Thời xưa, ở Hòa Châu (tức Thanh Hóa bây giờ), có một người tên là Từ Thức, vốn con quan nên được bổ làm một chức quan nhỏ ở một địa hạt thuộc xứ Kinh Bắc (tục truyền địa hạt này thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Cạnh huyện có một ngôi chùa to, trong chùa có một cây mẫu đơn lớn, cứ đến mùa xuân hoa nở thì khách bốn phương đến chùa xem hoa đông như hội.
Một hôm, có một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp, đến xem hoa, nhỡ tay vịn gẫy một cành, không có gì để đền, nên bị nhà chùa bắt giữ lại. Từ Thức đi qua trông thấy, liền cởi áo mặc ngoài, chuộc cho thiếu nữ. Mọi người đứng xem đều khen Từ Thức là người nhân đức.
Ði ngao du, xem phong cảnh đẹp và làm thơ thì Từ Thức rất ưa thích, còn việc quan thì chàng thường bỏ mặc, nên hay bị quan trên quở trách. Chẳng bao lâu Từ Thức xin từ quan. Thấy huyện Tống Sơn có nhiều núi đẹp, chàng đem theo một tiểu đồng và một túi đàn đến dựng một gian nhà nhỏ ở chân núi để ở. Từ đấy, những nơi phong cảnh đẹp quanh vùng, không nơi nào là không có vết chân Từ Thức.
Một hôm, dậy sớm, trông ra cửa Thần Phù thấy có mây ngũ sắc kết thành hình hoa sen, Từ Thức một mình chèo thuyền ra phía ấy. Ðến chân một dãy núi cao ngất, chạy sát mặt biển, Từ Thức buộc thuyền lên bờ và trèo lên một mỏm đá cao. Chợt trông thấy một cái hang bên sườn núi, cửa hang tròn và rộng, chàng thử vào hang xem sao. Từ Thức mới đi được vài bước thì cửa hang bỗng đóng ập lại. Hang tối mịt mùng, không còn biết đường lối nào. Từ Thức phải lần theo khe nước mà đi. Ði một lúc lâu, thấy có ánh sáng, chàng lần ra khỏi hang và đi đến một chân núi khác. Thấy núi cao vòi vọi, sườn núi dốc ngược, Từ Thức cố bám vào hốc đá trèo lên. Lên cao, chàng thấy có đường rộng, rồi lên đến đỉnh núi thì trời quang đãng, ánh sáng rực rỡ, xa xa có lâu đài cung điện nhấp nhô bên những lùm cây xanh. Từ Thức đi theo đường lớn đến một lâu đài. Bỗng có hai thiếu nữ mặc áo xanh chạy ra, bảo với nhau rằng: "Chú rể nhà ta đã đến kia kìa!", rồi hai người chạy vụt vào tòa nhà lộng lẫy.
Một lúc sau, hai người lại ra, nói với Từ Thức rằng:
- Phu nhân sai chúng tôi ra mời người vào chơi.
Từ Thức đi theo hai người con gái, thấy lầu son gác tía, tường gấm, bậc đá xanh, trước kia chàng chỉ thấy nói trong sách, bây giờ mới thật mắt trông thấy. Trên mấy cửa đi qua, chàng thấy có chữ đề: "Ðiện Quỳnh Hư", "Gác Giao Quang", chàng theo hai thiếu nữ lên gác, thấy một vị phu nhân mặc áo lụa trắng ngồi trên sập thất bảo, trước sập có kê đôi kỷ gỗ đàn hương.
Phu nhân mời Từ Thức ngồi và hỏi:
- Ông vốn hay đi xem cảnh lạ, có biết đây là chốn nào không?
Từ Thức đáp:
- Tôi đi đã nhiều nơi, nhưng không biết trong vùng này lại có cảnh tiên, xin phu nhân chỉ bảo cho tôi được biết.
Phu nhân cười, rồi nói:
- Ông biết đâu được chốn này. Ðây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu động núi Phi Lai, tôi là Ngụy phu nhân, địa tiên núi Nam Nhạc. Vì thấy ông có cao nghĩa, nên mới mời đến chơi.
Phu nhân bảo thị nữ gọi một tiểu thư ra. Vừa trông thấy, Từ Thức nhận ngay ra người con gái đánh gẫy cành hoa mẫu đơn trong chùa ngày nọ.
Phu nhân chỉ vào người con gái bảo Từ Thức rằng:
- Em nó tên là Giáng Hương, dạo nọ đi xem hoa gặp nạn, may có ông cứu cho, tôi vẫn còn hàm cái ơn ấy; nay tôi muốn cho em nó kết duyên với ông để đáp lại ơn sâu.
Ngay đêm hôm ấy, phu nhân sai mở tiệc hoa, cho hai người làm lễ thành hôn.
Từ Thức ở được chừng một năm, có ý nhớ nhà, nói với Giáng Hương rằng:
- Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút.
Giáng Hương tần ngần, không đáp.
Từ Thức lại nói:
- Tôi chỉ về chơi ít bữa, rồi lại đến đây với nàng.
Giáng Hương khóc mà nói rằng:
- Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa.
Giáng Hương đem chuyện nói với Phu nhân. Thấy Từ Thức trần duyên chưa dứt, Phu nhân mới sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa chàng. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem.
Từ Thức từ biệt Giáng Hương và Phu nhân, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Nhìn phong cảnh chàng thấy khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời:- Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi.
Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ VẮN TẮT: "Ở NƠI tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ".
Về sau, người ta thấy Từ Thức đội cái nón nhỏ vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không thấy trở về nữa.
Theo: vi.wikibooks.org
Một hôm, có một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp, đến xem hoa, nhỡ tay vịn gẫy một cành, không có gì để đền, nên bị nhà chùa bắt giữ lại. Từ Thức đi qua trông thấy, liền cởi áo mặc ngoài, chuộc cho thiếu nữ. Mọi người đứng xem đều khen Từ Thức là người nhân đức.
Ði ngao du, xem phong cảnh đẹp và làm thơ thì Từ Thức rất ưa thích, còn việc quan thì chàng thường bỏ mặc, nên hay bị quan trên quở trách. Chẳng bao lâu Từ Thức xin từ quan. Thấy huyện Tống Sơn có nhiều núi đẹp, chàng đem theo một tiểu đồng và một túi đàn đến dựng một gian nhà nhỏ ở chân núi để ở. Từ đấy, những nơi phong cảnh đẹp quanh vùng, không nơi nào là không có vết chân Từ Thức.
Một hôm, dậy sớm, trông ra cửa Thần Phù thấy có mây ngũ sắc kết thành hình hoa sen, Từ Thức một mình chèo thuyền ra phía ấy. Ðến chân một dãy núi cao ngất, chạy sát mặt biển, Từ Thức buộc thuyền lên bờ và trèo lên một mỏm đá cao. Chợt trông thấy một cái hang bên sườn núi, cửa hang tròn và rộng, chàng thử vào hang xem sao. Từ Thức mới đi được vài bước thì cửa hang bỗng đóng ập lại. Hang tối mịt mùng, không còn biết đường lối nào. Từ Thức phải lần theo khe nước mà đi. Ði một lúc lâu, thấy có ánh sáng, chàng lần ra khỏi hang và đi đến một chân núi khác. Thấy núi cao vòi vọi, sườn núi dốc ngược, Từ Thức cố bám vào hốc đá trèo lên. Lên cao, chàng thấy có đường rộng, rồi lên đến đỉnh núi thì trời quang đãng, ánh sáng rực rỡ, xa xa có lâu đài cung điện nhấp nhô bên những lùm cây xanh. Từ Thức đi theo đường lớn đến một lâu đài. Bỗng có hai thiếu nữ mặc áo xanh chạy ra, bảo với nhau rằng: "Chú rể nhà ta đã đến kia kìa!", rồi hai người chạy vụt vào tòa nhà lộng lẫy.
Một lúc sau, hai người lại ra, nói với Từ Thức rằng:
- Phu nhân sai chúng tôi ra mời người vào chơi.
Từ Thức đi theo hai người con gái, thấy lầu son gác tía, tường gấm, bậc đá xanh, trước kia chàng chỉ thấy nói trong sách, bây giờ mới thật mắt trông thấy. Trên mấy cửa đi qua, chàng thấy có chữ đề: "Ðiện Quỳnh Hư", "Gác Giao Quang", chàng theo hai thiếu nữ lên gác, thấy một vị phu nhân mặc áo lụa trắng ngồi trên sập thất bảo, trước sập có kê đôi kỷ gỗ đàn hương.
Phu nhân mời Từ Thức ngồi và hỏi:
- Ông vốn hay đi xem cảnh lạ, có biết đây là chốn nào không?
Từ Thức đáp:
- Tôi đi đã nhiều nơi, nhưng không biết trong vùng này lại có cảnh tiên, xin phu nhân chỉ bảo cho tôi được biết.
Phu nhân cười, rồi nói:
- Ông biết đâu được chốn này. Ðây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu động núi Phi Lai, tôi là Ngụy phu nhân, địa tiên núi Nam Nhạc. Vì thấy ông có cao nghĩa, nên mới mời đến chơi.
Phu nhân bảo thị nữ gọi một tiểu thư ra. Vừa trông thấy, Từ Thức nhận ngay ra người con gái đánh gẫy cành hoa mẫu đơn trong chùa ngày nọ.
Phu nhân chỉ vào người con gái bảo Từ Thức rằng:
- Em nó tên là Giáng Hương, dạo nọ đi xem hoa gặp nạn, may có ông cứu cho, tôi vẫn còn hàm cái ơn ấy; nay tôi muốn cho em nó kết duyên với ông để đáp lại ơn sâu.
Ngay đêm hôm ấy, phu nhân sai mở tiệc hoa, cho hai người làm lễ thành hôn.
Từ Thức ở được chừng một năm, có ý nhớ nhà, nói với Giáng Hương rằng:
- Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút.
Giáng Hương tần ngần, không đáp.
Từ Thức lại nói:
- Tôi chỉ về chơi ít bữa, rồi lại đến đây với nàng.
Giáng Hương khóc mà nói rằng:
- Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa.
Giáng Hương đem chuyện nói với Phu nhân. Thấy Từ Thức trần duyên chưa dứt, Phu nhân mới sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa chàng. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem.
Từ Thức từ biệt Giáng Hương và Phu nhân, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Nhìn phong cảnh chàng thấy khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời:- Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi.
Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ VẮN TẮT: "Ở NƠI tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ".
Về sau, người ta thấy Từ Thức đội cái nón nhỏ vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không thấy trở về nữa.
Theo: vi.wikibooks.org