Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Thay đổi tư duy về việc học - Đừng tạo ra những đứa trẻ đúc khuôn và thiếu kĩ năng tự học
Có nên cho con đi du học hay không, đó là câu hỏi mà những gia đình có điều kiện ở Việt Nam luôn trăn trở. Nhân dịp tham gia buổi tư vấn du học cho một số trường Đại học hàng đầu của Nhật tổ chức tại trường Hà Nội Amsterdam, mình có dịp nói chuyện với một số ba mẹ đến để tìm hiểu thông tin du học của con. Mình đã rất ngạc nhiên vì rất nhiều trường hợp chỉ có ba mẹ đi tìm hiểu thay cho con mà con cái, những người là nhân vật chính thì lại chẳng thấy xuất hiện. Dường như tâm lí mọi thứ có ba mẹ lo hết cho rồi, vẫn là thói quen chung của đại đa số các bạn đi du học theo diện tự túc thì phải. Cô bạn làm về tư vấn du học kể với mình rằng, rất nhiều nếu không muốn nói là đa số các bố mẹ vẫn thường theo kiểu cha mẹ đặt đâu con đi du học đó cho con mình.
1. Mình đã đi du học tự túc mà không cần tài chính của ba mẹ
Mình đi du học Nhật Bản theo chương trình của trường Nhật ngữ Đông Du, một chương trình mà cách đây từ 25 năm Thầy Nguyễn Đức Hòe đã mở chương trình du học Nhật Bản này để dành cho những học sinh con nhà nghèo nhưng có ý chí cao, muốn vươn ra biển lớn để học hỏi những tinh hoa của Nhật, sau này về xây dựng đất nước.
Hầu hết học sinh Đông Du mình ngày ấy đều nghèo, chủ yếu con nông dân hay công chức nên chẳng ai được ba mẹ hỗ trợ gì để đi du học. Tất cả tụi mình ra đi với tâm thế không muốn ba mẹ phải vay mượn tiền để hỗ trợ cho con đi du học, con có thể tự đi trên chính đôi chân mình.
Mình cũng như nhiều bạn nữa khi sang đến Nhật chỉ mang theo số tiền ít ỏi (tầm 10-20 triệu) để dự phòng tháng đầu tiên chưa xin được việc làm thêm thì có cái mà ăn. Mình chỉ mang đúng hơn 6 triệu vừa đủ trả tiền xe shinkansen về đến tỉnh Iwate và tiền ăn trong 1 tháng (không mua sắm bất cứ cái gì)
Chúng mình trải qua mọi công việc làm thêm từ rửa bát, lau dọn, phục vụ ở quán ăn hay siêu thị, làm cơm hộp…để tự mình kiếm tiền, tiết kiệm trang trải mọi học phí và chi phí sinh hoạt cho đến khi vào đại học. 2 năm đầu tiên qua Nhật là 2 năm gian khổ nhất. Tuổi 19-20 của tụi mình trôi vèo qua như thế.
2. Cha mẹ có nên đầu tư tiền cho con học chỉ để cốt lấy một tấm bằng ?
Mình nhận thấy hiện nay có 2 xu hướng ở Việt Nam đó là:
- Nhiều gia đình khá giả có dư kinh tế sẽ cho con đi du học. Và ngay từ khi con còn nhỏ rất nhiều ba mẹ đã cố gắng kiếm thật nhiều tiền để tiết kiệm đầu tư cho tương lai của con.
- Còn xu thế nữa mà cũng là truyền thống từ mấy chục năm nay đó là cha mẹ nghèo nhưng muốn con học hành có bằng cấp để mong xin được một công việc ổn định, nên cố gắng vay mượn cho con theo học. Rồi kết cục là khi ra trường con không thể kiếm được công việc có mức lương cao để trả lại món nợ khi nào đó cha mẹ đầu tư cho mình. Bi kịch này là do chính ba mẹ đã không dám để con nghĩ khác, để con tự chủ với cuộc đời mình.
Với xu thế đầu tiên, nếu bản thân đứa trẻ đó thích học, chủ động muốn vươn ra biển lớn thì sự hỗ trợ của ba mẹ là một điều tuyệt vời với nó. Được tiếp xúc với một nền văn hóa mới, kiến thức mới, thử thách mới là rất đáng. Nhưng ngược lại nếu nó thực sự không thích mà bị ép buộc phải tị nạn du học thì đó là sự thất bại của cha mẹ. Hoặc nếu ba mẹ không dư giả mà cố vay mượn thì đó là sự mạo hiểm không đáng đầu tư.
Với xu thế thứ hai, nếu cá nhân mình thì mình không bao giờ làm vậy. Đừng trở thành nô bộc cho con cái. Nếu thực sự đứa trẻ đó muốn đi du học bằng chính sự nỗ lực của mình, nó có thể tìm được con đường đi du học tự túc như mình đã đi, đó là chương trình du học Đông Du. Hoặc tìm kiếm cơ hội xin học bổng (giờ học bổng khá nhiều chứ không khan hiếm như cách đây tầm 10-15 năm). Nhưng thành công không phải là con đường độc đạo đến từ tấm bằng đại học hay du học ở trời Tây. Có rất nhiều cách để đứa trẻ thành công và để thành người nếu ba mẹ nhìn thấu vấn đề.
Đó chính là điều quan trọng nhất mình muốn nói ở bài viết này:
HÃY THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ VIỆC HỌC
- Ngày nay việc bạn có bằng cấp ở một trường đại học nào không qua trọng bằng việc bạn có những kỹ năng làm việc và kỹ năng tư duy, xử lí vấn đề như thế nào trong công việc và cuộc sống. Kiến thức ngày nay đã trở thành thế giới phẳng, có thể không cần đi du học nước ngoài con bạn vẫn tiếp cận được với túi khôn nhân loại.
Nhưng con bạn sẽ không thể tiếp thu được túi khôn nhân loại ấy nếu nó không thực sự hào hứng chủ động với học cũng như kỹ năng tự học. Bởi nếu có năng lực ấy thì ở đâu nó cũng có thể học được, và biết cách học như nào để ra đời có thể ứng dụng được.
Năng lực tự học: chính là khả năng tự mình đặt ra các câu hỏi và tự mình tìm kiếm xử lí thông tin để giải quyết vấn đề ấy với tâm thế chủ động. Năng lực này rất quan trọng vì nó luôn khiến ta cảm thấy ham muốn được học hỏi, thử thách, học đến suốt đời, 80 tuổi vẫn bắt đầu học môt môn mới nào đó.
Giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình hiện nay đã tạo ra những đứa trẻ bị đúc khuôn và thiếu kỹ năng tự học
Những cái khuôn của giáo dục Việt Nam:
- Nhà trường và ba mẹ chỉ quan tâm đến điểm số và coi trọng bằng cấp:
Ba mẹ vẫn giữ tư duy con đỗ đại học vô làm nhà nước thì mới là “chuẩn” để mở mày mở mặt với hàng xóm, và cơ hội tìm được một công việc ngon, chứ một đứa không học đại học mà chỉ làm thợ nhưng có tay nghề khéo để thành thợ giỏi, công nhân giỏi cũng không được coi trọng bằng. Trong khi công việc nào cũng cao quý như nhau. Giá trị thực chất của một con người nằm ở việc họ nỗ lực hết mình với công việc để sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không nằm ở tấm bằng.
Nhà trường và gia đình cũng không khuyến khích đứa trẻ dám nghĩ khác, làm khác với bạn bè, như thế thì làm sao thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến đa dạng trong xã hội Việt Nam.
Mỗi sự trưởng thành của con không thể thiếu hình bóng của người cha
- Những đứa trẻ thiếu trải nghiệm thực tế, trải nghiệm với thiên nhiên và kỹ năng mềm:
Chúng bị đóng khung trong thời khóa biểm ăn, ngủ, học và học nào là học Tiếng Anh, đàn, vẽ, múa mà không phải làm bất cứ việc nhà nào, chỉ cần học giỏi là được, chỉ cần điểm cao là được còn thế giới này đã có ba mẹ và osin lo rồi.
Đây là một lỗ hổng rất lớn trong giáo dục gia đình VN hiện đại. Ba mẹ vô tình không hiểu rằng chính những việc làm nhỏ nhặt như nấu cơm, lau dọn nhà, rửa bát, giặt phơi quần áo…ấy là cơ hội để dạy trẻ những kỹ năng sống và tinh thần trách nhiệm với cuộc đời, biết sống vì người khác. Mà đó lại là những kỹ năng giúp ích cho con khi ra đời rất nhiều.
- Không chỉ có thành phố mà xu thế này đang lan rộng ở nông thôn, kết quả là đứa trẻ chỉ như những con mọt sách cắm cúi với sách vở, không dám nghĩ khác, không đủ tự tin và quyết tâm theo đuổi ước mơ của chính mình. Thế nên mới có những chuyện nhiều học sinh nhà nghèo khóc không có tiền nhập học mỗi mùa thi đại học. Đích thị trong số rất nhiều bạn ấy, là kết quả của một nền giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình bị đúc khuôn (mình không nói trường hợp cực kỳ éo le như người thân bị bệnh tật…).
-Thiếu trải nghiệm thì sẽ thiếu sự tự tin: Trong hơn 11 năm du học ở Nhật mình đúc kết ra rằng nếu như bạn có càng nhiều trải nghiệm, càng nhiều thất bại và khó khăn thì bạn sẽ càng có tự tin để theo đuổi ước mơ của mình. Những việc như nấu một bữa cơm, đi chợ, giặt quần áo, giày dép chính là trải nghiệm cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày. Leo núi, đi rừng, chơi trong thiên nhiên, chơi rồi cãi nhau với bạn bè chính là trải nghiệm để rèn ý chí và kỹ năng giao tiếp. Rửa bát là vỡ, dùng dao bị đứt tay, ngã trầy xước, bị điểm kém, bị thua cuộc trong cuộc thi….cũng là trải nghiệm. Ba mẹ chỉ cần khi con thất bại đừng la mắng, đừng lo sợ khi con buồn con thất bại, đừng bao bọc lo trước cho con khỏi thất bại, thì mình tin đứa trẻ ấy sẽ lớn lên mạnh mẽ với đầy đủ năng lực sống cần thiết.
Mình sẽ dạy con điều gì
Con có thể tự học trong rất nhiều trò chơi
Cá nhân mình chưa bao giờ mình có ý định sẽ kiếm thật nhiều tiền, tạo một khoản tiết kiệm cho con du học trong tương lai. Việc con du học, con học gì chính con sẽ là người quyết định. Ba mẹ chỉ nuôi con đến năm 18 tuổi, sau đại học sẽ hỗ trợ nếu có khả năng về tài chính chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc.
Thay vào đó, từ những năm tháng đầu đời này mình xây dựng một lộ trình để giúp con nuôi dưỡng những năng lực sống cần thiết nhất cho hành trình 18 năm tiếp theo, đó chính là khả năng tự suy nghĩ, tự học, tự tìm ra mình là ai trong cuộc đời này.
Thay vì dành thời gian kiếm thật nhiều tiền tiết kiệm cho con, mình sẽ ưu tiên dành thời gian để chơi cùng con trong những năm tháng đầu đời. Bon rất mê ô tô vì thế mọi thứ mình tìm hiểu thường xoay quanh chuyện ô tô. Cùng con làm những chiếc ô tô từ lõi giấy vệ sinh, hay cắt dán ô tô, tìm hiểu về các loại xe…đó là cách mình ủng hộ cho con rồi.
Nếu bạn không có tiền cho con học piano, học vẽ, học TA sớm cũng đừng buồn. Thành công của đứa trẻ không phụ thuộc vào túi tiền của ba mẹ, nó phụ thuộc nhiều hơn vào nỗ lực trong những thói quen hàng ngày, vào chính môi trường giáo dục gia đình. Vào chính việc bạn có dám nghĩ khác và ủng hộ con bạn nghĩ khác khỏi những tấm khuôn bị đúc sẵn.
Chuẩn bị hành trang gì cho con sau 10-15 năm nữa
Những đứa trẻ sinh ra vào những năm 2014-15 trở đi khi chúng 18-20 tuổi, chúng sẽ đối mặt với một xã hội đã bị máy móc thông minh (cuộc cách mạng 4.0) làm thay cho rất nhiều phần việc. Và lúc này trí thông minh, kiến thức hiểu biết chưa chắc đã là một lợi thế vì làm sao IQ của chúng ta đánh lại được với máy móc.
Nhưng có những thứ mà con người hơn máy móc rất nhiều, đó là cảm xúc, là trí tưởng tượng, là tư duy phức tạp, kỹ năng xử lí vấn đề một cách linh hoạt. Vì thế việc đứa trẻ được rèn kỹ năng tự học, tự chủ, tự mình tìm tòi và xử lí vấn đề chính là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể biết trước được sau cách mạng 4.0 sẽ là gì, nhưng chắc chắn khi đứa trẻ được học những kỹ năng trên, kỹ năng tự làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng với cuộc sống, chúng ta sẽ không phải lo nó bị xã hội bỏ lại mọi người nhỉ.