Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Trần Đăng Sinh
Khoa Giáo dục Chính trị - Trường ĐHSP Hà Nội
Khoa Giáo dục Chính trị - Trường ĐHSP Hà Nội
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo quan điểm mácxít về tín ngưỡng, tôn giáo trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tư tưởng này được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ đặc điểm văn hóa Việt Nam - một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, các tín ngưỡng, tôn giáo có lịch sử hình thành, phát triển và có đặc điểm riêng, với xu hướng hòa đồng, tồn tại đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau.
Ở Việt Nam không có xung đột, chiến tranh tôn giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên hệ giá trị truyền thống vô cùng quý báu, trong đó yêu nước là giá trị hàng đầu. Trong lịch sử dân tộc đã từng có sự đồng điệu giữa đức tin tôn giáo và lòng yêu nước, Trần Nhân Tông vừa là ông vua yêu nước có công lãnh đạo quân dân ta hai lần đánh thắng quân Nguyên, vừa là nhà thiền học tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm. Sự đồng điệu ấy đã góp phần to lớn tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong suốt cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước. Kế thừa truyền thống ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người dù theo tôn giáo nào thì trước hết người đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước.
Như vậy, đặc điểm văn hóa dân tộc nói chung, truyền thống yêu nước nói riêng là cơ sở thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách tôn giáo.
Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách tôn giáo là nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính sách tôn giáo theo tư tưởng của Người, thể hiện tính nhất quán, lâu dài, thực sự tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo; thái độ mềm dẻo, khéo léo trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo. Trong "Tám điều mệnh lệnh" của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi rõ: Chính phủ, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào.
Ngày 5-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 điều nên và không nên làm, trong đó ghi: "Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng, phong tục của dân". Chính cương của mặt trận Liên Việt ở điểm 1, điều 7 có ghi: "Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng cho mọi người". Sắc lệnh 234/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955 đã thể hiện rõ tính nhất quán lâu dài của chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Kế thừa quan điểm mácxít về tôn giáo trong việc xử lý các vấn đề tôn giáo rằng "tuyên chiến ầm ĩ... với tôn giáo là dại dột", Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ mềm dẻo, biện pháp khôn khéo, hợp tình hợp lý trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo ở nước ta.
Về nguyên tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo quy định tại Điều 14 (chương IV) Sắc lệnh về tôn giáo số 234 do Người ký: "Các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, như mọi tổ chức khác của nhân dân". Trên cơ sở nguyên tắc ấy, các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các tôn giáo, quan hệ giữa người theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa tôn giáo với chính quyền... đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xử lý thành công đến mức hoàn hảo. Người phân định rạch ròi thái độ, cách thức ứng xử theo các mức độ khác nhau, như đối với chủ nghĩa thực dân và các thế lực tôn giáo phản động cấu kết với nhau, đó là đấu tranh chống kẻ địch; còn đối với đồng bào tôn giáo làm sai chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là đấu tranh trong nội bộ nhân dân. Một điển hình về xử lý những xung đột, mâu thuẫn, rắc rối xảy ra sau Cách mạng Tháng Tám của Người là thái độ đối với bọn phản động đội lốt tôn giáo lợi dụng một số sai sót của chính quyền Cách mạng ở một vài nơi nhằm kích động một bộ phận trong đồng bào chưa giác ngộ ở các vùng công giáo bùi Chu, Phát Diệm. Vụ việc liên quan đến tôn giáo phức tạp đến mức khiêu khích giết cố đạo, thủ tiêu cán bộ Việt Minh, lôi kéo tín đồ hành lễ liên miên, bỏ cả sản xuất... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi tình hình một cách thường xuyên và chỉ đạo giải quyết rất kịp thời. Phương pháp của Người là kiên trì, nhẫn nại, chân tình. Nếu đã hết sức kiên trì mà không đạt kết quả thì Người rất kiên quyết, rất nghiêm khắc: "Trong Hiến pháp nước ta đã định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm Hiến pháp và khiêu khích bà con Công giáo sẽ bị xử lý"1. Như vậy phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giải tỏa hiểu lầm, tăng cường đoàn kết nhân dân. Muốn vậy phải tỉnh táo phân biệt rõ bạn, thù để có cách ứng xử phù hợp.
Trên cơ sở tư tưởng về chính sách tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những quan điểm, giải pháp đúng đắn để thực hiện thành công vấn đề đoàn kết các tôn giáo mà trọng tâm là đoàn kết Lương - Giáo.
Đoàn kết là một nội dung cơ bản, bao trùm, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với tôn giáo thì sự chân tình và bền vững như là một điều kiện tiên quyết để thực hiện đoàn kết. Người nhấn mạnh rằng: "Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ". Đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, Người đã tìm ra cơ sở khoa học, đó là sự tương đồng giữa các tôn giáo, thể hiện ở chỗ:
- Thứ nhất, các tôn giáo chân chính xét đến cùng đều có hy vọng giải thoát con người, mong muốn con người được sung sướng tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha", "Đức Giê su hy sinh là vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc"... "Khổng Tử sinh ra cũng là để giúp con người sống nhân nghĩa vì một thế giới đại đồng".
- Thứ hai, tín đồ các tôn giáo căn bản đều là những người lao động bị chế độ cũ áp bức bóc lột. Họ đều là những người yêu nước thực sự, do vậy họ là lực lượng của cách mạng, là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân với tư cách là chủ thể của cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh sự tương đồng giữa các tôn giáo mà còn tìm ra sự tương đồng giữa các tôn giáo với chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội. Người coi tôn giáo như là nơi gửi gắm nguyện vọng thiết tha của một bộ phận quần chúng lao động mong chờ sự giải thoát khỏi áp bức, bất công, nghèo khổ, từ đó cổ vũ họ tham gia kháng chiến, kiến quốc. Đối với các chức sắc tôn giáo, Người luôn động viên, khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngay cả những giám mục bị bọn đế quốc phản động lợi dụng như giám mục Lê Hữu Từ, Người cũng có thái độ ứng xử rất mềm dẻo, chân tình: Nhận là bạn, mời làm cố vấn của Chính phủ và lựa lời khuyên giải. Trong buổi nói chuyện với các linh mục đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng uy tín của linh mục Lê Hữu Từ để thuyết phục: "Trước đây tôi đã gặp Đức cha Từ. Nay tôi về đây với tấm lòng sốt sắng và thân mật vì Đức cha Từ là người bạn thân mật của tôi. Ngài là một vị lãnh đạo sáng suốt của đồng bào Công giáo. Công giáo hay không Công giáo đều phải nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập dân tộc của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ gìn nền độc lập. Thay mặt Chính phủ cảm ơn Đức cha Từ và các ngài đã tỏ lòng trung thành với Chính phủ".
Như vậy, với sự sắc sảo về chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cái chung, cái tương đồng của các tôn giáo để thực hiện đoàn kết tôn giáo, các lực lượng tôn giáo vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Điều này được Người xác định rõ trong thư gửi tướng Trần Tu Hòa: "Việt Nam độc lập đồng minh không phải là một Đảng mà là một mặt trận toàn dân, bao gồm các đảng phái (đảng Dân chủ, phái Xã hội), các phần tử Quốc dân Đảng, Đảng cộng sản (đã tự động giải tán) và các đoàn thể yêu nước không đảng phái như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc, Hội Cơ đốc giáo cứu quốc...".
Nội dung tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính chất toàn diện, điều đó được thể hiện cả trong kinh tế, chính trị và văn hóa, xã hội. Người nói: "Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào Lương và các đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc".
Trọng tâm tư tưởng về chính sách tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết Lương - Giáo. Cơ sở của đoàn kết Lương - Giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự "đồng nhất" với nhau vì mục tiêu độc lập tự do của dân tộc. Người cho rằng, đồng bào Lương và đồng bào Giáo đều là người Việt Nam, đều là người lao động và sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp lớn, lâu dài. Vì thế Lương - Giáo phải đoàn kết, toàn dân phải đoàn kết thì sự nghiệp lớn của dân tộc mới giành được thành công. Qua các bức thư gửi cho đồng bào các tôn giáo và các chức sắc tôn giáo, Người luôn đề cao cái chung của mọi người, không kể Lương hay Giáo, là lòng yêu nước, đó là cái căn bản. Còn cái riêng, cái dị biệt về đức tin, lối sống: Đồng bào Giáo thì có tình cảm kính Chúa, đồng bào Lương thì ngưỡng mộ Đức Phật chỉ là sự khác biệt nhỏ, không căn bản. Chúng ta cần phải bỏ qua cái dị biệt nhỏ, giữ lại cái tương đồng lớn.
Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, trong đó trọng tâm là đoàn kết Lương - Giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những giải pháp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn là: Xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đồng bào tôn giáo, làm tốt công tác vận động với các chức sắc và tín đồ tôn giáo, tích cực đấu tranh chống bọn đế quốc, phản động lợi dụng tôn giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng lãnh đạo và chỉ đạo việc xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức Đảng các cấp, các hệ thống chính quyền, của mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể quần chúng khác ở các địa phương, nhất là vùng có đông đồng bào theo đạo. Người đặc biệt chú ý tới công tác phát triển Đảng ở chính các tín đồ công giáo. Điều này rất quan trọng trong việc tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với đồng bào tôn giáo. Khi trả lời câu hỏi "người công giáo có thể vào Đảng được không?" Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Có. Người công giáo nào cũng vào được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được"1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ ở các vùng đồng bào công giáo. Người khẳng định: "Cán bộ là gốc của mọi công việc" và "công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém"2. Người chủ trương phát triển cán bộ tại chỗ là chính, để họ trở thành cán bộ "bán chuyên nghiệp" đi vận động tôn giáo. Người thường căn dặn cán bộ phải thật bền bỉ thì mới có thể giúp đồng bào tôn giáo phân biệt rõ bạn, thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác vận động đối với các chức sắc tôn giáo và đồng bào tôn giáo. Người luôn biểu lộ sự tôn trọng, quan tâm đối với các chức sắc tôn giáo và tìm cách tốt nhất để tranh thủ họ; song cũng có thái độ xử sự dứt khoát, kiên quyết trừng trị những kẻ mượn tiếng đạo, làm nhục Chúa, làm hại dân. Đối với kẻ lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào chống lại Tổ quốc, Người chỉ rõ: "Chính phủ sẽ nghiêm trị những kẻ lừa bịp, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương, sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn".
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến đời sống của đồng bào tôn giáo, chăm sóc cả "phần xác" và "phần hồn". Theo Người, "phần xác có no ấm thì phần hồn mới thong dong", từ đó Người chỉ đạo Chính phủ cần có chính sách cụ thể để cải thiện cuộc sống cho đồng bào, tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Người nói: "Phải ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời phải đảm bảo tín ngưỡng tự do. Nhưng hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước"[9]. Đối với "phần hồn" của đồng bào tôn giáo, Người không chỉ đánh giá cao giá trị của văn hóa tôn giáo, mà còn trực tiếp quan tâm tới sinh hoạt tôn giáo. Người đã nhiều lần đến các chùa chiền, nhà thờ với tấm lòng thành kính dự các lễ nghi tôn giáo như: Lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh...
Như vậy, thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo để giải quyết vấn đề tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam một cách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tín đồ tôn giáo ở Việt Nam thực hiện tư tưởng của Người về chính sách tôn giáo, đã và đang sống theo phương châm: "Sống phúc âm trong lòng dân tộc", "tốt đời đẹp đạo", "đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
(Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, số tháng 5-2006)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: