Hanamizuki
New member
- Xu
- 0
“Mỗi năm hoa Đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...”
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...”
Câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên như vẽ nên trước mắt chúng ta hình ảnh ông đồ già với bút, mực ngồi trên phố cho chữ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ông như một chuẩn mực về lễ giáo, còn người xin chữ là người biết lễ nghi, trọng đạo thánh hiền. Xin chữ không chỉ là xin những may mắn, tài lộc cho người đi xin, mà còn là sự thưởng thức tài năng của người "có chữ". Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.
Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân-thiện-mỹ. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam
Để gửi gắm hết mong ước của người xin chữ, hay nói cách khác là để nét chữ của bức thư pháp có thần thái, các “thầy đồ” cẩn trọng dồn hết tâm tư của mình vào từng nét cọ. Theo quan niệm xưa, mỗi bức thư pháp còn thể hiện tâm, ý, khí, lực của người viết. Những nét vẽ “rồng múa phượng bay” đó thường được viết trên nền giấy đỏ, giấy hồng, giấy vàng, những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành.
Theo quan niệm của các cụ xưa không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ nữa. Người cho chữ phải là những thầy đồ có tầm kiến thức rộng, cốt cách được mọi người kính trọng. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thành đức mới sáng. Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may. Có được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa, người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy… Mới thấy cái việc xin - cho chữ cũng là cái đạo, cái cốt cách của con người.
Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học - trọng thầy, trọng chữ. Mỗi đợt đầu năm tết đến xuân về, mọi người thường đi xin chữ treo trong nhà - bởi lẽ con chữ không chỉ dùng để diễn đạt tư tưởng, khai tâm, khai trí, mà còn giúp diễn đạt tình cảm của con người nước Việt.
Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi mà người ta thường xin những chữ khác nhau. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Đăng khoa... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, Tín, Phát... Người cầu thành công xin chữ Thành, Đạt,...; người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn...
Xin chữ tặng người già, người ta xin chữ Thọ; xin chữ tặng gia đình , người ta xin chữ Phúc, Tâm, An; xin chữ cho con cái, người ta xin chữ Trí; xin chữ cho cha mẹ, người ta xin chữ Hiếu.
Những chữ hay được xin trong ngày Tết
Chữ Nhẫn (忍): Chữ Nhẫn bao gồm chữ Đao (刀 - con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 - trái tim, tâm trí) - chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do. Trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp vì sẽ làm cho mũi dao lún sâu hơn, phải bình tĩnh xử lý.
Chữ An (安): Bao gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái) - ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn. Vì vậy, an mang nghĩa an toàn, bình an.
Chữ Thành (成): Thành trong hoàn thành, ý nói làm chuyện gì cũng trọn vẹn
Chữ Phú (富): Gồm bộ Miên (宀 - mái nhà), bộ Khẩu (口- miệng, miệng ăn) và chữ Điền (田- ruộng) - ý chỉ nhà chỉ có 1 miệng ăn, lại có 1 thửa ruộng thì chắc chắn giàu có. Chữ này thể hiện mong muốn ấm no, sung túc.
Chữ Cát (吉): Thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp. Chữ này gồm chữ Sĩ (sĩ tử, người có chí khí) ghép với bộ Khẩu (miệng) - ý chỉ những lời kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp.
Chữ Hiếu (孝): Được ghép từ chữ Tử (子 - con) nằm dưới và chữ Thổ (土 - đất) nằm trên, cùng với dấu / tượng trưng cho thanh kiếm - ý chỉ con chống kiếm đứng trông phần mộ của bố mẹ. Điều này đúng với quan niệm ngày xưa, khi bố mẹ mất thì người con có hiếu tức là phải chăm lo phần mộ của bố mẹ trong vòng 3 năm. Chữ Hiếu mang ý biết ơn và trân trọng công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.
Chữ Đạo (道): Không chỉ mang nghĩa là đường đi, chữ này mang trong mình ý nghĩa vô cùng lớn lao - đó là lẽ phải, luân thường, đạo lý. Cũng như Lão Tử (người sáng lập Đạo giáo của Trung Hoa) từng nói rằng: Chữ đạo đạt đến "vô vi".
Chữ Tâm (心): Làm việc gì mà cũng có "tâm" - đặt hết cả con tim và khối óc mình vào đó thì kiểu gì cũng sẽ thành công
Chữ Đức (德): Đức trong đức độ
Chữ Tài (才): Tài trong tài năng