Có biện pháp nào để thay đổi thái độ học môn văn?
Thờ ơ với Văn
Những năm gần đây, nhiều người quan tâm đến công tác giáo dục không khỏi lo ngại trước một thực trạng, đó là tâm lý thờ ơ với việc học văn ở các trường phổ thông.
Bắt đầu từ các trường trung học phổ thông (THPT), khi đã học ban A, ban B thì việc học văn chỉ có tính chiếu lệ, đối phó để có mảnh bằng tốt nghiệp. ở cấp trung học cơ sở (THCS), do còn phải lo thi đầu vào THPT nên học sinh có quan tâm đến học văn, nhưng cũng chỉ ở mức sao cho cộng với điểm toán sẽ vào được THPT.
Chọn được một đội tuyển học sinh giỏi văn là điều vô cùng cực nhọc đối với các giáo viên bộ môn văn. Điều đáng buồn nhất cho các giáo viên dạy văn là nhiều học sinh có năng khiếu văn cũng không muốn tham gia đội tuyển văn. Các em còn phải dành thời gian học các môn khác. Phần lớn phụ huynh khi đã định hướng cho con mình sẽ thi khối A thì chỉ chủ yếu chú trọng ba môn: toán, lý, hóa. Điều đáng lo ngại hơn nữa, là có không ít phụ huynh đã chọn hướng cho con thi khối A từ khi học tiểu học. Một bậc học mà học sinh còn đang được rèn nói, viết, mới bắt đầu làm quen với những khái niệm về từ ngữ mà đã định hướng khối A thì thật là nguy hại.
Chúng ta đều biết, năng khiếu tiềm ẩn trong mỗi con người phải có một quá trình mới bộc lộ. Chính trong thời kì học phổ thông, phải qua kết quả thực tế của học sinh ở tất cả các môn học, giáo viên mới có điều kiện phát hiện năng khiếu của các em. Bản thân học sinh, phải từng bước mới có thể nhận ra khả năng của mình qua việc học các môn. Có khá nhiều học sinh có năng khiếu văn, nhưng phụ huynh lại áp đặt ý muốn chủ quan, bắt con mình phải theo khối A.
Khả năng trình bày
Qua thực tế công tác, tôi gặp không ít cán bộ nhà nước viết văn bản cũng không thành. Một văn bản do cán bộ soạn ra mà dùng từ sai, viết câu sai, lỗi chính tả vô kể thì đây quả thật đáng lo ngại. Không những thế tôi cũng được nghe không ít lời phàn nàn của các giảng viên đại học về khả năng trình bày văn bản của rất nhiều sinh viên, nhất là của sinh viên khối khoa học tự nhiên hiện nay như: hết sức lủng củng, sai chính tả, thiếu logic… qua các tiểu luận, bài tập lớn, hay đồ án, luận văn...
Điều này là hệ quả tất yếu khi các doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội hiện nay cũng gặp tình trạng có những kỹ sư, cử nhân làm việc chuyên môn tốt. Nhưng khi làm văn bản, báo cáo, lập đề án phải trình bày ý tưởng cá nhân thì lại“cho ra đời” những câu từ sai chính tả, diễn đạt ngô nghê, tối nghĩa, lủng củng ...Đây là một tình trạng đã trở nên phổ biến và thậm chí là đáng báo động trong xã hội ta.
Nhớ lại thời kì chúng tôi học phổ thông cách đây trên 30 năm, lúc đó không có phân ban, mỗi học sinh đều phải học một cách toàn diện. Những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, sinh học…. Cũng như ngữ pháp tiếng Việt cùng những tác phẩm tiêu biểu của văn học trong nước và thế giới, học sinh đều được trang bị như nhau cho đến hết bậc học phổ thông.
Khi học lên đến bậc đại học, mỗi người mới đi vào lĩnh vực chuyên sâu. Theo tôi, ở đâu mà học sinh đã học chuyên sâu thì ở đó không phải là bậc học phổ thông. Vậy trước khi đi vào các lĩnh vực chuyên sâu, học sinh phải được trang bị kiến thức phổ thông trong tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu của bậc học phổ thông là đào tạo con người toàn diện, nhưng tiếc thay chúng ta chưa làm được điều đó.
Thực tế các kì thi tuyển sinh đại học cho thấy, các bộ môn khoa học xã hội thường bị học sinh xem nhẹ, mặc dù kiến thức của các bộ môn này vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người. Muốn khôi phục sự quan tâm của xã hội đối với các bộ môn khoa học xã hội, không thể chỉ bằng biện pháp kêu gọi. Một mặt chúng ta phải tuyên truyền cho mọi người thấy tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội, mặt khác bằng những qui định của nhà nước để khẳng định vị trí quan trọng của những môn học đó. Cụ thể, việc quy định môn thi đại học cũng cần phải cân nhắc.
Tầm ảnh hưởng của môn Văn
Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại ảnh hưởng của môn văn (nay gọi là môn ngữ văn) đối với các môn học khác như thế nào?
Hiện nay, tôi thấy hầu hết các giáo viên dạy toán, lý, hóa đều phàn nàn về việc học sinh trình bày rất kém. Nhiều bài thi học sinh giải đúng nhưng đều mắc lỗi và bị trừ điểm trình bày. Phải chăng đây là lỗi của các thày, cô dạy ngữ văn? Tất nhiên trong đội ngũ các thày, cô dạy ngữ văn ở các nhà trường hiện nay vẫn còn có người chưa đủ tầm và thiếu tâm huyết. Số giáo viên như vậy không nhiều. Vấn đề học sinh thờ ơ với văn, đổ xô vào những môn học khác phần đông là do tâm lí thực dụng.
Vì sao lại xuất hiện tâm lí thực dụng, học văn chiếu lệ, dành thời gian chủ yếu cho những môn học khác?
Những năm gần đây, yêu cầu phải thi vào đại học đã và đang đè nặng lên học sinh và gia đình học sinh. Nhà trường thì có nhiều buổi thuyết trình, hướng nghiệp cho học sinh hãy chọn ngành nghề hợp với năng lực mình. Nhưng ra trường lại phải đối mặt với thực tế các cơ quan tuyển nhân viên đều yêu cầu phải đại học hoặc cao đẳng, mặc dù có nhiều việc trình độ trung cấp hoặc sơ cấp đều đảm đương được. Thế là bắt buộc học sinh vẫnphải cố gắng mà thi đại học...
Nhìn vào các môn thi tuyển của các trường đại học ta thấy, số trường có thi văn (khối C, khối D) quá ít so với số trường không thi văn (khối A, khối B). Chưa kể, thi đầu vào các khối C, D đã khó, lúc ra trường tìm việc làm lại khó hơn so với các trường thi khối A. Trong những kỳ thi đại học với sự giành giật quyết liệt như hiện nay, học sinh phải giảm thời lượng học văn để “ưu tiên” cho những môn khác là điều đương nhiên, vì sức chứa của bộ nhớ có hạn.
Thực tế cho thấy, các môn học đều quan trọng, vì kiến thức sâu rộng sẽ giúp cho người lao động làm việc có chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, hai môn văn và toán là hai môn học có tầm ảnh hưởng đến hầu hết các môn học khác.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập đến tầm quan trọng của môn văn trong nhà trường và trong cuộc sống. Một học sinh kém văn thì không thể trình bày bài toán, bài lí... một cách chặt chẽ được. Một cán bộ kém văn, nói sai từ, viết sai ngữ pháp thì không thể có sức thuyết phục đối với quần chúng.
Nhìn vào chương trình giảng dạy ở các nhà trường, ta thấy học sinh được học cả ngữ pháp và kết cấu văn bản, nhưng tiếc thay những học sinh thi khối B,A hầu như không quan tâm. Các giáo viên dạy văn yêu cầu học sinh đầu tư thời gian, học hành nghiêm túc bộ môn của mình. Còn bị phụ huynh, học sinh và các đồng nghiệp dạy khối thì lại A chê trách, vì làm như thế con em họ không tập trung cho môn thi đại học.
Cũng có thể, không phải mọi người không biết tầm quan trọng của môn văn, nhưng vì miếng cơm manh áo, phải tìm kiếm công ăn việc làm mà họ phải thờ ơ với văn chương từ khi còn nhỏ. Vấn đề điều chỉnh tâm lí xã hội phải bằng chính sách vĩ mô, chứ không thể hô hào.
Định hướng học tập
Những năm trước đây, chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm đã có tác dụng thu hút nhiều học sinh giỏi vào học các trường sư phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây do tìm việc làm sau khi ra trường của giáo sinh rất khó khăn, nên học sinh giỏi thường lại tìm đến các trường khác.
Biểu hiện cụ thể trong các kì thi tuyển sinh những năm gần đây là điểm tuyển vào các trường sư phạm không còn ở trong tốp cao nữa. Rõ ràng thực tế cuộc sống và chính sách của nhà nước có ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề chọn nghề và định hướng học tập của học sinh.
Mặt khác cũng cần phải quan niệm đúng, thế nào là phổ thông? Chúng ta đều biết, phổ thông là “có tính chất thông thường, hợp với số đông, không có gì đặc biệt, không phải chuyên môn” (từ điển Tiếng Việt). Chính vì vậy, ở bậc học phổ thông học sinh phải được học toàn diện. Nếu ta sớm phân ban đồng nghĩa với việc gợi ý học sinh học lệch. Thật đáng buồn, khi một người học xong chương trình phổ thông mà lại không nắm được những kiến thức phổ thông.
Một khía cạnh khác của tầm quan trọng của việc học văn không chỉ là trang bị kiến thức về tiếng Việt, mà chúng ta không thể phủ nhận được ý nghĩa nhân văn của khái niệm “văn học là nhân học ”.
Ảnh hưởng sâu sắc của môn học này đến hình thành văn hóa xã hội, truyền thống lịch sử, rộng hơn là đạo đức xã hội.
Rõ ràng xã hội ngày nay đó phát triển hơn, hiện đại hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Nhưng sự xuống cấp của văn hóa xã hội, văn hóa ứng xử, tư tưởng của giới trẻ hiện nay lan rộng, phải chăng cũng có nguồn gốc từ tư duy xem nhẹ việc học văn nói riêng và việc học các môn xã hội nói chung.
Vì vậy, tôi kiến nghị Nhà nước nên tổ chức thi đại học ba môn văn, toán và một môn theo chuyên ngành. Khối A cũng nên có A[SUB]1[/SUB] và A[SUB]2,[/SUB] ví dụ : Khối A[SUB]1[/SUB] thi văn, toán , lý; khối A[SUB]2[/SUB] thi văn, toán , hóa ... Đối với các trường thi khối C và khối B cũng nên tách thành 2 gồm C[SUB]1[/SUB], C[SUB]2[/SUB] và B[SUB]1[/SUB], B[SUB] 2 [/SUB]. ( C[SUB]1[/SUB] thi văn, toán, sử; C[SUB]2[/SUB] thi văn, toán, địa. B[SUB]1[/SUB] thi văn toán, sinh; B[SUB]2[/SUB] thi văn, toán , hóa).
Với phương án nàyvẫn đảm bảo được những kiến thức “phổ thông” cho những công dân sẽ làm chủ đất nước trong tương lai, đồng thời cũng vẫn đảm bảo chọn lựa được những học sinh đáp ứng được khả năng về học tập những chuyên môn chuyên sâu, chuyên ngành trong các trường đại học, những trường chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục của đất nước ta hiện nay.
Đành rằng chúng ta không cho hai môn văn và toán là hai môn quan trọng, còn các môn khác là không quan trọng, nhưng hai môn học này có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các môn học khác là điều khẳng định. Với tất cả những điều nêu trên, tôi rất mong các cơ quan hoạch định chính sách giáo dục quan tâm.
Lương Quang Thuấn