Chia Sẻ Vài nét về tình hình kinh tế thế giới năm 1997

Trang Dimple

New member
Xu
38
Sau khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc với những kết quả tốt đẹp, môi trường kinh tế thế giới được cải thiện, thương mại ngày càng phát triển, lưu thông tiền tệ giữa các khu vực trở nên sôi động đã thúc đẩy quá trình sản xuất ở hầu hết các nước. Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 1997 tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới sẽ đạt mức 4,2% mà không bị sức ép của lạm phát, giá trị thương mại tăng 7,7%(1), thâm hụt tài chính ở các nước công nghiệp phát triển giảm so với năm 1996. Tuy vậy, giảm tỉ lệ thất nghiệp vẫn là vấn đề khó khăn ở nhiều nước, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Sự tăng trưởng kinh tế là những cố gắng của các chính phủ nhằm giảm thâm hụt tài chính và ngân sách, dành ưu tiên hàng đầu để đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Sự tăng trưởng kinh tế năm 1997 còn là kết quả của việc các nước công nghiệp phát triển (CNPT) tiếp tục giảm lãi suất ngắn hạn mà họ đã áp dụng từ các năm trước. Nếu năm 1995 mức lãi suất ngắn hạn của Mỹ là 5,8% thì năm 1996 còn 5,3%. Số liệu tương ứng với Pháp là 6,1% và 3,7%, Anh là 6% và 5,9%, Canađa là 5% và 3%, Đức là 4,5% và 3,3%, Nhật là 1,2% và 0,3%(2).

Những cố gắng của chính phủ trong lĩnh vực tài chính của các năm trước đó đã phát huy tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển không chỉ trong năm 1997 mà còn cho các năm tiếp theo.

Một trong những kết quả mà các nước CNPT đạt được trong năm qua là duy trì và kiềm chế được lạm phát ở mức rất thấp, trong khi vẫn mở rộng sản xuất. Tỷ lệ lạm phát của tất cả các nước CNPT năm 1997, theo ước tính của IMF, đạt mức của những năm 1960 khoảng 2,5%, ở Mỹ: 3,5%, EU: 2,25%. Tuy vậy, mặt chưa được của chính sách trên ở nhiều nước, đặc biệt ở châu Âu, là đã không thành công trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Năm 1997 tỉ lệ thất nghiệp trung bình của các nước CNPT theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 7,5%, riêng của các nước EU là 11,9% (18 triệu người), trong khi tỉ lệ này ở Mỹ đã giảm đáng kể còn 4,9%, mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II. Tỷ lệ tương ứng tại các nước như Anh: 8% so với 8,2% năm 1996, Nhật Bản (theo cách tính của Nhật): 3,25% so với 3,4% năm 1996.

Điều đáng chú ý trong năm 1997 là khủng hoảng tài chính tiền tệ tại các nước khu vực Đông - Đông Nam A' (Đ-ĐNA). Cuộc khủng hoảng này, ở mức độ khác nhau, đã ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới bởi các nước Đ-ĐNA chiếm khoảng 20% GDP, 23% giá trị thương mại thế giới, là một trong những khu vực vay vốn lớn, tính đến cuối năm 1996 tổng số nợ là 752 tỷ USD (3), (không tính Nhật Bản), và tỷ lệ đầu tư so với GDP của các nước trên khoảng 30 - 35% trong những năm 1990; trong khi đó tỷ lệ này ở các khu vực khác chỉ là 15 - 20% (4). Vì vậy, khi sự phát triển kinh tế của khu vực Đ-ĐNA bị chậm lại, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước khác có quan hệ kinh tế, thương mại, tiền tệ tài chính với khu vực nói trên.

Về lĩnh vực quan hệ kinh tế quốc tế, năm 1997 nổi lên một số đặc điểm sau:

1. Quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.

Sự mở rộng quan hệ kinh tế diễn ra không chỉ trong từng khối mà còn giữa các khu vực nhằm mở rộng thị trường, khai thác tối đa những lợi thế sẵn có ở nơi này nhưng lại khan hiếm ở nơi khác, để bổ sung cho quá trình phát triển kinh tế. Thành viên EU tăng từ 12 lên đến 15 nước, và nhất trí thành lập một quĩ với tổng số vốn hơn 20 tỷ đôla Mỹ để trợ giúp cho một số nước Đông Âu và Liên Xô cũ với trình độ phát triển kinh tế thấp, mà những nước này có thể sẽ được kết nạp làm thành viên của EU. EU đã quyết định thực hiện Công ước Lôme V, Công ước này dành những ưu đãi trong lĩnh vực kinh tế, thương mại cho 71 quốc gia Châu Phi, vùng biển Caribê và Thái Bình Dương (ACP) với ngân sách 14 tỷ đô la. Ngoài ra, từng nước trong EU đang mở rộng phạm vi hoạt động sang Châu A' và Tây bán cầu.

Tại Châu Mỹ, Mỹ đang hối thúc thành lập một thị trường tự do buôn bán rộng lớn hơn bao gồm tất cả các nước Châu Mỹ vào năm 2005.

Ngoài sự liên kết kinh tế khu vực, liên kết giữa các khu vực ngày càng phát triển, ví dụ như giữa một số nước Châu A' với EU. Quá trình này được thể hiện qua các Hội nghị thượng đỉnh A' - Âu (ASEM) thường xuyên diễn ra giữa 15 nước EU và 10 nước Đ-ĐNA. Đây là hai khối có tầm quan trọng về kinh tế, EU chiếm tới 37,4%, còn 10 nước Châu A' chiếm 16% giá trị buôn bán trên thế giới.

Tháng 11 năm 1997, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V của APEC tại Vancouver, Canada đã bước đầu thực hiện quá trình tự do hoá mậu dịch thông qua việc nhất trí loại bỏ thuế quan đối với 9 mặt hàng vào năm 1999, và quyết định mở rộng số lượng các nước thành viên bằng việc kết nạp Việt Nam, Peru, Liên bang Nga.

2. Vai trò của các Định chế tài chính, tiền tệ và kinh tế thế giới ngày càng được nâng cao.

Các định chế tài chính tiền tệ, kinh tế (IMF, WB, ADB, WTO...) đang phát huy vai trò hết sức quan trọng trong việc phối hợp các hoạt động nhằm điều tiết vĩ mô kinh tế thế giới, và trong quan hệ kinh tế, các quốc gia lớn nhỏ đã và đang khai thác triệt để vai trò của các định chế nói trên, để phục vụ cho lợi ích của dân tộc mình. IMF, WB, ADB, ngoài việc trợ giúp có điều kiện cho các nước đang phát triển để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, thông qua việc cung cấp tài chính, tín dụng cho các chương trình cải cách cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, cải thiện điều kiện y tế, chăm sóc sức khoẻ cho người dân... đã cam kết giúp hàng chục tỷ đô la cho các nước đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính tiền tệ nhằm nhanh chóng vực dậy nền kinh tế của họ. WTO không chỉ giới hạn hoạt động trong khuôn khổ buôn bán thuần tuý mà còn mở rộng sang các vấn đề phi thương mại như môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, đầu tư... Hiệp định về Viễn thông cơ bản và Hiệp định về Công nghệ thông tin đã được ký kết. Đây là hai Hiệp định đa phương điều tiết thị trường buôn bán các sản phẩm liên quan, với tổng giá trị hơn 1000 tỷ đô la. Bên cạnh đó, với cơ chế giải quyết các tranh chấp có hiệu quả, cho đến nay đã có hơn 100 trường hợp xung đột về lợi ích kinh tế giữa các nước thành viên được đưa ra Cơ quan giải quyết các tranh chấp (DSB) của WTO để xem xét và có những phán quyết cuối cùng.

3. Tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết các vấn đề kinh tế.

Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm liên tục giữa các nước lớn trong năm 1997, mà nội dung chủ yếu là các vấn đề kinh tế. Chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp Chirac và tiếp sau đó là của Thủ tướng Jospin nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy buôn bán và hợp tác kinh tế với Nga, vì hiện nay Pháp chỉ chiếm một vị trí hết sức khiêm tốn, đứng thứ 8 về xuất khẩu và thứ 11 về nhập khẩu trong số các bạn hàng của Nga. Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc và chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga vừa qua cũng không ngoài mục đích tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ giữa các bên. Quan hệ Nga - Nhật đã được cải thiện sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng R. Hashimoto. Trong các cuộc thảo luận, cả hai bên tạm gác lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đã xác định 6 lĩnh vực kinh tế cần được ưu tiên nhằm khai thác triệt để những lợi thế của mỗi bên, đó là thúc đẩy đầu tư vào Nga; giúp Nga hoà nhập vào nền kinh tế thế giới; ủng hộ công cuộc cải cách ở Nga; giúp Nga đào tạo đội ngũ quản lý, kinh doanh, công chức nhà nước; cùng hợp tác khai thác và phát triển năng lượng tại vùng Viễn Đông của Nga; hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình.

Tháng 7/1997, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ xảy ra ở ĐNA đã cho thấy sự cần thiết phối hợp hành động giữa các nước trong và ngoài khu vực.

a) Kinh tế Mỹ:

Sau 6 năm tăng trưởng liên tục, năm 1997 nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển. Đây là kết quả hết sức quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Clinton khi ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 1992. Nếu năm 1992 tỉ lệ thất nghiệp là 7,3%, năm 1996 là 5,3% thì năm 1997 là 4,9%. Theo Cục thống kê Liên bang Mỹ, trong quý III/1997 một số ngành đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm người làm việc, ví dụ trong ngành máy tính, công nghiệp dầu khí... tại San-Francisco công ty lớn như Boeing phải giảm bớt sản xuất bởi thiếu nhân lực.

Trong lĩnh vực thương mại, mặc dù đồng đôla Mỹ bắt đầu lên giá từ 1995, và kể từ 1996 giá trị đồng đôla tăng 9,4% so với đồng tiền của 19 quốc gia khác là bạn hàng quan trọng của Mỹ, nhưng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, riêng trong tháng 8 và tháng 9/1997 số lượng đơn đặt hàng đối với các loại hàng hoá tiêu dùng lâu bền tăng 0,6%, đạt 185,7 tỉ đôla Mỹ. Ước tính năm 1997 thâm hụt thương mại của Mỹ khoảng hơn 200 tỉ đôla (5).

Để có được mức tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của chính phủ, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hết sức quan trọng. Cả Chính phủ và FED đều thực hiện một cách linh hoạt chính sách tiền tệ tài chính để điều tiết và quản lý nền kinh tế tăng trưởng mà không gây ra lạm phát.

Do những kết quả đạt được trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và hoạt động xuất nhập khẩu, những năm 1990 là thời kỳ thứ hai Mỹ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong thời gian dài kể từ sau Thế chiến II, và như vậy, chính sách kinh tế của Đảng Dân chủ đã phát huy tác dụng. Theo dự đoán của IMF, tốc độ tăng trưởng GDP năm 1997 sẽ là 3,7% so với 2,8% năm 1996.

b) Kinh tế các nước Tây Âu.

Nền kinh tế các nước Tây Âu đang bước vào giai đoạn hồi phục sau thời kỳ phát triển chậm lại vào cuối năm 1995 và đầu 1996 (năm 1996 GDP đạt 1,7%). Động lực phát triển kinh tế của đa số các nước Tây Âu xuất phát từ việc nới lỏng dần chính sách thắt chặt tiền tệ, cùng với mức cầu trong các nước EU tăng hơn so với năm trước, chính những lý do đó đang làm giảm những mặt hạn chế của chính sách thắt chặt tài chính. Tuy vậy, tốc độ phát triển kinh tế chưa đạt tới mức để làm giảm tỉ lệ thất nghiệp của các nước Tây Âu. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức có thể đạt 2,5% (năm 1996 là 1,4%) do tăng cường xuất khẩu.

Tuy vậy, mức thâm hụt ngân sách, theo dự đoán của OECD, còn tương đối cao : 3,25% GDP, như vậy chưa đáp ứng được tiêu chí mà Hiệp ước Maastricht đặt ra.

Năm 1997 lần đầu tiên từ sau Thế chiến II, đầu tư trực tiếp vào CHLB Đức đã giảm sút. Song hoạt động thương mại năm 1997 có chiều hướng tăng. Trong nửa đầu năm 1997, Đức có thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt trong tháng 7/1997, theo thống kê của cơ quan Liên bang đạt mức 7,2 tỉ đô la. Nguyên nhân chủ yếu là đồng mác Đức giảm giá so với đồng đô la, do vậy đã kích thích xuất khẩu. Cán cân tài khoản vãng lai cho đến tháng 8/1997 gồm thương mại hàng hoá, dịch vụ và các loại chuyển khoản có số dư 4 tỉ DM so với 2,6 tỉ DM vào tháng 5/1997. Mức lạm phát của Đức trong tháng 9/1997 là 2%, mức cao nhất kể từ tháng 3/1995 bởi giá nhiên liệu tăng, đồng đôla tăng giá làm cho nhập khẩu trở nên đắt hơn. Nhưng dự đoán tốc độ lạm phát cho cả năm 1997 chỉ ở mức 1,7% (6).

Sau sự giảm sút về kinh tế năm 1995, năm 1997 nền kinh tế Pháp có dấu hiệu tăng trưởng. Xuất khẩu và đầu tư là những động lực chính của sự tăng trưởng nói trên. Đặc biệt mức đầu tư là hết sức cần thiết để hiện đại hoá và khôi phục lại công suất sản xuất của toàn bộ nền kinh tế sau khi mức đầu tư giảm vào đầu những năm 1990. Hơn nữa tiêu dùng cá nhân tăng chậm hơn so với GDP - dự đoán tăng 2,2% năm 1997 và 2,8% (7) năm 1998 do lòng tin của người tiêu dùng chưa được khôi phục, thất nghiệp cao cùng với việc gia tăng các khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội.

Năm 1996 GDP Italia chỉ đạt mức 0,7% và dự đoán năm 1997 tăng khoảng 1, 25%. Mức tăng không đáng kể bởi chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm ngăn chặn tỉ lệ lạm phát thường luôn cao hơn mức trung bình của các nước Tây Âu. Ngoài ra chính phủ Italia còn áp dụng chính sách tài chính khắc khổ với mục đích đáp ứng những tiêu chí do Hiệp ước Maastricht quy định về thâm hụt ngân sách. Tác động tổng hợp của các biện pháp nói trên đã làm cho tỉ lệ lạm phát giảm đáng kể, từ 5,3% năm 1995 xuống còn 3, 9% năm 1996 và năm 1997 có thể sẽ ở mức 1,25% (8). Tuy vậy nhu cầu tiêu dùng giảm cùng với chính sách tài chính nói trên là một trong những nguyên nhân làm cho GDP tăng chậm trong năm 1997.

Tương tự như Mỹ, nền kinh tế của Anh cũng tăng trưởng liên tục trong sáu năm qua, theo dự đoán của IMF năm 1997: 3,3%, năm 1998: 2,8% (9), nền kinh tế hoạt động gần hết công suất. Sự tăng trưởng này không phải do tác động của tốc độ xuất khẩu như thời gian trước đây, vì đồng bảng Anh đã lên giá chậm. Sự tăng trưởng kinh tế của Anh do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến mức tăng tiêu dùng cá nhân, do việc làm được cải thiện, thu nhập thực tế tăng và chính phủ mới của Anh đã thực hiện cam kết của họ trong bầu cử là lạm phát không quá 2,5%, thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 1,5% 1997 (10).

Năm 1996, lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản tăng đáng kể từ sau thời kỳ bị đình trệ, theo số liệu của IMF, GDP của năm 1993 là 0,1%, năm 1994: 0,5%, năm 1996: 3,5%. Năm 1997, IMF dự đoán GDP tăng khoảng 1,1% do mức tăng đầu tư vào tài sản cố định của chính phủ và đầu tư xây dựng nhà của các công ty tư nhân trong năm 1996 đạt 6,9%, mặt khác xuất khẩu của Nhật Bản có chiều hướng gia tăng do đồng yên mất giá. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1997, số dư trong cán cân thương mại của Nhật Bản với Mỹ là 46,5 tỷ đôla, tăng 76% so với cùng kỳ năm 1996(11). Hơn nữa, chính phủ Nhật bắt đầu điều chỉnh một số biện pháp trong lĩnh vực dịch vụ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có cao hơn so với các năm trước đó, nhưng các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về tính ổn định của mức tăng trưởng trong năm 1997 và các năm tiếp theo. Mặt khác, thị trường chứng khoán không ổn định từ năm 1996, lại bị ảnh hưởng lan truyền của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở ĐNA, và sau sự phá sản của Công ty chứng khoán Sanyo và Yamaichi, thì thị trường chứng khoán Tokyo thực sự bị rối loạn. Chỉ tính riêng trong hai tuần cuối cùng của tháng 10 năm 1997, chỉ số Nikkei đã giảm khoảng 1623 điểm. Thực tế hệ thống tài chính của Nhật cũng có nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều này được thể hiện trong thư của Bộ trưởng tài chính Mỹ, ông Robert Rubin gửi người đồng nhiệm của Nhật vào đầu tháng 11/1997, bày tỏ sự lo ngại về sự không lành mạnh của hệ thống tiền tệ và tài chính của Nhật Bản, đồng thời thúc giục chính phủ Nhật Bản có biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kích thích sự phát triển nền kinh tế của họ. Sự rối loạn của thị trường tài chính tiền tệ làm cho đồng Yên ngày càng mất giá sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới Hàn Quốc, một trong những đối thủ cạnh tranh của Nhật.

Tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, theo dự đoán vốn đã thấp, 1,1% năm 1997 (12), và như vậy thị trường lao động chưa thể được cải thiện. Tỉ lệ thất nghiệp tương đối cao, ở mức 3,25%.

c) Các nước có nền kinh tế chuyển đổi:

Cả năm 1996 nền kinh tế của các nước Đông Âu và Liên Xô cũ trong tình trạng suy thoái, mức sản xuất chỉ đạt 0,9%/năm. Trong năm 1997, nhiều quốc gia thuộc nhóm nước nói trên có chính sách phát triển mới tạo ra một kết quả đáng kể, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,0%. Đây là năm đầu tiên kể từ 1990 các nước có nền kinh tế chuyển đổi ở Trung Âu, Đông Âu và Liên Xô cũ đều có dấu hiệu tăng trưởng. Tuy vậy, trong số các nước nói trên chỉ có Ba Lan, trong năm 1997 mức tăng trưởng đạt 5,5%, Croatia đạt 5,75%, Slovakia đạt 6,0% và Slovenia đạt 4%. Những tiến bộ mà Ba Lan và các nước trên đạt được phản ánh quá trình cải cách và xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại. Tỷ lệ đầu tư của Ba Lan liên tục tăng từ năm 1992 và sự phân bố giá trị sản lượng của các ngành trong GDP do tác động của cải cách đã thay đổi. Ví dụ: ngành dịch vụ tăng từ 35% lên 52% năm 1997, tỉ trọng của các ngành xây dựng và nông nghiệp giảm.

Trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, trừ hai nước Tajikistan và Ucraina đang trong tình trạng suy thoái, còn tất cả các quốc gia còn lại có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, Gruzia là 15%, Armenia là 7%, Kyrgyzstan là 6,25% (13), sau khi nền kinh tế của các nước này đứng trước sự sụp đổ; ví dụ: Armenia giảm 14,6% năm 1993, Gruzia giảm 30% năm 1994.

Mặc dù hầu hết các nền kinh tế của các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đang trong quá trình hồi phục, tỉ lệ thất nghiệp còn rất lớn khoảng 15 triệu (14) người, tốc độ lạm phát giảm đáng kể ở các nước thuộc Liên Xô cũ, Croatia và Liên bang Nam Tư mới một phần do đầu tư nước ngoài tác động đến tỉ giá làm cho đồng tiền địa phương trở nên có giá trị.

d) Kinh tế các nước đang phát triển:

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển đạt mức tương đối cao. Trong năm 1997 dự tính tốc độ tăng GDP ở mức 6% so với 4,6% năm 1994, và 5,7% 1996. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao có thể nhận thấy tại các khu vực: tại Nam Mỹ mức dự đoán có thể đạt được trong năm 1997 là 4,4% so với 1% năm 1995, Tây A': 3,7% (năm 1997). Riêng các nước ĐNA, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ, theo các dự đoán của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu A' (ADB), vẫn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao, khoảng 6% năm 1997. Nhưng ngay từ 1996 nền kinh tế của các nước này đã có dấu hiệu giảm sút, chỉ đạt 6,5% so với 7,3% năm 1995. Mặt khác đầu năm 1997 hoạt động xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực giảm do sự giảm sút nhu cầu về sản phẩm của các ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử, công nghệ viễn thông, thêm vào đó là sức cạnh tranh của một số hàng xuất khẩu truyền thống không còn đủ mạnh đã làm giảm giá trị xuất khẩu của các nước trong khu vực. Song song với vấn đề trên, hệ thống tiền tệ tài chính ngân hàng thường được xem như là mạch máu của nền kinh tế mỗi quốc gia, lại tỏ ra yếu kém ở Thái Lan, Indonesia, Malaisia... đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và lan truyền sang các khu vực khác trên thế giới. Phần lớn các chuyên gia ngân hàng quốc tế đều có chung quan điểm về những nguyên nhân chủ yếu đối với cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính xảy ra vào tháng 7/1997 tại ĐNA, đó là:

- Sự phát triển kinh tế với tốc độ cao của các nước Thái Lan, Indonesia, Malaisia ,mà hệ thống ngân hàng đã không theo kịp, nên khi khủng hoảng xảy ra, ngân hàng đã không đủ khả năng giải quyết.

- Thâm hụt tài khoản vãng lai rất lớn. Năm 1997 của Thái Lan là 7 tỉ USD, Indonesia là 10,7 tỉ, của Malaysia là 9,1 tỉ(15). Hơn nữa các ngân hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philipin phụ thuộc nặng nề vào các khoản vay nợ ngắn hạn nước ngoài. Khi tình hình kinh tế có dấu hiệu đi xuống, các nhà đầu tư lần lượt rút vốn, các ngân hàng không có khả năng chi trả (xem bảng 3).

- Hệ thống quản lý giám sát tài chính ngân hàng quá yếu, các khoản vay không thanh toán được, dịch vụ nợ cũng như phần nợ chính của các ngân hàng lớn đều tăng. Các khoản nợ nói trên chiếm gần 20% tổng số nợ đối với Thái Lan, đối với Indonesia: 17%; Malaysia: 16%; Philipin: 14,2%(16).

- Đồng baht của Thái Lan và một số đồng tiền khác "neo" vào đồng đôla Mỹ (trừ đồng đôla Singapore). Chính sách duy trì tỉ giá cố định giữa đồng nội tệ và đôla của chính phủ Thái Lan, Indonesia... đã không còn tác dụng, khi mà nền kinh tế tăng trưởng trong sáu năm liên tục làm đồng đôla lên giá so với tất cả các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có đồng tiền của các nước ĐNA.

e) Kinh tế Trung Quốc - Đài Loan - Hồng Kông:

Nền kinh tế của Hồng Kông và Đài Loan, mặc dù có bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, năm 1997 GDP tăng khoảng 5,5% và 6,3% tương ứng. Sự phát triển kinh tế ổn định của Trung Quốc, đặc biệt sự gia tăng mức xuất nhập khẩu là động lực thúc đẩy nền kinh tế Hồng Kông và Đài Loan. Trong thời gian khủng hoảng tài chính, nhà cầm quyền Hồng Kông với sự giúp đỡ của Trung Quốc đã có biện pháp duy trì tỉ giá đồng đôla HK so với đồng USD, do đó làm tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Còn tại Đài Loan, mức tổng cầu trong nước gia tăng sau khi chính quyền Đài Loan nới lỏng chính sách tiền tệ và các dự án đầu tư công cộng, trước đó bị đình chỉ, nay được tiếp tục thực hiện.

Nền kinh tế của Trung Quốc sau khi đạt mức tăng trưởng 9,7% năm 1996 sẽ tiếp tục được duy trì và có thể đạt 9,5% năm 1997 và 10% năm 1998 (theo ADB). Thời kỳ 1993 - 1996 Trung Quốc là nước đứng đầu trong tổng số 20 nước nhận đầu tư lớn nhất thế giới, khối lượng đầu tư nước ngoài trung bình trong thời kỳ này là 35 tỉ đôla (17). Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn bởi thị trường hết sức rộng lớn, với tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định, hơn nữa giá nhân công rẻ là cơ sở cho các công ty xuyên quốc gia (TNCs) đầu tư vào các ngành cần nhiều sức lao động. Năm 1996 tổng giá trị đầu tư vào Trung Quốc là 24 tỉ đôla, năm 1997 có thể giảm xuống còn 33 - 35 tỉ đôla(18), sự giảm sút này là do chính phủ Trung Quốc giảm những ưu đãi về thuế nhập khẩu cho các dự án có số vốn dưới 30 triệu đôla(19) vào cuối năm 1996, và các dự án lớn hơn 30 triệu đôla vào cuối năm 1997. Nhưng do phản ứng của các nhà đầu tư, Trung Quốc gần đây đã gia hạn thời gian ưu đãi trên cho đến cuối năm 1997 đối với các dự án nhỏ hơn 30 triệu đôla, và đến giữa 1998 cho các dự án lớn hơn.

Trong lĩnh vực thương mại, từ 1983 giá trị xuất nhập khẩu tăng liên tục. Năm 1996 tổng kim ngạch ngoại thương đạt 150 tỉ đôla, dự đoán năm 1997 con số này tăng lên đến 180 tỉ đôla.

Do hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, cán cân buôn bán luôn trong tình trạng thặng dư, nên dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc năm 1996 đạt 120 tỉ USD, ước tính năm 1997 sẽ đạt mức 150 tỉ USD (20).

Tuy vậy, một trong những khó khăn hiện nay của Trung Quốc là quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước với số lượng lên tới hàng trăm nghìn, nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Năm 1996, các xí nghiệp này đã bị thua lỗ tới 75 tỉ USD. Dự tính trong năm 1997 con số này lên tới 87 tỉ USD.

f) Kinh tế Châu Phi:

Tiến bộ đáng kể đối với kinh tế Châu Phi là sự phục hồi của hầu hết các nước trong khu vực. Bắt đầu từ năm 1992 GDP giảm: (-0,2%), 1993 (-0,4), và từ năm 1994: GDP tăng 2,1%, năm 1995 là 2,8%, năm 1996 là 4,3% và năm 1997 dự đoán sẽ đạt 4%. Lạm phát giảm từ 244% năm 1994 xuống còn 48%(21) năm 1997. So với năm 1996 tốc độ tăng trưởng GDP Châu Phi có phần giảm sút, (Ai Cập, Sudan, Marocco) và 69% ở miền Nam Châu Phi. Bên cạnh đó ngành công nghiệp khai khoáng (vàng, đồng, crôm, dầu mỏ...) tăng cả về khối lượng và giá trị bởi giá cả đối với các sản phẩm cơ bản có chiều hướng tăng trong năm 1997 (5%), điều kiện thương mại tốt hơn so với năm trước, do vậy các quốc gia của châu lục này có thêm nguồn ngoại tệ dùng để nhập khẩu thiết bị, bán thành phẩm cho các ngành kinh tế. Tuy vậy trái với sự tăng trưởng trong nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng, ngành công nghiệp chế biến lại giảm sút ở hầu hết các nước do các hoạt động kinh tế kém hiệu quả. Sự yếu kém này là nguyên nhân thúc đẩy quá trình tư nhân hoá - một phần trong chương trình cải cách cơ cấu kinh tế ở các nước như Ai Cập, Algieria, Marocco, Ethiopia, Kenya, Uganda, Zambia...

Hiện nay Châu Phi vẫn là châu lục nghèo nhất trên thế giới, vì vậy trong Hội nghị thượng đỉnh của các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Denver vừa qua, trợ giúp cho châu lục này là một vấn đề được đề cập đến trong chương trình nghị sự của các nguyên thủ quốc gia nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại đối với các nước trong khu vực, đặc biệt với các nước đang tiến hành cải cách kinh tế.

g) Kinh tế một số nước Nam Mỹ vùng Caribê:

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mexico, nền kinh tế các nước trong khu vực bắt đầu tăng trưởng. Mức tăng GDP trung bình là 3,5% năm 1996, năm 1997 dự đoán sẽ là 4,4%. Các nước bị ảnh hưởng nặng của cuộc khủng hoảng nói trên đã có tốc độ phát triển tương đối cao. Nếu GDP của Mexico năm 1995 giảm (- 6,2%), thì năm 1996 đạt mức 5,1%, năm 1997 ước tính đạt 6,5%. Số liệu tương ứng của Argentina (- 4,6%); 4,6% và 7,6% (22). Sự tăng trưởng của kinh tế Mexico là do xuất khẩu tăng vì đồng peso giảm giá trị từ 1994. Tuy vậy thu nhập thực tế giảm 1/5, điều này có thể được giải thích bởi sự tăng trưởng không đồng đều giữa khu vực xuất khẩu có công nghệ hiện đại với giá trị xuất khẩu tăng 2 lần trong 6 năm qua, và khu vực xuất khẩu sử dụng công nghệ đã lỗi thời. Mặt khác, cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân đều gia tăng đã kích thích sự tăng trưởng đối với nền kinh tế.

Trong số các nước Nam Mỹ, Brazil ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ, tài chính ở Mexico, nhưng lại có tốc độ tăng GDP thấp hơn so với các nước khác. Năm 1996 là 2,9% năm 1997, dự đoán là 3,4%, do chính phủ áp dụng "Kế hoạch thực tế" nhằm giảm bớt sự phát triển quá nóng của nền kinh tế sau khi GDP đạt mức 5,8% năm 1994. (23)

Cùng trong thời gian từ sau khủng hoảng, lạm phát của các nước trong khu vực tiếp tục giảm đáng kể từ 23,4% năm 1995 xuống dưới 19,4% năm 1996; năm 1997, tốc độ lạm phát trung bình cho các nước trong khu vực sẽ ở mức một con số. Để đạt được kết quả trên, chính phủ các nước đã áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ tài chính. Một số nước có chỉ số lạm phát rất thấp: Argentia 1%; Brazil 10%, thấp nhất từ 1950 trở lại đây. Riêng Venezuela có tốc độ lạm phát cao hơn 100% năm 1996 sau khi chính phủ nước này thực hiện chính sách cải cách kinh tế, thả nổi giá cả, trong năm 1997 ước tính chỉ số này sẽ giảm 50%(24).

Tuy có những tiến bộ về kinh tế trong toàn bộ khu vực, phần nào đã cải thiện đời sống của người dân ở một số nước như Chilê, Pêru Mexico... nhưng vẫn có tới 200 triệu người sống trong điều kiện đói nghèo, vì vậy cải cách và điều chỉnh chính sách kinh tế là hết sức cần thiết.

Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực ĐNA và Đông A' chưa kết thúc và sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước trong thời gian còn lại của năm 1997, và sẽ để lại hậu quả cho những năm tiếp theo, nhưng nền kinh tế thế giới trong năm 1997 vẫn trên đà tăng trưởng sau thời kỳ trì trệ. Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, trong đó phải kể đến việc thực hiện có hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô thông qua việc phối hợp một cách linh hoạt, hợp lý giữa chính sách tài chính, tiền tệ ở hầu hết các nước phát triển, và tác động của quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá đang diễn ra hết sức sâu rộng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tiền tệ, tài chính, nhưng lợi ích cùng những ảnh hưởng tiêu cực do quá trình này mang lại không giống nhau đối với từng nước. Vì vậy mỗi quốc gia cần cố gắng tìm cho mình một vị trí thích hợp trong thế giới luôn biến động, khi mà nền kinh tế đang được toàn cầu hoá, bởi không có một "bàn tay vô hình nào" có thể làm cho thu nhập của các nước đang phát triển vốn đã rất thấp tiến gần tới mức thu nhập của các nước phát triển, nếu không phải là sự cố gắng của chính bản thân các nước đang phát triển. Kinh nghiệm của các nước ĐNA cho thấy sự phát triển lâu dài, bền vững không chỉ đạt được một cách đơn giản là thông qua tự do hoá nền kinh tế và dựa quá nhiều vào nguồn vốn bên ngoài.

Một chính sách kinh tế lành mạnh, thận trọng là cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng, tối đa hoá lợi ích, giảm tới mức tối thiểu tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá nền kinh tế thế giới.

Tài liệu trích dẫn:

(1) IMF International Financial Statistics, 1997.

(2) IMF International Financial Statistics, 1997.

(3) BIS, IMF, International Financial Statistics, 1997.

(4) The Challenge is Trade, David Hale, 1997.

(5) Washington Economic Strategy Institute, 1997. The Commerce Department Report 10.1997.

(6) IMF, International Financial Statistics, 1997.

(7) Như trên.

(8) Như trên.

(9) Mercantilist Muddles, Martin Wolf, 1997.

(10) IMF, World Economic Outlook, 1997.

(11) Ministry of Finance, Japan, The Nikkei Weekly, November 3rd, 1997.

(12) IMF, International Financial Statistics, 1997.

(13) UN and ECE Publications, 1997.

(14) Economic Commission for Europe, Economic Servey of Europe in 1996-1997, UN Publications.

(15) J.P. Morgan September 1997.

(16) BIS Jardine Fleming, 1997.

(17) World Investment Report 1997, UN, New York.

(18) Standard and Poor's DRI, IMF, Moody's Investors Services INC, Morgan Standley.

(19) Standard and Poor's DRI, IMF, Moody's Investors (20) Như trên.

(21) IMF, International Financial Statistics, 1997.

(22) Salomon Brother,1997. Merrill Lynch 1997.

(23) Caspian Securities, 1997.

(24) Morgan Standley, Witter Discover, 1997.

Servey of Europe in 1996 - 1997, UN Publications./.

Tác giả: Ngô Duy Ngọ.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top