Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

thu hoang

Moderator
Xu
0
TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN

Ngày 24 tháng 2 năm 1848, C.Mác và Ph.Ăng-ghen chính thức công bố trước toàn thế giới Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do các ông soạn thảo bởi sự ủy nhiệm của Đồng minh những người cộng sản. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sự ra đời của tác phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của Chủ nghĩa Mác bao gồm ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.



240210Thang05.jpg



Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là cương lĩnh chính trị, kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Tuyên ngôn là cương lĩnh đầu tiên đặt ra mục tiêu, chỉ rõ lực lượng, điều kiện và phương thức đấu tranh nhằm giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột và nô dịch, đưa con người đến cuộc sống tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện. Với ý nghĩa lớn lao đó, V.I.Lê-nin khẳng định: “Cuốn sách mỏng ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu trong thế giới văn minh”. Phát hiện và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một trong những cống hiến vĩ đại của C.Mác, là một giá trị to lớn trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Tuyên ngôn đã luận chứng một cách có cơ sở khoa học, đầy thuyết phục về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân; chỉ rõ sứ mệnh lịch sử thế giới đó là do chính địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong xã hội quy định. Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”. Và khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

Trải qua mọi thử thách trong 162 năm qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có nhiều biến đổi, có nhiều vấn đề rất mới đặt ra cần phải giải quyết, nhưng những nguyên lý mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen trình bày trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn giá trị và nóng hổi tính thời sự. Chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời, vẫn là cơ sở khoa học, phương pháp luận cho việc luận giải các vấn đề thời đại; tiếp tục là kim chỉ nam, là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trên con đường đi tới tương lai xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, có không ít những luận thuyết, quan điểm khác nhau tiến công, phủ nhận giá trị của Tuyên ngôn, đòi thay thế chủ nghĩa Mác - Lê-nin; những lý thuyết hoài nghi, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nở rộ ở nhiều nơi. Người ta cố tình lập luận: C.Mác đã gắn cho giai cấp công nhân cái sứ mệnh mà nó không có bởi vì ông thương đó là giai cấp nghèo khổ; rằng, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất, trở thành “chủ nghĩa tư­ bản nhân dân”, không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê nữa; rằng, công nhân ở các nước t­ư bản không còn bị bóc lột, địa vị của họ đã thay đổi căn bản, cho nên không còn sứ mệnh lịch sử nữa?!...

Thực chất đó là sự biện hộ cho địa vị thống trị và bóc lột của giai cấp tư sản, cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản, phủ nhận vai trò lịch sử khách quan của giai cấp công nhân. Mặc dù có những thay đổi và đạt được những thành tựu to lớn trong các thập kỷ gần đây, nh­ưng trong lòng thế giới tư­ bản hiện đại, mâu thuẫn vốn có giữa lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất không những vẫn tồn tại, mà có mặt còn sâu sắc hơn và lan ra phạm vi rộng hơn. “Chủ nghĩa t­ư bản hiện đại đang nắm ưu thế về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường, song không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có”.

Trong điều kiện mới, cho dù chủ nghĩa t­ư bản có thay đổi, thích nghi và phát triển nh­ư thế nào, nhưng bản chất bóc lột, phản động của nó vẫn không thay đổi. Không những thế, sự bóc lột và bản chất phản động đang được chủ nghĩa t­ư bản ra sức mở rộng đến các n­ước đang phát triển bằng các hình thức nô dịch và chủ nghĩa cư­ờng quyền mới về chính trị, kinh tế và cả quân sự. Dù có thể tận dụng những thành tựu cách mạng khoa học công nghệ hiện đại để phát triển, nhưng chủ nghĩa t­ư bản không thể thích nghi mãi đ­ược, dẫu nó đang cố gò lực lư­ợng sản xuất trong khuôn khổ chật hẹp của quan hệ sản xuất dựa trên cơ sở chiếm hữu t­ư nhân tư­ bản chủ nghĩa về t­ư liệu sản xuất.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã nói lên những hạn chế của chủ nghĩa tự do kinh tế, những mâu thuẫn không thể khắc phục và giới hạn của chủ nghĩa tư bản hiện đại. “Giai cấp tư­ sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, mà nó còn tạo ra những ngư­ời sử dụng vũ khí ấy-những công nhân hiện đại, những ng­ười vô sản”. Luận điểm nổi tiếng này trong Tuyên ngôn càng trở nên có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử mới.

Chủ nghĩa tư­ bản điều chỉnh là làm cái việc rèn giũa “vũ khí sẽ giết mình” thêm sắc nhọn hơn; những người đào huyệt chôn nó-giai cấp công nhân-càng nhận thức rõ hơn sứ mệnh lịch sử của mình là loại bỏ chủ nghĩa t­ư bản ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản văn minh, xác định rõ hơn con đ­ường, biện pháp để thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại đó. Ngày nay, giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều thay đổi và phát triển về số lượng, chất lượng, cơ cấu và địa vị lịch sử, vai trò trong xã hội. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam thông qua chính Đảng của mình vẫn là giai cấp duy nhất lãnh đạo cách mạng, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Vai trò lãnh đạo, bản chất cách mạng và tính tiền phong của giai cấp công nhân không hề thay đổi. Những tư tưởng của Tuyên ngôn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cùng với thực tiễn lãnh đạo cách mạng hơn 8 thập kỷ qua là cơ sở cho phép chúng ta khẳng định và tin tưởng vào vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam.

Nhận thức rõ vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu Khoá X của Đảng xác định: Chú trọng xây dựng giai cấp công nhân thực sự xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phải xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước là cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Xây dựng giai cấp công nhân ngày càng được trí thức hoá, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức; có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top