Tuyển tập đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn và gợi ý làm bài

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Bình Thuận
Năm học 2007 - 2008

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chin chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Trích Truyện Kiều)​

Nêu cảm nhận của em về bốn câu thơ trên. (Viết không quá bốn mươi dòng).

Yêu cầu


Về kiến thức:
Học sinh cảm nhận đoạn thơ và diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, miễn sao tỏ ra hiểu được nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Trong bốn câu thơ, tách ra làm hai phần, cụ thể như sau:

a. Hai câu thơ trước: Vừa nói không gian vừa gợi thời gian. Có thể trình bày theo một trong hai cách (cả hai đều chấp nhận).

- Cách 1: Bám sát vào giải thích để làm rõ nội dung.

Ngày xuân con én bay đi bay lại như chiếc thoi đưa. “Chiếc thoi đưa” nhằm nói thời gian trôi qua nhanh quá. “Thiều quang” chỉ ánh sánh đẹp, chỉ ánh sang ngày xuân. Ý câu thơ là ba tháng mùa xuân có chín mươi ngày (chín chục) mà nay đã qua sáu mươi rồi, tức là đã hết tháng riêng và tháng hai, đã bước sang tháng ba.

- Cách 2: Không bám vào giải thích từ ngữ, nhưng vẫn nêu được nội dung.

Ngày xuân thấm thoát trôi mau, thời tiết đã chuyển sang tháng ba - tháng cuối mùa xuân. Những con chim én bay liệng như thoi dệt cửi chao qua đảo lại giữa bầu trời trong sáng. Ngoài việc tả cảnh, ý thơ còn ngụ ý tiếc ngày xuân đi qua nhanh quá.

b. Hai câu sau:

Một màu cỏ non trải rộng mênh mông đến tận chân trời, trên cái nền màu xanh của mùa xuân ấy, điểm vài bông hoa lê trắng, làm cho cảnh vật không đơn điệu, nhưng trở nên thoáng nhẹ và hài hòa, gợi lên một vẻ đẹp riêng của mùa xuân thanh khiết, khoáng đạt.

Chỉ bốn câu thơ, chi tiết không nhiều, chấm phá đôi nét, khá chọn lọc: Có chim én bay, một vài bông hoa trắng, nền cỏ xanh, nhưng đã vẽ nên được cái hồn của bức tranh mênh mông đầy sức sống.

Về kỹ năng:

- Bố cục bài viết rõ ràng, trình bày vấn đề mạch lạc.
- Văn viết trôi chảy, lập luận chặt chẽ, mạch lạc.
- Ít mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT Hoàng Diệu tỉnh Sóc Trăng
Năm học 2007 - 2008

Vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân trong Truyện Kiều qua đoạn trích:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh .
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
(Ngữ văn 9, tập một. NXB Giáo Dục, 2004 trang 85)

Yêu cầu


Về kĩ năng:


- Thí sinh biết cách thực hiện một văn bản nghị luận về một tác phẩm tự sự nhưng được viết theo thể thơ lục bát ( đây không phải là thơ mà là truyện thơ).

- Thể hiện rõ các bước làm văn nghị luận văn học, cách tổ chức, triển khai luận điểm, nêu được những nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết dựa trên sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung, kết cấu của tác giả.

- Có khả năng vận dụng nhiều thao tác khác nhau để thực hiện văn bản.

Về kiến thức:


Thí sinh có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng phải thể hiện những yêu cầu sau đây:

- Truyện Kiều được coi là kiệt tác không chỉ ở bản thân câu chuyện mà quan trọng hơn là nghệ thuật thể hiện của Nguyễn Du, trong đó có yếu tố miêu tả nhân vật.

- Vì là một tác phẩm tự sự nên sự kết cấu được thể hiện theo trình tự thời gian.

Bốn câu đầu:
Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân với vẻ đẹp riêng.

+ Thời gian thấm thoát trôi mau, tiết trời đã chuyển sang tháng ba (Thiều quang chín chục…) nhưng sức xuân vẫn tràn trề (con én thoi đưa).

+ Bức tranh mùa xuân có sự hài hòa màu sắc: Trên nền cỏ xanh điểm một vài hoa lê trắng. Từ “điểm” làm cho cảnh vật trở nên sinh động có hồn.

+ Tất cả làm cho mùa xuân có vẻ riêng: Mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời) nhẹ nhàng, thanh khiết.

Tám câu tiếp theo:
Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

+ Có hai hoạt động diễn ra: Tảo mộ và du xuân chốn thôn quê (Hội đạp thanh).

+ Không khí lễ hội thật náo nức, rộn ràng đông vui (Dập dìu tài tử giai nhân / Ngựa xe như nước, áo quần như nêm). Cách dung từ láy ( nô nức, sắm sửa, dập dìu…) tạo hiêu quả miêu tả rất xinh động.

+ Qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa.

Sáu câu thơ cuối
: Khung cảnh chị em Thúy Kiều du xuân về.

+ Không khí lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lạnh dần, mọi chuyển động đều nhẹ nhàng, mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân con người thơ thẩn, một dòng nước uốn quanh.

+ Cảnh vẫn vậy nhưng do thời gian thay đổi nên sắc thái khác, nhưng quan trọng hơn, cảnh đã nhuốm tâm trạng con người. Những từ láy (tà tà, thanh thanh, nao nao…) không chỉ miêu tả trạng thái sự vật mà cũng mang cái nhìn của con người. Cảm giác “nao nao” dự cảm trước những vui buồn lẫn lộn.

- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du: Kết hợp bút pháp tả và gợi, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên tỉnh Thái Nguyên
Năm học 2006 - 2007

1. Tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

2. Nhận xét về truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: Bến quê là một truyện đặc sắc, chứa đựng những chiêm nghiệm, triết lý về đời người được thể hiện bằng tình huống truyện độc đáo và nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng.

Em hãy phân tích truyện ngắn Bến quê để làm sáng tỏ nhận xét trên.

Yêu cầu


1. Học sinh nêu được hai tình huống trong truyện sau:

a. Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách, nhưng điều trớ trêu là bé Thu không nhận ra cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi. Đây chính là tình huống cơ bản của truyện.

b. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả yêu thường và mong nhớ cho đứa con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà đó cho cô con gái.

2. Học sinh cần nêu được những yêu cầu sau:

Về nội dung:


a.
Phân tích tình huống truyện:

Tình huống thứ nhất:

- Khi còn trẻ, Nhĩ đã đi rất nhiều nơi, gót chân anh hầu như đặt lên khắp mọi xó xỉnh trên trái đất.

- Về cuối đời anh mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nên bị liệt toàn thân. Đây là một tình huống đầy nghịch lý để người ta chiêm nghiệm triết lý về đời người.
Tình huống thứ hai:

- Phát hiện ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, Nhĩ khao khát một lần được đặt chân tới đó.

- Biết mình không thể làm được, Nhĩ nhờ cậu trai thực hiện giúp, song cậu trai mĩa sa vào đám chơi phá cờ thế bên đường nên đã lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày qua sông.

Các tình huống nghịch lý này, tác giả lưu ý người đọc những nhận thức của cuộc đời, cuộc đời chứa đầy những điều bất thường, vượt qua khỏi những dự định, toan tính của con người. Cuộc sống người ta khó tránh khỏi cái vòng vèo, chùng chình. Cảm nhận thấm thía vẻ đẹp của quê hương giàu đẹp, tình cảm yêu thương của những người xung quanh.

b.
Ý nghĩa biểu tượng của một số hình ảnh

- Hình ảnh bãi bồi bên kia sông: là hình ảnh quê hương giàu đẹp bình dị, nó đánh thức Nhĩ một niềm khát khao được khám phá.

- Hình ảnh bờ sông bên này bị sạt lở: Quy luật tự nhiện của dòng sông bên lở bên bồi. Quy luật của đời người có sinh có tử. Suy nghĩ của Nhĩ về cái chết kề cận.

- Hình ảnh anh con trai sa vào đám cờ thế bên đường: Cuộc đời con người khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình.

- Hình ảnh con đò: cơ hội mà con người không nắm bắt rất dễ tuột mất hoặc bỏ qua.
Truyện chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm của cuộc đời. Là phát hiện có tính quy luật, cuộc đời con người không tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình. Thức tỉnh những giá trị vẻ đẹp đích thực của đời sống ở những cái gần gũi, bình thường mà bền vững.

Về hình thức:

- Đúng kiểu bài tự sự phân tích tác phẩm tự sự. Bố cục chặt chẽ, rõ ràng.

- Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, không sai lỗi chính tả.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyen tỉnh Bạc Liêu
Năm học 2007 - 2008

Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình nhu thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Yêu cầu


Đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:


a. Bố cục đầy đủ, rõ ràng, hợp lý chặt chẽ.

b. Mắc dưới 5 lỗi chính tả dung từ, đặt câu.

c. Văn viết lưu loát, mạch lạc, trôi chảy.

d. Cảm xúc chân thành, diễn đạt sáng tạo, trình bày sạch đẹp.

e. Nội cung: cần phân tích được:

- Tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng của nhân vật trữ tình khi nhận ra tín hiệu của sự chuyển mùa từ hạ sang đông.

- Bài thơ theo thể năm tiếng, nhiều hình ảnh giàu sức biểu cảm.

- Sử dụng nhiều từ ngữ diễn tả cảm giác, trạng thái.

Chú ý:
mỗi gạch đầu dòng trên đây đều phải được minh họa bằng dẫn chứng cụ thể. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT thành phố Hà Nội

Năm học 2007
- 2008

Sang thu
của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa.

Hãy phân tích bài thơ để làm sáng rõ ý kiến trên.

Yêu cầu


Yêu cầu chung:
HS có thể có cách trình bày và lập luận khác nhau nhưng viết bài phải đạt được yêu cầu của đề là:

Về nội dung, nêu được:


- Đặc điểm của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ qua các chi tiết miêu tả hương quả, gió sương, dòng sông, mây, nắng, mưa…Đó là hình ảnh đất trời với những biến chuyển sang thu nhẹ nhàng, nên thơ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cách dung từ, đặt câu, tính ẩn dụ của hình ảnh làm cho bức tranh thêm sinh động hấp dẫn.

- Hình tượng con người với giác quan nhạy bén nhận ra tín hiệu mùa thu khi mùa thu chưa sang, khi mùa hạ chưa đi qua, xúc cảm bay bổng, bất ngờ trước mùa thu, lưu luyến với mùa hạ. Người nhạy cảm, tinh tế, từng trải trước mỗi đổi thay của cảnh vật không được miêu tả trực tiếp trong tác phẩm nhưng vẫn hiện lên sau mỗi hình ảnh tạo vật sang thu.

Về hình thức:


Bố cục bài viết rõ ràng; thể hiện được cách tiếp cận, hiểu sâu một đoạn thơ trữ tình, chủ động trong việc hành văn nghị luận, tập hợp và chuyển hóa được kiến thức đã học, lập luận chặt chẽ; dùng từ, đặt câu tốt, văn viết có cảm xúc.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT thành phố Hồ Chí Minh
Năm học 2007 - 2008

Cảm nhận của em về đọan thở:

…Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rung
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô hình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Nguyễn Duy, Ánh trăng, SGK Ngữ văn 9, tập một, trang 156, NXB Giáo dục, 2005)
Yêu cầu

Yêu cầu kỹ năng:


- Nắm vững phương pháp nghị luận về một đoạn thơ. Cảm nhận phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc…của đoạn thơ.
- Bố cục chặt chẽ, mạch lạc, rõ ràng.

- Diến đạt tốt, lời văn trau chuốt, gợi cảm.

Yêu cầu về kiến thức:

- Học sinh phải nắm vững nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Hiểu được ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng, từ đó thấm thía cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao, tình nghĩa và biết rút ra bài học về cách sống của bản thân mình.

- Giám khảo chấm cần cân nhắc và trân trọng với những cảm nhận riêng của học sinh.

Gợi ý:


- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn thơ, bước đầu nêu nhận xét ,đánh giá về đoạn thơ.

- Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ. Hình ảnh vầng trăng cùng cảm xúc nhà thơ:

+ Sống ở thành phố hiện đại và nhiều tiện nghi vật chất “ánh điện, cửa gương”, ngỡ như không còn chỗ cho tình nghĩa vầng trăng một thời của người lính: “vầng trăng đi qua ngõ-như người dưng qua đường”.

+ Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng trong tình huống đặc biệt gây ấn tượng mạnh: “đột ngột vầng trăng tròn”. Chính lúc: “phòng buyn-đinh tối om”, nhà thơ mới nhận ra vẻ đẹp đích thực của vầng trăng mà lâu nay sống với “ánh điện cửa gương” đã quên mất.

+ Cảm xúc thiết tha có phần thành kính ở tư thế im lặng : “ngửa mặt lên nhìn mặt / có cái gì rưng rưng”.

+ Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, là người bạn tri kỷ suốt thời tuổi nhỏ, rồi thời chiến tranh ở rừng. Vầng trăng xuất hiện làm ùa dậy trong tâm trí con người bao kỷ niệm của những năm tháng gian lao, hình ảnh thiên nhiên đất nước bình dị hiện hậu: “như là đồng là bể / như là sông là rừng”.

+ Khổ cuối đọan thơ là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý của tác phẩm: “trăng cứ tròn vành vạnh” như tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ vẹn nguyên chẳng thể phai mờ, “ánh trăng im phăng phắc” chính là người bạn – nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ (và cả mỗi chúng ta): con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn hay bất diệt.

+ Từ một câu chuyện riêng, đoạn thơ cất lên lời tự nhắc hở, thấm thía về thía độ tình cảm đối với những năm tháng quá khứ, gian lao, tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu.

+ Ý nghĩa đoạn thơ nằm trong mạch trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, có khi trầm lắng, biểu hiện suy tư, giọng điệu tâm tình tự nhiên như một lời tự nhắc nhở, đồng thời cũng là một sự chia sẻ, gợi nhắc với mọi người. Giọng điệu có lúc rưng rưng xúc động của sự ăn năn hối hận, có lúc nghiêm trang của lời tự phán xét trong lòng tác giả. Kết cấu, giọng điệu của đoạn thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo nên tính chân thực, sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Lưu ý:
học sinh có thể nhắc đến hình ảnh vầng trăng trong quá khứ qua hai khổ thơ đầu nhưng không nên đi sâu vào phân tích hai khổ thơ này.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên tỉnh Hậu Giang
Năm học 2007 - 2008

Trong bài Một khúc ca nhà thơ Tố Hữu có viết:

Nếu là con chim, chiếc là
Thì con chim phải hót, chiêc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình ?

Em hiểu đoạn thơ trên như thế nào ? Từ đó hãy dựa vào bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) để làm sáng tỏ lẽ sống mà đoạn thơ đã thể hiện.

Yêu cầu


Yêu cầu kiến thức chung :


- Có kiến thức lý luận văn học về một trong những đặc điểm nội dung cơ bản của tác phẩm văn học là hình tượng nghệ thuật.

- Phân tích được cảm xúc của tác giả qua bài thơ để làm rõ vấn đề lý luận văn học trên.

- Bố cục chặt chẽ, diễn đạt chôi chảy.

Yêu cầu cụ thể :


Học sinh hiểu và phân tích được 2 lẽ sống của 2 nhà thơ. Sau đây là một ý cơ bản ở từng phần.

Hiểu và phân tích được ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ. Cảm nhận được những xúc cảm của Tố Hữu trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn dâng hiến cho cuộc đời.

Hiểu hoàn cảnh sáng tác, thấu hiểu và trân trọng tình cảm, tư tưởng của tác giả.

Cảm nhận của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn làm ‘ một mùa xuân nho nhỏ’ dâng hiến cho cuộc đời. Từ đó mở ra những suy nghĩ về ý nghĩa, giá trị cuộc sống của mỗi cá nhân là sống có ích, có cống hiến cho cuộc đời chung.

Bài thơ nói đến vấn đề lẽ sống, ý nghĩa của đời sống con người bằng nhiều điều tâm niệm chân thành, thiết tha, bằng giọng nhỏ nhẹ.

Mạch cảm xúc và tư tưởng của bài thơ là từ xúc cảm trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước, thể hiện khát vọng được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào “mùa xuân lớn” của cuộc đời chung.

Có kiến thức cảm thụ, phân tích hình ảnh thơ trong mạch vận động của tứ thơ.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Đồng Nai
Năm học 2007 - 2008

Phân tích những nét tính cách chung và riêng của ba cô thanh niên xung phong trên cao điểm của tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Yêu cầu


Yêu cầu chung:
trên cơ sở nắm chắc truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê, biết cách làm kiểu nghị luận văn học, biết phân tích làm nổi bật những nét tính cách chung và riêng của ba cô gái thanh niên xung phong trên cao điểm của tuyến đường Trường Sơn những năm chiến tranh chống Mỹ. Bài viết có bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

Yêu cầu cụ thể:
học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng dứt khoát phải nắm vững tác phẩm và nêu được
nội dung chính sau:

Những nét chính chung của ba cô gái thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường
.

Họ là những cô gái trẻ, lạc quan, yêu đời, thích làm đẹp cho cuộc sống của mình ngay trên chiến trường
(phân tích, dẫn chứng…).
Họ có chung một hoàn cảnh:

- Họ sống trong một cái hang dưới chân cao điểm – nơi tập trung nhiều bom đạn nguy hiểm của kẻ thù. Chung quanh cao điểm là cảnh tàn phá của chiến tranh: đường bị lở loét, cây cấy bị tàn phá không còn màu xanh, máy bay rít, bom nổ (“ Đất dưới chân chúng tôi cứ rung, mấy cái khăn mặt mắc ở đây cũng rung. Tất cả như lên cơn sốt, khói lên và cửa hang bị che lấp. Không thấy mây và bầu trời đâu nữa”…).

Họ cùng chung một nhiệm vụ:


- Họ làm những công việc mạo hiểm với cái chêt (Khi bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố, đếm bom chưa nổ, nếu cần thì phá bom). Mỗi ngày ba cô gái trong tổ trinh sát bom mặt đường phải lấp hơn nghìn mét khối đất. Có ngày phá bom đến năm lần (phân tích, chứng minh…).

Nét tính cách riêng của mỗi người.


Phương Định – nhân vật
chính trong truyện ( ngôi kể ).

- Trong cuộc sống đời thường: Phương Định là cô gái đáng yêu, khá xinh đẹp. Cô từ Hà Nội xung phong vào chiến trường. Kỷ niệm của những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, êm đềm luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Cô tự hào về mình, trong lời kể thể hiện sự hồn nhiên, lạc quan, vui vẻ, thích ngắm mắt mình trong gương, có tâm hồn nhạy cảm, tỏ ra kín đáo tưởng như kiêu kỳ.

- Trong công việc, Phương Định là người có ít nhiều kinh nghiệm, dung cảm, năng động. Mặc dù còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi nhưng cô vẫn làm nhiệm vụ. Một ngày cô có thể phá bom tới năm lần. Ở bên những quả bom, kề sát cái chêt bất ngờ, cô thận trọng, căng thẳng, hồi hộp chờ bom nổ. Mỗi lần phá bom là một lần thử thách đối với cô (phân tích, chứng minh…).

- Trong tình cảm đồng đội: Phương Định luôn quan tâm yêu thương đồng đội. Cô luôn dành sự yêu thương quan tâm tới chị Thảo và Nho. Cô cứu chữa, chăm sóc tận tình cho Nho khi phá bom bị thương (Tôi moi đất, bế Nho đặt lên đùi mình…tôi rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than).

Cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.

Nhân vật Thảo:

- Thảo là người lớn tuổi hơn Phương Định và Nho, được mọi người trong tổ gọi cái tên trìu mến là “chị Thảo”. Chị là chỉ huy của tổ trinh sát phá bom mặt đường. Trong cuộc sống đời thường, chị Thảo cũng thích làm đẹp cho cuộc sống của mình (áo lót của chị cái nào cũng thêu chữ mầu, chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm).

Chị Thảo hát (nhạc sai bét, còn giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào, nhưng chị lại có ba cuốn sổ dày, chép bài hát).

- Trong công việc : chị Thảo bình tĩnh, cương quyết, táo bạo. Chị phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ và trực tiếp phá bom. Chị Thảo thổi còi làm hiệu lệnh chỉ huy toàn tổ phá bom.

- Tình cảm đồng đội: chị Thảo quan tâm yêu thương Nho và Phương Định bằng tình yêu đồng đội, tình thương của một người chị. Nho bị thương, chị Thảo vội lao tới nghẹn ngào, không nước mắt (Nho, bị thương ở chỗ nào? Bị ở đâu hả em?) . Chị quan tâm, chăm sóc nho tận tình với tình cảm cảu ngời chị, người đồng đội, người chỉ huy.
Nhân vật Nho:

- Dưới cái nhìn của Phương Định, Nho là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn và hồn nhiên. Nho có cái cổ tròn và những chiếc cúc áo nhỏ nhắn… trông nhẹ và mát mẻ như que kem trắng. Nho là cô gái ít tuổi nhất trong tổ trinh sát, có lúc hồn nhiên, trẻ con (Nho vừa tắm ở dưới suối lên, khúc suối đó cũng hay có bom nổ chậm. Cứ quần áo ướt, Nho ngồi đòi ăn kẹo)

- Đối với công việc: Nho là một cô gái dung cảm, gan dạ, sẳn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm. Cô được phân công phá hai quả bom dưới lòng đường và đã bị thương. Cô được chị Thảo, Phương Định cứu chữa, yêu thương, chăm sóc…
Tóm lại, ba nhân vật Phương Định, Thảo , Nho mỗi người có những nét tính cách khác nhau nhưng cả ba người đều có chung lý tưởng, hoàn cảnh sống và có chung nhiệm vụ trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của dân tộc.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật


Học sinh cần nêu bật được:

- Cách chọn vai kể và giọng điều trần thuật của người kể truyện (phân tích, chứng minh…)

- Miêu tả chân thực, sinh động, tự nhiên tâm lý của những cô gái thanh niên xung phong, đặc biệt là tâm lý nhân vật Phương Đinh (phân tích, chứng minh).
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Nam Định
Năm học 2006 – 2007

1. Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau:

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lung, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng hét lên:
Ba... a… a… ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó, vừa nói trong tiếng khóc

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vêt thẹo dài trên má của ba nó nữa.”
( Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng )

2. Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du biểu hiện trong đoạn thơ Chị em Thúy Kiều ( Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du – SGK Ngữ văn 9, tập một ).

Yêu cầu


1. Cảm nhận được:

Đây là đoạn văn dựng lại cảnh ngộ: sau khi sang nhà bà ngoại, được bà giải thích, Thu hiểu ra vì sao ba nó có cái thẹo dài trên mặt, sự nghi ngờ ở nó được giải tỏa. Trước phút ông Sáu phải lên đường, lần đầu tiên, bất ngờ, bé Thu cất tiếng gọi “ba” rồi nó níu giữ, liên tiếp hôn lấy lôn để “cùng khắp” ba nó.

Thái độ và hành động của bé Thu đột ngột thay đổi mà vẫn hòa vào mạch diễn tâm lý bé một cách tự nhiên hấp dẫn.
Theo câu chuyện, đến đoạn này, chúng ta có thể thở phào, cười ra nước mắt, thông cảm với bé Thu và mừng cho cha con bé. Cuộc kháng chiến cứu nước đã buộc gia đình và các thế hệ người Việt Nam yêu nước phải chịu đựng biết bao nhiêu sự thiệt thòi, mất mát, hi sinh nhưng đồng thời cũng giúp họ nhận ra giá trị lớn lao, thiêng liêng của hạnh phúc gia đình riêng tư bình dị, đơn sơ và càng làm vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.

2. Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du biểu hiện trong đoạn thơ Chị em Thúy Kiều ( Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du – SGK Ngữ văn 9, tập một).

Mở bài:


Yêu cầu:
Đưa dẫn được vấn đề cần nghị luận : Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du biểu hiện qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều.

Thân bài:


Yêu cầu :
phân tích, đánh giá những biểu hiện của cảm hứng nhân văn ở Nguyễn Du tỏa sáng qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều.
Với nhiệt tình trân trọng, ngợi ca, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ cổ điển, lấy những hình ảnh thiên nhiên để gợi tả, khắc họa chị em Thúy Kiều thành những trang tuyệt săc giai nhân:

- Thúy Vân có vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, với trăng, hoa, mây, tuyết… Những tạo vật tinh khôi của đất trời, tạo hóa.

- Thúy Kiều so bề tài sắc còn hơn cả Thúy Vân, lại thêm tâm hồn mặn mà, đa cảm, khiến “hoa” phải “ghen”, “liễu” phải “hờn”, thiên nhiên đố kị, ghen ghét.

+ Cùng với tình trân trọng, ngợi ca, trong dòng cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du còn có cả niềm yêu thương, quan tâm, lo lắng cho số phận con người. Nguyễn Du đã dồn nén nhiệt tình trân trọng, ngợi ca, tài hoa bút lực tạc dựng lên hình tượng nàng Kiều đa sắc, đa tình, có một không hai. Thế nhưng, từ giọng điệu, ngọn bút, hình tượng thơ đều phảng phất một sự lo lắng cho số phận nàng Kiều và gợi lên dự cảm về một kiếp đời tài hoa bạc mệnh.

+ Dẫu sao niềm yêu thương, trân trọng, ngợi ca cũng đã làm vơi nhẹ đi nỗi ám ảnh về triết lý “tài hoa bạc mệnh”, đã tạo nên nét tươi sáng cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du.

Kết bài:

Yêu cầu:

Bộc lộ cảm nhận sâu đậm nhất về cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du thể hiện qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều; chẳng hạn: đến với Chị em Thúy Kiều, để trái tim mình bắt vào mạch nhân văn của đại thi hào Nguyễn Du, tự nhiên lòng ta cảm thấy thêm yêu thương con người, trân trọng con người hơn.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT thành phố Hải Phòng
Năm học 2007 – 2008

Viết đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng giới thiệu thi hào Nguyễn du, trong đó sử dụng thành phần phụ chú hoặc khởi ngữ. (Gạch chân các thành phần đó).

Yêu cầu

Về hình thức:

+ Viết đúng một đoạn văn thuyết minh.

+ Đạt yêu cầu về dung lượng khoảng 10 – 16 dòng.

+ Diễn đạt rõ ràng, đúng văn phạm, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Về nội dung:

+ Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên; quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Nguyễn Du sống trong một thời đại có nhiều biến động: chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên ở khắp mọi nơi, đỉnh cao là nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến. Nguyễn Du từng trải một cuộc đời phiêu bạt: sống nhiều nơi trên đất Bắc, ở ẩn ở Hà Tĩnh, làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc.

+ Nguyễn Du là người có vốn hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa, văn học, cũng là người từng trải. Nhờ thế ông có vốn sống phong phú, tấm lòng yêu thương sâu sắc, hướng về những đau khổ của nhân dân. Ông là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Nguyễn du để lại sự nghiệp văn học lớn gồm những tác phẩm có giá trị bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có 3 tập, gồm 243 bài. Thơ chữ Nôm xuất sắc nhất là truyện Đoạn trường tân thanh, còn gọi là Truyện Kiều.

Viết và gạch chân các thành phần phụ chú hay khởi ngữ.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT thành phố Huế
Năm học 2007 – 2008

Cho đoạn văn sau:

“Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới. Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót. Hạt nọ tiếp hạt kia rơi xuống mặt đất (…). Mặt đất đã kiệt sức bõng thức dậy, âu yếm đón lấy những hạt mưa ấm áp, trong lành. Đất trời lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cỏ. Mưa mùa xuân đã đem lại cho chúng cái sức sống ứ đầy, tràn lên các nhánh lá mầm non. Và cây trả nghĩa cho hoa bằng cả những mùa hoa thơm trái ngọt”.
(Tiếng mưa – Nguyễn Thị Thu Trang)

1. Xác định và nêu ngắn gọn tác dụng của các biện pháp tu từ từ vựng được dung trong đoạn văn.

2. Chỉ rõ tính lien kết trong đoạn văn.

Yêu cầu

1. Xác định và nêu ngắn gọn tác dụng của các biện pháp tu từ từ vựng được dung trong đoạn văn.

Phép nhân hóa làm cho các yếu tố thiên nhiên (mưa, đất trời, cây cỏ) trở nên có sinh khí, có tâm hồn.

Phép so sánh làm cho chi tiết, hình ảnh (những hạt mưa) trở nên cụ thể, gợi cảm.

2. Chỉ rõ tính liên kết trong đoạn văn.

Liên kết nộ dung:

+ Các câu trong đoạn cùng phục vụ chủ đề của đoạn là : miêu tả mưa mùa xuân và sự hồi sinh của đất trời.

+ Các câu trong đoạn được sắp xếp theo một trình tự hợp lý.

Liên kết hình thức:

+ Phép lặp: mưa mùa xuân, mưa, mặt đất.

+ Phép đồng nghĩa, liên tưởng: mưa, giọt mưa, hạt mưa; mặt đất, đất trời; cây cỏ, cây, nhánh lá, mần non, hoa thơm trái ngọt.

+ Phép thế: cây cỏ - chúng.
 
Đề tuyển học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Thừa Thiên – Huế
Năm học 2007 – 2008

Trong số 5 phương châm hộ họa, chọn trình bày 3 phương châm mà em quan tâm nhất (nội dung phương châm, ví dụ tình huống, tác dụng).

Yêu cầu


Học sinh chon 3/5 để trình bày, khi nêu ý đầy đủ, chính xác, rõ ràng, thuyết phục.

Các ý cụ thể:

+ Nội dung yêu cầu của phương châm.

+ Ví dụ tình huống sử dụng hay nêu thành ngữ, tục ngữ có giải thích.

+ Tác dụng cụ thể của việc dung đúng phương châm.

- Phương châm về lượng: nói có nội dung, nội dung của lời nói đáp ứng yêu cầu giao tiếp, không thiếu, không thừa.

- Phương châm về chất: không nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực.

- Phương châm quan hệ: cần nói đúng đề tài giao tiếp, tránh lạc đề.

- Phương châm cách thức: cần nói ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ.

- Phương châm lịch sự: cần tế nhị, tôn trọng người khác trong khi giao tiếp.
 
Đề tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Hải Dương
Năm học 2008 – 2009

Xác định hai biện pháp tu từ chính trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tang đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng trong lao động ! Tre, anh hùng trong chiến đấu !.
(Thép Mới, Cây tre Việt Nam, SGK Ngữ văn 6, tập 2, NXB Giáo dục – 2006, trang 97)

Yêu cầu

- Hai biện pháp tu từ chính : nhân hóa, điệp từ, hoặc điệp ngữ.

- Tác dụng: làm cho đoạn văn có tính biểu tượng, qua đó thể hiện niềm tự hào về sức mạnh và truyền thống anh hùng của dân tộc.
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Đắc Lắc
Năm học 2008 – 2009

Vận dụng những kiến thức đã học về trường từ vựng để phân tích cái hay trong cách dùng từ ở đoạn thơ sau :

Áo đỏ em đi giưa phố đông

Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không?
(Vũ Quần Phương – Áo đỏ)

a. Về kĩ năng : học sinh biết vận dụng kiến thức đã học về trường từ vựng để phân tích đoạn thơ. Bố cục bài viết hợp lí, văn viết mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi dùng từ, chính tả thông thường (lỗi diễn đạt).

b. Về nội dung:

+ Các từ (áo) đỏ, (cây) xanh, (ánh) hồng, lửa, cháy, tro tạo thành hai trường từ vựng.

- Trường từ vựng chỉ màu sắc.

- Trường từ vựng chỉ lửa và những sự vật, hiện tượng có quan hệ liên tưởng với lửa.

+ Các từ thuộc hai trường từ vựng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau. Màu áo đỏ của cô gái thắp lên trong mắt chàng trai (và bao người khác) ngọn lửa. Ngọn lửa đó lan tỏa trong người anh, làm anh say đắm, ngất ngây (đến mức cháy thành tro) và lan ra cả không gian làm cho không gian cũng biến sắc (Cây xanh như cũng ánh theo hồng).

+ Nhờ nghệ thuật dùng từ như đã phân tích, đoạn thơ đã xây dựng được những hình ảnh gây ấn tượng mạnh với người đọc, qua đó thể hiện độc đáo một tình yêu cháy bỏng và mãnh liệt.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Hà Tĩnh
Năm học 2008 -2009

Trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), tác giả viết:

Không có kính không phải vì xe kông có kính

Bom giật bom rung kinh vỡ đi rồi
Ung dung buồn lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
(Ngữ văn 9, tập một, trang 131, NXB Giáo dục – 2005)

Em hãy vết một đoạn văn khoảng 10 dòng, trong đó sử dụng phép thế (gạch chân từ ngữ của phép thế) trình bày cảm nhận của mình về khổ thơ trên.

Yêu cầu

Tạo lập được đoạn văn nghị luận về nội dung khổ thơ, trong đó có sử dụng phép thế, gạch chân để ghi rõ phép thế đã dùng.

Trình bày cảm nhận về khổ thơ:

- Từ hình ảnh tả thực về chiếc xe không kính trong hoàn cảnh khốc liệt cảu kháng chiến chống Mĩ, nhà thơ đã làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, dung cảm, bất khuất ung dung ra trận.

- Nhà thơ đã thể hiện độc đáo trong việc đưa vào tác phẩm chất liệu hiện thực của cuộc sống; những câu thơ tả thực, chính xác đến từng chi tiết; ngôn ngữ giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, trẻ trung, tự nhiên.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Đắc Lắc
Năm học 2009 – 2010

Cho đoạn văn sau: “Những ngày đầu năm, khắp làng bản Việt Nam rộn ràng tiếng trống hội xuân thúc giục lòng người. (…) bên cạnh hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa tín ngưỡng, cong có nhiều hội vui xuân, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”.
(Trò chơi ngày xuân, Báo nhân dân, số Xuân Nhâm Ngọ 2002)

a. Có thể thay thế lần lượt 4 cụm từ sau: “Khắp làng bản”; “Đầu xuân”; “Lúc này”; “Vào dịp này” vào dấu ba chấm nằm trong ngoặc (…) để hai câu trong đoạn văn liên kết được với nhau không.

b. Chỉ rõ (gọi tên) phép liên kết đó khi thay thế lần lượt các cụm từ.

Yêu cầu

a/ Có thể thay thế lần lượt 4 cụm từ trên vào dấu (…) để hai câu trong đoạn văn liên kết được với nhau.

b/ Nếu thay thế cụm từ:

- “Khắp bản làng” ta có phép lặp từ.
- “Đầu xuân” ta có phép đồng nghĩa.
- “Lúc này” ta có phép thế.
- « Vào dịp này » ta có phép thế.
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Hà Nam
Năm học 2008 – 2009

1/ Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích) có sử dụng hai thành ngữ « bên trời góc bể » và « quạt nồng ấm lanh » . Hãy chép hai câu thơ đó và giải thích nghĩa của hai thành ngữ trên trong hai câu thơ đó.

2/ Hãy chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ được sử dụng ở hai câu thơ sau :

« Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước ».

3/ Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo trong những câu thơ sau :

a. « Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang ».
(Truyện Kiều – Nguyễn Du_

b. « Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa ».
(Bếp lửa – Bằng Việt)

Yêu cầu

1/a. Chép hai câu thơ có thành ngữ :

- « Bên trời góc bể bơ vơ ».

- « Quạt nồng ấm lạnh những ai đó giờ ? »

1/b. Giải thích nghĩa của hai thành ngữ trong hai câu thơ :

« Quạt nồng ấm lạnh » :

- Trời nóng nực thì quạt mát (cho cha mẹ ngủ), trời lạnh giá thì ủ cho ấm ( vào nằm trước trong giường để ấp chiếu chăn để đến khi cha mẹ vào ngủ thì đã có chỗ ấm sẵn.).

- Chỉ sự phụng dướng, chăm sóc cha mẹ (Kiều lo lắng không biết ai sẽ làm thay mình).

« Bên trời góc bể « :

- Lúc ở bên trời, lúc ở góc bể, nay đây mai đó xa xôi phiêu bạt.

- Chỉ sự lưu lạc cô đơn của Kiều.

2/ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ độc đáo trong hai câu thơ :

a/ « Đất nước… phía trước »

Biện pháp tu từ so sánh :

- Mượn hình ảnh cụ thể của thiên nhiên « Vì sao » sáng đẹp lung linh, trường tồn để so sánh với « đất nước » làm ngời lên vể sáng đẹp lung linh trường tồn của đất nước.

- Toát lên niềm tự hào , kiêu hãnh, tin tưởng vào tương lai của đất nước.

3/a. phân tích nghệ thuật dùng từ trong hai câu thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du :

- Nhận xét chung :

+ tác giả sử dụng các từ láy : nao nao, nho nhỏ.

+ dùng từ tinh tế, chính xác gợi nhiều cảm xúc cho người đọc.

+ vừa gợi tả được sắc thái của sự vật vừa lột tả được tâm trạng con người.

- Phân tích được cái hay của hai từ láy : nao nao,nho nhỏ.

3/b. « Một bếp lửa… nắng mưa »

- Biện pháp tu từ :

+ Điệp ngữ « một bếp lửa » khăc họa một hình ảnh quen thuộc, bình dị, ấp ủ tình nhà, tình đời, gây ấn tượng sâu đậm, gợi biết bao cảm súc, suy ngẫm cho người đọc.

+ Ẩn dụ « nắng mưa » chỉ sự vất vả và chịu đựng bao đổi thay, tác động của cuộc đời, sự từng trải gian nan của bà.

- Từ gợi hình « chờn vờn » : vừa gợi hình ảnh bếp lửa thực quen thuộc của mỗi gia đình, lại vừa gợi lên hình ảnh bếp lửa chập chờn trong kí ức.

- Từ gợi cảm « ấp iu » : gợi đến bàn tay khéo léo, kiên nhẫn và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa.
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Thanh Hóa
Năm học 2003 – 2004

Câu 1/ phân tích giá trị của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau :

« Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ »

Câu 2/ Phân tích giá trị của biện pháp đổi trật tự cú pháp trong câu thơ sau đây của Tố Hữu:

“Nhà ai mới quá tường vôi mới
Thơm phức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy nước khơi trong”

Yêu cầu


Câu 1/

- Chỉ ra đúng biện pháp tu từ được Tế Hanh sử dụng ở hai câu thơ là biện pháp “nhân hóa”

- Chỉ ra được các từ ngữ sử dụng để nhân hóa chiếc thuyền là các từ: im, mỏi mòn, trở về, nằm.

- Giá trị của biện pháp nhân hóa ở đây :

+ Biến con thuyền vô tri, vô giác trở nên sống động có hồn như con người.

+ Các từ :” im , mỏi mòn, trở về , nằm” cho ta cảm nhận được giây phút nghỉ ngơi thư giãn của con thuyền, giống như con người sau một chuyến ra khơi vất vả cực nhọc.

+ Từ “nghe” gợi cảm nhận con thuyền như một cơ thể sống, nhận biết được chất muối đang ngấm dần, lặn dần vào da thịt mình; và cũng giống như con người từng trải, với con thuyền , vị muối càng ngấm vào nó bao nhiêu nó như ngày càng dày dặn lên bấy nhiêu.

+ Tác giả miêu tả con thuyền , nói về con thuyền chính là để nói về người dân chài miền biển ở khía cạnh từng trải vất vả cực nhọc trong cuộc đời. Ở đây, hình ảnh con thuyền đồng nhất với cuộc đời, cuộc sống của người dân chài vùng biển.

Câu 2/

+ chỉ ra được các từ được đổi cú pháp ở các câu thơ trên là các từ:
“thơm phức, nặng, ngồn ngộn”.

+ giá trị của biện pháp đổi trật tự cú pháp: nhấn mạnh ý nghĩa của từ được đổi trật tự cúa pháp, tang giá trị biểu cảm, tính hình tượng, làm cho người đọc cảm nhận ngay được bằng khứu giác, thị giác và cảm giác về sự sung túc, no ấm của làng quê miền biển, một nét đẹp đẽ của đời sống mới.
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Hải Dương
Năm học 2006 2007

“…Mối rằng đáng giá nghìn vàng
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài
Cò kè bớt một them hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

(Theo Ngữ văn 9 – tập một – NXB Giáo dục 2005 – trang 98)

Đọc kĩ rồi trả lời những câu hỏi sau:

1/ Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng”, nội dung phải hiểu theo nghĩa gốc hay nghĩa truyện?

2/ Phương thức tu từ trong câu thơ trên là gì? Từ nào trong câu thơ cho em biết điều đó?

3/ “Cò kè bớt một thêm hai” có phải là một câu thơ hay theo quan niệm “là một câu thơ có sức gợi” (chữ dùng của nhà thơ Lưu Trọng Lư)?

Yêu cầu


1/ Thúy Kiều (“Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” không thể mua bằng tiền, là vô giá) được hiểu theo nghĩa chuyển.

2/ Phương thức tu từ ẩn dụ, từ “giá” cho em biết điều đó. Giá ở đây không phải là giá cả, giá cả chỉ dùng khi mua hang, Kiều không phải là hang hóa theo nghĩa thực, “ngàng vàng” ở đây để chỉ Kiều.

3/ Đó là một câu thơ hay, có sức gợi cảm. Câu thơ giúp người đọc hình dung được con người thật của Mã Giám Sinh : bỉ ổi, trắng trợn, vô liêm sỉ và cô cảm.
 
Đề thi tuyển dinh vào lớp 10 THPT thành phố Hồ Chí Minh
Năm học 2007 -2008

Tìm các thành phần tình thái, cảm thán trong câu thơ sau:

a/ Nhưng còn cái này nữa mà ông sợ, có lẽ còn ghê rợn hơn những cái kia nhiều. (Kim Lân, Làng).
b/ Chao ôi, bắt gặp một người như anh ta là một cơ hội hạn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài. (Nguyễn thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Yêu cầu

- Thành phần tình thái: có lẽ (câu a)
- Thành phần cảm thán: Chao ôi (câu b)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top