vanchuong83
New member
- Xu
- 0
VÊ KHÁI NIỆM TƯ TƯỞNG NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN
CHU VĂN SƠN
(Trích “Lời giới thiệu tuyển tập Nguyễn
Đăng Mạnh”, NXB Giỏo Dục, 2005)
CHU VĂN SƠN
(Trích “Lời giới thiệu tuyển tập Nguyễn
Đăng Mạnh”, NXB Giỏo Dục, 2005)
Có lẽ trong quá trình nghiên cứu theo hướng của mình, ông mới thấy một thực tế khá bất ngờ: té ra tư tưởng của nhà văn là một khái niệm ở ta chưa phải đã tường minh lắm. Do đó, có hiện tượng đáng buồn: tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức, tư tưởng nghệ thuật… thường bị đánh đồng với nhau. Cũng đáng buồn không kém là hiện tượng tư tưởng nghệ thuật độc đáo của từng tác gia cứ được/bị lược qui vào một trong hai phạm trù tư tưởng “công cộng”: tư tưởng nhân đạo và tư tưởng yêu nước. Nhà khoa học chân chính thì không được phép làm ngơ trước điều đó. Làm một chuyên gia lại càng không thể làm ngơ. Công việc theo đuổi buộc ông phải bắt tay vào tường minh khái niệm tư tưởng nghệ thuật. Có thể nói đây là một đóng góp rất then chốt của Nguyễn Đăng Mạnh. Tham khảo các tài liệu lí luận trong và ngoài nước, ông thấy, người có ý thức nói đến khái niệm này rõ nhất là Bêlinxki. Tiếc rằng, nhà phê bình lớn thời Cách mạng dân chủ Nga ấy chưa xây dựng thành khái niệm hoàn bị. Song, những ý niệm ban đầu của Bêlinxki là tiền đề rất quan trọng. Cần phải đứng lên vai người khổng lồ này để hoàn thiện nó. Tuy nhiên, hình thành hẳn một khái niệm không phải là chuyện một sớm một chiều. Nghiền ngẫm trong nhiều năm, kiểm nghiệm qua thực tế nghiên cứu của mình, dần dần ông mới hình dung rõ nét về nó. Cho đến khi viết cuốn Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, ông mới chính thức lí thuyết hoá khái niệm này. “ Khái niệm đó - ông viết rất sòng phẳng – thực ra là của Bêlinxki”. Và ông định nghĩa: “Tư tưởng nghệ thuật là một hình thái nhận thức đặc thù của người nghệ sĩ: nhận thức bằng “ toàn bộ con người tinh thần với tất cả nội dung phong phú và tính tổng thể toàn vẹn của nó”. Hình thái nhận thức này đòi hỏi người nghệ sĩ phải huy động toàn bộ mọi năng lực tinh thần của mình mà nội dung chính bao gồm lí trí và tình cảm cảm xúc kết hợp hài hoà với nhau giống như xương cốt và máu thịt, như thể xác với linh hồn con người. Hình thái nhận thức này thấm nhuần lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Vì thế có thể gọi là hình thái tư duy – tình cảm thẩm mĩ của người cầm bút” [SUP]2[/SUP].
Theo tôi, định nghĩa trên đây đã khái quát được những thuộc tính khá căn bản của đối tượng. Việc xác lập thành khái niệm như thế đã vạch ra một ranh giới nào đó giữa tư tưởng nghệ thuật với các hình thái tư tưởng khác. Đồng thời, mở được một lối chiếm lĩnh tư tưởng riêng của từng nghệ sĩ. Tuy nhiên, nó được trình bày có phần hơi “nghệ sĩ”, vì vậy cần phải tường minh hơn thì mới hoàn chỉnh.
Trước hết, cần có sự phân biệt rành rẽ hai nghĩa không trùng nhau của khái niệm tư tưởng. Thứ nhất, tư tưởng là một hoạt động tinh thần. Theo nghĩa này, nó đồng nghĩa với tư duy. Vì thế tư tưởng nghệ thuật là một “hình thái nhận thức”, nó đồng nghĩa với tư duy nghệ thuật. Thứ hai, tư tưởng là kết quả của hoạt động tư duy. Theo nghĩa này, tư tưởng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật. Do đời sống ngôn ngữ luôn vận động, càng gần đây, chữ “tư tưởng” được hiểu nghiêng hẳn theo nghĩa thứ hai. Vì vậy, để chỉ hoạt động, người ta dùng chữ “tư duy”, và để chỉ kết quả của tư duy ấy người ta dùng chữ “tư tưởng”. Định nghĩa trên đây phần nào nghiêng về nghĩa thứ nhất. Tức là, Nguyễn Đăng Mạnh cố gắng định danh khái niệm tư tưởng nghệ thuật như một hình thái tư duy đặc thù mà ông gọi là “tư duy – tình cảm thẩm mĩ”. Cái mà bây giờ ta vẫn gọi bằng tư duy nghệ thuật. Còn nghĩa thứ hai, tư tưởng là kết quả tư duy của người nghệ sĩ, nghĩa cần phải tường minh hơn, lại chưa thật xác định.
Thứ nữa, là về tính đặc thù của tư tưởng nghệ thuật trong đối sánh với các hình thái tư tưởng khác. Nói đến tư tưởng, thói thường người ta mặc nhiên coi nó là sản phẩm thuần của lí trí. Tư tưởng nào cũng vậy, tư tưởng nghệ thuật thì cũng chẳng khác gì. Cho đến tận gần đây, ngay cả người trong giới sáng tác nghệ thuật cũng còn không ít ngộ nhận về nó. Nhưng, hiểu thế thì không nhận ra nét đặc thù của loại tư tưởng này. Thiết nghĩ, cần phải tô đậm lại điều đơn giản này : tư tưởng nghệ thuật là tư tưởng được thể hiện trong nghệ thuật và thể hiện bằng nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà Bêlinxki đã nhấn mạnh nó bằng cụm từ “Idée poétique”, nghĩa đen là “tư tưởng thơ”, tư tưởng mang tính thơ - tức là loại tư tưởng có thuộc tính thẩm mĩ.
Tư tưởng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật, nó vừa giống vừa khác với tư duy khoa học. Tư duy khoa học chủ yếu dựa vào cái đầu lạnh, nghĩa là dựa vào một lí trí có phần đơn thuần. Thao tác căn bản của nó là trừu tượng hoá. Kết quả cuối cùng của nó là những khái niệm trừu tượng. Còn tư duy nghệ thuật là một trạng thái tinh thần đặc thù, trong đó cả lí trí và tình cảm đều vận hành mà vận hành cùng một nhịp với nhau và chuyển hoá sang nhau. Thao tác căn bản của nó là hình tượng hóa. Kết quả cuối cùng của nó là những hình tượng nghệ thuật sống động súc tích. Cho nên tư tưởng nghệ thuật không bao giờ tồn tại bên ngoài hình tượng.
Theo tôi, bằng cái nhìn đối sánh, có thể thấy tư tưởng khoa học là một đơn thể thuần lí, còn tư tưởng nghệ thuật là một hợp thể gồm cả lí và tình. Nói cách khác, tư tưởng nghệ thuật có sự hoà hợp giữa hai bình diện cảm tính và lí tính. Ở bình diện lí tính, tư tưởng nghệ thuật là một quan niệm. Ở bình diện cảm tính, nó là một tâm trạng (Bêlinxki gọi là trạng thái nhiệt hứng), hay sát hợp hơn có thể gọi nó là một điệu cảm xúc. Do tính chất hoà hợp đặc thù này, mà có thể hình dung tư tưởng nghệ thuật như quan niệm đã hoá thân thành tâm trạng, hay một tâm trạng đã thấm nhuần quan niệm. Nếu chỉ thấy/xem tư tưởng nghệ thuật như một quan niệm đơn thuần, một mệnh đề trừu tượng (nghĩa là bình diện thuần lí tính), thì đó chỉ còn là dạng hoá thạch của tư tưởng, chứ chưa phải dạng sống động của tư tưởng vậy. Hình dung như thế, khái niệm tư tưởng nghệ thuật dễ xác định hơn chăng ? Với người nghiên cứu, nhận ra nét đặc thù này của tư tưởng nghệ thuật là điều không dễ. Nhưng không nhận ra tất sẽ nhầm lẫn với những hình thái tư tưởng khác. Từ đó, có thể rút ra vấn đề phương pháp tiếp cận tư tưởng là: cần phải khám phá thế giới hình tượng để tìm kiếm tâm trạng chủ đạo, điệu cảm xúc chủ đạo, chứa đựng trong nó cái quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ của nghệ sĩ. Thao tác tin cậy nhất là tìm kiếm và tổng hợp những hình ảnh có sức ám ảnh lớn đối với tác giả trong sáng tác của anh ta để rút ra tư tưởng.
Có lẽ cần nói thêm về mối liên hệ thuộc bản thể của khái niệm /đối tượng này. Ta khẳng định ở bình diện lí tính, tư tưởng nghệ thuật là một quan niệm, vậy nó là quan niệm gì ? Nó là sự hoà hợp của hai thứ quan niệm ở người nghệ sĩ : quan niệm thẩm mỹ và quan niệm nhân sinh. Quan niệm thẩm mĩ trả lời câu hỏi thế nào là đẹp ?còn quan niệm nhân sinh trả lời câu hỏi thế nào là hạnh phúc ? Gộp lại có thể chỉ là một câu thôi : Thế nào là giá trị ? Quan niệm ấy sẽ chi phối toàn bộ việc cảm nhận và thể hiện thế giới bằng nghệ thuật ở từng nghệ sĩ. Tìm kiếm tư tưởng của một nghệ sĩ, về thực chất, là tìm quan niệm đó. Chừng nào chưa thấy quan niệm đó, chừng ấy tư tưởng thật sự của nghệ sĩ vẫn còn là ẩn số. Ở bình diện cảm tính, tư tưởng là một điệu cảm xúc. Nó là gì vậy ? Nó là hệ thống cảm xúc đã hoá thân vào văn bản nghệ thuật. Nghĩa là thái độ cảm xúc đã được hình thức hoá. Vậy điệu cảm xúc biểu hiện ở đâu ? Biểu hiện đậm đặc nhất trong giọng điệu nghệ thuật của mỗi tác phẩm/tác giả. Vì lẽ đó, phải tìm được giọng điệu nghệ thuật của tác phẩm/tác giả thì mới nắm được thực sự tư tưởng nghệ thuật trong đó.
Vài chục năm nay, Thi pháp học được giới thiệu và ứng dụng vào Việt Nam. Đó là hướng nghiên cứu nhiều triển vọng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng các hướng nghiên cứu chân chính không bao giờ đối lập loại trừ nhau. Thi pháp học hầu như không nói đến khái niệm “tư tưởng nghệ thuật”. Mà nói nhiều đến khái niệm “quan niệm nghệ thuật”. Tinh thần bao trùm của Thi pháp học hiện đại là tìm kiếm những “hình thức mang tính quan niệm”. Nhà thi pháp học đi truy tìm những quan niệm ẩn náu trong/sau mỗi hình thức cụ thể cảm tính. Điều này hoàn toàn khác chăng ? Không hẳn. Như đã phân tích ở trên, thực chất của tư tưởng là các quan niệm, nên hai khái niệm này không đối lập, loại trừ nhau, mà trái lại đã gặp gỡ nhau trong chiều sâu của nó. Như thế, người tìm kiếm tư tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ và người tìm kiếm quan niệm nghệ thuật của nghệ sĩ sẽ gặp gỡ nhau ở cuối con đường, dù đường đi nước bước có vẻ không hoàn toàn giống nhau.
Sưu tầm