Chia Sẻ Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc chuyển hóa lập trường giải phóng dân tộc

Trang Dimple

New member
Xu
38
Ngày 05-6-1911, ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu thủy với hai bàn tay trắng, trái tim nóng bỏng nỗi đau mất nước và quyết tâm sắt đá: khôi phục lại nước Việt, bảo vệ nền độc lập và cuộc sống tự do cho mọi người. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc chuyển hóa lập trường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản và quá trình vận động chuẩn bị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam


1. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc chuyển hoá lập trường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản

– Những năm hai mươi của thế kỉ XX, phong trào yêu nước ở Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng đường lối chính trị và vai trò lãnh đạo một cách sâu sắc. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc – người cộng sản Việt Nam đầu tiên xuất hiện và trở thành v lãnh tụ ở bước ngoặt của lịch sử, truyền bá con đường cứu nước mới để giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản.

– Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, trên thế giới đã hình thành hai con đường phát triển xã hội: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, trong đó vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đang đặt ra cho các nước thuộc địa cần phải giải quyết. Trong tình hình đó, mỗi dân tộc phải lựa chọn cho mình con đường phát triển phù hợp với thời đại và điều kiện lịch sử riêng của mình, ở Việt Nam, sự lựa chọn con đường diễn ra suốt thập kỉ 20 của thế kỉ này. Đó là quá trình kiểm nghiệm liên tục của thực tế khách quan đối với các xu hướng, đảng phái chính trị để tìm kiếm một con đường đúng nhất. Nguyễn Ái Quốc bằng thiên tài và linh cảm nhạy bén chính trị của mình đã nhận thức đầy đủ xu thế của thời đại và yêu cầu của lịch sử dân tộc, vượt qua tầm nhìn của những người yêu nước đương thời về vấn đề dân tộc. Vấn đề dân tộc không chỉ có độc lập dân tộc, mà cả giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Do đó, Người không chọn kiểu Cách mạng Mĩ (1776), cũng không theo kiểu cách mạng dân chủ tư sản Pháp (1789) mà chọn con đường Cách mạng tháng Mười Nga (1917) — cách mạng vô sản.

– Để thực hiện việc lựa chọn con đường cách mạng đó, Nguyễn Ái Quốc phải trải qua một cuộc hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ. Năm 1911, Người quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước, đây là mốc quan trọng đánh dấu sự lựa chọn đầu tiên của Người. Trong khi những người cùng thời đi phương Đông, sang Nhật Bản, Trung Quốc thì Nguyễn Ái Quốc rẽ lối khác, bước quyết định này là kết quả của quá trình chuẩn bị về nhận thức tư tưởng.

– Con đường sang phương Tây, với những hoạt động thực tiễn và lý luận phong phú đã tạo ra những nhân tố mới đưa Nguyễn Ái Quốc tiếp cận chân lý của thời đại để có sự lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn. Qua mười năm hoạt động (1911 – 1920) Nguyễn Ái Quốc đã đến nhiều nước khác nhau trên các lục địa Á
Phi, Mĩ latinh và tự biến mình thành người vô sản. Trong quá trình đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra được kết luận sâu sắc rằng: ở đâu bọn đế quốc và thực dân cũng tàn bạo, độc ác, ở đâu người lao động cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề. Những nhận thức mới mẻ này càng nung nấu suy nghĩ giải phóng dân tộc và mơ ước quyền sống của những người cùng khổ mà Người đã trăn trở trước lúc xuất dương, càng thôi thúc Người quyết tâm tìm con đường giải phóng dân tộc.


– Giữa năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở lại nước Pháp, Người lao vào hoạt động chính trị và nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp. Nhưng với kinh nghiệm rút ra từ quan sát và hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc thấy giai cấp tư sản không còn là giai cấp tiến bộ của thời đại. Do đó, Người không đi theo Cách mạng Mĩ, Cách mạng Pháp mà phải tìm con đường cách mạng khác. Đây là quyết định quan trọng
trong quá trình lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.


– Cuối năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Chiến tranh thế giới thứ nhất sắp kết thúc, Nguyễn Ái Quốc hân hoan chào đón Cách mạng tháng Mười Nga, mặc dầu lúc đó Người chưa hiểu gi về cuộc cách mạng này.
– Tháng 6/1919, các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Vécxai, nhân danh là người An Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị bản yêu sách đòi các quyền tự do dân chủ, bình đẳng và dân tộc tự quyết cho nhân dân ta. Mặc dầu không được bọn đế quốc, nhất là để quốc Pháp chấp nhận nhưng bản yêu sách đã làm chấn động thế giới và vang dội về nước tạo ra bước chuyển trong phong trào giải phóng dân tộc.


– Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc sơ thảo Luận cương của Lênin về
vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Sự Thật. Đến đây Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. Rồi tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua, bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Những sự kiện đó chứng tỏ rằng, đến năm 1920,
Nguyễn Ái Quốc kết thúc chặng đường tìm phương cứu nước, quá trình lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn.
=>Như vậy, quá trình tìm kiếm con đường cứu nước của Nguyễn Ái quốc là quá trình học tập, khảo sát, nghiên cứu, kiểm nghiệm lý luận và thực tiễn đầy gian khổ,
phức tạp. Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp được hai yếu tố dân tộc và thời đại để chọn con đường cứu nước thích hợp với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đó là con đường cách mạng vô sản, con đường theo chủ nghĩa Mác -Lênin.


2. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với quá trình vận động chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Sau thời gian dài ra đi tìm đường cứu nước, đến năm 1920 Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản.
– Khi tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn,
Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam. Quá trình hoạt động đó là:
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của Angiêri, Marôc, Tuynidi
Nguyễn Ai Quốc lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pari để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Người cùng khổ do Người làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Người còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Đời sống công nhân (của Tổng Liên đoàn lao động Pháp) và đặc biệt là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Các sách báo nói trên được bí mật chuyển về Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phong trào dân tộc trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
– Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân (tháng 10/1923) và được bầu vào Ban chấp hành Hội. Người ở lại Liên Xô, vừa nghiên cứu, học tập, viết bài cho báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí Thư tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội Quốc
tế Cộng sản lần thứ V (1924), Nguyễn Ái Quốc trình bày lập trường quan điểm của mình về v trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước để quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.


– Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam.
– Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc nhóm họp những thanh niên yêu nước Việt Nam trong tổ chức Tâm tâm xã rồi đi đến thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước.
– Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 – 1925 có tác dụng chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).


— Chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát trịển mạnh mẽ, đòi hởi phải có chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Đáp ứng yêu cầu khách quan lịch sử đó ở Việt Nam lần lượt xuất hiện ba tổ chức công sản: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Nhưng sự hoạt đông riêng rẽ của ba tể chức cộng sản gây ảnh hưởng không tốt đển tiến trình phát trịển của cách mạng Việt Nam.
— Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc liền rời khỏi Xiêm sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản.


– Với chức trách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới phong trào cách mạng ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng đến cửu Long để bàn việc thống nhất Đảng.
– Từ ngày 6/1 – 7/2/1930 Hội nghị hợp nhất Đảng họp ở Cửu Long (Hương cảng) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Hội nghị nhất trí hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Sửa lần cuối:
Nguyễn Ái Quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội.

Người sinh ra trong một gia đình: Bố là một nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân; mẹ là nông dân; chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày.

Ngày 5-6-1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua. Năm 1921, người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922). Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu á, Xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường cách mệnh (1927).

Năm 1925, Người thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức "Cộng sản đoàn" làm nòng cốt cho Hội đó, đào tạo cán bộ Cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Ngày 3-2-1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (gần Hương Cảng). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam ).

Từ năm 1930 đến 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam của các dân tộc bị áp bức khác trong những điều kiện vô cùng gian khổ và khó khăn.

Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thắng lợi, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.

Ngày 19-12-1946, người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955) Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít-Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.
 
Sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam những năm 1921-1929

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Trong đó, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam đóng vai trò quan trọng đã góp phần thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân, tạo tiền để cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ lịch sử mới.

Từ năm 1911 đến năm 1919, sau khi đi qua nhiều nước, làm nhiều nghề khác nhau, vừa nghiên cứu, vừa học tập một cách độc lập, tự chủ, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có chọn lọc, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam nhằm chuẩn bị các tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Một vấn đề đặt ra là, làm thế nào để truyền bá học thuyết cách mạng và khoa học vào Việt Nam - một nước có trình độ dân trí thấp, hơn 90% dân số bị mù chữ, lại bị sự kìm kẹp bởi chế độ thực dân phong kiến. Đây là một bài toán khó đặt ra cho Người.
Do vậy, quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin được triển khai thực hiện một cách liên tục, không hề đứt đoạn tương ứng với các thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài. Đó là các thời kỳ 1921-1923: Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp; 1923-1924: Người hoạt động ở Nga; 1924-1929: Người hoạt động ở Trung Quốc, Xiêm. Dù hoạt động ở đâu, Nguyễn Ái Quốc cũng tích cực tìm mọi cách để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Quá trình truyền bá đi từ thức tỉnh đến giác ngộ, lựa chọn con đường đến hành động cách mạng theo quỹ đạo cách mạng vô sản.
Mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam là làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, nhất là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm phong trào yêu nước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, xích lại gần lập trường của giai cấp công nhân. Nội dung mà Nguyễn Ái Quốc truyền bá là những nguyên lý hết sức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã được cụ thể hóa cho dễ hiểu, phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội Việt Nam. Đó trước hết là những tác phẩm ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm, lối sống, ngôn ngữ của người Việt Nam. Những bài viết, bài giảng với nội dung giản dị, thiết thực của Người đã nhanh chóng ăn sâu, bám rễ vào các tuyên truyền viên để rồi những tuyên truyền viên ấy truyền thụ tích cực đến quảng đại quần chúng nhân dân. Nội dung tuyên truyền là những vấn đề cơ bản, đó là: Xác định rõ tính chất, nhiệm vụ, đối tượng của cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng, vấn đề đoàn kết quốc tế, vấn đề vai trò của Đảng… Những nội dung tuyên truyền ấy đã tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân vững bước đi theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tin tưởng vào tư tưởng Hồ Chí Minh để làm cách mạng.
Trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc sử dụng nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Trước hết phải kể đến phương tiện báo chí. Tháng 9/1923, xuất hiện những bài viết của Người trên báo Nhân đạo và những bài viết của Người về Quốc tế cộng sản, về Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân, về Đại học Phương Đông, về nước Nga Xô viết cũng được đăng trên báo Người cùng khổ bắt đầu từ số 18. Tờ báo Người cùng khổ mang nội dung chiến đấu cao, là phương tiện tuyên truyền chủ yếu cho các dân tộc bị áp bức, phù hợp với độc giả là nhân dân lao động ở các thuộc địa. Vì vậy, năm 1921 số lượng đặt mua báo dài hạn Người cùng khổ được thống kê “ước khoảng 500 người, chủ yếu từ các thuộc địa và phần lớn các công chức bản xứ”(1). Bên cạnh đó, Nguyễn Ái Quốc còn đặt quan hệ với những ấn phẩm định kỳ của Quốc tế Cộng sản như Tạp chí Thông tin quốc tế; của Quốc tế Nông dân như Tạp chí Quốc tế Nông dân; với Báo của Đảng Cộng sản Liên Xô như tờ Sự thật, Người nông dân Bacu.
2017-11-10%20Nguyen%20Ai%20Quoc%20truyen%20ba%20Mac%20Lenin.jpg

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (12/1920)- Ảnh Tư liệu.

Ngoài báo chí, Nguyễn Ái Quốc sử dụng các phương tiện thông tin mới chưa từng có trước đó như: truyền đơn, sách báo, diễn đàn. Trong thời gian học tại trường Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với một số sinh viên Trung Quốc viết cuốn Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc. Ở Mátxcơva, từ những tài liệu sưu tầm, tập hợp từ nhiều năm, Người đã biên soạn cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp bằng tiếng Pháp. Tác phẩm được gửi về in tại Pháp vào năm 1925, tác phẩm này có tác dụng rất lớn đối với thanh niên, học sinh. Hầu hết các trường trung học đều có tủ sách riêng của học sinh và tủ nào cũng có quyển sách Bản án chế độ thực dân Pháp. Cuốn sách đã trả lời đúng vào ý nghĩ, nguyện vọng và tâm tình thế hệ thanh niên lúc bấy giờ(2). Thời gian hoạt động ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế lớn như: Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân, Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội IV Quốc tế Thanh niên… Tại các diễn đàn đó, Người đều có tham luận nói lên tiếng nói của các dân tộc bị áp bức và bảo vệ những luận điểm đúng đắn của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đồng thời tuyên truyền những tư tưởng cách mạng của mình trên lập trường mác-xít cung cấp cho nhân dân ta hiểu biết những thông tin về tổ chức Quốc tế Cộng sản - một tổ chức chính trị quốc tế bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa và theo Người “Chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản thì chúng ta mới tìm được sự giải phóng của chúng ta”(3).

Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng hai con đường: công khai và bí mật. Công khai là sử dụng đường dây bưu điện thông thường, còn bí mật là xây dựng thông qua những thủy thủ yêu nước làm việc trên tuyến đường vận tải biển Pháp - Đông Dương. Khởi điểm của đường dây bí mật ấy là việc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam dưới dạng truyền đơn về nước vào quý IV năm 1919 cho hành khách hồi hương tại cảng Mácxây. Từ đó về sau con đường đó được xây dựng hoàn chỉnh và bí mật với một hệ thống các trạm tiếp nhận như: Le Havrơ, Mácxây, Sài Gòn, Hải Phòng…
Người sử dụng cả lực lượng cả người Việt, người Pháp, người Trung Quốc để tạo đường dây liên lạc. Lực lượng tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc sử dụng lúc đầu là những trí thức yêu nước làm nòng cốt, cầu nối để đưa lý luận Mác - Lênin đi vào quần chúng. Đặc biệt, Người đã sử dụng triệt để và có hiệu quả lực lượng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925) để tuyên truyền, vận động quần chúng giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, thúc đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng.

Tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, mở đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo đã góp phần quan trọng để thức tỉnh, đoàn kết, tập hợp quần chúng nhân dân lao khổ đứng lên làm cách mạng. Do đó, tờ báo có ý nghĩa lớn lao về mặt chính trị, tư tưởng, lý luận và thực tiễn to lớn.

Từ năm 1927, cuốn sách Đường Cách Mệnh được xuất bản. Đó là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc giảng dạy cho lớp huấn luyện cán bộ chính trị. Tác phẩm chỉ rõ mục đích của việc cách mệnh, nội dung của cách mệnh, xác định rõ bạn, thù và muốn cách mệnh thì phải làm thế nào… Tác phẩm Đường Cách mệnhđược phổ biến khắp cả nước dưới nhiều hình thức như: những bài in ở Quảng Châu, những bản in lại ở trong nước, có địa phương như ở An Giang, Đường Cách Mệnh được ngụy trang “dưới hình thức kinh phật bên trong là nội dung tác phẩm”.
Trong thời gian hoạt động ở vùng Đông Bắc Xiêm (Thái Lan) - nơi chủ yếu là Việt kiều quần tụ thành từng làng xóm riêng, Nguyễn Ái Quốc đã áp dụng trên thực tế những điểm mà Người đã từng chứng kiến ở Liên Xô và đã trình bày trong cuốn Đường Cách Mệnh - lập những hợp tác xã và mở những lớp học cho con em Việt kiều. Những việc làm thiết thực đó của Nguyễn Ái Quốc đã có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và lý trí của những người yêu nước Việt Nam đang sống ở Xiêm và dội mạnh về nước.

Rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững phương pháp cách mạng vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Người đã kết hợp một cách khéo léo việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin với công tác cổ động chính trị hàng ngày, gắn lý luận với hoạt động thực tiễn. Người luôn nghiên cứu và đưa ra phương pháp tuyên truyền thích hợp. Do vậy, cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá sâu rộng vào phong trào công nhân, điều này thể hiện qua phong trào “vô sản hóa” (1928), làm cho phong trào công nhân có sự chuyển hóa về chất, thúc đẩy phong trào yêu nước cũng chuyển biến theo. Sự hòa quyện giữa phong trào công nhân, phong trào yêu nước dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, “xua đi màn đêm đen tối”, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác./.
----------------------
(1) Nguyễn Ái Quốc, Những bài đăng trên báo Le Paria, tr.137.
(2) Báo Thống nhất, số 155, ngày 19/5/1965.
(3) Trần Xuân Hộ, Tiếng nói của một người Việt Nam, đăng trên Le Paria, số 18-19, tháng 9/1923.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top