VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI
Kinh tế đối ngoại chủ yếu bao gồm các hoạt động ngoại thương (xuất – nhập khẩu), hợp tác quốc tế về đầu tư và lao động, du lịch quốc tế và các dịch vụ thu ngoại tệ khác.
Ngày nay, kinh tế đối ngoại có vai trò đặc biệt trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của nước ta phụ thuộc một phần vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế đối ngoại.
1. Từ sau năm 1988, hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta dần dần được đổi mới
a) Hoạt động xuất – nhập khẩu gần đây có nhiều biến động do hoàn cảnh mới của tình hình quốc tế.
Trước đây, thị trường chủ yếu là Liên Xô (cũ) và Đông Âu. Hiện nay, thị trường buôn bán ngày càng mở rộng theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Các bạn hàng lớn hiện nay là Xingapo, Nhật Bản, Hồng Công, Hàn Quốc…
Trong hoạt động xuất – nhập khẩu có những đổi mới về cơ chế quản lí. Đó là việc mở rộng quyền hoạt động kinh tế đối ngoại cho các ngành và các địa phương; xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung bao cấp và chuyển sang hạch toán kinh doanh; tăng cường sự quản lý thống nhất của Nhà nước bằng luật pháp. Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh.
b) Việc hợp tác và đầu tư nước ngoài vào nước ta mới thật sự bắt đầu từ năm 1988
Tính đến hết năm 1999 đã có hơn 2800 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn trên 37,1 tỉ USD. Đó là kết quả khả quan trong những năm đầu thực hiện luật đầu tư.
c) Việc hợp tác quốc tế về lao động góp phần giải quyết vấn đề về việc làm, về đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng chục vạn người lao động và tăng nguồn ngoại tệ cho Nhà nước. Hoạt động du lịch quốc tế và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác tuy có phát triển, nhưng phần lớn còn đang ở dạng tiềm năng.
2. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế đối ngoại vẫn còn có những tồn tại đáng kể
Trong một thời gian dài, giữa xuất và nhập khẩu có sự mất cân đối nghiêm trọng. Hàng nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất (80%), còn hàng xuất khẩu lại là các sản phẩm thô mới qua sơ chế (khoáng sản, nông – lâm - thuỷ sản). Các hoạt động khác còn bị hạn chế, hiệu quả chưa cao.
3. Trong điều kiện nền kinh tế mở, chiến lược kinh tế đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước
Về tiềm năng, nước ta có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đối ngoại. Một số loại khoáng sản, nhất là dầu khí, đang thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Các sản phẩm của nền nông nghiệp nhiệt đới, của ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản và của một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thể phát triển với quy mô lớn nhằm tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu. Tài nguyên thiên nhiên kết hợp với nguồn nhân lực, kinh tế, kỹ thuật ở trong và ngoài nước là những nguồn lực quan trọng để thực hiện chiến lược kinh tế đối ngoại.
Việc mở rộng xuất khẩu và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác trong thương mại sẽ trở thành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với vấn đề này, việc tạo nên các mặt hàng chủ lực và các thị trường trọng điểm có ý nghĩa hàng đầu.
Việc thực hiện có kết quả các chiến lược kinh tế đối ngoại còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, vào hệ thống luật pháp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lí hiện làm công việc này.
Sưu tầm