• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Văn minh sông nước miệt vườn

thich van hoc

Moderator
VĂN MINH SÔNG NƯỚC MIỆT VƯỜN - HƯƠNG SẮC MIỆT MƯỜN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

Đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của “văn minh sông rạch”, “văn minh miệt vườn” khá độc đáo. Bờ sông không đắp đê, lại bị cắt từng chặng ở ngã ba, ngã tư, muốn qua rạch nhỏ thì sẵn kiểu “cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. “Cầu ván đóng đinh” xuất hiện rất trễ khi thực dân Pháp đến. Câu hát “Ví dầu cầu ván...” khá phổ biến, ngay cả trẻ con thời xưa cũng thuộc nằm lòng, câu hát trở thành câu thai đố. Khi cúng đình, nghe ra thai “Ví dầu cầu ván... cầu tre lắt lẻo...” thì hàng chục trẻ con nhốn nháo lên, đứa nào cũng muốn giành lấy phần thưởng. Đáp là cái bánh bò. Cầu tre khó đi nên nhiều người phải... bò, để giữ thăng bằng. Cầu tre còn gọi là cầu khỉ (người qua cầu phải lanh lẹ tay chân như con khỉ chuyền trên cây) luôn luôn có nhịp giữa với khúc tre rời, đề phòng trường hợp ghe có mui quá cao, hoặc có cột buồm thì giở khúc tre ở giữa lên cao, ghe qua rồi thì hạ khúc tre xuống.

Trong công cuộc khai phá và xây dựng miền đất mới của cư dân người Việt ở Nam bộ, dưới tác động của thiên nhiên, con người càng có ý thức cải tạo thiên nhiên. Lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của những người mở đất. Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng, vườn ở đồng bằng Cửu Long rộng lớn, ở từng nơi vườn thường tập trung lại với nhau thành những không gian vườn tược rộng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Huê lợi vườn nhiều gấp 50 lần huê lợi ruộng” và riêng tỉnh Bến Tre thì “trong tổng số diện tích 154.606 mẫu tây, có 16.500 mẫu vườn tược”(1). Sự ra đời của miệt vườn không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa văn hóa, thể hiện khả năng ứng xử phù hợp của con người đối với thiên nhiên.

Số đông các nhà nghiên cứu khi viết về văn hóa Nam bộ có một cách hiểu chung miệt vườn là “những vùng, những tỉnh xưa được lưu dân Việt vào khai phá sớm hơn cả”. Đó là những dãy đất “giồng” cao ráo mà những người đi mở đất đã chọn “làm đất đứng chân” vì những nơi này “thỏa mãn những yêu cầu ban đầu cho người dân đi khai phá có nước ngọt, cao ráo, tránh được muỗi mòng, rắn rết, trồng được những hoa màu ngắn ngày và có cái ăn để tồn tại”(2). Theo nhà văn Sơn Nam, miệt vườn là “những vùng cao ráo có vườn cam, vườn quýt”, “được xây dựng trên những đất giồng, đất gò ở ven sông Tiền, sông Hậu”(3).

Miệt vườn - theo nhà văn Sơn Nam, là cách gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (chúng ta từng nghe nói về vườn, công tử vườn, bắp vườn, nhà vườn,...) Cho nên đã phát sinh câu ca dao:

Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh

Trai gái ở đất giồng đất bưng miền Rạch Giá – Cà Mau mơ ước có chồng có vợ từ miệt vườn đến, để học hỏi thêm. Cô gái ở Rạch Giá thèm đời sống ở miệt vườn “mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”. Cô gái miệt vườn lại e ngại khi lìa quê, theo chồng tận chốn “chim kêu vượn hú”:

Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu.
Hoặc là:

Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập ruộng vườn
Nghe lời nói lại càng thương
Thương em, anh muốn lập vườn cưới em.

Thật vậy, miệt vườn là nơi trù phú. Gái miệt vườn rất giỏi về nữ công gia chánh, cho nên có quan niệm rằng chỉ có trai Gia Định mới xứng đáng làm người yêu:

Ghe ai mũi đỏ xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?

Dưỡng già, sống những ngày hưu trí ở miệt vườn là thong dong nhất. Trai lớn lên mà lập vườn thì cơ sở làm ăn được vững chắc. Bởi vì, “vườn là nguồn lợi quan trọng hơn ruộng, gái vườn ở vào trình độ cao hơn gái quê, đất vườn cao giá hơn đất ruộng. “Đất đai viên trạch” tức là đất ruộng, đất vườn và đất thổ cư, tiêu biểu cho thôn xóm. Cúng “mâm đất đai”, trước khi cúng vái ông bà, tức là cúng cho những người đầu tiên sáng lập thôn xóm, tiền hiền và hậu hiền”(4).

“Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên”, “Trai Hai Huyện, gái Miệt Vườn” là những lời ca ngợi dành cho dân miệt vườn. Nhơn Ái thuộc Phong Điền nổi danh về vườn cam, vườn quýt ở rạch Cần Thơ. Ở đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nho sĩ, nhất là dân trung lưu và bình dân ăn nói lễ phép, lưu loát, biết hát biết hò nơi sông sâu nước ngọt với chiếc tam bản hai chèo hoặc bốn chèo. Gái Long Xuyên nổi tiếng giỏi về nữ công gia chánh, đặc biệt là ở vùng cù lao Ông Chưởng, vùng Chợ Mới, nơi gọi là Hai Huyện.

Nằm trên lưu vực hai con sông Tiền, sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như một vùng sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt quanh năm, người dân hiền hòa mến khách với những địa danh đã được biết đến từ lâu, như: cù lao Thới Sơn, trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), sân chim Ba Tri, Cồn Phụng (Bến Tre), cù lao Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng , chợ nổi Ngã Bảy (Cần Thơ, Hậu Giang), Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp)... Một vùng sông nước với hệ thống kinh rạch chằng chịt, những cù lao đầy ắp hoa trái và sản vật chính là nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ để chế biến những món ăn độc đáo in đậm chất phương Nam. Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa... đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi. Kẹo dừa Bến Tre, nem Lai Vung, vú sữa Lò Rèn, măng cụt Cái Mơn, bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, xoài cát Hòa Lộc, bánh phồng Sa Đéc, bánh pía Sóc Trăng, mắm thái Châu Đốc... là những hương liệu sẽ mang lại hương vị đậm đà cho bữa tiệc ẩm thực của Đồng bằng sông Cửu Long.

livecantho_chonoicaibe.jpg

Chợ nổi Cái Răng.

Cần Thơ là địa danh tiêu biểu ở vùng đất này. Nó không chỉ là biểu tượng của quê hương mà còn là tình cảm, là niềm hãnh diện của người dân miệt sông nước đồng bằng:

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về...

Câu ca dao lưu truyền từ bao đời đã làm lay động lòng người mỗi khi có dịp dừng chân ghé thăm vùng đất Tây Đô. Đến Cần Thơ, ngoài tận hưởng đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê nhà, ăn cơm sốt dẻo nấu bằng gạo Tài Nguyên thơm phức với mắm cá lóc, kèm bát canh cua đồng nấu với bông so đũa, bạn đừng quên đi du thuyền nghe hát dân ca. Chính vì thế mà Cần Thơ thu hút đông đảo bè bạn bốn phương.

Ca dao cũng có câu rằng:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.

Hay:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh!

Hay:

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười

Bến Tre nằm giữa bốn bề sông nước, bao gồm cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa, xen lẫn với đồng ruộng và vườn dừa xanh tươi. Khi đặt chân tới Bến Tre, ta sẽ được khám phá vùng hạ lưu và cửa sông Cửu Long. Cuộc sống của người dân Bến Tre luôn gắn bó với cây dừa. Bến Tre có các vùng sinh thái tự nhiên như: vùng sinh thái nước ngọt gồm các cồn, vùng dân cư ven sông Tiền, sông Hàm Luông, với những vườn trái cây nhiệt đới, làng hoa cảnh... Vùng sinh thái nước lợ ở xã Hưng Phong với nét sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm nét làng quê Nam bộ. Vùng sinh thái nước mặn tại khu vực bãi biển Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phong và khu rừng ngập mặn phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, nghỉ dưỡng, giải trí và thưởng thức các món ăn mang hương vị biển. Các cù lao ở Bến Tre có màu xanh bạt ngàn của rừng dừa xen lẫn những vườn trái cây đủ loại. Người dân vùng Cái Mơn, huyện Châu Thành kể rằng, ngày xưa họ đi mưu sinh khắp nơi. Nhiều người từ nước ngoài trở về đem theo các giống cây lạ như: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm cùng với kỹ thuật ghép cành, gây giống. Sau khi trồng thử, trái ngon, ngọt thích hợp với dân địa phương và các vùng chung quanh. Từ đó, Cái Mơn được mệnh danh là đất tổ của nghề làm cây giống và lai ghép cây, trong đó, nổi tiếng nhất là sầu riêng Cái Mơn.

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày,
Xoài chua, cam ngọt Ba Lai,
Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa,
Quýt đường, vú sữa, ngổn ngang,
Dừa xanh Số Sãi, tơ vàng Ba Tri (12)

Bến Tre còn là quê hương của nhiều loại hoa quả. Ở đây có đến hàng chục loại trái cây nổi tiếng như sầu riêng, xoài cát, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm được trồng khắp nơi, thứ nào cũng thơm ngon, hấp dẫn. Khi đến thăm xứ dừa Bến Tre, lúc ra về không quên mua một vài sản phẩm đặc sản của địa phương để làm quà cho người thân mà còn được nghe những câu hát ngọt ngào, tình tứ:

Kẹo Mỏ Cày vừa thanh, vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo, vừa ngoan...
Ai đến quê tôi mênh mông Đồng Tháp
Thẳng cánh cò bay bát ngát ruộng đồng

Đồng Tháp là vương quốc của các loài trăn, rắn, rùa, già đãi, sếu đầu đỏ, nhơn sen, le le, chằng nghịt, ốc cao, quốc... cùng nhiều loại chim muông khác... Khắp nơi có tràm gió, sen, súng, bàng. Chưa kể đến các khu vực đầy ắp lúa ma, mồm mốc, mồm vàng, đưng, sậy. Hình ảnh người nông dân đi xuồng gặt lúa nổi, hay tay cầm chắc cây phảng phát hoang là hình ảnh tiêu biểu cho công cuộc lao động ở xứ sở này. Ngày nay, đất Đồng Tháp đã trải một màu xanh ngắt của lúa, của tràm, của màu sắc hoa sen và rất nhiều những dòng kinh xanh biếc.

An Bình đất mẹ cù lao
Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long
Khách về nhớ mãi trong lòng
Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang

Người dân ở cù lao An Bình (Vĩnh Long) nói riêng, các cù lao ở miệt vườn Nam bộ nói chung, bao đời nay vẫn luôn tự hào với những sản vật của quê hương: bưởi, nhãn long, sầu riêng, chôm chôm... Mảnh đất cù lao như người mẹ hiền cung cấp biết bao màu mỡ cho cây trái xum xuê, tươi tốt. Ai đã một lần đến với nơi đây lòng không khỏi vấn vương bởi hương bưởi thanh tao hay hương vị ngọt ngào của trái nhãn long đất Vĩnh. Hương thơm, vị ngọt ấy như muốn giữ chân du khách nán lại mảnh đất cù lao bé nhỏ mà thân thương này thêm chút nữa...

Cảnh thiên nhiên và đời sống văn hóa miệt vườn ảnh hưởng rất lớn đến những sáng tác ca dao miền sông nước Cửu Long. Một trong những biểu hiện ấy là sự phong phú và mới mẻ của những hình tượng thiên nhiên liên quan miệt vườn: hình tượng chim và hoa. Trong hệ thống thiên nhiên miệt vườn, đối tượng được phản ánh chính là những hình tượng cây trái do con người trồng trọt. Hệ thống cây trái do trồng trọt chiếm đa số trong hệ thống những hình tượng thiên nhiên liên quan đến miệt vườn: sầu riêng, vú sữa, nhãn, măng cụt, mận, mãng cầu, mít, cam, quýt, xoài, bưởi, dừa, chôm chôm...
Nhìn chung, nét đặc thù của thiên nhiên miệt vườn đã nảy sinh những sáng tác ca dao của Đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình hình thành miệt vườn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra những yếu tố văn hóa tinh thần phù hợp với đặc điểm tự nhiên và tư duy sáng tác ca dao của người Nam bộ. Sáng tạo đó đã góp phần phát triển thể loại văn học dân gian nói chung, làm phong phú và đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN BÌNH ĐÔNG

--------------
(1) Sơn Nam – Văn minh miệt vườn, Nxb Văn hóa, 1992, tr.74
(2) Nguyễn Phương Thảo – Văn hóa dân gian Nam Bộ - Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.47
(3) Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, 2005, tr.17, 23
(4) Sđd, tr. 245


Sưu Tầm
 
“Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn” do nhà xuất bản An Tiêm thực hiện. Trong lời mở đầu có tên “Thay lời tựa”, nhà văn miền Nam chơn chất, có tiết tháo, mềm dẽo qua cách đối xử, hòa mình trong mọi tình huống như một “Anh Hai Lúa” thời hiện đại, đã bộc bạch như sau :

”-Chúng tôi cố gắng viết lại chuyện cũ, theo quan điểm của một người dân Việt, với thái độ bao dung, vì thực dân Pháp đã đi rồi. Mục đích của việc ôn cố này chỉ là để tri tân”.

Trong tập sách chỉ vỏn vẹn 219 trang khổ 13x19, nhà văn Sơn Nam đã đưa ra tới chín chủ đề để ghi chép mọi thứ thuộc về “văn minh” nhưng là thứ văn minh của Miệt Vườn, tức đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã đưa ra nhiều địa danh được gọi là “Miệt”, như miệt trên (chỉ Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định, Tân An) và miệt dưới (chỉ vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc). Còn ông cho ‘Miền” chỉ vùng địa lý rộng lớn hơn, như miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Riêng miền Tây Nam Bộ còn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chính “đồng bằng sông Cửu Long” của nhà văn Sơn Nam có nền “văn minh miệt vườn”. Rồi ông xác định “Miệt vườn” tiêu biểu cho hình thức sanh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất của đồng bằng sông Cửu Long, như dân gian thường gọi : về vườn, gái vườn, bắp vườn, nhà vườn…Theo ông, “vườn” là chỉ cái bình dân, thấp kém, đơn sơ giản dị, mộc mạc, chân tình, quê mùa, chất phác… Ca dao miệt vườn có nhiều câu chơn chất, giản dị nhưng thấm đậm nghĩa tình son sắc :
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh…
Mẹ ơi, đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết đâu mà tìm !


Hình ảnh và nội dung của hai câu ca dao miệt vườn mang hai ý nghĩa khác nhau : một hân hoan được về vườn và một lại lo lắng khi về vườn. Từ đó, chúng ta nhận ra hai khu vực của miệt vườn : khu có văn ninh, tiến bộ và khu còn lạc hậu hay chưa khai phá, còn hoang sơ. Theo nhà văn Sơn Nam, văn minh miệt vườn chỉ khu vực thuộc châu thổ sông Tiền và sông Hậu tức sông Cửu Long có hai chi nhánh với 9 cửa (Cửu Long) đổ ra biển Đông hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ. Nguyên cả khu vực phía dưới thuộc bán đảo Cà Mau thời ấy chỉ là vùng U Minh thượng và U Minh hạ. Theo ông, miệt vườn là nơi trù phú. Gái miệt vườn giỏi về nữ công nữ hạnh. Rồi ông phân biệt :

-Vườn là nguồn lợi quan trọng hơn ruộng-Gái vườn ở vào trình độ cao hơn gái quê.-Đất vườn cao hơn đất ruộng.

Đúng vậy, ngày nay Luật đất đai quy định đất ruộng muốn trở thành đất vườn phải được cải tạo nâng cấp gọi là làm thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư và đất xây dựng.

Về địa lý, theo ông, miệt vườn là vùng Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Còn miệt U Minh chưa khai thác, U minh nghĩa là tối và mờ, ở đây cây cỏ dày mịt, nước ngập linh láng.. còn gọi là Láng biển hay Láng U minh.

Ông Sơn Nam còn trình bày sơ nét về “miệt vườn” thời đầu công nguyên. Đây là vùng đất ít nước nhiều. Theo truyền thuyết thời lập quốc của ba vương quốc (Chân Lạp, Phù Nam và Champa) vào trước và đầu công nguyên, cả vùng sông nước Cửu Long chỉ là biển nước mênh mông nằm phía dưới sông Tiền và sông Hậu mà sau này là Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Vùng trên là nước ngập mặn bao quanh bảy núi (Thất Sơn) gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ở chân núi Sập (Thoại Sơn) nằm giữa ba tỉnh Chấu Đốc, Long Xuyên và Kiên Giang dính với Thất Sơn (vùng bảy núi), năm 1942, Trường Bác cổ Viễn Đông (Hà Nội) phát hiện di chỉ Óc Eo là phố cảng của vương quốc Phù Nam tồn tại thời kỳ 1-6 thế kỷ sau công nguyên, sau đó biến mất cho tới 14 thế kỷ sau mới đào bới lên thấy được. Nhiều sử sách cho rằng phố cảng Óc Eo (tên đúng là Ô Keo = thung lũng ngọc, tiếng Khmer) thuộc về vương quốc Phù Nam nhưng bị vương quốc Chân Lạp (nay là Campuchia) thôn tính. Tới thế kỷ thứ 6 phố cảng này biến mất (do bị phủ lấp bởi nước biển), có thể cùng lúc với núi Sập xuất hiện. Núi sập và nước biển xâm nhập chính là hậu quả của “sóng thần”, gây nên thảm cảnh cả khu vực phố cảng đều bị chôn vùi. Cũng chính từ thời ấy, vùng đất có phố cảng Óc Eo và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển do nạn hải xâm. Có lẽ, nạn hồng thủy vùng Nam Bộ đã khiến cho người vật đều biến mất cho đến vài thế kỷ xảy ra nạn hải thoái theo quy luật biến đổi khí hậu và thiên nhiên trên quả địa cầu thì sinh vật mới trở lại xuất hiện ở đây. Khi ấy từ thế kỷ XII-XV diện mạo vùng Nam Bộ mới lộ dần ra cùng lúc với sự xuất hiện của một ít dân cư là dân tộc Khmer, Hoa kiều, Viêt Nam từ miền Trung di cư tới và họ đã sống chung hòa bình dưới chính quyền triều nhà Nguyễn đồng thời với thời gian một số dân tộc ít người như Ê Đê, Châu Mạ, Cơ ho…(ta gọi họ chung là Mọi) chuyển cư dần lên phía Tây Bắc Đồng Nai và Tây Nguyên. Trong số người có mặt đó thì người Việt phát triển nhanh nhất và nhiều nhất, nhất là sau khi đoàn quân dân do tướng Nguyễn Hữu Cảnh đưa đi ổn định Nam Vang trở về và để lại một số lớn để định cư lập nghiệp với một ít người Chăm (năm 1700).

Như vậy, cho tới khi người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm xuất hiện ở miền sông nước này, đồng bằng sông Cửu Long không có ai làm chủ. Chính chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1689 vào Gia Định quy hoạch nền hành chính sơ khai để sáp nhập vùng đất mới nhưng hoang vu ngập nước vào bản đồ Việt Nam thống nhất từ Bắc (Móng Cái) tới Nam (Cà Mau - Hà Tiên). Lúc ấy, Gia Định bao gồm cả miền Đông và Tây Nam Bộ.

Theo sách Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, NXB thành phố Hồ Chí Minh năm 1987, khảo cổ học chỉ ghi nhận được một điều là vào những thế kỷ đầu công nguyên mới có những bằng chứng vật chất về vết tích cư trú ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng U minh Thượng… của những cư dân sáng tạo nên nền văn minh Óc Eo – Ba Thê. (trang 34). Trước nền văn minh Óc Eo thì xảy ra chiến tranh liên miên giữa vương quốc Campuchia với Chăm pa và các vương quốc khác ở phía Nam thuộc Indonésia, Malaysia và Nam Ấn Độ. Sau Óc Eo sự xâm nhập của người Nam Á vào Campuchia và Champa. Cho tới thế kỷ XII, vương quốc Campuchia mới phục hồi xây dựng nên văn minh AngKor (đền tháp Angkor Wat và Angkor Thom).

Sau đó, xảy ra cuộc chinh phục ác liệt của vương quốc Xiêm (nay là Thái Lan) chiếm đóng Campuchia (1750) nhiều năm liền làm cho đất nước chùa Tháp kiệt quệ, nền văn hóa Angkor hầu như bị tiêu diệt khiến cho dân tộc Khmer phải bỏ đền tháp Angkor và rời khỏi địa bàn sinh tụ ban đầu là Xiêm Rệp, kinh đô dời xuống Phnom Penh (Nam Vang). Đất nước này suy yếu cho tới đầu thế kỷ thứ XIX xảy ra cuộc chiếm đóng của quân xâm lược Pháp và Nam Bộ (cả miền Đông và miền Tây) Việt Nam đều rơi vào tay thực dân Pháp (1859-1865).

Chính nền cai trị của Pháp đã biến Nam Bộ thành xứ thuộc địa bị khai thác đồng ruộng “cò bay thẳng cánh” mênh mông của miền Nam tạo ra một nền văn minh mới – văn minh miệt vườn. Xây dựng để khai thác lúa gạo, trái cây nên thực dân Pháp phải đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển tỉnh thành, quận huyện và lần lượt đưa vào nên văn minh cơ khí của Âu Tây, bên cạnh nền văn hóa ngoại lai xâm nhập. Miền Đông rồi Miền Tây thay da đổi thịt bởi văn minh Tây Âu. Giai cấp xuất hiện, giữa giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và giai cấp tư sản có sự xung đột ngày càng ác liệt, thêm vào đó một thành phấn trí thức mới nổi lên với giai cấp tiểu tư sản và địa chủ. Thực dân – tư sản và địa chủ luôn bắt tay với nhau để khai thác thuộc địa Việt Nam và bần cùng hóa nông dân, công nhân và nhân dân lao động dưới hai chế thực dân và phong kiến.

Cách đây trên dưới 100 năm, có nghĩa là từ năm 1900 tới năm 1945, hình thành nên nền văn minh miệt vườn, bắt đầu xuất hiện nền văn minh vật chất phương Tây do thực dân Pháp mang lại. Đó là các tỉnh thành, quận huyện được thành lập và xây dựng với nhà cửa, dinh thự mới, đường sá, cầu cống mới, kinh rạch được khai thông, đặc biệt ở miền Tây xuất hiện đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, đường xe ô tô được tráng nhựa nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ, hệ thống phà cầu nối liền các sông lớn, trong đó có phà Rạch Miễu, phà Mỹ Thuận, phà Hâu Giang, Vám Cống và Gò Công…Hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ đã nhanh chóng đưa miền Tây phát triển bên cạnh sự khai thác thuộc địa ngày càng nhiều của thực dân Pháp, đồng nghĩa với làm nghèo hóa công nhân và nhân dân lao động. Với một cách nhìn của nhà văn Sơn Nam hay một bộ phận Tây học khác, miệt vườn đã xuất hiện nền văn minh mới – văn minh miệt vườn. Hiểu một cách nào đó, văn minh miệt vườn là thứ văn minh nửa vời, có bề nổi mà không có bề sâu. Đó là văn minh của giới trí thức mới, tiểu tư sản, tư bản và địa chủ mới.

Văn minh miệt vườn trái với văn minh đô thị. Nhà cao cửa rộng, xe cộ dập dìu, chợ búa mua bán tấp nập, cảnh ăn chơi xa hoa kiểu Hắc công tử, Bạch công tử đại diện cho nền văn minh này chỉ nổi lên như bọt nước. Câu hò đối đáp của trai gái hay thương hồ, đờn ca tài tử hay vọng cổ hoài lang, gánh hát cải lương như của Thầy Năm Tú (Bến Tre)…xuất hiện vào thời kỳ này ở miệt vườn chính là phản ảnh những nỗi bức xúc, xót xa, cùng cực của tầng lớp nông dân, lao động (bần cố nông và người cùng khổ) trước nền văn minh chấp vá, sự phát triển thiếu đồng bộ của đời sống xã hội. Đó là những tiếng kêu than hay kêu cứu của một bộ phận trong nền văn minh miệt vườn.

Nhà văn Học Lạc (Nguyễn Học Lạc) năm 1919 đã làm thơ ca ngợi văn minh tỉnh thành nhưng nghe giọng chua chát, đắng cay không ít :
Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho
Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho
Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả,
Cũ mới phân nhau cũng một đò.
Phố cất vẽ vời xanh tợ lục
Buồm dong lên xuống, trắng như cò.
Đắc tình trạo tử quên mưa nắng
Dắng dỏi đua nhau tiếng hát hò.


Những câu hát, hò dân gian nửa Tàu nửa Ta (ba rọi) :Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa
Gởi thư thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.

Đời phải đời thạnh trị
Cuộc phải cuộc văn minh
Kia là gió mát trăng thinh
Biết đâu nhơn đạo, bày tình cho vui ?


Bài thơ sau đây cho thấy có sự pha trộn của con người “trưởng giả học làm sang” theo cú pháp ngụ ngôn (Fable) của La Fontaine :Gà lôi mang lốp con công
Ỷ mình là lạ, mang đi dông dài.
Gặp công áp lại nhập bầy
Công đá xể mặt, trầy mày đuổi đi.
Trở về đồng loại hiệp ty
Bạn cũ thấy lạ sanh nghi không nhìn !


Dưới đây là bài thơ nói về mặt trái của nền văn minh miệt vườn thời kỳ 1928-1930 :Suốt năm cày mướn cấy thuê
Lúa đi đâu mất, tiền về tay ai ?
Còn bề chú cả nhà đói rách
Chủ chú đành ngoảnh mặt ngơ tai.
Lúa tiền vay một trả hai
Cong lưng làm mọi cả đời không cơm.
Đến đỗi chú đập rơm táy mót
Chủ chú quơ sạch bót chẳng chừa
Đó là tang tích sờ sờ
Thế mà chú lại đổ thừa Trời sao ?


Trong nền văn minh miệt vườn lại xuất hiện nhiều nhà thơ, nhà văn như Hồ Biểu Chánh làm quan quận ở nhiều nơi nhưng đã có cái nhìn sâu sắc về đời sống xã hội thời ấy. Nền văn minh có hai mặt được ông tả lại cảnh sống giàu sang như sau trong tiểu thuyết “Một chữ tình” xuất bản năm 1923.

“Bên trong chái ấy là phòng ngủ thì để một cái giường sắt, mùng nệm gối mền đều tinh khiết. Trên cái đầu giường, có một cái tủ cẩm lai, đựng quần áo đầy dẫy. Dưới chân giường thì đề giày đủ thứ…”

Còn trong tiểu thuyết “Kẻ làm người chịu”, ông tả cảnh nhà nghèo của tá điền : “Đứng ngó vô nhà thì thấy trong nhà có một cái bàn thờ mà trên bàn trống trơn, không có chơn đèn, lục bình chi hết. Chính giữa có lót một bộ ván dầu, bên tay mặt có một cái chõng, còn bên tay trái thì có giăng một cái võng, gần đó lại có chất cày bừa lộn xộn”.

Nhà văn Sơn Nam còn phân biệt “miệt vườn” với “miệt thứ”. Miệt vườn là vùng trên nằm hai bên và giữa hai con sông Tiền và sông Hậu. Còn phía dưới đó nữa tức vùng U minh và bán đảo Cà Mau thì “miệt thứ”. Miệt vườn có văn minh, còn miệt thứ thì không. Nhưng chính miệt thứ này về sau trở thành vùng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ sau 1945, nền văn minh miệt vườn vẫn tiếp tục phát triển nhưng lại hình thành hai vùng : vùng sâu (bưng biền hay vườn tược ở xa các tỉnh thành và trị trấn, là vùng căn cứ cách mạng và vùng ngoài là vùng địch tạm chiếm gồm có tỉnh thành và thị trấn, phố xá, xe cộ, bán buôn tấp nập, đời sống xa hoa. Còn vùng sâu chỉ là vùng có cuộc sống yếu kém, thiếu thốn của những con người cách mạng sống kham khổ vừa thiếu ăn vừa bệnh tật để chiến thắng đem lại vinh quang cho Tổ quốc.

Sau khi cuộc cách mạng giải phóng đất nước thành công (1975), cả nước thống nhất và hòa bình thì công cuộc xây dựng bắt đầu phát triển đồng bộ cho cả miệt vườn lẫn miệt thứ. Tới nay, công cuộc xây dựng và phát triển xã hội gần như đồng bộ và đã mang lại sự cân bằng giữa “miệt vườn” và “miệt thứ”, giữa trên sông Tiền và dưới sông Hậu. Mặc dù cuộc sống nghèo – giàu chưa san bằng nhưng đã rút ngắn lại khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, trong đó hạ tầng cấu trúc đã được nhà nước đầu tư rất lớn, làm cho vùng sâu vùng xa trổi dậy nhanh chóng. Từ thành phố Cà Mau đi tới thị trấn U Minh Hạ hay thị trấn Năm Căn ngoài hệ thống tàu, ghe máy còn có đường xe ô tô khá tươm tất. Quan trọng nhất là nơi đây đang tiến tới một cảng sông (Năm Căn) cho vùng Đông Nam châu Á, có nhà máy điện đạm liên hợp song song với cảng Cần Thơ (sông Hậu), cảng Mỹ Tho (sông Tiền), cảng Đại Ngãi (sông Hậu phía biển). Không ai có thể ngời được, ngày nay ở thị trấn Nam Căn và thị trấn U Minh (miệt thứ) lại có trung tâm bưu điện hiện đại và mạng Internet phủ rộng khắp các hộ gia đình.

Đường giao thông Nam sông Hậu chạy từ dạ cầu Cần Thơ (bắc qua sông Hậu hiện đại giống như cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông (bắc qua sông Tiền) đã tạo nên một hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, nối liền với các thị trấn lẻ loi mà trước đây phải đi lòng vòng mất nhiều thời gian như thị trấn Kế Sách, thị trấn Đại Ngãi, Long Phú, Vĩnh Châu…Ngày xưa từ thị trấn Kế sách có đường thôn ấp trải đá hay đất nung hay đất thịt và phải qua nhiều cầu nhỏ hay không có và chỉ đi tới bờ nam sông Hậu đoạn cù lao Dung thì dừng lại. Nơi đây gọi là Đường Đứt. Ngày nay, tất cả đều là đường tráng nhựa với cầu bê tông chạy suốt các nơi như Mỹ Hội, Trà Ếch, sông Phụng. Ngày trước, từ Đại Ngãi (phía nam) tỉnh Sóc Trăng muốn sang bên kia bờ sông Hậu (phía bắc) để tới thị trấn Cầu Quan và Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) thì phải đi đò máy chạy mất hai giờ. Nay đã có hai phà như phà Mỹ Thuận chạy sang sông Hậu thông qua cù lao Dung và nối với hệ thống đường xe ô tô đi về Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang vô cùng ngoạn mục và nhanh chóng.

Ngày xưa, toàn bộ hệ thống sông Cửu Long chảy ra biển Đông phải qua 9 cửa, tức 9 dòng sông lớn làm cản trở hệ thống giao thông đường bộ và xe ô tô các loại không thể qua lại dễ dàng vì tất cà đều đi vòng. Ngày nay hoàn toàn đổi khác, từ thị xã Sóc Trăng tới Đại Ngãi rồi qua hai phà trên sông Hậu để tới Trà Vình và từ đây chạy theo bờ Nam sông Tiền để tới Bến Tre qua Mỹ Thọ về thành phố Hồ Chí Minh theo đường cao tốc hiện đại thật nhanh chóng, thật dễ dàng. Hệ thống đường này đã có cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu (chỉ còn phà Cổ Chiên) nhưng đã rút rất nhiều thời gian từ thành phố Hồ Chí Minh đi về miệt vườn và miệt thứ.

Ngày trước, thời văn minh miệt vườn trước năm 1945 – 1975, đi từ Sài Gòn tới Cà Mau phải mất cả ngày xe chay. Còn sau thời kỳ đổi mới (1986) tới nay (2013) thời gian rút lại chỉ còn nửa ngày do xe ô tô chạy theo hệ thống đường cầu xuyên suốt từ Mỹ Tho qua Bến Tre, Trà Vinh tới Sóc Trăng, Cà Mau tức xuyên qua 9 con sông của hệ thống sông Cửu Long chớ không chạy vòng từ Mỹ Tho tới Vĩnh Long rồi Sóc Trăng, Cà Mau.

Các cây cầu dây giăng hiện đại Rạch Miễu, Hàm Luông, Mỹ Thuận, Hậu Giang chỉ xây dựng trong vòng 10 năm đã nối liền một mạch TP Hồ Chí Minh – Miệt vườn – Miệt thứ, một là đi theo đường vòng cũ (cầu Mỹ Thuận, cầu Hậu Giang), hai là đi theo đường thẳng mới (cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và phà Cổ Chiên, Cầu Quan, Đại Ngãi).

Và không còn mấy lúc nữa thì hai miệt này sẽ có thêm đường cao tốc nối liền TP Hồ Chí Minh với TP Cà Mau (và xa hơn nữa nối từ Pắc Bó sát biên giới Việt – Trung tỉnh Cao Bằng – đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa chạy dọc theo dãy Trường Sơn hay đường QL 1A ven biển Đông hình chữ S) làm rút lại thời gian chỉ còn 3-4 giờ xe chạy xuyên qua đọan đường gần 400 km. Còn nếu tính từ Biên Hòa (miền Đông) qua TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau (miền Tây) để du lịch sinh thái thì lại càng nhanh chóng, hấp dẫn. Từ thành phố Biên Hòa có thể theo hai con đường rộng thênh thang (xa lộ Biên Hòa mở rộng và QL số 1 thep đường xe lửa Bắc Nam cải tiến qua cầu Bình Triệu hiện đại theo đường vòng đai xa lộ Đại Hàn nâng cấp nhập vào đường cao tốc Sài Gòn – Mỹ Tho, hoặc qua hệ thống cầu vượt ngã ba Cát Lái tới cầu Phú Mỹ quận 7 để theo đường Nam Sài Gòn (đại lộ Nguyễn Văn Linh), qua khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (cảnh quan không thua gì Singapore) tới Bình Chánh nối với đường cao tốc về miền Tây, hoặc rẽ sang đường hầm Thủ Thiêm chui qua lòng sông Sài Gòn theo đường xa lộ Bắc Nam (đại lộ Võ Văn Kiệt) xuyên qua một loạt các hệ thống cầu đường hiện đại nằm dọc theo kinh Tàu Hủ được xây dựng bờ kè thẳng tắp qua bến Bình Đông xinh đẹp nối với Bình Điền, Chợ Đệm thuộc khu công nghiệp Tân Tạo tới đường cao tốc Sài Gòn – Mỹ Tho. Như vậy, miền Đông nối với miền Tây Nam Bộ qua một hệ thống cầu đường hiện đại vừa chìm vừa nổi xuyên qua thành phố Hồ Chí Minh mới hiện đại có tầm vóc nhất nhì trong khu vực Asean sau 300 năm hình thành và phát triển.

Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mékong) từ Đồng Nai tới Cà Mau có diện tích 39.350 cây số vuông được tạo thành do phù sa mới của sông Cửu Long và sông Đồng Nai bồi đắp hàng ngày nhưng ngày nay ở vào thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước thì nền văn minh đô thị đã lấn áp nền văn minh miệt vườn, miệt thứ chưa đầy nửa thế kỷ .

Thời kỳ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ chiếm đóng phải mất 100 năm mới hình thành văn minh miệt vườn. Còn thời kỳ hòa bình, hội nhập với nền kinh tế và văn minh thế giới, đống bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ chỉ mất hơn 20 năm để trở thành nền văn minh đô thị xứng tầm với “Hòn ngọc Viễn Đông” của thời kỳ mới. Chính vì vậy mà Trung Quốc có mặc cảm “tự ti” ở Đông Nam châu Á nên rấp tâm tiếp tục làm người chinh phục của thời Nguyên Mông và Mãn Thanh hung hãn và bành trướng giành giựt chủ quyền với nước anh em nhỏ bé bằng vũ lực dù là một quần đảo nhỏ nằm giữa biển Đông là Hoàng Sa và lăm le tới Trường Sa bằng đường vẽ lưỡi bò phi lý và nhục nhã.

Trung thành với quan điểm từ lý luận tới thực tiễn “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” thì nhất định vùng biển Đông có Hòang Sa và Trường Sa phải là của Việt Nam. Dân tộc Việt Nam anh hùng đã từng có miền đất cổ xa xưa là Xích quỷ nằm trong lòng đất Trung Quốc bên hồ Động Đình đã bị lấn chiếm cách nay trên 4.000 năm lịch sử dựng nước của 18 đời Hùng Vương và sau đó bị đô hộ gần cả ngàn năm. Nếu biết tự trọng và liêm sỉ, biết tôn trọng luật pháp quốc tế, biết thừa nhận chủ quyền của nước anh em thì Trung Quốc hãy nhanh chóng hoàn trả quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam mà không đòi hỏi bất kỳ một điều kiện nào, để còn giữ mối quan hệ hữu nghị anh em mà lãnh đạo hai nước năm xưa từng bắt tay ca ngợi với nhau :”Môi hở răng lạnh” và “Láng diềng anh em”.

Dáng đứng Bến Tre còn đó giữa đồng bằng Nam Bộ, đã từng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì dân quân Việt Nam vẫn có thể “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…” dù phải mất một ngàn năm, một trăm năm và hai mươi năm gian khổ, hy sinh và dù phải “Đốt cháy cả dãy Trường Sơn” thêm một lần nữa .

Hai tỷ dân Trung Quốc luôn trung thành với học thuyết Khổng – Mạnh (Vạn thế sư biểu) coi trọng đạo lý, tôn trọng đạo đức, nghĩa tình thì khộng thể theo đuổi sách lược mù quáng “duy chiến tranh, duy quân đội” và “có quân đội là có quyền”, thực hiện chính sách “Cùng binh độc vũ” và “viễn giao, cận công” của vua chúa thời phong kiến để mở mang bờ cõi mà hãy nên thể hiện tầm vóc của một đất nước vĩ đại và một dân tộc vĩ đại mà hành xử :”Miện phục thái chương viết Hoa, đại quốc viết Hạ
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top