• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Đông Nam Á là một khu vực khá rộng, diện tích khoảng 4,5 triệu km2 trải ra trên một phần Trái Đất từ khoảng 92° đến 140° kinh Đông và từ khoảng 28° vĩ Bắc chạy qua xích đạo đến khoảng 15° vĩ Nam. Về mặt địa lý hành chính, Đông Nam Á hiện nay gồm có 10 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Malaixia, Xingapo, Inđônêxia, Philippin, Brunây với dân số khoảng hơn 521 triệu người (số liệu năm 2000).
Ý niệm về Đông Nam Á như một khu vực riêng biệt đã có từ lâu. Song, cùng với thời gian, khái niệm này ngày càng được hiểu một cách đầy đủ và chính xác hơn. Người Trung Quốc xưa kia thường dùng từ Nam Dương để chỉ những nước nằm trong vùng biển phía Nam. Người Nhật gọi vùng này là Nan Yo. Người Arập xưa gọi vùng này là Qumr, rồi lại gọi là Waq-Waq và sau này chỉ gọi là Zabag. Còn người Ấn Độ từ xưa vẫn gọi vùng này là Suvarnabhumi (đất vàng) hay Suvarnadvipa (đảo vàng). Tuy nhiên đối với các lái buôn thời bấy giờ Đông Nam Á được nhìn nhận là “một vùng thần bí, nơi sản xuất hương liệu, gia vị và những sản phẩm kỳ lạ khác, còn sinh sống ở đây là những con người đi biển thành thạo và can đảm”.

Tính khu vực của Đông Nam Á được nhận thức rõ rệt đầy đủ hơn khi nước Anh lập ra Bộ chỉ huy quân sự Đông Nam Á trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, cố gắng hợp nhất các nước thuộc địa tách biệt của các đế quốc Anh, Hà Lan, Pháp, Mỹ lại thành một khu vực chung.

Như thế có thể thấy rằng từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, từ Đông Nam Á mới xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới như một khu vực riêng biệt và có tầm quan trọng đặc biệt. Song nếu như trước đây, người ta mới chỉ nhìn thấy tính khu vực của Đông Nam Á thể hiện ở vị trí địa lý - chính trị và quân sự của nó thì đến nay nhiều người đã khẳng định rằng ít nhất cho đến thế kỷ XVI, Đông Nam Á đã nổi lên như một trong những trung tâm văn minh, một khu vực địa lý - lịch sử - văn hóa trước khi trở thành một khu vực địa lý - chính trị

Đương nhiên trong quá trình phát triển lịch sử, Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của các nền văn minh bên ngoài, song sự tác động ấy không vì thế mà biến vùng này thành khu vực “Ấn Độ hóa” hay “Hán hóa” mà nó đã “lựa chọn những gì thích hợp trong thế giới Đraviđa, đồng thời phục tùng các đặc điểm của mình, chứ không phải tiếp thu tất cả những gì xa lạ với họ.”

Do điều kiện địa lý của mình, Đông Nam Á chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa, tạo nên hai mùa tương đối rõ rệt: mùa khô lạnh, mát và mùa mua tương đối nóng và ẩm. Vì thế Đông Nam Á còn được gọi là khu vực “châu Âu gió mùa”. Nếu theo khái niệm này thì ranh giới địa lý khu vực Đông Nam Á còn bao gồm cả miền Nam Trường Giang và vùng Đông Bắc Ấn Độ nữa.

Chính gió mùa và khí hậu biển làm cho khí hậu vùng Đông Nam Á đáng lẽ có thể trở nên khô cằn như một số khu vực lục địa khác có cùng vĩ độ, nhưng nó đã trở nên xanh tốt và trù phú với những đô thị đông đúc và thịnh vượng như Kuala-Lumpua, Xingapo, Giacata... Gió mùa kèm theo những cơn mưa nhiệt đới đã cung cấp đủ nước cho con người dùng trong đời sống và sản xuất hàng năm, tạo nên những cánh rừng nhiệt đới phong phú về thảo mộc và chim muông. Đông Nam Á từ lâu đã trở thành quê hương của những cây gia vị, cây hương liệu đặc trưng như hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu, hồi, quế, trầm hương... và cây lương thực đặc trưng là lúa nước. Theo một số nhà nghiên cứu thì cư dân Đông Nam Á có những nét chung thống nhất về mặt văn hóa là vì cư dân ở đây có chung một nền tảng văn hóa Nam Á, lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính. Đông Nam Á được coi là “cái nôi” của cây lúa nước và là một trong năm trung tâm cây trồng lớn trên thế giới. Văn hóa Hòa Bình đã chứng minh cư dân ở đây đã thuần hóa nhiều giống lúa, thực vật khác nhau, xuất hiện nền nông nghiệp sơ khai với các loại cây trồng đặc biệt là các loại cây có củ và bầu bí, các cây họ đậu ở vùng thung lũng chắn núi. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng chủ nhân văn hóa Hòa Bình là người biết trồng trọt đầu tiên trên thế giới; niên đại nông nghiệp ở đây có thể lên đến hơn 1 vạn năm TCN và vì thế “Đông Nam Á đã có một cuộc cách mạng nông nghiệp sớm nhất thế giới”. Đến thời đại đồ đồng, trong điều kiện của vùng nhiệt đới, cư dân Đông Nam Á đã bước sang kinh tế trồng lúa khô ở nương rẫy và lúa nước ở vùng thung lũng hẹp châu thổ. Cây lúa đầu tiên được thuần dưỡng ở vùng thung lũng hệ chân núi dần dần được chuyển xuống vùng châu thổ thích nghi với vùng ngập nước. Cùng với việc trồng lúa nước, người ta đã thuần dưỡng trâu bò làm sức kéo, xuất hiện các nghề thủ công, đặc biệt là nghề sông biển. Từ đó nông nghiệp trồng lúa nước đã trở thành cội nguồn, thành mẫu số chung của nền văn minh khu vực. Đó là một “nền văn minh có đủ sắc thái đồng bằng, biển, nửa đồi núi, nửa rừng với đủ các dạng kết cấu đan xen phức tạp... nhưng mẫu số chung là văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, văn hóa xóm làng.
Phải nói rằng gió mùa không chỉ đem lại thuận lợi cho con người mà những yếu tố tự nhiên vẫn tác động và tạo nên sự thất thường cho khí hậu trong vùng tuy với biên độ không lớn lắm. Mưa nhiệt đới trên địa bàn tự nhiên của khu vực làm thành những vùng nhỏ, xen kẽ giữa rừng nhiệt đới, đồi núi, bờ biển và đồng bằng, tạo nên những cảnh quan đa dạng. Thực tế đó khiến cho Đông Nam Á thiếu những không gian rộng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô lớn, thiếu những điều kiện tự nhiên cho sự phát triển những kỹ thuật tinh tế, phức tạp. Ở đây không có những đồng bằng rộng lớn như vùng châu thổ sông Ấn, sông Hằng hay sông Hoàng Hà; cũng không có những đồng cỏ mênh mông như vùng thảo nguyên. Không gian sinh tồn ở đây tuy nhỏ hẹp nhưng lại rất phong phú, đa dạng; con người có thể khai thác ở thiên nhiên đủ loại thức ăn để sinh sông. Vì thế có người đã gọi Đông Nam Á là khu vực khai thác thức ăn theo phổ rộng. Những điều kiện đó rất thuận lợi cho cuộc sống của con người trong buổi đầu nhưng không khỏi ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của một nền kinh tế sản xuất lớn, tạo nên một khối lượng sản phẩm lớn trong những giai đoạn phát triển sau này của khu vực. Đồng thời, sự đa dạng, đan xen của những địa bàn sinh tụ nhỏ này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tính đa dạng trong văn hóa tộc người của cả khu vực và trong mỗi quốc gia.

Do vị trí địa lý của mình nằm án ngữ trên con đường hàng hải nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Đông Nam Á từ lâu vẫn được coi là hành lang, là cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải. Thậm chí cho đến gần đây, một số nhà nghiên cứu vẫn gọi khu vực này là “ống thông gió” hay “ngã tư đường”.

Việc đi lại bằng thuyền ở vùng Đông Nam Á đã có từ thời rất xa xưa. Có thể nói cư dân Đông Nam Á đã biết đóng bè mảng và thuyền đi biển rất sớm. Dựa trên các tài liệu khảo cổ học W.Solheime đã nhận định rằng kỹ thuật đi biển sớm nhất xuất hiện ở vùng duyên hải biển Xulu, giữa Minđanao, Boócnêô và Xêlêbơ khoảng 8.000 - 9.000 năm trước. Kỹ thuật hàng hải cổ đạt đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ V TCN khi những hình thuyền với cỡ dáng to lớn, kiểu cong mũi, cong lái được khắc trên nhiều trống đồng Đông Sơn. Các thư tịch cổ Trung Hoa từ thế kỷ III cũng xác nhận rằng các sư tăng Trung Hoa sang Ấn Độ thời bấy giờ đều đi trên những thuyền gọi là Côn Luân bản dài đến 50m, trọng tải đến 600 tấn, có thể chở hàng trăm người, có buồm lớn, buồm con... của các nước thương nghiệp Đông Nam Á. Những con thuyền này đều có cột, giương buồm, đã vượt biển khơi, nối Đông Nam Á với Trung Quốc và Ấn Độ, chở người và hàng hóa, từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ XV - XVI. Một số thuyền không may bị đắm. P.Y. Manguin đưa ra một danh mục 10 thuyền bị đắm đã được các nhà khảo cổ học dưới nước phát hiện và nghiên cứu trong đó có 2 thuyền ở Pahang (Malaixia) và Agusan (Philippin) có niên đại C14 vào khoảng thế kỷ III - V; 3 thuyền thuộc thế kỷ V - VI và những thuyền khác thuộc thế kỷ VII - XIV. Trên tường khu đền Bôrôbuđua còn có phù điêu hình con thuyền buồm lớn nhiều mái chèo, gần giống với những hạm thuyền Galơ của La Mã cổ đại.

Việc buôn bán bằng đường biển với Đông Nam Á đã khá nhộn nhịp từ thế kỷ II. Đến thế kỷ VII thì thuyền buôn Arập đã thường xuyên đến vùng này để mua hương liệu, gia vị. Không phải ngẫu nhiên mà ở đây đã có mặt những nhà địa lý hay du lịch, nhà truyền giáo hay ngoại giao của cả phương Đông và phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử như Ptôlêmê, Khang Thái, Nghĩa Tĩnh, Pháp Hiển, Trịnh Hà, Maccô Pôlô, Chu Đạt Quan... Họ đã đến đây xem xét, ghi chép và để lại những tài liệu quý giá cho đời sau. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu đã coi Đông Nam Á là một bộ phận của hệ thống mậu dịch thế giới, nối liền hai thế giới Đông Tây, có từ thời truyền bá đạo Phật, đạo Hinđu cho đến tận ngày nay.

I Cơ sở hình thành nền văn minh khu vực Đông Nam Á

1. Có thể thấy rằng điều kiện tự nhiên của Đông Nam Á thuận lợi cho những bước đi đầu tiên của con người. Điều đó giải thích vì sao con người đã có mặt ở đây từ rất xa xưa. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu vết của quá trình chuyển biến từ vượn thành người ở Đông Nam Á.
Cách đây không lâu người ta đã phát hiện được dấu vết hóa thạch vượn bậc cao Pondaung (Mianma) có niên đại 40 triệu năm và vượn khổng lồ ở Inđônêxia sống cách đây khoảng 5 triệu năm. Đặc biệt hóa thạch của người Pitêcantơrôp tìm thấy ở Giava có niên đại cách đây khoảng 2 triệu năm là dấu vết xưa nhất của giống người tối cổ ở Đông Nam Á. Di cốt, mảnh di cốt và những công cụ đồ đá của người tối cổ còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác trong khu vực như ở Việt Nam, Thái Lan, Philippin, Malaixia... việc phát hiện chiếc sọ Người Tinh khôn (Hômô Sapiêns) ở hang Nia (Saraoắc đảo Boócnêô) với niên đại là 396.000 năm và một chỏm sọ Hômô Sapiêns trong hang Tabon (Philippin) có niên đại 30.500 năm đã cho thấy quá trình chuyển biến từ vượn thành người ở Đông Nam Á là trực tiếp và liên tục.

Cùng sinh tụ trên một khu vực địa lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra một nền văn hóa bản địa có cội nguồn chung từ thời tiền sử và sơ sử trước khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Quá trình phát triển liên tục của các nền văn hóa khảo cổ ở Đông Nam Á đã chứng tỏ điều đó.

Sau giai đoạn đồ đá cũ với những di chỉ nổi tiếng như núi Đọ, núi Quan Yên, Xuân Lộc (Việt Nam), Anya (Mianma), Pingnoi (Thái Lan), Tampan (Malaixia), Cabaloan (Philippin)... người ta vẫn thấy có sự phát triển liên tục từ đồ đá giữa đến sơ kỳ đồ sắt ở Đông Nam Á.

Điển hình của thời đại đồ đá giữa của khu vực là văn hóa Hòa Bình với loại hình công cụ đặc trưng là những viên cuội được ghè đẽo trên cả hai mặt, rìu đá cuội có lưỡi ở một đầu, chày nghiền...

Kỹ thuật chế tác đá Hòa Bình đã có mặt trên nhiều địa điểm ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia.. Sự giống nhau của kỹ thuật chế tác đá thuộc văn hóa Hòa Bình đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa chung của cả Đông Nam Á. Vì thế một số người đã dùng khái niệm “phức hợp kỹ thuật Hòa Bình” để chỉ một truyền thống kỹ thuật ghè đẽo chung cho cả khu vực.

Đến thời đại đá mới, mặc dù có những con đường phát triển kỹ thuật khác nhau giữa Đông Nam Á lục địa và Hải đảo mà có người đã gọi là những con đường hậu Hòa Bình, người ta vẫn không thể không thừa nhận sự đồng đều cơ bản về trình độ chế tác đá thời kỳ đá mới ở Việt Nam và các vùng khác của khu vực.

Ngay ở lớp trên của một số di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, người ta đã tìm được những công cụ đá có mài lưỡi. Nhưng những chiếc rìu mài lưỡi như thế đã được phát hiện chủ yếu trong các di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn (Việt Nam). Rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn còn được phát hiện ở Nia (Xaraoắc) với niên đại sớm hơn đôi chút, ở Guatêchin (Malaixia) nhưng lại muộn hơn một ít, ở Bukit Talang (Xumatơra) Kendeng Lambu (Giava)... Niên đại của văn hóa Bắc Sơn là khoảng 10.000 - 6000 năm cách ngày nay. Như thế rìu mài lưỡi Nia và Bắc Sơn cũng là những công cụ đá mài sớm nhất trên thế giới.

Cũng bắt đầu từ thời đá mới hậu kỳ, cư dân Đông Nam Á chuyển dần từ nông nghiệp trồng vườn (rau, củ) sang trồng lúa.

Từ khoảng đầu thiên niên kỷ II TCN, cư dân Đông Nam Á mà trước hết là cư dân vùng đồng bằng sông Hồng và ở Thái Lan, đã biết đến công cụ bằng đồng thau. Đông Nam Á hầu như không có một giai đoạn đá đồng (tức đồng đỏ) riêng biệt. Đồng thau được sử dụng ngay từ đầu cùng với các công cụ bằng đá và tre gỗ...

Tiếp sau các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn ở Việt Nam, việc khai quật các di chỉ đồng thau ở Non Nóc Thà, Ban Chiang, bản Na Di ở Thái Lan đã làm chấn động giới tiền sử học và càng khẳng định tính chất bản địa của nghề đúc đồng ở nơi đây, và như thế, cũng cho thấy rằng Đông Nam Á đã có một nền văn minh đồng thau phát triển sớm và rực rỡ không thua kém gì các nền văn minh cổ đại khác.

Vào những thế kỷ tiếp giáp của công nguyên, trên cơ sở phát triển của đồ đồng, đồ sắt bắt đầu được sử dụng phổ biến ở Đông Nam Á. Với đồ sắt phát triển, các dân tộc Đông Nam Á nói chung (trừ cư dân đồng bằng sông Hồng phát triển sớm hơn) bắt đầu đứng trước ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp và nhà nước.

2. Sự hình thành các quốc gia Đông Nam Á còn gắn liền với việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Những ảnh hưởng này là khá toàn diện và sâu sắc, cả về chữ viết, văn chương, tôn giáo, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc...

Có thể bắt đầu từ đầu công nguyên, từ cái nền chung là cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á, những cư dân ở đây đã bắt đầu gặp làn sóng văn hóa Ấn Độ đến đây theo chân các thương gia và những nhà truyền đạo một cách hòa bình và tiếp nhận nền văn hóa Trung Hoa từ những người Trung Quốc thống trị. Chính sự tiếp xúc văn hóa này đã làm cho các tộc người ở đây định hình và phát triển hơn với sự ra đời của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á.

Về những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Đông Nam Á, G.Coedes đã dành hẳn một chương trong công trình nghiên cứu của mình để nói về quá trình mà ông gọi là “Ấn Độ hóa”. Theo ông “ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ chủ yếu là sự bành trướng của một nền văn hóa có tổ chức, dựa trên quan điểm Ấn về vương quyền, tiêu biểu bằng Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo, thần thoại Purana, pháp giới Phacmaxastra và lấy tiếng Phạn làm phương tiện biểu đạt.”[1]

Cũng qua công trình nghiên cứu này người ta có thể thấy ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ sang khu vực Đông Nam Á được biểu hiện chủ yếu trên các mặt sau đây:
- Ngôn ngữ và văn tự (chữ Phạn và Pali).

- Văn học.

- Tôn giáo (đạo Hinđu và đạo Phật).

- Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.

- Phương thức canh tác và quản lý xã hội.

Có thể nói, ảnh hưởng này là khá toàn diện và sâu sắc. Những ảnh hưởng đó được truyền đến Đông Nam Á bằng nhiều con đường khác nhau. Trước hết có lẽ ở một số nơi thương nhân Ấn Độ đã đến hoạt động làm cho nền kinh tế và việc trao đổi sản phẩm ở các khu vực này phát triển. Đồng thời văn hóa Ấn Độ cũng theo đó mà được truyền bá vào. Một số nhà truyền đạo cũng theo các thuyền buôn đến Đông Nam Á. Trong số các thương nhân và các nhà truyền đạo Ấn Độ, không ít người ở hẳn đây sinh cơ lập nghiệp và thậm chí giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Thương nhân Đông Nam Á cũng sang Ấn Độ để buôn bán và nhờ đó tiếp thu văn hóa Ấn Độ. Cùng lúc đó ở nhiều bộ tộc Đông Nam Á đang diễn ra quá trình tan rã của xã hội nguyên thủy và hình thành xã hội có giai cấp. Những thủ lĩnh của các bộ tộc này nhanh chóng tiếp nhận những cách thức tổ chức xã hội và chính quyền của Ấn Độ để tạo dựng các quốc gia riêng. Để tổ chức được một nhà nước mang tính chất vương quyền theo kiểu Ấn Độ, không thể tách rời tôn giáo, mà những tôn giáo đó lại vốn có sẵn ở Ấn Độ và được truyền bá đến các nước Đông Nam Á. Vì thế cùng một lúc, khi tổ chức quốc gia, tầng lớp trên của cư dân Đông Nam Á đã tiếp thu cả chữ viết, các văn bản và tôn giáo Ấn Độ. Sau đó các thành tựu khác của văn hóa Ấn Độ được tầng lớp này tiếp nhận cũng là để phục vụ cho việc thiết lập và củng cố vương quyền. Như thế, có thể thấy rằng, những ảnh hưởng này đã có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hóa xã hội, hình thành những nhà nước cổ đại và góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên bản sắc văn hóa Đông Nam Á.

Tuy nhiên như chính G.Coedes cũng cho rằng, những người Ấn Độ đã không hề tiến hành một cuộc chinh phục bằng quân sự nhằm thôn tính một quốc gia nào, rằng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ chỉ như là một lớp vecni phủ trên một nền văn hóa chung của “châu Á gió mùa”, trong đó mỗi vùng, mỗi quốc gia đã không bị mất đi tính cách riêng, độc đáo của mình.[2] Điều này được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như, trong sự khác biệt giữa Ramayana với Riêmkê của Campuchia với Rama Khiên của Thái Lan...

Song, không vì thế mà có thể nói, các cư dân Đông Nam Á đã tạo dựng được một nền văn hóa “phi Ấn”, “phi Hoa”, mà phải thừa nhận thuộc tính tiếp thụ, thâu hóa của văn hoá Đông Nam Á để làm nên bản sắc đa dạng của mình. Có lẽ, chính vì tính thích nghi, tính mở, tính uyển chuyển của Đông Nam Á mà ở đây có sự hòa đồng tôn giáo. Đức Phật ngồi trên tòa sen có rắn thần Naga làm lọng che mưa nắng; bên cạnh các vị thần của đạo Bàlamôn và Hinđu, người Đông Nam Á vẫn thờ thần Thành hoàng, thờ sinh thực khí, với nhiều biến thể khác nhau. Ngay như Hồi giáo, người ta nói nhiều về tính cuồng tín của tôn giáo này, nhưng ở Đông Nam Á, Hồi giáo uyển chuyển và mềm mại hơn nhiều. Và ở Đông Nam Á, khó có thể chỉ ra ai là “tín đồ” thuần Phật giáo, thuần Thiên chúa giáo hay thuần Hồi giáo.

Trong những điều kiện lịch sử cụ thể, với cách ứng xử không giống nhau trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và sau này là văn hóa Âu - Mỹ, các cư dân Đông Nam Á đã xây dựng nên một nền văn hóa quốc gia - dân tộc độc đáo, đa dạng, phong phú, vừa có sự khác biệt trong tính đa dạng, vừa có nét tương đồng khu vực và đã đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của loài người những giá trị tinh thần độc đáo. Trên cơ sở của văn tự Phạn, người Khơme đã sáng tạo ra chữ Khơme cổ vào thế kỷ thứ VII và sớm hơn nữa, từ thế kỷ thứ IV người Chăm đã có chữ viết riêng của mình. Cùng với tổng thể kiến trúc Bôrôbuđua ở Giava, khu đền Ăngco Vát và Ăngco Thom ở Camphuchia, That Luông ở Lào, Tháp Chàm ở Việt Nam..., vừa mang dáng dấp của kiến trúc Ấn Độ, vừa có những nét riêng độc đáo của từng dân tộc là những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng không chỉ của Đông Nam Á mà của cả loài người.

Từ khoảng đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII, hàng loạt quốc gia sơ kỳ đã được hình thành và phát triển ở khu vực phía Nam của Đông Nam Á lục địa. Vùng Nam Trung Bộ Việt Nam có vương quốc Chămpa, vùng trung và hạ lưu Mê Công có các vương quốc Sresthapura, Isanapura, Naravara và Phù Nam. Trên bán đảo Mã Lai có các vương quốc Lankasuka, Tambralinga và các nước Tumasic ở gần Xingapo ngày nay. Trong số các vương quốc này, thì Phù Nam là vương quốc hùng mạnh và có tầm quan trọng hơn cả.

Trên lưu vực sông Mê Nam và Iraoađi, vào những thế kỷ đầu công nguyên là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Môn. Thư tịch cổ Trung Hoa có nói tới một “thuộc quốc” của Phù Nam ở vùng này là nước Xích Thổ. Sau đó vào nửa sau thế kỷ VII và thế kỷ VIII ở đây còn xuất hiện một vương quốc khác của người Môn là Đvaravati.

Lưu vực sông Iraoađi là địa bàn cư trú của người Môn, Pyu và Miến. Từ thế kỷ V, ở khu vực này đã xuất hiện những địa điểm quần cư - trung tâm Phật giáo ở Thatơn và Prôme. Đến thế kỷ VII và thế kỷ VIII các nhà sư Trung Hoa như Nghĩa Tĩnh và Huyền Trang có nói tới một vương quốc Sri Ksetra của người Pyu ở vùng Prôme.

Cuối cùng, trên đảo Giava từ thế kỷ IV đã xuất hiện vương quốc Tamura ở phía Tây, còn trên đảo Xumatơra có vương quốc Malayu.

Bắt đầu từ khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ X ở Đông Nam Á đã diễn ra quá trình hình thành các quốc gia “dân tộc” lấy một bộ tộc tương đối đông đúc và phát triển hơn cả làm nòng cốt. Bên cạnh những quốc gia đã xuất hiện từ trước như Âu Lạc của người Việt, Chămpa của người Chăm, đây là thời kỳ hình thành các vương quốc Chân Lạp của người Khơme, Xri Vijaya trên đảo Xumatơra, Kalinga ở Giava...

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV là giai đoạn xác lập và phát triển thịnh đạt của các quốc gia phong kiến “dân tộc” ở Đông Nam Á: ở khu vực Đông Nam Á hải đảo, Inđônêxia dưới vương triều Môgiôpahit bao gồm hơn 10 nước nhỏ và đảo phụ thuộc “có sản phẩm quý, đứng hàng thứ hai sau Arập” đã không ngừng lớn mạnh trong suốt 3 thế kỷ (XIII - XVI). Ở Đông Nam Á lục địa ngoài quốc gia Đại Việt và Chămpa, Campuchia từ thế kỷ IX cũng bắt đầu bước vào thời kỳ Ăngco huy hoàng và trở thành một trong những vương quốc mạnh và ham chiến trận nhất trong khu vực. Trên lưu vực sông Mê Nam, từ giữa thế kỷ IX, quốc gia Pagan đã dần dần mạnh lên, chinh phục các tiểu quốc khác thống nhất lãnh thổ, mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của Mianma.

Cũng trong giai đoạn này, ở Đông Nam Á ngoài những quốc gia đã được hình thành từ trước, nay đang phát triển thịnh vượng còn xuất hiện 2 vương quốc mới là Sukhôthay của người Thái và Lanxang của các bộ tộc người Lào.

Sau thế kỷ XV, Đông Nam Á bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên ở mỗi quốc gia, sự suy thoái diễn ra không đồng đều về thời gian. Ở Campuchia quá trình này bắt đầu sớm hơn, từ khoảng thế kỷ XIII; Chămpa từ thế kỷ XV, Đại Việt và Mianma muộn hơn một chút. Riêng đối với Xiêm và Lanxang, chế độ phong kiến vẫn đang tiếp tục hưng thịnh.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng suy thoái bắt nguồn từ trong lòng của chế độ phong kiến. Nền kinh tế phong kiến đã trở nên lỗi thời, không còn tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Chính quyền chuyên chế không chăm lo tới sự phát triển kinh tế của đất nước, nhất là thủy lợi mà chỉ tiêu hao sức người, sức của vào những cuộc chiến tranh nhằm xác định lãnh thổ và quyền lực của mình. Mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt. Những cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp xảy ra. Chế độ phong kiến đã trở nên trì trệ và dần dần suy thoái. Trong bối cảnh đó, sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân vào Đông Nam Á là nhân tố cuối cùng có ý nghĩa quyết định dẫn tới sự suy sụp của các quốc gia phong kiến trong khu vực.


( Còn Tiếp )
Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
II. Một số thành tựu văn hóa
Cùng sinh tụ trên một khu vực địa lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên một nền văn hóa bản địa có cội nguồn chung từ thời tiền sử và sơ sử trước khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Trong tính thống nhất khu vực, nền văn hóa đó có nguồn gốc và bản sắc riêng của mỗi dân tộc được phát triển liên tục trong suốt chiều dài lịch sử. Xét về cội nguồn, Đông Nam Á có những đặc điểm văn hóa chung, tạo nên tính thống nhất của cư dân toàn vùng. Theo một số nhà nghiên cứu thì cư dân Đông Nam Á có những nét chung, thống nhất về mặt văn hóa vì cư dân ở đây có chung một nền tảng văn hóa Nam Á, lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế là chính. Là cộng đồng các cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, Đông Nam Á không những bao chứa những nét tương đồng trong canh tác với hệ thống thủy lợi, mà còn có đời sống văn hóa tinh thần hết sức phong phú trong đó bao trùm tất cả là chu trình của đời sống nông nghiệp lúa nước. Vì thế từ những truyện thần thoại đến lễ hội; từ phong tục tập quán đến âm nhạc nghệ thuật, kể cả múa hát... đều ít nhiều chịu ảnh hưởng và phản ánh đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

1. Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, ở giai đoạn phát triển đầu tiên của mình khi mà nhà nước chưa ra đời, các cư dân Đông Nam Á chưa có hệ thống tôn giáo hoàn chỉnh. Những người đã dùng thuyết “vạn vật hữu linh” để chỉ tất cả những hình thức tín ngưỡng, thờ tự ở Đông Nam Á trước khi Phật giáo, Hồi giáo và Kitô giáo truyền bá tới khu vực này.

Trong số các hình thức tín ngưỡng nguyên thủy thì bái vật giáo là hình thức xuất hiện sớm hơn cả. Những ý niệm bái vật giáo xưa nhất là những ý niệm về sức mạnh siêu nhiên của tự nhiên.

Theo quan niệm của người Lào, trong thế giới vô hình mà con người cảm thấy được có vô vàn những phi (ma): phi rừng, phi núi, phi lửa, phi ruộng... Chúng có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người. Người Xacuđai ở Inđônêxia tin rằng mọi vật từ các vật sống như người, súc vật đến các vật vô tri vô giác như đá, cây, sông, mặt trời, mưa... đều có linh hồn. Người Thái gọi những lực lượng siêu nhiên, thần bí bằng cái tên chung là phỉ: phỉ lửa, phỉ núi, phỉ bệnh... Đối với người Lào và Khơme, thần đá và núi là quan trọng hơn cả. Người Lào đặt những hòn đá thiêng nghiêng trên bàn thờ của gia đình. Người Pnông ở Campuchia cho rằng đá là nơi cư ngụ của thần bản địa, thần nhà. Họ chỉ đem những viên đá thần đó ra khỏi bàn thờ khi làm lễ tế lớn. Trong số các thần cư ngụ trong đá, trên núi mà cư dân Đông Nam Á thờ phụng thì thần đất - vị thần bảo hộ, phù trợ cho nông nghiệp - bao giờ cũng là vị thần tối cao. Do cuộc sống gắn liền với yêu cầu phát triển nông nghiệp trồng lúa nên bên cạnh việc sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực với nghi thức cầu mong được mùa, cầu cho các giống loài sinh sôi nảy nở... cũng rất phát triển ở Đông Nam Á vào buổi đầu lịch sử. Trên mặt trống đồng, xen kẽ giữa các tia mặt trời là các hình tượng sinh thực khí nam nữ cách điệu hóa những hình cóc trên mặt trống làm rõ ý nghĩa cầu mưa của những “trống sấm” thời Đông Sơn. Cụ thể hơn nữa, trên nóc thạp đồng Đào Thịnh có 4 cặp nam nữ giao phối vừa rất tự nhiên, vừa có ý nghĩa của nghi lễ phồn thực. Việc thờ các hình sinh thực khí của người Chăm, người Thái, người Mường và nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á rất gần với tục thờ linga của Siva giáo. Song ở người Chăm, hình tượng linga lại hết sức độc đáo: một dãy 7 linga trên cùng một bệ, 1 linga ngất ngưởng trên yoni làm bệ cao tới 2 m, linga mặt người, linga có vỏ bọc... Những hội “múa dưới trăng” của người Hmông, người Dao, những tục đánh trống thi cho đến thủng trống của người Việt, người Mường, người Thái, người Choang..., những lễ cúng tế của nhiều dân tộc khác đến những trò chơi phổ biến ở Đông Nam Á đều phần nào phản ánh nghi thức phồn thực của một xã hội nông nghiệp.

Có lẽ cũng bắt nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, các dân tộc Đông Nam Á đều cho rằng mỗi người có không phải một mà là cả một nhóm hồn, ma. Người Thái đen (ở Việt Nam) tin rằng mỗi người có 120 hồn. Sau khi chết các hồn đó đều biến thành phi (ma). Theo G.Masperô, người Khơme tin rằng mỗi người có 9 hồn chính; người Mường 90; người Thái ở Bắc Lào 32 hoặc 34. Người Việt cho rằng mỗi người có 3 hồn và đàn ông có 7 vía, đàn bà 9 vía. Các hồn đều có liên quan mật thiết với cuộc đời của mỗi con người: nếu có chuyện gì xảy ra với hồn thì người đó sẽ đau ốm, nếu hồn rời khỏi xác thì người đó cũng chết. Vì thế họ cũng tin tằng cuộc sống không chấm dứt sau khi chết - đó chỉ là sự chia tay tạm thời của người chết với những người đang sống. Bởi vậy con cháu thờ phụng tổ tiên không chỉ để tỏ lòng tri ân và thương nhớ những người đã khuất mà còn là sự mong muốn tổ tiên tham gia và phù trợ cho mình trong mọi công việc.

Tất cả những hình thức tín ngưỡng dân gian đó đã được bảo tồn trong suốt quá trình lâu dài, đồng thời có tác động to lớn tới các tôn giáo được truyền bá vào sau. Một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Từ khi Phật giáo và Ấn Độ giáo du nhập vào Đông Nam Á, những quan niệm và nghi thức tôn giáo bản địa vẫn tiếp tục được duy trì và có ảnh hưởng sâu sắc đến hai tôn giáo kia... và trong quá trình tiếp xúc với tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, chúng đã phải thay đổi khá nhiều

Từ những thế kỷ đầu công nguyên, những tôn giáo lớn từ Ấn Độ (Phật giáo và Ấn Độ giáo) và từ Trung Quốc (Nho giáo, Đạo giáo) bắt đầu du nhập và phát huy ảnh hưởng tới đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc Đông Nam Á.

Trong buổi đầu lập nước, người Phù Nam đã tiếp thu và thờ các vị thần Ấn Độ giáo. Song những tín ngưỡng bản địa vẫn tồn tại và được lồng vào những hình thức khác nhau của tôn giáo mới. Rất có thể hình thức thờ vua núi bắt đầu từ Phù Nam đã lan sang Giava rồi được các vua chúa Khơme thời Ăngco, phát triển lên thành một tôn giáo Thần Vua với những nghi thức và kiến trúc thật uy nghi hùng tráng.

Các tôn giáo Ấn Độ cũng có vai trò rất to lớn đối với người Chăm. Qua bia ký, nghệ thuật điêu khắc,... ta thấy cả hai tôn giáo lớn của Ấn Độ là Phật giáo và Ấn Độ giáo đều đã có mặt ở Chămpa. Nhưng tôn giáo được thịnh hành nhất là Siva giáo. Người Chăm thờ thần Siva chủ yếu dưới dạng Siva - linga - biểu tượng cho sức mạnh sinh thành của vũ trụ, cho uy lực của vương quyền.

Như nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á, ban đầu người Khơme cũng tiếp nhận cả hai tôn giáo của Ấn Độ. Nhưng rồi họ kết hợp nhiều yếu tố khác nhau lại thành hình tượng tôn giáo mới là Hari Hara - một hình tượng kết hợp cả Siva và Visnu. Từ thời Jayavarman II (802 - 850) bắt đầu áp dụng một tôn giáo mới: thờ thần - vua. Để làm việc này, đức vua đã cho đón Hiranyadama - một pháp sư Bàlamôn về kinh đô dạy kinh và giúp làm lễ thần - vua. Theo đó, đức vua nhận từ tay thầy Bàlamôn chủ lễ một linh tượng linga để đưa vào thờ ở trong tháp chính giữa hoàng cung. Từ đó, linh tượng linga tượng trưng cho vương quyền và cũng từ đó mỗi vị vua thời Ăngco đều phải có trách nhiệm xây dựng cho mình một đền núi để đặt linga của vương triều. Vì thế ở đây đã mọc lên những đền - núi kỳ vĩ tượng trưng cho vinh quang chói ngời của thời đại Ăngco.

Phật giáo vào Campuchia ngay từ buổi đầu cùng với Ấn Độ giáo. Trong suốt thời kỳ Ăngco, Phật giáo tồn tại song song với tôn giáo thần - vua. Bắt đầu từ thời Jayavarman VII (1181 - 1219) đạo Phật mới hoàn toàn thay thế Ấn Độ giáo và trở thành quốc giáo của người Khơme. Từ đó Phật giáo Tiểu thừa trở thành tôn giáo của cả tầng lớp quý tộc lẫn dân chúng. Đức Phật trở thành vị thần tối cao đối với mọi người, thay thế cho vua - thần. Ngôi chùa Phật bằng gỗ ấm cúng trở nên gẫn gũi với dân chúng hơn là những đền núi bằng đá uy nghi lạnh lùng thời Ăngco. Ngày nay Phật giáo Tiểu thừa vẫn là tôn giáo chính của Campuchia. Mỗi làng đều có một ngôi chùa riêng và thờ phật đã trở thành trung tâm văn hóa của các bản làng gần xa. Phật giáo góp phần đáng kể vào việc liên kết mọi thành viên trong xã hội Campuchia vào một nền văn minh chung.

Phật giáo cũng đã có mặt ở Mianma, Thái Lan, Malaixia từ rất sớm. Theo nguồn dữ liệu cổ của Xri Lanca - cuốn Maha Vamsa và bút tích số 13 của vua Asôka thì sau khi định đô ở Pataliputra, Asôka đã phái 9 đoàn truyền giáo ra nước ngoài, trong đó có một đoàn gồm 3 cao tăng đã tới vùng đất vàng (Suvacnabumi) ở phía Đông. Vào những thế kỷ đầu công nguyên, hai thành phố Thatơn và Prôme đã là những trung tâm Phật giáo nổi tiếng. Tại đây người ta đã tìm thấy những kiến trúc Xtupa bằng đá, tượng Phật A di đà và Quan thế âm Bồ Tát, cả một “cuốn sách” gồm 20 tờ “giấy” bằng vàng khắc các đoạn kinh Phật thuộc phái Tiểu thừa và hàng trăm bảng tạ lễ bằng đất nung có khắc những đoạn kinh Xanxcrit thuộc phái Đại thừa. Có lẽ Phật giáo đã phát triển ở đây cho đến thế kỷ IX thì bị suy yếu dần để rồi đến đầu thế kỷ XI, bắt đầu từ thời Pagan, lại hưng thịnh và trở thành quốc giáo của Mianma. Thời kỳ Pagan là thời kỳ xây dựng các công trình tôn giáo vĩ đại có một không hai trong lịch sử Mianma. Chỉ riêng ở Pagan đã có tới 13.000 công trình lớn nhỏ và trải qua nhiều lần thiên tai, địch họa đến nay vẫn còn gần 5.000 chùa tháp. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường gọi Mianma là đất nước Chùa Vàng.

Ở miền Trung Thái Lan đặc biệt là ở Nakhon Pathom đã phát hiện được nhiều di tích phật giáo cổ như các bánh xe luân hồi bằng đá, các tấm thờ có hình Phật bằng đất nung. Ngoài ra các hình Phật còn tìm thấy ở Nakhon Rachasima (Còrạt), ở Sungai Kolôc (Narathivat)... đều thuộc phong cách Amaravati của Ấn Độ (thế kỷ I - III). Điều đó chứng tỏ Phật giáo Tiểu thừa đã có mặt ở Thái Lan rất sớm, ít nhất cũng từ những thế kỷ đầu của công nguyên. Dòng Phật giáo này còn tồn tại ở miền Trung Thái Lan trong phạm vi của vương quốc Môn Đơvaravati và đã tạo nên ở đây một phong cách nghệ thuật độc đáo - phong cách Đơvaravati.

Trong khi đó ở vùng ven biển phía Nam bên bờ Vịnh Thái Lan là nơi truyền bá của Phật giáo Đại thừa. Theo một số nguồn sử liệu vào năm 417, một đoàn truyền giáo của vua Kusana do cao tăng Kushưhara dẫn đầu đã đến Xumatơra rồi sang Giava và ngược lên Campuchia. Ở Bukit Xeguntang gần Palembang (Xumatơra), ở phía Nam tỉnh Giembe (Đông Giava) ở Xêpaga (đảo Xêlêbet) thuộc Inđônêxia đã tìm thấy những điêu khắc thể hiện Đức Phật có niên đại thế kỷ II - III. Sau đó vào thế kỷ VII một cao tăng Ấn Độ là Đhamapala đã đến Xumatơra. Ông là người đặt nền móng cho Phật giáo Đại thừa - một dòng tại vùng quần đảo Inđônêxia. Từ đầu thế kỷ VII cả một vùng rộng lớn bao gồm Xumatơra, Giava, Boócnêô, một phần bán đảo Mã Lai và vùng duyên hải Nam Thái Lan đều thuộc quyền cai trị của vương quốc Sơrivijaya. Trong suốt 4 thế kỷ tồn tại, Sơrivijaya là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Đông Nam Á.

Phật giáo được truyền bá vào Lào từ khoảng thế kỷ VII - VIII, nhưng chỉ đến thời Pha Ngừm nó mới chính thức trở thành quốc giáo của vương quốc Lanxang.

Trong suốt nhiều thế kỷ, Phật giáo có vai trò to lớn trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân Đông Nam Á. Vì thế các tổ chức sư tăng cũng như nhà nước rất chú ý tới việc phổ biến tư tưởng Phật giáo trong dân chúng, đặc biệt là qua hệ thống giáo dục. Ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa mà còn là hình tượng cho “chân, thiện, mỹ” đối với mọi người dân, trở thành nơi lưu giữ và phổ biến văn hóa, tri thức cho dân chúng.


Vào những thế kỷ VIII - XII, khi mà Hồi giáo bắt đầu bành trướng mạnh mẽ thì ở Đông Nam Á dường như không còn mảnh đất trống nào để nó bắt rễ và phát triển. Thế nhưng từ thế kỷ XIII Đông Nam Á đã có bước chuyển mình. Với sự giầu có về khoáng sản và hương liệu, Đông Nam Á đã thu hút được sự chú ý của châu Âu. Mặt khác giới cầm quyền ở các nước Đông Nam Á từ lâu thèm khát sự giàu có của châu Âu đã sẵn sàng mở cửa cho các thương nhân đến buôn bán và truyền giáo. Các thương cảng và các trung tâm buôn bán đã được mở mang và phát triển dọc theo các bờ biển Đông Nam Á. Đó là một môi trường hết sức thuận lợi cho những thương nhân Hồi giáo đến đây buôn bán và truyền đạo.

Theo các tài liệu Trung Hoa, năm 1281 Malaixia đã cử hai sứ thần theo đạo Hồi tên là Xulâyman và Chamxudin sang triều cống nhà Nguyên. Cũng vào thời gian này Hồi giáo đã được truyền bá ở Xumatơra. Bia ký năm 1296 có nói về một Hồi vương (Xuntan) ở Xamuđra (bắc Xumatơra) chứng tỏ Xamuđra đã quy theo Hồi giáo và các thương nhân Hồi giáo đã làm chủ hải cảng này. Đến cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV hàng loạt các tiểu quốc Hồi giáo đã ra đời ở Đông Nam Á mà tiêu biểu là Malắcca. Việc cải giáo sang đạo Hồi của Xamuđra, Malăcca, Bắc Giava và các vùng khác ở quần đảo Mã Lai đã góp phần thúc đẩy việc buôn bán quốc tế với phương Tây và sự lớn mạnh của các Hồi quốc ở khu vực này. Dần dần Hồi giáo đã được truyền bá vào Inđônêxia, Malaxia, Xingapo, Philippin, Brunây, Thái Lan, Campuchia, Nam Việt Nam và Mianma. Ngày nay ở Đông Nam Á, đạo Hồi có khoảng trên 165 triệu tín đồ và con số đó đang không ngừng tăng lên.[2]

Từ khi người phương Tây bắt đầu có mặt ở Đông Nam Á, Đạo Kitô cũng theo họ và dần dần thâm nhập vào khu vực này. Nhiều người cho rằng đây là cuộc hội nhập văn hóa lần thứ hai của Đông Nam Á. Nó diễn ra tuy ngắn nhưng quyết liệt.

Đạo Kitô đã xuất hiện ở Việt Nam ngay từ thế kỷ XVI. Những nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam là những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sau đó là người Pháp. Để giúp cho việc truyền đạo, các giáo sĩ đã truyền bá chữ Quốc ngữ để giảng và ghi chép kinh thánh.

Quá trình truyền bá đạo Kitô vào Campuchia cũng gần giống như ở Việt Nam: từ thế kỷ XVI chủ yếu do người Bồ Đào Nha và từ giữa thế kỷ XIX do người Pháp. Kitô giáo vào Lào khá muộn từ thế kỷ XIX do những giáo sĩ người Pháp và sau đó là người Mỹ đem tới.

Như vậy có thể thấy bức tranh tôn giáo ở Đông Nam Á quả là đa dạng, phức tạp. Ở đây không chỉ có một tôn giáo duy nhất mà đã từng tồn tại nhiều tôn giáo; Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và đạo Tin lành. Đó là chưa kể Khổng giáo và Đạo giáo từ Trung Quốc truyền bá vào. Mỗi tôn giáo có một vai trò nhất định trong giai đoạn lịch sử của khu vực, song không tôn giáo nào đã đến đây mà lại ra đi không để lại dấu ấn của mình. Trên thực tế, khi ảnh hưởng về chính trị, kinh tế của một tôn giáo không còn nữa thì ảnh hưởng về văn hóa xã hội của nó vẫn còn sâu đậm và dai dẳng.

( Còn Tiếp )

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
2. Khác với văn hóa chữ viết của người Hán và Ấn Độ, văn hóa cư dân nông nghiệp Đông Nam Á tắm mình trong nền văn hóa dân gian. Tín ngưỡng, lễ hội gắn liền với chu kỳ nông nghiệp, thờ cúng tổ tiên. Nhìn một cách khái quát thì lễ hội truyền thống của các nước Đông Nam Á đều tương đối giống nhau về nguồn gốc phát sinh và phát triển, về hình thức và nội dung cũng như về mặt cấu trúc của lễ hội: lễ hội của các nước Đông Nam Á đều gồm có 2 phần - phần lễ và phần hội - đan xen hòa quyện với nhau rất khăng khít. Phần lễ bao gồm các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo cùng với các đồ vật được sử dụng làm đồ cúng lễ mang tính thiêng liêng, được chuẩn bị rất nghiêm ngặt và chu đáo. Thông qua các nghi lễ này con người giao cảm với thế giới siêu nhiên. Phần hội bao gồm các trò vui, trò diễn và các diễn sướng dân gian. Đó là các trò vui chơi giải trí, các đám rước, dân nhạc, dân ca, dân vũ... Mức độ “lễ”, “hội” của từng lễ hội cụ thể không giống nhau. Lễ hội còn gắn liền và hòa quyện với phong tục tập quán riêng của mỗi dân tộc.

Ngay từ khởi thủy, lễ hội truyền thống của các dân tộc Đông Nam Á đều là lễ hội nông nghiệp do các cư dân nông nghiệp tiến hành. Chính vì vậy các lễ hội ở đây đều được tổ chức theo mùa (theo lịch tiết) như lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu và đối tượng cầu cúng chính trong các lễ hội là các vị thần nông nghiệp như thần Đất, thần Nước, thần Lửa, tín ngưỡng phồn thực... Từ khi có sự du nhập của các tôn giáo thì lễ hội của các cư dân Đông Nam Á lại mang đậm màu sắc tôn giáo như phật giáo, Hồi giáo hay Kitô giáo. Xuất phát từ đó, trong lễ hội truyền thống của các dân tộc Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng.

Có thể nói sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa - lễ hội truyền thống Đông Nam Á là một thực tế lịch sử. Nó được thể hiện qua các lễ hội phổ biến ở tất cả các dân tộc Đông Nam Á như Tết cổ truyền (người Việt - khoảng tháng hai; người Lào, Campuchia, Thái Lan đều vào trung tuần tháng tư dương lịch). Để chuẩn bị cho việc đón năm mới, các cư dân Đông Nam Á đều có tục lau rửa và dọn dẹp nhà cửa với ý nghĩa tống tiễn năm cũ và đón năm mới; người ta cũng giã gạo, xay bột để làm các thứ bánh, nấu các món ăn dân tộc. Tết năm mới của người Lào còn được gọi là Bunpincay hay hội té nước, mà thực chất là lễ hội đón mừng mùa mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa để sản xuất nông nghiệp. Ở Campuchia, Thái Lan hay Mianma lễ hội năm mới cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Ở Campuchia các lễ hội về đề tài nông nghiệp được tổ chức hầu như quanh năm, tháng nào cũng có: hội thả diều (lễ cầu nắng) vào tháng giêng, lễ đóng oản, lễ dâng lửa, hội ném cầu lửa vào tháng hai hoặc ba. Tết năm mới vào giữa tháng tư, lễ cúng thổ thần và cầu mưa vào tháng bảy hoặc tám, lễ hội du ngoạn trên nước vào tháng chín, lễ cúng âm hồn và hội nước vào tháng mười một, mười hai. Lễ hội đua thuyền cũng là một dạng lễ hội nông nghiệp tương đối phổ biến ở Đông Nam Á. Các lễ hội có liên quan tới tục thờ lúa gạo - (lễ cúng cơm mới), thờ sinh thực khí... cũng tồn tại ở nhiều dân tộc Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma lễ hội truyền thống còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của phật giáo mà thực chất đều là những cuộc hành hương đi tìm về dấu tích Phật tổ. Tuy là lễ hội chùa, song không chỉ dành riêng cho các tín đồ phật tử mà còn thu hút nhiều người ngoại đạo và du khách tham gia trở thành ngày lễ hội vui vẻ cho cả cộng đồng dân tộc.

3. Qua các văn bia, người ta biết rằng chữ Phạn của Ấn Độ đã được du nhập vào Đông Nam Á từ rất sớm. Bia Võ Cạnh có niên đại thế kỷ III - IV là bia chữ Phạn cổ nhất ở Đông Nam Á và cũng là bằng chứng đầu tiên về sự du nhập chữ Phạn vào Chămpa. Từ đó cho đến khi vương quốc Chămpa chấm dứt sự tồn tại của mình, chữ Phạn luôn luôn là chữ viết được dùng trong triều đình Chămpa. Song cũng như nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á, người Chăm đã sớm tiếp thu văn tự cổ Ấn Độ để sáng tạo ra chữ viết của chính mình.

Bia Đông Yên Châu nói về vị thánh Naga của vua Bhađravarman có niên đại thế kỷ IV đã được viết bằng chữ Chămpa cổ. Các nguồn sử liệu Trung Quốc cũng cho biết ngay từ trước thế kỷ VII, người Chăm đã dùng văn tự của mình để ghi chép kinh sách và trao đổi thư từ. Năm 605, một viên tướng của nhà Tùy là Lưu Phương sau khi bình định Giao Châu đã đem quân đánh Lâm Ấp thu về 18 thần chủ bằng vàng và hơn 1.350 bộ kinh phật và nhiều sách viết bằng chữ Chiêm bà Sau đó từ thế kỷ XIII trở đi, chữ Chămpa cổ chuyển dạng sang kiểu chữ vuông của Bắc Ấn. Sau thế kỷ XV, chữ Chămpa trở lại nét cong và móc nhưng phóng khoáng hơn. Theo một số nhà nghiên cứu, chữ Chămpa có 65 ký hiệu trong đó có 41 chữ cái và 24 chân chữ bắt nguồn từ hệ thống chữ thảo của Ấn Độ.

Chữ viết Khơme bắt nguồn từ chữ ở miền Nam Ấn Độ và theo truyền thuyết xuất hiện vào khoảng thế kỷ II, nhưng tấm bia đầu tiên của người Khơme bằng chữ Khơme cổ mà hiện nay ta biết được là bia Ăngco Bôrây (Takeo) có niên đại năm 611.

Bia nói về việc dựng một ngôi đền trong đó có tới 22 nhạc công và vũ nữ, 58 nô lệ làm ruộng, 100 bò và 20 trâu.

Bia viết bằng chữ Mã Lai cổ sớm nhất là tấm bia tìm thấy ở Xumatơra có niên đại năm 683.

Theo những dấu tích đã biết, có thể là chữ Thái cổ đã hình thành khoảng đầu thế kỷ XIII ở vùng dân cư Thái quần tụ ở phía Bắc Đông Dương - phía Tây Nam Trung Quốc. Qua chữ Shan ở Bắc Mianma, người ta thấy văn tự Thái cổ có mang nhiều yếu tố của chữ Pêgu cổ. Còn chính chữ Pêgu cổ từ khi xuất hiện vào đầu công nguyên lại chịu ảnh hưởng của chữ cổ Ấn Độ. Chữ Thái - Xiêm, chữ viết của những cư dân nói tiếng Thái ở khu vực Chao Phaya đã ra đời vào khoảng thế kỷ XIII trên cơ sở đó.

Bia đầu tiên khắc bằng chữ Thái - Xiêm mà ta biết được là bia Rama Kamheng có niên đại năm 1296, trong đó có đoạn: “Trước đây chữ Thái này chưa có. Năm 1205 Saka (năm 1283) Phà Khun Ram Kamheng đã tìm kiếm và ao ước sử dụng được chữ Thái. Cho nên đã có những dòng chữ này”. Như thế có thể thấy rằng chữ Thái - Xiêm được Ram Kamheng khởi xướng từ năm 1283 đến năm 1296 thì được dùng để khắc bia và điều đó chứng tỏ nó đã được định hình, được sử dụng khá nhuần nhuyễn.

Trên nền tảng của chữ Xiêm cổ, chữ Lào có lẽ được hình thành muộn một chút. Hiện nay chưa biết rõ chữ Lào xuất hiện vào lúc nào, chỉ biết rằng lời huấn thị của Pha Ngừm năm 1353 đã là một văn bản có niên đại chính xác. Còn những bia khắc bằng chữ Lào sớm nhất mà hiện nay người ta biết được lại có niên đại tương đối muộn - đó là các bia Vat That (Luôngphabang) năm 1548, bia Đonsai năm 1560 và Thạt Luông (Viêng Chăn) năm 1566.

Như thế việc sáng tạo ra chữ viết và quá trình cải tiến nó của các cư dân Đông Nam Á không phải là một sự bắt chước đơn giản mà là cả một quá trình công phu và sáng tạo, một thành tựu đáng kể về văn hóa của khu vực.

Sự tiếp xúc với nền văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa đã tăng thêm nguồn cảm hứng sáng tạo cho cư dân Đông Nam Á. Song, trong khi các vua chúa dồn hứng thú vào những công việc kiến trúc - đôi khi quá lớn so với tầm vóc của mình - thì người dân ở đây lại chuyển những tác phẩm văn hóa cổ đại đồ sộ từ ngoài đến thành những sáng tạo dân gian hợp với thủy thổ của xứ sở mình. Văn học Đông Nam Á chủ yếu tiếp nhận vốn văn học Ấn Độ. Những ảnh hưởng đó đã làm cho nền văn học khu vực này mang nặng tính chất cung đình, đô thị, đồng thời cũng làm xuất hiện ở đây một dòng văn học chính thống, dòng văn học viết. Song, hàng chục thế kỷ trước khi nền văn học viết ra đời, ở đây đã tồn tại một dòng văn học dân gian bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động cần cù và đấu tranh kiên cường của các dân tộc Đông Nam Á.

Nền văn học dân gian có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của các cư dân Đông Nam Á. Các loại hình văn học dân gian thường xuất hiện trong các ngày hội lớn, nhỏ trong những đêm vui chơi hò hẹn của trai gái, trong lao động sản xuất và chiến đấu với thiên nhiên, với kẻ thù. Vì thế nó cũng gắn bó chặt chẽ với các phong tục tập quán của cư dân; nó phản ánh những tình cảm của con người đối với thiên nhiên, đất nước, tình cảm giữa con người với con người sống chung trong một cộng đồng, ca ngợi những đức tính quý báu của con người lao động, phản ánh những sự kiện lịch sử và những nhân vật lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng và đất nước. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng: nếu như người Ấn Độ và Trung Quốc sớm biến huyền thoại, truyền thuyết thành “lịch sử” thì ở Đông Nam Á, “lịch sử” lại dễ dàng được chuyển thành huyền thoại và truyền thuyết. Hay nói cụ thể hơn, nếu người Ấn Độ và Trung Quốc đã sớm đưa một bộ phận văn học dân gian của mình thành những tác phẩm thành văn đồ sộ, thì khi đến Đông Nam Á, những tác phẩm này lại thường được trả về cho văn học dân gian.

Kho tàng văn học dân gian của các dân tộc Đông Nam Á hết sức phong phú về thể loại. Đó là những truyện thần thoại (như Punha - Nhu - Nhơ của người Lào, Đẻ đất, đẻ nước của người Thái, công cuộc tạo dựng đất nước của người Mông, Prea Thoong của người Khơme...), truyện truyền thuyết, truyện cổ tích. Nội dung của những truyện này thường gắn liền với quá trình tạo dựng thế giới và vũ trụ, với quá trình hình thành các bản, làng và các vương quốc cổ.

Các truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện trạng... không chỉ có tác dụng giải trí lành mạnh, mà còn có ý nghĩa răn đời, đấu tranh chống những thói hư, tật xấu, chế nhạo bọn vua quan và cả tầng lớp sư sãi. Thơ ca dân gian bao gồm những bài ca dao, tục ngữ, những bài hát dân ca phản ánh những tình cảm của con người với thiên nhiên, với cuộc sống và với cả cộng đồng.

Dòng văn học viết xuất hiện muộn hơn, nhưng phát triển nhanh và dần dần trở thành nền văn học của toàn dân tộc. Dòng văn học viết được hình thành trên cơ sở của dòng văn học dân gian và văn học nước ngoài.

Văn học nước ngoài sớm nhất có văn học Ấn Độ và Trung Quốc, về sau thêm văn học Arập và Tây Âu, các dòng văn học này đã đóng vai trò đặc biệt trong quá trình hình thành dòng văn học viết Đông Nam Á. Dòng văn học viết Đông Nam Á không chỉ tiếp thu văn học Ấn Độ và Trung Quốc về mẫu tự (chữ viết) mà cả về đề tài và thể loại. Trong giai đoạn đầu, bộ phận văn học này chiếm ưu thế, song nó phát triển chủ yếu trong giới quý tộc, quan lại, vì thế được coi là văn học chính thống, cao quý, bác học hay có người gọi là văn học cung đình.

Trong quá trình phát triển, nền văn học viết có xu hướng dần dần trở về với dân tộc. Bên cạnh những đề tài, những “điển tích văn học” khai thác từ nước ngoài, những tác phẩm văn học khai thác đề tài trong nước xuất hiện ngày càng nhiều. Quang cảnh quê hương, đất nước, làng bản, hình ảnh những con người gần gũi, thân thiết, những vấn đề day dứt của cuộc sống thực được mô tả trực tiếp dần dần thay thế cho những xứ sở xa xôi tưởng tượng, những nhân vật huyền thoại trong các sử thi. Dòng văn học bằng tiếng dân tộc cũng phát triển nhanh chóng, chiếm lĩnh văn đàn, thay thế cho dòng văn học bằng tiếng vay mượn. Khi ý thức dân tộc trỗi dậy, văn học viết có xu hướng tìm về với văn học dân gian. Những huyền thoại, truyền thuyết trước kia đã được văn học viết tái tạo lại, có những truyện đã được nâng lên, trở thành biểu tượng chung cho cả dân tộc. Văn học dân gian đã có tác dụng làm nền tảng cho văn học viết hình thành và ngược lại văn học viết đã tái tạo và thúc đẩy văn học dân gian phát triển.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, khi nói đến nghệ thuật Đông Nam Á một câu hỏi lớn đặt ra: Có một nền nghệ thuật chung cho khu vực không? Nếu có thì nó được biểu hiện như thế nào? Quá trình phát triển ra sao? Nếu coi Đông Nam Á như một khu vực địa lý - lịch sử - văn hóa, ta sẽ tìm thấy nhiều nét tương đồng về nghệ thuật Đông Nam Á được quy định bởi những yếu tố bên trong (điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa tộc người...) và những yếu tố bên ngoài (ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa và Ấn Độ). Những nhân tố đó đã tạo nên ở Đông Nam Á những loại hình và những phong cách nghệ thuật vừa độc đáo, vừa đậm đà bản săc dân tộc.

Thành ngữ của người Inđônêxia có câu “Thống nhất trong đa dạng” rất thích ứng với văn hóa nói chung và nghệ thuật Đông Nam Á nói riêng. Trong nghệ thuật, tuy mỗi dân tộc Đông Nam Á đều có những nét riêng và đạt được những thành tựu khác nhau, song trong một quá trình lịch sử, các cư dân ở đây vẫn rất gần gũi với nhau trong phong tục, tập quán, trong nghệ thuật ca, múa, nhạc, kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

Ngay từ thời đại kim khí, ở Đông Nam Á đã có một phong cách nghệ thuật riêng mà nhiều người gọi là phong cách Đông Sơn. Điều đó thể hiện qua những hoa văn trang trí trên gốm, trên các hiện vật bằng đồng tìm thấy ở Thượng Lào, ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan. Đặc biệt hoa văn hình chữ S với nhiều kiểu khác nhau rất tiêu biểu trên trống đồng Đông Sơn đã trở thành mô típ trang trí phổ biến của đồ đồng và đồ gốm Đông Nam Á. Phong cách của nghệ thuật Đông Sơn rất gần với tự nhiên, hình học hóa tự nhiên một cách chính xác và cô đúc. Phong cách này đã phát triển ổn định trong nhiều thế kỷ và đến nay vẫn còn để lại dấu ấn trong nghệ thuật của nhiều dân tộc Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực văn hóa vật chất, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo. Chiếc nhà sàn với quy mô khác nhau là một biểu tượng văn hóa thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ở các địa hình khác nhau. Cư dân Đông Nam Á cổ, đàn ông thường đóng khố, cởi trần, đàn bà mặc váy quấn, áo chui đầu, ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình, xăm mặt. Loại áo chui đầu được phân bố chủ yếu ở Mianma, Thái Lan, ở người Chin và người Chăm vùng Nam Đông Dương. Phụ nữ Đông Nam Á ngoài áo ra còn có yếm, chiếc khố hình chữ T của cư dân cổ Đông Nam Á được các nhà nghiên cứu cho rằng nó không những là hình thức cổ xưa nhất mà còn là hình thức trang phục duy nhất.

Cư dân Đông Nam Á rất thích ca nhạc và múa tập thể. Ở bất cứ đâu, ở bất cứ một bộ tộc nào dù nhỏ bé đến đâu, người ta cũng thấy hàng chục làn điệu dân ca độc đáo: lăm, khắp, tỏm, tơi, ăn - nang - xứ của các bộ tộc người Lào, hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, quan họ... của người Việt, đối ca của người Khơme, hát bọ mạng, bỉ và túm của người Mường, hát lượn của người Tày... Nhưng phổ biến nhất ở Đông Nam Á là hát đối nam - nữ. Tuy là hát đối nam - nữ nhưng chủ yếu là mang tính chất thử tài ứng đối của nhau. Vào cuộc, người hát tự đặt ra những tình huống về tình yêu, về cuộc sống, về sản xuất hay tôn giáo. Vì thế cả nội dung và hình thức rất phong phú. Từ những cuộc hát đối, nhiều bài ca đẹp đã ra đời và làm giầu cho kho tàng văn nghệ dân gian của các dân tộc.

Hát - múa là hình thức phổ biến và rất được ưa thích của cư dân Đông Nam Á. Những điệu múa cộng đồng ở đây khá đơn giản: theo một điệu nhạc hay thậm chí theo nhịp gõ của bất cứ một vật gì, người ta cũng có thể nhảy múa với những bước chân và những động tác tay nhẹ nhàng. Có lẽ vì thế mà loại nhạc cụ truyền thống và quan trọng nhất của cư dân Đông Nam Á là trống: từ trống đồng Đông Sơn, đến trống Bô ba-ha-mưng, ki - năng của người Chàm, trống sam - phô của người Khơme, ta - phôn của người Lào, trống cơm của người Việt... Bên cạnh trống còn có cồng, chiêng, nhị, sáo, khèn... là những nhạc cụ phổ biến ở hầu hết các nước Đông Nam Á.

Nói tới nghệ thuật Đông Nam Á không thể không nói tới kiến trúc và điêu khắc. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, kiến trúc Đông Nam Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Ấn Độ (kiến trúc Hinđu và Phật giáo) và kiến trúc Hồi giáo. Theo H. Pácmăngtiơ, kiểu kiến trúc Hinđu có thể chia làm hai loại:

- Các đền thờ Hinđu ở Nam Ấn Độ được xây dựng từ đá nguyên khối, là những tháp có bình đồ (cấu trúc) là hình vuông hay chữ nhật.

- Các đền thờ Hinđu ở Bắc Ấn Độ đã chịu phần nào ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo nên các đền thờ ở đây ngoài tháp chính còn có một số tháp phụ và các tháp đều có hình múi khế.

Cả 2 kiểu kiến trúc trên đều có mặt ở Đông Nam Á. Song phổ biến hơn cả là kiểu kiến trúc tháp có bình đồ là hình vuông hay chữ nhật. Điển hình của kiểu kiến trúc Hinđu ở Đông Nam Á là tháp Chàm ở Việt Nam và Ăngco Vát ở Campuchia.

Kiến trúc Phật giáo cũng có thể được chia làm 2 loại:

- Chùa là nơi thờ tự, thờ hình tượng của Phật. Ở Ấn Độ những chùa có niên đại sớm đều là chùa hang (nổi tiếng nhất là những chùa hang ở Ajanta và Nasik).

- Kiểu kiến trúc tháp - Xtuppa - là nơi thờ thánh tích của Phật. Đặc trưng của kiểu kiến trúc này là trên đỉnh tháp có hình vòm kiểu chiếc bát úp, trên xây phủ một lớp gạch và trên cùng là một tháp nhọn, tượng trưng cho chiếc bát và gậy khất thực của Phật.

Ở Đông Nam Á phổ biến là kiểu kiến trúc tháp Xtuppa điển hình là tổng thể kiến trúc Bôrôbuđua ở Inđônêxia và Thạt Luông ở Lào. Kiểu kiến trúc chùa hang đào trong núi chưa gặp ở Đông Nam Á nhưng thờ Phật trong hang lại khá phổ biến.

Kiểu kiến trúc Hồi giáo vào Đông Nam Á muộn hơn và phổ biến ở những vùng mà Hồi giáo chiếm ưu thế. Tuy nhiên, như trên đã nói, nghệ thuật kiến trúc Đông Nam Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Ấn Độ, song không phải là sự “rập khuôn”. Trên nền chung của kiến trúc Ấn Độ, mỗi dân tộc, mỗi khu vực, thậm chí mỗi di tích kiến trúc lại có những nét riêng độc đáo của mình. Khi nói tới những di tích kiến trúc nổi tiếng ở Đông Nam Á giai đoạn trước thế kỷ VIII không thể không nói tới khu di tích Mỹ Sơn của người Chăm và tổng thể kiến trúc Bôrôbuđua ở Inđônêxia.

Sau một thời gian tiếp thu và thử nghiệm những truyền thống thẩm mỹ của Ấn Độ, từ giữa thế kỷ VII trở đi, nghệ thuật Chăm đã định hình và phát triển rực rỡ với phong cách cổ Mỹ Sơn. Với tác phẩm tiêu biểu là chiếc bệ đá (Mỹ Sơn E1) và tháp B5 (Mỹ Sơn A1) nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Chămpa đã đạt đến độ hoàn hảo - đó là phong cách kiến trúc nhẹ nhàng, duyên dáng và trang nhã nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.

Ở trung tâm đảo Giava, ngay giữa miền đồng bằng Kedu phì nhiêu, trù phú, có núi non bao bọc, nổi lên một hòn núi nhân tạo - ngôi đền kỳ vĩ Bôrôbuđua - có nghĩa là đền núi (bôrơ - đền, budur - núi). Theo một số tài liệu, ngôi đền núi vĩ đại này được xây dựng vào những năm 778 - 850. Trông xa Bôrôbuđua như một trái chín nằm giữa tán lá xanh của khung cảnh xung quanh, không phô trương, chào mời, chỉ khi đến gần ta mới thấy hết sự kỳ vĩ của ngôi đền. Toàn bộ ngôi đền cao 42m chiều dài mỗi cạnh ở chân đền là 123m gồm hai phần: phần tròn ở phía trên và phần vuông ở phía dưới. Phần tròn gồm tháp trung tâm hình chuông và ba tầng bậc tròn đồng tâm bao quanh. Khối chính hình vuông bên dưới rất phức tạp về cấu trúc bao gồm nhiều tầng và các hồi lang. Ở mỗi tầng và hồi lang đều có hàng trăm bức phù điêu miêu tả cuộc đời của Đức Phật - từ giấc mơ của bà mẹ đến sự ra đời của hoàng tử và cuối cùng là những trang về sự đắc đạo. Càng lên cao, các chủ đề càng tách dần khỏi cuộc đời trần tục để đến với sự siêu thoát, trừu tượng. Khi đã lên tới hồi lang vuông trên cùng, ta bước vào ba tầng hồi lang tròn cuối cùng không có tường chắn, không có phù điêu. Tới đây, với sự vô biên của hình tròn, với sự lặp đi lặp lại của các hình Phật ngồi trầm tư siêu thoát, ta như đạt tới trạng thái cuối cùng của nhận thức về vật chất và cuộc đời. Có thể nói Bôrôbuđua là một mô hình vũ trụ, là bài ca trong đá về con đường giải thoát của các phật tử.

( Còn Tiếp )

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Từ thế kỷ X - XIII di tích kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á là khu đền Ăngco Vát ở Campuchia. Ăngco Vát được xây dựng vào đầu thế kỷ XII. Cả khu đền rất rộng, riêng khu thiêng có kích thước 1.500m x 1.300m và được ngăn bằng hồ nước rộng 200m. Vượt qua hồ phía Tây là đến một con đường rộng với hai dãy lan can Naga bằng đá dẫn đến cổng chính dài 130m. Qua cổng chính là con đường lát đá thứ hai dài 350m dẫn thẳng tới đền. Khu đền chính rộng 187m x 215m và cao 65m. Đó là một hình Kim tự tháp ba bậc, mỗi bậc lại được bao bọc bằng một hành lang kín có các tháp nhô lên ở góc và chính giữa. Tháp trung tâm ở trên đỉnh nối liền với các cổng bằng những đường hiên tương tự các hồi lang kín.

Giá trị nghệ thuật của Ăngco Vát còn ở sự hài hòa giữa điêu khắc và kiến trúc. Ở đây điêu khắc không chỉ tô điểm mà còn hòa tan vào các thành phần kiến trúc, là ngôn ngữ, là âm điệu của kiến trúc. Vì thế Ăngco Vát tuy đồ sộ vẫn không gây ra một ấn tượng lạnh lẽo, trang nghiêm.

Trong khu đế đô Ăngco Thom (được xây dựng dưới thời Jayavarman VII) nổi tiếng nhất là đền Bayon. Đây là một đền tháp ba tầng mở ra bốn hướng; tầng một và hai là hai hồi lang kín đồng tâm còn tầng ba, khu vực trung tâm gồm 16 tháp lớn. Tháp chính cao 23m nằm trên nền tròn đường kính 25m. Trên tất cả 52 tháp (16 tháp trung tâm và 36 tháp ở các góc và giao điểm các hồi lang) đều chạm khắc mặt người ở 4 mặt với những nụ cười hàm súc và bí ẩn, những bức phù điêu tả lại cảnh Jayavarman VII đánh thủy quân Chămpa sôi nổi và sinh động, những hình ảnh nữ thần Apsara mềm mại, uyển chuyển và đầy sức sống.

Ở Mianma, chỉ riêng khu di tích Pagan hiện nay người ta còn thấy hơn 5.000 ngôi chùa lớn nhỏ nằm rải rác dọc theo hai bờ sông Iraoađi. Ngôi chùa Suê Đagôn (hay chùa Vàng) đồ sộ được xây dựng chỉ trong một năm rưỡi (1372 - 1373) chứng tỏ sức lực và tài năng của cả nước đã được huy động như thế nào. Ngôi chùa có đỉnh cao 10m gồm 7 vành đai bằng vàng, một cái trụ bằng bạc, đỉnh chóp là một quả cầu vàng (đường kính 25cm), trên có cắm cờ gió cũng bằng vàng và cả ba phần này (trụ, quả cầu và lá cờ gió) đều được khảm bởi 5.448 viên kim cương to nhỏ khác nhau. Toàn bộ phần thân của tháp được phủ bởi 9.300 lá vàng, kích thước (30cm x 30cm) bên trong treo 1065 chuông vàng và 421 chuông bạc. Chùa Vàng xứng đáng là biểu tượng của đất nước Mianma giầu đẹp với những con người vị tha yêu đời và giầu mơ ước.

Nếu như trong một số nền nghệ thuật cổ đại khác như Ai Cập, Hy Lạp... điêu khắc và kiến trúc thường có vị trí tương đối độc lập với nhau thì trong nghệ thuật Đông Nam Á, kiến trúc và điêu khắc hầu như hài hòa với nhau để tạo nên những kiệt tác nghệ thuật. Và trong tổng thể công trình, điêu khắc, tuy không sử dụng một ngôn ngữ hoành tráng và đầy sức biểu tượng như kiến trúc, nhưng hầu như lại là yếu tố mang lại vẻ rực rỡ, tráng lệ cho công trình.

Cũng như kiến trúc, việc tiếp nhận văn minh Ấn Độ trên cơ sở một nền văn minh bản địa đã phát triển làm nở rộ ở Đông Nam Á hàng loạt các nền điêu khắc nổi tiếng. Song nhìn chung, các đề tài thường gặp, hầu hết mang tính chất tôn giáo - ảnh hưởng của đạo Phật và đạo Hinđu. Với những loại hình chủ yếu là các bức phù điêu - chạm nổi và tượng miêu tả Thần Phật và tượng thú vật.

Những pho tượng có niên đại khá sớm là những pho tượng Phật thuộc thời kỳ Phù Nam. Ở An Giang (Việt Nam) đã tìm thấy hai pho tượng Phật thuộc phong cách Amaravati là phong cách có niên đại khoảng thế kỷ II. Ở Phù Nam người ta còn tìm thấy 20 pho tượng Phật đứng theo phong cách Gupta (thế kỷ IV), trong đó hơn một nửa là bằng đá, còn lại là bằng gỗ đước. Điều đó chứng tỏ những bức tượng này đã được tạc tại chỗ và chỉ có ở Phù Nam mới có những tượng bằng gỗ đước như thế. Mặc dù bị thời gian tàn phá nặng nề, nhưng trên những pho tượng này người ta vẫn có thể nhận thấy những dấu ấn rất đậm của điêu khắc Phật giáo - Ấn Độ và phong cách Gupta qua vẻ trầm tưởng của khuôn mặt, tư thế đứng qua cách xử lý những nếp gấp của áo cà sa, qua động tác của những cánh tay.

Bên cạnh những pho tượng Phật giáo những pho tượng Ấn Độ giáo cũng đã xuất hiện từ khá sớm và chiếm một số lượng tương đối lớn ở Phù Nam. Đó là những tượng thần Visnu, anh em của thần và những hóa thân của thần. Phần lớn những pho tượng này đều có một thân hình to lớn tương đương với tầm vóc người thật được chạm khắc cẩn thận cả mặt trước lẫn mặt sau với nhiều cánh tay (4; 6 hoặc 8) cùng với một hệ thống cung chống làm vách tựa.

Đến thời kỳ Chân Lạp, người ta thấy đã xuất hiện một số lượng đáng kể những pho tượng nữ. Chủ đề được ưa chuộng trong giai đoạn này là nữ thần Unia trong tư thế chiến thắng quỷ đầu trâu. Ở đây người nghệ sĩ thường thể hiện Unia dưới một thân hình đầy đặn có phần hơi đẫy đà, nhưng động thái thì vô cùng nhanh nhẹn và khỏe khoắn.

Cùng thời gian này ở vùng châu thổ sông Mê Nam, Saluen và Iraoađi cũng xuất hiện một nền điêu khắc vô cùng rực rỡ khác - nền điêu khắc của người Môn. Những tượng Phật ở vùng châu thổ sông Mê Nam đã mang phong cách bản địa rõ nét. Những nét đặc sắc của điêu khắc Môn được thể hiện ở cách xử lý những động tác của đôi bàn tay, ở cách xử lý một cơ thể phi giới tính bằng cách thể hiện hai đùi nổi lên dưới làn áo cà sa mỏng và nhất là ở cách xử lý khuôn mặt.

Những pho tượng Phật có niên đại sớm (khoảng thế kỷ V - VIII) còn được phát hiện ở Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia v.v...

Đến cuối thiên niên kỷ I, nghệ thuật điêu khắc Đông Nam Á có phần chững lại. Từ đầu thiên niên kỷ II trở đi người ta lại chứng kiến một sự phát triển mới của loại hình nghệ thuật này với một tầm vóc, quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn, với những trung tâm kiến trúc và điêu khắc kỳ vĩ như khu đền Ăngco Vát ở Campuchia, Pagan ở Mianma, Xukhôthay, Ayuthaya ở Thái Lan, Thạt Luổng ở Lào v.v... Trong lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á vào thiên niên kỷ II, có thể nhận thấy vai trò hết sức quan trọng của Phật giáo Tiểu thừa. So với hệ thống thần điện Phật giáo Đại thừa, hệ thống thần điện Phật giáo Tiểu thừa đơn giản hơn nhiều. Ngoài hình tượng đức Phật Thích Ca thì chỉ có một số môn đồ của Người, có lẽ vì thế mà nền điêu khắc Phật giáo Tiểu thừa đã cố gắng khai thác thêm bằng cách thể hiện các tư thế của đức Phật theo quy định của Phật giáo.

Hinđu giáo cũng có ảnh hưởng to lớn đối với nghệ thuật điêu khắc Đông Nam Á. Song khi nói nghệ thuật Hinđu giáo ở Đông Nam Á, thực ra là chỉ nói ở Chămpa và Campuchia, còn ở những nơi khác, dấu tích Hinđu giáo rất mờ nhạt. Ở Chămpa chủ yếu là tượng thần Siva, còn ở Campuchia chủ yếu lại là tượng thần Visnu với rất nhiều các hình tượng khác nhau.

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top