• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Tuyên Ngôn Độc Lập - Hồ Chí Minh

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

- Hồ Chí Minh -


Phần một: TÁC GIẢ

Câu 1
: Trình bày những nét chính về tác giả Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh (1890 – 1969), quê ở Nghệ An, xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước.

- Năm 1911: ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

- Năm 1919: gởi tới Hội nghị Véc-xây “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” về quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc.

- 1920: Dự đại hội Tua, là thành viên sáng lập Đảng cộng sản Pháp

- 1923 - 1941: Chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan, tham gia thành lập nhiều tổ chức cách mạng:

+ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
+ Chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước tại Hương Cảng.
+ Về nước thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

- Ngày 29/8/1942 bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt.

- Ra tù trở về nước, lãnh đạo cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công.

- Ngày 2 – 9 – 1945: thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

- Sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946: được bầu làm chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Từ 1945 cho đến khi mất, Người lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ.

Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại, và là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.

- Năm 1990: kỉ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) suy tôn là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa”.

Câu 2
:Trình bày ngắn gọn quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh

Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm:

a) Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

- Nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá.

- Văn học phải có chất thép, tính chiến đấu.

b) Hồ Chí Minh chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.

- Nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn hiện thực đời sống phong phú.

- Phát huy cốt cách dân tộc, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.

- Đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

c) Khi viết, Người luôn đặt câu hỏi “Viết cho ai?” (đối tượng), “Viết để làm gì?” (mục đích), “Viết cái gì?” (nội dung), “Viết thế nào?” (hình thức).

Câu 3:
Trình bày ngắn gọn sự nghiệp sáng tác (di sản văn học) của Hồ Chí Minh.

a) Văn chính luận:

- Nội dung: Lên án những chính sách tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, kêu gọi người nô lệ bị áp bức đoàn kết đấu tranh.

- Nghệ thuật: diễn đạt bằng những lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, đanh thép, súc tích; giọng điệu đa dạng; giàu tính luận chiến.

- Tác phẩm tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

b)
Truyện và kí:

- Nội dung: Tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của thực dân, phong kiến và tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa, đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và cách mạng.

- Nghệ thuật: Trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo, hình tượng sinh động, sắc sảo; kết hợp linh hoạt cách viết hiện đại với cách kể truyền thống; lối trào phúng giàu chất trí tuệ; giọng văn khi nghiêm trang khi hài hước.

- Tác phẩm tiêu biểu: Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Nhật kí chìm tàu…

c) Thơ ca:

- Nội dung: Tái hiện một cách chân thật bộ mặt tàn bạo của chế độ nhà tù Quốc dân đảng và xã hội Trung Quốc những năm 1942 – 1943; đồng thời phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng.
Nghệ thuật: Thơ tuyên truyền giản dị, mộc mạc; thơ nghệ thuật thâm trầm, sâu sắc, uyên thâm, vừa cổ điển vừa hiện đại.

- Tác phẩm tiêu biểu: Nhật kí trong tù, thơ kháng chiến chống Pháp, thơ kháng chiến chống Mĩ.

Câu 4:
Trình bày ngắn gọn phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.

Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh độc đáo, đa dạng:

a) Văn chính luận:

- Ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, bằng chứng đầy thuyết phục, giàu tính chiến đấu, bút pháp đa dạng…
- Thắm đượm tình cảm, giàu hình ảnh.
- Giọng văn đa dạng.

b)
Truyện và kí:
- Tính chiến đấu mạnh mẽ, nghệ thuật trào phúng sắc bén.
- Tiếng cười nhẹ nhàng, thâm thuý.
- Thắm thiết trữ tình.

c) Thơ ca:
- Thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh.
- Thơ tuyên truyền cách mạng viết bằng hình thức bài ca, lời lẽ giản dị, mộc mạc.
- Thơ nghệ thuật: Thơ tứ tuyệt cổ điển, bằng chữ Hán vừa cổ điển vừa hiện đại.

Phần hai:
TÁC PHẨM

Câu 1: Trình bày hoàn cảnh ra đời của Tuyên ngôn Độc lập.

- Thế chiến II kết thúc, Nhật đầu hàng Đồng Minh, nhân dân ta giành lấy chính quyền.

- 26/8/1945 từ chiến khu Việt Bắc, Bác về Hà Nội tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

- 2/9/1945 Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ tuyên bố trước quốc dân, trước nhân dân thế giới nền độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn nhằm bác bỏ luận điệu của các thế lực thực dân, đế quốc lúc bấy giờ đang âm mưu xâm lược đất nước ta một lần nữa.

Câu 2
: Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập.

- Về lịch sử: TNĐL là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên Độc lập Tự do của nước Việt Nam mới.

- Về văn học: tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực – cách lập luận văn chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, ngôn ngữ hùng hồn vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch, vừa bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của tác giả và toàn dân tộc.

Câu 3
: Mục đích và đối tượng của bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh)

- Mục đích:
+ Công bố nền độc lập, tự do của dân tộc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
+ Thể hiện nguyện vọng hòa bình, tinh thần quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.
+ Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

- Đối tượng:
+ Tất cả đồng bào Việt Nam.
+ Nhân dân thế giới.
+ Các lực lượng ngoại bang nhân danh đồng minh diệt phát xít Nhật (Pháp, Mĩ , Anh, Trung Quốc….)

Câu 4
: Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì?

- Các bản tuyên ngôn đã được trích dẫn :

+ Tuyên ngôn Độc lập (năm 1776 của nước Mĩ).

+ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (năm 1791 của Cách mạng Pháp).

- Ý nghĩa của việc trích dẫn:

+ Nêu lên những nguyên lí chung về quyền được tự do bình đẳng của con người để khẳng định lập trường chính nghĩa của dân tộc; tạo vị thế bình đẳng giữa Việt Nam với các nước lớn trên thế giới.

+ Đưa ra những lí lẽ thuyết phục để chuẩn bị tiền đề cho lập luận ở phần tiếp theo, làm cơ sở cho cả hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn.


SƯU TẦM
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top