Chia Sẻ Vài nét về chủ nghĩa tư bản Nhật

Trang Dimple

New member
Xu
38
Đầu thế kỷ này, nhà kinh tế học người Anh John Maynar Keynes đã nói: "Làm tiền và yêu tiền là đặc tính cơ bản của chủ nghĩa tư bản". Về mặt này, chủ nghĩa tư bản ở đâu cũng giống nhau. Tuy nhiên "cách làm tiền và yêu tiền như thế nào" thì giữa các nhà tư bản có khác nhau. Do đó người ta chia chủ nghĩa tư bản thế giới thành 3 mô hình khác nhau: chủ nghĩa tư bản Mỹ, chủ nghĩa tư bản sông Rhin và chủ nghĩa tư bản Nhật. Gần đây do sự "thần kỳ" trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nhật, nhiều nhà kinh tế đổ xô vào nghiên cứu mô hình này và nhiều nước tìm cách áp dụng "mô hình Nhật" vào công cuộc phát triển nền kinh tế của nước mình.

Trước hết, xin nhắc lại một vài số liệu mà ai cũng biết nhưng là cần thiết. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Nhật là nước bại trận, kinh tế bị tàn phá nặng và người ta đã xếp Nhật vào loại các nước đang phát triển. Ngày nay, Nhật là nước giàu nhất nhì thế giới, GDP tính theo đầu người năm 1991 là 29.000 USD, tức là trên cả Mỹ (20.000) và Đức. Hiện nay Nhật là nước xuất khẩu tư bản quan trọng nhất. Năm 1983, Nhật xuất siêu chỉ có 35 tỷ USD, năm 1985 con số đó đã lên đến 53 tỷ USD, làm cho Nhật nhanh chóng trở thành cường quốc tài chính thế giới. Xuất khẩu tư bản từ 17,7 tỷ USD năm 1983 tăng vọt lên 49,7 tỷ USD năm 1984 và 64,5 tỷ năm 1985, nghĩa là lớn hơn xuất khẩu tư bản của tất cả các nước OPEC cộng lại ở thời kỳ thịnh vượng. Tài sản ròng của Nhật ở nước ngoài lên đến 129,8 tỷ USD, biến Nhật thành nước chủ nợ lớn nhất thế giới (tài sản ròng của Anh trên thế giới là 90 tỷ USD và Tây Đức là 50 tỷ USD (năm 1986). Vào thời điểm này tài sản ròng của Mỹ trên thế giới là gần với âm. Bốn ngân hàng lớn nhất thế giới và 6 trong số 10 ngân hàng đứng đầu thế giới đều là của Nhật.

Sức mạnh của Nhật hiện nay không chỉ đơn thuần là về kinh tế. Từ sức mạnh kinh tế, Nhật đang vươn lên dần trở thành một cường quốc quân sự với chi tiêu quốc phòng hàng năm ở mức "khiêm tốn" là 50 tỷ USD (lớn gấp 2 lần GDP của ta) và cường quốc chính trị với triển vọng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ.

Sau đây chúng ta thử xem xét cách người Nhật làm thế nào để đạt được những thành tựu to lớn, vững chắc trong một thời gian tương đối ngắn như vậy.

Lịch sử chính trị của nước Nhật sau chiến tranh thế giới lần thứ II chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Từ 9/1945 đến 2/1952 là giai đoạn Nhật bị quân đội Đồng minh chiếm đóng cụ thể là quân đội Mỹ.

- Giai đoạn 2: Từ 28/4/1952 khi Hòa ước San Francisco bắt đầu có hiệu lực. Nhật trở thành một nước độc lập nằm trong quỹ đạo của phương Tây, gắn bó với Mỹ về mặt quân sự bằng Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ 1952. Hiệp ước này được gia hạn vào 1996.

Trong 7 năm đầu, chính quyền chiếm đóng của Mỹ đã thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ cơ sở kinh tế của chủ nghĩa quân phiệt Nhật và đưa Nhật đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản Mỹ, bao gồm việc giải tán các tập đoàn tư bản độc quyền kiểu gia đình Zaibatsu), cải cách ruộng đất, thành lập các công đoàn kiểu Mỹ, mở rộng quyền dân chủ, cho phép phụ nữ tham gia hoạt động chính trị và cải cách giáo dục. Trong đó việc xóa bỏ các tập đoàn độc quyền và cải cách ruộng đất đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Nhật sau này. Trước chiến tranh, quyền lực ở Nhật tập trung vào các gia đình tư bản độc quyền này. Ví dụ tại công ty Mitsui, 10 gia đình có tộc họ với nhau đã chiếm 64% cổ phần công ty. ở các công ty khác cũng vậy. Ngày 2/11/1945 chính quyền chiếm đóng ra lệnh niêm phong tất cả tài sản của 15 Zaibatsu lớn nhất. Đạo luật chống độc quyền có hiệu lực từ 4/1947 đã đưa đến việc giải thể 325 công ty độc quyền. Các nhà doanh nghiệp có liên quan đến chính quyền quân phiệt trước đây đều bị sa thải hoặc bị bắt, mở đường cho các công ty mới nhỏ và vừa hoạt động cũng như tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp mới trẻ hơn, sáng tạo hơn phát huy tài năng. Đạo luật cải cách ruộng đất quy định mỗi nông dân được trực tiếp canh tác 3 hecta và cho canh tác thu tô một héc ta. Trước cải cách, năm 1945, 46% đất canh tác là của địa chủ cho tá điền lĩnh canh và chỉ có 56,5% nông dân là người sở hữu ruộng đất. Năm 1950 số ruộng cho lĩnh canh thu tô giảm xuống còn 10%, trong lúc số nông dân có ruộng đất tăng lên 87,6%. Thông qua việc phát hành công trái, nhà nước thu mua thóc với giá 9.780 Yên sản lượng một hecta, và bán lại cho nông dân với giá 7.560 Yên. Giá phải trả này, chỉ bằng 7% giá trị vụ mùa hàng năm. Công cuộc cải cách được thực hiện nhanh chóng và không bị các địa chủ chống lại, đó là nhờ uy thế của chính quyền chiếm đóng Mỹ.

Thực hiện kế hoạch do Mỹ vạch ra, thời kỳ này Nhật tập trung ưu tiên cho việc sản xuất than và thép với khoản bù lỗ rất lớn của nhà nước. Ngân hàng tái thiết đã giành 30% số vốn của mình tài trợ cho ngành công nghiệp than. Đối với hai ngành sản xuất ưu tiên này, Chính phủ bù lỗ một khi giá thành vượt quá giá bán, số tiền bù lỗ này chiếm 8,7% (1946); 11,1% (1947); 13,2% (1948) và 24,2% (1949) ngân sách chi tiêu của Chính phủ.

Tình hình này khiến cho lạm phát lên cao và ngân sách bị thâm hụt lớn. Dư luận nhân dân Mỹ phê phán chính sách của chính quyền chiếm đóng Mỹ đã dùng tiền của những người đóng thuế ở Mỹ để duy trì sự chiếm đóng nước Nhật. Để đối phó với dư luận chính phủ, Mỹ đã phái Joseph Dodge, một chuyên gia tài chính có kinh nghiệm của Mỹ, người đã giúp Tây Đức ổn định nền tài chính sau chiến tranh, sang giúp Nhật ổn định nền tài chính. Dodge đã đưa ra các biện pháp như quy định mức tối đa cho chi tiêu, triệt để tăng cường thu thuế, giảm bớt trợ giá và các khoản tín dụng của ngân hàng và ổn định tiền lương. Mặt khác, để thúc đẩy xuất khẩu và ổn định tỷ giá đồng Yên, Dogze đưa ra quy định tỷ giá cố định của đồng Yên so với đôla là 360 Yên/1 USD.

Sự giúp đỡ của Mỹ trong việc phục hồi kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh là yếu tố rất quan trọng, nhưng không có tính quyết định cho sự "thần kỳ" của Nhật Bản sau này, bởi lẽ bằng kế hoạch Marshall, Mỹ cũng đã giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế sau chiến tranh, nhưng lại không có sự "thần kỳ" nào xảy ra ở đây cả. Do đó cần phải tìm "sự thần kỳ" bằng cách nghiên cứu xem xét cách làm ăn của người Nhật.

Để đề phòng chủ nghĩa quân phiệt Nhật ngóc đầu dậy, chính quyền chiếm đóng Mỹ đã áp đặt cho Nhật một bản Hiến pháp trong đó có điều 9 cấm Nhật không được tái vũ trang. Trớ trêu thay, chính điều này lại trở thành một lợi thế của Nhật là không phải chi tiêu lớn cho nền quốc phòng và chạy đua vũ trang mà dồn tất cả nhân lực, vật lực vào công cuộc xây dựng kinh tế. Đành rằng hàng năm Nhật vẫn phải chi khoảng 500 triệu USD để góp phần trang trải những chi tiêu của quân Mỹ đóng trên đất Nhật. Nhưng đây là một sự trả giá rất rẻ so với việc nếu Nhật phải tự đứng ra lo liệu lấy công việc phòng thủ đất nước. Mặt khác số tiền này lại được tiêu bằng Yên trên đất Nhật, qua những dịch vụ cho quân Mỹ, do đó nó đã góp phần tạo công ăn việc làm và phát triển công nghiệp dịch vụ ở Nhật. Tuy nhiên, việc Nhật chấp nhận có điều 9 trong Hiến pháp không phải chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn do phong trào mạnh mẽ của nhân dân Nhật chống nguy cơ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt và tái vũ trang. Sau khi ký hòa ước San Francisco, Nohusuke Kishi, một cựu bộ trưởng chiến tranh trước 1945 sau khi ra tù đã được bầu làm chủ tịch Đảng Dân chủ - Tự do và trở thành thủ tướng Nhật. Việc Kishi ký Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ và đề nghị một đạo luật tăng quyền hạn cho lực lượng cảnh sát Nhật đã làm dấy lên phong trào chống đối mãnh liệt của nhân dân. Ngày 15/6/1959, đã có 5.600.000 người biểu tình ở Nhật Bản khiến Tổng thống Mỹ Eisenhower phải hủy bỏ chuyến đi thăm Nhật. Năm 1960, chính phủ Hayato Ikeda lên thay, trước áp lực của nhân dân đã dành ưu tiên cho sự phát triển kinh tế nhằm tăng gấp đôi thu nhập cá nhân của người Nhật trong một thời gian ngắn.

Nhân tố thứ 2 góp phần vào sự phát triển "thần kỳ" của kinh tế Nhật trong thời kỳ từ 1960 trở đi là nền chính trị Nhật tương đối ổn định. Đảng Dân chủ - Tự do được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đảng Dân chủ và Đảng Tự do đã trở thành đảng duy nhất cầm quyền ở Nhật cho đến nay (trừ 3 năm 1993-1996). Trong nền chính trị Nhật có một đặc điểm ít tìm thấy ở các nước khác là ở Nhật có một bộ phận cử tri tuy ủng hộ đảng DC-TD cầm quyền, nhưng lại không muốn Đảng này thật mạnh bằng việc giành đa số áp đảo trong Quốc hội, vì như vậy đảng DC-TD dễ biến thành độc tài. Do đó họ luôn luôn theo dõi chính trường Nhật, lúc thì họ bỏ phiếu cho đảng DC-TD, lúc thì bỏ phiếu chống Đảng này với mục đích làm cho Đảng này chỉ thắng cử với một đa số mong manh. Có như thế họ mới gây ảnh hưởng lên chính sách của Đảng này được (theo giáo sư Ikuo Kabashima - trường đại học Tsukuba).

Cũng như tất cả các nước khác, muốn phát triển trước hết cần có vốn và công nghệ. Trong một bài viết nhan đề : "Thế giới có thể học tập ở Nhật những gì ?". Nhà kinh tế Mỹ Lawrence N.Krause năm 1991 nhận xét: phải sẵn sàng làm việc cật lực và tiêu xài thật ít. Công nhân Nhật làm việc 48-50 giờ một tuần kể cả ngày lễ và kỳ nghỉ hè. Họ có ít thời giờ để đi chơi và do đó tiền phải được để dành. Tỷ lệ tiết kiệm để đầu tư trở lại ở Nhật là cao nhất, chiếm 32,1% GDP so với 20,5% ở Đức; 19,6% ở Anh và 16,6% ở Mỹ. Chính sách tích luỹ và tiêu dùng có tính chất "thắt lưng buộc bụng" được thấu suốt trong toàn xã hội Nhật từ chính phủ đến các công ty và các tầng lớp nhân dân. Trong nhiều thập kỷ, người Nhật dùng các hàng tiêu dùng nội địa có tính chất "nồi đồng cối đá" và tiêu thụ năng lượng ở mức tối thiểu. Chỉ mới khoảng 5-7 năm nay người Nhật mới được khuyến khích đi du lịch nước ngoài nhưng nếu có thể phải đi bằng máy bay Nhật.

Tuy Nhật có thuận lợi là được hưởng sự chuyển giao dễ dàng về công nghệ của Mỹ, nhưng bao giờ người Nhật cũng tìm cách cải tiến để có chất lượng cao hơn với giá rẻ hơn. Tính năng động chung của nền kinh tế Nhật được thể hiện qua tỷ lệ áp dụng bằng sáng chế so với dân số: ở Nhật là 334 bằng sáng chế trên 10 vạn dân (1988) so với 261 ở Đức, 133 ở Anh và 112 ở Mỹ. Trong OECD, tỷ trọng xuất khẩu hàng chế tạo của Nhật chiếm 14,7% so với 12,81% của Mỹ và 7,25% của Anh (số liệu năm 1987) và Nhật chỉ thua Đức (18,18%). Tuy nhiên tỷ trọng hàng xuất khẩu với công nghệ cao của Nhật lại lớn hơn Đức (22,6% so với 14,95%) và hơn cả Mỹ (22,6% so với 21,7%), song phần lớn hàng công nghệ cao xuất khẩu của Mỹ là trang bị quốc phòng.

Tính bắt chước một cách sáng tạo của Nhật thường được người ta nói đến qua hai thí dụ điển hình sau đây :

Người sáng lập công ty sản xuất xe máy HONDA vốn là thợ sửa chữa xe máy. HONDA chính là tên của ông. Sau chiến tranh ông sang Y' làm thuê cho hãng Piaggio sản xuất xe máy Vespa. Vừa làm ông vừa để ý nghiên cứu các công nghệ chế tạo xe máy Vespa và sau khi hết hạn hợp đồng về nước, ông mang theo toàn bộ những linh kiện của xe máy loại này. Vì không đủ tiền cước máy bay ông đã quấn săm lốp Vespa đầy người. Các nhân viên hàng không vừa buồn cười vừa thương tình nên đã để cho ông đi mà không phải trả thêm cước. Về nước ông ta đã nghiên cứu tìm ra những đặc điểm cấu tạo tốt nhất của xe máy Vespa và chế tạo ra chiếc xe máy Honda với động cơ bốn kỳ vừa đẹp vừa gọn nhẹ dễ đi. Từ đó, xe Honda mỗi năm lại được cải tiến thêm về chất lượng và mẫu mã để được như ngày nay. Hiện nay, hãng Honda là một hãng lớn không chỉ sản xuất xe máy mà còn sản xuất ô tô và các sản phẩm máy móc tiêu dùng cao cấp.

Trường hợp thứ hai là công ty sản xuất các thiết bị điện tử nghe nhìn SONY. Từ việc nghiên cứu chiếc máy hát hiệu Victor nặng cả tạ và giá đắt bằng 1/2 giá chiếc xe ô tô mà cha ông đã mua, Akuo Morita, một thanh niên trẻ đã cùng với một kỹ sư điện tên là Masaru Isuka phục vụ trong Hải quân Nhật ngày đêm mày mò và cuối cùng đã thành lập một công ty điện tử với vốn ban đầu chỉ có 500 USD. Morita đã không ngừng nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, chủ yếu là của Mỹ và cuối cùng đã thành công trong việc sản xuất các thiết bị điện tử nghe nhìn vừa rõ, vừa tân tiến như hiện nay. Để hấp dẫn người mua, ông ta đã mượn từ Sonus trong tiếng la tinh là âm thanh để đặt tên cho công ty của mình là SONY. SONNY (có 2 n) trong tiếng Nhật có nghĩa là một thanh niên thông minh, sắc bén và năng động. Hiện nay SONY là một công ty điện tử nổi tiếng của Nhật có 70% sản phẩm được tiêu thụ ở nước ngoài.

Hai thí dụ trên nói lên tinh thần "bắt chước" hay là "học hỏi" đầy sáng tạo của người Nhật. Thời kỳ đầu, khi Nhật chưa có điều kiện để phát minh sáng chế thì việc vay mượn từ các sáng chế của nước ngoài, chủ yếu của Mỹ, là một yếu tố hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa của Nhật. Đồng thời ngay từ những năm đầu chính phủ Nhật đã rất chú ý đến ngành giáo dục và đào tạo, và đặc biệt có chính sách thúc đẩy thanh niên Nhật đi sâu vào nghiên cứu khoa học công nghệ mới. Quỹ giúp cho việc nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ (R & D) chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi tiêu của chính phủ (hiện nay khoảng 3% GNP). Các công ty cũng giành một ngân quỹ khá lớn cho R & D. Ngoài ra họ còn cấp học bổng cho các sinh viên ở các trường đại học và các nhà nghiên cứu trẻ đi sâu vào các công nghệ hiện đại nhằm chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật cho mình sau này. Mặt khác họ khuyến khích công nhân và kỹ sư học thêm, nếu cần thì cho đi đào tạo lại khi nhà máy chuyển sang áp dụng một công nghệ mới. ở Nhật không có việc chủ hãng, công ty sa thải công nhân cũ để thu nhận những cán bộ nắm công nghệ mới thay thế. ở Nhật, nạn thất nghiệp không gay gắt như ở Tây Âu và Mỹ. Một phần do Nhật thiếu lao động, mặt khác người Nhật lao động theo tinh thần đặt lợi ích cộng đồng (nhà nước, xí nghiệp, các nhóm xí nghiệp) lên trên hết, và từ đó cộng đồng lại đảm bảo trở lại cho cá nhân có công ăn việc làm suốt đời. Giáo sư Hiroyuki Odagiu trong quyển "Tăng trưởng thông qua cạnh tranh và cạnh tranh thông qua tăng trưởng" đã nhận xét: Công ty, đối với người Anh trước hết là đối tượng để đầu tư. Đối với người Nhật, đó là nơi để người ta cùng làm việc. ở Nhật cạnh tranh không phải theo tinh thần "cá lớn nuốt cá bé" mà theo tinh thần "chị ngã em nâng". Để giải quyết vấn đề thiếu lao động, Nhật cho chuyển một số ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động sang các nước có dư lao động, đặc biệt ở châu A', và tăng cường sử dụng rôbốt công nghiệp. Hiện nay Nhật là nước có tỷ lệ sử dụng rôbốt cao nhất thế giới.

Sự chênh lệch trong thu nhập giữa các nhóm dân cư cũng được chính phủ chú ý giải quyết. Trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa, số dân nông thôn ra thành thị kiếm việc làm ngày một đông. Đầu những năm 60, hàng năm có đến hơn 1 triệu người từ nông thôn đổ về 2 thành phố lớn là Tokyo và Osaka. Để lấp chỗ trống về lao động ở nông thôn, chính phủ đã tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp và bù lỗ cho nông dân để mức thu nhập giữa thành thị và nông thôn không quá chênh lệch, thậm chí có nhiều nơi thu nhập ở nông thôn cao hơn ở thành thị. Những người có thu nhập cao hơn này là những người vừa lao động trong nhà máy, vừa tranh thủ làm nông nghiệp vào những ngày nghỉ cuối tuần. So với các nước công nghiệp phát triển khác thì ngân sách giành cho nông nghiệp có tỷ lệ rất lớn trong ngân sách chung, trung bình là từ 8-12% GDP, trong khi ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp, tỷ lệ chỉ vào khoảng từ 2 đến 4%. Trợ cấp của chính phủ Nhật cho nông dân sở dĩ lớn như vậy chủ yếu là do chính sách tranh thủ lá phiếu của nông dân của Đảng Dân chủ - Tự do cầm quyền.

Nghiên cứu mô hình chủ nghĩa tư bản Nhật ở tầm vĩ mô, người ta thấy từ lâu Nhật Bản đã đi theo phái trọng cung (supply side). Trường phái này chỉ được áp dụng ở Mỹ một thời gian ngắn thuộc nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan (Reaganomics). Kinh tế Nhật Bản không những theo hướng xuất khẩu mà có thể nói là "tất cả cho xuất khẩu", 45% xe ô tô và 41% đồng hồ sản xuất ở Nhật là dành cho xuất khẩu v.v...

Người ta cho rằng chủ nghĩa tư bản Nhật trên thực tế là một loại chủ nghĩa tư bản xã hội. Nếu chủ nghĩa tư bản phương Tây của người Anglo-Saxon chủ trương nhà nước không can thiệp vào nền kinh tế (laisser-faire), thì trái lại ở Nhật sự phối hợp giữa chính phủ và giới kinh doanh rất chặt chẽ. Truyền thống này bắt nguồn từ thời Nhật bị Mỹ chiếm đóng. Tất cả mọi việc kể cả kinh doanh đều phải theo chỉ thị của nhà cầm quyền chiếm đóng. Để có thể kiểm soát được mọi hoạt động của Nhật, chính quyền chiếm đóng Mỹ đã dựng lên một bộ máy cai trị quan liêu rất mạnh mà sau này chính quyền Nhật vẫn duy trì để điều hành đất nước. Một đặc điểm khác nữa trong việc quản lý nền kinh tế là Nhật thường chú trọng lợi ích lâu dài và khi cần có thể hy sinh lợi ích trước mắt. Một xí nghiệp Nhật có thể tạm thời bị thua lỗ, nhưng nếu họ có một chiến lược phát triển lâu dài khả thi và có sức cạnh tranh thì họ vẫn được Bộ Công nghiệp và Thương mại (MITI) và Ngân hàng Nhật Bản tài trợ.

Trên đây là một số đặc điểm của chủ nghĩa tư bản Nhật. Không phải tất cả đều là tích cực. Ngay trong các nhà tư bản Nhật, người ta cũng bắt đầu phê phán mô hình này. Ông Akio Morila, chủ hãng SONY đã phát biểu: "Cách thức quản lý của Nhật là nguy hiểm". Điều đó không phải không có lý do của nó:

Từ những năm 80 và đầu những năm 90, kinh tế Nhật bắt đầu phát triển ì ạch.

Tốc độ tăng trưởng chậm hẳn lại và lạm phát bắt đầu lên.

GDP: 1994 : chỉ tăng 0,6%

1995 : 1,8%

1996: 2,5%

1997 : 1,6% (dự kiến)

Lạm phát : 1994 : 0,7%

1995 : -0,1%

1996 : 0,2%

1997 : 1,6 (dự kiến)

Ông ta đề nghị một loạt cải cách như giảm giờ làm việc của công nhân, trả lương cho họ cao hơn, có quan hệ phải chăng hơn với các bên cung cấp, lợi nhuận của cổ đông phải cao hơn và chú ý nhiều hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường. Thực tế thì giai đoạn "thần kỳ" của kinh tế Nhật đã qua. Trong những năm gần đây, kinh tế Nhật phát triển với tốc độ rất thấp. Theo IMF, năm 1996 là dưới 2,5%, và năm 1997 dự kiến chỉ tăng 1,6%. Tuy nhiên, những kinh nghiệm của Nhật cũng cung cấp cho các nước, nhất là các nước Đông A', trong đó có Việt Nam, những bài học quý báu, đáng tham khảo trong quá trình đưa nền kinh tế nước ta vào giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa./.

Tác giả: Phan Doãn Nam.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top