• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Vấn đề chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt

Hide Nguyễn

Du mục số
• Nguyễn Thiện Giáp


1. Từ vựng chuẩn và chuẩn hoá từ vựng

Như trên đã chứng minh[1], gần một thế kỉ qua, từ vựng tiếng Việt đã lớn mạnh phi thường cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhưng do đã được phát triển vào những thời kì khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, nên từ vựng tiếng Việt hiện nay không khỏi còn những chỗ chưa thống nhất. Điều đó gây cản trở cho sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học của chúng ta. Cho nên, chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt là một yêu cầu cấp bách hiện nay.

Nói đến chuẩn hoá từ vựng thì phải hiểu thế nào là chuẩn từ vựng. Theo chúng tôi, từ vựng chuẩn là những từ đã được trau chuốt, gọt giũa, đã được sàng lọc để phục vụ hữu hiệu nhất cho yêu cầu giao tiếp văn hoá của toàn dân tộc. Như vậy, chuẩn từ vựng được hình thành dần dần trong quá trình sử dụng. Chuẩn từ vựng không đứng yên tại chỗ mà cũng vận động phát triển theo thời gian. Chuẩn hoá từ vựng thuộc phạm trù quy phạm hoá (cordination) ngôn ngữ. Quy phạm hoá ngôn ngữ là kết quả nhận thức khoa học về những quy luật thể hiện chuẩn ở một giai đoạn nhất định của sự phát triển ngôn ngữ, là sự tập hợp những quy luật về cách dùng từ và các hình thái trong mọi phong cách của ngôn ngữ văn hoá.

Nội dung của chuẩn hoá từ vựng bao gồm cả ba mặt:

Mặt ý nghĩa của từ ngữ
Mặt ngữ âm của từ ngữ
Mặt chữ viết của từ ngữ

Về mặt ngữ nghĩa, một đơn vị từ vựng hợp chuẩn là đơn vị có khả năng diễn đạt chính xác nhất nội dung cần diễn đạt, tự thân nó lại ngắn gọn, không gây hiểu lầm. Trước đây, có người đã dùng từ "mẹo" để diễn đạt khái niệm "ngữ pháp". Mặc dù từ "mẹo" ngắn gọn, lại rất Việt Nam nhưng không chính xác, dễ gây hiểu lầm nên không thể coi là từ hợp chuẩn. Khi dùng từ này, người ta dễ liên tưởng đến nghĩa gốc của nó là "cách khôn ngoan, thông minh được nghĩ ra trong một hoàn cảnh nhất định để giải quyết việc khó", trong khi ngữ pháp lại là quy luật khách quan, không phải con người tự nghĩ ra. Mặt khác, khi cần diễn đạt khái niệm "ý nghĩa ngữ pháp" thì nếu nói "ý nghĩa mẹo" thì thật khó mà hiểu được. Để diễn đạt khái niệm "performative" nếu dùng thuật ngữ "ngữ vi" cũng dễ nhầm là phạm vi ngôn ngữ. Theo chúng tôi, thuật ngữ "ngôn hành" là thích hợp hơn.

Về mặt ngữ âm, hệ thống ngữ âm của tiếng Việt được hình thành dần dần trên cơ sở phương ngữ Bắc Bộ với sự bổ sung thêm một số yếu tố của các phương ngữ khác. Vì thế, đứng trước những biến thể địa phương, cần lựa chọn biến thể nào phù hợp với hệ thống ngữ âm chuẩn của tiếng Việt. Chẳng hạn, giữa các biến thể dô và vô, nhâng dâng và nhân dân, dĩa và đĩa, gáo và gạo,... thì vô, nhân dân, đĩa, gạo,... là chuẩn. Khi các địa phương dùng các từ khác nhau để chỉ cùng một sự vật, hiện tượng thì từ của phương ngữ Bắc Bộ được coi là chuẩn. Chẳng hạn, giữa các từ mô và đâu, nỏ và không, chộ và thấy,... thì các từ đâu, không, thấy là chuẩn. Cần lưu ý là các tiêu chuẩn của cái gọi là chuẩn chỉ tồn tại ở giá trị xã hội của nó chứ không động chạm đến bản thân hệ thống cấu trúc của nó. Vì thế, những hình thức ngôn ngữ khác với chuẩn không phải là những hình thức "dưới chuẩn" hoặc "không chuẩn". Trong những hoàn cảnh giao tiếp nhất định vẫn có thể dùng nó. Thực tế, chuẩn ngữ âm hình thành dần dần, không thể đòi hỏi các địa phương trong cả nước phát âm các từ thống nhất n_ được. Tuy nhiên, không thể coi nhẹ vấn đề chính âm. Vai trò của nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng là vô cùng quan trọng trong vấn đề này.

Về mặt chữ viết, chữ quốc ngữ là cơ sở tốt để thống nhất chính tả giữa các vùng. Ngôn ngữ trước hết là để nói, nhưng trong thực thế giao lưu văn hoá và xã hội ngày nay, chữ viết có một tác dụng quyết định đối với cuộc sống. Vì thế, chuẩn chính tả là cơ sở để bảo đảm và củng cố tính thống nhất của ngôn ngữ. Người miền Nam có thể nói coong cháo, nhâng dâng, dô,... nhưng khi viết thì phải viết con cháu, nhân dân, vô,... Người miền Bắc có thể phát âm lẫn lộn châu với trâu, lồi với nồi, xung với sung,... nhưng khi viết thì phải viết con trâu, châu báu, xung đột, bổ sung, lồi lõm, cái nồi,...

Trong việc chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt, cần lưu ý ba mảng khác nhau: các từ thông thường, các tên riêng, và các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật.


2. Chuẩn hoá các từ ngữ thông thường


Đối với các từ ngữ thông thường, nổi lên là vấn đề cách viết và các đọc. Trường hợp có nhiều biến thể ngữ âm khác nhau, cách viết và cách đọc nên theo những quy định của Hội đồng Chuẩn hoá chính tả và Hội đồng Chuẩn hoá thuật ngữ năm 1983, như sau:

a. Khi thói quen đã làm cho mặt ngữ âm của từ biến đổi và ít nhiều có khác với từ nguyên (gốc Việt hoặc gốc Hán), thì cần phải căn cứ vào thói quen mà xác định chuẩn chính tả, bởi vì thói quen của đại đa số trong nhân dân là một tiêu chí có ý nghĩa quyết định. Ví dụ:

- chỏng gọng (so sánh với chổng gọng)
- đại bàng (so sánh với đại bằng)
b. Khi thói quen chưa làm rõ một hình thức ngữ âm nào có tính chất ổn định thì nên dựa theo tiêu chí về từ nguyên để xác định chuẩn hoá chính tả, tiêu chí này có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hoá, đáng được coi trọng. Ví dụ:

- trí mạng (so sánh với chí mạng)
Tuy nhiên, cần tránh truy từ nguyên một cách tuỳ tiện.

c. Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất thì có thể chấp nhận cả hai hình thức ấy. Ví dụ:

- eo sèo – eo xèo
- sứ mạng – sứ mệnh...
Hội đồng lưu ý rằng, trong các trường hợp trên, khi chuẩn chính tả đã được xác định, thì cần nghiêm túc tuân theo, đặc biệt ở sách giáo dục.

Khi đọc, giáo viên và học sinh cần cố gắng dựa vào chuẩn chính tả mà phát âm. Trong ngôn ngữ nói thì chưa yêu cầu cao về phát âm chuẩn bởi vì chuẩn hoá và thống nhất phát âm là một công việc phức tạp và lâu dài.

Trường hợp phát âm thống nhất nhưng chữ viết khác nhau, nên theo quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục năm 1980 như sau:

Các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy (như: duy, tuy, quy...), ví dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị... Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, ví dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, ầm ĩ, im, yêu...
(Đọc thêm: Quan điểm của ngonngu.net đối với một số vấn đề về chính tả)

Đối với các từ ngữ thông thường, chuẩn hoá về mặt ngữ nghĩa được đặt ra đối với những sáng tạo mới (từ mới, nghĩa mới, cách dùng mới) chỉ được coi là hợp chuẩn khi nó bắt nguồn từ cơ cấu nội tại, từ xu hướng phát triển của bản thân tiếng Việt. Chúng ta có thể nói các phương tiện thông tin đại chúng thì cũng có thể nói các phương tiện giao thông đại chúng; máy đẻ, có thể coi là hợp chuẩn vì mô hình cấu tạo chúng đã có trong tiếng Việt: máy khoan, máy giặt...


3. Chuẩn hoá các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật

Các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật phải được coi là một bộ phận có tính chất riêng trong từ vựng tiếng Việt nói chung, bởi vì những khái niệm khoa học không phải là của riêng của người Việt mà là tải sản chung của các dân tộc nói các tiếng khác nhau. Xác định chuẩn mực cho bộ phận từ vựng này phải tính cả đến mối tương quan với dân tộc và quốc tế.

Tiêu chí nổi lên hàng đầu là phải đảm bảo tính chính xác của khái niệm. Nếu các thuật ngữ tự đặt ra trên cơ sở các yếu tố có sẵn của tiếng Việt không bảo đảm tính chính xác thì thà tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài còn hơn. Nếu các thuật ngữ tự đặt ra đảm bảo tính chính xác thì tất nhiên không cần tiếp nhận các thuật ngữ nước ngoài. Nếu tính chính xác của khái niệm được đảm bảo thì mặc nhiên thuật ngữ có được tính hệ thống và tính quốc tế về nội dung. Không nên câu nệ vào tính hệ thống và tính quốc tế về hình thức mà phương hại đến tính chính xác của thuật ngữ. Muốn thuật ngữ có tính chính xác, thì thuật ngữ nên có một nghĩa, tránh hiện tượng đồng nghĩa, đồng âm có thể gây lẫn lộn, hiểu lầm. Do vậy, theo chúng tôi, trong ngôn ngữ học, các thuật ngữ "nghĩa sở chỉ" (referentive meaning), "nghĩa sở biểu" (significative meaning), "động từ ngôn hành (performative verb), "tiền đề" (presuposition), "hành động tại lời" (locutationary act), "hành động ngoài lời" (illocutationary act), "hành động sau lời" (perlocutationary act),... thích hợp hơn các thuật ngữ: nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, động từ ngữ vi, tiền giả định, hành động tạo lời, hành động ở lời, hành động mượn lời (hành động xuyên ngôn)...

Theo giáo sư Lê Khả Kế, những thuật ngữ tự tạo sau đây chẳng những dễ hiểu mà cũng chính xác và có hệ thống:

(sâu bọ) cánh cứng coléoplère
(sâu bọ) cánh da dermaplere
(sâu bọ) cánh màng hymenoplère
(sâu bọ) cánh thẳng orthoplère
(sâu bọ) cánh úp plécoplère
(sâu bọ) hai cánh diplère
đơn thức monôme
nhị thức bimôme
tam thức triôme
đa thức polyôme

Để thẩm định tính chính xác của thuật ngữ, cần nắm vững nội dung khái niệm mà thuật ngữ diễn đạt. Chỉ riêng các nhà ngôn ngữ học thì sẽ không làm nổi việc này mà cần có sự phối hợp giữa các nhà ngôn ngữ học với các nhà khoa học thuộc các ngành khác. Công việc cấp bách hiện nay là biên soạn các cuốn từ điển khái niệm chuyên ngành. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có điều kiện để chọn lựa hợp lí những thuật ngữ đang được sử dụng trên sách báo hiện nay.

Đối với những thuật ngữ tiếp nhận từ tiếng Hán, điều cần lưu ý là: Mặc dù chúng ta tiếp nhận các thuật ngữ khoa học từ tiếng Hán hiện đại nhưng chúng ta vẫn đọc theo âm Hán Việt và viết theo cách viết của chữ quốc ngữ. Vì thế, với người không biết chữ Hán, từ ngữ tự cấu tạo (trên cơ sở các yếu tố Hán Việt) và từ ngữ tiếp nhận của tiếng Hán không khác gì nhau bao nhiêu. Có lẽ trong một số trường hợp, trật tự các yếu tố trong thuật ngữ mới tiếp nhận không thuận với tư duy Việt Nam. Ví dụ: dân ý, dân chủ tập trung, hạ tầng cơ sở, thượng tầng kiến trúc... Trong trường hợp này, có thể đảo lại là: ý dân, tập trung dân chủ, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng...

Đối với các thuật ngữ tiếp nhận từ các ngôn ngữ Ấn-Âu, chủ yếu là từ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức thì vấn đề nổi lên là chính tả và phát âm. Gần một thế kỉ qua, có hai xu hướng luôn luôn tranh chấp nhau:

Một là, xu hướng phiên theo âm là chính
Hai là, xu hướng phiên theo chữ là chính

Xu hướng đầu xem ngôn ngữ như một hệ thống thuần nhất, chỉ chấp nhận vần và con chữ tiếng Việt và cách viết rời từng âm tiết. Thuật ngữ phương Tây, khi vào tiếng Việt thì phải tuân theo cách viết và cách đọc của tiếng Việt. Những người ủng hộ xu hướng này cho rằng làm như vậy mới đảm bảo tính dân tộc và tính đại chúng của thuật ngữ.

Xu hướng thứ hai xem ngôn ngữ là một hệ thống của hệ thống, chuẩn hoá thuật ngữ phải tính tới tương lai, tới giao lưu quốc tế. Vì thế, trong khi duy trì những thói quen phát âm, ghép vần đã được quy định trong hệ thống chữ quốc ngữ, vẫn có thể dùng một số ít vần không hợp với cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và một số chữ cái vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt hiện nay.

Trên đây là nhận xét về mặt lí luận. Trong thực tế, còn có rất nhiều giải pháp nửa vời nữa. Cho nên, bức tranh về thuật ngữ ngoại nhập ở Việt Nam rất đa dạng. Cùng một thuật ngữ gốc, nhưng có nhiều dạng tồn tại khác nhau ở Việt Nam. Ví dụ:

an-đe-hít, anđêhit, an dê hit, aldehyd
gơ-lu-cô-dơ, glu-cô, glucô, glu-cô-da, glucos
pơ-rô-tít, prôtit, protit, protid
...
Trong sự chuẩn hoá thuật ngữ khoa học gốc Ấn-Âu, cần tính tới sự phát triển của ngôn ngữ khoa học trong tương lai, tính tới sự phá triển của khoa học, kĩ thuật cũng như sự phá triển của nền giáo dục các cấp sẽ tạo nên những triển vọng mới về năng lực ngôn ngữ của nhân dân. Trên cơ sở những ý kiến tiếp nhận qua các cuộc hội thảo khoa học trong các năm 1979, 1980 tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Chuẩn hoá Chính tả và Hội đồng Chuẩn hoá Thuật ngữ năm 1983 cho rằng: “đối với những thuật ngữ vốn ở nước ngoài mà được dùng trong tiếng Việt thì sự quy định chính tả nên dựa trên hình thức phổ biến của những thuật ngữ ấy trên chữ viết. Trong ngôn ngữ khoa học, mà chủ yếu là ngôn ngữ viết, cần nhớ kĩ mặt chữ thuật ngữ và cần khai thác giá trị thông tin của nó. Đối với những thuật ngữ này, chính tả là chính. Về ngữ âm thì dần dần hướng dẫn để tiến tới có được cách phát âm thống nhất trong cả nước. Cụ thể, Hội đồng chấp nhận:

Các phụ âm đầu và tổ hợp phụ âm đầu vốn không có trong tiếng Việt, như: bl, br, cr, p, z, str, w
Các phụ âm cuối vốn không có trong tiếng Việt, như: d, d, f, g, j, l, r, s, v, w, z
Đối với những thuật ngữ đã được dùng phổ biến trong tiếng nước ngoài thì có thể dùng một hình thức đã thành thói quen trên phạm vi quốc tế. Hình thức ấy có thể được điều chỉnh, như có thể rút gọn, ví dụ: gram, lít, mét. Đó là những điều chỉnh có thể chấp nhận được, vì những thuận tiện nhất định và do những thói quen nhất định đã hình thành trong thực tiễn.

Trong sự điều chỉnh ấy, nên tránh lấy yêu cầu đồng hoá theo ngữ âm (và theo chữ viết) tiếng Việt làm tiêu chí chủ đạo. Đồng thời, yêu cầu chú ý đến mối quan hệ giữa các thuật ngữ trong toàn bộ hệ thống”(1).


4. Chuẩn hoá các tên riêng (phần đầu)

Tên riêng là gì? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng không phải không có vấn đề. Trong các sách ngữ pháp phổ thông, người ta đã phân biệt danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung là danh từ dùng để gọi những sự vật thuộc cùng một loại, danh từ riêng là những danh từ dùng để làm tên riêng để gọi tên từng sự vật, đối tượng riêng lẻ. Những tên người như: Hồ Xuân Hương, Ngô Văn Sở,... Những tên đất như: Nghệ An, Thanh Hoá,... Những tên sông như: Hồng Hà, Cửu Long,... Những tên công trình như: cầu Long Biên, chùa Một Cột, Truyện Kiều,... Những tên gọi các sự kiện lịch sử như: Hội nghị Paris, Cách mạng Tháng Tám,... Đó đúng là những tên gọi của những cá nhân hoặc cá thể. Nhưng tên gọi của các dân tộc như Việt Nam, Lào, Ê-đê, Tày, Nùng,... lại chỉ một loại người, chứ không phải chỉ từng cá nhân mà vẫn lại được gọi là tên riêng. Trong thiên hà của chúng ta, chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, nhưng mặt trời, mặt trăng lại không được coi là tên riêng. Đến tên các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, như: Bộ Ngoại giao, Vụ Tổ chức Cán bộ, Chính phủ, Quốc hội,... thì ranh giới giữa cái chung và cái riêng là ở đâu? Có lẽ tên riêng nên được coi là những từ, ngữ dùng để gọi tên những thực thể vật chất và tinh thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá–xã hội, tồn tại với tư cách là những cá thể trong tư duy của từng dân tộc. Đối với người Việt, đó là:

Những tên chỉ người, tên cá nhân, dân tộc,... Ví dụ: Nguyễn Trãi, Việt Nam,...
Những tên chỉ nơi chốn, núi, sông, hồ, tỉnh,... Ví dụ: (núi) Tản Viên, (sông) Hồng, (tỉnh) Nghệ An,...
Những từ ngữ chỉ công trình xây dựng và công trình văn hoá. Ví dụ: (chùa) Dâu, (cầu) Long Biên, Truyện Kiều,...
Những từ ngữ chỉ các cơ quan, tổ chức xã hội,... Ví dụ: Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo,...
Những từ ngữ chỉ từng thời kì, từng sự kiện lịch sử,... Ví dụ: (thời kì) Lí–Trần, Cách mạng Tháng Tám, Hội nghị Paris, Nghị quyết 8 BCHTWĐ,...
Cần phân biệt tên riêng tiếng Việt và tên riêng không phải tiếng Việt.

Đối với tên riêng tiếng Việt, vấn đề đặt ra là phải xác định các thành tố của tên riêng và cách viết hoa tên riêng như thế nào cho hợp lí.

Trước hết, phải nói về tên người, tên người Việt ở dạng đầy đủ gồm ba thành tố:

Tên họ Tên đệm
(không bắt buộc) Tên cá nhân
Nguyễn Trãi
Lê Văn Chiến
Trần Thị Mai

Yếu tố Thị được dùng để phân biệt giới tính, hễ là nữ thì có thể dùng Thị. Hiện nay có xu hướng bớt dùng từ Thị phân biệt giới tính. Phần đệm có xu hướng hoặc gắn với phần tên cá nhân để tạo thành tên ghép của cá nhân, như: Nguyễn Mĩ Hạnh, Nguyễn Thu Thuỷ hoặc gắn với tên họ để tạo thành họ ghép, ví dụ: một người bố họ Phan, mẹ họ Trần thì có thể sẽ đặt tên con là Phan Trần Mĩ. Một họ phát triển thành nhiều chi, mỗi chi có thể lấy một từ khác nhau để phân biệt, ví dụ:

Nguyễn Văn Hạnh
Nguyễn Khắc Phục
Nguyễn Duy Thư
Nguyễn Hữu Vị
Có họ lại dùng tên đệm để phân biệt các hệ khác nhau, ví dụ:

Tôn Quang Phiệt
Tôn Gia Ngân
Tôn Tích Hải Đăng
Tôn Đức Hải Phong
Khi đặt tên, người ta thường gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm, ước vọng của mình vào đó, nhưng dù là tên đơn hay tên ghép, dù là họ đơn hay họ ghép, thì xét về bản chất cũng chỉ là dấu hiệu để phân biệt cá thể này với cá thể khác mà thôi. Vì vậy, cần viết hoa tất cả các âm tiết và không có gạch nối. Điều này đã được Hội đồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ quy định từ năm 1983, nên tuyên truyền rộng rãi để thực hiện thống nhất.

Về tên gọi chỉ nơi chốn (các địa danh), quan niệm về các thành tố của nó chưa hẳn đã thống nhất, nên cách viết hoa cũng không thống nhất. Chẳng hạn:

hồ Gươm hay Hồ Gươm
sông Hương hay Sông Hương
hồ Tây hay Hồ Tây
Tỉnh Hà Tây hay tỉnh Hà Tây
Chúng tôi nhận thấy, các từ Hồ trong Hồ Gươm, Hồ Tây; Sông trong Sông Hương; Tỉnh trong Tỉnh Hà Tây đều là danh từ chung, không phải là thành tố của tên riêng. Hiển nhiên, các danh từ chung có thể được dùng để cấu tạo tên riêng, nhưng khi đó nó không còn mang ý nghĩa ban đầu nữa. Ví dụ: núi Trường Sơn (sơn cũng là núi), sông Hồng Hà (hà cũng là sông), thị trấn Chợ Đồn, đảo Hòn Bóng, núi Hòn Rau, núi Hòn Đấu. Đã là tên riêng thì phải kết hợp được với một danh từ chung chỉ loại của nó ở trước. Ta không thể nói hồ Hồ Tây, hồ Hồ Gươm, hồ Hồ Than Thở,... nên chỉ Tây, Gươm, Than Thở mới là tên riêng.

Khi đã xác định rõ thành tố của tên riêng rồi thì tất cả các âm tiết trong tên riêng chỉ nơi chốn đều viết hoa như quy định của Hội đồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ.

Tên riêng chỉ các tổ chức xã hội cũng chưa được quan niệm thống nhất về các thành tố và cách viết của chúng. Hội dồng Chuẩn hoá Chính tả và Thuật ngữ năm 1983 quy định: Tên tổ chức, cơ quan chỉ viết hoa âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên. Ví dụ:

Trường đại học bách khoa Hà Nội
Trong thực tế, chúng ta còn gặp những dạng như:

Trường Đại học bách khoa Hà Nội
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
trường Đại học bách khoa Hà Nội
trường Đại học Bách khoa Hà Nội
...
Đối tượng biểu thị của nhân danh và địa danh là những cá nhân, cá thể riêng biệt, còn đối tượng biểu thị của những tên gọi cơ quan, tổ chức xã hội tuy cũng là những thực thể nhưng chỉ tồn tại với tư cách là những cá thể trong tư duy, cho nên những ý niệm được dùng trong tên chỉ cơ quan, tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc nhận diện, phân biệt cá thể này với cá thể khác. Trong khi các ý niệm được dùng trong nhân danh, địa danh chỉ bổ sung thêm sắc thái biểu cảm, hoặc văn hoá chứ không thể căn cứ vào đó để nhận diện đối tượng. Một người xấu xí vẫn có thể đặt tên là Mĩ, một người tham lam, ích kỉ vẫn có thể đặt tên là Thảo. Ý nghĩa của các từ ngữ trong tên riêng chỉ cơ quan, tổ chức xã hội về cơ bản vấn giống ý nghĩa của chúng trong khi sử dụng tự do. Các từ ngữ chỉ gắn kết với nhau để tạo thành một tên gọi cố định mà thôi. Do đó, yếu tố đầu tiên trong tên gọi chỉ cơ quan, tổ chức xã hội là những yếu tố chỉ loại đơn vị, như: bộ, cục, vụ, viện, đảng, đoàn, hội, uỷ ban, mặt trận, ban, trường,... Những yếu tố khác có giá trị hạn chế về mặt tính chất, chức năng, nhiệm vụ, địa điểm,... Tất cả các yếu tố ấy đều có giá trị như nhau trong việc phân biệt và nhận diện đối tượng nên mỗi chữ cái đầu của mỗi từ ngữ thể hiện những ý niệm ấy đều nên viết hoa.

Như thế, dạng đầy đủ của tên gọi phải là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong ngữ cảnh nhất định, có thể tỉnh lược thành Trường Đại học Bách khoa, Trường Bách khoa, Bách khoa.

Tên các thời kì lịch sử, các sự kiện lịch sử, các danh hiệu tôn vinh cũng nên viết hoa theo cách đó. Ví dụ:

Anh hùng Lao động
Hiệp định Geneva
Hội nghị Paris
Huân chương Độc lập
(thời) Lí–Trần, (thời) Bắc thuộc
Nhà giáo Nhân dân
Nhà giáo Ưu tú
Trận Điện Biên Phủ
...
Tên gọi các chức vụ như chủ tịch, thủ tướng, bộ trưởng, viện trưởng v.v... không phải là tên riêng nên không cần phải viết hoa. Trong thực tế, để biểu thị ý kính trọng, người ta có thể viết hoa âm tiết đầu của tên gọi chức vụ nhưng không nên đưa ra những quy định bắt buộc về điều này.


____________

Theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 318–320
 
nói thì có vẻ dễ lắm ! nhưng để chuẩn hóa thì rất khó ! chắc mọi người cũng từng biết 9x b h sử dụng ngôn ngữ thế nào chứ ! không công thức không chuẩn hóa !
 
Lâu rồi BGD không ra quy định mới về cải cách chính tả. Thiết nghĩ, trong thời đại internet và giao thoa văn hóa ngày nay cần phải cải cách chính tả nhiều hơn trước đây để phù hợp với xu hướng của thời đại. Còn nhớ trước đây trường dạy học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 gọi là trường THCS, sau đó đổi lại thành trường cấp 2, rồi lại đổi lại thành trường THCS.
 
từ năm 1966 chúng ta đã có Ủy ban Điển chế văn tự, Ủy ban Quốc gia soạn thảo và dịch thuật danh từ chuyên môn. lúc này tại HN thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì một hội nghị về Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
và ngay sau ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất không lâu,năm 1979 các nhà khoa học tâm huyết đã đề nghị nhiều cải biến để chuẩn hóa tiếng Việt, vậy mà đã hơn 30 năm trôi qua đến nay vẫn còn nhiều tồn tại đáng trách.
ngần đây do nhu cầu xã hội về báo trí có phần phát triển đại bộ phận các tòa soạn đều có những tiêu chuẩn riêng, vậy tập hợp tất cả các quy định riễn đó lại ta có thể có một : quy định chung cho toàn xã hội ở một mứ độ có thể làm thỏa mãn phần nào nhu cầu chung VD:
Nên thống nhất các quy định về cách viết:
- Chữ hoa và thường: chữ Nôm (hay nôm), chữ Quốc (hay quốc) ngữ, trường đại (hay Đại) học, đông tây nam bắc (hay Đông Tây Nam Bắc),
- Tên riêng (đất và người) Việt Nam và nước ngoài...
- Ngày tháng: 05-09-2006 (lúc nào được viết 06), 5-9-2006, 5/9/2006, 5.9.2006, ngày 05 (hay 5) tháng 9 năm 2006,
- Dấu chấm câu đứng ở đâu? Liền ngay sau chữ cuối cùng của đoạn câu, hay có dấu cách sau chữ ấy (trong các sách giáo khoa (của Nhà xuất bản Giáo Dục) có sự phân biệt: dấu chấm, dấu phẩy thì đi liền ngay sau chữ cuối cùng, nhưng dấu chấm hỏi và hai chấm lại phải cách một khoảng cách),
- Số Ả Rập hay La Mã: đại hội IX hay đại hội lần thứ 9,
- Khi nào viết số khi nào viết chữ,
bởi trong xã hội ngày nay thì con đường chuẩn hóa tiếng Việt không phải là trách nhiệm của các nhà làm SGK mà của toàn xã hội ,đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng, như ta thấy kinh nghiệm của hai khu vực nói tiếng Anh và tiếng Pháp . họ cũng bắt đầu từ việc quy chuẩn một cách rõ ràng nghiêm ngặt, thống nhất cách viết cho toàn hệ thống và thậm chí như Pháp đích thân Thủ tướng phải có trách nhiệm về việc này.

câu chuyện chuẩn hóa tiếng việt còn rát dài hơi đặt ra cho thế hệ trẻ chúng ta ngày nay, và thậm chí để thực hiện được là không hề đơn giản . Tỉ dụ ngay như trên cb của diễn đàn chúng ta cứ nhì vào mà đọc thì .....chỉ u huyền đi mà thôi. mắc dù vẫn biết rằng đó chỉ là văn hóa cb xong viếc dùng một cái gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần và có hệ thống thì vô hình chung đó lại chính là văn hóa mất rồi. vì như chúng ta đã biết ngoài tư duy thì thực hành chính là hai con đường của sự hình thành văn hóa , PHÚC mời các bạn cùng thảo luận nha vì đây là vấn đề của ....chúng ta.
 
nói thì có vẻ dễ lắm ! nhưng để chuẩn hóa thì rất khó ! chắc mọi người cũng từng biết 9x b h sử dụng ngôn ngữ thế nào chứ ! không công thức không chuẩn hóa !

Theo tôi, cần nghiên cứu giải pháp chữ viết không dấu cho phùhợp CNTT,dây là vấndề cấpbách.

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top