Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT TRIỀU NGUYỄN
Bất kể một loại hình sở hữu ruộng đất nào trong lịch sử, muốn tồn tại và phát triển đều cần phải có những thiết chế pháp lý cần thiết của nó. Loại hình ruộng đất tư hữu này cũng không nằm ngoài quy luật nói trên. Dưới sự cai trị của triều đình phong kiến nhà Nguyễn mở đầu là Gia Long, hàng loạt các thiết chế đã được ban hành nhằm quy định rõ những loại ruộng chủ yếu của loại hình sở hữu tư nhân này đồng thời đặt ra những nguyên tắc chung, những quy định trong công cuộc khai hoang ruộng đất.
Các loại ruộng đất tư hữu thời kỳ này bao gồm:
* Loại bản thôn điền thổ của các xã thôn: Loại ruộng này làng xã có quyền mua bán và toàn quyền quản lý sử dụng. Nhà nước coi là ruộng tư của xã thôn và do đó thu thuế loại ruộng này theo thuế lệ ruộng đất tư. Như vậy nó thuộc quyền sở hữu thực sự và dứt khoát của làng xã và nó tồn tại đến tận những năm 50 của thế kỷ XX. Sử dụng loại ruộng này bằng cách có thể được đem chia như công điền, hay được dùng như các loại ruộng tế lễ, hoặc đem phát canh thu tô nhẹ giống như các ruộng tư nhân, thậm chí đem bán đi.
* Các loại ruộng phe, giáp nếu được mua tậu từ ruộng tư , ruộng hậu, ruộng hương hoả, ruộng giỗ.
Ruộng hậu, ruộng hương hoả, ruộng giỗ là ruộng của tư nhân giao cho một đoàn thể theo những điều kiện nhất định đó đạt một mục đích nhất định .
Ruộng phe, ruộng giáp hay ruộng hậu ... là ruộng tư của các đoàn thể ấy, chỉ đoàn thể ấy mới có quyền sử dụng mà thôi.
Đây thực sự là một quan điểm rõ ràng, quan niệm quan phương, chính thống có tính chất pháp chế của Nhà nước phong kiến.
Ruộng phe, ruộng giáp hoặc do vua tậu hoặc do làng trích công điền mà cấp cho. Đó là hai bộ phận: một nằm trong công điền, một nằm trong ruộng tư.
Ruộng hậu: là loại ruộng của các tư nhân cúng cho giáp, cho họ hay cho làng sau khi chết mà không có người nối dõi, để mong làng cúng lễ hương khói cho.
Ruộng hương hoả hay ruộng giỗ cũng là loại ruộng tư được chuyển nhượng lại cho con cháu người sở hữu đã chết. Số ruộng này thường giao cho người con trưởng quản nhận để chi phí vào việc giỗ tết. Nó cũng có thể được đem bán.
Ruộng chùa hoặc ruộng tam bảo: có nguồn gốc từ tư điền, ra đời khi đã có các chùa. Nó phát triển nhất vào thời Lý - Trần thế kỷ X - XIV. Loại ruộng này thuộc quyền sở hữu của nhà chùa, nhà chùa có thể bán đi để chi tiêu vào việc trùng tu hay những việc khác của nhà chùa.
Nhìn chung, tất cả các loại ruộng kể trên đều nộp thuế cho Nhà nước theo thể lệ ruộng tư, về nguồn gốc vốn dĩ là ruộng tư .
Ruộng tư điền trong tay các cá nhân chịu thuế theo lệ ruộng đất tư và được xác nhận bằng giấy tờ sổ sách của làng hay các loại văn tự, văn khế.
Trong thế kỷ XIX ruộng đất tư hữu với tư cách là sản phẩm khách quan của lịch sử không thể bị xoá bỏ trước chính sách công điền. Trái lại nó vẫn có sức sống của nó, vẫn duy trì, thậm chí phát triển. Nhà Nguyễn vẫn phải mở một con đường hợp pháp cho ruộng đất tư hữu, hay nói đúng hơn cho địa chủ lớn - nhỏ được phát triển.
Bên cạnh việc ra những thiết chế quy định các loại ruộng thuộc sở hữu tư nhân, nhà Nguyễn còn đặt ra những nguyên tắc chung: Trong công cuộc khai hoang, một công việc hết sức khẩn thiết ở thế kỷ này, người bỏ công khai phá có thể được từ nửa tới toàn bộ diện tích đã khai phá nhận làm ruộng đất tư hữu. Năm 1831 quyết định: Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải sức cho toàn dân và binh lính, bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn cây trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn hoang, dù đất đó trước là công hay tư, ai xin lĩnh trưng trước thì được. Sau 3 năm tính từ ngày nộp đơn xin, các quan sở tại kiểm tra trực tình làm tờ trình lên trình tỉnh. 3 năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, ngô, đậu, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn nhận làm của riêng cho theo hạng ruộng đất tư bắt đầu thu thuế để tỏ là kích thích.
Quyết định này lần đầu tiên mở ra một con đường phát triển vô cùng rộng rãi và thuận lợi cho ruộng đất tư hữu . Đây thực sự là một quyền tự do.
Trên phương diện toàn quốc còn có một quyết định khác cho phép lập ruộng đất tư đối với một loại người đặc biệt tức các phạm nhân.
Những quyết định trên đây mà phạm vi hiệu lực của nó trải rộng trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi lớn cho sự phát triển sở hữu tư nhân về ruộng đất kể cả sở hữu địa chủ. Ngoài ra còn một số quyết định khác nữu có tác dụng đối với từng nơi cụ thể.
Ví dụ: Bắc Kỳ năm 1822 Nguyễn Công Trứ xin mộ dân cấp cho đồ làm ruộng khai hoang tại Nam Định ,“ sau ba năm thành ruộng chiếu lệ ruộng tư đánh thuế ”. Năm 1835, Minh Mệnh lại bằng lòng cho ông sai các mộ binh đi khai hoang ở xã Minh Huyền - Hải Dương “khi thành ruộng thì cấp cho làm ruộng thế nghiệp, theo lệ ruộng tư trưng thuế”.
Nam Kỳ, sở hữu tư nhân phát triển từ lâu một cách tự do. Đến năm 1837 triều Nguyễn mới áp dụng chế độ công điền công thổ. Sau 1837 lại có thêm một số quyết định cho phép lập ruộng đất tư ở một số nơi. Năm 1852 triều Nguyễn cho tất cả các tù phạm hết hạn đồ trở xuống khắp 6 tỉnh Nam Kỳ cho đi khai hoang, số khai khẩn được bao nhiêu cho làm thế nghiệp.
Kết hợp những quyêt định trên toàn quốc và các địa phương ta thấy rõ trên nguyên tắc quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất bao gồm cả sở hữu địa chủ lớn nhỏ và tư hữu nhỏ của nông dân, được hình thành và phát triển tương đối tự do và nhiều thuận lợi. Hiện tượng này mở đầu từ những năm 20 và 30 của thế kỷ XIX.
Từ năm 1802 đến 1827, ruộng tư và ruộng công đều được miễn thuế và đồng tiền theo một mức độ ngang nhau. Ruộng đất tư nói chung chỉ được nhìn nhận đúng mức trong trường hợp ưu đãi, trong khi ruộng công làng xã lại được nhìn nhận đúng mức và vượt mức , tuỳ theo hoặc trường hợp bình thường hoặc trường hợp ưu đãi.
Từ năm 1827 về sau ruộng đất tư được nhìn nhận quyền sở hữu rõ rệt và cao hơn ruộng đất công. Song mức độ nhìn nhận có chiều hướng giảm bớt đi. Thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu vì thế mang thêm một tính chất hai mặt nữa, Đó là tính chất vừa được nhìn nhận lại vừa không được nhìn nhận hay được nhìn nhận ở mức thấp hơn mức đáng được có.
Nhìn chung, người ta đã thấy thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu bao hàm trước hết là phía mở rộng phát triển và khẳng định. Sau đó là phía lưỡng phân hai mặt. Còn một phía nữa là phủ nhận:
Người dân dễ dàng có quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất nhưng đồng thời họ cũng dễ dàng mất hết quyền đó. Đây là đặc điểm của chế độ ruộng đất tư hữu nửa đầu thế kỷ XIX. Việc mất quyền sở hữu nói chung có hai dạng: tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời là những trường hợp người dân lưu tán đi xa. Vĩnh viễn là trường hợp người dân lưu tán khá lâu, ruộng được xung vào ruộng công vì không muốn ruộng đất nghỉ ngơi khi dân chúng liên tục chết đói. Nhưng chủ yếu là vì nhà Nguyễn còn nhiều thuế cho các khoản chi tiêu ngày càng bội lên vừa để tiến hàng các cuộc đàn áp và nuôi dưỡng bộ máy quan liêu, vừa để thỏa mãn những yêu cầu xa xỉ tồi tệ.
Triều đại Tây Sơn có tịch thu một số ruộng đất của bọn địa chủ để làm quan trại và ruộng ngụ lợi. Sang thế kỷ XIX, Gia Long khôi phục lại quyền sở hữu ruộng đất này trả về bọn ấy. Nhưng đến 1802, chủ ruộng không trở về nhận thì Nhà nước sung công, gộp vào ruộng công của xã thôn sở tại.
Chủ ruộng không lưu tán, vẫn ở liền với ruộng đất của họ nhưng vì lý do nào đó không tiếp tục cày cấy được nữa mà đành bỏ hoang thì Nhà nước sung công.
Nếu chủ ruộng ẩn lậu không chịu nộp thuế ruộng cho Nhà nước thì ruộng đất bị tịch thu. Đây cũng là một lệ chung cho tất cả các chủ ruộng trên toàn quốc.
Trường hợp tước đoạt quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất một cánh thẳng tay, không hợp hiến, xuất phát từ quyền uy tối cao của vua trong chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan. Việc này có những lý do cụ thể song nó đều nằm ở ngoài ở hai giới gạn về quyền tư hữu ruộng đất.
Tất cả những trường hợp mất quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất kể trên chứng tỏ rằng quyền tư hữu ruộng đất vẫn có thể bị Nhà nước tước đoạt trong một số điều kiện nhất định.
Như vậy quyền tư hữu ruộng đất được giới hạn ở hai điều kiện có tính tiêu chuẩn: quyền tự do mua bán và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Quyền tư hữu này trong một vài trường hợp cá biệt phải phục tùng quyền vô thượng của vua.
Thiết chế pháp lý, quyền tư hữu ruộng đất bao gồm hai mặt: được thừa nhận, mở rộng, xác lập, khẳng định, đồng thời còn bị coi nhẹ, xâm phạm và tước đoạt.
NGUỒN IENDANKIENTHUC.NET*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: