Vài nét phân định ranh giới các hình thái tự sự

vanchuong83

New member
Xu
0
V ÀI N ÉT PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI
CÁC HÌNH THÁI TỰ SỰ


1. KHÁI QUÁT CHUNG
1.1. Lí do chọn vấn đề
Như chúng ta đã biết bấy lâu nay việc phân định ranh giới giữa truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và tiểu thuyết đang gặp không ít khó khăn. Đây là một trong hàng loạt vấn đề thường xuyên thu hút sự quan tâm của những người làm công tác nghiên văn học nói chung cũng như những người say mê văn học nói riêng. Trên thực tế đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về vấn đề này và cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có được tiếng nói thống nhất.

Có thể khẳng định một cách chủ quan là trên thực tế chúng ta sẽ rất khó đi đến thống nhất về ranh giới của các hình thái tự sự này. Bởi mỗi người một góc nhìn, một vốn hiểu biết nhất định với những lối kiến giải riêng không ai giống ai. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân mà chúng ta đã thừa nhận từ lâu, đó là thực tiễn sáng tác luôn phong phú, đa dạng hơn lí luận, có khi đi xa hoạc vượt ra ngoài phạm vi lí thuyết của chính nó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người làm công tác lí luận phê bình văn học không nên tham vọng có thể làm cùng một lúc hai việc, đó là vừa tổng kết, khái quát thực tiễn sáng tác vừa định hướng sáng tác. Bởi chúng ta phải chấp nhận một thực tế, lí luận có thể xuất hiện trước, nhưng đó chỉ là lí luận của buổi sơ khai, còn lại hậu hết lí luận đều phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Nghĩa là nó mang tính thứ hai. Trong sáng tác văn học, không ít nhà văn coi nhẹ lí luận, thậm chí luôn tìm cách phá vỡ những khung lí thuyết để tìm những lối đi riêng chẳng giống ai trong thực tiễn sáng tác của mình. Những trường hợp đó thử hỏi lí luận có khả năng tổng kết hoặc dẫn đường họ hay không. Nói tất cả những điều trên để thấy, mọi vấn đề lí luận về thể loại văn học cũng chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên ta hoàn toàn có thể hi vọng, sau những bàn luận sôi nổi, “điểm gặp gỡ tối đa” sẽ được nhân lên và như thế tức là các khái niệm này cũng dần được tách bạch ở những mức độc cần thiết.

Song song với quá trình phân định ranh giới của những hình thái tự sự nói trên, chúng ta có thể phần nào nhận thấy những biến chuyển, những thay đổi, và cả sự khác biệt của những yếu tố thuộc về thi pháp truyện ngắn nói riêng và tự sự nói chung như: chi tiết, nhân vật, sự kiện, người kể chuyện, cách kể, giọng điệu kể…

1.2. Mục đích
Tiến hành phân định ranh giới các hình thái tự sự nói trên không nằm ngoài mục đích cung cấp một cái nhìn “thoáng đãng” hơn về ranh giới các hình thái tự sự. Cảm nhận được sự vận động nội tại mang tính loại hình của nó dưới sự tác động của cá tính sáng tạo nhà văn cũng như hoàn cảnh xã hội.

2. Nội dung chính
Trong số 5 khái niệm nói trên thi khái niệm tiểu thuyết và truyện ngắn là hai khái niệm khá quen thuộc. Tiếp sau nó là hai khái niệm truyện vừa và truyện dài. Còn khái niệm truyện cực ngắn, hay còn có những cách gọi khác như truyện mini, truyện siêu ngắn, truyện cực ngắn, truyện tia chớp, truyện bỏ túi, truyện bưu thiếp, vi truyện hay truyện trong lòng bàn tay… thì mới xuất hiện. Cái gọi là mới ở đây cũng mang tính tương đối. Bởi vì trên thực tế những chuyện cực ngắn đã xuất hiện vài ba thế kỉ ở phương Tây, mà nguồn gốc của nó theo PGS. Đặng Anh Đào khảo sát thì có gắn với những mảnh “tin vặt” trên báo chí vốn không mang màu sắc chính trị. Tuy nhiên ở đây chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng nguồn gốc của truyện cực ngắn không chỉ có từ những tin vặt trên báo chí, mà còn có từ trong các truyện dân gian, từ truyền thuyết đến cổ tích, tiếu lâm hay ngụ ngôn.

2.1. Ranh giới truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài
Để bước đầu phân định được ranh giới của bốn hình thái tự sự nói trên, bắt buộc chúng ta phải chọn một hình thái làm trung tâm để từ đó soi chiếu các hình thái còn lại vào khái niệm trung tâm đó, nhằm tìm ra những dấu hiệu đặc trưng của từng hình thái hay ít nhất cũng tìm ra nhận thấy những khác biệt nhất định nào đó. Khái niệm trung tâm mà chúng tôi nhắc đến phải là khái niệm có nội hàm rõ rệt. Nói cách khác nó phải là hình thái tự sự có những đặc trưng rõ nét và mang tính ổn định. Xuất phát từ quan điểm trên chúng tôi xin lấy truyện ngắn làm khái niệm trung tâm để từ đó soi chiếu vào những hình thái tự sự còn lại còn lại.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin được nhấn mạnh rằng trong quá trình phân định ranh giới truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài, yếu tố dung lượng tác phẩm sẽ được người viết lưu tâm. Bởi theo chúng tôi, có lẽ cơ sở ban đầu hình thành nên các khái niệm trên có lẽ là những ấn tượng về sự khác biệt ở phương diện dung lượng tác phẩm. Từ sự khác biệt về dung lượng tác phẩm mới “đẻ” ra cái khái niệm truyện cực ngắn, truyện vừa, truyện dài bên cạnh khái niệm truyện ngắn và từ đó người ta bắt đầu đi tìm nội hàm để cũng cố cho các khái niệm mới của mình, biến nó thành một “cụm từ không rỗng nghĩa”.

2.1.1. Truyện ngắn
Như chúng tôi đã giới thuyết, truyên ngắn là khái niệm quen thuộc. Nó là các câu truyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích. Thông thường truyện ngắn có độ dài vài trang đến vài chục trang.

Tìm hiểu đặc trưng truyện ngắn cũng có không ít ý kiến không hoàn toàn thống nhất, người này cho truyện ngắn là một "khoảnh khắc", một "trường hợp", người khác nhấn mạnh vào nhân vật, vào tính súc tích của chi tiết, cô đúc của ngôn từ...

Theo PGS. TS Chu Văn Sơn, việc phân định có thể dựa vào hai tiêu chí chính là dung lượngthi pháp. Giữa hai tiêu chí, "dung lượng" là cần nhưng phụ và thứ yếu, còn "thi pháp"mới là đủ, là chính, là chủ yếu.

Về dung lượng : truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, chủ yếu được viết bằng văn xuôi. Nghĩa là ngắn, thậm chí cực ngắn (truyện mini) nhân vật không nhiều, tình tiết và chi tiết đời sống cũng không nhiều.

Thi pháp : ngoài những yếu tố như cốt truyện, lối trần thuật, ngôn ngữ... thì tình huống được xem là hạt nhân thể loại của truyện ngắn.

Tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn. Về số lượng tình huống có thể thấy truyện ngắn có hai loại : Một là, cả truyện ngắn chỉ xoay quanh có một tình huống duy nhất bao trùm. Có thể nói đây là loại truyện ngắn điển hình. Hai là thiên truyện được dệt từ nhiều tình huống. Trong đó có sự phân chia tình huống chính và tình huống phụ. Đây là dạng truyện ngắn mang dáng dấp truyện dài (tại sao không phải truyện vừa chúng tôi sẽ kiến giải ở phần sau), chẳng hạn như Chí phèo của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Mùa lạc của Nguyễn khải, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp...
Truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian.


  1. Truyện cực ngắn và truyện ngắn
Vậy truyện cực ngắn khác truyện ngắn như thế nào. Trước hết nó khác nhau về dung lượng.
Truyện cực ngắn đúng như tên gọi của nó, dung lượng thường chỉ gói gọn trong một hai trang giấy thậm chí vài dòng, có khi là một chữ.

Số lượng nhân vật trong truyện cực ngắn thường chỉ có một đến hai nhân vật, và cả hai nhân vật đều là nhân vật trung tâm, hoạc một nhân vật và một đám đông mang ý nghĩa biểu tượng, chẳng hạn như đoàn du khách trong Ánh trăng của Nhật Chiêu hay đám đông thành thị trong Thành phố bốc cháy.

Ngôn ngữ trong truyện cực ngắn chủ yếu là lời người kể chuyện, rất ít lời thoại của nhân vật.
Khảo sát một số tác giả truyện cực ngắn của của một số tác giả Việt nam và Trung Quốc như Nguyễn Quang Sáng, Phan Thị Vàng Anh, Hổ Phu Phục, Phạm Văn Khôi, Phạm Sông Hồng, Nhật Chiêu, Y Ban, Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Hải, Phạm Vũ Văn Khoa, Lỗ Tấn, Triệu Đông, Lâm Quan Tuyền, Lí An… chúng tôi tạm chia truyện cực ngắn làm ba dạng.

- Dạng thứ nhất: lấy trọng tâm là tình huống, lược bỏ gần như sạch trơn những yếu tố vốn có ý nghĩa nhất định trong truyện ngắn, như chi tiết, ngôn ngữ nhân vật, giọng điệu người kể chuyện…

Đọc loại truyện này cái mà người ta ấn tượng đó là tác giả đã khám phá ra một tình huống bất ngờ, kì lạ, thú vị trong đời sống. Người ta không quan tâm nhiều đến cách biểu đạt tình huống đó, không chú ý đến các chi tiết phụ trợ, không chú ý nhiều đến giọng điều trần thuật, lời đối thoại của nhân vật hay cách kể chuyện của nhà văn.

Lấy ví dụn về câu chuyện Kẻ ăn mày và người trọc phú của tác giả Lí An.
“Một đem mùa đông lạnh giá. Kẻ trọc phú nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa ra anh ta thấy một người ăn mày, chân đất, đầu không mũ nón, quần áo rách tả tơi. Người ăn mày hỏi xin kẻ trọc phú một bát cơm. Người trọc phú lạnh lùng nói: - Nếu ông có thể chịu rét ở đây từ giờ đến sáng mai tôi sẽ cho ông một nửa cơ nghiệp của tôi chứ không chỉ một bát cơm.
Sáng hôm sau thức dậy mở cửa, kẻ trọc phú vẫn thấy người ăn mày đứng đó. Hắn mất một nửa cơ nghiệp.
Một năm sau kẻ trọc phú tìm đến nhà người ăn mày, giờ đã thành trọc phú. Hắn nói: - Tôi còn nửa cơ nghiệp muốn cho ông nốt, nếu ông lại ra đứng ở cổng nhà tôi như một năm trước đây.
Người ăn mày xưa kia nhận lời. Đêm đó trời cũng rất lạnh, anh ta không mặc áo, không đội mũ nón và đi chân đất . Sáng hôm sau người ăn mày chết cóng.”

Đọc câu truyện này người đọc cảm nhận thấy cái thâm thúy của tác giả khi chỉ ra một qui luật tất yếu khách quan trong đời sống: “Hoàn cảnh sống nào tạo nên con người ấy”. Trong truyện có hai nhân vật thì chỉ có kẻ trọc phú là người kịp nhận ra qui luật ấy, còn kẻ ăn mày chưa kịp nhận ra. Hắn chết vì nghĩ rằng thân xác mình sau một năm sống trong nhung lụa vẫn giống như thân xác của một kẻ ăn mày. Qui luật ấy được triển khai trong một tình huống truyện độc đáo.

- Dạng thứ hai: không lấy tình huống làm trọng tâm. Nó chỉ là hàm ngôn, một câu hỏi để ngõ như một phần vĩ thanh của một truyện ngắn. Đọc dạng truyện này người đọc bình thường không dễ dàng nắm bắt được ý đồ của tác giả. Giá trị của nó nằm nhiều ở tính gợi mở, ở ý nghĩa triết lí nhân sinh mà tác giả mập mờ đặt ra trong truyện. Khác với dạng thứ nhất, ở loại truyện ngày chi tiết có vai trò quan trọng, bên cạnh đó giọng điều người kể chuyện cũng góp phần tích cực tạo nên sức hút cho tác phẩm. Đọc loại truyện này người đọc dễ liên tưởng đến thể loại thơ Hai Ku của Nhật hay trường phái tranh thủy mặc của Trung Quốc.

Xin được lấy một ví dụ về truyện cực ngắn có tựa đề Bức tranh của Nhật Chiêu với nội dung như sau:
“Giữa sa mạc. Để làm dịu cơn khát của mình, chàng hoạ sĩ đã vẽ trên cát một con suối.
Khi chàng bỏ đi, một mạch nước ngầm đã tràn lên bức tranh khe suối ấy.
Đoàn lữ hành đã tìm thấy xác chàng hoạ sĩ cách đó không xa. Dẫu sao đi nữa, họ đã uống nước thoả thuê.”

Đọc câu truyện này rõ ràng những người đọc “bình dân” không dễ dàng thâm nhập vào lớp vỏ ngôn từ đầy ẩn ý để tìm ra nguyên nghĩa của tác phẩm. Ngay cả những người “sành sỏi” trong tiếp nhận văn học cũng chỉ có thể suy đoán ý nghĩa của tác phẩm. Mà nói đến cùng thì phần lớn ý nghĩa của tác phẩm đều là do độc giả suy đoán. Đó là những suy đoán có căn cứ. Quay trở lại với truyện Bức tranh, ta thấy dường như hình ảnh người họ sĩ có bóng dáng của một nghệ sĩ cách tân. Và trong thực tế những người cách tân thường rất cô độc, thành quả cách tân, tìm tòi và khát vọng của họ chỉ được hiện thực hóa khi họ phải hi sinh, đánh đổi một điều gì đó thậm chí là cả tính mạng của mình. Đọc tác phẩm này ta dễ liên tưởng tới người nghệ sĩ Tây Ban Nha vĩ đại - Federico García Lorca.

Truyện Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh cũng là một tác phẩm tương tự. Đọc câu truyện này ta cảm nhận được cái nhàm chán vô vị của cuộc đời, của một thân phận hay nhiều thân phận. Sự lở dở, sự muộn màng là kết quả tất yếu của thái độ sống chần chừ, do dự của con người. Hạc nhận ra sự cay đắng của đời mình, nhưng đồng thời cô cũng hiểu thời gian không thể quay trở lại.
Đặc biệt ở hình thái này chúng ta còn thấy xuất hiện hàng loạt các truyện “tuyệt ngắn” (chữ dùng của Nhật Chiêu) với dung lượng chỉ có một chữ. Ví dụ chuyện tuyệt ngắn Sử thi sita chỉ có một chữ: Đất.

Để giúp người đọc hiểu về hình thái tự sự đặc biệt này Nhật Chiêu giải thích: “Ramayana diễn tả cuộc đời nàng Sita sinh ra từ một vết nứt của đất. Nàng trải qua cuộc sống đầy bi kịch trên mặt đất để rồi nàng lại trở về vết nứt của đất chấm dứt một quá trình sống. Nếu ai từng đọc Ramayana hẳn sẽ biết “Đất” đóng vai trò quan trọng thế nào trong sử thi này”.

Quả thật với cách giải thích trên của nhà văn cũng đủ cho thấy để tiếp nhận được loại truyện này đòi hỏi người đọc phải có một kiến thức nền vô cùng phong phú đồng thời phải có khả năng liên tưởng độc đáo. Truyện “tuyệt ngắn” vừa nêu trên nằm trong thủ pháp mà ông gọi là “liên văn bản”. Tiếp cận những truyện kiểu này người đọc có thể nhận ra những hình tượng vô cùng quen thuộc như Cóc, như Tấm, như Bụt, như Tố Nữ hay Hạc vàng, hoặc xa hơn một chút là nàng Sita, là Vua Lear, là Don Quixote, là Gulliver, là cô bé bán diêm. Nhưng đó không phải là lối tập cổ, phóng tác đơn thuần, mà là sự phát triển đầy tinh tế và sâu sắc nguồn dữ liệu văn học Đông Tây phong nhiêu để tạo nên những huyền thoại, ngụ ngôn hiện đại đầy triết lý. Thủ pháp liên văn bản còn được biểu hiện trong một số truyện cực ngắn khác, chẳng hạn Thành phố bị bốc cháy. Nội dung câu truyện: “Cả thành phố bốc cháy, cô bé bán diêm bị săn tìm dù không ai chắc kẻ phóng hỏa là ai, cô vẫn bị các phương tiện truyền thông xem là “tội ác chống lại loài người trong hình hài bé bỏng”. Vì có người nhìn thấy cô đánh diêm liên hồi những que diêm trong đêm tối “một cách vô nghĩa lý”. Truyện này của Nhật Chiêu giúp người đọc liên tưởng đến truyện Cô bé bán diêm của . Nếu ai từng đọc Cô bé bán diêm, hẳn sẽ thắc mắc về chuyện thành phố bốc cháy và việc cô bị săn lùng. Chuyện thành phố bốc cháy là một chuyện không rõ nguyên do, nhưng cô bé bán diêm vẫn bị săn lùng đơn giản vì cô bán diêm và có hành động “đánh diêm” nên bị nghi ngờ phóng hỏa đốt thành phố. Từ cách tiếp nhận liên văn bản đó khiến người đọc đặt ra câu hỏi: Có phải xã hội được Andersen phản ánh là xã hội thiếu tình thương còn xã hội mà Nhật Chiêu nói đến là một xã hội đổ vỡ niềm tin ở con người hay không?
Một truyện ngắn khác như Lưu đày:
“Người đàn bà ngoại tình bị trừng phạt: lưu đày trở lại EDEN, nơi không còn trái cấm nữa.”
Câu truyện này nhắc người đọc nhớ lại câu truyện Trở về Eden của Rosalind Miles
Cùng với người chồng mới cưới hào hoa phong nhã của mình, Stephany Harper tưởng chừng như chính là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới này khi được sống một cuộc sống đủ đầy và yên bình ở thiên đường Eden. Nhưng dù trong những cơn ác mộng của mình, người phụ nữ ấy cũng không bao giờ có thể ngờ rằng, chồng của mình đã cấu kết với người bạn thân nhất đẩy mình thẳng vào hàm cá sấu, để cướp đi toàn bộ cuộc sống của mình.
Câu truyện của Nhật Chiêu khiến người đọc nghĩ đến một kết quả tương tự với kẻ thứ ba. Rồi đây có thể cô ta lại trở thành nạn nhân tiếp theo của người kẻ ngoại tình.

Đánh giá về loại truyện “một chữ” này chúng tôi xin phép không bàn thêm về giá trị tư tưởng mà chỉ có đôi chút kiến giải về giá trị hình thức trong ý nghĩa tương đối của nó. Rõ rang chúng ta đều nhận thấy về mặt hình thức loại truyện này đã phá bỏ gần như trọn vẹn những nguyên tắc xây dựng hình thức tác phẩm vốn có mối quan hệ biện chung với nội dung tác phẩm của truyện ngắn nói chung. Loại truyện này chắc chắn không thể đứng độc lập. Nó chỉ có thể tồn tại và thu hút sự chú ý của độc giả khi nằm trong một hệ thống truyện nào đó.

- Dạng thứ 3 là những truyện kiểu bài học triết lí, hiển ngôn, mang màu sắc Phật giáo, cũng tạo tình huống nhưng chỉ là những tình huống ứng xử trong cuộc sống, chứ không phải là những tình huống hiểu theo nghĩa bộc lộ bản chất đời sống. Loại này phổ biến ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Xin lấy một ví dụ truyện Cởi nút của Triệu Đông.
“Có hai nhà láng giềng, do kết oán từ nhiều đời trước nên đã trở thành thế cừu. Đến nay, tuy người trong hai nhà đều cảm thấy không nên như vậy nhưng do oán thù tích đã quá sâu, nên chẳng ai giúp được họ thoát khỏi nỗi đau khổ đó. Một hôm có một hoà thường vân du tời thôn, sau khi biết sự tình hai nhà, ông có một chủ ý.
Ông thắt chiếc thừng thành một cái nút, rồi dấu một đầu dây thừng đi, chỉ để lộ một đầu dây. Sau đó đưa ra lời hẹn trước: nhà nào cởi được chiếc nút này ra thì nhà kia phải đứng ra làm lễ tạ lỗi với nhà kia trước toàn thôi. Cả hai nhà đều lần lượt thay nhau cởi nút, nhưng nửa tháng đã trôi quan mà họ vẫn không sao cởi được. Cuối cùng họ phải tìm đến vị hoà thượng. Ông mỉm cười nói:" Then chốt của vấn đề nẳm ở đầu dây bị giấu đi. Muốn cởi được cái nút này, chiếc thừng có hai đầu dây, thiếu một đầu là không nổi". Sau khi nghe xong, hai nhà như đại ngộ. Được sự khuyên giải của hoà thượng, họ đã xoá bỏ được oán thù đời trước, sống hoà thuận với nhau.
Đừng đợi người khác làm lành với mình trước, chỉ bằng lòng thành của chính mình, người khác mới vì mình mà đáp lại lòng thành.
Đọc câu chuyện này ta nhận thấy ngay tác giả không hề có ý thách đố người đọc đi tìm ý nghĩa. Mong muốn lớn nhất của tác giả có lẽ là giúp người đọc tiếp nhận một cách dễ hiểu, giản dị và sâu sắc nhất một bài học về lẽ sống: Không có oán thù nào không thể cởi bỏ. Vấn đề là người trong cuộc có lòng vị tha bao dung và có sẵn sàng chủ động hay không.
Nguyên nhân do đâu mà xuất hiện truyện cực ngắn. Theo tôi có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất: Do áp lực của thời đại. Đây là thời đại công nghệ thông tin. Người đọc gần như bị phong tỏa bởi những khối thông tin khổng lồ và đầy sức hút ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy có lẽ sự rút ngắn dung lượng của tác phẩm là dụng ý của các tác giả nhằm tạo cho văn học một ưu thế nhất định nào đó trong sự cạnh tranh với các luồng thông tin khác. Chính nhà văn Nhật Chiêu cũng từng tâm sự: “Trong cuộc sống nhiều bận rộn hiện nay, ít ai có thể dành thời gian và kiên nhẫn cho một truyện dài hàng trăm, ngàn trang sách. Vậy tại sao tôi không thử nén lại - cũng một ý nghĩa chuyển tải trong ngàn trang sách thành một câu hay một từ để người đọc tiết kiệm thời gian?! Cách viết truyện “tuyệt ngắn” này của tôi xuất phát từ bối cảnh cuộc sống hiện nay, nghĩa là tôi sáng tác một cách có ý thức chứ không phải chơi ngông”

Thứ hai: Do nhu cầu cách tân nghệ thuật. Truyện càng ngắn đòi hỏi kỹ thuật viết càng cao. Ngôn từ đòi hỏi phải súc tích và giàu giá trị biểu đạt, thậm chí vượt qua ngoài giá trị biểu đạt thông thường, nén chữ đến tối đa.
Như vậy là chúng ta thấy truyện cực ngắn dần dần đã có những đặc trưng khu biệt và tôi tin là trong tương lai nó sẽ trở thành một khái niệm có nội hàm rõ rệt.

2.1.3. Truyện vừa và truyện ngắn
Theo tôi nếu chúng ta đã phân biệt truyện dài và tiểu thuyết thì khái niệm truyện vừa là một khái niệm khá mong manh. Trên thực tế nó chẳng có đặc trưng nào để phân biệt với truyện ngắn.

Nếu nói truyện vừa là có dung lượng vài chục trang thì truyện ngắn cũng có không ít những tác phẩm có dung lượng tương tự.
Còn nếu nói nó có dung lượng vài trăm trang thì lại chuyển thành truyện dài.

Còn về hạt nhân cấu trúc của truyện ngắn là tình huống, thì giữa truyện ngắn và truyện vừa không có sự phân biệt. Truyện ngắn thường có một tình huống chính, những tình huống còn lại thường chỉ phát sinh hoạc phụ trợ cho tình huống chính, những tác phẩm được gọi là truyện vừa cũng có đặc điểm tương tự như vậy. Chính vì vậy truyện vừa trên thực tế theo tôi chỉ là những truyện ngắn mà tác giả viết hơi quá tay.

2.1.4. Truyện dài và truyện ngắn
Nếu như truyện ngắn và truyện vừa không có sự phân biệt rõ rệt thì giữa truyện ngắn và truyện dài lại có những điểm phân biệt khá rõ.

Trước hết về dung lượng, những tác phẩm truyện dài thường có dung lượng vài ba trăm trang.
Về tình huống truyện, trong truyện dài đã xuất hiện ít nhất là hai tình huống cơ bản, có xu hướng tranh chấp nhau để trở thành tình huống chính. Thậm chí trong truyện dài có hàng loạt tình huống mà người ta không thể phân biệt đâu là chính, đâu là phụ.
Cũng chính vì thế số lượng nhân vật trong truyện dài thường vượt quá con số vài ba nhân vật. Chẳng hạn trong truyện Tắt đèn có đến hơn 20 nhân vật có tên. Thời gian và không gian trong truyện dài bắt đầu được mở rộng, nó không còn là một khoảnh khắc của cuộc sống.

Như vậy là tôi đã phân biệt sơ qua về ba 4 khái niệm: truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài và đi đến kết luận là khái niệm truyện vừa trên thực tế không có nội hàm rõ rệt.


  1. Truyện dài và tiểu thuyết
Tại sao lại không đặt tiểu thuyết trong mối tương quan với truyện ngắn. Bởi vì hai thể này có những đặc trưng phân biệt rất rõ rệt, ít sự tranh cãi. Mà nếu đã không có sự nhầm lẫn giữa truyện ngắn và tiểu thuyết thì càng không cần quan tâm đến sự phân biệt giữa truyện cực ngắn và tiểu thuyết.

Vậy vấn đề còn lại là tiểu thuyết và truyện dài.
Lưu ý thứ 2 là ở đây tôi cũng không xuất phát từ quan niệm coi tiểu thuyết là một thể loại lời nói để từ đó so sánh những đặc điểm thi pháp của nó với sử thi.

Trước hết ta quay trở lại khái niệm tiểu thuyết để tìm những dấu hiệu khu biệt nó với các thể loại khác.
Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

Trong văn học phương Đông, danh từ tiểu thuyết xuất hiện khá sớm nhằm phân biệt với hai thể loại cơ bản khác là đại thuyết và trung thuyết.

Đại thuyết là kinh sách của các thánh nhân viết như Kinh Thư, Kinh Thi của Khổng Tử, đó là loại sách mang nặng tính triết học, gần như chân lý, kiểu khuôn vàng thước ngọc và rất khó đọc.

Trung thuyết do các hiền sư, sử gia thực hiện như Sử ký của Tư Mã Thiên.
Còn tiểu thuyết, vốn chỉ những chuyện vụn vặt, đời thường. Những chuyện ấy cùng với cổ tích, ngụ ngôn là những mầm mống của tiểu thuyết phương Đông. Thuỷ Hử và Hồng Lâu Mộng là một trong những số đó.
Theo quan niệm trước đây, đặc biệt là quan niệm của Trung Quốc và Nhật Bản, tiểu thuyết bao gồm có hai loại chính là tiểu thuyết đoản thiên và tiểu thuyết trường thiên. Khi những khái niệm này xâm nhập vào Việt Nam người ta đã áp nó vào hai khái niệm truyện ngắn và tuyện dài. Quan điểm của chúng tôi là không thể đồng nhất tiểu thuyết và truyện dài.
Để phân định phần nào ranh giới giữa tiểu thuyết và truyện dài sau đây chúng tôi xin điểm qua một số đặc trưng của tiểu thuyết trong mối tương quan với truyện dài.


  1. Tính chất văn xuôi
Là một thể loại cao cấp nhất thuộc phương thức tự sự, tính chất văn xuôi, vì vậy, trở thành đặc trưng tiêu biểu cho nội dung của thể loại. Tính chất đó đã tạo nên trường lực mạnh mẽ để thể loại dung chứa toàn vẹn hiện thực, đồng hóa và tái hiện chúng trong một thể thống nhất với những sắc màu thẩm mỹ mới vượt lên trên hiện thực, cho phép tác phẩm phơi bày đến tận cùng sự phức tạp muôn màu của hiện thực đời sống.

Đặc điểm này có ở truyện dài nhưng không đậm đặc như tiểu thuyết.

*Nghệ thuật kể truyện
Giống như các hình thái tự sự khác tiểu thuyết cũng lấy nghệ thuật kể chuyện làm giọng điệu chính của tác phẩm. Thông thường ở tác phẩm xuất hiện người kể chuyện như một nhân vật trung gian có nhiệm vụ miêu tả và kể lại đầu đuôi diễn biến của chuyện. Tuy nhiên tiểu thuyết khác các hình thái tự sự khác ở chỗ tăng cường các điểm nhìn ở tác phẩm, khi vai trò của nhân vật trung gian hoặc nhân vật xưng "tôi" được "san sẻ" cho nhiều nhân vật trong cùng một tác phẩm.

* Khả năng phản ánh toàn vẹn hiện thực
Đặc trưng lớn nhất của tiểu thuyết chính là khả năng phản ánh toàn vẹn và sinh động đời sống theo hướng tiếp xúc gần gũi nhất với hiện thực. Là một thể loại lớn tiêu biểu cho phương thức tự sự, tiểu thuyết có khả năng bao quát lớn về chiều rộng của không gian cũng như chiều dài của thời gian, cho phép nhà văn mở rộng tối đa tầm vóc của hiện thực trong tác phẩm của mình. Không những thế TT còn ở khả năng dồn nhân vật và sự kiện vào một khoảng không gian và thời gian hẹp, đi sâu khai thác cảnh ngộ riêng và khám phá chiều sâu số phận cá nhân nhân vật.
Truyện dài cũng có khả năng mở rộng hiện thực phản ánh, nhưng rõ ràng khong co khả năng phản ánh toàn vẹn.

* Tính đa dạng về sắc độ thẩm mỹ
Tính đa dạng về màu sắc thẩm mỹ cũng là một đặc trưng tiêu biểu của thể loại.
Ở tiểu thuyết không diễn ra quá trình chọn lựa màu sắc thẩm mỹ khi tiếp nhận hiện thực mà nội dung của nó thể hiện sự pha trộn, chuyển hóa lẫn nhau của các sắc độ thẩm mỹ khác nhau: cái cao cả bên cái thấp hèn, cái đẹp bên cái xấu, cái thiện lẫn cái ác, cái bi bên cạnh cái hài v.v. Ở truyện dài nói riêng và các hình thái truyện khác nói chung thường chỉ mang một hoạc hai sắc thái thẩm mĩ.

* Bản chất tổng hợp
Ở phương diện cuối cùng, tiểu thuyết là một thể loại mang bản chất tổng hợp.
Nó có thể dung nạp thông qua ngôn từ nghệ thuật những phong cách nghệ thuật của các thể loại văn học khác như thơ (những rung động tinh tế), kịch (xung đột xã hội), ký (hiện thực đời sống); …… và thậm chí cả các bộ môn khoa học khác như tâm lý học, phân tâm học, đạo đức học và các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học viễn tưởng khác. v.v.
Những phong cách tổng hợp trên không bao giờ đồng hiện trong truyện dài.
Và có thể kết luận tất cả các yếu tố trên đều chịu sự chi phối của đặc trưng khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn.

III. KẾT LUẬN
Những khái niệm văn học không phải là bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian nên việc xác định thể loại cũng sẽ có những thay đổi. Tuy nhiên qua việc khảo sát các khái niệm, quan niệm về các thể loại nêu trên, chúng tôi thấy hầu hết các nhà nghiên cứu đều coi dung lượng văn bản có vai trò rất lớn trong việc hình thành khái niệm về mặt thể loại. Cũng do vậy những đặc trưng mà chúng tôi nêu trên chỉ mang tính chất tương đối với mong muốn được tiếp tục trao đổi bổ sung của thầy giáo và các anh chị em học viên.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top