PHÚC KEYNES
New member
- Xu
- 0
VAI TRÒ CỦA TRIẾT TÂY PHƯƠNG TRONG TỔNG HỢP TƯƠNG LAI
KIM ĐỊNH
Triết Tây trở thành cần thiết trong giai đoạn mới thì đó không thành vấn đề, vì không những đã được công nhận mà còn được hiện thực trong chương trình giáo dục. Bàn tới triết Tây ở đây không phải có ý đặt lại vấn đề, nhưng là nhằm suy tư về sự kiện đó hầu cho việc nhận thức trở thành minh nhiên, vì đó là nhiệm vụ của triết. Triết cần suy tư trên những tác động, những sự việc của đời sống đặng soi dọi vào đó những tia sáng hầu giúp cho việc làm giữ được thế quân bình và càng ngày càng gia thêm độ ý thức: tiến hóa của con người nằm ở chỗ đó. Sau đây là mấy lý do biện hộ cho sự cần thiết của triết Tây.
Lý do thứ nhất là chúng ta đang bước vào một nền văn minh mới mà Hegel kêu là “Civilisation parlante” [“văn minh nói”], có ý chọi với chữ “Cinéma parlant”, tiếp sau “Cinéma câm”, phần nào giống nền văn minh xưa, tuy không câm nín, nhưng ít nói, và tuy ít cũng đã đủ, vì con người xưa sống trong cảnh thư thái có đủ thì giờ, đủ yên tĩnh để suy nghĩ, không cần nói dài.
Cảnh an nhàn xưa không còn nữa và con người thời đại đang bị xô vào cảnh mải miết tranh sống, ai cũng bắt buộc phải vội vàng, thế mà một trật có đến trăm ngàn lời nói oang oang bao phủ. Cho nên một vài cử chỉ nhẹ nhàng thanh tao kèm với dăm ba câu thâm thuý vắn tắt không còn thấm thía vào đâu nữa. Muốn ảnh hưởng đến con người thời đại thì phải nói nhiều, nói oang oang, nói toạc móng chân móng tay. Có vậy mới may ra còn dính lại chút ít. Vì thế chúng ta cần lý giải suy diễn để chứng minh đạo lý. Thiếu điều đó thì đối với người thời nay, họ là không biết. Vương Thuỳ Sơn nói “Biết thực mà không biết danh hay biết danh mà không biết thực, cũng đều là không biết cả “tri thực nhi bất tri danh, tri danh nhi bất tri thực, giai bất tri dã”. Vì thế muốn có triết lý, muốn khai sinh một nền tư tưởng, tất phải dùng lời nói biện chứng [langage conceptuel] để trình bày. Những điều chỉ cảm thấy hoặc cả sống nữa mà không nói lên được cách hệ thống thì người nay cho là chưa có chưa nắm được mà chỉ là cái gì mập mờ thấp thoáng thôi, như đàn cá dưới nước có đó mà không nắm được trong tay: cần phải có lưới có chài mới lôi lên bờ bỏ vào thùng, lúc ấy mới kể là có. Lưới chài là những công thức, những ngữ thuật. Biết bao điều chúng ta cảm thấy lờ mờ như thế cách mặc nhiên nghĩa là không nói lên được. Nay nếu có một người tìm được những ngữ thuật ám hợp, những ý tưởng minh nhiên để nói lên thành lời, sắp đặt thành thứ lớp, thì đấy là ngư phủ có trang bị máy móc lưới chài để vãi vào tiềm thức con người thời đại đặng kéo lên những ý nghĩ được gói ghém trong những hộp làm bằng lời biện luận, người đó sẽ được coi như vị khai sáng ra nền triết lý mới vậy.
Đấy là ước lệ của nền văn minh hiện đại mà chúng ta nên chào đón như một tiến bộ cần thiết cho giai đoạn liên lục địa. Một ý nghĩ dù tế vi đến đâu nếu nói lên được cách khúc chiết mạch lạc, liền có thể bay vòng quanh thế giới. Do đó chúng ta rất cần vun tưới tài năng lý giải. Triết Tây sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc này vì nó vốn là một nền triết học lý niệm, nên đã bàn đến đâu là nói lên rành mạch khúc chiết. Về điểm này triết Tây hơn hẳn triết Đông, nên cần thiết cho triết Đông trong giai đoạn mới.
Lý do thứ hai là triết Tây chuyên về lý trí, phê phán, phân tích và tổ chức các ý tưởng thành hệ thống. Vì thế hễ đã bàn tới vấn đề nào là đào bới đủ các khía cạnh, lật đi lật lại khắp mặt không còn để hở chỗ nào, khiến cho sự tìm tòi khảo cứu vừa phong phú vừa xác thiết. Dùng đến tài liệu nào cũng được đưa qua ánh sáng phê bình nghiêm túc, khiến cho khi đi được bước nào, vững chắc bước đó.
Đấy là chỗ hơn hẳn triết Đông, nhất là quãng hai thế kỷ sau này càng trở thành bệ rạc, luộm thuộm cũ kỹ. Tài liệu dùng bừa bãi, viết ra thì lê thê, lắp đi lắp lại lải nhải. Với Trung Hoa còn khá hơn, chứ với Việt Nam chưa thấy sách nào phản chiếu được lối viết có phương pháp khoa học. Cho nên riêng người Việt Nam còn phải cố gắng nhiều trong phạm vi này.
Một ơn ích khác của lý trí là có thể giúp chúng ta thanh toán những tàn tích ma thuật, tai dị còn vướng lại trong những kinh sách cổ truyền. Óc phê bình phân tích Tây phương giúp ta rất nhiều trong việc thanh lọc này.
Lý do thứ ba là triết Tây giúp cho triết Đông nhận thức ra mình. Sự nhận thức ra mình chỉ hiện thực do sự đối diện với tha nhân tha vật. Đây là điểm chung cho mọi nền văn hóa khác xa lạ, và càng xa lạ càng dị biệt thì càng giúp vào sự lay động khiếu năng nhận thức. Mỗi điều chống lại, mỗi vấn đề đặt khác đi, mỗi lối giải quyết mới lạ, mỗi sự thành công cũng như thất bại của tha nhân đều giúp mình hồi tỉnh khảo sát lại lập trường của mình, đặt vấn đề giá trị của mình cũng như của tha nhân. Nhiều khi làm cho thắc mắc, suy nghĩ lao lung không cho phép quyết đoán tiên thiên một chiều, không cho yên nghỉ với mớ quan niệm tưởng đâu là đã định luận xong xuôi, không dè bị tha nhân lật ngược hẳn lại. Nhưng chính sự so đọ này làm cho loé lên cả từng luồng tia sáng, ý tưởng trào ra phong phú và cái nhìn trở nên thấu triệt sâu xa hơn hẳn với lúc chỉ biết có triết Đông hoặc triết Tây. Nietzsche cho sự đối chiếu này là một ơn ích lớn nhất trong thời mới mà chúng ta cần khai thác đến triệt để.
Làm như thế chúng ta sẽ đạt được sự vững chắc trong việc luận đoán [sureté de jugement] vì mỗi phán quyết có kèm theo lập trường đối kháng với những hậu quả của nó. Nhờ đấy ta có thể nắm vững được vấn đề, bớt đi rất nhiều những câu võ đoán. Đó là nói theo nguyên tắc, trong thực tế thì vẫn có thể nhỡ như thường do sự áp dụng phương pháp chưa được triệt để.
Lý do thứ tư là trong hai thế kỷ vừa qua, cái gì của Tây phương cũng tiến bộ vượt bậc bằng cả ba, bốn ngàn năm xưa, nhờ đó họ tích luỹ lại được muôn vàn yếu tố và sự kiện mới mà chỉ đọc sách Tây mới có. Trong hai trăm năm tiến mạnh nhất đó, số sách xuất bản hầu như vô tận, vượt rất xa khả năng thâu nhận của một người, dầy là vào tay đọc rộng. Nếu sách vở không nhiều thì tiến bộ kém hẳn đi. Thế mà trong hai trăm năm vừa qua Đông phương bị lúng túng với vấn đề chính trị, kinh tế đã không tiến vượt bực mà riêng trong phạm vi triết học còn thụt lùi so với các thế kỷ trước kia. Đã thế ngày nay không đọc nổi chữ nho đang khi hầu hết chúng ta biết tiếng Pháp tiếng Anh và chỉ cần cố gắng lên một giai đoạn nữa thì đạt trình độ thâu thái nổi tư tưởng qua sách vở bày bán ngập hiệu, hoặc vào các thư viện kể cả các thư viện của các tòa đại sứ. Cho nên về điểm này có thể đoan quyết là không học triết Tây thì cũng như cái kiềng thiếu hết một chân vậy. Huống chi cái hướng tiến của giai đoạn này là hòa hợp, là thống nhất. Nếu không biết triết Tây là chịu khoanh tay. Vậy nên đừng có hỏi phải học triết nào như là có thể chọn một, bỏ một, vì trong hiện tại ta cần cả hai.
Đó là một hai lý luận chứng minh sự cần thiết phải học triết Tây. Lý do thứ ba thuộc khu vực văn hóa và nó thật cho bất cứ nền văn hóa nào,vì có thể nói là thuộc không gian. Còn lý do thứ bốn thuộc thời gian: trong hoàn cảnh này, ở thời đại lịch sử hiện nay. Cả hai thuộc hoàn cảnh bên ngoài để hợp với hai lý do trên thuộc tính chất nội tại, tất cả hợp lực chứng minh sự cần thiết của triết học Tây phương trong giai đoạn hiện tại nước nhà.
Lý do thứ hai là để chứng minh sự cần thiết của triết Tây thuộc về loại nào: có phải là cần thiết loại độc chiếm hay là cần thiết loại bổ túc. Cho đến nay người mình thường nghiêng về ý kiến độc chiếm, vì khi nhìn vào triết Tây Âu kể từ Platon, Aristote, qua Descartes, Kant, Hegel rồi đến các triết gia hiện đại: sách vở rất phong phú với những hệ thống nguy nga đồ sộ chương trình đã đâu ra đấy. Đang khi đó xem lại mình mới được dăm ba quyển với nội dung nghèo nàn, xếp đặt luộm thuộm thiếu hệ thống, gọi là đạo học, luận lý hay văn học thì được, chứ nói là triết lý thì không. Cho nên những người đưa triết Tây vào chương trình tuyệt nhiên không hề có ý nghĩ nào đẩy triết Đông ra ngoài, nhưng chỉ cốt để thêm vào cho di sản nước nhà một môn học mới mà trước đây chưa hề có và do đó là độc chiếm mà không nghĩ là độc chiếm, nghĩa là với họ triết Đông đã có đâu để mà có thể bị chiếm đoạt.
Vì tâm trạng vô tội của thế hệ hiện đại là thế (cho tới năm 1956) và vì sự kiện độc chiếm của triết Tây trong chương trình giáo dục nuớc nhà (cho tới nay 1968 còn thật cho trung học). Vì thế chúng ta cần đem vấn đề lên bàn mổ để trong việc rất hệ trọng là vấn đề giáo dục của một nước tránh được những lầm lẫn có hại sâu xa cho tiền đồ tổ quốc. Trước hết chúng ta chủ trương rằng không nên để triết Tây độc chiếm như nay vì triết Tây tuy nguy nga đồ sộ nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đã định luận ở bài đầu tức là học hành, ít ra cho chúng ta, bởi mỗi dân tộc có một lối suy tư riêng, một lối cảm nghĩ sinh sống khác nhau, mang theo một sắc thái đặc thù mà một nền triết trung thực không thể bỏ qua, ít ra ở khởi điểm, để làm những nấc thang tâm linh hầu đi lên đến con người phổ biến muôn thưở, nghĩa là thuộc hết mọi thời gian, không gian. Nhưng đó là lý tưởng cần nêu lên làm đích điểm, còn ở khởi điểm phải chú trọng đến các nét đặc trưng.
Đó có lẽ là sự khác biệt giữa triết học Tây Âu với triết Đông. Triết Đông phát xuất từ trong nhân gian (Kinh Thi) un đúc trong lò lịch sử (Kinh Thư và Xuân Thu) trong những lối giao liên giữa người với người (Kinh Lễ). Còn trái lại triết Tây đặt bên ngoài thời gian, không có lịch sử (xem chữ Thời) không chú ý đến cụ thể, nên ít ăn nhập vào đời sống. Có người nói giả sử vất hết triết đi xã hội Tây Âu cũng không mất mát chi cả, hay sự mất mát chỉ trong vòng hàn lâm nghĩa là chỉ liên hệ đến một số chuyên viên, một ít học sinh, sinh viên, ngoài ra trong đời sống thì học triết hay không học triết cũng thế: đàng nào cũng không có hướng cũng thiếu chủ đạo.
Với triết Đông không nói như vậy đựơc vì nếu vất bỏ triết lý của mình thì xã hội Viễn Đông sẽ mất kỷ cương, đời sống trở thành con thuyền không lái và trí thức không còn liên hệ chi với quảng đại quần chúng đã thấm nhuần triết lý nhân sinh từ nhiều ngàn xưa.
Đấy là lý do đầu tiên đủ mạnh để phải lưu tâm đến triết Đông. Huống chi đứng về phương diện dân tộc mà xét, thì lại khác kiểu xét cá nhân. Cá nhân thường suy nghiệm trong vòng một trăm năm và nhấn mạnh trên hiện trạng, mà hiện trạng thì mình thua người nên phải học của người. Còn khi đứng trên quan điểm dân tộc thì lại lấy từng ngàn năm làm đơn vị, vì dân tộc cũng như nhân loại gồm cả người chết và người sẽ đến, bao cả dĩ vãng và tương lai. Hiện tại mình thua người nhưng phải dọn đường cho con cháu sửa soạn một tương lai đẹp hơn. Đã thế còn tiên tổ mình nữa, đã vị tất các ngài không có kinh nghiệm để lưu lại cho con cháu dòng tộc.
Trong khi đối chiếu Đông Tây ta mới nhận ra không chỉ có triết Đông mới kém mà triết Tây cũng có những khía cạnh đó: hay chiều này dở chiều khác. Do đó không thể chấp nhận toàn bộ kiểu độc chiếm được, nhưng phải đi lối minh biện: chọn hay bỏ dở, và cái oái ăm là lấy cái hay cũng rất dễ rước luôn cái dở. Vì cái dở của triết Tây cũng chính là cái hay đã bị đẩy quá đà. Cái hay của triết Tây là lý trí. Điều đó rất cần thiết, nhưng khi đẩy quá đà thì lý trí trở thành duy lý đến độ độc chiếm và bóp nghẹt mọi khả năng khác của con người như tình cảm là một. Cái đó liệu có hợp cho người Việt Nam chúng ta đã quá quen với lối tình lý tương tham chăng?
Với người Việt Nam chúng ta thì không cứ “tôi suy tư vậy là có tôi” nhưng tôi cảm xúc, tôi hờn tủi, tôi cười đùa, tôi sống, tôi chơi cũng vẫn có tôi rồi, nên trong triết lý cũng như trong chế độ và hệ thống giáo dục phải dành quyền dành chỗ cho phát triển, hàm xúc, điều lý săn sóc cho những năng khiếu đó.
Điểm hay thứ hai của triết Tây là hệ thống. Hệ thống làm cho sự học được dễ dàng nên rất tốt và đối với thời đại nói nhiều này thì còn trở thành cần thiết là khác. Vì thế chúng ta cần vươn tưới óc hệ thống hóa hay sự tổ chức tư tưởng giáo khoa [systématisation scolaire) và nên ngừng lại ở đó, vì nếu mải mê đến nỗi biến hệ thống trường ốc văn học thành ý hệ tức là một thứ hệ thống hữu thể [systématisation ontologique] nghĩa là lấy lý niệm làm tất cả thực tại thì đó là đều tai họa vì đòi gói ghém tất cả sự vật, trời đất người vào một số ý niệm khô đét, thì sẽ bị chúng che mất không còn thấy gì bên ngoài, con người sẽ trở thành chấp nhất: đã hữu thì chỉ biết hữu, đã vô thì chỉ biết vô, thiếu uyển chuyển. Sở dĩ những người như Schopenhauer, Nietzsche, Jung hay hầu hết giới trí thức Tây Âu đều cho triết học gia của họ là cận thị, thì chính vì cái tật chấp nhất xả bách gắn liền với óc ý hệ khiến cho người theo trở thành kẻ tôn thờ ý hệ, đặt lý tưởng lên trên con người. Hậu quả là sẵn sàng biến con người thành dụng cụ để phụng sự cho lý tưởng, có chết trăm ngàn nhân mạng cũng không sao. Đó là lý do sâu xa nhất gây tan hoang điêu đứng cho dân tộc chúng ta. Hàng trăm ngàn người đã phải bức tử vì có kẻ đang nắm quyền thế lại đi tôn thờ lý tưởng, đang phủ phục trước bàn thờ ý hệ quá xác định đến làm nghẹt thở tự do con người.
Chính ở đây chúng ta chạm vấn đề quan trọng nhưng xưa rầy chưa có một triết gia nào đề cập, đó là phương pháp tổng quan khác biệt với đường lối xác định. Triết gia thành công hay thất bại là do dùng lối tổng quan hay lối xác định. Vì phương pháp này liện hệ đến vận mạng của triết lý nên cần chúng ta phải nghiên cứu kỹ. Phương pháp tổng quan là học về toàn thể còn xác định là học về từng phần. Trước hết để nhận chân thế nào là tổng quan thì cần phân biệt với đại khái tổng hợp [global]. Đại khái chỉ là lối nhìn một vật hay một hoàn cảnh cách sơ sài phiến diện để có một ý niệm khái quát, thí dụ nhìn chung cái radio. Sau đó là cái nhìn phân tích xác định từng phần của máy, mỗi phần liên hệ với nhau ra sao. Lối nhìn phân tích xác định này cũng y như lối nhìn khái quát vừa nói trên chỉ hợp cho bình diện hiện tượng tức là khoa học thực nghiệm, không thể đem vào triết được. Đây là điều căn bản tối hệ.