Văn hóa - sức sống bất diệt và mãnh liệt
Tặng Trần Ngọc Vương, nhân đọc
“Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ”
Càng vào thu, tôi càng bồng bềnh giữa không biết bao nhiêu suy nghĩ về 1000 năm Thăng Long, miên man liên hệ với con đường đất nước ta đã trải qua suốt chiều dài thời gian này. Lặn ngụp, trôi giạt trong thác lũ mênh mông miên man ấy, đầu tôi đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”. Đơn giản vì câu hỏi trong đầu tôi “Cái gì làm nên sức sống của dân tộc mình?” không dễ đối với tôi chút nào… Vì đến nay tôi vẫn chưa làm sao trả lời rành rọt được cho chính mình. Vì thế tôi đặt tên cho nó là “câu hỏi đời”. Chắc chắn nó sẽ còn đeo đuổi tôi, hay là chính tôi đeo đuổi nó, suốt đời…
Giữa lúc ấy, đến với tôi như là một cánh lá vàng đẹp, do ngọn gió thu nào đó mang tới: “Đằng sau những ước lệ ngôn từ của Thiên Đô Chiếu”.
Đọc xong, việc đầu tiên tôi phải gọi điện thoại ngay cho tác giả:
- Vương ơi, hình như cái nguyên do làm nên ý nghĩa sâu thẳm nhất của dời đô những kẻ hậu duệ như chúng ta hôm nay chưa nhìn nhận thấu đáo Vương ạ. Cảm ơn Vương nhiều, đã viết được đúng cái sâu thẳm ấy ra thành lời: Dời đô ghi dấu một bước ngoặt thời đại “giai đoạn thù hiềm nhất thiết phải được vượt qua, và về cơ bản đã được vượt qua”. Không có bước ngoặt này, làm sao tạo dựng được đất nước như hôm nay! Tầm nhìn nào, sức mạnh nào có thể trở thành sức mạnh kiến tạo quốc gia, nếu như vẫn còn kia trong lòng dân tộc mối chia năm xẻ bẩy? …Tâm trạng giãi bầy của Vua qua lời Chiếu… Vương ơi, đọc lại, và đúng là tôi cảm nhận được như Ngài đang giãi bầy với chính mình giữa cuộc đời này, từng lời, Vương ạ – với chính mình, chứ không phải là một viên quan nào đó trong triều!.. Chính mình đang nghe, một chúng dân, một chúng dân của đất nước hôm nay đang nghe Vương ạ!.. Ôi chúng ta đúng là hỗn quá! Chúng ta nói quá nhiều về rồng bay lên..., nói to quá!.. Át cả tâm trạng giãi bầy của Ngài… Lại còn bắt Ngài và Hoàng hậu đi diễu hành vẫy vẫy chúng dân nữa chứ! Thật là quá thể!.. Cái giá phải trả cho niềm tự hào phóng đại đặt sai chỗ là sự hoang tưởng, rỗng, khỏa lấp, che đậy… Có nghĩ như thế không hả Vương?.. Mình nghĩ thế có đúng không?..
Câu chuyện qua điện thoại hôm ấy giữa hai chúng tôi dài lắm…
Sau cuộc đàm thoại này, câu hỏi đời càng chơi khăm tôi hơn, cái máu học trò trong tôi lúc lúc lại sôi lên, như bao lần..: Vì sao một dân tộc có truyền thống lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm như dân tộc ta mà hôm nay xếp bậc vẫn cứ xa xa mãi như thế về phía cuối lớp?
Lần này chính Vương chơi khăm, tặng tôi cuốn “Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ”mà anh vừa mới lấy ra từ cái lò nướng bánh của mình.
Xin miễn bàn ở đây về những vinh quang của dân tộc ta, vì không phải lúc đối với tôi lúc này. Tôi đang cay cú vì bị chơi khăm, và chỉ muốn giải tỏa khỏi việc mình bị chơi khăm.
Tôi lại đi tìm câu trả lời. Lần này, cái đầu cũng đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”.
Tôi không viết về cuốn sách Trần Ngọc Vương trao tặng, mà chỉ lấy từ cảm hứng sau khi đọc nó để nói lên điều lâu nay làm mình day dứt.
“Toàn bộ tồn tại của lịch sử thực của thể Việt Nam đòi hỏi việc khái quát (cái) từnó và cho nó để đạt tới những luận điểm và thành tố lý thuyết mới, nhưng cho đến nay, nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng, những đúc kết lý thuyết ấy còn chưa được tiến hành tới ngưỡng khả tín cần thiết. Triết học và các ngành khoa học cận triết học khác ở Việt Nam vẫn tồn tại lơ lửng đâu đó trong một trạng thái không trọng lượng, hoặc bị nhận mặt là con lai, trong khi cộng đồng bị níu lại bởi tâm thế khó cởi mở với những sinh linh khác máu tanh lòng”… Trần Ngọc Vương thẳng thắn nhận xét như thế và đi tới kết luận: Suốt cả một thế kỷ nay, những gì triết học và các ngành khoa học “cận triết học” đang làm ở nước ta “không phải là khoa học đích thực.., gieo rắc những sai lầm và gây họa khủng khiếp!” (tr.227, vân vân…)
Đấy là cú hích, vào đúng nỗi đau kinh niên của tôi.
Trong cuốn sách của mình, cũng với thái độ đi vào gốc và hồn từng “con chữ”, Trần Ngọc Vương nêu lên nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước ta kể từ thời Triệu Đà cho tới ngày nay. Tác giả nêu không ít nhận xét, đánh giá của riêng mình, rất đáng là “nhiên liệu” cho việc đào sâu, tìm tòi, xác định cái thực thể Việt đích thực của chúng ta, để nghĩ tiếp, đi tiếp.
Trở lại dòng suy nghĩ của mình, trước hết tôi xin đề nghị dùng khái niệm “tự trong nó – cho nó” thay cho cách dịch “từ nó và cho nó” (“en soi – pour soi”).
Tôi nghĩ: Hiển nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, không thể là công việc của một người mà phải cùng nhau làm, để bóc gỡ tiếp các lớp màng phủ và đồ ngụy trang khác nhau, để làm cho “nó” - cái thực thể Việt đích thực - lộ diện hẳn ra; tách bạch ra dưới ánh sáng ban ngày: đâu là cái thực thể Việt đích thực, chỗ nào là cái yếu bẩm sinh của nó? đâu là những cái ngụy tạo? cái gì thực thể Việt ngày nay vẫn gìn giữ được và phát triển? cái gì thực thể Việt hiện nay của chúng ta bị tước mất, bị làm cho quặt quẹo, biến dạng, chịu khuất phục... – giữa lúc “nó” - cái “thực thể Việt hiện nay” – đang bị ốp lên người đủ chủng loại áo xiêm và mặt nạ, phải đeo lủng liểng khắp người gươm đao và thanh la lão bạt, tay nắm đủ mọi thứ loại cờ, phướn.., giữa lúc “nó” bị khiển lúc phải nhẩy múa những vũ điệu khi thì lõa lồ để quyến rũ, lúc phải lên đồng, lúc phải phát ra sấm sét thiên lôi hàng tôm hàng cá… Chẳng lẽ bây giờ “nó” không còn là “nó” đích thực nữa hay sao hả trời!?.. Còn lại bao nhiêu “nó” là “nó”? còn bao nhiêu “nó” là cho “nó”? bao nhiêu là của “nó” đã bị lấy đi? Bao nhiêu của “nó” đã trở thành hình nộm, thành phương tiện?..
Càng về già, tôi càng tự hỏi mình, không biết bao nhiêu lần: Trong cái thực thể Việt ngàn đời của chúng ta, văn hóa tự nhìn lại mình của chúng ta như thế nào nhỉ?..
Không làm được cái việc tự nhìn lại mình thì làm sao nghĩ được đến chuyện “tự trong nó – cho nó”? Sẽ ra sao, nếu một dân tộc không dám tự nhìn lại mình, hoặc thậm chí không được hay tự đánh mất cái quyền tự nhìn lại mình?.. Nhất là thế kỷ 20 vừa qua đầy những biến động chưa từng có! Trên quả đất này có dân tộc nào, quốc gia nào có thể xa hoa lãng phí hay bạc nhược, hay mù lòa đến mức không cần hoặc không thể nhìn lại chính mình không? - giữa cái thế giới ngày càng quyết liệt không khoan nhượng sự chậm chạp, đủng đỉnh.
Nhìn vào cái phần quá khứ đang dính liền với hiện tại, hình như cái thực thể Việt trong thế kỷ 20 đầy biến động này, đã quằn quại nỗi nhục mất nước và quyết giành lại nước, đã bừng lên trong 3 lần chống xâm lăng, và hôm nay đang chậm chạp, đủng đỉnh tại cái vị trí cuối lớp? Đổ mồ hôi sôi nước mắt là thế hơn ba thập kỷ nay rồi, mà vẫn cứ là trạng thái chậm chạp, đủng đỉnh phía cuối lớp…
Có thể tự nhìn lại mình như thế được không? Giả thử nhìn được như thế, cũng mới chỉ là “thấy” thôi, chưa thể nói ngay là “hiểu”…
Đặt ra câu hỏi như vậy, nghĩ như vậy, vì tôi hay so đo nước mình với nhiều nước khác – kể cả so với lịch sử Mỹ, để cố tìm ra “cái thực thể Mỹ” – cho yêu cầu hiểu biết của chính mình; so với cả Nhật, cả Trung Quốc… Nhất là tôi đã đánh vật không biết bao nhiêu lần với câu hỏi: Thực thể Hàn nào làm nên Hàn Quốc hôm nay? – vì rất nhiều lý do dễ hiểu. Nhất là Hàn Quốc gần ta quá, về rất nhiều mặt, trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
So sánh tất cả các thời bừng lên như thế suốt cả chiều dài lịch sử đất nước mình đến nay, hình như có thể dễ dàng nhận thấy ngay sự bừng lên hào hùng và mãnh liệt của thực thể Việt trong hầu hết mọi cuộc đất nước phải cùng nhau đứng lên chống ngoại xâm – hầu như không có ngoại lệ. Có nhiều yếu tố cho sự bừng lên này lắm, song nổi bật nhất có lẽ là yếu tố “phải cùng nhau” – một biểu hiện của yếu tố dân chủ, trước nghĩa vụ cứu nước. Vua cũng như tôi, lãnh đạo cũng như bị lãnh đạo, tất cả phải cùng nhau cứu nước… Có thể kết luận: Trong bối cảnh ngày ấy, Diên Hồng tiêu biểu trước hết là dân chủ - và ở đây rõ ràng là dân chủ với nghĩa người dân là chủ đất nước trước nghĩa vụ cứu nước nên hết lòng cứu nước, dân chủ với nghĩa không phân biệt một ai trước nghĩa vụ cứu nước… Điều này rõ lắm, trong tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cũng gần như không có ngoại lệ, cho đến tận ngày nay...
Cho nên… …Cứ nói mãi rằng dân tộc ta có truyền thống đoàn kết. Đúng. Song có lẽ không đúng, chí ít là không hoàn toàn đúng. Đơn giản vì làm sao có đoàn kết Diên Hồng nếu không có dân chủ Diên Hồng? Tôi đinh ninh như thế đấy. Đã đến lúc phải nhìn sâu hơn nữa vào truyền thống, nhìn tới động lực cốt yếu tạo ra truyền thống. Ngày nay cũng vậy, làm sao có đoàn kết và hòa hợp dân tộc nếu không có dân chủ, ở đây là để đồng lòng đánh giặc, cứu nước, rồi đây là gìn giữ, xây dựng đất nước. Tại quốc gia nào mà không như vậy. Tôi đinh ninh tới mức: dân chủ đạt được tới đâu, đoàn kết và hòa hợp dân tộc hiện thực tới đấy, đất nước phát triển tới đấy.
Từ lâu, tôi đã cố tìm sự bừng lên như thế của thực thể Việt trong thời bình. Đơn giản: Chẳng lẽ cứ phải chờ đến lúc phải đánh ngọai xâm, cái thực thể Việt mới ý thức được chính mình, mới bừng dậy hay sao? Còn thời bình thì u mê, thì ngủ?..
Về mặt tiêu cực này, sử nước ta cũng đã bao phen ghi lại các thời “mạt”, khi những cái đấu tranh sinh tồn, cái vinh quang lâu đời dần dà tha hóa biến thành cái “xấu”. Rồi sự tha hóa tiếp của nó tiếp tục cộng hưởng mọi diễn biến xẩy ra và sản sinh thêm ra những cái “ác” – nhất là sự tha hóa đời đời đáng nguyền rủa là sự tha hóa của quyền lực. Tất cả những cái thuộc thời “mạt” này dần dà trở thành một thứ quán tính xuyên qua thời gian ngự trị xã hội. Cuối cùng và đỉnh cao của những quán tính này thường là trở thành một nếp sống chủ đạo, thường là hãm hiếp các giá trị cao quý của dân tộc đã gây dừng được. Đó cũng là những thời suy của đất nước, luôn luôn để lại bao nhiêu tàn tích như một thứ văn hóa không dễ dàng gột rửa cho thời sau… Phải chăng, nói đến sức sống sáng tạo của văn hóa, có lẽ không bao giờ nên bỏ quên sự tàn phá hủy hoại của những “cái xấu, cái ác” của quá trình tha hóa một khi tạo ra “một :nếp sống” như một thứ văn hóa và những di sản lâu dài của nó.
Viết đến đây, tôi tán thành những gì Trần Ngọc Vương nêu lên trong bài “Con đê và vết hằn lên tính cách người Việt” (Phần 2, tr. 83). Sự vận động trong cuộc sống đấu tranh sinh tồn của dân tộc ta thuở xa xưa với thiên nhiên để hình thành lên các đê bao, để rồi đời này qua đời khác hằn lên thành cái nếp nghĩ rất “đê bao”, nghĩa là tha hóa thành cái nếp nghĩ, cái “văn hóa” rất đóng, rất khép kín, rất “làng xã” với đủ các sắc thái như đầu óc địa phương, cục bộ, họ tộc, không muốn nhìn ra xa ngoài cái đê bao… - Ôi!.. Nghĩa là cái mặt trái của tấm huân chương khi ngoi lên thế chủ đạo như một nếp văn hóa! Chỗ này Trần Ngọc Vương cổ vũ tôi: Một dân tộc có bản lĩnh, phải là một dân tộc luôn luôn dám nhìn nhận lại mình…
Đến đây, tôi vấp phải vấn đề mới: Tốc độ! Ngày nay, xem ra một sự vật trong quá trình vận động bị tha hóa dần dần để trở thành một thứ “văn hóa” tiêu cực hình như có tốc độ nhanh hơn ngàn vạn lần so với cái thời làm nên cái tạm gọi là “văn hóa đê bao”. Ví dụ, chúng ta đang chứng kiến: Trong vòng chưa đầy một đời người, bây giờ xã hội chúng ta đang có vững chãi một thứ “văn hóa phong bì” – cũng bắt đầu từ một sự tiện lợi… Thậm chí sức chứa của cái “phong bì” này ngày nay thiên biến vạn hóa, hoàn toàn vượt qua mọi sự tưởng tượng thông minh nhất của chúng ta! Khi thì là cái “ghế”, khi thì là “n cổ phiếu”, khi thì là sổ đỏ của cái biệt thự xinh xinh, khi thì là một mỹ nhân, khi là vài “quan hệ”… Những ví dụ như thế còn nhiều… Cái “mặt trái của tấm huân chương” văn hóa thật là hãi, có phải không?
Trở lại câu chuyện thực thể Việt, xin khái quát lại suy nghĩ của tôi như thế này: Phải chăng là nơi giao lưu giữa các dòng văn hóa lớn đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, dựng xây qua mấy ngàn năm trên mảnh đất chữ S này của tổ quốc chúng ta, đã hình thành nên một cách vững chãi một quốc gia Việt Nam với nền văn hóa Việt, với tâm hồn Việt mang bản thể đầy sức sống của chính nó – bao phen vượt qua sóng gió để hôm nay tiếp tục có mặt trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
Nói riêng về văn hóa: Làm sao có thể nói khác được, chính cái thực thể Việt ấy đã “tự trong nó”, có dồi dào khả năng và bản lĩnh hấp thụ các dinh dưỡng của thế giới bên ngoài, để lớn lên, để tạo ra “cho nó” – một sự phát triển mang đầy sức sống “tự trong nó”, và hậu thế chúng ta hôm nay được thừa hưởng một nền văn hóa chúng ta có quyền tự hào, một nền văn hóa chúng ta có bổn phận thiêng liêng phải gìn giữ, phải chăm sóc, nuôi dưỡng nó như chính lương tâm và lương tri mình. Nhìn cái thực thể Việt bừng lên trong các thời bình của lịch sử mấy ngàn năm, phải chăng có thể được phép nói khái quát như thế?
Chắc chắn có thể kết luận như thế, tôi nghĩ vậy. Nếu không có cái bừng lên của thực thể Việt trong các thời bình này suốt cả chặng đường lịch sử là nguồn lực, không có văn hóa này, làm sao suốt chiều dài mấy nghìn năm qua dân tộc ta đã đánh thắng được bao cuộc xâm lăng để gìn giữ được bờ cõi như hôm nay? Và đúng là định mệnh, kẻ xâm lăng lần nào cũng to bự hơn ta bội phần, không có ngoại lệ, thậm chí kể cả 3 cuộc xâm lăng nước ta phải chống trả sau Cách mạng Tháng Tám! Có lẽ phải nói tới mức, cái văn hóa làm nên sức sống của dân tộc ta chính là yếu tố sức mạnh cuối cùng và quyết định trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhưng cũng phải nói ngay, ta chỉ thắng trong đánh ngoại xâm để bảo vệ đất nước ta thôi. Kể cả sau khi đánh thắng rồi, nước ta vẫn yếu kém hơn các nước đánh ta về rất nhiều mặt. Thắng như thế, bao giờ cũng phải chịu tổn thất, có những tổn thất không lấy lại được, cái giá phải trả sau đánh thắng không bao giờ nhỏ - càng thắng lớn cái giá phải trả càng đau đớn, thậm chí không lường hết, thậm chí có khi đất nước tụt hậu thêm một bước. Lịch sử nước ta không dưới một lần thắng ngoại xâm, nhưng ngay sau đó thua nội xâm, đã có phen thua đau đớn. Thắng như thế, mọi yếu kém cố hữu của ta nếu không trầm trọng hơn thì vẫn còn nguyên vẹn. Thắng như thế hoàn toàn không có nghĩa nước ta đã tự lột xác thành một bản thể mới, có thể bước một bước lên trời và làm gì cũng được. Phải chăng vì chưa nghĩ thấu đáo như thế mọi chuyện hậu chiến tranh, nghĩa là mọi chuyện sau khi đánh thắng, nên hiện nay đất nước ta bên cạnh niềm tự hào 1000 năm Thăng Long đang mắc phải chứng bệnh “1000 năm Thăng Long”?
Một lời cảnh báo nghiêm khắc của lịch sử: Các thời kỳ thoái trào trong lịch sử nước ta đều gắn liền theo quan hệ nhân – quả với thoái trào văn hóa. Cho đến nay không thấy có ngoại lệ.
Câu chuyện đang bàn có phải là như vậy không?
Chắc chắn đây sẽ còn là công việc mãi mãi vẫy gọi chúng ta lao động hết mình, để nghiền ngẫm, để khám phá cái thực thể Việt đích thực của chúng ta, mãi mãi nuôi sống nguồn cảm hứng và hy vọng của chúng ta. Để làm cho rõ cái ta là ta, chỗ mạnh, chỗ yếu… Để từ thấy, đi tiếp tới hiểu…
Nếu nhìn gần hơn nữa, nhìn vào cái phần quá khứ còn đang nóng bỏng, đang dính liền với hiện tại chúng ta đang sống, vâng, nếu nhìn vào thế kỷ 20 cho đến nay, sự bừng lên như thế trong thời bình của thực thể Việt như thế nào?
Vâng, nhìn gần lại hơn nữa, từ thế kỷ 20 này, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là chua sót. Rất chua sót. Dân tộc ta, nước ta đã bị cướp đoạt mất gần hết cả thế kỷ này. Thực ra chỉ còn lại 10 năm cuối cùng của thế kỷ này là nước ta bắt đầu có hòa bình với đúng nghĩa của nó! Phần nửa đầu của thế kỷ này là sự rên xiết quằn quại trong số phận của kẻ nô lệ mất nước. Phần nửa sau của thế kỷ này, khi công nghiệp thế giới chuyển sang một thời kỳ hoàn toàn mới, kinh tế thế giới phát triển năng động chưa từng có, nước ta phải 3 lần cầm súng chống xâm lược, lại còn sự giao tranh khốc liệt bên ngoài và bên trong giữa cái gọi là hai con đường… Nói cho hết nhẽ, cả thế kỷ 20, nước ta chỉ còn mươi mười lăm năm sau cùng để bắt đầu đi vào con đường tìm lại chính mình trong hòa bình. Con đường ấy mới chỉ được vỡ vạc, hôm nay mới chỉ đặt chân vào… Cố nói hết nhẽ như vậy, mà cũng mới chỉ là “thấy” rõ thêm một chút thôi, còn rất nhiều việc phải làm để “hiểu”.
Trong tầm hiểu biết và theo cách tư duy của mình, nghĩa là rất riêng, rất chủ quan, tôi nghĩ rằng thời bình, cái thực thể Việt đích thực mới chỉ được đánh thức kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới. “Nó” mới chỉ bắt đầu được đánh thức thôi, “nó” đang cựa mình, mới bắt đầu tỉnh dậy, bắt đầu tìm cách gỡ bỏ mọi cái gì không phải là của “nó”, vừa gỡ bỏ, vừa phải chống trả mọi thứ cứ muốn ốp lên “nó”, đầu độc tiếp “nó”… – đơn giản, không thể nào đồng nghĩa giải phóng thống nhất đất nước với giải phóng “nó”. Tôi không chấp nhận một sự đồng nghĩa như thế. Toàn bộ cuộc giải phóng “nó” – theo cách nghĩ này của tôi – còn đang ở phía trước. Theo cách nghĩ này, “nó” mới chỉ được đánh thức trong đời sống kinh tế - và mới chỉ được đánh thức thôi, “nó” chưa thức tỉnh hẳn, chưa vươn vai đứng dậy hẳn...
Phải, thành công của đổi mới 25 năm qua của đất nước nhìn thấy rõ nhất trong đời sống kinh tế. Mười năm đầu là ngoạn mục, khó ai nghĩ được rằng nước ta sớm bước ra khỏi được cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nước ta đã lâm vào ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Đi tiếp dòng suy nghĩ này, có thể nói nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm nên những thành công trong đổi mới là dân chủ, đương nhiên mới chỉ là bắt đầu thực hiện dân chủ với mức độ khiêm tốn, trong kinh tế.
Trong con mắt tôi, thành tựu lớn nhất đạt được của đổi mới, thành tựu mở đường cho mọi thành tựu khác, chính là những bước tiến bộ đầu tiên trong thực thi dân chủ - dù là chủ yếu mới chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Từ cái đạt được trong cuộc sống của đổi mới, dù chủ yếu mới chỉ là trong kinh tế, tôi thấy không cần phải lý sự dài dòng, và dám nghĩ ngay rằng dân chủ đúng là nguồn lực của sáng tạo. Dù còn mong manh, song dân chủ như thế đạt được trong kinh tế là thành tựu lớn nhất của đổi mới, là thành tựu tạo nguồn cho mọi thành tựu khác đã đạt được.
Dân chủ trong đổi mới hiện nay, diễn đạt thật dân dã là: trước hết không duy ý chí áp đặt cái khiên cưỡng vào cuộc sống, mọi người được làm kinh tế để mà sống. Bây giờ đang phấn đấu tiếp cho làm kinh tế đúng là kinh tế - nghĩa là thừa nhận kinh tế thị trường (bỏ bao cấp, bớt mafia…), đang phấn đấu tiếp cho mọi người đều bình đẳng trong làm kinh tế. Dân chủ trong đổi mới cho đến nay mới chỉ là như vậy. Phía trước là chặng đường dài phấn đấu cho mọi người bình đẳng trước pháp luật, cho công bằng, văn minh, cho chính dân chủ. Lúc tiến lên, lúc thụt lùi, con đường phấn đấu cho dân chủ của đất nước ta mới chỉ đi được những bước đầu tiên.
Phải chăng, nếu nhìn nhận như thế, có thể nói ngay: Mọi trì trệ, chậm chạp, đủng đỉnh hiện nay, dù là trong trong lĩnh vực nào, đều có nguyên nhân sâu sa là mất dân chủ, thiếu vắng dân chủ?
Tới đây, dòng suy nghĩ của tôi rơi trở lại điểm xuất phát: Vì sao phấn đấu lao khổ như thế mà nước ta vẫn cứ xa xa phía cuối lớp? Vì sao 25 năm đổi mới nước ta chỉ mới đi được khoảng một nửa chặng đường 25 năm đầu tiên của Hàn Quốc trên con đường trở thành “NIC”? Cái thực thể Việt đích thực khác cái cái thực thể Hàn ở chỗ nào mà lại tạo ra sự chậm chạp đủng đỉnh như thế? Xin đừng quên trong 25 năm đầu tiên này ở cả hai nước, nguồn lực bên ngoài đổ vào nước ta lớn hơn rất nhiều so với Hàn Quốc...
Trong khi viết những dòng này, TV ta đưa lại câu chuyện lịch sử xây cầu Brooklyn ở New York – một trong 7 kỳ quan công nghiệp của thế giới, khánh thành cách đây 127 năm… Ngồi xem, tôi càng hiểu rõ: tầm nhìn, ý chí và trí tuệ, dân chủ ở mức cao nhất gắn với trách nhiệm cao nhất, cùng với một thể chế làm việc chỉ bảo vệ những yếu tố này, đó là tất cả những yếu tố tinh thần quyết định nhất làm nên cây cầu đẹp nhất, dài nhất thế giới này. Quá trình xây dựng cây cầu này, bao chuyện quan liêu tham nhũng đã xảy ra, giống như ở bất kỳ nơi đâu trên thế gian trần tục này, cả đầu cơ, gian lận, cướp công nhau nữa… – có lúc thép đưa vào làm dây cáp treo cầu chỉ đáp ứng ¼ đòi hỏi kỹ thuật, tổng công trình sư chân chính của công trình, cũng là tác giả thiết kế cây cầu, hết bị âm mưu này đến âm mưu khác lật đổ, loại bỏ… Cuối cùng thì cây cầu đứng sừng sững như người đã thiết kế ra nó, sừng sững với thời gian như chúng ta đang thấy, những con người chân chính đã thắng, thể chế đúng đã thắng. Thành công này, dủ chỉ là một mẫu sinh thiết từ cơ thể cuộc đời, cũng đủ cho thấy có thể làm được gì, một khi dân chủ trở thành văn hóa. Nước Mỹ có lịch sử mới vài trăm năm thôi, nhưng đại thể được tạo dựng nên từ những con người và thể chế làm nên những sự nghiêp cây cầu Brooklyn như thế.
Đương nhiên, tấm huân chương nào cũng có hai mặt, ngay trên đất Việt Nam ta đến nay vẫn chưa sạch các bom mìn Mỹ và chất độc dioxin, nhưng giờ đây chúng ta đang mổ xẻ những nguyên nhân của phát triển. Xem cuốn phim lịch sử cây cầu Brooklyn, tôi hiểu rõ hơn những tay cao-bồi, những người đi vỡ hoang miền Tây nước Mỹ, những ai ai khác nữa đã dời bỏ châu Âu đến đây để lập nghiệp, dù là từ Ireland, Anh, Đức, Pháp hay đâu đâu nữa tới, đi theo họ tới châu Mỹ là cả một di sản đồ sộ của văn minh nhân loại tích tụ ở châu Âu từ thời kỳ khai sáng cách đây gần 3 thế kỷ. Tôi hiểu được sức mạnh của văn hóa: Thừa hưởng được di sản văn hóa này, trong vòng ba trăm năm, nước Mỹ đã bỏ lại phía sau tất cả các nước châu Âu có lịch sử hàng nghìn năm, đã làm nên một văn hóa Mỹ riêng của mình, dù châu Âu đã là gì và hôm nay đang là gì đi nữa! Đương nhiên, câu chuyện nước Mỹ không chỉ có văn hóa… Song rõ ràng sức sống mãnh liệt và sáng tạo của văn hóa là như thế.
Tôi hiểu sâu hơn nguồn gốc phát triển của dân chủ, hiểu văn hóa và văn minh là dinh dưỡng không thể thiếu của dân chủ, rồi đến lượt dân chủ bồi bổ cho văn hóa và văn minh phát triển, các đỉnh cao của phát triển luôn luôn là đỉnh cao của dân chủ trở thành văn hóa!.. Từ cây cầu Brooklyn nhẩy về Hàn Quốc, rồi nhẩy về nước ta, tôi càng tin: Đi tìm cái thực thể Việt đích thực của chúng ta, chính là đi tìm sức sống văn hóa này từ văn minh nhân loại, để “cái tự trong ta” có thể làm nên một thời kỳ phát triển rực rỡ mới “cho chính ta” trong cái thế giới quyết liệt ngày nay, cái thế giới không biết dung tha sự chậm chạm, đủng đỉnh… Trong cuộc tìm kiếm này, chúng ta không phải dò dẫm trong vùng trừu tượng vô định xa xôi như định hướng xã hội chủ nghĩa, mà bắt đầu từ đi tìm kiếm dân chủ. Đương nhiên đó không thể là dân chủ của sự sáng suốt do đấng minh quân nào đó ban phát hay là hàng cứu tế. Dân chủ như một quyền, dân chủ như một thể chế là điều phải phấn đấu giành lấy, phải kiến tạo nên, nhất là phải đạt tới: Dân chủ với ý thức giác ngộ cao nhất quyền làm chủ của chính mình, với sự giác ngộ cao nhất về trách nhiệm của người làm chủ. Dân chủ hàm nghĩa như thế thực hiện được ở một người, là điều kiện làm nên dân chủ của mọi người và tạo nên thể chế dân chủ với nghĩa đầy đủ nhất. Dân chủ như thế, nhất là một khi dân chủ trở thành sức sống văn hóa, là chính văn hóa, cái gì có thể kìm hãm được nó? Bất giác tôi thấy ước mơ của Marx thật chí lý: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người.
Từ “thấy” đến “hiểu” đến “biết” là không ít chặng đường gian khổ đan xen nhau, cái nọ thúc đẩy cái kia. Song cứ nhìn vào những quốc gia có thể rút ngắn một cách kinh ngạc so với hàng chục hàng trăm quốc gia khác chặng đường mình phải đi.., vâng rút ngắn nhiều thế kỷ, nhiều thập kỷ chứ không ít.., tôi nghĩ văn minh nhân loại đủ cung cấp cho chúng ta các câu trả lời chúng ta phải đặt ra, chúng ta muốn hỏi. Cuối cùng chỉ phụ thuộc vào ý chí và trí tuệ của chúng ta mà thôi, để chắt lọc được câu trả lời phải có.
Tôi thực sự tin, dám tự nhìn nhận lại mình, dân tộc ta có thể xây dựng và thực hiện dân chủ như thế, xây dựng dân chủ trở thành văn hóa, bắt đầu từ sự trung thực với chính mình. Đấy chính là con đường chúng ta nên đồng lòng dốc sức khai phá cho sự phát triển của nước ta. Theo tôi, đấy chính là con đường mang lại cho cái thực thể Việt đích thực của chúng ta sức sống của văn hóa mới, bất diệt và mãnh liệt tâm hồn Việt.
Tây Hồ, ngày 04-11-2010
Theo Vanhoanghean.vn
Theo Vanhoanghean.vn