Vẫn đổ xô kinh tế, tài chính

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Với số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) thu nhận được, có thể thấy những ngành liên quan đến kinh tế, tài chính vẫn được chuộng nhất. Thêm nữa, hồ sơ ảo năm nay sẽ giảm rất nhiều.


ImageView.aspx


Nộp hồ sơ ĐKDT rồi mà vẫn băn khoăn với sự lựa chọn - Ảnh: Hồng Vĩnh

Vẫn lựa chọn ngành quen thuộc

Cô Kim Anh - Phụ trách tuyển sinh trường THPT Marie Curie (TPHCM) - cho biết: “Với những hồ sơ ĐKDT mà các em nộp tại phòng giáo vụ, cho đến lúc này, việc lựa chọn trường thi, ngành thi có sự khác biệt không nhiều so với năm 2009. Các ngành học sinh lựa chọn vẫn là tài chính - ngân hàng, du lịch, marketing...

Còn các trường được thí sinh đặt bút chọn nhiều nhất vẫn là các trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Hoa Sen, ĐH Mở, ĐH Kinh tế, ĐH Tài chính – Marketing. CĐ Kinh tế đối ngoại...”.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ĐH Tài chính - Marketing năm nay dự đoán sẽ nhận được rất nhiều hồ sơ ĐKDT. Rất nhiều thí sinh tại các trường THPT bậc trung trở xuống đều lựa chọn các ngành nghề của trường này.
Nguyễn Mạnh Tiến - lớp 12B10 trường THPT Marie Curie, ngoài việc lựa chọn ngành kế toán doanh nghiệp (khối A) của ĐH Tài chính - Marketing còn nộp hồ sơ vào trường ĐH Mở (khối D1) và chọn trường CĐ Tài chính - Hải quan để thi đợt thi CĐ.

Theo Tiến, đa số các bạn trong lớp chọn vào những ngành học như tài chính - ngân hàng, công nghệ thực phẩm, kế toán...

“Lớp em rất hiếm bạn chọn thi khối C. Trong khi với các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, những thí sinh thi khối C sẽ có lợi thế hơn các khối A, B rất nhiều” - Tiến cho hay.

Trong khi đó, ở các trường tốp trên như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT chuyên Lê Hồng Phong..., thí sinh, vì sức học tốt hơn, thường lựa chọn vào những trường có sức cạnh tranh cũng như điểm chuẩn các năm cao như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM.

Thống kê sơ bộ ở các trường này cho thấy, ngoài một số học sinh có ý định đi du học, khoảng 2/3 số lượng học sinh mỗi lớp lựa chọn vào các trường có điểm chuẩn khá cao như trên. Số còn lại chọn những trường có điểm chuẩn trung bình.

Tại trung tâm luyện thi 60 An Sương, đã nhận được khoảng 1.000 hồ sơ ĐKDT. Có đến 65% thí sinh tại trung tâm lựa chọn khối A với các ngành như tài chính - ngân hàng, kế toán..., 15% thí sinh chọn khối B với các ngành y, dược, công nghệ sinh học... Còn lại là các ngành học khối C và D1.

Trong khi đó, thông tin sơ bộ từ các trường THPT địa phương, nhiều ĐH vùng vẫn là lựa chọn của rất nhiều thí sinh. Theo Trần Nhật Nguyễn Gia Ân - lớp 12T2, trường THPT Quốc học, TP. Quy Nhơn, một trong những trường tốp đầu của toàn tỉnh Bình Định, lớp bạn có đến hơn chục thí sinh chọn lựa ĐH Quy Nhơn là địa điểm thi của mình, tiếp đó là ĐH Đà Nẵng có khoảng cách không xa.

Những trường ĐH được lựa chọn tại TPHCM là ĐH Mở, ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Ngoại ngữ - Tin học... với hồ sơ lẻ tẻ.

Ít hồ sơ ảo


Theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM, nơi đây đã nhận được hơn 500 hồ sơ ĐKDT của các thí sinh tự do. Thống kê sơ bộ cho thấy những trường được thí sinh tự do quan tâm nhiều nhất là ĐH Y dược, ĐH Sài Gòn hay CĐ Kinh tế Đối ngoại.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi thí sinh nộp từ 2 – 3 hồ sơ ĐKDT. Rất hiếm thí sinh nộp cả 4 bộ hồ sơ. Vì vậy, năm nay số lượng hồ sơ ảo vào trường nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm 2009.

ImageView.aspx


Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT Marie Curie

Cô Kim Anh - THPT Marie Curie - cũng nhận định năm nay sẽ ít hồ sơ ảo hơn năm 2009. Đa phần các thí sinh nộp hai hồ sơ, học sinh nào thi hai khối mới nộp ba hồ sơ ĐKDT.

Việc hồ sơ ảo giảm có thể nhìn thấy rõ nhất tại các trung tâm luyện thi. Tại trung tâm luyện thi 60 An Sương (TPHCM), mọi năm đều có khống chế số lượng học viên nhất định để đáp ứng nhu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ năm nay giảm hơn nhiều so với năm 2009.

Theo ông Nguyễn Đức Quốc - Giám đốc Trung tâm Luyện thi 60 An Sương, năm nay hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tập hợp lại để nộp về Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT giảm 30 - 40% so với năm 2009.

Lý do chính, theo các em, là năm nay số tiền nộp cho mỗi bộ hồ sơ đến 86.500 đồng đối với các khối thường và 206.500 đồng đối với các khối năng khiếu. Từ đó, học viên hạn chế nộp nhiều hồ sơ đến mức tối thiểu.
Lý do của việc hồ sơ ảo có khả năng ít hơn, theo các chuyên gia tuyển sinh, cũng xuất phát từ việc thí sinh phải nộp lệ phí thi trực tiếp (thí sinh học lớp 12 trường nào nộp lệ phí thi tại trường đó; thí sinh tự do nộp tại điểm thi hồ sơ) và chỉ được nộp mỗi khối thi một hồ sơ.

Thêm lý do khác là hiện nay, công tác tư vấn tuyển sinh ngày càng chuyên nghiệp, giúp cho thí sinh dễ dàng nhận thức rõ được năng lực cũng như niềm đam mê của mình đối với ngành nghề nào đó.

Việc này khiến các em nhanh chóng lựa chọn dứt khoát một trường ĐH duy nhất mà mình yêu thích chứ không phải chần chừ như trước nữa.
Năm 2009, trường nào có số lượng hồ sơ ĐKDT càng nhiều càng phải lo sốt vó vì hồ sơ ảo. Hồ sơ ảo khiến các trường lo đi thuê mướn địa điểm thi phải khốn đốn vì sau đó bị trống rất nhiều phòng. Trường nào thi càng nhiều càng than lỗ vốn và xin trợ cấp từ Bộ GD&ĐT.


Cân nhắc chọn trường đa ngành

Trước xu hướng ưa chuộng các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành tài chính – ngân hàng của thí sinh, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT không giao chỉ tiêu cho từng ngành cụ thể mà chỉ giao chỉ tiêu cho từng trường.

“Ngoài một số trường khối ngành kinh tế có khá nhiều trường đại học đa ngành cũng đào tạo các ngành kinh tế. Do đó chỉ tiêu cho những ngành này sẽ lớn hơn chỉ tiêu của những ngành khác.”, bà Trần Thị Hà chia sẻ.


Theo TPO.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top