• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Vài nét về phong trào công nhân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG
SÀI GÒN - CHỢ LỚN



Phong trào công nhân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn từ cuối năm 1954 đến những năm 1959 - 1960 đã có những bước phát triển mới, mạnh mẽ và rộng lớn hơn nhiều so với các thời kỳ trước đó. Trong những năm đầu Sài Gòn - Chợ Lớn là Trung tâm đấu tranh chính trị ở miền Nam, giai cấp công nhân và lao động đã làm nòng cốt trong các phong trào đấu tranh trực diện với kẻ thù như phong trào hòa bình, đòi Hiệp Thương Tổng Tuyển cử, đòi quan hệ Bắc Nam, thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình, phong trào đòi tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, đòi tăng lương cải thiện sinh hoạt đời sống, phong trào cứu tế nạn nhân hỏa hoạn, chống cướp đất đuổi nhà, phong trào tẩy chay trưng cầu dân ý bịp bợm, bầu cử Quốc hội riêng rẽ v.v... Những phong trào đó đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, có tác dụng giáo dục Cách mạng cho quần chúng, giành được 1 số quyền lợi thiết thực, buộc địch phải ghi vào hiến pháp những điều khoản về quyền lợi lao động đồng thời vạch mặt độc lập và dân chủ giả hiệu của chế độ Mỹ - Diệm, bước đầu làm cho quần chúng thấy được tính chất bịp bợm của các nghiệp đoàn do chúng nuôi dưỡng. Trong những năm sau hòa bình phong trào nông thôn bị đánh phá ác liệt, nông dân bị vây hãm trong không khí đen tối nặng nề thì phong trào đô thị và đồn điền nói chung đặc biệt là phong trào công nhân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn còn có tác dụng hỗ trợ động viên nông thôn rất lớn. Những năm qua, từ 1958 trở đi dù bị đánh phá ác liệt nhưng phong trào nông dân vẫn không ngừng phát triển, tuy không rầm rộ rộng lớn nhưng vẫn nổ ra liên tục, sâu rộng trong từng ngành, từng giới không kém phần quyết liệt và không bao giờ dứt.



Chính sách khủng bố tàn bạo của địch đã gây tổn thất nghiêm trọng đối với cơ sở cách mạng trong công nhân thành phố. Nhưng bộ mặt độc lập dân chủ giả và phát xít thật của chính quyền Mỹ - Diệm lại càng lộ rõ. Đó là bài học xương máu mà đội ngũ công nhân Sài Gòn đã rút ra trong nhiều năm sống với chế độ Mỹ - Ngụy, khiến cho phong trào đấu tranh chống lại chúng không bao giờ dứt. Phong trào công nhân có lúc bùng lên sôi nổi quyết liệt, có lúc lẻ tẻ nhưng ngày càng phát triển cả về số lượng cuộc đấu tranh, cả số người tham gia đấu tranh. Con số thống kê của Bộ Lao động Sài Gòn trong 4 năm liền từ 1960 đến 1963 cũng đã chứng minh một phần sự thật đó:

- 1961: 287 cuộc đấu tranh, 82.230 người tham gia

- 1962: 324 cuộc đấu tranh, 103.032 người tham gia

- 1963: 505 cuộc đấu tranh, 200.000 người tham gia

Năm 1961 đáng chú ý nhất là cuộc đình công chiếm xưởng ngày 4-9-1961 của 400 công nhân hãng dầu Mỹ Stanvác trực tiếp chống chủ Mỹ bạc đãi công nhân Việt Nam và đòi tăng lương. Cuộc đấu tranh này lại nổ ra trong khu địch ban hành lệnh khẩn cấp, cho nên địch rất ngoan cố, kéo dài đến 3 tháng mới giải quyết tăng lương từ 6% đến 12% cho công nhân, nhưng vẫn thu được thắng lợi chính là nhờ ý thức đoàn kết giai cấp của công nhân. Cuộc đấu tranh đã biết tranh thủ một lực lượng ủng hộ đông đảo bao gồm trên 100 nghiệp đoàn công nhân tại Sài Gòn (trong đó có nghiệp đoàn vận tải, gần 40.000 công nhân lái xe), các nghiệp đoàn công nhân cao su miền Đông bao gồm hàng vạn công nhân, nông dân và một số giới kinh doanh. Thiệt hại của chủ hãng lên đến từ 3 đến 5 triệu đồng miền Nam mỗi ngày, hàng trăm cây xăng tê liệt và việc cung cấp xăng dầu cho máy bay Mỹ bị ngưng trệ từng lúc.

Năm 1964, sau khi Diệm - Nhu đổ, nội bộ ngụy quyền lục đục, đảo chánh xảy ra liên miên, phong trào công nhân cũng nổ ra, nhiều cuộc bãi công lớn kéo dài, trong đó có những cuộc bãi công chiếm xưởng bị đàn áp dã man dẫn đến tổng đình công rất quyết liệt. Đáng chú ý là cuộc bãi công chống sa thải của 600 công nhân công quản xe buýt ngày 22.2, cuộc bãi công 5 ngày của 7.000 công nhân bốc vác hãng Xtíc và Sovicotra ngày 10-3, cuộc đấu tranh chống sa thải của 800 công nhân Vimytex ngày 17-4, cuộc bãi công ngày 9-6 của 1 vạn công nhân bốc xếp cảng Sài Gòn. Trong ngày 25-8 hàng vạn công nhân và lao động đã cùng đồng bào và sinh viên học sinh xuống đường đấu tranh bao vây dinh Nguyễn Khánh, chiếm đài phát thanh, chiếm bót Lê Văn Ken và buộc Nguyễn Khánh phải xé bỏ hiến chương Vũng Tàu, quyết liệt nhất là cuộc bãi công chiếm xưởng, bị đàn áp đẫm máu của 1.600 công nhân Vinatexco trong tháng 1, cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu và kéo dài 3 tháng của công nhân Vimytex trong tháng 8, cuộc biểu tình chống Mỹ của 12.000 công nhân tắcxi và xích lô trong tháng 5 và cuộc tổng đình công biểu tình của 5 vạn công nhân toàn thành phố ngày 21 và 22.9.1964. Đó là những cuộc đấu tranh dù dưới khẩu hiệu chính trị hay kinh tế cũng có một ý nghĩa chính trị sâu sắc, tấn công mạnh vào chế độ phát xít của Mỹ-ngụy và nói lên tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên quyết của công nhân Sài Gòn - Gia Định góp phần thúc đẩy thêm một bước sự suy sụp nghiêm trọng của chế độ Mỹ-ngụy.

Trong những năm từ 1961 đến 1965, Mỹ-ngụy tiến hành chiến tranh đặc biệt. Để giữ vững địa bàn đứng chân của chúng, Mỹ-ngụy ra sức triển khai bộ máy kềm kẹp dày đặc và tinh vi ở đô thị. Địa bàn trọng điểm là nhà máy và xóm lao động, đối tượng trọng điểm là công nhân và lao động. Phong trào công nhân và lao động bị khủng bố nặng nề, nhưng không bị dập tắt và vẫn phát triển liên tục, giành được một số quyền lợi dân sinh, dân chủ, phá được một phần thế kềm kẹp của địch, làm cho hậu phương của chúng không sao ổn định, phải luôn đối phó với ta về nhiều mặt. Cuộc đấu tranh của công nhân rất quyết liệt cả khi địch ban hành lệnh giới nghiêm và có khi phải đổ máu. Phong trào ở xóm lao động tuy chưa mạnh, nhưng đồng bào vẫn liên tục và kiên trì tìm mọi cách không thực hiện các nội quy kiểm soát của địch làm cho phòng khóm chiến lược, nhiều nơi trở thành hình thức. Có những lúc cơ sở Cách mạng bị địch đánh phá mạnh, bị tổn thất nặng nhưng phong trào đấu tranh của quần chúng vẫn liên tục diễn ra. Nhiều lúc, nhiều nơi, quần chúng đã tự động đứng lên đấu tranh giành giật với địch từng quyền lợi chính đáng của mình, có khi quyết liệt như cuộc bãi công chiếm xưởng của công nhân Stanvac 1961, như cuộc biểu tình tẩy chay Mỹ của 12.000 công nhân tắc xi năm 1964. Từ sau hai cuộc đảo chính (1-11-1963 Minh lật Diệm và 30-1-1964 Khánh lật Minh) đặc biệt là trong năm 1964 phong trào công nhân càng trở nên rầm rộ, sôi nổi quyết liệt mà đỉnh cao là cuộc tổng đình công biểu tình 2 ngày 21 và 22-9-1964.

Bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, từ giữa năm 1965 Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Cuối năm 1965, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất vấp phải thất bại, Mỹ có mặt ở miền Nam đã lên đến 18 vạn quân. Cuối năm 1966, mở cuộc phả công chiến lược mùa khô lần thứ hai lớn hơn và cũng thất bại nặng nề hơn, quân Mỹ đã lên đến 39 vạn. Cho đến đầu năm 1968, bị một đòn khoáng váng bất ngờ của quân và dân ta trong tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân, lúc này quân Mỹ ở miền Nam đã lên đến nửa triệu.

Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng chiến tranh đã làm đảo lộn tình hình mọi mặt kinh tế, chính trị, đời sống, tâm lý ở đô thị, đặc biệt là ở Sài Gòn.

Những ngày 28, 29-4-1966 áp sát ngày 1-5, không khí chuẩn bị càng sôi nổi, hàng ngày xe loa phóng thanh đi cổ động trong các xóm lao động kêu gọi đồng bào lao động đi biểu tình ngày 1-5. Phía địch cũng phản kích quyết liệt. Đài phát thanh Sài Gòn không ngớt đọc lệnh cấm biểu tình của Đô trưởng, bọn tâm lý chiến không ngừng gieo hoang mang như: Việt cộng sẽ đảo chánh ngày 1-5, sẽ có xung đột đổ máu giữa các Tổng liên đoàn, ai đi biểu tình sẽ mang họa v.v...

Đến ngày 1-5 có 3 cuộc biểu tình, một của Tổng liên đoàn lao động, một của lực lượng thống nhất hành động lao động Việt Nam và một nửa của Tổng liên đoàn Lao Công.

Tổng liên đoàn Lao Công lúc đầu không chủ trương biểu tình ngày 1 tháng 5 nhưng thấy bên Tổng liên đoàn lao động liên tiếp mở hội thảo và chuẩn bị ráo riết nên cũng tổ chức biểu tình vì nếu không thì bị cô lập, uy tín sẽ suy sụp. Đoàn của lao công gồm khoảng 2.000 người phần nhiều là mướn bằng tiền vì các nghiệp đoàn thụôc hệ lao công tương đối tiến bộ đều không đi dự. Chỉ có 300 xe tắc xi, xe đò là có mặt từ đầu đến cuối, còn số người thì qua một đoạn đường lại rút lui một số, cuối cùng chỉ còn lại lối 1.000 người. Yêu sách của đoàn lao công chỉ có một số khẩu hiệu chung chung về quyền lợi lao động, vài khẩu hiệu chính trị mơ hồ, và tuy xuất phát tuần hành sớm hơn các đoàn kia, nhưng kém hấp dẫn, ký giả ngoại quốc cũng không màng theo dõi.

Lực lượng thống nhất hành động lao động Việt Nam cũng có một số khẩu hiệu chính trị chung chung nhưng cũng có khẩu hiệu tiến bộ như đòi chấm dứt ném bom, đình chỉ rải chất độc hóa học... và nhất là không có khẩu hiệu chống cộng. Tuy đoàn biểu tình này có độ trên dưới 2.500 người nhưng cũng có tiếng vang vì đoàn xe lam 600 chiếc có những khẩu hiệu đúng đắn, lộ trình tuần hành có đi đến sứ quán Mỹ, trên đường đi có hô những khẩu hiệu tiến bộ.

Từ sau ngày 1-5 đến hết năm 1996, có các cuộc đấu tranh dưới hình thức hội thảo đưa yêu sách đến bãi công của công nhân các nghiệp đoàn khuân vác, dệt, xăng dầu, nhà máy xay... ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân hãng dệt Nam Hòa, đòi thả những đại biểu công nhân Nam Hòa bị ngụy bắt giữ. Các cuộc đấu tranh diễn ra trong tháng 5. Kế đến là cuộc đấu tranh rộng lớn 15.000 công nhân xây dựng trên 10 công trường thuộc hãng thầu RMK-BRJ chạy dài từ Tân Sơn Nhất, Biên Hòa ra đến Cam Ranh, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Chu Lai. Ngày 21-6, 700 công nhân tại các công trường xây dựng Tân Sơn Nhất, Cảng mới Sài Gòn, sân bay Biên Hòa bãi công. Ngày 24-6 cuộc bãi công lan ra đến miền Trung với số công nhân tham gia là 15.000 người. Cuộc đấu tranh này được công nhân hãng dầu Caltex ủng hộ và được 1.600 công nhân ngoại quốc là công nhân Phi-lip-pin và Nam Triều Tiên (cùng hãng RMK-BRJ) hưởng ứng. Nội dung đấu tranh là đòi tăng lương, chống sa thải, chống kỳ thị chủng tộc, trực tiếp đánh vào thái độ hống hách khi rẽ người Việt Nam của bọn chủ thầu Mỹ. Cuộc bãi công làm tê liệt hơn 10 công trường xây dựng công trình quân sự thuộc loại ưu tiên nhất của Mỹ.

images


Sang năm 1967, phong trào bãi công vẫn tiếp diễn trong các ngành kinh tế và quân sự quan trọng của Mỹ ngụy: Cuộc bãi công chiếm xưởng hồi đầu năm của công nhân Eiffel (hãng này lãng thầu xây xất công trình quân sự cho Mỹ): cuộc bãi công của 2.700 công nhân Việt Nam làm việc tại công trường tổng kho Long Bình và cơ quan viện trợ Mỹ đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc (tháng 1 và tháng 2/1976). Cuộc bãi công của 700 công nhân hãng dầu ESSO Sài Gòn phản đối chủ đuổi 21 công nhân vô cớ. Công nhân Esso Nhà Bè, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng ủng hộ công nhân Esso Sài Gòn. Ngày 23-10, 300 công nhân hãng sửa chữa cầu cống Paer bãi công đòi tăng lương và chống khủng bố. Ngày 2-12, 400 công nhân viên chức người Việt tại chi nhánh hàng không Pan Américan Tân Sơn Nhất bãi công làm ngưng trệ các hoạt động của hãng này tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc đấu tranh này lại được toàn thể 700 công nhân viên chức hãng Pan Américan chi nhánh Sài Gòn hưởng ứng ngay bằng cuộc bãi công đòi tăng lương 40%.


images


Năm 1968, được mở đầu bằng cuộc bãi công ngày 11-1-1968 của 3.500 công nhân điện nước (Công quản) chống cúp lương. Sức điện thành phố giảm đi phân nửa, nhiều ngành sản xuất ngưng trệ. Địch lùng bắt giam 1 số công nhân và cho quân đội đến chiếm đóng 1 nhà máy điện (Chợ Quán và Thủ Đức). Ngày 12-1, 5.000 công nhân Cảng bãi công hưởng ứng công nhân điện nước. Quân đội Mỹ lại điều 1 số đơn vị lên Cảng bóc dở hàng, nhưng không phá được cuộc bãi công của công nhân Việt Nam. Ngày 13-1, địch cho cảnh sát sục sạo vào các xóm lao động với lệnh trưng dụng, gom bắt những công nhân điện, nước công nhân bóc dở. Ngày 15-1, có thêm 5.700 công nhân xe buýt, dệt, cao su và diêm quẹt bãi công hưởng ứng công nhân điện nước và công nhân cảng. Đến ngày 16-1, tổng số công nhân bãi công bao gồm các ngành điện nước, Cảng, Vận tải Công cộng, Dệt, cao su, diêm quẹt, nhà máy xay, xăng dầu Shell, Caltex, Esso... lên đến 17.000 người. Chính quyền ngụy thấy nguy cơ bãi công lan rộng mặc dùng chúng đã dùng những biện pháp mạnh, nhưng không hiệu quả nên vội vàng chấp nhận yêu sách của công nhân, tăng lương đồng loạt 12% kể từ hàng 9/1967.


Như vậy là từ sau ngày 1-5-1966 đến đầu năm 1968, phong trào công nhân đấu tranh vẫn tiếp diễn sôi nổi, tuy chưa tập trung lực lượng thành phong trào lớn, nhưng cũng thể hiện nét mới là ý thức đoàn kết kiên quyết đấu tranh đã đi đến thắng lợi. Mặc dù phong trào còn trong phạm vi chủ yếu đòi quyền lợi dân sinh, nhưng cũng đã qui tụ một lực lượng lớn đồng hành, đồng nghề liên kết nhau trên một địa bàn lớn từ Sài Gòn ra miền Trung và có khi không đồng ngành nghề nhưng hỗ trợ, hưởng ứng nhau rất nhiệt tình. Một cuộc đấu tranh nổ ra, liền sau đó có lực lượng hưởng ứng ngay, nhưng nếu hưởng ứng lần thứ nhất chưa có hiệu quả thì lần thứ hai, thứ ba, cuối cùng đi đến kết quả mới thôi. Như cuộc đấu tranh của công nhân Điện nước bắt đầu chỉ có 3.000 người, nhưng cuối cùng chỉ trong vòng 6 ngày, 3 đợt tiếp ứng nhau cuối cùng lên đến 17.000 người trên một bình diện rất rộng, bao gồm nhiều cơ sở, nhiều ngành nghề. Đó là một bước tiến mới trong ý thức đoàn kết đấu tranh của công nhân trong thời gian này. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra ngay giữa Sài Gòn vào Mậu Thân 1968.

Có những cuộc đấu tranh kéo dài nhưng công nhân viên bền chí như cuộc đấu tranh đòi tăng lương 50% của Liên đoàn công nhân hỏa xa kéo dài trên hai năm dẫn đến cuộc đình công toàn ngành ngày 3-5-1971 bao gồm 3.800 công nhân buộc ngụy quyền phải chấp nhận tăng lương 42%, Những cuộc đấu tranh sa thải trả thù, chống khủng bố công nhân và cán bộ nghiệp đoàn, chống luật 10/68 và xé rào chống kềm kẹp của bọn lao công Trần Quốc Bửu đã nổ ra nhiều hơn trước.

Năm 1972, đánh dấu thất bại toàn diện của Mỹ-ngụy trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. cuối năm 1972 đế quốc Mỹ lật lọng không chịu ký hiệp định Paris như chúng đã thỏa thuận với ta. Chúng lại mở cuộc phản công chiến lược bằng không quân vào Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm. Nhưng thất bại nặng nề, cuối cùng chúng buộc phải ký hiệp định Paris vào tháng 1-1973. Thất bại của Mỹ và thắng lợi của ta mở ra một giai đoạn mới, gian đoạn cuối cùng, nhân dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc tổng nổi dậy của công nhân lao động và đồng bào toàn thành phố ngày 30-4 diễn ra nhanh chóng và thắng lợi là một cách hợp đồng tuyệt đẹp với đại quân giải phóng Thành phố. Điện, nước, giao thông liên lạc, phát thanh, truyền hình, an ninh trật tự, sinh hoạt của quần chúng... tất cả đều đi vào ổn định và bình thường. Đứng ở góc độ của mình, đồng bào nhiệt liệt hoan hô bộ đội, nhưng với con mắt quân sự của mình, anh bộ đội cũng đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân. Đồng chí Văn Tiến Dũng trong tập hồi ký Đại thắng mùa xuân ghi lại: "Quần chúng đã vào trận: quyết chiến đúng lúc, không sớm mà cũng không muộn quá. Hành động yêu nước của nhân dân tạo ra khí thế cách mạng trên các đường phố, có sức mạnh to lớn. Đây là cái quí nhất của phong trào quần chúng Sài Gòn - Gia Định và đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh, qua nhiều năm của đảng bộ thành phố".



(Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến 1945 – 1975)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top