Thảo luận Trung Đông huyền bí: Sự giàu có và thù hận chiến tranh (5 chương)

uocmo_kchodoi

Moderator
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TRUNG ĐÔNG

1. Trung Đông là gì?


Trung Đông là một phân miền lịch sử và văn hóa của vùng Phi - Á - Âu về mặt truyền thống. Ba ngôn ngữ thông dụng nhất là Tiếng Ả Rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỹ, tiếng Anh cũng được sử dụng là ngôn ngữ thứ hai của một số cơ quan chinh phủ của các nước phát triển và tầng lớp trung-thượng lưu ở các nước này. Các nền kinh tế phát triển thịnh vượng tính theo PPP như Qatar, Kuwait, UAE, Bahrain và Síp; các quốc gia xếp hạng thấp nhất về PPP là chính quyền Palestinian và Bờ Tây. Theo GDP, 3 nền kinh tế lớn nhất Trung Đông năm 2008 là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và Iran.

Trung Đông là nơi khởi nguồn và là trung tâm tôn giáo của Do Thái Giaos, Kito giáo và Hồi Giáo. Vùng này từng trải qua các giai đoạn bạo lực và khoan dung. Trong thế kỷ XX, nó từng nằm trong vùng trung tâm các sự kiện quốc tế, và về mặt chiến lược, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo nó là một vùng rất nhạy cảm. Trung Đông là nơi có trữ lượng dầu thô rất lớn.

2. Trung Đông là chỉ những nơi nào?

Danh từ "Trung Đông" là do các nhà địa lí châu Âu đặt ra. Trong thời kì khoa học chưa phát triển mấy, các nhà địa lí châu Âu cho rằng : châu Âu là trung tâm của trái đất. Vì thế họ gọi toàn bộ các vùng phía đông Địa Trung Hải là phương Đông, những nơi ở gần châu Âu thì được gọi là Cận Đông, chủ yếu gồm các quốc gia trên bờ phía đông Địa Trung Hải cùng với các nước như Hy Lạp thuộc bán đảo Bancan. Các nơi ở xa châu Âu thì được gọi là Viễn Đông, chủ yếu là các vùng khác thuộc châu Á ở gần Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc. Còn Trung Đông là các nước ở vùng vịnh Ba Tư : Irắc, Iran cùng với các nước ở Nam Á như : Ấn Độ, Pakixtan.

Tuy nhiên hiện nay người ta vẫn còn nhận thức không nhất trí về phạm vi của Trung Đông.

Có một ý kiến nhìn theo góc độ lịch sử cho rằng Trung Đông phải là khu vực đã từng thuộc về đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) trong lịch sử, không kể đến Iran.

Loại ý kiến thứ hai tương đối nhiều hơn thì nhận thức theo góc độ chủng tộc, cho rằng Trung Đông chỉ toàn bộ thế giới A Rập gồm cả các quốc gia A Rập ở phía bắc Phi Châu, cộng thêm các nước Iran, Thổ Nhĩ Kì. Phạm vi của Trung Đông nhìn nhận như thế này sẽ rộng hơn ý kiến thứ nhất rất nhiều, tổng cộng có tới 21 quốc gia, hơn 12 triệu km2, diện tích nhân khẩu ước tới 250 triệu.

Loại ý kiến thứ ba thì nhìn nhận theo góc độ tôn giáo, cho rằng Trung Đông không những hao quát một địa khu như nói lên trong hai ý kiến trên, mà còn phải cộng thêm các quốc gia theo đạo Ixlam Tây Á và Bắc Phi.

Nếu nhìn một cách thực tế, thì hiện nay số người ngả theo loại ý kiến thứ hai tương đối nhiều hơn, nhưng ý kiến này lại bao hàm tương đối nhiều nhân tố chính trị quốc tế. Nếu chúng ta dựa theo các quy định địa lí một cách nghiêm túc, thì khu vực Trung Đông đáng phải được gọi là "Tây Á" (hoặc Tây Nam Á) và Bắc Phi.

Như vậy, có nhiều cách xác định khác nhau về địa lý khu vực Trung Đông, nhưng phần đông đều coi nó là nơi kéo dài từ phần chóp của Tây Nam Á (Iran), quét hết Vùng Vịnh, bán đảo Arập, rồi tràn sang Bắc Phi. Nói cách khác, đây là quê hương của người Arập, của đạo Hồi, còn các dân tộc, tôn giáo khác, như người Ba Tư của Iran, Do Thái của Israel,v.v, hay đạo Thiên chúa, đạo Do Thái, v.v chỉ là... thiểu số.

Nguồn: wikipedia.org, kilopad.com​
 
Chương 2: TRUNG ĐÔNG, NƠI ĐẠO HỒI LÀ SỰ SỐNG
Thế giới của Thánh Allah

22 nước Arập cùng với Iran của Trung Đông, nơi có từ 90 đến 98% dân số, tùy theo từng nước, theo đạo Hồi, cộng thêm các quốc gia láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Niger, Nigeria và các nước Tây Phi, bị ”đạo Hồi hoá” từ hàng thế kỷ nay, khiến cả một vùng rộng lớn này của Trái đất luôn được coi là thế giới của Thánh Allah, còn những vùng khác, như Đông Nam Á hay Trung Á, tuy đạo Hồi là quốc đạo của nhiều quốc gia, cũng chỉ được xếp hàng “vệ tinh”.

23614.jpg


Hành hương tới Thánh địa Mecca - một niềm tin phải thực hiện trong đời của người Hồi giáo.​

Ở Trung Đông, các câu “Thánh Allah là Đấng tối cao” và ”Nhân danh Thánh Allah”, được dùng nhiều nhất, được viết trang trọng trên đầu mỗi văn bản, đơn từ; hoặc cắt dán cầu kỳ với đủ kiểu thư pháp tại những nơi công cộng, trên xe hơi, v.v, được nói dõng dạc khi bắt đầu một bài diễn văn, hay chào hỏi khi gặp mặt,v.v. Người Hồi giáo có đức tin cao độ, đến mức kinh ngạc vào Thánh Allah, vào Nhà Tiên tri Mohamed cũng như các Giáo chủ, chả thế mà, sinh thời, khi đưa quân xâm lược Côoét hồi tháng 8/1990, Tổng thống của Irắc lúc bấy giờ Saddam Hussien đã nói rằng đêm trước ông nằm mơ thấy Đấng tối cao chỉ tay về phía ”tỉnh thứ 19” (Kuwait), và thế là cuộc chuyển quân ấy được dân chúng cả nước ủng hộ, không một lời bàn cãi. Và nữa, cách đây hơn 20 năm, khi công tác tại Xyri, tôi tình cờ gặp lại anh bạn thân M. Kassem cùng học ở Liên Xô cũ, được anh cho biết hành nghề bác sĩ như anh dễ lắm, vì dù có mổ nhầm, gây chết bao nhiêu bệnh nhân cũng ”không sao”, do ai cũng tin rằng chết-sống là do Thánh sắp đặt rồi, chứ không phải do lưỡi dao tội lỗi từ những lần nợ thi triền miên khi anh du học. Thế đấy, ở đây thật khó tìm được những người phấn đấu vượt qua số phận, vươn lên làm giàu, v.v, vì với họ, giàu-nghèo, thắng-thua, chức vị và cả sống-chết nữa của mỗi con người, mưa-nắng của trời đất hay được-mất của mùa màng, đều đã được… định sẵn rồi, có tìm cách khắc phục, hay vươn lên cũng chỉ…vô ích. Điều đó lí giải tại sao nơi đây cứ ì ạch mãi, trong khi phần còn lại của thế giới dù đã ngoái cổ lại, vẫn không nhìn thấy bạn chạy, mà việc gì phải chạy, vì có chạy bao nhiêu cũng…thế thôi. Tất nhiên, vẫn có đấy những ai đó rất biết sử dụng đức tin ấy của thiên hạ để làm giàu, để thăng tiến, giữ ghế, rồi bầy cho con cái mình cách tiếp tục ”bịt mắt” người khác nhằm dễ bề thay cha chú.

Niềm tin tuyệt đối vào giáo lý của đạo Hồi

Người Arập luôn tin tưởng tuyệt đối vào các giáo lý của đạo Hồi, dù có bị đau đến tận xương tủy hay đổi mạng sống của mình vì sự bất tử của đạo giáo ấy, cũng… không ngại. Thế nên, với các bé gái, ngày “hạnh phúc nhất” là hôm ông lang vườn cắt thủ công phần nhạy cảm nhất của bộ phận sinh dục, mặc dù nhiều người đã chết do thiếu vệ sinh từ hủ tục này. Nhưng không sao, phải cắt thứ ấy đi để khi lớn lên mới cạn kiệt ham muốn dục vọng, mới chỉ biết cùng tối đa ba bà khác “để mắt” đến ông chồng chung duy nhất của “chúng mình”, ngoài ra, không ai khác, ngay cả trong ý nghĩ. Thế nên, mới có những ông bố cầm dao cắt cổ con gái mình, hoặc ném hòn đá đầu tiên vào đầu con gái, hoặc chị, em mình, hay vợ mình cho đến chết do có tính “trăng hoa”. Thế nên, khi dự đám cưới, bạn phải ngồi chờ chú rể công bố “kết quả” của lần ân ái đầu tiên, nếu “OK”, tất cả cùng hò reo, nâng cốc… nước ngọt hoặc trà (người Hồi giáo không dùng rượu bia), kết thúc cuộc vui, còn ngược lại, cô dâu bị dè bỉu và “tống” ngay về nhà mẹ đẻ. Thế nên, mới có những buổi đại tiệc, tiễn người đi làm “sứ mệnh cao cả” (đánh bom liều chết), giết kẻ chiếm đất, làm ô bẩn chốn linh thiêng của đạo Hồi. Và, thế nên mới có những người bị xử tử vắng mặt, hoặc sứ quán của nước nào đấy bị đốt trụi, chỉ vì nước ấy có ai đó dám phỉ báng Đấng Tiên tri bằng những bức vẽ, hoặc bài viết, v.v.

Không gì có thể làm suy chuyển 5 niềm tin mãnh liệt của người Hồi giáo, đó là: Thánh Allah; Cầu nguyện; Làm bố thí; Nhịn ăn, uống, hút thuốc và sinh hoạt vợ chồng khi còn Mặt trời trong suốt tháng lễ Ramadan (Tháng thứ Chín theo lịch Hồi giáo); và Hành hương tới Thánh địa Mecca ở Arập Xêút ít nhất một lần trong đời người. Và, cũng không ai có thể làm cho người Hồi giáo sao nhãng những điều cấm kị, như gian dâm, cờ bạc, đồ uống có cồn, thịt lợn và thịt của các loài vật ăn thịt sống,v.v. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng thời gian trôi đi, thế giới đang đổi thay, văn hóa bị pha trộn, khiến đây đó ở các nước Hồi giáo đã bắt đầu nẩy sinh tệ nạn, nhất là trong lớp trẻ, với những cuộc tình vụng trộm, những ổ tiêm chích, trộm cắp,v.v, tuy không nhiều, nhưng đang làm đau đầu giới tu hành. Theo kết quả một cuộc điều tra, chỉ riêng ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), có tới 70% các tin nhắn qua điện thoại di động của giới trẻ, liên quan tới tình dục; còn tại một số nước khác, đã có những thiếu nữ Hồi giáo muốn được khoe cả ba số đo bằng cách bỏ áo choàng, hoặc khoác tay, làm nũng bạn khác giới trước thanh thiên bạch nhật, v.v,.

Đượm buồn khi nói về những “bụi bặm” ấy, một tín đồ cao tuổi người Ai Cập tươi tỉnh hẳn lên khi khẳng định với chúng tôi rằng người Arập cổ đại đã xây được Kim Tự tháp, Vườn treo Babilon, Ngọn đèn hải đăng Alexandria, và đã sản sinh ra đạo Hồi, không có lí gì không bảo vệ được tôn giáo ấy trước mọi biến động của lịch sử, thời gian hay sức công phá của con người. Tôi cũng tin như thế, vì hàng ngày đang được tận mắt chứng kiến rất nhiều cách thể hiện đức tin mãnh liệt của các tín đồ Hồi giáo nơi đây.

Theo Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông) - báo tintuc.vn
 
Chương 3: TRUNG ĐÔNG,NƠI PHẤT LÊN TỪ DẦU KHÍ NHƯNG SỰ GIÀU CÓ LẠI KHÔNG DÀNH CHO TẤT CẢ

Trong những thứ đặc trưng của Trung Đông, dầu lửa luôn đứng hàng nhất nhì, vì trong tổng trữ lượng khoảng 1.150 tỉ thùng dầu của thế giới hiện nay, khu vực này chiếm tới 3/4, với Arập Xêút: 264 tỉ thùng; Iran: 131 tỉ thùng; Irắc: 115 tỉ thùng và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Côoét, mỗi nơi 98 tỉ thùng, v.v, trong khi trữ lượng của Nga, nhà xuất khẩu dầu khí khá lớn trên thế giới, cũng chỉ có 69 tỉ thùng. Cùng với dầu mỏ, ba nước ở Trung Đông, là Angiêri, Cata và Iran chiếm tới 40% trữ lượng khí đốt trên thế giới, đó là chưa cộng thêm những Ai Cập, Irắc rồi Arập Xêút,v.v đều có tên trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới sở hữu loại nhiên liệu ấy.

Cảnh lầm than chưa phải đã xa

Vẫn còn đấy những trang sử các nước Vùng Vịnh và toàn thế giới Arập nói chung, về cảnh lầm than khi bị nước ngoài đô hộ; về những xóm chài nghèo xác xơ với những người đàn ông đen sạm lặn ngụp mò ngọc trai quanh năm để làm đẹp cho các quý bà ở trời Âu, kiếm đồng tiền còm đã qua nhiều cầu để nuôi sống vợ con; hoặc những tốp người du mục với những đàn cừu vật vờ kiếm ăn trên sa mạc, mà cả hai đều nhìn rõ từng chiếc xương sườn của nhau; rồi những đô thị toàn nhà thấp tè, trát kín mít bằng bùn trộn phân ngựa để chống nóng,v.v. Thế rồi, đùng một cái, dầu khí được “móc” lên, đã làm nơi đây thay đổi tất cả, nhất là diện mạo, để rồi bây giờ ngay cả khách sạn 5 sao cũng bị nhiều người ở đấy chê xoàng; Ôtô dùng hai năm chưa thay là có vấn đề về tài chính, mà toàn xe hạng sang, còn tầm trung không thể tìm được chỗ đứng ở đó, chẳng khác gì áo đi mưa vậy, vì mưa cả năm dồn lại cũng không đủ ướt áo; Đám cưới toàn nội (để thuần chủng nòi giống) được nhà vua bán cho một tòa biệt thự rộng thênh thang với đầy đủ tiện nghi, từ chiếc thảm chùi chân, với giá 1 USD; Hoặc chỉ trong một chuyến công du châu Âu, một ông hoàng Arập đã cho mua 25 nghìn USD toàn áo sơ mi để về tặng mọi người cho vui.

24614.jpg

Khách sạn 7 sao ở Dubai​
Dầu khí phân hóa xã hội

Thế đấy, sự giàu có của một bộ phận người Trung Đông nhờ dầu khí, chắc phải kể nhiều ngày cũng không hết, nhưng không phải tất cả đều được thừa hưởng những đồng đôla dầu khí ấy. Ở Nigiêria có một nghịch lí là càng sống gần nơi khai thác dầu, càng nghèo, và sản lượng dầu năm nào càng cao, dân càng đói. Cũng như thế, 60% dân số Ai Cập nghèo khó và mù chữ không còn là chuyện lạ, và người Irắc coi bữa cơm no là cỗ cũng là bình thường ở nơi mà họ chắc phải còn lâu lắm may ra mới được làm chủ mình. Không gì khác, chính nguồn dầu khí tưởng như vô tận kia đã phân hoá xã hội Arập và toàn khu vực Trung Đông nói chung. Nếu gạt sang một bên những từ mĩ miều, như dân chủ, tự do chỉ có trên báo chí, dường như mọi xã hội nơi đây sẽ chỉ còn trơ trọi những thang bậc giàu-nghèo, sang-hèn, vì phú quý không bao giờ dành cho tất cả. Dầu khí đã kéo một bộ phận lên tận mây xanh của sự giàu có, nhưng cũng ấn số còn lại xuống đáy của bần cùng.

Dầu khí sinh ra chiến tranh

Không khó gì để nhận thấy chính dầu khí là cha đẻ của hàng loạt cuộc chiến tranh, xung đột trong lịch sử hiện đại ở Trung Đông, từ cuộc chiến Iran-Irắc, đến chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, thứ hai, hay xung đột ở Dafour của Xuđăng, hoặc những lần rải thảm gươm giáo ở Kurdistan thuộc miền bắc Irắc, v.v. Mọi lập luận, kiểu như “đưa dân chủ đến nước nọ, vùng kia; hay loại trừ bạo chúa; rồi giải giáp vũ khí giết người hàng loạt và đưa ánh bình minh tới phía Bắc, v.v..” đều là lừa đảo, giả dối, che đậy một sự thật cũ mèm là các tác giả của những lập luận ấy chỉ muốn vơ được thật nhiều dầu khí của Trung Đông, hoặc từ một vùng miền nào đó trong đất nước mình vào túi tham của họ. Liệu người Cuốc ở Kurdistan thuộc Irắc, hay người bản xứ ở Dafour của Xuđăng một thời có bị chết như rạ không, nếu đấy chỉ là nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi? Có phải Mỹ quá lo cho an ninh thế giới trước mối đe doạ hạt nhân (thực ra chỉ là tưởng tượng) của Irắc, đến mức phải điều hơn 150 nghìn quân tới đó, để rồi hơn 4 nghìn người trong số ấy mất mạng, kéo theo hơn một triệu người địa phương đi theo không? Bóng ma bom nguyên tử của Iran có đủ làm cho phương Tây khiếp vía đến như thế chăng, hay chính là an ninh trên eo biển Hormuz, nơi được coi là cuống họng để dầu khí của Trung Đông đi ra nuôi sống nền kinh tế toàn cầu, cũng như nguồn vàng đen vô tận của Iran và toàn Vùng Vịnh? Thế đấy, dầu khí vừa đẻ ra tiền bạc, để những ai đó được sống trên tiền, nhưng nó cũng lại sinh ra chiến tranh, loạn lạc, gây ra hàng triệu cái chết thương tâm, làm cho không ít tộc người, hay cả một quốc gia, một khu vực, bị tan đàn, xẻ nghé, vỡ ra từng mảng, chìm trong nước mắt hận thù, đói nghèo và chết chóc.

Cái gì cũng có hai mặt

Bất cứ nền kinh tế nào, dù mạnh đến mấy, nhưng nếu chỉ dựa vào một phương thức hoạt động, hay một ngành hàng, mặt hàng, ắt có ngày chao đảo, và dầu khí đối với các nước Trung Đông cũng như thế. Sẽ là không hẳn đúng khi nói rằng nếu một thùng dầu giá đã trên 140 USD, các nước ở đây sẽ bộn tiền, cuộc sống lại lên một nấc nhung lụa nữa. Điều đó có thể chỉ đúng với một bộ phận nhỏ, còn dân chúng, chẳng khác gì các nơi khác, đang phải đối mặt với cơn bão giá, nhất là xưa nay, họ đã quá quen với những nền kinh tế dường như không có lạm phát, và mọi thứ thiết yếu, từ que tăm, mớ hành đến tivi, tủ lạnh, đều nhập tuốt tuột, giá cả ổn định, còn nay, ngay cả các nước giàu có nhất nhì thế giới ở vùng Vịnh cũng đã lạm phát hai con số. Tối lên giường, sáng ra chợ giá bó rau đã tăng gấp rưỡi, giầu mấy cũng choáng, thế nên mới có cảnh chém giết nhau khi xếp hàng mua bánh mì ở đây trong những ngày này. Cách đây mấy năm, khi tới những nơi chỉ cần 1 USD mua được 12 lít xăng, vừa bằng một chai nước tinh khiết 1,5 lít, tôi thấy bình thường, nhưng vừa rồi, khi biết tin các nước vùng Vịnh đang triển khai dự án thuê đất trồng lúa ở tận Inđônêxia, mới ngộ thêm ra cái giá phải trả của nền kinh tế chỉ đứng bằng... một chân.

Và nữa, tôi đã gặp những ông chủ Arập chỉ biết ngồi đếm tiền bán dầu, và cũng đã gặp những cậu ấm của họ, tuy học lớp cuối phổ thông, nhưng khi bị tuột dây giầy, cũng không biết xoay xở ra sao, phải gọi người hầu. Hoặc nữa, công sở ở những nơi ấy, chỉ có cấp trưởng là người địa phương, còn lại là lao động nước ngoài, hoặc đã nhập cư, hoặc đang làm thuê. Thế đấy, nguồn thu quá lớn từ dầu khí đã làm cho người ta lười hẳn đi, thụ động đi, kiểu như gà công nghiệp. Thu nhập cao chưa hẳn đã giúp con người và xã hội phát triển toàn diện, đồng đều, là thế!

Theo Phạm Phú Phúc(P/v TTXVN tại Trung Đông) - baotintuc.vn​
 
Chương 4: TRUNG ĐÔNG, NƠI CHẤT CHỨA HẬN THÙ, BẠO LỰC VÀ CHIẾN TRANH

Hận thù sinh ra bạo lực và nuôi sống chiến tranh

Có lẽ không nơi nào trên thế giới, lòng hận thù lại đan xen, sâu sắc và dai dẳng đến thế như ở Trung Đông. Đau khổ ở chỗ cùng với thời gian và những biến cố lịch sử, những thù hận cứ thế chồng chất mãi lên, rồi sinh ra chiến tranh, mâu thuẫn tôn giáo, phe phái, dòng tộc, để cuốn tất cả vào vòng xoáy bom đạn. Khởi nguồn là mối thù giữa dân tộc Arập với người Do Thái, giữa đạo Hồi với các tôn giáo khác và giữa các dòng của đạo Hồi với nhau, từ đó, cứ quanh quẩn mãi vòng hận thù-bạo lực-chiến tranh.

25614%20(2).jpg

Tàn phá, chết chóc là hình ảnh thường thấy ở Dải Gaza từ hơn 40 năm nay. Ảnh: AFP - TTXVN

Dù thế giới văn minh ngày nay không có chỗ cho hai dân tộc sống cạnh nhau, nhưng như nước với lửa, song nó vẫn cứ thế với người Arập và người Do Thái. Bỏ qua lịch sử cổ đại do khuôn khổ bài báo có hạn, sáu thập kỷ nay, mối hận thù ấy không hề phai nhạt, mà ngược lại, chính nó đã gây thêm những hận thù, mâu thuẫn và chém giết mới cả ở Ixraen và các nước Arập, khiến máu chảy thành dòng, cả vùng luôn khét lẹt mùi thuốc súng.

Trở lại với “nước và lửa”: Chỉ với 60 năm, từ 1948, người Arập và người Do Thái đã 6 lần giao chiến lớn, còn xung đột cỡ dăm bẩy người chết, vài ba chục bị thương, nhiều như cơm bữa, và tất cả đều do mâu thuẫn dân tộc, tranh giành đất đai. Cuộc chiến đầu tiên giữa họ xẩy ra vào sáng sớm 15/5/1948, một ngày sau khi Ixraen lập quốc, mà lẽ ra hôm đó Nhà nước Palextin cũng phải được ra đời theo Nghị quyết 181 của LHQ, nhưng do phía Arập phản đối sự chia đất không công bằng của 181, nên đã xảy ra chiến tranh giữa một bên là các nước Arập, gồm Xyri, Libăng, Gioócđani, Aicập, Irắc, Palextin với Ixraen, hậu quả là đất đai của Palextin bị mất gần sạch vào tay Ixraen và một số nước Arập tham chiến. Thế nên, người Palextin gọi đây là ”Al-Nakba” (Ngày thảm họa), còn Ixraen thì ngược lại, - ngày lập quốc.

Pháp và Anh đã biết lợi dụng lòng thù hận của Ixraen, lôi nước này vào cuộc chiến chống Ai Cập do Tổng thống Gamal Abdel-Nasser quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez, nơi hai nước trên là các cổ đông lớn. Ngày 29/10/1956 quân Ixraen tràn sang Ai Cập, đẩy chủ nhà vào thế thất trận, bị mất cả bán đảo Sinai (là một bên bờ của kênh Suez), lẫn Dải Gaza, nơi Ai Cập “giữ hộ” Palextin sau cuộc chiến 1948. Ngay lập tức, Anh và Pháp mượn cớ, đưa 22 nghìn quân nhẩy vào, dư sức đánh gục đối phương, nhưng bị LHQ, Mỹ và Liên Xô phản đối, đành bỏ dở kế hoạch tái chiếm kênh Suez “hái ra tiền”, và rút quân vào tháng 12 năm đó, sau những thiệt hại không đáng kể, Ixraen cũng phải rút quân theo, trong khi Ai Cập bị mất gần một nghìn quân, nhưng đổi lại, có toàn quyền với kênh Suez.

Nếu hận thù đã giảm, thì 11 năm sau, vào sáng 5/6/1967, quân Ixraen đã không chia làm ba mũi, bất ngờ đồng loạt tấn công đối phương, trước khi Liên minh Arập, gồm Ai Cập, Xyri và Gioócđani, với 465 nghìn quân, gần 3000 xe tăng và hơn 800 máy bay đang chuẩn bị đánh úp họ, gây ra cuộc chiến tranh lần thứ ba, tuy chỉ kéo dài 6 ngày, nhưng lại là cuộc chiến tệ hại nhất với người Arập, vì bị mất quá nhiều đất, từ Sinai, sang Gaza, khu Bờ Tây, thậm chí cả vùng ngoại ô thủ đô Amman của Gioócđani, rồi ngược lên Cao nguyên Gôlan của Xyri. Không chỉ thế, phía Arập bị mất 16 nghìn quân, 10 nghìn người bị thương, so với chỉ có hơn 2 nghìn của đối phương. Ixraen thắng được nhờ một lí do rất quan trọng là Liên Xô lúc bấy giờ và Mỹ không có ý định can thiệp vào chảo lửa này, nhất là Mỹ, đã bắt đầu lâm nguy trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Điều rất đáng nói là cuộc chiến này đã chia rẽ mạnh mẽ thế giới Arập, và đẻ ra các phong trào Hồi giáo quá khích ở Trung Đông.

Khi chưa hết hả hê với chiến thắng, đang nghỉ Lễ Yom Kippur (Sám hối), chiều 6/10/1973, Ixraen bất ngờ bị Ai Cập và Xyri thọc sườn, đánh cả từ phía nam lẫn bắc để rửa hận và cố chiếm lại đất đã mất lần trước. Yếu tố bất ngờ, và có phần chủ quan của đối phương, đã giúp người Arập chiến thắng (lúc đầu) trong cuộc chiến thứ tư này, dồn được Ixraen vào thế phòng ngự, giành lại được Gôlan trong…hai ngày đầu, nhưng rồi lại để tuột tay luôn, và lấy lại được một phần bán đảo Sinai,v.v. Cuộc chiến kết thúc vào cuối tháng ấy bằng Nghị quyết 338 của HĐBA LHQ. Ixraen tự nhận thua vì nướng 2.700 quân, đất nước bị xáo trộn, chia rẽ, và mất trắng nhiều tỷ USD, trong khi tại thế giới Arập, kể từ đó, có rất nhiều thành phố, làng mạc được mang tên ”Mùng 6 tháng Mười” để nhớ về “chiến thắng đầu tay” ấy, trong đó có thành phố vệ tinh của Cairô, nơi Phân xã TTXVN tại Trung Đông đặt trụ sở.

Còn hai cuộc chiến nữa, xẩy ra năm 1982 và 2006, đều ở Libăng, tuy nhỏ hơn, nhưng vẫn nằm trong số 6 cuộc chiến khốc liệt giữa Ixraen với các nước Arập, cộng với vô số lần xung đột nhỏ lẻ, và hai Intifada (Cuộc nổi dậy - 1987 và 2000) của người Palextin, đều do hận thù dân tộc truyền kiếp giữa người Arập và người Do Thái, trong khi cuộc chiến tranh Iran-Irắc, và Irắc-Côoét, hay nội chiến ở Libăng, xung đột ở Gaza của Palextin,v.v lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ và tôn giáo, song về sâu xa, nó đều ít nhiều liên quan tới cuộc khủng hoảng quan hệ Arập-Ixraen. Đấy là chưa kể cuộc chiến tranh xâm lược Irắc của Mỹ năm 2003, làm hơn một triệu người chết, ngoài tham vọng dầu lửa của Mỹ, không thể nói nó nằm ngoài mối hận thù dân tộc trong và ngoài vùng.

Thế đấy, hận thù chồng chất, kéo theo chiến tranh và bạo lực liên miên, và như vậy, một Giáo chủ ở Libăng vẫn còn đúng khi nhận định chỉ khi nào Thánh Allah không tạo được sự khác biệt giữa ngày và đêm, Trung Đông mới hết khói lửa chiến tranh. Không! Hy vọng rồi đây ông ta sẽ bị sai, bởi ánh sáng hòa bình, hữu nghị đã tỏa muôn nơi rồi, chả lẽ cứ chừa mãi vùng này sao?

Theo Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông)-baotintuc.vn​
 
Sửa lần cuối:
Chương 5: TRUNG ĐÔNG VÀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG KHÁC LẠ

Thật đúng đắn khi nói rằng nếu bạn chuẩn bị đi xa tới một miền đất mới, hãy chuẩn bị cho mình những hiểu biết nhất định về nền văn hóa, phong tục, tập quán của người địa phương vì nếu hiểu được điều đó thì đã là một bảo đảm cho sự thành công của chuyến đi. Một nhà báo phương Tây nhiều năm lăn lộn ở Trung Đông còn đúng hơn khi nhận định sự chuẩn bị ấy, ở nước ngoài cần gấp đôi, nhưng nếu đến khu vực này, cần gấp năm, gấp bẩy rồi mà vẫn thiếu.

Mọi việc đều chầm chậm, từ từ

Đến Trung Đông, sẽ rất khó cho ai không thạo đường, do với người địa phương, giúp đồng loại là điều kinh Koran dạy từ tấm bé, và họ thấy “có lỗi” nếu được hỏi đường mà không chỉ, nên dù không biết, vẫn… chỉ đại: Người bảo đi thẳng, kẻ mách lộn xe lại, chẳng biết đâu mà lần. Chịu thế trong nội thành còn đỡ, khổ nhất ngoài đường trường, thí dụ từ Hà Nội vào Thanh Hoá, lẽ ra phải xuống phía nam, nhưng họ cứ chỉ ngược lên mạn bắc, để tới… Lạng Sơn, âu cũng… quá bình thường, trong khi biển báo rất ít, mờ nhạt, hoặc có chỗ toàn bằng tiếng Arập. Ngay ở sân bay quốc tế Tripôli của Libi, tôi chứng kiến mọi thông tin đều chỉ dùng tiếng Arập. Khó ló khôn, những lúc ấy, chúng tôi cứ “nhằm” cánh đàn ông mặc complê, xách catáp, chắc chắn xác suất được chỉ đúng sẽ cao hơn hẳn. Lạ nỗi, dù chỉ đúng, hay sai, hoặc trước khi làm bất cứ việc gì, do thiếu tự tin, mọi người ở đây đều nói ”Inshaallah” (Hồng đức của Thánh), ý nói phải nhờ Thánh Allah nữa thì việc ấy mới tốt được.

26614.jpg


Khách sạn Tulip ở Đubai
Ai nhanh nhẹn, hoạt bát mấy, đến Trung Đông cũng nên biết ”nhấn phanh”, kẻo luôn hỏng việc, vì tại đây, người ta đều chầm chậm, từ từ. Thủ trưởng ký rồi, xuống văn thư xin dấu, được hẹn ”Bukra” (Ngày mai); Đi khám bệnh, mang phim X quang cho bác sĩ đọc, bảo ”Bukra”, dù trước đó đã phải mất mấy cái hẹn như thế mới có được tấm phim kia. Đã có lần, chính người viết bài này do không chịu thêm được bệnh tật, buộc phải “phản ứng”, bảo thày thuốc nếu cứ ”Bukra” mãi thế, e tôi không còn gặp được ông nữa, nhờ vậy mới có được đơn thuốc sau khi phải chờ chừng 20 phút cú điện thoại của ông. Xin nói thêm, thông thường ”Bukra” không mấy khi đã là ”Ngày mai”, mà là một tuần, một tháng nữa, thậm chí là ”Không bao giờ”. Thế nên, nếu ai đó nói ”Bukra” đến thăm, bạn chớ vội lo đón tiếp, hoặc được hẹn mai đến lấy giấy tờ, thì cứ 10 ngày sau hãy tới, nếu được cũng là may chán rồi. Lại nói chuyện điện thoại, có lẽ đây là nghề kinh doanh “trúng” nhất ở vùng này, vì ai cũng “nghiện nặng” dịch vụ ấy, với những cú đàm thoại dài vô tận, nên tới đâu, nếu gặp lúc chủ nhà có điện thoại, xem như… lỡ việc.

Được hẹn đến mà không tới; đồng ý tiếp, nhưng… quên; bảo ra sân bay đón… rồi bỏ đi thành phố khác,v.v, là những chuyện quá đỗi bình thường, chớ nên trách cứ làm gì, vì tất cả sẽ đều có chung câu trả lời ”Malưsh” (Không sao cả!). Người ta ”Malưsh” do lỡ hẹn; vì dẫm vào chân nhau chỗ đông người; do va quệt vào xe của bạn, hay gây bực tức cho người khác, thậm chí là cả khi huỷ hợp đồng, bỏ đối tác,v.v, xem đấy vừa như một câu an ủi, vừa hàm ý điều vừa xảy ra nằm ngoài ý muốn của người gây ra nó, đấy đã là sự sắp đặt của ”Ai” đó rồi. Ở đây, ai cũng hiểu như thế, nên ”Malưsh” mặc nhiên được tất cả chấp nhận ở mọi nơi, mọi lúc, ngay cả khi… bực muốn chết.

Thời công nghệ thông tin hiện đại, IBM-tên viết tắt từ tiếng Anh (International Business Machines) của Tập đoàn công nghệ máy tính khổng lồ, đa quốc gia, có trụ sở ở New York, Mỹ, không mấy xa lạ với mọi người. Song, ít ai biết rằng ở đây, nhóm nhà báo nước ngoài chúng tôi, đã mượn cái tên IBM ấy, nhưng viết tắt theo tiếng Arập (Inshaallah - Bukra - Malưsh) vừa kể, để nói về những tính cách rất đặc trưng của người dân thân thương, gần gũi mà hàng ngày chúng tôi được tiếp xúc, và đều được họ rất thích thú với “IBM” của mình, bảo quá đúng, quá hay.

Những khác lạ buồn cười đến khó chịu

Chưa hết, tới vùng này, khi dòng xe đang lưu thông, xin chớ ngạc nhiên và bực tức nếu phải dừng lại do chủ hai xe phía trước bất chợt đỗ khựng, xuống kính để… “nói chuyện qua loa” do lâu ngày mới gặp; hoặc hai chàng lái tắcxi tắt máy để… đổi tiền lẻ. Họ chia sẻ tình cảm và giúp nhau mà, ai nỡ trách! Hoặc, giữa khúc “cua”, có xe lù lù đỗ trước mặt, cũng nên hiểu là… không sao, vì chủ của nó… cần đỗ ở chỗ ấy! Nếu đi mua giày dép, áo quần, phải rất chú ý, kẻo bị mỗi chân một cỡ, hoặc quần nọ, áo kia,v.v. ”Malưsh” mà!. Cũng như vậy, phải rất cẩn trọng khi trả tiền dịch vụ, thí dụ cùng một điện thoại để bàn, nhưng tiền gọi nội địa có hoá đơn riêng, gọi quốc tế lại một phiếu thu khác, và gọi vào máy di động… có hẳn một “Faktoura” (biên lai) nữa, rối mù cả lên, đó là chưa kể những nhầm lẫn, sai sót, do sự thờ ơ, cẩu thả vô độ của con người. Nhưng, tất cả cũng ”Malưsh” cả thôi!

Phân hóa giàu nghèo - mảng tranh tối của Trung Đông

26614a.jpg

Khu nhà ổ chuột ở Arập Xêút.​

Có lẽ bức tranh xã hội tối màu nhất ở Trung Đông là sự khác biệt quá lớn giữa người giầu-kẻ nghèo, thành thị-nông thôn, chốn phồn hoa-nơi heo hút, mà chắc không dễ khắc phục. Chỉ cần vài giờ chạy xe hơi, bạn sẽ từ những bàn tiệc thịnh soạn, các cửa hiệu sáng choang, nơi chưa cần mua đã được mời trà ngon, bánh ngoại, để đến những chỗ chỉ có một dòng kênh đen ngòm được dùng để tắm giặt cho cả một xóm vắng; hoặc từ những cuộc tiếp xúc, nơi các quý ông, bà, cô, cậu, dùng rặt tiếng Tây, vì nói tiếng mẹ đẻ nó cứ… “làm sao ấy (?!)”, để tới những vùng ngay thanh niên cũng không biết đâu là chữ “a” ngược, “a” xuôi. Tôi vẫn nhớ có lần đi tới nơi xa tít ở một vùng quê nọ, vào thăm chợ, nếu mua gì, gọn cả chục, thì người bán… tương đối dễ tính tiền, còn mua lẻ, chẳng hạn 6-7 cái, xin cứ lần lượt trả theo đơn giá… từng cái một, để “đừng làm khổ tôi” (Người bán) nữa. Hỏi máy tính tiền cầm tay? - Đâu có biết nó là cái gì. Đúng là cười ra nước mắt là thế!.

May thay, tuy vẫn “chầm chậm, từ từ”, nhưng hình như mọi cái đã bắt đầu thay đổi. Mà phải như thế, vì đấy là xu thế tất yếu, nhất là lúc thiên hạ giàu có, một phần nhờ biết cách “rút ruột” Trung Đông, đã nhận ra rằng bất công, đói nghèo và lạc hậu luôn đồng hành với nhiều tệ nạn, thậm chí là tai hoạ cho chính họ, rõ nhất là khủng bố, cái mà nơi đây thường bị gắn cùng.

Theo Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông) - baotinuc.vn​
 
Ai nhanh nhẹn, hoạt bát mấy, đến Trung Đông cũng nên biết ”nhấn phanh”, kẻo luôn hỏng việc, vì tại đây, người ta đều chầm chậm, từ từ. Thủ trưởng ký rồi, xuống văn thư xin dấu, được hẹn ”Bukra” (Ngày mai); Đi khám bệnh, mang phim X quang cho bác sĩ đọc, bảo ”Bukra”, dù trước đó đã phải mất mấy cái hẹn như thế mới có được tấm phim kia. Đã có lần, chính người viết bài này do không chịu thêm được bệnh tật, buộc phải “phản ứng”, bảo thày thuốc nếu cứ ”Bukra” mãi thế, e tôi không còn gặp được ông nữa, nhờ vậy mới có được đơn thuốc sau khi phải chờ chừng 20 phút cú điện thoại của ông. Xin nói thêm, thông thường ”Bukra” không mấy khi đã là ”Ngày mai”, mà là một tuần, một tháng nữa, thậm chí là ”Không bao giờ”. Thế nên, nếu ai đó nói ”Bukra” đến thăm, bạn chớ vội lo đón tiếp, hoặc được hẹn mai đến lấy giấy tờ, thì cứ 10 ngày sau hãy tới, nếu được cũng là may chán rồi. Lại nói chuyện điện thoại, có lẽ đây là nghề kinh doanh “trúng” nhất ở vùng này, vì ai cũng “nghiện nặng” dịch vụ ấy, với những cú đàm thoại dài vô tận, nên tới đâu, nếu gặp lúc chủ nhà có điện thoại, xem như… lỡ việc.
Cái này Việt Nam thua à :))

Ít ra cũng thấy Việt Nam năng động hơn gấp nhiều lần ấy chứ, hihi
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top