quyền của dân tộc.
Và thật đáng trách, trước tình cảnh nước nhà nguy khốn khi ấy, một
số quan lại, sĩ phu thức thời, tiến bộ mạnh dạn đưa ra nhiều đề nghị
đổi mới đầy tâm huyết: như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ,
Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Tư Giản, Bùi Viện…
nhưng tất cả đều không được triều đình Nguyễn thủ cựu nghe theo.
Phan Thanh Giản là một đại quan của nhà Nguyễn.Ông có dịp tận
mắt nhìn thấy sự lớn mạnh của nền văn minh phương Tây, đã buồn
bã viết:
Tự Thán
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu gọi đồng bang mau kịp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin…
7/Các vua nhà Nguyễn luôn đặt ngôi báu lên hàng đầu, nên có thái độ thật “ích kỷ”, “sợ thù trong hơn sợ giặc ngoài”, nên dần dà trở thành tay sai ngày càng đắc lực cho thực dân.
Bởi lẽ ấy, khi đất nước bị lấn chiếm, họ không những dễ dàng nhân nhượng những đòi hỏi tham lam của thực dân, mà còn nhanh chóng quay lưng lại, thậm chí còn làm cản trở, làm sa sút thêm tinh thần chiến đấu chống lại bọn ngoại xâm của những con dân yêu nước. Để chi vậy? Để họ rãnh tay đàn áp các cuộc nổi dậy, mà “ theo con số thống kê được thì trong 4 triều đại, từ Gia Long đến Tự Đức, có tới trên 400 cuộc.Và tất cả đều bị đàn áp dã man” ( theo GS.Văn Tạo)
Và một tác giả khác cũng đã phê phán:
Sau “vết nhơ lịch sử”(Ca Văn Thỉnh đã gọi hòa ước Nhâm Tuất,
năm 1862 như vậy), việc tệ hại tiếp theo là triều đình đã ra lệnh bãi
binh, lại còn giúp thực dân truy lùng các thủ lĩnh kháng chiến.
Do vậy, có thể nói rằng “Pháp tấn công mà ta thủ hòa tất nhiên
phải đi đến chuyện mất nước” và tất cả những việc làm mù quáng
vừa kể trên còn là “một sự phản bội của Huế”(Trần Văn Giàu).
8.Nhận thấy đại bộ phận vua quan nhà Nguyễn, ngày càng thiếu sáng suốt, bất lực, cầu hòa, quay lưng lại với nhân dân. Không kể nhiều vụ loạn lạc đã xảy ra ở thời Tự Đức, ít nhất đã có 4 cuộc đảo chánh nhằm thay đổi ngôi vua:
-Đấy là âm mưu xảy ra khi Tự Đức vừa lên ngôi do Hồng Bảo là người anh con dòng thứ, cùng một số người muốn giành lại ngai vàng.Việc bại lộ, Hồng Bảo bị tống giam rồi tự tử trong ngục.
-Năm 1864, xảy ra vụ nổi dậy của Hồng Tập, con hoàng thân Miên Áo, em chú bác của vua, cùng với một số người khác cùng phất cờ “Bình Tây sát tả”, lập kế hoạch giết Phan thanh Giản, Trần Tiến Thành, thay thế Tự Đức bằng một ông vua khác. Bại lộ, Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện bị án chém.
- Vào năm 1866, do Đoàn Trưng là rể của Tùng Thiện Vương (tức là em rể họ của Tự Đức) đã nổi lên gây cuộc binh biến ( sử cũ gọi là giặc Chày Vôi) nhằm lập Hoàng tôn Ưng Đạo, con của Hồng Bảo lên ngôi. Tự Đức suýt bị giết và sau khi dập tắt cuộc bạo loạn, ông đã cho xử tử cả nhóm Đoàn Trưng và mẹ con Ưng Đạo (là chị dâu và cháu của ông).-Hòa ước 1862 và 1874 gây bất bình trong cả nước.
Ở Bắc cũng như ở Nam, đông đảo sĩ phu và người dân yêu nước tự động hợp thành phe “Văn thân”, mạnh nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh do Trần Tấn, Đặng Như Mai làm thủ lĩnh. Họ giương cao ngọn cờ “Bình Tây diệt Triều”, tuy có chiếm được Hà Tĩnh, nhưng rốt cùng cũng bị quân triều đình dẹp tan…
Tất cả đều thất bại, vì sao? Vì họ có phần tự phát, nóng vội, thiếu đường lối và tổ chức.
Và nhất là họ thiếu một gương mặt thật sáng giá, đủ tài đức, đủ sáng suốt để có thể qui tựu mọi lực lượng, mọi tầng lớp, mọi nơi cùng một lòng đứng dậy và kiên trì đi đến mục tiêu chung.Bỏi không được vậy, nên ta thấy thực dân và phong kiến dễ dàng dẹp tan, bẻ gãy nhanh chóng những phe nhóm cứ nổi lên nhỏ lẻ nhằm chống đối bọn chúng...
(Trích một phần trong bài soạn: Nhớ Nguyễn Tri Phương, cùng vài trang sử buồn xa cũ…)
Như vậy ta có thể khẳng định việc thực dân Pháp xâm lược nước ta là điều tất yếu không thể tránh khỏi nhưng việc nước ta rơi vào tay Pháp trở thành thuộc địa của Pháp thuộc về trách nhiệm của nhà Nguyễn. Quyền lợi dòng họ đã đặt lên trên quyền lợi của dân tộc đầu hàng Pháp bán nước đẩy nhân dân ta vào tình cảnh mất nước.
Nguồn: diendankienthuc.net*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: