Vấn vương mùa tết

doantrang1808

New member
Xu
0
Tới bữa nay nó mới giật mình nhận ra là còn khoảng một tháng nữa là đã tới tết. Thế nhưng sao mọi thứ xung quanh vẫn im ắng, vẫn trôi qua như thường lệ. Có lẽ cuộc sống quá tất bật đã làm cho con người ta quên đi là cái tết đang cận kề. Hay là càng ngày cuộc sống càng tiện nghi nên dễ làm phai mờ giá trị của ngày tết trong tâm trí của mỗi người. Tự nhiên nó nhớ cái tết năm nào, cái tết ở vùng quê nghèo, gió chướng thổi lành lạnh nhưng lòng người cảm thấy ấm áp. Bất chợt nó nhận ra, ừ nhỉ, còn đâu mùa tết năm nào!

anh2-55c36.jpg

Vấn vương tiết trời se lạnh, như mới năm nào

Nó nhớ, ngày xưa mỗi lần mẹ gọi nó lại lắng tay nghe tiếng con chim cú đậu trên cây dừa ở sau vườn là nó biết ngày tết đã sắp tới. Mẹ nói không biết từ lúc nào, mỗi năm, vào dịp tết là con chim cú đó lại quay về và kêu hàng đêm như thế. Lúc đầu nghe cũng hơi sợ sợ nhưng nghe riết rồi cũng quen, quen riết rồi đến nỗi nếu năm nào nó về trễ là mẹ lại ngóng, mẹ lo không biết nó có còn sống để quay về hay không. Và nó cũng không biết tại sao năm nào con chim ấy cũng về và kêu thảm thiết như vậy, chú chim ấy tìm ai hay chờ ai, nó cũng không rõ, nhưng đã từ rất lâu cái tết trong ký ức tuổi thơ của nó lại chính là tiếng kêu ấy.

Lớn lên một chút, thế giới ngày tết đối với nó được mở rộng hơn. Sáng sáng nó chạy lon ton theo mẹ ra chợ sắm sửa cho ngày tết. Chợ tết đúng là đông vui và nhộn nhịp. Nào trái cây, nào bánh mứt, nào hoa, nào củ kiệu, dưa cải… không khí hoàn toàn khác hẳn những phiên chợ thường. Mọi người có vẻ tất bật hơn, bận rộn hơn, có lẽ họ muốn mua sắm lẹ để còn chạy về dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết. Về tới nhà, không khí ở nhà cũng nhộn nhịp không kém. Mẹ bày ra đủ thứ, nào là làm củ kiệu, ngâm dưa cải, xào mứt dừa, mứt gừng… nhìn mà hoa cả mắt. Mẹ thì lo chuẩn bị đồ ăn cho mấy ngày tết còn ba cha con thì lo dọn dẹp nhà cửa, mang tất cả màn, mùng, mềm, gối ra giặt. Cực lắm nhưng mà căn nhà lúc nào cũng rộ tiếng cười. Rồi buổi tối cả nhà lại chở nhau đi chợ hoa. Chợ hoa nằm trải dài dọc theo một khúc sông, gió thổi mát rười rượi như mơn man, dỗ dành cho những nụ hoa mau khoe sắc. Đủ các loại hoa mà nhiều nhất là vạn thọ và cúc đại đóa rồi hoa mai, hoa hồng, phong lan… làm rợp cả một khúc sông. Thuyền ghe tấp nập cập bến để chuyển hoa lên bờ, tiếng người bán hàng gọi mời lanh lảnh, tiếng người mua nói chuyện rôm rả làm huyên náo cả một vùng trời.

Khoảng 28, 29 tết thì nó theo mẹ về ngoại. Năm nào cũng vậy, thường nó và mẹ đón tết ở quê ngoại cách nhà nó khoảng 50km. Về tới ngoại thì nó mới biết, ở vùng thôn quê hẻo lánh, người ta cũng chuẩn bị tết không kém gi ở thành thị mà đôi khi còn nhộn nhịp hơn. Nhà ngoại nó tết năm nào cũng đông đúc, bởi con cháu đều tụ họp lại để đón giao thừa. Nếu như nó nhớ không nhầm thì hình như hai ngày liền mọi người làm không nghỉ tay. Chỉ có bọn con nít như nó thì mới chạy nhảy tung tăng, chơi đùa thỏa thích. Ấn tượng nhất đối với nó có lẽ là cảnh mọi người giã gạo ở trước sân nhà ngoại lúc đêm khuya chuẩn bị để sáng mai gói bánh. Trên đầu ánh trăng mờ mờ ảo ảo, người giã người lấy tay trở bột thoăn thoắt, nhịp nhàng. Đám con nít làm ồn quá nên bị bắt đi ngủ sớm, tiếc hùi hụi nhưng không thể cãi lời nên đành lủi thủi đi vô nhà mà mặt đứa nào đứa này buồn hiu. Để rồi sáng mở mắt ra, sộc vô mũi là mùi thơm của nếp, mùi thơm của lá tỏa ra từ những chiếc bánh tét, bánh dừa treo lủng lẳng một hàng dài trên cây xà nhà. Cái mùi hương mà tới giờ nó vẫn còn nhớ mãi. Nhưng nó biết thành quả của một đêm lao động không chỉ có thế mà còn là sự ấm áp nghĩa tình. Bởi những chiếc bánh đó sẽ được mang đến từng nhà trong xóm trao tặng cho nhau như lời chúc đầu xuân.

Những mùa tết mấy năm nay, mùa gió chướng cũng về nhưng dường như không còn mang đến cảm giác se lạnh làm lòng người rạo rực như năm nào. Phiên chợ cũng còn đó, chợ hoa cũng còn đó nhưng sao vẫn thấy có cái gì đó nhàn nhạt. Có lẽ những cuộc nói chuyện của các bà nội trợ giờ đây không phải là hỏi han nhau về cách làm bánh mứt, cách chọn dưa, chọn củ kiệu ngon mà lại nói về vật giá. Mấy năm nay, đi chợ tết năm nào cũng nghe câu “ Vật giá leo thang dữ quá, giờ cái gì cũng mắc, đi chợ tết mà chẳng biết mua gì”. Nghe sao mà đau lòng quá đỗi. Không biết đó có phải là lý do chính hay không mà nhà nó cũng như bao nhà khác đều thiếu vắng chút gì không khí của tết. Mẹ của nó mấy năm nay cũng chẳng làm mứt, mẹ nói “ Bánh mứt bán đầy ngoài chợ, mua về cho lẹ, khỏi mất công làm”. Và hình như ai cũng nghĩ vậy… rồi dần dần ngày tết của nó không còn có được cảm giác nhìn cảnh mọi người tất bật chuẩn bị, không còn cảm giác sáng sớm mở mắt ra là ngửi thấy mùi bánh thơm nồng …và rồi tết nhà nào nhà nấy ăn, tình cảm láng giềng cũng không sâu đậm như trước.

Giờ đây đối với nó, và có lẽ cũng như nhiều người khác, tết không còn là dịp mà mọi người náo nức chờ đợi. Thậm chí đôi khi người ta cứ bị cuốn đi theo dòng xoáy của nhưng lo toan vụn vặt hàng ngày nên quên hẳn là tết đang về.

Và chú chim cú ngày nào trong ký ức tuổi thơ của nó không biết giờ lưu lạc phương nào, có còn sống hay không mà sao lâu rồi nó không còn được nghe tiếng kêu khắc khoải đó nữa. Không lẽ chú chim ấy cũng nhận ra rằng tết năm nay không còn như năm trước nên không muốn quay về?

Ừ nhỉ, đâu còn mùa
Họ và tên: Nguyễn Thị Đoan Trang
Tuổi: 27 (1986)
Nghề nghiệp: học viên cao học

năm nào!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Nhất là từ ngày cấm pháo, không khí Tết đã kém vui đi rất nhiều, nhưng cũng tại chúng ta không chịu thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn trong sản xuất và sử dụng pháo. Hy vọng trong một tương lai không xa, nhà nước sẽ cho đốt pháo trở lại, lúc đó "Mùa tết năm nào" sẽ quay trở lại.

Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy nét đặc sắc của Tết cổ truyền, đó chính là báu vật mà Tổ tiên ta đã để lại. Hy vọng sẽ có nhiều những cuộc thi, những phong trào và những hành động tôn vinh Tết cổ truyền dân tộc.

Lúc đó "Mùa Tết năm nào" sẽ quay trở về với bạn, với tôi và với mỗi con người Việt Nam chúng ta!
 
Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mình cũng nghĩ pháo cũng là một yếu tố góp phần tạo nên ngày tết cổ truyền Việt Nam, thiếu vắng tiếng pháo nổ ngày xuân cũng đã làm mất đi phần nào hương vị tết, nhưng tiếc là giờ đây nó chỉ còn là những ký ức đẹp trong mỗi người mà thôi...
 
Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mình cũng nghĩ pháo cũng là một yếu tố góp phần tạo nên ngày tết cổ truyền Việt Nam, thiếu vắng tiếng pháo nổ ngày xuân cũng đã làm mất đi phần nào hương vị tết, nhưng tiếc là giờ đây nó chỉ còn là những ký ức đẹp trong mỗi người mà thôi...
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top